Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Saturday, April 20, 2024

Từ Xuân Thanh đến Trầm Bê, Kim Thoa


Tại Đại hội Đảng Cộng sản đầu năm 2016, sau khi loại được Nguyễn Tấn Dũng một cách ngoạn mục, Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục được giữ chức Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa, dù ông đã quá tuổi hưu theo như qui định. (hình trên: bà Hồ thị Kim Thoa)

Ông Trọng sau đó mở chiến dịch diệt tham nhũng với quyết tâm mạnh mẽ hơn, vì từ mấy chục năm qua tệ nạn này đã lan tràn trong mọi cơ quan, ban ngành và làm ruỗng mục hệ thống, suy đồi xã hội.

Trong 5 năm giữ chức Tổng Bí thư trước đó, ông Trọng không có những quyết tâm như sau khi được chọn ở lại thêm một nhiệm kỳ.

Vụ tham nhũng đầu tiên được ông nhắm đến là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cũng là Đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công thương Trịnh Xuân Thanh. Ông Thanh bị cáo buộc làm thất thoát tài sản nhà nước lên đến gần 4 nghìn tỉ đồng, khoảng 150 triệu đôla, trong thời gian công tác tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí.

Cho đến khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không còn nắm quyền và không còn ở trong Bộ Chính trị thì con đường tiến thân trong chính trường của Trịnh Xuân Thanh bắt đầu đi xuống và những việc làm trong quá khứ của ông là chủ điểm của những cuộc điều tra về tham nhũng.

Khi quá trình điều tra đang được tiến hành, Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài.

Sự việc ông Thanh trốn thoát đã làm Tổng Bí thư Trọng mất mặt và nhiều người nghi ngờ quyết tâm bài trừ tham nhũng của giới lãnh đạo Việt Nam.

Cũng như trước đây với vụ Dương Chí Dũng làm thất thoát tài sản của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), rồi cũng trốn ra nước ngoài, sau bị bắt, ra toà bị án tử hình và bồi hoàn nhiều tỉ đồng cho nhà nước. Cho tới nay bản án tử hình vẫn chưa được thi hành.

Liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng có những sĩ quan cao cấp ngành công an bị cáo buộc đã nhận tiền hối lộ, trong đó có Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là Thứ trưởng Bộ Công an, nhưng ông Ngọ đã bất ngờ qua đời.

Dương Chí Dũng trốn qua một nước trong khối ASEAN, sau đó bị bắt đem về nước, đưa ra xét xử. Nhưng tham nhũng đã lên đến cấp lãnh đạo cao cấp nào thì cũng mới dừng lại ở cấp trung, còn Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ chết bất ngờ trước khi xử nên đường dây cũng dừng lại ở đó.

Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức từ tháng 8/2016 và hai tuần trước đã bị tình báo Việt Nam bắt cóc từ Thủ đô Berlin. Hôm 30/7 vừa qua Bộ Công an ra thông báo nói ông Thanh tự nạp mình “đầu thú” ở Hà Nội.

Hai ngày sau đài VTV-1 đưa tin, hình ảnh và tờ đơn xin tự thú của ông Thanh. Vẻ mặt ông phờ phạc và đầy lo âu hơn những hình ảnh ông chụp tươi cười ở Đức đã được người thân quen phổ biến.

Tin từ báo Việt ngữ thoibao.de ở Đức đưa ra và sau đó bộ ngoại giao Đức cũng cho biết ông Thanh đã bị bắt cóc đem về Việt Nam trong khi đang tiến hành thủ tục xin tị nạn.

Việc bắt cóc người như thế là vi phạm nghiêm trọng luật lệ Đức nên chính phủ nước này đã trục xuất nhân viên ngoại giao đặc trách tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam và đòi Hà Nội trả ông Thanh về lại Đức để thủ tục xin tị nạn của ông, cũng như đòi hỏi di lý Trịnh Xuân Thanh của Hà Nội được xem xét theo trình tự của pháp luật Đức.

Ông Thanh trốn ra được nước ngoài đã làm mất mặt Tổng Bí thư Trọng và phía Việt Nam đã biết ông đang ở Đức nên trong chuyến đi tham dự bên lề Hội nghị G-20 tại Hamburg vào đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi gặp Thủ tướng Angela Merkel cũng đã yêu cầu Đức trao trả ông Thanh.

Vì không có hiệp ước di lý tội phạm giữa Đức và Việt Nam, còn Hà Nội không chờ được lâu nữa nên đã cho an ninh bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào sáng ngày 23/7 từ một công viên ở Thủ đô Berlin, đưa qua một nước láng giềng rồi đem về Hà Nội.

Vụ bắt cóc người đã làm căng thẳng ngoại giao hai nước khiến cơ quan lãnh sự của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội từ hôm 3/8 phải đóng cửa “do sự cố kỹ thuật” cho đến khi có thông báo mới.

Có được Trịnh Xuân Thanh trong nhà giam, Tổng Bí thư Trọng mạnh tay hơn nữa trong chủ trương chống tham nhũng.

Đáng chú ý là trong những ngày qua Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng Sacombank, và cả chục lãnh đạo các ngân hàng khác đã bị bắt giam vì những khoản tiền cho vay bừa bãi khiến nhiều ngân hàng sụp đổ tài chánh.

Ông Bê được giới am hiểu tình hình chính trị Việt Nam cho là người thân tín của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ khi còn đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo nhà nước.

Một lãnh đạo khác cũng đã vào tầm nhắm của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí thư Trọng là Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Bà Thoa vừa xin thôi việc tại cơ quan từ ngày 1/8, trong khi đang bị Ban Kiểm tra Trung ương điều tra về những sai phạm khi bà làm chủ Công ty Bóng đèn Điện Quang từ năm 2004 đến 2010.

Nếu những vụ án trên được đưa ra xét xử, việc tham nhũng và nhận hối lộ sẽ lên đến mức nào trong giới lãnh đạo Việt Nam, hiện tại cũng như quá khứ.

Các dấu chỉ cho thấy nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gia đình cũng có thể sẽ là bị cáo, vì Trương Xuân Thanh, Hồ Thị Kim Thoa hay Trầm Bê là những người đã giầu lên rất nhanh và cũng đã nắm giữ những chức vụ cao trong cơ cấu chính quyền dưới thời ông Dũng làm thủ tướng.

Nếu ông Trọng không rốt ráo trong việc chống tham nhũng thì những ồn ào trong hai tuần qua cũng chỉ là để che đậy sự yếu kém của Đảng Cộng sản Việt Nam trước sự bành trướng của Bắc Kinh ngoài Biển Đông.

Hơn một tuần trước, vì sức ép của Trung Quốc nên Việt Nam đã phải yêu cầu công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha ngưng thăm dò và rút giàn khoan ra khỏi lô 136-3, trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Bắc Kinh cho là nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc.

Sự kiện này được Bill Hayton của đài BBC đưa ra và các chuyên gia về Việt Nam sau đó cũng xác nhận Trung Quốc đã ép Việt Nam không được khai thác, nếu không Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực ở Trường Sa.

Ông Hayton còn cho biết thêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch là hai ủy viên Bộ Chính trị không muốn phản đối đòi hỏi của Trung Quốc nên đã yêu cầu công ty Repsol ngừng khoan dầu trong lô 136-3.

Hôm 2/8 ông Miguel Martinez của công ty Repsol xác nhận giàn khoan ở đó đã ngưng hoạt động.

Lúc này chuyện chống tham nhũng với tuyên bố thể hiện quyết tâm gần đây của ông Trọng: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng cháy” được truyền thông chính thống thổi bùng lên, còn chuyện rút giàn khoan dầu ngoài Biển Đông hầu hết các báo đều không đưa tin.

Qua những gì đọc được trên mạng xã hội, nhiều người hồ hởi với việc Trịnh Xuân Thanh đã vào tay công an và không cho quan hệ Đức-Việt quan trọng hơn việc ông Thanh được đem về nước. Họ lạc quan tin tưởng những gì ông sẽ khai, để từ đó những kẻ tham nhũng sẽ bị trừng trị.

Đa số dân Việt đã mệt mỏi với tham nhũng và muốn giới lãnh đạo có quyết tâm bài trừ.

Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, hôm 17/7 có viết trên FB về tệ nạn tham nhũng lan sâu và cao trong tầng lớp lãnh đạo và đã có gần 3,500 người thích, 650 lượt chia sẻ và 150 bình luận:

“… Nếu phát hiện ra những hành vi tham nhũng được hình thành từ những nhóm lợi ích có dây mơ, rễ má dù cho nó xuất phát từ đâu và mạnh tới cỡ nào. Dù nó có mạnh tiến như quân Nguyên cũng không thể lọt lưới của nền pháp trị mà chúng ta phải xây dựng trên nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền. Không ai có quyền đứng trên luật pháp. Nếu có một quyết tâm cao độ như vậy, thì chúng ta sẽ làm được tất cả. Làm được như vậy, nhân dân sẽ công nhận lòng yêu nước của những người cầm quyền hiện nay là có thật…”

“Không biết tôi có lạc quan ‘quá trớn’ không vậy, mọi người?”

Ông Khế quá lạc quan. Đảng Cộng sản kêu gọi chống tham nhũng từ mấy chục năm qua, nhưng đảng lại đứng trên cả Hiến pháp thì mong gì có một nhà nước pháp quyền hay pháp trị ở Việt Nam.

Bao giờ có thay đổi thể chế để tiến đến một nền dân chủ pháp trị thì mới hy vọng tham nhũng sẽ bớt đi nhiều để đất nước có cơ hội phát triển nhanh hơn.

Nguồn: VOA Tiếng Việt/Bùi Văn Phú

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh