Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Thursday, April 25, 2024

Biển Đông Lại Dậy Sóng: Kêu cứu hay Ngày tận số?


Nguyễn Quang Dy.- Cách đây 2 năm, vào đầu tháng 5/2014, Trung Quốc bất ngờ kéo dàn khoan HD981 vào Biển Đông với hơn 100 chiếc tàu lớn nhỏ đi theo hộ tống, làm Biển Đông dậy sóng và Bình Dương đỏ lửa. Không biết Trung Quốc hay Việt Nam có định kỷ niệm ngày này hay không. Một sự kiện quan trọng như vậy mà không kỷ niệm thì thật uổng (dù mỗi bên có một lý do khác nhau). Nhưng muốn nói gì thì nói, đó là một bước ngoặt lớn đối với quan hệ Trung-Việt (từ “đồng sàng” bỗng biến thành “dị mộng”) và quan hệ Mỹ-Việt (từ “dị mộng” bỗng biến thành “đồng sàng”), và Biển Đông bỗng biến thành “thùng thuốc súng”.

Điều đáng nói là câu chuyện Biển Đông vẫn chưa dừng lại, như một ván cờ còn đang chơi dở, và câu chuyện Trung-Việt và Mỹ-Việt vẫn còn ngổn ngang, trong một tam giác bất cân xứng mà hình thù của nó vẫn còn đang chuyển động, như một bài toán hình học chưa có lời giải. Hầu hết những nhà phân tích như thày bói sờ voi, hoặc xem lá chè tươi để đoán sự kiện (vì quả cầu pha lê của phương Tây có lẽ không hợp với phương Đông).
Trong khi cái dàn khoan HD981 vẫn đang lởn vởn đâu đó, thì Biển Đông lại sắp dậy sóng, với những đồn đoán về bước leo thang quân sự hóa mới của trung Quốc. Hãy điểm nhanh những sự kiện đang diễn ra xem tháng Năm tới có điều gì bất ổn.

Quan điểm của John McCain
Trước hết, ai cũng biết cuối tháng 5 này, Tổng thống Obanma sẽ thăm chính thức Việt Nam (trước khi hết nhiệm kỳ). Đây là một cơ hội quan trọng hiếm có để hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, vào thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, và bức tranh kinh tế – chính trị của Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất ổn. Nhưng đáng tiếc là đúng lúc này Tổng thống “vịt què” Mỹ và chính phủ “lầm thời” VN dường như chưa thực sự thấy hết tình thế nguy hiểm tại Biển Đông (và Việt Nam), nên chưa thật sự sẵn sàng tháo gỡ hai vấn đề quan trọng nhất còn gây ách tắc cho việc xoay trục là nhân quyền và Cam Ranh. Hay nói cách khác, trong khi Trung Quốc đang nhảy “rock n roll” thì cặp đôi Mỹ-Việt vẫn đang nhảy điệu “slow waltz”. Việt Nam đang tách xa Trung Quốc, nhưng “không quá xa”, và đang nhích lại gần Mỹ, nhưng “không quá gần”. (Alexander Vuving).

Cái chết là ở chỗ đó! Lúc này hành động quá ít và quá chậm (too little too late) là thảm họa. Đó là cơ hội quá tốt cho Trung Quốc, nhưng là bi kịch cho Việt Nam. Lúc này mà không hành động quyết đoán để đột phá, thì còn lúc nào. Không phải ngẫu nhiên thượng nghị sỹ John McCain (Chủ tịch Tiểu ban Quân lực Thượng viện Mỹ) sốt ruột lên tiếng, “Mỹ cần hành động mạnh hơn là cử chỉ tượng trưng tại Biển Đông” (Americda Needs More than Symbolic Gestures in the South China Sea, John McCain, Financial Times, April 12, 2016).

Tại sao ông McCain kêu gọi Mỹ “chuyển hướng” (change course), để đối phó với Trung Quốc quyết liệt vào lúc này? Tại sao ông ấy nhấn mạnh hai tháng tới là thời điểm “kịch tính” (critical two-month period)? Phải chăng ông ấy biết điều gì mà chúng ta không biết? Trong bài báo đó, ông McCain viết, “Bất chấp quan điểm ‘ba không’ của chính quyền Obama (không được bồi đắp đảo, không được quân sự hóa, không được cưỡng chế) Bắc Kinh vẫn cứ xúc tiến cả ba. Việc chính quyền Obama tránh né rủi ro đã dẫn đến chính sách không răn đe được Trung Quốc theo đuổi bá chủ Biển Đông, trong khi làm các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực bối rối và hoang mang. Đã đến lúc chúng ta phải chuyển hướng, trong giai đoạn hai tháng tới đầy kịch tính đối với chính sách của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương…”

Ông McCain nhận định, “Trong mấy tháng tới, Trung Quốc có thể củng cố những gì họ đã giành được hoặc triển khai những cách thức cưỡng chế mới để mở rộng thêm. Điều này có thể bao gồm tiếp tục bồi đắp và quân sự hóa những vị trí chiến lược khác như Scarborough Shoal, nhằm đuổi nước khác ra khỏi khu vực tranh chấp, hoặc tuyên bố Khu vực Nhận dạng Phòng không đối với toàn bộ hoặc từng phần của Biển Đông…”

Ông nhấn mạnh, “Những đe dọa tiềm ẩn của Trung Quốc tại Biển Đông trong mấy tháng tới đòi hỏi Mỹ phải chuyển hướng để làm cho khu vực này yên tâm vào cam kết của Mỹ, và chứng tỏ với Bắc Kinh rằng nếu họ theo đuổi bá quyền tại Biển Đông thì sẽ gặp phải phản ứng quyết liệt… Như Báo cáo của CSIS tại Quốc hội gần đây đã khuyến nghị… ”

Tại sao phải tập trung đối phó với Trung Quốc trong mấy tháng tới? Ngoài sự kiện Tổng thống Obama sẽ thăm Việt Nam (cuối tháng 5) còn một sự kiện quan trọng khác mà Trung Quốc chắc quan tâm. Đó là việc Tòa án Quốc tế (Permanent Court of Arbitration) sẽ phán quyết (đầu tháng 6) về đơn kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Để đối phó với phán quyết bất lợi, Trung Quốc chắc sẽ chạy đua với thời gian để thay đổi thực địa (changing facts on the ground/waters) bằng hành động phòng ngừa quyết liệt (preemptive and decisive action), để một khi Tòa công bố phán quyết, thì đã trở thành chuyện đã rồi (fait accompli).

Gần đây Trung Quốc đã tăng cường cho đảo Phú Lâm (Woody Island) thành một cứ điểm mạnh với quân cảng và sân bay hiện đại (đường băng dài 3000m). Hiện nay trên đảo có 10 máy bay quân sự, bao gồm 2 tiêm kích đa năng J-11 có tầm hoạt động 3.500km (tương tự như Su-27) và nhiều cường kích JH-7; có 8 dàn tên lửa đất đối không HQ-9 có tầm bắn 220km (4 cái đã sẵn sàng hoạt động); hệ thống radar AESA có thể theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc, trong phạm vi 220km. Từ căn cứ Phú Lâm (Hoàng Sa), Trung Quốc có thể khống chế phần lớn không phận và hải phận Biển Đông, làm tăng rủi ro cho máy bay và tàu chiến Mỹ.

Trong vòng 2 năm nay, Trung Quốc đã san lấp 7 đảo nửa chìm nửa nổi (tại Trường Sa), thành các đảo nhân tạo và xây dựng trên đó nhiều công trình quân sự, bao gồm quân cảng và 3 sân bay tại các đảo Chữ Thập, Su Bi, Vành Khăn (có đường băng dài 3000m). Từ đảo Phú Lâm, Trung Quốc có thể dễ dàng mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay và tàu chiến ra khắp Biển Đông, dựa vào chuỗi các căn cứ quân sự này, hình thành một tổ hợp quân sự liên hoàn trên Biển Đông, đe dọa hoạt động tự do hàng hải của Mỹ và các nước.

Bước tiếp theo của Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc từ lâu đã có ý đồ chiếm Scarborough Shaoh, có vị trí chiến lược trong khu vực bắc Trường Sa (tranh chấp với Philippines). Trong sự kiện “Scarborough Shoal Standoff” (4/2012), Trung Quốc đã lợi dụng thái độ dè dặt của Mỹ, để chiếm đóng trái phép đảo này của PLP. Theo các nguồn tin tình báo Mỹ và Úc (Australia’s Defense Intelligence Organization & the Office of National Assessments), Trung Quốc có ý định biến Scarborough Shoal thành một đảo nhân tạo, để xây dựng một căn cứ quân sự quan trọng tại đây, và tuyên bố Khu vực Nhận diện Phòng không (ADIZ). Theo các chuyên gia quân sự, nếu Trung Quốc lắp đặt trạm radar tầm xa và các dàn tên lửa đất đối không và đất đối hạm tầm xa tại Scarborough Shoal, thì họ có thể theo dõi và uy hiếp hoạt động của Hạm đội 7 tại căn cứ Subic.

Nếu Trung Quốc ra tay hành động quyết liệt để củng cố vị trí chiến lược đã chiếm được tại Scarborough Shoal như “chuyện đã rồi”, trước khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết, thì Tòa sẽ bất lực không cưỡng chế được Trung Quốc. “Hành động phòng ngừa” (preemptive) của Trung Quốc có thể làm “trật đường ray” (derail) các cố gắng chung của cộng đồng quốc tế muốn gây sức ép ngoại giao để buộc Trung Quốc phải chấp nhận phán quyết của Tòa. Bước quân sự hóa mới của Trung Quốc có thể làm vô hiệu hóa luật quốc tế.

Theo ông Carl Thayer, có mấy lý do khiếnTrung Quốc phản ứng. Thứ nhất là “Hiêp định Hợp tác Tăng cường Quốc phòng” giữa Mỹ và Philippines, theo đó quân đội Mỹ sẽ luân phiên sử dụng 4 căn cứ không quân và một căn cứ lục quân của PLP. Thứ hai là các cuộc tập trận chung của hải quân và không quân 2 nước tại Biển Đông, đặc biệt là cuộc tập trân chung “Balikatan” (vai kề vai) với sự tham gia của quân đội Philippines, Mỹ và Úc (4/4/2016). Trong bối cảnh đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tới thăm Philippines (9/4/2016). Thứ ba là Mỹ đã thông báo cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) sẽ diễn ra tại Biển Đông (trong tháng 4/2016), tiếp theo 2 cuộc tuần tra trước (tháng 10/2015 và tháng 1/2016). Thứ tư là hội nghị ngoại trưởng các nước G7 (10/4/2016) đã ra tuyên bố đặc biệt về an ninh hàng hải, lên án Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc đã kịch liệt phản đối, và đưa thêm máy bay chiến đấu và radar đến đảo Phú Lâm (Diplomat, April 15, 2016).

Theo tôi, đó không phải là những lý do chính, mà chỉ là những cái cớ trực tiếp để Trung Quốc tiếp tục leo thang quân sự hóa Biển Đông. Lý do chính là tham vọng (nhất quán) của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông và thách thức vai trò cầm đầu của Mỹ, vì “Giấc mộng Trung Hoa”. Ngoài ra, còn một lý do quan trọng nữa thúc đẩy Tập Cận Bình phải hành động cứng rắn hơn bên ngoài lúc này là do tình hình bên trong đang ngày càng bất ổn, do tình hình kinh tế và chính trị đang xấu đi, như “màn chót” của chế độ. Nói cách khác, Tập Cận Bình đã đâm lao phải theo lao, đã leo lên lưng hổ thì không thể dừng lại. Cưỡi hổ hay săn hổ là một việc rất nguy hiểm, như chơi một canh bạc lớn (gambit), được ăn cả ngã về không!

Một yếu tố nữa cũng đáng lưu ý là hoạt động tích cực của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, như “tay trong” của Bắc Kinh để gây áp lực đối với chính sách và dư luận của nước sở tại. Đây không phải là điều gì mới lạ, nhưng yếu tố “ngoại giao nhân dân” này có thể tăng lên, do dòng người Trung Quốc di dân ra nước ngoài gần đây đã tăng vọt lên (như quá trình “Hán hóa”). Ví dụ, trước chuyến thăm Trung Quốc của thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (9/4/2016), thì cộng đồng người Hoa tại Úc đã họp và ra tuyên bố, “Giới tinh hoa chính trị Úc cần hiểu rõ và xử lý thận trọng những vấn đề nhạy cảm như Biển Đông. Họ không nên gửi những thông điệp vô lý và sai lầm cho cộng đồng quốc tế”, và tuyên bố đó còn kêu gọi chính giới Úc phải “chuẩn bị thích đáng cho ‘tình hình khủng hoảng’ có thể xảy ra”. (Diplomat, April 9, 2016).

Luận điệu này rất giống với luận điệu răn đe trên báo “China Daily” khi Turnbull đến thăm Thượng Hải, “Tranh chấp tại Biển Đông sẽ phủ bóng đen lên sự hợp tác kinh tế đầy triển vọng nếu xu hướng này tiếp tục”. Rõ ràng đây là thái độ “rằn mặt” để ngăn ngừa chính phủ Úc có thể chuyển hướng ngả theo chính sách của Mỹ ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông. Sở dĩ Trung Quốc có thái độ trịch thượng như vậy, vì chính phủ Abbott trước đây đã tỏ ra quá vồ vập đối với Tập Cận Bình để đánh đổi lấy Hiệp định Tự do Thương mại.

Lời cuối
Muốn ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông, phải đối phó quyết liệt với hoạt động lấn chiếm và quân sự hóa trên thực địa của họ. Nhưng tử huyệt của họ có lẽ không phải ở Biển Đông (nơi họ đang ở thế “thượng phong”), mà là ở trong nước (nơi họ đang bộc lộ thế yếu đi xuống). Muốn thắng Achilles thì phải tìm ra cái tử huyệt ở gót chân. Trung Quốc đang xây “Vạn lý Trường thành bằng cát” trên Biển Đông. Kết cục thắng bại tại Biển Đông không phải chỉ do cục diện diễn ra trên biển đảo quyết định, mà còn do cục diện diễn ra trong nước quyết định. Bàn cờ Biển Đông sẽ thay đổi nếu bàn cờ trong nước thay đổi. Hay nói cách khác, chiến tranh chỉ là sự tiếp nối của chính trị (và kinh tế/tài chính). Đã đến lúc Mỹ và đồng minh phải thoát khỏi “cái bẫy phụ thuộc kinh tế lẫn nhau” (economic co-dependency trap) để có thể trừng phạt kinh tế thì chủ trương “xoay trục” và “ngăn chặn” mới thực sự có hiệu quả.

Tham Khảo
1. “America needs more than symbolic gestures in the South China Sea”, John McCain, Financial Times, April 12, 2016
2. “China Poised to Take Decisive and Provocative Action in the South China Sea”, Carl Thayer, Diplomat, April 15, 2016
3. “How China Upstaged U.S. With a Great Wall of Sand”, Andrew Browne, Wall Street Journal, April 12, 2015

Tác giả: Nguyễn Quang Dy @ viet-studies ngày 18-4-16

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh