Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, March 18, 2024

Giải khăn sô cho Huế (chương 7 tiếp theo)


Tác giả Nhã Ca.-

Từ hôm đó, em gái tôi vẫn thường bị mời đi họp, học rồi được thả về. Lần nào tôi cũng hỏi thăm về Ðắc. Bữa nó nói có trông thấy, bữa nó nói không. Nhưng bỗng một hôm, tôi nghe được giọng nói của Ðắc.

Hôm đó, trong lúc cả nhà đang ăn cơm dưới hầm thì có tiếng gõ cửa. Má tôi lật đật bảo chúng tôi nằm sát vào tận cùng hầm cát, rồi leo lên mở cửa. Hình như chỉ có một người và má tôi chào hỏi, giọng hơi vui mừng:

“Ủa, cậu đó hả? Cậu về khi mô?”

Tôi hồi hộp chờ đợi giọng trả lời:

“Dạ, cháu về cùng với anh em ở khu vực nội thành ni mà.”

Tôi không nghe má tôi hỏi gì nữa. Im lặng một lát, giọng trẻ lại hỏi:

“Bác đã đào hầm chắc chắn chưa? Phải trường kỳ chống đỡ lâu đó bác. Tình hình coi bộ mệt rồi.”

“Dạ.”

“Trời, bác làm cháu dị quá. Cháu vẫn là thằng Ðắc như hồi trước mà bác. À, Khâm mô rồi?”

Má tôi giả vờ sụt sùi:

“Khổ lắm anh ơi. Nó đi từ hôm mồng một, về dưới quê ở Bao Vinh rồi có thấy tăm hơi nó nữa mô. Tui đang lo quá, sợ nó nóng ruột đi trở lên tìm dọc đường bị bắt bớ cũng nên. Tui chỉ có mình nó, anh biết đó, nếu nó mệnh hệ nào thì tui sống không nổi…”

Ðúng là Ðắc rồi. Tôi muốn lên hầm để gặp bạn, nhưng Hường đã nắm chặt tôi lại:

“Ðừng anh, anh điên đó hả?”

Giọng Ðắc:

“Bác đừng có lo. Ai có tội phải đền. Khâm với cháu vẫn là tình bạn…”

“Anh thương thì tui biết vậy, nhưng giữa đường giữa sá, nó đâu có gặp anh…”

Ðắc có vẻ trầm ngâm một lát, giọng hơi bớt tin tưởng:

“Chết có số mà bác. Cháu có số chết thì đã chết từ lâu rồi. Bác đừng gọi cháu bằng anh nữa, cháu buồn lắm. À, bác, nghe thằng Tịnh nó sang đây hả bác?”

Tôi giật mình. Tịnh nằm bên tôi mà run lập cập. May má tôi đỡ lời:

“Nó có sang rồi đi rồi. Nó đi họp rồi có về mô nữa.”

“Ủa, vậy ai giữ nó. Ðược, để cháu hỏi rồi thả nó về. Cháu vừa gặp thằng Ðịnh anh nó. Thằng Ðịnh phải đi học tập, chắc người ta sẽ đưa nó sang bên kia Gia Hội hoặc xuống dưới bãi dâu.”

“Ði chi mà xa rứa.”

Ðắc không trả lời má tôi mà hỏi:

“Hường mô rồi bác?”

Má tôi không dám dấu:

“Em nó sợ quá suốt ngày chui trong hầm hoặc trốn dưới gầm giường, con nớ nó sợ súng đạn bất thần.”

“Bác gọi Hường lên đi, cháu chớ ai mô mà sợ.”

Sợ Ðắc xuống hầm, Hường vội vã bò lên khỏi miệng hầm. Tôi nghe tiếng Ðắc cười lớn:

“Bộ Hường tưởng tui lên núi rồi về thành cọp ăn thịt người răng mà nghe tiếng tui sợ dữ rứa?”

Hường cố gượng cười khổ sở:

“Em mô có sợ anh, nhưng mấy hôm ni em sợ chết quá.”

Ðắc ngồi nói chuyện với má và em gái tôi rất lâu. Ðắc kể cho má tôi và Hường nghe những nỗi cực khổ trước khi lên núi. Ðắc nói nửa khôi hài, nửa mỉa mai:

“Hồi cháu chỉ tranh đấu mà bị bắt, bị đánh đập quá sức tưởng tượng. Bác biết không, chúng nó đập nát cả hai bàn tay của cháu. Người cháu còn đầy thẹo, cháu chết đi sống lại. Ân đền oán trả chớ bác. Cháu lên núi tầm sư học đạo, nay thành tài trở về cho chúng biết mặt. Cháu không muốn hại ai, nhưng nợ máu phải trả chớ bác.”

Không biết khuôn mặt má tôi ra sao mà Ðắc lại cười:

“Nói có rứa mà bác tái mét mặt. Ðùa cho vui chứ cháu cũng bị ép buộc quá phải lên núi. Cháu đi mô cũng không dứt được Huế. Cháu còn căm lắm bác ơi.”

Vừa lúc đó có tiếng chân nhiều người đi vào. Tôi nghe nhiều tiếng nói chuyện và chính Ðắc kể lại vụ vừa bắt người ở mấy nhà bên cạnh. Có giọng lè nhè:

“Thằng cha trốn tài thiệt, không có đồng chí Ðắc thì biết đâu mà kiếm cho ra.”

Một giọng khác cười:

“Tôi biết nó trốn dưới nệm giường. Thằng cha đó trong xóm ni ai mà lạ cái mặt hắn nữa chớ.”

Có lẽ một nhóm cán bộ nằm vùng. Họ nói chuyện lớn tiếng và cười đùa vui vẻ. Tịnh hích vào tay tôi định nói, nhưng tôi bịt miệng nó lại. Tôi sợ ở trên miệng hầm họ nghe tiếng. Hường lại hỏi về Ngọc và Phủ. Ðắc trả lời:

“Có về hết. Phủ với Ngọc ở ngoài Gia Hội.”

“Em không nghe ai nói gặp hai anh nớ hết.”

“Hường thì có đi mô mà nghe, mà thấy. Con gái chi mà nhát quá trời.”

Rồi Ðắc nói với má tôi:

“Tiếc thằng Khâm nó kẹt dưới quê, có nó, cháu bắt nó đi làm việc với cháu.” Rồi Ðắc chợt ngẫm nghĩ, “Nhưng chắc cháu cũng không ép nó mô. Khi bác gặp nó, bác nói là cháu với nó khi mô cũng là bạn.”

Ðắc ở lại nói chuyện lâu lắm. Ðắc hỏi má tôi nhà còn đủ gạo ăn không. Rồi Ðắc hứa sẽ đem gạo tới tiếp tế cho cả nhà. Thấy Ðắc vui vẻ, má tôi và Hường có vẻ bớt sợ hãi. Má tôi hỏi thăm tình hình, ban đầu giọng Ðắc có vẻ khả quan, nhưng về sau sự tin tưởng cũng có vẻ giảm sút. Ðắc dặn dò nên làm hầm cẩn thận, xóm ngoài và xóm trong đã có nhiều nhà trúng đại bác. Ðắc còn cho biết quân Mỹ đã tiến vào quốc lộ 1, ban ngày đã lên tới An Cựu. Nhưng Phủ Cam, Từ Ðàm, Bến Ngự vẫn còn là khu vực của quân giải phóng. Má tôi không dằn được than thở: Chắc dân chúng chết nhiều lắm. Tôi không nghe Ðắc trả lời câu đó, và tiếng cười vui cũng im bặt một lúc lâu.

Trước khi về, Ðắc còn hứa là sẽ trở lại thăm. Ðắc dặn dò Hường một vài điều nào đó mà tôi nghe không rõ. Chỉ có tiếng Hường dạ nhịp. Ðắc và mấy người giải phóng, cán bộ vừa ra khỏi nhà một lúc thì tiếng đại bác lại tiếp tục. Má tôi, Hường lại chui xuống hầm. Hường kể lại chuyện vừa gặp Ðắc mặc dù tôi đã nghe gần hết. Hường nói trong số tới nhà, có một người còn trẻ, đeo gương cận, chắc cũng cán bộ nằm vùng. Má tôi dặn tôi phải cẩn thận vì Ðắc hẹn sẽ trở lại. Bà nhắc tới chuyện Ðắc hứa là sẽ tiếp tế gạo và bảo Hường nếu cần gì thì cứ tìm Ðắc tới. Tôi nghe và thấy cảm động. Thật ra không chủ nghĩa nào, không lý tưởng nào chia rẽ tình người, tình bạn được. Tôi nghĩ vậy cũng quá nông cạn chăng. Nhưng mấy ngày hôm sau thì Ðắc không có thì giờ tới thăm chúng tôi nữa, mặc dù tôi biết nhiều lần Ðắc vẫn đi ngang qua nhà.

Một lần tiếng đại bác vừa ngớt, tiếng súng lớn nhỏ bên ngoài thành cũng đã đến lúc nghỉ xả hơi, tôi bỗng nghe tiếng quát tháo ở ngoài đường. Em gái tôi đã dạn lắm, nó dám bò lên hé cửa nhìn ra đường coi. Tôi nghe tiếng quen quen và nhận ra tiếng của Ðắc. Hường ló đầu xuống hầm nói nhỏ:

“Chết cha. Anh Ðắc bắt gặp anh Tý rồi.”

Tôi chưa kịp hỏi thêm thì Hường đã trở lên, tiếp tục lén nhìn ra đường. Giọng của Ðắc vang từ phía ngoài:

“Các đồng chí để tôi xử tên này. Ðể tôi quyền ưu tiên. Trước kia nó làm chúng tôi khổ sở điêu đứng bao phen. Nó phải trả tội ác.”

Giọng Tý rên rỉ:

“Lạy anh tha cho em. Chừ em cũng theo giải phóng rồi. Em đeo băng đây anh nì, anh, em đeo băng nì. Mấy ngày hôm ni em hoạt động cho giải phóng, em điểm chỉ bắt nhiều tên Mỹ ngụy rồi. Em xin lấy công chuộc tội.”

Ðắc cười gằn, giọng cay độc:

“Mày mà cũng biết ăn năn. Không, tao phải xử mày. Mày xuống đứng dưới cái hố tao hỏi tội.”

Có tiếng xô đẩy rồi tiếng kêu thét của Tý:

“Ối, lạy anh, xin anh tha cho em.”

“Tha cho mày. Hồi trước tao đã lấy tình bạn xử với mày mà mày có tha cho tao mô. Tao bị bắt, bị tù tội, bị đánh đập.” Ðắc cười gằn, khôi hài thêm: “Hừ, tao lên núi tầm sư học đạo về đây, chuyến ni mi đừng có hòng.”

Giọng Tý như đang khóc:

“Em lạy anh, tha cho em. Em lạy anh, em biết lỗi rồi. Bởi rứa em theo giải phóng ngay từ đầu.”

“Mày có tài theo mau lắm. Vì rứa tao mới bị đánh đập giam cầm. Mày đứng xuống hố cong lưng xuống, nghe tao hỏi đây.”

“Ý, lạy anh, đừng bắn em chết. Em, em… ý trời, anh… anh…”

Ðắc bật cười ròn rã:

“Bắn mày? Không, mày đâu có được chết mau lẹ rứa. Mày phải chết dần chết mòn, chết đau đớn khổ sở. Trong đời tao, tao đã bị oan ức, chứ tao không muốn xử oan ức ai hết.”

Tôi rùng mình. Giọng Ðắc hằn học, quyết liệt lắm rồi. Tôi nghe một giọng người nào đó nói:

“Thôi đồng chí, nó đã ăn năn tội lỗi, đã về với giải phóng với nhân dân. Ðồng chí nên…”

“Nên gác lại hận thù riêng? Không, hận thù riêng của tôi cũng là hận thù chung của bè bạn tôi nữa. Các đồng chí xin đừng xía vô trường hợp này, xin đồng chí. Chỉ xin các đồng chí trường hợp này mà thôi.”

Giọng Ðắc đột nhiên quát lớn:

“Ðứng yên đó. Tao chưa bắn đâu, đừng hòng.”

“Lạy anh, thôi, thà anh bắn em chết đi, cho em bớt khổ sở.”

“Không.”

Giọng Tý kêu lớn như gào bể cổ họng:

“Em lạy anh, em lạy anh…”

Tiếng Ðắc cười ran. Tiếng cười đầy uất hận xói vào đầu tôi làm tôi choáng váng. Rồi một tiếng súng nổ. Một tiếng thét lớn. Xong rồi. Nhưng không, một tiếng nổ nữa, một tiếng thét nữa. Cứ tiếp tục như thế. Tôi mấy lần thót cả tim, rồi thở phào nhẹ nhõm cho kẻ bị tội. Chết là hết. Nhưng lạ chưa, mỗi tiếng súng là mỗi tiếng thét, thêm một tràng cười điên dại của Ðắc.

Tiếng súng ngừng hẳn sau một tiếng kêu hãi hùng của Tý. Lần này thì tôi yên tâm cho Tý rồi.

Bây giờ tiếng súng ở đâu ngoài thành, xa hơn nữa, hình như ở phía chợ, phía cầu Tràng Tiền chi đó lại nổ nữa, rồi tiếng đại bác. Má tôi gọi Hường mau vô hầm. Nhưng Hường như còn hãi hùng với cảnh đã chứng kiến, nó đứng sững ở cánh cửa hé mở. Má tôi phải chạy ra lôi nó vào hầm. Tôi hỏi mày thấy gì. Nó cà lăm, cà cặp, run rẩy mãi mới kể lại cho tôi nghe lại cảnh đã chứng kiến. Ðắc đã tìm gặp được Tý. Hắn bắt Tý đứng dưới một hố cá nhân rồi bắt đầu hỏi tội và hành hạ. Ðắc xin các đồng chí giải phóng có mặt ở đó được giải quyết mối thù riêng và các đồng chí giải phóng đã không ai can thiệp. Tý đứng dưới hố, cứ mỗi lúc Ðắc đưa súng lên nhắm vào trán Tý mà bóp cò, Tý lại nhắm mắt, khuôn mặt lạnh lùng chờ đợi. Nhưng rồi phát súng chờ đợi không nổ. Ðến khi phát súng chờ đợi nổ thì Tý vẫn không chết. Mỗi phát đạn cứ lướt qua màng tang, qua đầu, qua bên vai và mỗi lần như thế Tý cứ tưởng là đã lưu lại thế gian tiếng thét cuối cùng của nó. Sau đó, Ðắc kéo Tý lên rồi dẫn đi.

Chiếc hố bỏ trống đó, mấy ngày sau, Hường kể cho tôi nghe, có một người lính giải phóng chết gục trong đó, đầu kê lên miệng hố và mặt quay vào phía nhà tôi. Tôi đoán chắc trước khi chết, anh còn kịp nhìn thấy những bông mai vàng trong sân và một phần mái nhà bị sập đổ vì mảnh đạn hay những phát B40 của đêm đầu tiên khai hỏa.

Tôi không còn nhớ những ngày sau đó là mồng mấy hay mười mấy nữa. Mặt trận đã lan tới nội thành rồi. Tiếng đại bác ngày đêm rơi không ngớt. Bờ thành sập nhiều chỗ. Người ta đồn cửa Ðông Ba, cửa Thượng Tứ, cửa Sập đều bị bắn đổ xuống, chắn hết lối ra vào. Mấy ngày đầu chúng tôi còn ra khỏi hầm nấu ăn được. Nhưng mấy hôm sau, tiếng đại bác rơi không ngớt, rồi tiếng súng bắn ra ngoài thành như mưa. Má tôi và Hường phải kéo bao gạo xuống hầm và chúng tôi nhai gạo sống cho đỡ đói. Nhai gạo sống, uống nước lạnh, trời lại rét như cắt ruột gan, hơi đất thấm vào người, cả nhà bị đau bụng. Chúng tôi phải canh chừng tiếng đại bác, leo lên hầm tiểu tiện ngay ra nhà. Ðôi lúc đang nửa chừng, nghe đánh ình một tiếng, không chạy mà cũng tự động rơi tọt xuống hầm như bị ai nắm quăng xuống hố.

Cứ sống như thế mấy hôm, người chúng tôi xanh lướt. Hường không chịu nổi nữa, nó khóc rấm rứt suốt ngày. Vậy mà đâu được yên thân. Mặc tiếng đạn đại bác, mặc máy bay, các anh lính giải phóng vẫn tìm cách tới trước cửa từng nhà, kêu gọi đồng bào góp sức chiến đấu với mặt trận. Khẩu hiệu là: Không dung giặc Mỹ, không chứa chấp Việt gian, không sờn lòng trước áp lực súng đạn. Nếu cần, tất cả đồng bào lớn bé tràn ra hết ngoài đường chiến đấu với Mỹ ngụy.

Mỗi lần nghe như thế, chúng tôi run như cầy sấy. Những người chung quanh chết mỗi ngày mỗi nhiều. Ngay ở đàng sau vườn nhà chúng tôi, có ba bốn xác chết bỏ lại, không biết dân hay giải phóng. Ban đêm, đôi khi chúng tôi nghe tiếng la thét ở đàng sau vườn. Hoặc họ bắt người dẫn ngang qua nhà, tiếng van lạy kêu khóc đến não người.

Một ngày nữa trôi qua, chúng tôi vẫn còn sống. Nhưng ngôi nhà bên cạnh bị một quả đại bác câu tới tan tành. Nhà sát đó bị miểng rơi tung cả mái tôn và chiếc hầm đang ở trong nhà thành hầm lộ thiên. Ánh sáng chiếu vào hầm làm mọi người sợ hãi. Vậy là họ liều chết chạy ra đường, sang nhà tôi xin trú ngụ.

Mặc dù chật chội, hôi hám hơn, nhưng sự có mặt của nhiều người làm chúng tôi yên lòng hơn. Những người mới tới cho biết đã có nhiều đoàn người tản cư ra ngoài bờ sông, mặt Gia Hội. Nhưng Hường quả quyết rằng, chính Ðắc nói trường Gia Hội là nơi trú đóng của bộ chỉ huy Việt cộng, nơi đó còn dùng để làm tòa án nhân dân nữa. Tôi can má tôi. Tản cư ra đó, khác nào đút đầu vào miệng cọp.

Chỉ có một tạ gạo mà thêm bao miệng người ăn, chúng tôi phải ăn cầm chừng. May gia đình tản cư tới không có trẻ con, nên nhịn đói nhịn khát được. Mỗi sáng chúng tôi nhai một nắm gạo, trưa một nắm, chiều một nắm.

Chỉ có vậy mà bao gạo vơi đi một cách đáng sợ. Có lẽ hết bao gạo này, chúng tôi chưa chết vì bom đạn thì cũng chết vì đói khát. Mỗi ngày mọi người nhìn nhau, thở dài hoặc ứa nước mắt. Không ai còn đủ sức bàn vô tán ra nữa.

Một buổi trưa, mọi người đang ngồi trong hầm nhai gạo sống thì có tiếng xô cửa rồi tiếng gọi:

“Mợ ơi, mợ ơi.”

Má tôi nghe và nhận ra tiếng đứa cháu trai ở đường Mai Thúc Loan. Bà mừng rú lên:

“Ðây nì, dưới hầm nì con ơi, xuống mau.”

Một cái đầu ló vào. Thằng Tam. Nó run lập cập, mặt mày tái mét. Má tôi kéo nó sát vào người:

“Mạ với ba mô rồi. Răng đi một mình?”

Tam òa khóc:

“Mạ chết khi chạy ra đường với cháu rồi. Mạ biểu cháu cứ chạy đi, mạ hoa tay trợn mắt. Cháu không chịu đi. Khi mạ chết cháu mới đi.”

Mạ tôi khóc òa:

“Trời đất ơi. Còn ba mô? Ba mô nói cho mợ biết.”

“Ba bị bắt đi rồi. Ba bị bắt trói dẫn đi cùng với nhiều người khác nữa. Nghe nói bị đưa lên cửa thành cho đại bác bắn xuống. Mợ ơi, mợ ơi…”

Tam khóc ngất. Má tôi cũng khóc ngất. Tôi nổi gai ốc đầy người. Tại sao lại đưa dân lên cửa thành cho máy bay bắn xuống chết. Những người này có tội tình gì? Lại mấy thằng cha cán bộ địa phương tư thù tư oán đây mà. Chòm xóm láng giềng mà giết nhau đây mà. Tôi giận căm gan, muốn hét lớn một tiếng cho đỡ tức. Tam vẫn nức nở:

“Họ ác lắm mợ ơi, họ bắt mấy người tình nghi đem lên thành trói lại cho máy bay Mỹ tưởng là Việt cộng bắn xuống. Hôm qua mười mấy người, hôm ni mấy chục người. Chắc có ba cháu rồi.”

Má tôi đập tay đập chân. Giọng Hường yếu ớt:

“Khóc mần chi má. Trước sau cũng chết. Thà chết trước còn sướng hơn. Con muốn chạy ra đường cho máy bay bắn chết cho rồi. Sống như ri khác chi chết đày chết đọa.”

Có tiếng súng nhỏ nổ ran trước mặt đường. Má tôi và Tam ngừng bặt tiếng khóc. Hình như quân giải phóng dẫn một đoàn tội nhân đi qua. Có tiếng kêu khóc, có tiếng la lớn. Má tôi ôm lấy ngực. Con Hường há hốc mồm rồi ngã vật xuống đất. Tôi sờ tay nó thấy lạnh ngắt. May người hàng xóm tới ở nhờ có chai dầu xoa khắp người Hường. Một lát sau nó hơi tỉnh, rên rỉ:

“Ghê quá mạ ơi. Ghê quá anh ơi…”

Rồi nó khóc. Hình như nó đang khóc trong cơn mê sảng. Tôi cầm chặt tay em gái. Tội nghiệp cho nó. Nó ăn gạo sống lâu ngày không chịu nổi, cái bụng căng phình như bị báng. Miệng nó trào bọt mép. Một lúc sau nó tỉnh hẳn. Nó ôm chặt má tôi:

“Con không chịu được nữa. Chắc con chết.”

Giữa cơn bom đạn như mưa bên ngoài, má tôi vừa khóc vừa bò lên khỏi miệng hầm. Bà lục lọi gì lâu lắm. Tôi sốt ruột cứ thò đầu lên gọi:

“Má, má xuống hầm liền đi.”

Mãi má tôi mới xuống. Trên tay bà cầm đòn bánh tét mốc meo. Bà lột lớp lá và đưa cho Hường, lúc đó đang nằm bẹp xuống đất mà thở như sắp đứt.

Bắt đầu từ đó, hết đêm kinh hoàng này nối tới ngày kinh hoàng khác.

Tôi không tài nào ngủ được. Không còn một ai dám lên miệng hầm nữa. Thức ăn cạn dần.

Bao gạo gần hết mà chúng tôi lại thêm một miệng ăn. Tam kẹt lại luôn. Không dám một mình trở về nhà nữa.

Hường bịnh nặng, nằm rẹp một chỗ. Má tôi cứ ngóng bước chân đi trên mặt đất, hy vọng Ðắc trở lại. Nếu Ðắc còn trở lại, chúng tôi còn nhờ vả được. Một buổi chiều, chúng tôi nghe tiếng chân đi nhẹ vào nhà, rồi tiếng người ngã phịch xuống. Một lát sau nhiều tiếng chân khác đuổi tới. Một tiếng súng nổ. Một tiếng kêu thét lên. Nhiều tiếng lao xao nói cười: Có chạy đằng trời. Một giọng khác có vẻ ngạc nhiên: Nhà ni chắc không có người ở. Có hầm, chắc họ ở dưới hầm. “Lục soát coi, đôi khi ngụy quân trốn trong đó.” “Ôi cứt đái tùm lum, chắc chẳng có ai. Thúi quá, đi ra.” Tiếng chân xa dần. Má tôi mừng rỡ tới ứa nước mắt. Ðống phân rác dơ dáy bừa bãi giữa nhà đã cứu chúng tôi. Má tôi hít một hơi dài, gật đầu: Bây giờ mới thấy quý đống phân. Tôi cũng vậy, không còn ghê sợ mùi hôi thối xông xuống nữa.

Chắc họ đi, bỏ lại một xác chết ngay giữa nhà chúng tôi nữa. Tôi thắc mắc không biết xác của ai. Tôi nghĩ tới Tý. Cũng không có thể là Tý. Ðắc đã bắt đi, không dễ dàng gì cho hắn trả nợ nhẹ nhàng thế. Nhưng tôi chỉ thắc mắc một chút rồi thôi, nỗi lo sợ nhất của tôi là vài hôm nữa xác chết sẽ sình thúi, và chắc chắn mùi xác chết trộn với phân người sẽ không dễ ngửi như mùi tôi đang ngửi.

Rồi bao gạo cạn dần, cạn cho tới đáy. Buổi sáng hôm đó, má tôi báo động hết thức ăn. Gia đình tới tạm trú có vẻ băn khoăn vì họ cho là có trách nhiệm trong vụ đói khát cận kề. Nhưng dù không có họ thì gạo cũng sẽ hết và chúng tôi cũng sẽ chết đói. Hết nhanh hay cầm cự thêm hai ba hôm nữa cũng thế thôi. Má tôi khóc:

“Khổ chưa nì, không chết bom đạn mà chết đói mới khổ thân chớ.”

Rồi bà ôm Hường khóc vùi.

Sau đó chúng tôi nhai những hạt gạo cuối cùng một cách thận trọng như sợ một vài hạt sẽ rơi vãi mà không có cách gì tìm thấy lại được.

Gia đình hàng xóm nhất định nhịn, nhưng má tôi vẫn chia: Ôi, có chết thì cùng chết. Ăn đi rồi chết. Mọi người khóc lóc, nhưng không ai dám khóc to, sợ có người nào trên mặt đất nghe thấy.

Hình như nhiều căn nhà chung quanh chúng tôi đã sập đổ. Nhiều tiếng nổ thật lớn làm dội tức cả ngực. Ðôi khi chúng tôi tưởng như tiếng nổ đã cày xới mất căn nhà ở và nhắm mắt chờ chết, một lúc sau những tiếng nổ dịu bớt, chúng tôi mới biết là mình vẫn chưa hề hấn gì.

Tiếng súng lẻ nổ đã gần hơn, hình như đã cận kề ở miệt phố. Tôi bỗng nẩy ra một ý định:

“Má, mình đi trốn đi, ở đây chắc thế nào cũng chết.”

“Tao không còn biết chi nữa. Tùy mày định liệu đó.”

Chúng tôi lại nhịn đói thêm hai ngày nữa. Hường mệt lả. Hai gia đình chúng tôi bàn soạn việc đi trốn. Tam cố bò lên miệng hầm, mặc tiếng súng đạn, hắn lần ra cửa xem xét ngoài đường. Một lúc sau, hắn chui xuống hầm, giọng có vẻ mừng rỡ:

“Ngoài đường người ta đi đông lắm. Lâu lâu lại có một tốp người chạy về phía cổng thành.”

Má tôi bật dậy:

“Mình đi theo họ.”

Nhưng Tam gạt đi:

“Không, chỉ đàn bà và người già. Không thấy đàn ông. Ðàn ông họ đi đâu hết rồi.”

Má tôi bàn việc giả dạng. Mấy người đàn bà bế Hường chạy trước, còn tôi giả mặc quần áo đàn bà, đội khăn đi theo sau. Tôi hỏi:

“Còn Tam làm răng. Vô lý cũng giả dạng nữa.”

Tam buồn rầu:

“Sống chết có số mạng. Anh cứ lo phần anh.”

Ngay xế trưa hôm đó, chúng tôi bồng bế, dìu dắt nhau lên khỏi miệng hầm. Vật đập ngay vào mắt tôi là xác một người đàn ông sình to nằm sấp, máu me đã đặc khô lại. Hai tay hắn dang ra như ôm mặt đất. Chúng tôi không nhìn rõ mặt hắn. Tam bận rộn việc hóa trang cho tôi. Tôi mặc quần áo của Hường, đầu trùm khăn kín mít. Má tôi thu xếp một ít thứ lặt vặt gói vào một cái bọc rồi giục giã mọi người ra đường.

Cánh cửa bật mở. Tôi chói mắt lảo đảo muốn té. Khi quen với ánh sáng rồi tôi mới nhận ra mọi cảnh vật đổi thay. Không còn một hình dạng cũ nào được giữ lại. Lạ lùng, căn nhà của tôi chưa trúng đại bác vẫn trơ vơ giữa những khu vườn xơ xác, những ngôi nhà đã tan thành đống gạch vụn. Ðâu cũng có người chết, trong sân, đầu ngõ, ngoài đường. Những vũng máu đã khô hoặc còn mới. Tiếng đại bác vẫn câu đều đều từ phía trong thành nội, những tốp người tiếp tục chạy ra. Họ vừa chạy vừa la khóc rền trời. Không ai hỏi ai, không ai nhìn ai.

Ngay giữa đường, hai bên đường, những miệng hố lớn do người đào, do bom đạn đào cũng có. Vừa chạy tới đường Mai Thúc Loan thì một loạt súng nhỏ ngoài thành bắn vào như mưa. Ðoàn người chạy đằng trước có vài người ngã xuống. Tức thì họ quay đầu trở lại, một đàn ong tan bầy. Tôi vội kéo mọi người chạy trốn vào một căn nhà đổ nát ngay lề đường. Nhà đã sập, chỉ còn mấy bức tường trơ vơ. Chúng tôi chui vào đàng sau bức tường, leo qua đống gạch lớn. Nhà này có một cái hầm cát nhưng hầm cũng bị trúng đại bác tan tành, bao cát vỡ tứ tung, các cây gỗ gẫy văng la liệt. Và giữa những bao cát bị đào lên, giữa những thanh gỗ lớn, xác một người Mỹ nằm sấp, mặt nhìn ra ngoài đường. Tay anh ta đưa ra trước mặt và nắm chặt lại. Tôi tò mò nhìn kỹ, thì ra đó là một bức ảnh nhỏ in hình một người đàn bà tây phương đang áp má bên một đứa bé gái bụ mẫm. Cả hai mẹ con cùng cười, tươi thắm giữa vườn cây trái tươi tốt. Người Mỹ còn trẻ lắm, anh ta chưa tới ba mươi tuổi, mái tóc vàng hoe dính bê bết máu. Xung quanh xác chết của anh ta, chiếc ví da xổ tung, giấy tờ, thư từ rơi vung vãi cùng chiếc bật lửa và những giây đạn còn mới nguyên, bị đứt ra từng đoạn. Tam tò mò hơn, nó nhìn sát vào tay người Mỹ và đọc được giòng chữ nhỏ đằng sau bức ảnh. Hắn lẩm nhẩm: Lạy Chúa, cho con gửi lời cầu xin năm mới sang Việt Nam cho chồng con. Chiến tranh chấm dứt và gia đình đoàn tụ. Lẫn trong đống thư từ rơi vãi, Tam lượm được một chiếc ảnh nữa, cũng người đàn bà, gần như không có mảnh vải che thân đang nằm sấp trên chiếc giường rộng trống trải với một lời đề đằng sau, tả nỗi nhớ chồng thê thiết.

Không biết ngày thứ mười mấy hay hai mươi mấy mà người Mỹ đã vào được tới đây. Có lẽ họ đã đến và bị đẩy lui. May mà chúng tôi đã tìm ra tới được đây. Khi chúng tôi ra tới đường, hình như nơi con đường chúng tôi ở không còn một gia đình nào nữa. Họ đã chết hoặc đi từ lâu rồi. Hường ngồi ủ rũ dựa lưng vào đống gạch, nó giơ tay che mắt không dám nhìn xác chết.

Người đàn bà lớn tuổi nhất ở nhà hàng xóm trú ngụ nhà tôi bò ra ngoài nhìn rồi ngoắc chúng tôi:

“Ngoài đường có người đi rồi. Ði đi thôi.”

Chúng tôi lại dắt dìu bồng bề nhau đi. Nhưng cứ một đoạn, chúng tôi lại chạy ào tìm chỗ tránh đạn hoặc nằm mọp xuống đất khi nghe trên đầu có tiếng rạt rạt. Mỗi lần có tiếng rạt rạt trên đầu là có tiếng nổ của đại bác. Ðằng trước chúng tôi có người trúng đạn, đằng sau chúng tôi có người trúng đạn. Ðoàn người chạy loạn bỗng dưng tụ tập hết gần nơi cửa thành. Người tôi run lên. Họ kiểm soát chắc. Chúng tôi đến gần. Có một toán quân giải phóng đang ngồi ở đó. Họ không ngăn chận nhưng đoàn người tự động dừng lại trước những mũi súng gờm gờm như sẵn sàng nhả đạn. Tôi kéo vuông khăn che đầu tóc, che mặt cho thấp xuống.

Má tôi vội nhét vào túi áo trong của tôi một gói tiền nhỏ rồi bà bế xốc Hường lên.

“Ðàn bà được đi qua. Ðàn ông thanh niên đi trở lại.”

Một giọng cứng rắn từ trong toán giải phóng đang ngồi dựa lưng bên cửa ra lệnh. Tam tái mặt, nó cố lẩn trong đám đàn bà trẻ nít. Tôi nín thở đi qua. Mấy đôi mắt gườm gườm nhìn thẳng vào mặt. Bỗng có tiếng nói:

“Anh kia đứng lại.”

Tôi giật thót cả người, không dám nhìn lại. Họ nói tôi hay nói ai. Nhưng tay ai đã đẩy lưng tôi đi thẳng tới phía trước. Tiếng Hường rên rỉ như đau đớn lắm. Tôi biết một phần nó đau đớn thật và một phần nó làm bộ kêu la. Bỗng Tam vùng chạy về phía trước. Một tràng súng đuổi theo nhưng hình như súng chỉ bắn lên trời. Ðoàn người tràn ra cửa thành đông quá. Tam nhờ đó cứ vừa lách vừa chạy. Nghe tiếng súng, ở bên ngoài có tiếng súng đáp trả. Hai bên lại bắn nhau loạn xạ. Chúng tôi lạc bầy nhau chạy bán sống bán chết. Một tràng đạn réo bên tai. Tôi vội nằm xuống đất, và khi đứng dậy được thì má tôi, em tôi, Tam và những người hàng xóm đã chạy lạc đâu mất rồi. Tôi chết điếng người, má tôi, em tôi, có mặt trong đoàn người chạy phân tán các ngả hay đã nằm trong đống xác vừa mới ngã đằng sau lưng đang còn nóng hổi, tràn trề sự sống kia? Tôi muốn quay lại nhưng không được nữa. Súng đạn xô tôi chạy mãi về phía trước. Tôi đã ra tới phố Phan Bội Châu.

Lúc nãy, rõ ràng tôi nghe nhiều tiếng súng bắn vào cửa Ðông Ba, và quân Việt cộng bên trong bắn trả lại. Nhưng ra tới đây, sao tôi không thấy bóng một người nào hết. Chỉ có những xác chết. Xác Việt cộng chết từ lâu hoặc còn tươi, xác dân chúng đi tản cư. Tôi nhìn thấy nhiều cảnh thương tâm lắm. Những chị đàn bà chết trong tay còn ôm chặt con. Những người đàn bà bụng chửa chết lòi con ra ngoài. Thấy chạy ở ngoài đường nguy hiểm quá, tôi xô cửa vào một căn phố gần đó.

Căn phố bỏ trống. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy những lỗ hổng lớn đục nơi bức tường cứ tiếp tục thông từ nhà này sang nhà khác. Tôi nghĩ là Việt cộng họ dùng lối này để di chuyển chăng. Nhưng tôi không dám mạo hiểm leo sang những căn nhà khác. Căn phố này chưa sập đổ hoàn toàn, nhưng tôi kiếm hoài không ra được một chút thức ăn nào hết. Cực chẳng đã tôi phải tìm sang nhà khác, kiếm bất cứ cái gì ăn cho đỡ đói. Khi tôi nhặt được một túi bánh mì khô bên cạnh xác một em bé chết đã lâu mặt mũi sình thối, thì tôi cũng bị trúng một viên đạn vào tay. Tôi tự băng bó bằng áo của em bé đã chết, và viên đạn đến bây giờ vẫn còn mắc cứng trong thịt, có lẽ tôi đau nhức hơn cả là vì vết thương này.

Tôi không hiểu làm thế nào mà tôi còn sống sót được khi chạy tới bờ sông. Tôi không biết, không nhớ rõ khúc sông nào. Lúc nhìn thấy mặt nước, tôi khát cháy cổ họng, người khô quắt không còn một giọt mồ hôi. Sau lưng tôi, trên đầu tôi, tiếng súng nổ. Tôi bỗng cảm thấy đau nhức khắp người và hình như máu trong người tôi đang chảy ra như suối. Mặc, giòng sông xanh trước mặt êm ả quá, màu xanh ban đầu làm mắt tôi dịu lại, rồi tất cả giòng sông chụp lấy tôi, nhận chìm tôi xuống. Tôi đã lết tới sát bờ sông, tôi vục cả mặt mình xuống, trườn cả người xuống, giòng nước mát lạnh như muốn đóng tôi thành một tảng băng. Rồi có tiếng la chới với: Cứu người ta với, cứu người ta với. Tôi bị nhấc bổng lên một con thuyền, và tôi thiếp đi.

Khi tôi tỉnh dậy thì thuyền đã qua sông. Tôi bị mấy vết thương khá nặng. Có bao nhiêu tiền, tôi dốc cho người lái đò đã cứu sống tôi hết. Tôi từ giã người lái đò rồi cố gắng vừa bò vừa lết lên đường.

Hình như tôi bò ngang qua nhiều xác chết lắm. Tôi đến được trường Kiểu Mẫu. Ở đây, người ta tị nạn đông lắm, đông đến nỗi tôi không còn có chỗ nằm. Tôi được băng bó sơ sài, được ăn uống. Người ta khuyên tôi nên đi về phía An Cựu, ở đó đã yên, may gặp quân đội, họ chở về Phú Bài mới có thuốc thang băng bó. Tôi đã đi qua bao nhiêu con đường nhỏ, tôi có ngang qua bưu điện nữa thì phải, cứ ở chỗ này có tiếng súng, tôi bò tránh sang chỗ khác. Nơi bưu điện, tôi thấy có mấy xác Việt cộng bị xích chân nơi khẩu đại liên. Họ đã chết. Một nơi khác tôi cũng thấy tương tự như thế. Khi tới cầu An Cựu, tôi thấy có lính mình và người Mỹ. Tôi chưa kịp đi tới thì xẩy ra tiếng súng, tôi vội lết vào con đường nhỏ để tránh đạn. Khi đi qua đoạn đường hồi nãy anh cứu tôi, tôi bị một phát súng trong vườn bắn ra. Tôi ngã ngay xuống đất. Dù vậy, tôi cũng cố lết tới cái hố bom để tránh đạn lạc. Khi ở trường Kiểu Mẫu, tôi thấy có nhiều ngôi mộ mới. Người ta nói: mỗi ngày có mấy người chết. Hoặc bị thương từ trước, hoặc trúng bom. Tôi tưởng qua tới đây thì có thể về Phú Bài được. Nhưng giờ thì tôi hết hy vọng rồi. Tôi không hiểu sao tôi còn tỉnh táo tới phút này để kể cho anh, cho chị nghe chuyện của tôi được. Có lẽ máy bay đã xa rồi.

Thôi anh chị để mặc tôi, chạy đi, không họ tràn tới bây giờ. Xin dựng tôi nơi cánh cửa, không, nơi cái cột kia cũng được. Tôi còn nhìn thấy mưa, thấy cỏ cây. Bụi cây trước mặt chưa có một vết đạn nào tới phá, mưa gội sạch hết để tôi nhìn…

Thái dựng người thanh niên nơi chiếc cột ngó ra góc vườn. Ở đó có một chậu cây. Mấy chậu hoa thược dược trắng và tím vẫn nở. Xa hơn là một bụi cây lớn đang nằm nghe mưa vỗ về. Có lẽ máy bay sẽ trở lại thật. Thái ngỏ ý muốn đi và đem người thanh niên theo, nhưng anh ta mỉm cười lắc đầu. Tay anh bắt đầu run, môi anh ta tím bầm lại và đôi mắt chớp nhanh như muốn thu hút hết bầu trời và cảnh vật trước mắt. Ðôi mắt dại dần như có một cái màn mỏng kéo tràn qua. Thái cầm chặt tay anh ta. Nơi khóe mắt sắp tàn lụi bỗng rỏ xuống hai giọt nước mắt và miệng anh mấp máy. Anh cố nhướng lên như muốn thâu hết mọi hình ảnh rồi đứng tròng. Thái lắc đầu. Tôi thụt lùi lại đứng đằng sau lưng Thái. Thái nhẹ nhàng vuốt mắt cho người thanh niên, rồi đặt xác anh ta nằm thẳng bên chiếc bể cạn.

Trời mưa nặng hạt hơn. Tôi thờ thẫn theo Thái ra ngõ. Trước ngõ, mấy xác Việt cộng nữa vừa mới chết. Họ nằm sấp có, ngửa có. Thái vuốt mắt cho từng người rồi kéo tay tôi đi. Tôi bỗng hoảng kinh muốn vọt chạy tới đằng trước. Thái hỏi:

“Chi rứa chị?”

Tôi nói không ra hơi, đưa tay chỉ lui. Xác một Việt cộng vừa mới được Thái vuốt mắt xong đã nhắm, bỗng lại mở trừng trừng ra, như nhìn theo chúng tôi. Thái xô tôi tới trước:

“Thôi kệ, đi đi chị. Ði đi mau.”

Chính chân Thái cũng quýnh lại. Hai chị em dắt díu nhau chạy thoát con đường nhỏ. Một lúc sau tới đồn An Cựu, thấy có thúng hột vịt của ai bị đổ rơi vãi đầy đường, Thái nhặt được ít quả còn nguyên bỏ vào túi.

Hình ảnh người thanh niên tên Khâm vừa mới chết trong một căn nhà lạ cứ ám ảnh tôi mãi. Hắn kể tỉnh táo vậy tại sao lại chết chóng vánh như thế? Cái chết thiệt dễ dàng và đôi khi không giải thích nổi. Hắn đã ở nơi bom đạn trong suốt bao nhiêu ngày, bị bao nhiêu vết thương. Trốn chạy mãi sang gần tới nơi bình yên thì lại chết vì một viên đạn nào đó trong vườn, từ sau một bụi tre bắn đi. Cái chết thật như sự bỡn cợt.
Vậy số phận tôi, số phận gia đình tôi lấy gì bảo đảm. Tôi đã chạy cùng khắp, về nhà quê, lộn lại lên Huế. Ở nhà quê cũng có người chết vì đại bác rơi lạc. Về thành phố, tìm nơi an ổn nhất cũng có những viên đạn đi lạc hết sức vô tình. Tôi bỗng bàng hoàng cả người khi nghĩ tới những ngày ở nhà thờ, ở Cung An Ðịnh, những ngày chạy từ Tân Lăng về miệt đường rầy. Ở đâu cũng đầy cái chết mà chúng tôi chưa biết, chưa chết, chớ không phải là không thể chết.

Ban đầu tôi nghe đồn là Việt cộng ở chơi ba ngày, rồi tăng lên bảy ngày. Rồi tin cụ Hồ vào thăm dân. Cụ chưa vào mà thành phố đã chết đứt một nửa, đã tan nát sụp đổ gần hết. Ngày cụ vào, chắc gì con cháu còn sống để hoan hô cụ. Nhìn đồng bào chết, lòng tôi không khỏi xót xa, nhưng nhìn những xác Việt cộng tôi cũng không thể căm thù họ. Họ cũng chết la liệt cho bác Hồ vô Huế. Thái nói:

“Răng tự nhiên chị khóc?”

Tôi phải nói là tôi sợ lắm. Chắc Thái cũng đang nghĩ gì mà tôi nhìn thấy mắt nó buồn hiu. Về tới nhà, má tôi đang đứng lấp ló ở cửa. Bà chạy xổ ra kéo chúng tôi vào nhà, vừa mắng vừa khóc:

“Tụi bây thiệt. Tụi bây thiệt làm tao hết hồn hết vía.”

Rồi bà kéo chúng tôi vào nhà. Trên bàn thờ ba tôi, mùi nhang bay thơm phức. Dì Vạn đang thổi cơm bằng chiếc bếp nấu dầu hôi ở một góc nhà. Dì nói:

“Trưa ni ăn cơm có đu đủ kho nghe bây. Dưới Thủy Dương vừa mang lên, của cậu mợ Giáo gửi cho đó.”

Thái ngơ ngác:

“Ai lên, lên khi mô? Mới đánh nhau mà.”

“Thì nó lên rồi bị kẹt ở Mù U. Nó phóng xe như bay tới đây, ngớt súng là về liền.”

Tôi hiểu dì Vạn nói nó đây là ai rồi. Chắc con trai của cậu Giáo.

Má tôi nói:

“Ðừng có mở cửa nghe. Có nhiều nhà người ta về rồi. Mở cửa sợ Việt cộng biết.”

Trưa đó, chúng tôi đang ăn cơm thì nghe một tiếng nổ như sét trên đầu. Cả nhà lại vất hết bưng đầu chui vào hầm. Lại đánh nhau chăng? Nhưng chỉ có một tiếng nổ lớn rồi thôi. Hai cánh cửa sổ đang đóng bật ra, thêm một ít ngói trụt để lộ những mảnh da trời màu chì. Mấy tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới biết là một toán lính Mỹ đi ngang gần đồn An Cựu, ngồi nghỉ chân tại bên đường, kiểm lại thấy mất một cây súng. Vậy là họ kéo vào một căn nhà lầu đẹp nhất bỏ trống, đặt mìn giật nổ cho hả giận.

Đọc tiếp: Giải khăn sô cho Huế (chương 8)

Tags: , ,

More Stories From Tội Ác Cộng Sản

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh