Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Giải khăn sô cho Huế (chương 5 tiếp theo)


Tác giả Nhã Ca.-

Buổi chiều, khi tỉnh dậy, thấy xung quanh mình vắng ngắt. Mọi người đã bỏ tôi để tản cư đi hết chỗ khác rồi phải không? Tôi hốt hoảng đưa tay sờ soạng, phải lâu lắm tôi mới nhìn thấy chút ánh sáng từ miệng hầm hắt vào, lần lần tôi nhìn rõ bàn tay tôi. Nhưng tôi chưa dám lên tiếng gọi hay bò ra miệng hầm mà yên lặng nghe ngóng. Hình như trên nhà có tiếng bát đũa khua rổn rảng, nhưng không có một tiếng người. Cả tiếng động ngoài vườn ngoài sân cũng vắng nữa. Cố gắng mãi để tập trung thính giác, tôi mới nhận ra tiếng va chạm của đũa bát, chắc cả nhà đang ăn cơm ở trên hầm. Sao không ai đánh thức tôi dậy? Sao cả nhà nỡ để tôi cùng quẫn với cơn đói lả. Không, tôi phải bò lên để cho cả nhà biết là tôi được quyền góp mặt trong bữa cơm gia đình. Tôi mệt lả nhưng cố gượng để bò lên miệng hầm. Tiếng va chạm bát đũa, tiếng nhai nuốt chứng tỏ những kẻ đang ăn uống hết sức thô lỗ. Chắc đã yên rồi và cả nhà đang sung sướng với bữa cơm no nê. Tôi cố bám vào hai bên mép thành đất, ló đầu ra ngoài.

Tôi có nằm mơ chăng? Tôi còn sống hay đã chết đói? Không, tôi không phải là con ma đói, tôi còn sống đàng hoàng mà. Mâm cơm nào bày ra với những khuôn mặt lạ hoắc vậy? Tôi mở lớn mắt nhìn rồi ngã rơi đánh bịch xuống đáy hầm. Tiếng động của chính mình làm tôi sợ hãi tột độ. Họ đã nghe, họ sẽ vào lôi cổ tôi ra và một phát súng sẽ nổ. Cơn đói của tôi tiêu tan đâu hết. Mâm cơm đúng là chén bát của gia đình tôi, nhưng tất cả gia đình tôi và những người trú ẩn trong nhà thờ đang ngồi ở góc nhà, ủ rũ, lo sợ. Năm sáu anh giải phóng đang ngồi ăn cơm ngon lành, không ai nói với ai một lời, họ ăn hối hả như người sắp chết đói vớ được bữa cơm. Tôi nằm lặng đi một lúc không thấy động tĩnh gì thì lại hồn trở lại. Nhưng vừa lúc đó, tiếng máy bay lại ào đến, rồi đại bác câu tới. Tiếng chân của mấy anh giải phóng chạy ra khỏi nhà: Cám ơn mẹ giải phóng. Tiếng một người đàn ông vọng vào rồi chìm trong tiếng đạn rốc kết bắt đầu bắn xuống. Mọi người tràn vào hầm. Trúc lấn gần lại phía tôi:

“Anh mô rồi?”

Tôi trả lời yếu ớt. Oanh nhét cho tôi nắm cơm vắt nói:

“Khi hồi xới cơm cho họ, em lén vắt một vắt dấu trong áo cho anh nì.”

Tôi không còn đủ sức để đưa tay ra cầm nữa. Trúc rứt từng miếng cơm đút vào miệng, tôi nhai nuốt vội vàng cùng đống nước bọt còn đầy ứ trong miệng. Dù sao một vắt cơm nhỏ lúc này đối với tôi cũng quý hơn mọi món ăn cao lương mỹ vị ở trên đời. Má tôi lầm bầm:

“Ðang dọn cơm định xuống đánh thức con dậy ăn thì họ vô. May mà con chưa lên. Rứa là phải mời, họ ăn liền.”

Oanh kêu nhỏ:

“Ăn rồi cám ơn rối rít, mẹ giải phóng tốt, chị giải phóng tốt, tốt hoài kiểu này chắc chết quá.”

Nhưng Trúc bênh:

“Thì ở mô cũng có người tốt người xấu. Cái anh giải phóng trẻ tuổi chả đem cho mình chục lon gạo là chi. Anh lấy mô rứa hè?”

Không ai trả lời thắc mắc cho Trúc. Rốc kết như ném ngay trên đầu. Má tôi đoán chừng:

“Bắn ở đây chắc đạn trút xuống ở Bến Ngự.”

“Chắc dưới chợ.”

“Dưới đường rầy.”

“Xì, hơi mô mà cãi, tới phiên Từ Ðàm bây chừ đó.”

“Dưới cầu họ vẫn còn đóng. Khi trưa tui thấy mấy nhà đi tản cư bị họ đuổi lên vừa chạy vừa khóc. Xóm mình có nhiều người bị thương lắm nghe.”

“Ôn Minh đi mô hỉ?”

“Ôn lại đi phát gạo, đi tải thương rồi.”

“Cái ôn chi thiệt khùng, thời buổi ni, ai có thân nấy lo.”

Tôi nằm im nghe máu thấm trong từng mạch nhỏ. Mắt tôi đã hết hoa, tay chân tôi đã hết run rẩy. Tôi bớt sợ rốc kết hơn, nhưng đồng thời tôi cũng hiểu rằng mọi thứ chết súng đạn, hay chết đói khát đều kinh khủng như nhau. Mà gạo trong nhà, mấy anh giải phóng đã mượn khuân đi hết. Tình trạng này kéo dài thêm vài tuần nữa chắc là chúng tôi chết đói hết. Má tôi than thầm với một bà bạn:

“Thời buổi như ri mà ôn Minh còn vác về mấy cậu sinh viên. Có đàn ông trong nhà phiền ghê lắm.”

Chắc má tôi lại lo sợ cho tôi. Mọi khi, tôi giận má tôi ghê lắm nếu nghe má tôi phàn nàn như thế, nhưng lúc này, tôi thấy bà nói hợp lý. Oanh thì thầm:

“Ôn đem mấy anh nớ về để đi băng bó cứu thương.”

Tôi càu nhàu:

“Họ bắt giết hết cho coi.”

Oanh tin tưởng:

“Ôn có giấy của mặt trận để đi đường mà. Còn ôn thì khỏi sợ đi.”

Ðúng lúc đó, có tiếng đập cửa. Không biết ai đập cửa mà tim mọi người như ngừng đập. Tiếng rốc kết bên ngoài vẫn ròn rã như mưa. Tiếng đạn từ dưới đất bắn lên vẫn rào rào. Phía này chóc chóc, phía kia tạch tạch. Ðủ các cỡ súng chĩa lên trời. Tiếng đập cửa càng gấp rút hơn, rồi có tiếng la nữa, nhưng chúng tôi không thể nào nhận ra tiếng của ai. Oanh nhấp nhỏm:

“Hay ôn Minh về.”

“Suỵt đừng noái. Kệ ai thì ai. Im hết đi, trời ơi.”

Tiếng đập cửa vẫn liên tục, rồi có tiếng dộng cửa thình thịch. Trúc cương quyết:

“Ôn Minh về rồi đó, chắc chắn mà.”

Không nói thêm một tiếng, nó tuôn chạy ra khỏi hầm. Má tôi níu theo mà không kịp. Bà chỉ biết kêu trời kêu đất. Tiếng mở cửa rồi tiếng chân hai ba người kéo vào, rồi tiếng Trúc kêu rú lên. Tôi hốt hoảng chụp vai má tôi:

“Chết rồi.”

Má tôi vùng chạy ra khỏi hầm quên hết mọi nguy hiểm. Nhưng cùng lúc đó, tôi nghe tiếng ôn Minh:

“Mau đem thuốc, đem băng ra đây.”

Tiếng Trúc:

“Mần chi còn băng. Kêu mấy anh y khoa hỉ?”

“Mau lên.”

Nhiều người nữa đi ra khỏi hầm. Tôi cũng tò mò ngóc đầu lên miệng hầm để nhìn. Trong ánh sáng lờ mờ hắt từ ngoài bầu trời thảm đạm vào, tôi nhìn thấy hai người đàn ông máu me bê bết. Một người mắt còn mở lờ đờ, một người mắt khép như đã chết rồi, anh ta để lộ một mảnh đầu trắng hếu như lòi não.

Tôi hỏi Trúc:

“Ai đó?”

Trúc lắc đầu. Mặt nó tái xanh. Nhưng rồi nó cũng phụ với mọi người băng bó cho hai kẻ bị thương. Máu chảy đọng vũng giữa nhà. Trúc vừa che mặt vừa xé cái áo cánh trắng để làm băng. Ngoài đường, ngoài vườn lại có nhiều tiếng hét lớn. Chắc lại có kẻ bị thương rồi.

Ôn Minh ngoắc tôi lên:

“Lên đây, mắc đánh nhau, họ không vô bắt mô mi sợ.”

Tôi lên đứng cạnh hai người đàn ông bị thương. Tiếng rốc kết đã thưa dần, nhưng máy bay vẫn còn lượn thêm nhiều vòng ở trên trời. Tiếng đạn dưới đất bắn lên cũng thưa thớt hơn. Rồi một toán hàng xóm xông vô nhà, họ kêu khóc như ri:

“Nhà tui cháy rồi bà con ơi.”

“Thằng con tui chết không mang đi được.”

“Ôn Minh ơi, sang đem thằng con nhỏ của tôi qua với. Nó bị kẹt giữa đống gạch rồi.”

Ðám đông kêu khóc như ri. Má tôi lại hỏi thăm tin tức bên ngoài. Ôn Minh giao hai người bị thương cho chúng tôi rồi băng ra ngoài cửa. Tôi chỉ kịp kêu một tiếng:

“Ôn…”

Một loạt súng nổ ròn ngay đầu cổng. Thôi rồi, chắc ôn Minh đã bị thương. Oanh đẩy cửa: Ôn ơi, ôn ơi. Nó chạy ra nhưng má tôi đã ngăn kịp. Tiếng ôn Minh nạt nộ ai ở đầu ngõ. Oanh vừa quay vào thì có tiếng đẩy cửa. Người lính giải phóng trẻ tuổi gác trước cổng nhà đi vào. Hắn ôm một cánh tay. Má tôi vội đẩy tôi xuống hầm trước khi hắn nhìn ra kịp.

“Răng rứa, ôn.”

“Cháu bị thương. Mẹ giải phóng cho cháu xin chút băng băng lại.”

Oanh nhanh nhẩu:

“Hết băng. Mấy hôm ni áo xé băng còn không đủ.”

“Coi giùm còn chút thuốc nào không.”

Oanh cay chua:

“Vậy các đồng chí cứu thương mô rồi. Các cô nữ cán bộ cứu thương mô rồi. Mấy ngày ni tụi tui chờ họ tới để xin thuốc mà chẳng thấy họ mô hết.”

Tôi không nhìn mặt anh giải phóng, nhưng biết hắn đang xúc động hoặc đau đớn lắm vì giọng hắn run run:

“Tôi bị nhẹ, có kẻ bị nặng hơn tôi.”

Vừa lúc đó tôi nghe giọng ôn Minh. Ôn bế vào một đứa bé thì phải, tôi nghe giọng trẻ con khóc.

“Con Oanh, con Trúc, lấy áo ra mần băng mau lên.”

Tiếng chân Oanh chạy đi. Tiếng ôn Minh nói:

“Ủa, đồng chí cũng bị thương hả? Vô đây chi vậy?”

“Xin ông một chút thuốc, xin miếng vải băng lại.”

“Nặng hay nhẹ?”

“Nhẹ thôi mà.”

“Khỏi, lấy vôi mà bôi vô cũng sát trùng rồi. Mần chi có thuốc, còn chút thuốc để cứu người khẩn cấp. Bình vôi nơi góc nhà a tề.”

Vẫn giọng ôn Minh:

“Nơi góc nhà có đồng chí của anh đó. Tôi đã băng bó xong, anh coi sáng yên thì đem họ về bộ chỉ huy để chăm sóc. Coi khó sống đó.”

Thì ra hai người ôn Minh vừa vác về, có một người là Việt cộng. Ôn Minh không phân biệt gì hết, ông chỉ cứu người bị thương. Tôi nghe giọng anh lính trẻ cố thản nhiên nhưng che giấu nhiều cảm động:

“Cám ơn cụ. Bác và Đảng sẽ nhớ ơn cụ.”

“Tao hả? Tao không cần Đảng, không cần Bác. Tao chỉ biết hắn là người, hắn đau thì tao cứu. Mả cha nó bắn nhau, giết nhau, chỉ có dân khổ.”

Anh lính giải phóng e dè:

“Trong khu nầy có nhiều loại cán bộ, cụ không nên ra ngoài nhiều, lỡ họ hiểu lầm thì phiền lắm.”

“Tao hả? Tao người quốc tế mà. Ông Hồ cũng phải nể tao, ông tổng thống Mỹ cũng nể tao, vì tao có chính nghĩa.”

Ôn vẫn tiếp tục cười gằn. Tôi không nghe tên lính giải phóng nói thêm gì hết.

Trúc bò xuống cạnh tôi:

“Hết bắn nhau rồi anh.”

“Ừ.”

“Chết bất loạn. Ðầu ngõ mình cũng có tề. Anh sợ khôn?”

“Tao thấy chi mà sợ.”

“Chắc mình phải tản cư. Ở đây mần răng cũng chết.”

Tôi không ừ hử. Tôi lắng nghe tiếng động trên miệng hầm. Tiếng mấy người bị thương rên hừ hừ. Tiếng người đàn ông lạ yếu ớt:

“Ðồng chí ở tổ nào?”

“Tổ bốn chín.”

“Ðem tôi về bộ chỉ huy được không. Tôi muốn gặp người quen để nhắn ra Bắc.”

“Ðồng chí nhắn đi, tôi gửi giúp cho.”

Giọng người đàn ông yếu hơn:

“Không, tôi chưa chết. Tôi chưa thể chết được. Ðem tôi về… Tôi muốn…”

Tiếng nói cắt đứt nửa chừng. Ngoài cửa, có nhiều tiếng chân rồi tiếng người lao xao. Tải thương. Giọng ôn Minh: Có cứu mấy người đang bị thương không, tui gửi với.

“Không, chỉ tải thương quân giải phóng.”

Tiếng đại bác lại câu lên. Nhưng công việc tải thương vẫn tiếp tục. Thanh niên thiếu nữ bị bắt đi làm công tác. May mắn làm sao, Oanh và Trúc vẫn trốn được. Ôn Minh nhất định không đi, hình như ôn có đưa cái giấy di chuyển trong vùng kiểm soát của quân giải phóng ra dọa. Một lát họ rút đi hết, ôn Minh ra lệnh cho mọi người mới đến tị nạn tìm chỗ dựng hầm. Hết chỗ đào xuống đất, họ dựng hầm nổi. Những cánh cửa được tháo xuống.

Chúng tôi cũng nhất định sửa sang lại căn hầm. Mặc tiếng máy bay, mặc đại bác, trẻ con người lớn ra sân đào đất đem vào đổ cho đầy trên hầm, càng dày càng tốt. Có mấy người bị thương chết, những xác này được đem ra sân chôn, nhưng cứ vừa ra đào là máy bay đến, thấy bóng người dưới đất là rốc kết bắn xuống. Mọi người chạy tán loạn. Mấy anh giải phóng trong các hố cá nhân nguyền rủa om sòm. Họ nổi sùng bắn luôn mấy tràng đạn băng qua đầu đám người đang chạy tán loạn. Không ai nghĩ tới việc chôn xác chết nữa, và cũng không ai còn đủ sức sợ sống bên cạnh những xác người đang bốc mùi, dù có thể chết vì nhiễm độc.

Anh lính giải phóng trẻ đã được băng bó cánh tay. Hắn vẫn gác trước cổng. Ít khi vào nhà, vẻ mặt nghiêm trang. Tôi cảm tưởng cũng nhờ hắn mà Oanh với Trúc khỏi đi tải thương, khiêng đạn.

Quả như lời Oanh đoán, mấy ngày sau không ngày nào là không có máy bay, rốc kết bắn xuống như mưa. Ðại bác mỗi ngày mỗi nhiều. Mấy hôm đầu, buổi sáng, mọi người còn lên được miệng hầm để lấy đồ hoặc chạy ra xách nước. Về sau không ai dám ra ngoài sân, bò lên miệng hầm đã là một điều quá can đảm. Cứ tình trạng này, trong vài hôm nữa, chúng tôi sẽ hết nước và thức ăn khô cũng sẽ hết. Tội nghiệp má tôi, bình thường bà là người gặp chuyện gì cũng quýnh quáng, sợ vỡ mật, vậy mà đến lúc tuyệt vọng bà lại can đảm hơn ai hết. Mặc bom, mặc đạn, má tôi cứ chuồi lên miệng hầm tìm gạo, nấu cơm. Nhiều mảnh đại bác văng vào tường, nhiều mảnh bom chơm rơi xuống mái ngói, chui tọt vào nhà. Má tôi vừa run vừa lết vô hầm. Nhưng rồi sau đó lại bò ra. Má tôi chỉ còn biết sống phút nào hay phút đó để tận lực lo cho con cái.

Ôn Minh đi suốt ngày, thỉnh thoảng ghé về với một ít thức ăn khô chia đều cho các hầm. Ngoài việc tiếp cứu cho mọi người, ôn cũng không quên những người trú ngụ trong ngôi nhà thờ cụ Phan.

Nhiều đêm, chúng tôi bàn đến chuyện tản cư. Má tôi sang hầm bên cạnh, có gia đình ông hiệu trưởng. Ông này ngày đầu đã dám liều lĩnh chở hai đứa con nhỏ và cô em gái từ An Cựu trở về Từ Ðàm. Vợ ông bị kẹt ở đây. Ông suốt ngày cũng chui trong hầm không dám ra ngoài, sợ bị bắt. Mấy ngày đầu, các cô cán bộ hay vô lân la thăm hỏi, nói chuyện với bà vợ. Gia đình này còn một nửa kẹt ở An Cựu và em gái dám đi với ôn Minh, tìm đường dò về phía đó, nhưng không đi lọt. Má tôi bàn với gia đình đó, liệu có cách nào tản cư không. Nhưng cũng như chúng tôi, họ cũng đang ở thế tuyệt vọng. Người vợ ôm đứa con nhỏ khóc rấm rứt. Người chồng hết lo cho số phận mình, lại lo cho bà mẹ và một số người thân kẹt lại ở An Cựu. Tin tức ôn Minh đem về mỗi ngày một bi quan hơn.

Nhiều đêm, tôi đã nằm mơ thấy mình có mặt trong đoàn người tản cư. Ðể tìm một sự sống, chúng tôi cầm chặt áo nhau, đi từng đoàn dài. Chúng tôi qua cầu. Xác chết còn sình thúi đầy đường. Phía bên kia là quân đội Việt Nam Cộng Hòa, phía bên này là giải phóng. Không ai ngăn cản chúng tôi hết. Chúng tôi đi giữa súng đạn, giữa tiếng la thét, rồi cây cầu sập, cả đoàn người theo nhau rớt hết xuống dưới giòng sông. Nhưng cũng không thoát được, dưới lòng sông có bao nhiêu chiếc miệng đỏ hoét của thủy quái há ra, chực nuốt cả đoàn người vào bụng. Tôi hốt hoảng hét lên rồi thức giấc. Mặc dù trời bên ngoài lạnh buốt, cả người tôi mồ hôi vã ra như tắm. Mồ hôi vì sợ hãi, vì mệt và cũng có lẽ vì đói nữa. Nhiều lúc, tôi như đứa trẻ nhỏ đưa ngón tay vào miệng và nút. Tôi nút hoài trong bóng đêm, thấy ngón tay của mình nhạt dần mùi vị. Mùi vị đó tôi biết, mồ hôi và đất bẩn trộn lẫn.

Một ngày rồi một ngày nữa trôi qua. Tai chúng tôi ù đi vì súng, mắt mờ đi vì đói và đầu óc tê liệt vì những tiếng nổ dội ình ình, chung quanh. Nhưng lạ lùng, chúng tôi vẫn chưa ai chết cả. Gạo đã cạn, ôn Minh đem đâu về được mấy bịch cơm khô chia đều cho mỗi gia đình một ít. Chúng tôi nhai cơm khô mà cũng phải hết sức dè xẻn. Khát nước quá, một vài người ra sân lấy nước ở bể cạn. Một vài người chạy không kịp bị mảnh đạn ghim vào người, nhưng may thay, không một ai chết hết.

Chúng tôi không còn ai nhắc tới chuyện tản cư nữa. Ra khỏi miệng hầm là có thể chết rồi, huống chi ra tới sân, tới đường.

Nhưng rồi có một buổi sáng, không biết buổi sáng ngày thứ mười mấy nữa, có tiếng gọi tên tôi ngoài cửa. Mới đầu má tôi ghì đầu tôi xuống, bịt miệng không cho tôi thưa. Nhưng về sau, Oanh nhận ra được tiếng của Bảo, một người em con chú, mò qua nhà tôi được. Oanh lên mở cửa rồi lôi Bảo vô hầm, Bảo nói:

“Răng không chạy đi, họ đi hết rồi mà.”

“Răng mi gan rứa. Ðại bác câu như mưa rứa mà qua đây được.”

“Thì mình cứ đi liều. Nì, trốn không?”

“Mần răng trốn?”

“Ở đây rồi nó cũng bắt đi. Ði với tôi.”

“Ði mô?”

“Mình đi trong vườn, tụi hắn không biết. Mình đi ngã chùa rồi vòng qua phía lầu Ðua ra. Mình về dưới. Chắc được mà.”

Má tôi run lẩy bẩy:

“Không được. Ðừng có mạo hiểm.”

Nhưng tôi bỗng lóe lên một ý định. Có ở đây thì cũng sẽ chết, liều đi như thế, may ra còn đường sống. Tôi dặn nhỏ Bảo:

“Ðược, đợi tao với.”

Tôi an ủi má tôi gần nửa tiếng bà mới chịu để cho đi. Nhưng khi tôi lên miệng hầm với Bảo thì nghe tiếng má tôi khóc thảm thiết như đưa đám ma. Tôi rợn cả người. Bên ngoài là ánh sáng, nhưng tôi có cảm tưởng như bóng tử thần cũng lảng vảng ở đó, đang nô giỡn, thông đồng với những tiếng nổ, những tràng đạn bắn lẻ tẻ khắp vùng. Tiếng khóc của má tôi làm đầu gối tôi muốn xụm xuống. Tôi muốn lao lại vào hầm, nằm gục bên má tôi để có chết cùng chết có sống cùng sống. Nhưng Bảo đã kéo tay tôi. Cánh cửa hé mở và chúng tôi lách ra ngoài. Ánh sáng làm tôi chói mắt. Nhưng tôi đứng sững lại, nơi chiếc bể cạn, cây mai đã gẫy hết nhánh, chắc một quả đại bác đã rơi gần đâu đó, nhưng những cánh hoa vàng vẫn tiếp tục, bên cạnh những cành gẫy, những gạch ngói, những bông mai vàng như những đốm hy vọng gây cho lòng tôi bao tình cảm thiết tha, ham sống.

“Coi chừng!”

Ầm. Một tiếng nổ thật gần. Bảo kéo tôi nằm xuống. Rồi tôi bị Bảo kéo bật dậy, tôi đang chạy theo Bảo hay bị Bảo lôi đi cũng vậy. Khi ngoảnh lại, ngã ba đường Chùa và nhà thờ cụ Phan đã bị che khuất. Nước mắt tôi trào ra. Vài giọt mưa lất phất lạnh buốt bám vào mặt. Bảo vừa lôi kéo tôi vừa thở:

“Mau lên.”

“Ngã mô?”

“Lầu Ðua ra.”

Tôi không còn thì giờ mà ngắm cỏ cây, nhà cửa đường sá nữa, đại bác câu tới càng dày. Tiếng nổ ình đàng trước, đàng sau, bên hông. Cứ chạy một quãng, cả hai lại nằm xuống. Nằm xuống rồi đứng dậy tiếp tục chạy. Tôi không biết mặt mũi tôi ra sao, nhưng mặt mũi Bảo thì tôi không còn nhìn ra nữa. Quần áo chúng tôi bị đất cát, bụi gai xước rách từng đường dài. Tôi vừa chạy vừa kêu lên:

“Ði là chết. Chắc chết.”

Lầu Ðua ra đã hiện ra. Chúng tôi chạy bừa tới, tôi vấp phải nhiều xác chết, nhiều lúc suýt bổ nhào. Chạy còn cách lầu Ðua ra vài chục thước, chúng tôi lại bị bao vây vào giữa tiếng súng lớn nhỏ. Hai bên nổ súng giao chiến. Cố gắng mãi chúng tôi mới vào được lầu Ðua ra. Mắt cá chân chúng tôi ngập máu. Trong nhà toàn xác người. Xác mới có cũ có, xác quốc gia có, việt cộng có. Ngay ở trước nhà, tôi nhìn thấy xác hai người Mỹ trương to bằng con bò. Có điều lạ lùng là hai xác người Mỹ mặc đồ đen như đồ cán bộ xây dựng nông thôn. Nhưng tôi chưa kịp tìm hiểu thêm thì Bảo đã lôi tuột tôi vào trong. Vừa lúc đó có tiếng súng bắn tới. Bảo nhào vào một góc, người Bảo nhuộm đầy máu tươi máu khô. Tôi cũng lăn một vòng và nằm đằng sau mấy xác chết đã sình hôi. Tôi lấy tay che kín mắt, đạn bắn vèo vèo đi qua đầu. Hai bên giao tranh thật ác liệt một hồi rồi lại im. Nhiều tiếng chân đi vào lầu Ðua ra. Tôi nghe có giọng nói:

“Thấy có hai tên chạy vô đây mà.”

“Ðồng chí có thấy rõ ràng không đấy?”

“Chắc chắn. Hai tên còn nhỏ. Chắc là liên lạc viên của Mỹ Ngụy. Chúng vừa vô thì súng nổ.”

Tim tôi như ngưng đập. Tôi nằm sấp mặt xuống vũng máu khô đầy ruồi nhặng. Mặc, tôi cần đám xác chết này che chở. Có tiếng chân bước qua mấy xác người, rồi tiếng cười gằn:

“Hừ, mấy tuổi ranh đã phản quốc.”

Một tiếng súng nổ. Tôi nghe tiếng Bảo la lên. Vai tôi bỗng nhiên cũng đau nhói. Tôi còn kịp nghe một tràng đạn quét ngang mình trước khi ngất đi nữa.

“Bây giờ ông đi đâu?”

“Tui cũng không biết nữa. Tui chạy đại.”

Người con trai vừa kể câu chuyện trên nhìn ra phía đường sắt. Tôi hỏi tiếp:

“Anh được tin tức chi trên Từ Ðàm không?”

“Tui bị thương ở lầu Ðua ra, tưởng họ bắt được. May mà tui ngất đi họ tưởng tui chết. Khi tui tỉnh dậy thì Bảo, bạn tui đã bị họ bắt đi rồi. Những xác chết còn ngổn ngang nhưng nơi cửa có treo cờ giải phóng. Tui phải cố gắng mãi mới bò ra khỏi những xác chết. Tui thấy bốn bề im lặng, bên quốc gia cũng không có ai, mà cộng sản cũng không có ai. Tui lần mò xuống Phú Cam. Nhà cửa bỏ trống, dân chúng chạy hết rồi, tui chỉ gặp toàn người chết. Tui theo lối đường rầy mà về đây.”

Tôi tưởng gặp người con trai này ở Từ Ðàm về, sẽ biết được tin tức gia đình anh tôi ở trên đó, nhưng rồi cũng mù tịt.

Tôi khuyên:

“Giờ anh nên kiếm xóm nào còn người mà ở với họ. Chúng tôi sắp tản cư nữa rồi.”

“Chắc tui qua bên nhà thờ. Nghe nói bên nớ họ tỵ nạn đông lắm.”

“Ý đừng qua, họ lục soát bắt hết rồi.”

“Thôi tui cứ chạy đại. Nhưng tui phải ở trong thành phố, gia đình tui còn mắc kẹt ở trên nớ. Hai đứa em gái tui nữa.”

“Còn ôn Minh ra răng?” Má tôi hỏi.

“Dạ cháu không biết gì nữa.”

Chúng tôi nhìn theo người con trai đi trở lui phía đường rầy. Cả đoạn đường vắng tanh không có bóng cả một con vật. Anh đi tới đằng xa rồi mà không quay lại. Tôi hốt hoảng khi nghe tiếng nổ gần mạn đó. Tôi kêu lên, nhưng người con trai đã đi xuống một cái dốc ngắn và khuất sau những bụi cây rậm rạp.

Má tôi thở dài:

“Ở đây chắc chết. Mình phải chạy, trong xóm chạy hết rồi.”

Chú tôi chen vào:

“Họ chạy về phía dưới Phú Lương, nghe nói dưới đó yên lắm.”

“Phú Lương là phía nào?”

Chưa ai kịp trả lời thì tiếng súng đã tới gần. Tiếng xe chạy rần rần ở phía quốc lộ.

Thái reo lên:

“Quân mình tiến vô thành phố tiếp viện đó.”

Bé rành rẽ:

“Cứ ngày tới, đêm rút về Phú Bài. Ðêm họ lại về chiếm, thành thử như không.”

Má tôi khoát tay:

“Thì vô hầm đã rồi tính chi thì tính.”

Một lát sau thấy có người gồng gánh chạy vô nhà. Thu bò lên hầm rồi kêu:

“Chú Ðịch, không đi được hả?”

“Sang bên kiểu mẫu mà đường không đi được. Bắn nhau dữ quá.”

“Chú, chú định đi mô?”

“Về Phú Lương.”

Sắp xếp cho gia đình ngồi vào một góc nhà, người đàn ông chủ gia đình hàng xóm chui xuống hầm kể chuyện. Ông ta nói rằng ở bên thành nội họ hoàn toàn chiếm đóng. Có vài người trốn về bên ni được, họ đi bằng đò, nhưng số đi chạy nạn liều lĩnh đó chết hết hai phần ba, đi mười người may ra còn một hai người sống sót. Ông cho biết đang đánh nhau ở Bưu điện. Má tôi hốt hoảng:

“Ðánh bưu điện rồi sắp đánh về bên ni, làm răng chừ hở trời!”

Vậy là đợi cho tiếng súng thưa bớt, cả nhà chúng tôi chui lên khỏi miệng hầm bồng bế nhau đi chạy loạn. Về nhà chú tôi mấy hôm, từ nhà chú tới nhà chúng tôi cũng ở trong khu vực An Cựu, cách nhau có mấy trăm thước mà chúng tôi không dám về qua nhà thăm. Mấy ngày liền ở trong hầm tối, Thái phân chia mọi người lo công việc. Lấy được ít gạo ít nước mắm trong nhà chú tôi thì Thái lãnh những thứ đó. Má tôi vẫn khư khư giữ xách quần áo mà hết một nửa là quần áo của ba tôi, khi chết không liệm hết được. Tôi giữ một xách nhỏ và cái cặp đồ. Vợ Bé gánh một gánh đầy nồi niêu, bát đĩa, gạo cơm. Mỗi người đều có việc đầy tay đầy chân hết và trẻ con thì được dặn dò là cứ bấu theo áo người lớn mà chạy.

Chúng tôi chạy xuống ngả mù u. Ban đầu ai nấy chạy hăng lắm vì tiếng đạn nổi lên ở đằng sau và tiếng máy bay vào thành phố. Nhưng khi đã bỏ xa được tiếng động kinh hoàng đó rồi, chân tôi cơ hồ bước không vững nữa. Má tôi ngồi bệt xuống đường.

Một thanh niên từ phía dưới phóng xe Honda đi lên. Thái vẫy lại:

“Anh đi mô rứa?”

“Nghe nói trên ni có nhiều đồng bào tản cư, tui đi lên coi có ai cần chi giúp đỡ.”

Thái vui vẻ:

“Chúng tôi đang cần giúp đỡ. Dưới đó yên không?”

“Yên chớ. Dưới nớ họ chỉ tràn vô ban đêm. Ban ngày ai lo chuyện nấy, có chi mô.”

Thái mừng rỡ:

“Vậy bạn chở bác tui một đoạn. Chở rồi bỏ nơi chợ Thùy Dương một, tụi tui xuống bây chừ.”

Má tôi vội vàng trèo lên đằng sau xe.

“Bác ôm cho chặt.”

Anh thanh niên phóng như bay, chỉ một thoáng má tôi khuất dạng đằng xa. Tôi gắng gượng đứng dậy tiếp tục theo Thái. Dọc đường, tôi gặp không biết bao nhiêu đoàn người đang đi tản cư.

Họ bồng bế nhau, gồng gánh, vừa đi vừa chạy vừa ngoái lại nhìn về phía sau, thành phố đầy tiếng nổ lớn nhỏ.

Một người đàn bà vừa đi vừa khóc:

“Tui thoát được mình tui, tui chạy được tới đây rứa còn chồng con tui sống chết ra răng hả trời? Ra răng đây ông trời?”

Bà nhìn lui thành, nhìn lên ông trời. Ông trời vẫn một màu chì, sẵn sàng chảy thành nước mà không đủ sức chảy. Một chiếc xe bò khác đi lẹt đẹt sau một đám người khoảng chừng mười mấy người. Chiếc xe bò do hai người đàn bà đẩy, trên xe có hai người nằm, họ được đắp bằng chiếc chiếu cũ.

Tôi nhìn thấy bốn cái chân thõng xuống, lòi ra ngoài chiếu, bốn chân đều dính bê bết máu. Chiếc xe không thể đẩy nhanh hơn vì sức lực hai người đàn bà đã hầu kiệt. Một người đàn ông trên vai vác một đứa nhỏ, đứa nhỏ bị thương máu ra gần hết, nét mặt xanh xao đang gục trên vai người đàn ông, ánh mắt mở lờ đờ nhìn theo đoàn người đang chạy đằng sau, như lấy hình ảnh để canh chừng sự sống. Những giọt máu rơi vãi trên mặt đường, những bàn chân khác tràn tới làm nhòe đi hoặc xóa bỏ. Tôi nhớ lại đoàn người cầm cờ trắng đi trong thành phố đạn lửa, đoàn người từ Phủ Cam đi xuống, cha có sư có, người lành lặn dìu người bị thương, người sống còn gắng gượng cổi áo mình đắp cho người chết. Ðoàn người đó lưu lạc về đâu rồi, liệu họ có tìm được con đường để về Phú Lương, Phú Bài như chúng tôi không?

Bất chợt tôi cũng quay lưng lại nhìn thành phố.

Tôi nhìn thấy những ống khói cao mù. Tiếng súng xa dần nhưng hết sức khốc liệt. Tiếng đại bác nổ ình ình, thỉnh thoảng có trái sai tọa độ rớt thật gần đoàn người chạy loạn. Họ nằm cả xuống, còn tôi, tôi bị Thái xô ngã xuống đường:

“Chạy đi chớ chị.”

“Chạy thì chạy.”

Chạy. Phải chạy. Tìm một con đường thoát.

Đọc tiếp: Giải khăn sô cho Huế (chương 6)

Tags: , ,

More Stories From Tội Ác Cộng Sản

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh