Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Thursday, April 18, 2024

NHÓM LM NGUYỄN KIM ĐIỀN: Thư hiệp thông với Đại diện Tòa thánh và Hội đồng Giám mục Việt Nam


Trọng kính
– Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện của Tòa thánh tại Việt Nam.
– Các Đức Hồng y, Tổng giám mục và Giám mục trong Hội đồng Giám mục.

Thời gian gần đây, Quý Đức Cha đã có những lời phát biểu liên quan đến tình hình tôn giáo tại Việt Nam và mối tương quan giữa Giáo hội với nhà cầm quyền Cộng sản. Những phát biểu này làm nức lòng cộng đồng Dân Chúa và tạo dư luận thuận lợi giữa cộng đồng Dân tộc. Chúng con muốn nói đến Nhận định của Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 01-06-2017 về Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và Bài giảng lễ của Đức Tổng Giám mục Đại diện Tòa thánh ngày 13-08-2017 nhân Đại hội La Vang lần thứ 31 tại Quảng Trị.

1- Chúng con hân hoan vì Nhận định của Hội đồng Giám mục chẳng những đã nhắm vào thực chất và ý đồ của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mà còn vào nguyên tắc và não trạng của chế độ vô thần toàn trị hiện nay, nguồn phát xuất của Luật này.

Quý Đức Cha đã thẳng thắn tố cáo: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo thực chất là nỗ lực hợp pháp hóa và vững chắc hóa cơ chế Xin-cho bất công và ngang ngược của một nhà cầm quyền luôn tuyên bố “vì nhân dân phục vụ”. “Cơ chế này cho thấy tự do tín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hóa sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo” (Nhận định, số 3). Nó mang ý đồ làm cho Giáo hội không ngớt lệ thuộc nhà cầm quyền, ngoan ngoãn để được ban ơn và cuối cùng trở nên công cụ của chế độ hay chí ít cũng quên đi bản chất và sứ mạng của Giáo hội.

Đức Tổng Giám mục Đại diện Tòa thánh, trong bài giảng Lễ Khai mạc Đại hôi, cũng nói như vây với cung giọng ngôn sứ: “Vì lý do đó, tôi muốn ngỏ lời với các Caesar Việt Nam: “Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”. Thực vậy, tự do tôn giáo không phải là một cái gì tuỳ tiện trong tay các nhà chức trách, nhưng là một quyền trong tay của người dân”.

2- Hội đồng Giám mục đã nhân những bất cập của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo để vạch rõ với nhà cầm quyền rằng mãi tới nay, xét từ quan điểm chính trị độc tài toàn trị và quan điểm triết lý duy vật vô thần của họ, họ luôn xem mọi tổ chức tôn giáo -trong đó có Giáo hội- như những lực lượng đối kháng.

Bằng chứng là nhà cầm quyền “đã tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của và nhân lực để theo dõi, dò xét, kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo, đồng thời sử dụng các tổ chức tôn giáo như công cụ của chế độ”; trình bày về Giáo hội cho cán bộ và sinh viên “với những thành kiến thù nghịch, tạo nên nhận định sai lầm và hình ảnh biến dạng về Giáo hội nơi thế hệ trẻ”. Ngoài ra, họ còn ngăn cản “những hoạt động của các tôn giáo trong lĩnh vực từ thiện, y tế và giáo dục”. “Cách nhìn và cách hành xử như vậy có nguy cơ làm mất bản sắc đích thực của các tôn giáo…” (Nhận định, số 4).
Và nay, với những điệp khúc đậm màu chính trị và những từ ngữ mơ hồ cố ý của Luật Tín ngưỡng tôn giáo, nhà cầm quyền sẵn sàng quy kết trách nhiệm, lên án bất công đối với các tổ chức lẫn nhân sự tôn giáo như họ đã và đang làm.

Vị Đại diện Tòa Thánh cũng bày tỏ nỗi e ngại tương tự: “Nhiều người trên thế giới những ước mong quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam phải được tôn trọng hơn, phải được thực thi đầy đủ hơn, và Giáo hội Công giáo phải được nhìn nhận như một nguồn thiện ích hơn là một vấn nạn cho nước nhà”.

3- Trước lời kêu gọi “đồng hành với dân tộc” mà nhà cầm quyền luôn đưa ra nhưng lại hiểu theo nghĩa “đồng hành với chế độ”, chúng con hoàn toàn tâm đắc với lời Hội đồng Giám mục xác định ý nghĩa đích thực của việc này: “Đồng hành với dân tộc là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng”, mà trong thực tế là những đồng bào đang bị trấn áp vì niềm tin, bị giam cầm vì công lý, bị tước đoạt đất nhà, bị bóc lột sức lao động, bị điêu đứng vì môi trường ô nhiễm… Chúng con cũng nhất trí: “Đồng hành với dân tộc là đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hóa của dân tộc Việt Nam”. Và trong thực tế, Giáo hội đã “khơi dậy những giá trị tinh thần cao quý trong lòng người, dạy các tín đồ của mình tôn trọng công bằng và lẽ phải, sống từ bi bác ái, tôn trọng mọi người vì chính phẩm giá của họ, và như thế, góp phần phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cộng tác tích cực vào việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. (Nhận định, số 5).

4- Sau Luật Tín ngưỡng Tôn giáo nhắm kiểm soát mọi yếu tố của các Giáo hội, nay với “Nghị đinh xử phạt hành chánh trong lãnh vực Tôn giáo tín ngưỡng” (đang dự thảo), nhà cầm quyền lại muốn dò xét mọi hoạt động của các Giáo hội, từ việc sắp xếp cơ cấu nội bộ, qua việc bố trí nhân sự điều hành, đến việc đào tạo bồi dưỡng, việc thực thi các hình thức sống đạo… Hết thảy các hoạt động này mà không báo cáo, xin phép và chờ được chấp thuận, thì Ủy ban Nhân dân các cấp và Ban tôn giáo chính phủ sẽ có nhiều biện pháp hành chính để trừng phạt, chẳng hạn tịch thu phương tiện, đình chỉ hoạt động, bắt buộc rút lời… Đặc biệt là phạt tiền tối đa 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức.

Chúng con thấy đây là một vũ khí mới của bạo lực hành chánh mà nhà cầm quyền ngày càng gia tăng để bổ sung cho bạo lực vũ khí mà từ hơn nửa thế kỷ nay họ vẫn dùng để đối xử với Giáo hội nói chung và nhiều thành phần trong Giáo hội nói riêng. Do đó chúng con mong ước được nghe giáo huấn và được thấy hành động của Hội đồng Giám mục về công cụ pháp lý này của chế độ vô thần toàn trị. Để theo lời Đức Tổng Giám mục Đại diện Tòa thánh: “Chúng ta có thể nói như thánh Phêrô Tông đồ rằng: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5, 29)”

Làm tại Việt Nam ngày 29 tháng 8 năm 2017. Lễ Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết.
Thay mặt Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền.
– Linh mục Phê-rô Nguyễn Hữu Giải, Tổng Giáo phận Huế
– Linh mục Ta-đê-ô Nguyễn Văn Lý, Tổng Giáo phận Huế
– Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh
– Linh mục Giu-se Nguyễn Công Bình, Giáo phận Vinh

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh