Giải khăn sô cho Huế (chương 9 tiếp theo và hết)
Posted by Luu HoanPho, Jan 13, 1969, Comments Off
Tác giả Nhã Ca.-
Một lúc sau, anh chị tôi mới tỉnh táo kể chuyện chạy loạn được. Tôi hỏi thăm anh đi ngả nào, anh tôi kể:
“Ðạn trên nớ bắn dữ quá. Việt cộng không thể kiểm soát được nữa. Quân Mỹ đã tới cầu Nam Giao và Bến Ngự. Ngày hôm qua, lúc chập tối, một chiếc hầm sập, đè chết một đứa nhỏ chắt của cụ Cường Ðể, một đứa bị thương. Anh bế hai đứa nhỏ đầy máu me. Bà Xếp bế một đứa. Tụi nhỏ cho đi trước cầm cờ trắng, kéo xuống cầu Bến Ngự để đưa mấy đứa nhỏ ra nhà thương. Vài người chạy theo nữa, tới cầu Bến Ngự, anh tỏ ý xin qua, nhưng thấy đông quá, bọn Mỹ nghi ngờ, giơ tay xua bắt trở lại. Cả đoàn chưa kịp quay lại, họ đã bắn vào chân, sướt bên tai, trên đầu. Lũ nhỏ khóc quá, cả đoàn phải kéo lên. Ðứa nhỏ chịu không được đau đã chết.”
Chị dâu tôi nói thêm:
“Anh gan lắm má. Ôm hai đứa nhỏ máu me đầy mình. Anh giơ áo cho má coi.”
Anh tôi đưa tay áo lên, những vết máu đã thâm tím lại. Anh tôi gầy nhom, hai mắt vàng khè và mặt không còn chút máu. Mấy đứa nhỏ đòi ăn. Hà lục lọi lấy cơm cho các cháu. Má tôi hỏi dồn:
“Trên nớ tan hết rồi hay răng con?”
“Ui, còn chi mà còn má. Nhà mình hư hết rồi. Có đem theo chi được mô. Mỗi cháu chỉ mặc một bộ quần áo. Mấy bữa súng yên, tụi con Mai nó qua, lôi được ít đồ gửi bên nhà thờ cụ Phan. Không biết nay mai, bàn thờ còn nguyên lành không nữa. Ðêm qua, súng còn như mưa, cứ tối là họ kéo về, giăng cờ dụ quân mình. Hai bên bắn nhau. Con chắc mai bên mình lên được trên nớ. Biết ở lại răng cũng chết, ông Minh khuyên tụi con nên liều mà đi.”
Má tôi vẫn chưa ngớt xúc động:
“Con đi bằng ngả mô rứa? Ngả mô mà xuống được?”
“Ði ngả đường rầy má. Nhờ ôn Minh hết đó.”
Anh tôi chỉ người thanh niên:
“Ôn Minh phải lên tới Tây Thiên nhờ anh đây xuống khiêng giùm Hy đi. Một mình con mắc ba bốn đứa nhỏ. Bê mới sinh còn đồ đoàn nữa. Ôn Minh lo hết, tội ôn quá.”
Bê là tên của chị dâu tôi. Hà thắc mắc:
“Răng anh không nói ôn về một lần luôn.”
“Ôn còn bận cứu thương, tải thương. Ôn nói ôn chưa đi được, ôn đi mà để lại bao nhiêu người kẹt trong vòng súng đạn, ôn không yên tâm.”
Tôi rót nước mời người thanh niên uống. Anh ta khoảng ba mươi tuổi, nét mặt rắn rỏi. Anh tôi không ngớt lời cám ơn. Hà thì buồn rầu lo lắng cho ôn Minh không hết. Má tôi hỏi thăm những người hàng xóm. Chị Bê cho biết bà Xếp Mập đang đi ở đằng sau, con ở của bà bị thương nhẹ, đi cà nhắc, vừa đi vừa dẫn bà. Má tôi hết ôm đứa nhỏ này lại ôm đứa khác. Tội nghiệp, chúng như một đàn chim nhỏ bị đạn, nghe tiếng súng đại bác sau Trường Bia bắn đi cũng run lẩy bẩy, đưa tay che đầu.
Uống xong chén nước, người thanh niên nhất định đòi lên lại Tây Thiên. Má tôi mời ở lại, anh ta nhất định không chịu. Anh nói anh phải đi gặp ông Minh. Anh tôi lo sợ đường có gì bất trắc. Anh mượn một chiếc xe đạp, nói đi ngả núi Ngự Bình, chắc không sao. Má tôi ân cần dặn đi dặn lại nhờ anh thế nào cũng chuyển lời mời ôn Minh về.
Một lúc sau bà Xếp Mập tới nơi. Con ở vừa đi cà thọt vừa cầm tay bà. Vào tới sân bà đã khóc nức nở:
“Thầy Lễ đã tới chưa? Ðã tới chưa?”
Anh tôi ra đón bà vào nhà. Bà đặt cây gậy dựa vào chân ghế, nhìn quanh nhìn quất, thấy má tôi, bà lại khóc:
“Bác ơi, tưởng không còn trông thấy mặt nhau rồi chơ… Trời đất ơi, tự nhiên mà đất bằng nổi sóng… Nhà mình yên hết chơ bác.”
“Bà ngồi đỡ mệt đi. Nhà yên hết. Lạy Trời lạy Phật.”
“Nam mô A Di Ðà Phật. Tui cứ sợ cho họ bắt thầy Lễ na đi…”
“Tui ở dưới ni mà ruột như nung như nấu bà ơi…”
Má tôi cũng bật khóc. Hà thấy vậy khôi hài:
“Mẹ giải phóng đi mà các con giải phóng không giữ lại răng mẹ?”
“Ừ, Ừ… tụi nó chạy hết rồi. Bỏ cả cha lẫn mẹ.”
Câu nói của bà làm cho mọi người đang rầu cũng bật cười, mà riêng bà, bà lại lau nước mắt:
“Thôi bác ơi, thấy nhau là quí rồi. Người còn của còn…”
Hà hỏi anh tôi:
“Trên nớ họ rút hết chưa?”
Anh tôi nhăn mặt:
“Thiệt tụi nó khôn hết sức. Nó rút đi hết rồi, chỉ còn để lại vài tên, cứ chạy góc này lẹt đẹt vài tràng đạn, tới góc khác lẹt đẹt vài tràng đạn. Quân Mỹ ở dưới cầu tưởng đông không dám tràn lên, chớ thiệt họ rút đi gần hết, chỉ để lại vài chục mạng cầm chưn rứa thôi. Nói thiệt tức cười, mấy tên ở lại bắn chọc để chặn quân Mỹ, còn đường lên núi họ sắp hàng rút quân, vừa đi vừa hát. Hình như họ đi tiếp viện mô ở cửa Chánh Tây.”
Tôi hỏi thăm về một người bạn cũ, cũng là cháu nội của cụ Cường Ðể:
“Thạch Hà đã tản cư được chưa?”
“Chị Hà cùng núp trong nhà thờ cụ Phan. Bữa hầm sập, chị Hà mất một đứa.Thì anh bồng con nhỏ đó đi xuống cầu Bến Ngự, con Ti Na, Nô Răng cầm cờ trắng. Bà Xếp với mấy người nữa đi đằng sau nì. Mà nó bắn nơi chân đó. Chị Hà tản cư lên miệt Tây Thiên. Anh là nhờ có ôn Minh dò đường mới xuống đây được đó chớ.”
Ðứa cháu nhỏ của tôi khóc:
“Cô, cô. Cây vú sữa nhà mình gãy, cháu hái được hai trái chín mùi.”
Tôi vừa thương hại vừa buồn cười. Một cây xanh tốt hàng năm cung cấp bao nhiêu trái cây, nó không mừng, gãy rụi xuống, để chỉ lượm có hai trái thì đứa cháu tôi lấy làm thích thú.
Về tới An Cựu, anh tôi yên tâm hơn. Chúng tôi lo lắng tổ chức lại đời sống. Gạo chắc chắn sẽ không đủ ăn nếu tình trạng này kéo dài, nhưng gia đình chúng tôi cũng không thể về những khu tỵ nạn để lãnh gạo, lãnh tiền. Thái vừa lo đi trình diện, vừa lo chuyện mua gạo. Tôi lại đi liên lạc với sở để đợi máy bay vào Sài Gòn. Nhưng trước đó, tôi cũng phải lo cho Hy vì vết thương để lâu ngày, đang làm độc. Tôi chỉ cầu cứu ở sở, nhưng đường sá lại bắt đầu khó đi lại. Tôi đành rán chờ.
Chiều hôm sau, ở Từ Ðàm lại kéo xuống thêm mấy gia đình nữa, trong đó có gia đình một ông thầy cũ của tôi, và những người con cũng đã đi dạy học, những đứa cháu nhỏ. Anh Lễ đón họ vào nhà, người nào cũng đi chân đất, chạy tơi tả. Chúng tôi được biết thêm là sau khi anh tôi trốn thoát, Việt cộng lại về bắt một số thanh niên. Khéo trốn lắm mới thoát được. Ôn Minh hình như cũng bị họ giữ lại. Hà kêu lên thảng thốt: Ôn Minh mà cũng bị bắt hả?
Thầy Liên, thầy giáo cũ của tôi, đã già, lắc đầu tuyệt vọng:
“Tối qua họ còn bắn mấy thanh niên gần nơi trường học.”
Má tôi hỏi:
“Trên nớ đã ngớt súng chưa?”
“Ôi, như mưa rào, càng ngày càng dữ. Chúng tôi liều chết để đi. Lạy Trời lạy Phật, về đây mới biết là sống.”
Ngôi nhà chúng tôi bỗng đông vui hẳn. Ngay sáng hôm sau, mọi người lo làm hầm. Cứ mỗi gia đình một góc sân, tất cả các thứ gì còn lại trong nhà có thể giở ra làm hầm được, họ đều trưng dụng. Nhưng chúng tôi không phiền hà gì, nếu phải tháo cả chiếc nhà ra để làm thêm một cái hầm nữa, chắc ai nấy cũng hết sức vui vẻ.
Các nhà bên cạnh cũng lục đục kéo nhau về, làm hầm phòng đại bác. Chợ nhỏ họp ở trước con đường dẫn vào Trường Bia. Một vài quán ăn đã mở. Sức sống vun trồng thật nhanh, vừa mới mấy ngày, nhà cửa, làng xóm đìu hiu như không bao giờ còn có hơi thở nữa. Vậy mà chỉ qua hai ba ngày sau, dân chúng trở về. Ở đâu có người, có hơi thở là có quán, có khói, có bữa cơm. Nhưng cũng thê thảm lắm, cạnh đó, cách chừng một cây số, hai cây số, máu vẫn tiếp tục chảy. Buổi sáng đoàn lính biệt động, nhảy dù, thủy quân lục chiến vừa đi ngang qua quốc lộ, nét mặt còn đỏ hồng máu, buổi chiều, xác họ đã được khiêng trở về con đường cũ.
Mặc dù khu vực chúng tôi đã yên tĩnh, nhưng ban đêm, Việt cộng vẫn về bắt người. Ban ngày, lính Mỹ lên, gác đường, gác trong các khu vườn và nhìn sinh hoạt dân chúng với đôi mắt nghi ngờ, không mấy thiện cảm. Chỉ một tiếng động khả nghi là một băng đạn bắn vào hầm đầy người. Một tiếng súng nổ, cả một xóm nhỏ phía sau ruộng bốc cháy. Lính Mỹ đứng gác xua dân chạy ra khỏi nhà nhưng không được mang theo một thứ gì hết. Tiếng khóc la vang trời dậy đất. Người ta chạy ra khỏi nhà, đứng nhìn ngọn lửa. Dân chúng ở vùng này càng đông hơn vì những người tản cư mới đến. Những mũi súng của người Mỹ chỉ vào họ. Họ đành vừa khóc vừa chạy loạn thêm một lần nữa. Mỗi lần thấy lính Mỹ vào vườn là anh tôi kêu cả nhà và giục những người trong các hầm khác lên khỏi hầm và vào nhà hết. Thấy nhà chúng tôi đông, đàn bà trẻ con nhiều, họ không khả nghi gì hết.
Chắc chỉ có xóm tôi ở là dân chúng về sớm và đông nhất, ở các vùng khác cạnh đó, mặc dù đã yên ổn nhưng chưa ai dám trở về.
Lính địa phương thừa lúc chủ nhà bỏ đi, cạy cửa vào khuân hết đồ đạc. Nhiều người trở nên giàu có. Tôi đã từng thấy những người đàn ông khiêng cả xe Honda còn khóa đi ngang qua nhà. Tôi cũng trông thấy cảnh mấy anh lính nhảy dù ở xa đến rượt theo với người lính địa phương vì họ đang ôm đồ ở một nhà nào đó chạy ra đường. Một anh thủy quân lục chiến ở Sài Gòn ra đưa cho Thái xem một cây bút máy khắc hai chiếc tên lồng vào nhau. Anh kể, anh lượm được nơi xác chết một cô gái. Cô gái Huế nào chết cũng để lại một mái tóc thật dài, làm anh cứ ôm hết mối tiếc thương này tới mối tiếc thương khác. Một vài gia đình khác nữa cũng vừa thoát được ở Từ Ðàm về, cho hay là Mỹ đã qua được cầu Bến Ngự, nhưng chưa lên khỏi dốc, còn nằm chờ. Tôi nghĩ tới những trái đại bác sẽ dẫn đầu cho đoàn quân. Tất cả đã tan nát rồi, chắc sẽ còn dằn chặt xuống đất sâu nữa. Người ta nói tới những xác chết dọc đường. Những đứa trẻ không kịp chôn cất, vất bừa trong bụi cây, hay vùi giữa đống gạch. Ðám chó đói từ lâu bỗng được dịp no nê. Ai thống khổ, ai chết chóc mặc, chỉ có lũ chó là phè phỡn. Tôi để ý thấy quanh vùng tôi có nhiều chó xuất hiện. Ngoài việc phòng ngừa đại bác, phòng ngừa Việt cộng về bắt, còn phải trữ ít gạch để liệng chó nữa. Mỗi lần dọn cơm, bọn chó hầm hè ngoài vườn. Nhưng bọn chúng đông thì nhân số trong nhà chúng tôi cũng đông đúc không kém, chúng không thể tràn vào nhà được. Thái tiếc rẻ:
“Mấy hôm đói gần chết chẳng thấy con nào, không ông đã vồ lại, ông ăn thịt cho đỡ lòng.”
Hàng ngày chúng tôi ra đường đứng nhìn xem máy bay thả bom bên thành nội. Những chiếc máy bay gầm thét như xé rách bầu trời buồn thảm. Những ngọn khói như núi vẫn tiếp tục bốc cao. Ở Gia Hội có một vài người thoát đi được, hỏi đến, họ vừa khóc vừa kể:
“Chết hết rồi, chết hết rồi. Họ đặt bộ chỉ huy ở trường Gia Hội, đấu tố, giết chết hàng ngày. Ghê lắm.”
“Còn trong thành nội?”
“Chạy tản cư ra Gia Hội.”
“Gia đình anh còn ai không?”
“Còn một mình tui. Qua chuyến đò mất ba ngàn. Thôi chào bà con cô bác.”
“Vô đây tạm đỡ vài ba bữa rồi đi.”
Nhiều người mời, nhưng người đàn ông cô đơn từ chối. Chắc ông ta muốn đi càng xa đống khói, xa máu me chết chóc càng sớm càng hay. Ông ta đi như chạy trên đường quốc lộ.
Một người khác kể:
“Chúng nó bắt đầu giết người dữ lắm rồi. Gặp đàn ông là bắn. Nghe ai điềm chỉ là bắn. Tui trốn hai mươi mấy ngày trên máng xối, có bữa đói quá, phải nhổ rêu mà nhai, lùa nước trên máng xối mà uống. Bà con coi, cái bụng tui phình ra như đàn bà bị báng. Tui phải về Phú Bài xin nằm bệnh viện.”
Người ta còn kể cả một gia đình ở Gia Hội chết vì cái Ti Vi:
“Máy này để liên lạc với địch?”
“Dạ thưa không, cái máy Ti Vi để coi hát múa.”
“Vặn lên nghe thử.”
Mở máy, không thấy có hình ảnh hát múa. Một băng đạn, đàn bà trẻ thơ ngã gục. Một bản án được đắp lên: Ðể đồng bào noi gương. Ðứa nhỏ chết không kịp nhắm mắt. Hai đứa con của một người mẹ Việt Nam lai Mỹ, người mẹ đi Vũng Tàu để hai đứa nhỏ ở nhà cho chị vú. Ðây là con Mỹ Ðế, để lại sau có hại cho tương lai dân tộc. Không cần phí đạn. Hai cái đầu của hai đứa nhỏ bị đập vào tường. Óc, não, máu me phun tung tóe.
Vẫn còn những người bị thương được khiêng đi. Hoặc họ chạy loạn bị thương, hoặc họ tiếc của trở về trong lúc hai bên đụng độ, trúng đạn. Bao nhiêu căn nhà bỏ hoang, bao nhiêu của cải còn bỏ lại. Các anh giải phóng chỉ giải phóng xương máu và cầm nhầm những thứ nhẹ nhàng như đồng hồ, bút máy, những đồ vật nhỏ nhỏ, xinh xinh, hay ngộ nghĩnh. Phần còn lại dành cho kẻ thừa nước đục thả câu, bao nhiêu cũng không vừa. Người ta còn kể rằng, một thanh niên còn nhỏ tuổi, con của một ông chủ tiệm vàng, bị gù lưng, đã dắt trong mình mười mấy lượng vàng chạy trốn. Anh ta bị bắn chết ngay ở trên hố, một phát đạn không biết của ai, vàng cũng chảy theo máu, chỉ để lại xác người xấu số. Chưa hết đâu. Còn tàn sát, chết chóc nhiều nữa. Những người thanh niên, đàn ông bị Việt cộng nói ngon nói ngọt là đi học tập mười lăm ngày, mãi chưa thấy về và những người khác vẫn bị tiếp tục mang đi. Số phận những người này sẽ ra sao? Họ đã cố tình giữ dân lại, chắc để sẽ đem làm bia đỡ đạn trong lúc thế cùng. Nhưng dân chúng, phần chết chóc, phần bỏ trốn, chắc cũng chẳng còn bao. Những tiếng rú nửa đêm, những bản án, những tiếng súng giết người không lý do, làm sao để dân chúng dám ở lại, dám tin tưởng.
Hàng ngày tôi ra đứng bên đường, hy vọng trong đám người tản cư về, có ông Võ Thành Minh. Mới gặp ông có mấy ngày, tôi đã hết sức yêu kính ông. Ai hèn, ai can đảm trong cơn biến loạn này đều lộ diện ra hết. Hôm nay, nghe tin Mỹ đã tràn lên tới Từ Ðàm và hai bên đang đánh nhau, giành từng tấc đất, chắc ông Minh không còn có thể ở yên đó mà tải thương theo tinh thần hướng đạo của ông nữa. Không ai còn sức để sống đến hôm nay mà chết cho súng đạn. Tôi hy vọng ông Minh sẽ về. Họ bắt ông để làm gì? Chắc ông sẽ thoát được và tôi sẽ gặp ông trước ngày bỏ Huế. Tôi đã liên lạc được với sở và chuẩn bị ngày lên đường vào Ðà Nẵng. Nhưng sao tôi vẫn chưa muốn đi. Tôi chờ đợi ống khói khổng lồ vươn lên từ trong thành nội lụn dần. Nó phải lụn dần chứ. Một người đàn bà đã dẫn một đứa nhỏ đi trên đường quốc lộ vừa khóc vừa kể:
“Ối, bà con làng nước ơi. Nhà tui cháy, chồng tui bị bắt, rứa mà con tui cũng lạc.”
Người ta tò mò hỏi bà:
“Rứa đứa nhỏ bà dắt theo là ai? Không phải con bà hay răng?”
“Con tui lạc rồi bà con ơi. Tui cầm nó nơi tay mà lôi mà chạy. Rứa mà khi nhìn lại thì không phải, gặp thằng bé này.”
Người đàn bà lại tiếp tục khóc, tiếp tục kể và lôi thằng bé chạy. Người đàn bà gọi con, đứa nhỏ gọi cha mẹ nó. Cảnh trông thật tức cười nhưng cũng rớt nước mắt. Trên quê hương tôi, bao nhiêu đứa trẻ, bao nhiêu bà mẹ đã khổ như thế? Kể làm sao hết được. Một ngày nữa trôi qua, lại một ngày nữa đến. Khu An Cựu có vẻ yên lành hơn trước. Buổi sáng, tôi đã ăn được những bát cháo lòng heo, giò heo của những người bán hàng rong. Chúng tôi không còn phải chui rúc dưới hầm tối suốt ngày nữa. Nhưng không khí dường như độc địa hẳn. Mắt mọi người lúc nào cũng cay xè. Thuốc hơi cay của quân đồng minh rải khắp nơi để bắt những giải phóng quân còn sót lại. Ngay sau khu vườn cách nhà tôi vài căn, có một ngôi nhà bỏ không, một chiếc hầm bỏ không, người ta cũng bơm hơi cay, xông ra một giải phóng quân bị thương, bị đồng đội bỏ lại. Và khi lên nhìn thấy ánh sáng thì hắn cũng vừa thở hắt ra mà chết. Ở trong hầm, dù đau đớn, hắn cũng viết nhật ký, viết thư gửi cho mẹ và em. Ðiều đặc biệt là hắn có một lá thư nguệch ngoạc viết phản đối chiến tranh nữa: Khi tôi chết, tôi muốn gối đầu lên đất Bắc, dù chân tôi ở miền Nam. Tôi đã gây cảnh đổ máu ở thành phố này, tôi phải để máu của tôi lại để hòa cùng với dòng máu oan ức của dân Huế, của dân tộc tôi. Người lính Biệt động đọc xong mấy dòng trên, anh vội nhét lá thư vào túi, rồi lặng lẽ bế xác tên Việt cộng, xác một người Việt Nam, ra vườn. Anh đào một cái hố nhỏ và chôn xác người miền Bắc chết cùng với dân Nam. Anh nhìn quanh quất, tính lui tính tới để tìm ra phương Bắc làm chỗ gối đầu cho kẻ bạc mệnh.
Tôi muốn xin anh lính bức thư, nhưng thấy mặt anh lầm lì và vác khẩu súng nặng nề quá, tôi lại thôi. Chỉ một lát sau, khi ra ngoài lộ, tôi trông thấy chính anh lính đó ria một tràng súng vào một bụi cây. Không có người nào hết, ngoài một con chó ốm. Con chó chạy ra, mắt hực lửa, miệng nó đang tha một cục xương người. Thôi, tôi không muốn kể nữa. Người ta còn đồn là ở trong thành nội, xác chết của dân và của Việt cộng đã chất cao. Những người dân chạy loạn bị trúng đạn nằm chồng lên nhau. Những xác Việt cộng nằm đầy những hố, xác ở dưới mương, bên đường lều bều như cá chết mắc cạn.
Cũng từ hôm đó, ở phía Nam Giao, Từ Ðàm không còn ai chạy loạn về nữa. Hình như cũng chả còn ai để mà chạy. Họ đã bỏ đi, và số còn lại thì đã ở giữa hai lằn đạn rồi. Tôi mất luôn tin tức của ông Minh. Anh tôi thở dài mỗi lần nghe chị em tôi nhắc nhở tới ông. Má tôi mua được ít cau trầu vẫn để dành. Không hiểu căn cứ vào đâu mà má tôi tin là ông Minh sẽ bình yên vô sự.
Tôi thì tôi không tin được như thế. Có thể ông đã bị bắt đi như những lời đồn. Ông bị bắt đi cùng thầy Ðôn Hậu. Như vậy, có thể ông không bị giết. Có được không? Nhưng tôi vẫn nghi ngại lắm. Hai đứa bé con lai Mỹ thì tội tình gì? Một nhà sư như thầy Ðôn Hậu, một hướng đạo, một chiến sĩ như ông Võ Thành Minh. Trời ơi, sao giữa tiếng súng, giữa cảnh máu me, giữa bao nhiêu người chết oan ức, tôi lại cứ thắc mắc những điều như thế. Ðiều cần thiết là tôi phải làm sao để thoát khỏi Huế, để sống được, để trở về trông thấy các con tôi, gặp mặt chồng tôi. Tôi sẽ ra đi dù để lại Huế quay quắt, tan tành, đổ nát. Ðể lại má tôi, anh tôi, em gái, các cháu, bà con giòng họ. Có thể ở lại thêm một đêm, đến lượt tôi cũng sẽ bị bắt. Tiếng cú rúc, tiếng báo hiệu của tử thần vẫn còn mỗi đêm, khi xa khi gần. Tôi đem những điều suy nghĩ trên nói với anh tôi. Anh tôi cũng khuyên:
“Tìm được phương tiện, em nên đi ngay, đừng chần chờ. Về được tới đây, anh cảm thấy nhà mình đã yên tâm hơn rồi.”
Nhìn thấy điều gì mà anh tôi dám quả quyết như vậy? Tôi nhìn lên bàn thờ ba tôi. Chị dâu tôi đã đốt hai ngọn nến, thắp một cây nhang lớn. Mùi hương thơm phức. Trong thành phố này, bao nhiêu ngôi mộ đang lạnh lẽo, đang vời nuối khói hương. Ba ơi, ba vẫn may mắn. Ðiều đó làm cho anh con tin tưởng phải không ba? Nếu ba gắng gượng sống thêm vài ngày nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra cho ba? Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Huế ơi, một ngày tôi về chịu tang cha, chịu tang thêm cho cả thành phố. Trong biến cố này, bao bạn bè tôi lớp cũ đã ra đi. Ngôi trường Ðồng Khánh thân yêu, nơi dung dưỡng tuổi thơ ấu, tuổi lớn lên của tôi đã đổ nát tới chừng nào? Những cây phượng, những hốc cây đầy kỷ niệm nữa, sao tôi vẫn có cảm tưởng như những hốc cây kỷ niệm của tôi nơi sân trường đang ứa đầy máu. Tôi muốn được trông lại dòng Chúa Cứu Thế, nơi tôi đã tránh nạn những ngày đầu tiên, muốn ghé lại cung An Ðịnh, xem đống gạch đã khổng lồ như thế nào. Muốn tới Tân Lăng để coi căn nhà của chị U, để coi ngôi nhà thờ họ, còn nguyên vẹn hay đã đầy vết bom đạn. Những nơi tôi đã dung thân, tôi đã gửi lại một ít kỷ niệm. Những nơi đó tôi đã nhìn thấy máu, nhìn thấy sự chết, và cũng đã nhìn thấy sự sinh sản. Ôi, căn gác nơi nhà thờ, nơi đó đã sinh ra đời thêm được bao nhiêu em bé nữa. Giữa cảnh rẫy chết, tanh hôi, tiếng khóc ra đời của trẻ thơ vẫn vùng vẫy mạnh mẽ, vẫn vươn lên tột cùng sự kiêu hãnh của sức sống. Không chỉ nơi căn gác chuông của ngôi nhà thờ đó đâu. Gần một tháng trời nay, khắp thành phố Huế, trong hầm tối, giữa đường, bên bờ ao, bên những vũng máu đã nguội, những tay chân què quặt, còn bao nhiêu trẻ thơ khác ra đời nữa. Ðất lấp những tiếng kêu thống thiết thì đời cũng mở những tiếng khóc sơ sinh. Không, Huế sẽ không bao giờ tan nát, đổ vỡ tới như sự tận thế. Bên vòng lửa, cạnh bom đạn, những buổi chợ đã họp lại, kẻ sống sót đã trở về vòng quanh quẩn, lăm le đợi chờ. Và dưới mương bên đường, trong đất tối, bao xác chết mở mắt trừng trừng chờ đợi. Tôi gặp thêm một số người các nơi chạy về nữa. Từ Gia Hội, từ Bến Ngự, từ Kim Long. Vậy là Huế đã rỗng. Một người sống sót kể lại vì muốn cứu khoảng hơn mấy chục người mắc kẹt trong một xóm nhỏ, các anh lính đã phải hy sinh một số khá đông. Một người khác nói rằng chính anh vừa thoát được từ dưới địa ngục lên. Anh ta bị bắt đi. Một đoàn người bị bắt, một sợi dây thừng dài cột người này liền với người khác. Ðoàn người được dẫn lên phía núi. Tới một khoảng đất trống, một anh giải phóng ra lệnh mở giây trói cho mọi người, bắt họ đào hầm hố. Những hầm hố mới nguyên bên cạnh những cây cối còn xanh tươi. Ðoàn người được đứng sắp hàng lại. Một loạt đạn thi ân: Giải phóng. Một số người được chừa lại: Xô họ xuống hố và lấp đất đi. Những giọt nước mắt không ứa ra được, nóng như lửa chảy ngược xuống nung đốt ruột gan. Số người còn lại về sau cũng bị số phận như thế. Nhưng tôi, tại răng tôi may mắn thoát chết? Trời đất quỷ thần. Tôi thoát được mà về đây. Ông bà tôi đã cứu tôi. Trời Phật hay ma quỷ đã cứu tôi. Chào tất cả chào bà con cô bác. Tôi phải chạy trốn chúng nó. Tôi phải đi tìm vợ con tôi. Tôi đi trốn đây, bà con cô bác trốn đi. Trốn ngay đi. Người đàn ông kể xong chuyện xúc động quá chắc đã hóa điên rồi. Chúc anh được điên để quên. Ðiên được, thật sung sướng cho anh biết mấy.
Một người khác thì trái lại, vừa kể chuyện vừa khóc. Ông ta không điên mà rủi thay, còn quá sáng suốt để tràn đầy sự xúc cảm.
“Họ ở trong nhà tui mười mấy ngày. Nhiều người bị thương mang về. Nhiều người chịu không thấu đã chết. Bà con biết không? Họ cũng biết thương người, họ cứu thằng còn tui bị miểng đại bác. Một anh lính Bắc Việt trẻ đã than thở với tui: Các bác nghĩ lại đừng ghét bỏ tụi cháu. Tụi cháu chỉ biết thi hành theo lệnh trên. Tụi cháu cũng xa gia đình, đói khổ. Nhìn cảnh đồng bào chết như thế này, tụi cháu cũng khổ đau lắm. Ngoài Bắc họ tuyên truyền vào Nam đánh Mỹ chớ cháu đâu biết cớ sự như thế này… Ðó, họ cũng tội, họ cũng oán chiến tranh lắm chớ.”
“Vậy sao bác chạy tới đây?”
“Họ bỏ đi hết rồi. Nhà chỉ còn toàn xác chết. Còn có một anh bị thương ở lại đó, khuyên tôi nên đi đi, ở lại là chết. Bây chừ tui đi, đi tới nơi mô yên ổn nhất. Ðây vưỡn chưa yên.”
Họ cũng là người chứ! Huế ơi, Huế có căm thù họ không? Những đôi mắt mở sâu trừng trừng trong đất đen, trong cõi vô minh có căm thù họ không? Căm thù chứ, phải không? Nhưng không phải căm thù họ, mà căm thù những trái đạn từ đâu nhập vào đất nước để biến chúng ta thành kẻ bị giết hoặc bị bắt, buộc phải giết người, giết anh em, cha, mẹ, bà con ruột thịt. Ruột và thịt, trong gần một tháng qua tôi đã nhìn thấy bao nhiêu. Bao nhiêu đó, có đủ để nhắc nhở gì chăng?
Các em tôi đã đi trình diện hết. Thái được đưa về Phù Lương, Bé trở lại đơn vị. Phía hữu ngạn đã bắt đầu kiểm soát dân. Những người trở về ùn ùn kéo nhau đi lĩnh phiếu kiểm soát. Anh tôi cũng đã lĩnh phiếu.
Xung quanh khu vực tôi ở, hình như người ta đã trở về gần hết. Về tới nhà, gia đình này thiếu mất mẹ, gia đình khác thiếu cha, kẻ mất con. Những tiếng khóc thê thảm bật lên, nối từ nhà này sang nhà khác. Người ta kể cho nhau nghe về những ngày chạy loạn, những cái chết thê thảm, và người ta khóc mùi mẫn. Những giải khăn tang đã bắt đầu xuất hiện.
Ở sở cho người lên báo tin là sẽ có trực thăng đưa tôi từ Huế vào Ðà Nẵng, để từ Ðà Nẵng, tôi sẽ đi máy bay vào Sài Gòn. Tôi mừng rỡ lắm. Nhưng không dám tỏ sự mừng rỡ đó ra cho má tôi, anh tôi biết. Càng ngày, má tôi, anh tôi càng tỏ ra buồn bã, cơn xúc động, kinh hoàng ban đầu đã lắng dần và trở thành đá trong mỗi cõi lòng. Ðêm, chúng tôi vẫn phải ngủ hầm, ngày sặc sụa nước mắt vì hơi cay. Nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng là tai nạn sắp chấm dứt. Buổi tối hôm đó, trong bữa cơm, tôi mới dám đem chuyện ở sở báo tin có máy bay cho má và anh tôi nghe. Má tôi khuyên:
“Con nên tìm cách đi sớm. Ngó Huế rứa chớ chưa yên mô, má thấy còn nhiều rủi ro lắm.”
Tôi biết má tôi muốn nói tới những viên đạn lạc, những trái đại bác sai đường, những tiếng cú rúc ban đêm, những bước chân dò dẫm mỗi buổi tối. Tôi nói với cả nhà:
“Ði như thế này, con chưa yên tâm. Con thoát một mình con thôi, rồi ở nhà lỡ xẩy ra chuyện gì…”
“Chuyện gì xẩy ra nữa thì cũng đành chịu. Số mạng mà em.”
Anh tôi nói. Ðôi mắt anh nhìn lên bàn thờ ba tôi. Ngọn nến vẫn le lói cháy và trầm hương vẫn thơm phức.
“Có lẽ sáng mốt con đi. Chiều mai, con phải về dưới Phù Lương ở lại. Sợ có chi bất trắc kẹt đường.”
“Lo trước vẫn hơn,” má tôi nói.
Mấy đứa cháu nhao nhao:
“Cô sợ súng, cô đi phải khôn cô?”
“Thế cháu có sợ súng không?”
“Mới bữa đầu sợ, về dưới ni, cháu hết sợ rồi.”
Ðêm đó, tôi không ngủ được. Chỉ còn một đêm nay nữa, ngủ nơi ngôi nhà này, ngôi nhà mà tôi đã trở về chịu tang cha để rồi chịu tang chung cho cả một thành phố, tôi có cảm tưởng như trong đêm tối, ngoài vườn, vẫn còn đầy tiếng chân đi. Thỉnh thoảng những tiếng rú, tiếng hét vẫn còn dội trong tiềm thức. Má tôi cũng không ngủ, bà nằm bên cạnh, lần tay trong bóng tối tìm cổ tay tôi:
“Con ngủ đi cho khỏe con. Thức chi mà thức hoài.”
Tôi trở mình, thở ra, nói với má tôi:
“Súng bắn nhiều quá má.”
“Chắc bên thành nội.”
“Không biết trên Từ Ðàm đã đánh xong chưa?”
“Con yên tâm, trên nớ yên là mình về lấy đồ. Chắc cũng không mất mát nhiều đâu.”
“Má không tin là cái nhà đó đã sập à?”
Má tôi tin tưởng:
“Không, có sập cũng không đến nỗi.”
“Chuyến ni yên, má có định bỏ Huế không? Hay để con vô trong thu xếp mang cả nhà mình vô Sài Gòn luôn.”
“Không.”
Tiếng “không” má tôi trả lời mau, không suy nghĩ. Bỏ làm sao được phải không má? Phải không Huế? Tôi tưởng tượng ra ngôi mộ của ba tôi nằm trên sườn đồi, vây quanh giữa những ngôi mộ ông tôi, bà tôi, chú tôi và những bà con thân thuộc khác. Rồi ngôi vườn, căn nhà tôi đang sống đây nữa. Cả một đời người, sau bao lần thất bại, ba tôi mới dựng nổi ngôi vườn, căn nhà này. Những cây cối vẫn còn cố sống, dù vàng võ, xơ xác ở ngoài vườn kia, đều do bàn tay ba tôi đã gầy dựng lên. Bây giờ ba tôi đã nằm xuống. Cùng với biến cố này trong thành phố, bao nhiêu người nữa đã nằm xuống. Nhưng cây cối sẽ phải tiếp tục mọc tiếp tục xanh, như sự chết của người dưới mồ phải tiếp thêm sức lực cho sự sống của cỏ cây mọc tràn trên đất. Giọng má tôi vẫn đều đều:
“Má nghĩ mình còn sống, mình còn gầy dựng lại được.”
Rồi bà nói sang chuyện khác:
“Con vô Sài Gòn nhớ tìm cách báo tin cho má biết gia đình trong đó ra răng.”
Tôi cam đoan với má tôi là ở Sài Gòn yên tĩnh trở lại rồi, và tin tức nhận được là gia đình tôi vẫn yên ổn. Nhưng má tôi vẫn thắc mắc:
“Vô, con nhớ làm cái hầm. Chuyến ni về phải làm cái hầm lại cho chắc chắn.”
Tôi dạ dạ vâng vâng cho má tôi yên lòng. Ðêm đó tôi khóc âm thầm mãi. Nằm nghe tiếng súng nổ ran từ phía bên kia thành nội, tiếng đại bác câu đều đều, âm thanh như đưa oan hồn. Mai tôi bỏ Huế để đi một mình, để tìm bình yên một mình. Nhưng liệu có còn chỗ nào bình yên? Quê hương, nơi nào cũng có máu, có lửa. Tôi chúc cho Huế những gì đây?
Sáng hôm sau, Hà cùng với mấy cô nhỏ ở chung nhà đi xe đạp, cố tìm đường lên Từ Ðàm. Nhưng đến xế trưa, Hà trở về, mặt mũi đầy bụi. Nó nói: đường không thể nào đi được. Ở trên đó đang đánh nhau dữ dội lắm. Các ngả đường lên xuống bị chận hết.
Tôi bận rộn sửa soạn để xuống Thanh Lam. Nói là sửa soạn chớ thật chả có gì, ngoài sự bịn rịn người thân trong nhà.
Trước khi đi, tôi với Hà đi một vòng thăm xung quanh khu tôi ở. Lên nhà chú tôi, cả nhà đã đi tỵ nạn dưới Phù Lương. Xung quanh hàng xóm trở về thưa thớt. Những ngôi nhà bị trúng đạn càng ngày càng hư hại, hết sức tiêu điều. Ði vòng con đường nhỏ này là ngả ra núi. Nơi đó, mộ chôn ba tôi. Nhưng không dám đi xa hơn nữa.
Hai chị em xuống cầu An Cựu. Lính Mỹ vẫn gác đầy, chúng tôi muốn đi xa hơn nhưng có người nói nguy hiểm lắm. Khu trường Kiểu Mẫu vẫn còn bị ăn đạn bên kia sông bắn qua. Khi chúng tôi về tới nhà, thấy trong nhà có người lạ. Một ông lão đang ngồi uống nước và nói chuyện với cả nhà. Ông lão này có tới tám mươi tuổi. Má tôi giải thích là ông ở một trong các căn nhà phía sau vườn. Con cháu đã tản cư hết, chỉ còn một mình ông ở lại trong căn nhà đó từ ngày đầu xảy ra tiếng súng tới giờ. Tôi tò mò hỏi thăm, nhưng hình như ông không nghe gì hết, cứ hỏi một điều ông lại nói một chuyện khác. Một lúc sau, tôi mới biết là ông vừa lòa vừa điếc. Tôi hỏi lớn:
“Cụ ở một mình lấy chi mà ăn?”
“Có chớ. Nhiều lắm. Tụi con cháu tui nó để lại bánh mì khô, bánh chưng, gạo nì…”
“Cụ không sợ súng sao?”
Câu hỏi này tôi phải hỏi tới hai ba lần, và làm dấu cụ già mới hiểu:
“Súng há? Ăn thua chi. Tui điếc mà, có nghe cũng như nghe tiếng bắp rang nổ rứa thôi.”
“Mấy ngày đầu cụ có gặp họ không?”
“Chi?”
“Gặp họ?”
“Họ là chi?”
“Việt cộng đó cụ.”
Tôi la lên đến khan cả cổ. Cụ già gật đầu ra vẻ hiểu:
“Ờ, ờ. Việt cộng. Có, có. Họ vô nhà thấy ông già thì mần chi ông già, ăn cứt ông già…”
Tôi đang buồn cũng không nhịn cười được. Ông cụ già lại kể:
“Cái tụi con cháu nói không được. Tui biểu đừng có đi, cứ đi. Nghe nói trúng bom cả lũ chết hết rồi. Chết hết để lợi một mình tui. Khổ thân chưa…”
“Chừ cụ tính răng?”
“Tui nghe bên ni về đông người, muốn qua hỏi thăm tìm đường đi tìm xác tụi chúng. Khổ quá các bác, các cháu ơi. Tui đã khuyên tụi nó đừng đi, nó không nghe. Như tui cứ ăn no rồi nằm ngủ. Kệ súng kệ đạn, rứa mà có chết mô nà trời. Rứa mà tụi nó khôn biết ma đưa lối quỷ dẫn đường chi mà bồng bế nhau đi hết.”
Má tôi khuyên:
“Ôn về nhà đi, đừng có đi tìm. Ai chết người ta cũng chôn hết rồi, biết mô mà tìm.”
Ông cụ già đưa tay dụi mắt:
“Chôn hết há? Chôn mô?”
“Chết mô người ta chôn ở đó.”
Tôi nhìn thấy hai giọt nước mắt hiếm hoi chảy xuống trên gò má nhăn nheo của ông già. Ông không chào hỏi ai, đi ra khỏi cửa. Tôi đi theo, đưa tay đỡ ông, ông để cho tôi đưa ông về tới nhà.
Thật lạ lùng hết sức. Ngôi nhà ông sập hết một nửa, lại đầy cả vết bom vết đạn. Vậy mà ông già không hề hấn chi hết. Tôi chỉ những dấu đạn ở tường. Ông nói:
“Nó bắn đó.”
Ông lần tới gần bên vách tường sập:
“Cái nhà định đổ. Tui có nghe chi mô, chỉ có tiếng bình một cái, người tui hơi dội trở lên, mở mắt thấy cái nhà đổ rồi.”
Tôi thấy bên góc nhà mấy cái cờ giải phóng đầy máu, một vài chú ruồi vẫn còn bâu ở đấy. Mấy chiếc cờ tiết ra một mùi tanh khó ngửi. Thấy tôi nhìn, ông già giải thích:
“Của mấy ông giải phóng bỏ lại đó. Mấy bữa đầu thôi thì chết, rồi bị thương tùm lum. Ðem vô đây, đó, nằm ở góc nhà đó rồi khiêng đi, không biết đi mô nữa.”
“Bây giờ cụ sống với ai?”
“Một mình.”
“Lấy chi ăn?”
“Mai mốt yên, mình nhờ chính phủ chớ. Con cháu chết hết cả rồi. Mình nhờ chính phủ.”
Tôi chào ông cụ già rồi đi về. Tới nhà đã thấy xe sở đợi sẵn. Má tôi đang đứng nói chuyện với mấy người trong nhà, thấy tôi, má tôi chạy ra:
“Họ tới đón con rồi đó.”
Tôi ôm chầm lấy má tôi. Tôi muốn khóc mà không khóc được. Nhưng má tôi bật khóc dễ dàng:
“Thôi con vô sửa soạn mà đi.”
“Má.”
“Con sửa soạn đi đi…”
Giữa không khí hoang mang của ngày giá rét, má tôi dường như đang gạt lệ, nhìn ngọn đồi cao trước mặt. Trên đó, là phần mộ ba tôi.
Trước khi tôi đi, tôi thắp một nén hương lên bàn thờ. Hình như tôi muốn khấn một điều gì đó, nhưng trí nhớ của tôi thật hoàn toàn mù mịt.
Xách cái túi nhỏ. Ôm khóc vẫy chào mọi người. Tôi đã ra đến lề đường. Chiếc xe nổ máy chờ sẵn. Ngay trên đầu tôi, những chiếc máy bay không ngớt gầm thét, lượn vòng. Và ở phía xa bên kia thành nội, những ụ khói bốc cao, quằn quại trong những tiếng nổ tung vỡ.
Tôi thật sắp bỏ Huế rồi sao?