Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Wednesday, April 24, 2024

THÁI TÚ HẠP – du tử lê, người tình thủy chung với văn chương


Như một đồng điệu thân thiết, hơn ba mươi năm qua từ những thi phẩm xuất hiện đầu tiên trên những tạp chí văn học ở Saigòn, cho đến nay, trên những chặng đường trôi nổi thăng trầm của lịch sử, của mệnh nước, và của cuộc đời, tất cả đã tạo cho chúng ta một kết luận để nhận định rằng: Du Tử Lê, chàng lãng tử đã ăn ở thủy chung với văn chương Việt Nam lâu dài nhất.

Với văn chương, Du Tử Lê chưa hẳn là nơi chốn giải sầu, tạm quên lãng những phù trầm nhân thế, những giải tỏa niềm đau khoảnh khắc, là cõi tịnh an sau những miệt mài xông xáo vào cuộc sống đầy khói xe và tiếng động.

Văn chương Du Tử Lê hiện thực, đầy tim óc và tủy xương tận tình như một nghiệp dĩ. Bóng với hình đeo đuổi nhau đến suốt một đời. Không biết có phải đó là một ân huệ hạnh phúc, hay là những nỗi niềm chua cay của tâm trạng người vác thập tự giá băng ngang cuộc đời đầy khổ lụy. Chúng ta có thể tìm thấy tâm trạng khắc khoải, u uẩn đó trong Thơ Tình, trong Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà, hay Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu, Đi Với Về Cũng Một Nghĩa Như Nhau…

Một bài thơ biểu trưng, Cõi Tôi:

cõi tôi, cõi nát, cõi tàn
cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua
cõi vui thân thế cỗi già
cõi lang thang mượn mái nhà hư, không
cõi xanh, cõi lạnh, cõi cùng
cõi con muốn bỏ, cõi chồng, vợ, xa
cõi em muốn dạt chân về
cõi đau nhân thế, cõi thề thốt, quên
cõi nào cõi thật, tôi riêng?
cõi đêm máu chẩy, cõi thương, nhớ, trùng
cõi tôi, cõi mịt, cõi mùng
thôi em có ghé xin đừng nghỉ lâu
cõi đời đó, có chi đâu! 

Chỉ  bài thơ này thôi, Du Tử Lê đã vẽ lên chân dung đích thực, và cho chúng ta cảm nhận rõ nét nhất. Đối với tôi, Du Tử Lê vẫn là người lãng tử hạnh phúc nhất. Ông đã vượt tới cái tâm thức bát nhã, cái thể lý đồng nhất của vũ trụ… Tiếng vọng lại bên kia bờ tử sinh chỉ là cõi tâm động ngoài biên giới tình yêu.

Hòa nhập vào cõi thơ Du Tử Lê mà chỉ đề cập đến hơi thở riêng tư của tình yêu thì hơi qúa hồ đồ, thiển cận.

Trong cõi thơ Du Tử Lê chúng ta còn tìm thấy cái mênh mông của tình yêu, từ tiểu ngã đến đại ngã, từ giọt nước hòa nhập vào đại dương để hóa thân thành tình bằng hữu, tình sông núi quê hương, tổ quốc ngàn dậm xa cách. Cho dù ở cửa ngõ nào của tình yêu, Du Tử Lê vẫn là chàng lãng tử thủy chung với văn chương Việt Nam dài lâu nhất. Anh viết văn làm thơ không mệt mỏi, phong phú, luôn luôn mải miết khám phá những sáng tạo tân kỳ, như nhà hướng đạo tiên phong luôn luôn tìm kiếm khai quang con lộ mới văn chương. Mỗi năm Du Tử Lê đều có thơ, văn trình diện với đời, với bằng hữu. Quả đúng như nhận xét của nhà văn Mai Thảo:

“Tiếng thơ Du Tử Lê bây giờ, theo tôi, là tiếng thơ vô địch. Hắn bỏ lại sau lưng những người đồng thời. Trong sự bỏ lại kia, có cả tôi nữa.

“ Tôi ví tiếng thơ Du Tử Lê là tiếng thơ Áo Vàng. Và ngôi vị vô địch của Du Tử Lê, tôi nghĩ khó ai có thể theo kịp hoặc thay thế nổi.”

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của nhà văn Mai Thảo. Nhưng theo tôi vẫn chưa đủ, và hình như không công bằng.

Chúng ta chỉ nhìn thấy những sắc mầu rực rỡ của những đóa hoa trong khu vườn xinh đẹp, mà không nghĩ đến những đối tượng tạo thành, như đất nước, khí trời, và cả người làm vườn tỉa sâu, chăm sóc.

Chúng tôi muốn nói đến nguyên nhân đối tượng thầm lặng. Nếu tôi có được quyền uy trong vương quốc của nhà thơ Du Tử Lê, tôi sẽ mời tất cả những người tình của Du Tử Lê đến, để trao tặng một đóa hoa hồng cảm ơn. Vì chính những người thuộc phái nữ này, là nguyên nhân đối tượng để cho nhà thơ Du Tử Lê cảm hứng sáng tạo nên những bài thơ tình say đắm, diễm tuyệt; (và theo nhận xét của riêng tôi, thơ tình Du Tử Lê vẫn trội vượt hơn cả.)

Chính từ những xúc cảm đó, chúng ta mới có duyên may thưởng ngoạn, chia xẻ với nhau trong Đêm Thơ Du Tử Lê này.

 

More Stories From Văn Hóa

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh