Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, March 18, 2024

Giải khăn sô cho Huế (chương 7)


Tác giả Nhã Ca.-

Chương 7

Chuyện từ thành nội

Không hiểu do một phép lạ nào mà ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn.

Chúng tôi sống chật hẹp trong chiếc hầm đào sâu xuống đất, trên miệng hầm, xung quanh chất toàn bao cát, như vậy là đã mười mấy hôm.

Chuyện gì? À, mấy ngày đầu. Mấy ngày đầu thì đâu có gì kinh hoàng. Cũng như các vùng khác, đêm mồng một, chúng tôi nằm lăn sát đất, chui cả xuống gầm giường vì tiếng súng bắn khắp mọi phía. Sáng ngày ra là Việt cộng đã đầy nhà, đầy vườn. Họ đi lại ngoài đường đông nghẹt. Ðồng phục à? Không. Họ vận đủ các thứ quần áo. Có tốp mặc áo ka ki hẳn hoi, nhưng phần đông họ mặc quần đùi. Ðặc biệt là người nào cũng có đeo băng màu nơi tay, hoặc quàng khăn nơi cổ.

Chuyện gì xảy ra vậy? Huế mất rồi sao?

Chúng tôi nhìn nhau dò hỏi, muốn chạy qua hàng xóm hỏi thăm tin tức cũng không được nữa. Ai ở yên nhà nấy. Và họ ra lịnh mỗi nhà phải tự đào hầm lấy bắt đầu tập chịu đựng gian khổ để chiến thắng. Chúng tôi đã lấy được Huế, các nơi đang đánh nhau, đợi toàn quốc chiếm được hết là thắng lợi. Quân giải phóng nói vậy.

Mấy ngày đầu vui lắm. Họ nấu cơm, ăn uống trong nhà chúng tôi. Nghe nói họ sẽ tổ chức liên hoan nữa. Rồi họ chở đâu tới thiệt nhiều mứt bánh, nhất là bánh tét, và họ ăn uống lu bù. Ăn như chưa bao giờ được ăn.

Hôm đầu tiên tôi sợ lắm, gia đình tôi cũng sợ cho tôi nữa. Tôi là con một, lỡ có chuyện gì chắc mạ tôi không chịu nổi. Nhưng mấy ngày đầu thiệt êm thắm. Tôi còn được nghe họ nói chuyện nữa chớ. Họ nói chuyện vui lắm. Em tôi hỏi cả chuyện ngoài Bắc, họ nói đời sống ngoài Bắc no đủ. Nhưng nhiều anh cán binh Bắc Việt nhìn mấy cô gái mặc quần ống chật, áo sơ mi hoa hòe thì tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi nghe họ xì xào với nhau:

“Con gái ở trong này đẹp quá, ăn mặc đầy đủ quá.”

Mấy chị nữ cán bộ thì ghét ra mặt. Bởi vậy, qua ngày thứ hai, các cô gái Huế trong thành nội biết được sự không ưa thích đó và thay đổi lối ăn mặc liền. Mấy ngày đầu êm ru, thỉnh thoảng lắm mới nghe tiếng súng nổ xa thiệt xa, đâu phía bên hữu ngạn, mà tận vùng ngoại ô, không ai để ý nữa.

Có mấy nữ cán bộ vác xe của thiên hạ ra tập. Nhiều nhà đã trốn ra Gia Hội được từ hôm đầu, ngay tờ mờ sáng. Họ đi thật là dại, ban đầu chúng tôi nghĩ thế. Nhà họ bỏ không, mấy cô nữ cán bộ tha hồ mà vào lục lọi. Vật mà các cô ưa thích nhất là xe đạp và xe Honda. Nhìn thấy các cô cán bộ xăn áo xăn quần đến háng mà tập xe đạp thì không nín cười được. Nhưng buồn cười mà đâu có dám cười, chúng tôi lo sợ cho tương lai lắm. Chưa biết rồi sẽ ra sao. Mấy anh lính Việt cộng có vẻ lạc quan. Toàn quốc thắng trận, đồng bào yên tâm. Họ báo tin cho biết vậy. Và ở trong thành nội, chúng tôi ngạc nhiên thấy họ tràn vào khơi khơi, tôi không thấy có vẻ gì là đụng độ, đổ máu cả. Chắc tại tôi không ra khỏi nhà. Ngay từ sáng tinh sương ngày mồng hai, má tôi đã đóng chặt cửa lại, chúng tôi chỉ được nhìn ra đường qua kẽ hở.

Nhưng dù qua một kẽ hở rất nhỏ, tôi cũng nhìn thấy ngoài đường rất đông người đi lại. Các anh lính Việt cộng đều mang băng xanh hoặc băng trắng nơi cánh tay áo.

Không khí đường phố thay đổi thật đột ngột, bên cạnh những khuôn mặt lo lắng núp sau những cánh cửa, có những bộ mặt tươi cười, ra chiều hết sức hớn hở. Nhà ông giáo Kê, một người đàn ông đứng tuổi đã bỏ nhà đi tập kết hơn mười năm, bỗng xuất hiện. Ông ta có một bà vợ hàng ngày đi bán chè và một cậu con trai khoảng chừng 17, 18 tuổi. Sự xuất hiện của ông giáo Kê làm mọi người lo lắng. Mạ tôi nói giọng run run:

“Thôi chết rồi, ông nớ về là ông biết hết trong vùng ni, thế nào ông cũng bắt bớ lung tung cho coi.”

Tuy lo vậy, nhưng nhân vật ông giáo Kê cũng chưa làm cho chúng tôi kinh hoàng bằng hai căn nhà ngay ở đầu đường Nguyễn Hiệu bỗng trở thành nơi ra vào tấp nập của các anh cán binh Việt cộng. Người ta đồn với nhau có hai nữ sinh viên là cán bộ nằm vùng. Hai cô ở ngay căn nhà đầu đường, có người trông thấy hai cô mặc quần tây, áo sơ mi, đội nón lá đi đi lại lại trên đường, lưng đeo súng lục kiểu Tiệp Khắc. Tôi không biết được tên của các cô, nhưng người ta cho biết hai cô là sinh viên trước ở Sài Gòn. Tôi đoán một vài tên trong số bạn cũ quen thuộc, nhưng chưa có gì làm bằng cớ chắc chắn.

Cũng nơi đường Nguyễn Hiệu, một ông thợ mã trước theo Việt cộng, đã trở về hồi chánh nay trở thành cán bộ nằm vùng. Người ta lo nhất là bộ mặt này. Anh ở đây đã lâu, và thế nào anh cũng lập công, chỉ điểm một số thường dân. Má tôi lo lắng hỏi tôi có làm chi cho ông ta thù oán không. Tôi suy nghĩ mãi không tìm ra chuyện gì, tuy nhiên tôi cũng không an tâm. Mấy ngày liền tôi không dám ra đường. Má tôi hễ thấy mặt tôi ló nhìn ra khe cửa là lôi lại, kéo tuốt vô trong buồng, đóng cửa kín mít.

Nhưng mấy ngày qua, tôi chưa thấy chuyện gì lạ xẩy ra, ngoài việc các người lính Việt cộng vào từng nhà bắt đi học tập. Tôi lại được mạ tôi đem dấu trên trần nhà. Con em gái tôi phải đi học tập. Khi về, nó cho biết là lớp học được tổ chức ở nhà ông giáo Kê. Tôi hỏi học những gì, nó cho biết là người ta yêu cầu các cô vào từng ban, ban cổ động, ban cứu thương, ban tiếp tế. Tôi hỏi nó chọn ban gì thì nó chỉ cười lắc đầu:
“Em run bất chết. À, em có gặp…”

Tôi hỏi nó gặp ai thì nó làm thinh, mặt lộ vẻ sợ hãi. Tôi gạn hỏi thêm mấy lần, nó vẫn không dám nói. Nó còn tiết lộ cho tôi biết là thanh niên sinh viên bị bắt đi học tập đông lắm.

Cả ngày hôm đó, tôi không ăn cơm được, tôi cảm thấy cổ họng khô đắng. Hình như tôi sắp cảm nặng. Câu nói nửa úp nửa mở của đứa em gái làm tôi không an tâm. Tối hôm đó, tôi rời khỏi trần nhà xuống đất nằm, tôi hỏi lại nó. Lần này giọng nó run run như sắp khóc:

“Em gặp cô Ðoan, cô Ðoan ở đầu đường mình đó anh.”

“Hai cô lận mà?”

“Thì cô Ðoan với cô Kim ở đối diện nhà nhau đó.”

“Nó có nhìn ra em không?”

“Có, nó hỏi anh đi mô mà không tới học tập, em nói anh đi về quê hôm hăm tám Tết. Nó cười, nói ngày mồng một nó gặp anh đi ra cửa Ðông Ba với anh Hạo, anh Toàn. Em lo quá.”

“Rồi em trả lời răng?”

“Em làm thinh.”

“Nó nói chi nữa không?”

“Có, nó khuyên em nên gia nhập mặt trận liên minh, hòa bình chi đó. Em cứ làm thinh. Nó nói em giúp nó được. Nó hẹn sẽ gặp em sau.”

“Em thấy thầy Ðóa đi họp không?”

“Em không thấy thầy mô hết.”

“Còn ông giáo Kê về ra răng?”

“Ông giáo Kê diễn thuyết hăng lắm. Em sợ quá chả nghe gì hết, mà có nghe cũng không hiểu. Anh nì, ông đi tập kết về râu dài tới ngực, coi dễ sợ quá. À anh, em thấy hình như có anh Ðắc nữa.”

“Ðắc?”

Tôi kêu lên sửng sốt. Thôi chết rồi, Ðắc đã trở về. Nhưng tôi không tin Ðắc có thể là một người cộng sản được. Ngày trước, tôi cũng có chân trong nhóm tranh đấu với Ðắc. Ðắc thường tâm sự là anh không thể chấp nhận cộng sản. Rồi một thời gian sau, vì bị theo dõi, ruồng bắt, Ðắc trốn đi.

Có người nói Ðắc với Ðoan với Ngọc cùng trốn một lượt. Lần này Ðắc trở về, chắc Ngọc và Phan cũng trở về rồi. Tôi thầm lo ngại, ngày trước Phủ có một cô nhân tình cũng ở trong thành nội này, sau khi Phủ đi ít lâu, cô tình nhân đã vội thay lòng đổi dạ theo một người khác. Ngoài việc bị khổ sở vì trốn tránh, Phủ còn mất luôn người yêu nữa. Lần này nếu trở về, chắc Phủ sẽ đau khổ ghê lắm. Liệu chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi hỏi gặng mãi em gái tôi có nhìn thấy Phủ không. Có ai nhìn thấy Phủ không? Nó quả quyết là nó không thấy, cả bạn bè của nó đi họp cũng nói không thấy. Tôi hơi yên tâm và mừng thầm cho kẻ phản bội. Nếu Phủ trở về, thêm một mối thù hận nữa, cô bé thay lòng kia chắc cũng không tránh được hậu quả thương tâm. Nhưng em gái tôi cười gượng:

“Anh tưởng về tới Phủ mới biết răng! Em tin là Phủ không chấp nhận mô. Nhưng Phủ và Ngọc không có mặt ở nội thành.”

Tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại bạn bè cũ. Dù Ðắc, dù Ngọc, dù Phủ có bỏ đi, có theo lý tưởng nào nữa, dù thù nghịch với tôi, tôi cũng vẫn còn giữ những kỷ niệm về họ. Tôi tự tin tôi, tôi tin bạn bè. Trước đây, Ðắc đã bị dồn đến bước đường cùng, phải trốn theo bên kia, nhưng sự có mặt của Ðắc không còn làm tôi lo sợ nữa, mà nghĩ tới Ðắc, tôi bỗng cảm thấy yên ổn hơn một chút. Tôi định bụng là phải gặp cho được Ðắc. Tôi không tin là có chuyện gì sứt mẻ trong tình bè bạn. Ngày hôm nay, hay ngày mai, thế nào tôi cũng có dịp gặp lại Ðắc. Tôi phải gặp. Tôi hỏi em gái:

“Em có nói chuyện với anh Ðắc không?”

“Em thấy một người giống như anh Ðắc thôi chớ em chưa dám nhìn. Anh ấy đeo băng xanh, có súng nữa.”

“Em coi bộ anh ra răng?”

“Có vẻ trầm ngâm chớ không hách dịch như mấy tên cán bộ nằm vùng khác. Anh biết xóm mình chán chi cán bộ nằm vùng, rứa mà mình biết chi mô.”

Tôi hỏi tiếp:

“Rứa họ học tập cái chi?”

“Thì như anh nằm trên nhà khi mai anh nghe đó. Họ tới nhà họ nói mời đi họp, em định trốn nhưng cô Ðoan cô đứng đầu ngõ gọi ngay tên em nên phải đi. Họ nói đi họp mà họ còn bắt học tập nữa. Rồi họ diễn thuyết, tuyên truyền về thắng lợi.”

“Họ tuyên truyền răng?” Tôi nôn nao.

“Họ nói chiến thắng lấy được Huế là nhờ sự đóng góp của nhân dân. Vậy các trẻ em về nhà tìm những khúc tre, khúc gậy ngắn rồi sơn đen, khi mô nghe tiếng máy bay quân Mỹ ngụy tới thì đem ra chĩa lên trời để bọn Mỹ ngụy tưởng là súng, phải khiếp đảm trước tinh thần chống đế quốc, tay sai của nhân dân Huế. Họ còn nói là đồng bào đừng để cho một tên Mỹ ngụy, một tên Việt gian nào trốn trong nhà. Gặp trường hợp đó phải báo cáo cho giải phóng biết ngay.”

Tôi kinh hoàng:

“Việc xúi con nít sơn khúc tre giả làm súng có thiệt há?”

“Em nghe rõ ràng nì. Họ còn tuyên truyền nhiều lắm. Nì anh, trước khi họp, các anh giải phóng còn đọc khẩu hiệu, rồi đến 7 nhiệm vụ của đảng viên, rồi lời của “bác” Hồ, em nhớ như ri thì phải: Trung với đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Họ hô lớn mà hô nhiều lần, em bất thuộc làu.”

Tôi gắt: Kệ xác họ. Tôi đâu cần phải biết, phải nghe những khẩu hiệu trung thành với bác với đảng. Chính những người lính Bắc Việt đi vô Nam, họ thuộc làu những khẩu hiệu đó, nhưng chắc cũng có người không hiểu tại sao phải trung thành, phải chết.

Nhưng lời tuyên truyền đó đã gây một hậu quả tai hại. Về sau, khi các trận đánh diễn ra, không hiểu vì những tiếng súng ở các hố cá nhân bắn lên, hay vì những dùi, gậy của các em nhỏ bị bắt ra chĩa lên trời mà máy bay bắn xuống như xối xả.

Suốt đêm đó, tôi không ngủ được. Sáng ngày ra đã phải lên trần nhà nằm. Em gái tôi vẫn chạy qua hàng xóm dò tin tức, nhưng tôi không dám chường mặt xuống nhà chớ đừng nói ra đường. Tôi sợ họ biết mặt. Nhất là ông thợ mã hồi xưa là Việt cộng, nay về hồi chánh đã trở thành một cán bộ nằm vùng. Ông không ưa bọn sinh viên như tôi. Rồi còn nhà ông giáo Kê nữa, cả cậu con mười bảy mười tám chi đó, ít khi nói chuyện với tôi đàng hoàng. Em gái tôi đã nói dối là tôi bị kẹt lại ở dưới quê, tôi sợ em tôi mang vạ vì sự có mặt của tôi nữa.

Ngay sáng hôm đó, trước nhà tôi, sau vườn tôi nghe có tiếng cuốc đất. Rồi một lúc sau có tiếng lao xao dưới nhà. Tôi nín thở nằm yên nghe ngóng. Một giọng nói đàn ông lớn tuổi, giọng Quảng Bình thì phải, và hình như nói chuyện với mạ tôi:

“Mẹ phải cho đào hầm. Chúng ta còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Quân Mỹ ngụy có thể đem máy bay tới thả bom để giết nhân dân. Nhưng không sao, chúng sẽ thất bại nặng nề.”

Tiếng chân đi rảo quanh nhà. Tiếng mạ tôi năn nỉ:

“Dạ nhà tui đơn chiếc, ba chúng nó khuất núi lâu rồi, chúng tui mạ góa con côi… Dạ, bánh tét trong nhà làm… Dạ bánh cúng…”

“Ở ngoài Bắc nhân dân ta ăn Tết vui lắm.”

“Dạ.”

“Năm nay, Bác cho chúng tôi được vào đây ăn Tết với nhân dân trong này. Gặp các mẹ, các chị, chúng tôi sung sướng lắm.”

“Dạ.”

“À, tôi quên, giá gạo của bọn Mỹ ngụy bán bao nhiêu một bao?”

“Dạ, mỗi tạ mấy nghìn, ba nghìn có, hai nghìn có.”

“Bọn Mỹ ngụy bán cắt cổ, uống máu nhân dân. Ðợi khi giải phóng xong, gạo chỉ bán năm trăm đồng một tạ.”

“Dạ.”

“Nhà mẹ có ai giúp đỡ đào hầm không?”

“Dạ mạ con tui đào. Ngoài tui với con nhỏ, với thằng con trai lên mười ni còn mấy đứa cháu. Còn có bà dì, bà ngoại. Dạ không dám làm phiền mấy ông.”

Tiếng chân đi vào phía bàn thờ. Tôi đoán ra bước chân mạ tôi vội vã như muốn ngăn lại:

“Dạ mấy hôm nơi bàn thờ dọn rồi.”

Giọng đàn ông cười giả lả:

“Không, mẹ cứ việc cúng chớ.”

“Dạ, cúng… Mà mấy hôm ni ai còn lòng dạ mô mà cúng. Hôm mồng một tưởng chết rồi, nhờ ơn ông bà… Dạ thưa ở trong nớ không có chi hết. Dạ có bánh, bánh tét. Dạ mời, mời ông… à mời… đồng chí.”

“Cám ơn mẹ. Nhân dân miền Nam tốt với giải phóng quá. Chúng con hết sức ghi ơn mẹ giải phóng…”

Tiếng chân đi ra khỏi nhà rồi xa dần. Ðợi một lúc tôi ló đầu xuống, tấm cạc tông che miệng trần nhà vừa hé ra, tôi đã thấy mặt mạ tôi nhìn lên, hai tay bà chấp trước ngực:

“Tui lạy ông, ông ở trên đó cho tui nhờ. Chúng vừa vơ vét hết bánh trái rồi.”

Tôi sợ má tôi lo lắng, vội rụt đầu lên và kéo miếng cạc tông lại. Suốt ngày hôm đó, tôi nằm bẹp trên trần nhà. Ðợi lúc nào thật vắng, em gái tôi đưa cơm lên hoặc rót cho ly nước lạnh.

Mấy hôm sau, họ ít vào nhà, có lẽ họ không còn hồ nghi gì gia đình chúng tôi nữa. Cô em gái tôi vẫn cứ phải đi họp, đi học tập. Nó về mách với tôi:

“Ðúng anh Ðắc anh ơi.”

“Nó có nhìn ra em không?”

“Có. Anh cười nói: Con Hường em Khâm đây phải không? Mới đây mà lớn quá hí.” Em nhớ ngày trước anh Ðắc hay xoa đầu em lắm.

“Vậy em có sợ không?”

“Không, anh hiền lắm anh ơi. Anh hỏi thăm anh, rồi hỏi thăm mạ nữa. Anh nói rảnh anh tới thăm mạ.”

“Trời ơi, em có khai anh trốn trong nhà không?”

Hường cười:

“Em mô có dại. Anh ấy cũng không hỏi riết bắt bí em chi hết. Anh chỉ nói: Khâm có sao không? Em nói dạ không. Rồi em nhớ ra nói liền:

Tại anh Khâm về mắc kẹt dưới nhà quê. Anh hỏi quê ở Bao Vinh phải không? Em gật đầu, anh hơi giật mình. Anh có vẻ lo sợ cho anh nữa.”

Tôi cảm động và tự thẹn thầm. Thì ra Ðắc vẫn còn là bạn tôi. Ðắc không hề thay đổi gì hết. Vậy tại sao Ðắc trở về? Về với nhiệm vụ gì? Lòng tôi càng nôn nao muốn gặp Ðắc hơn. Tôi ngỏ ý với Hường là muốn dự một buổi họp. Hường nói:

“Không được mô. Anh Ðắc thì hiền lành nhưng có mấy người khác dữ lắm. Họ nói chuyện hung hăng thiệt dễ sợ.”

Rồi Hường thì thầm vào tai tôi:

“Anh nì. Khi hồi ngang qua ngã ba em thấy ai như anh Tý. Anh ấy ôm áo quần như muốn đi trốn xuống đường Mai Thúc Loan.”

“Ủa, thằng Tý. Nó dám chạy trốn hả?”

“Không biết anh ơi. Nhưng em thấy hắn cũng đeo băng trắng nơi cánh tay. Hay là hắn cũng theo Việt cộng rồi.”

“Cái thằng đó dám lắm. Ai chớ nó thì việc chi mà không dám làm.”

Tôi hậm hực. Nhưng đồng thời cũng lo sợ nữa. Nếu nó theo giải phóng, nó dám tìm bắt tôi hoặc điểm chỉ cho bắt tôi lắm. Tôi nói với Hường:

“Em đừng có cho nó gặp, nó hỏi lôi thôi.”

Tôi sợ nó nhìn thấy em gái tôi rồi nhớ ra tôi. Có thể vì nhiều việc, nó đang quên tôi cũng nên, nhưng gặp mặt một ai liên quan tới tôi, có thể nhắc nó nhớ. Thường ngày tôi không ưa nó, kể cả khi còn trong nhóm tranh đấu, tôi đã nhiều lần nói với bạn bè:

“Thằng Tý không tin được. Nhưng nó dám có mặt trong đám quyết tử, nó đã lường lọc bao nhiêu anh em.”

Thấy tôi trầm ngâm, Hường vội nói:

“Em thấy anh Tý là em tránh liền, em sợ bất chết.”

“Em con gái việc chi mà sợ hắn?”

“Em sợ anh nớ bắt em. Em thấy mấy đứa bạn cùng đi họp với em thấy anh nớ là núp hết.”

Tôi cười, cố trấn an con bé:

“Kệ nó, mình có mần chi mà sợ.”

“Anh không biết đó, dưới đường Ông Ích Khiêm, họ bắt hết rồi. Công chức, quân nhân bị bắt đi hết. Nhất là mấy người làm sở Mỹ.”

“Mình có làm sở Mỹ mô mà sợ. Cũng không công chức nữa mà.”

“Dưới nớ bị bắt thiệt nhiều. Nhiều người cũng có làm chi mô mà cứ bị bắt như thường.”

Ðúng như lời em gái tôi đoán, qua ngày sau, xóm tôi ở, các thanh niên, công chức và quân nhân bị bắt đi hết. Một vài người trốn chạy bị bắn tại chỗ. Nhà chúng tôi đã làm xong được một cái hầm khá kiên cố bằng bao cát và những tấm ván lấy ở bộ ngựa gỗ quý từ mấy đời để lại.

Tuy vậy, ban ngày tôi vẫn trốn trên trần nhà, ban đêm mới dám xuống hầm ngủ. Tôi đã bắt đầu chán nản và mệt mỏi. Giữa lúc đó thì mọi người hoảng hốt vì đại bác câu tới nơi. Nằm áp tai xuống đất, tôi nghe tiếng rầm rì liên hồi như xe tăng chạy ở đâu bên ngoài thành nội, đôi lúc tôi mơ hồ nghe tiếng máy bay.

Một vài nhà đã trúng đại bác. Người ta cho biết đại bác trúng nhiều nhất là các bờ thành. Người ta còn cho biết là lá cờ ở Phú Văn Lâu đã bị hạ xuống và treo cờ giải phóng rồi. Nhưng khi đại bác câu tới thành nội, ai nấy đều hoảng sợ ra mặt. Thêm những cuộc bắt bớ gắt gao của Việt cộng làm không khí càng kinh hoàng hơn.

Một buổi tôi đang nằm trong hầm nhai mấy miếng bánh mì khô thì nghe phía đầu ngõ có tiếng chân rượt đuổi. Tiếng hô:

“Ðứng lại. Ðứng lại.”

Tiếng chân chạy vòng đằng sau vườn chúng tôi. Tiếng chân đuổi rầm rập, có vẻ nhiều người và hối hả. Một tiếng nổ, một tiếng kêu rú lên. Tôi bịt chặt hai tai lại. Mạ tôi ôm chặt lấy Hường và mấy đứa em nhỏ của tôi đứa nằm sát xuống mặt hầm, đứa ôm chân má tôi, đứa ôm chân Hường mếu máo.

Một lúc sau, tiếng chân từ ngoài vườn đi vào giữa sân. Tôi nghe tiếng lao xao:

“Tại nó chạy. Nó đúng là quân tay sai cho Mỹ ngụy.”

“Nó chết hẳn chưa đó?”

“Chưa chết rồi cũng chết. Mà có thiệt nó làm cho Mỹ không?”

“Nó làm cho Mỹ mà. Ngày thường tui thấy nó có nhiều đô la lắm.”

“Vậy thì đúng rồi.”

“Không có tui thì nó trốn được rồi. Trong xóm ni ai chạy trốn đàng trời tui cũng biết. Tụi nó phải trả nợ máu, phải không, thưa đồng chí tổ trưởng.”

“Ðồng chí tích cực lắm.”

Tôi nghe giọng người điểm chỉ viên quen quen. Hình như bác ta ở đâu trong xóm trong. Hường cũng định lên tiếng thì mạ tôi đã gắt nhỏ:

“Im đi, nó nghe nó vô chừ.”

Chúng tôi im lặng. Nhưng rồi có tiếng xô cửa rồi tiếng chân đi vào nhà:

“Nhà đi đâu vắng hết rồi. Chúng tôi mời lên có chút chuyện.”

Mạ tôi lật đật chui ra. Rồi Hường cũng chui ra.

“Dạ.”

“Có người mới bị bắn sau vườn. Chúng tôi sẽ cho người tới đem chôn. Chúng tôi muốn dặn lại là đừng có chứa chấp bọn Mỹ ngụy. Xin bác hãy giúp chúng tôi, tức là giúp đảng, giúp nước nhà độc lập.”

Má tôi dạ dạ luôn miệng. Một giọng khác nói:

“Nhà này chỉ có mấy người đàn bà con nít mà.”

“Bởi vậy chúng tôi mới dặn. Ðể chúng vào, chúng giết cả nhà, chúng tôi không kịp cứu.”

Hường ngây thơ hỏi:

“Dạ thưa các anh, các anh vừa bắn ai đó?”

Giọng người điểm chỉ viên quen quen:

“Thằng cha Minh. Hồi chưa được giải phóng, nó hách nhất xóm nhà ta phải không? Cô xác nhận cho các đồng chí đàn anh đây biết.”

Tôi nghe Hường dạ rất nhỏ. Tiếng người điểm chỉ hỏi:

“Cậu Khâm mô không có ở nhà?”

Tim tôi đập mạnh. Thôi chết rồi, hắn đã nhắc tới tôi. Tôi đoán không lầm, đúng là người nấu bún ở trong xóm. Thường ngày hắn chỉ ở nhà xay bột làm bún, vợ hắn đem bán sỉ bán lẻ cho bạn hàng. Hắn cũng ít nói chuyện với ai lắm. Giọng Hường cố thản nhiên:

“Dạ anh cháu bị kẹt dưới Bao Vinh rồi. Hôm nớ xuống mừng ông bác rồi chưa kịp lên thì xảy ra…”

“Dưới đó thì khỏi lo, hoàn toàn thuộc về quân giải phóng và nhân dân rồi.”

Hường khôn khéo vuốt đuôi:

“Dạ thì ở đây cũng thuộc về giải phóng rồi.”

“Còn một chút trong sư đoàn nữa, chưa thanh toán xong. Nhưng chúng sẽ chết đói hết bây chừ. Nay mai mình có thêm quân tiếp quản từ Quảng Trị, từ Bắc vô nữa, lo chi.”

Hắn còn đứng ba hoa tán tụng dài dòng nữa rồi mới cùng mấy đồng chí đàn anh bỏ đi.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, coi như là vừa mới may mắn thoát chết. Em gái tôi chui xuống hầm, nói nhỏ cho tôi nghe:

“Tên bán bún trong xóm đó anh. Hắn lì lì rứa mà ai ngờ.”

“Hắn bắn ai rứa?”

“Ông Minh. Ông chết rồi.”

“Hắn đi với ai?”

“Thì với mấy người Việt cộng chớ ai nữa. Khi đang nói chuyện, em thấy chị Ðoan và chị Kim đi ngoài đường.”

“Có thấy em không?”

“Có, họ có vẫy tay chào em nữa.”

“Em hết sợ chưa?”

“Sợ chớ hết chi được. Hồi hôm qua họp, gặp em hai chị lì lì có chào hỏi chi mô. Anh nì, bữa ni có vẻ lùng xét bắt bớ dữ lắm rồi đó. Anh cẩn thận một chút.”

“Người ta có số mạng cả mà em.”

“Gặp anh Ðắc, chắc anh không việc chi anh hí?”

Tôi thở ra, không mấy tin tưởng:

“Anh mần răng biết được.”

Má tôi đã trở vào:

“Ông Bèo bán bún mà Việt cộng đó tụi mi ơi.”

“Con nghe giọng nói con cũng đoán ra.”

“May mà nhà mình không thù oán chi với hắn.”

“Không thù oán mà hắn còn nợ mình nữa chớ má,” Hường nói, “Hôm mụ vợ đẻ, hắn có tới vay mạ mấy trăm. Hôm trước Tết mạ biểu con đi đòi, may con quên chớ không chừ sinh ra thù oán rồi.”

Vừa lúc đó chúng tôi nghe nhà bên cạnh có tiếng đàn bà kêu khóc. Má tôi ra dấu chúng tôi yên lặng rồi lắng tai nghe”

“Bên nhà ông Bình.”

“Giọng bà Bình la đó chớ ai vô nữa.”

Hường cầm chặt tay tôi:

“Hình như họ bắt người.”

Tiếng la khóc nhà bên mỗi lúc một lớn:

“Lạy các ông, chồng tui vô tội, con tui đi học mà.”

Giọng đàn ông thản nhiên:

“Không can gì đâu mẹ. Mời bác với anh đi họp rồi về mà… Ði họp rồi về, mẹ cứ an tâm. Chúng con tới đây là để giải phóng Huế, chúng con nhờ sự giúp đỡ của nhân dân thành phố Huế mà.”

Tiếng kêu khóc yếu dần. Một lát sau có tiếng đập cửa. Hường mở cửa thấy Tịnh đi vào, mặt mày tái mét:

“Tụi nó bắt anh Ðịnh đi rồi. Ba tui cũng bị bắt.”

Mạ tôi hỏi:

“Chừa cháu tính răng?”

“Mạ cháu nói cháu chạy sang đây nhờ bác cho cháu trốn đỡ. Bên nớ thế nào họ cũng trở lại bắt cháu đi.”

Má tôi thở dài sườn sượt:

“Thôi cũng được. Xuống dưới hầm đi.”

Tịnh đem tới cho tôi nhiều tin lạ lắm. Nào ngoài cửa thành có nhiều Việt cộng chết vì trúng đạn đại bác, bom chơm. Nào nghe ngoài Gia Hội đấu tố ghê lắm. Nào chuyện xử tử mấy người nghi làm cho Mỹ rồi chôn xác trong mấy khu vườn phía đường dưới. Tôi hỏi tại sao bác bên nhà đã già mà họ còn bắt đi. Tịnh cho biết là họ vào trong nhà, cùng đi có ông Bèo làm bún trong xóm. Ông nói nhỏ gì đó rồi mấy người giải phóng mời đi luôn. Lúc đó Tịnh trốn dưới bếp, chắc ông Bèo quên Tịnh, không điểm chỉ.

Má tôi nói:

“May mà mình không thù oán chi.”

“Bên cháu hình như cha thù lắm. Trước Tết cha tới vay tiền mạ cháu không cho. Cha vay mấy lần không có trả. Với lại hồi cha say rượu chửi bóng chửi gió gì đó, anh Ðịnh cháu có nói phải trái, chắc thằng cha nó thù rồi chừ nó hại.”

Tịnh lắng nghe tiếng khóc còn nỉ non bên nhà, nhăn mặt:

“Má cháu lạy nó mà cháu bất nóng mặt. Ước gì cháu có khẩu súng, cháu ria cho một tràng rồi cùng chết cũng cam.”

Tôi an ủi:

“Chắc không can chi mô, bác già rồi. Họ bắt đi rồi cũng thả về chớ can chi mà lo.”

“Dạ.”

“Dưới xóm nghe nói có nhà trúng bom rồi phải không?”

“Hình như rứa. Hồi nãy bên nhà em, ông Bèo hăm dọa là nhà nào dung túng Mỹ ngụy dễ bị bom nhứt, vì họ nghi là Việt cộng chiếm những nhà đó.”

“Nói như c. vậy mà cũng nói.”

Má tôi lầm bầm. Ðêm đó, tiếng đại bác chưa tới khu tôi ở, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài trái rơi lạc, trúng vào một vài khu vườn, làm bay ngói, rung nhà. Ngoài đường, lính Việt cộng đã bớt đi lại. Họ rút vào những hầm trú ẩn kiên cố. Nếu có gác đường thì họ cũng đào những hố cá nhân.

Đọc tiếp: Giải khăn sô cho Huế (chương 7 tiếp theo)

Tags: , ,

More Stories From Tội Ác Cộng Sản

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh