Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Việt Nam Quốc Dân Đảng và người lãnh đạo Nguyễn Thái Học (Phần 1)


Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng

Cách đây đúng 76 năm, ngày 9 tháng 2, 1930 cuộc khởi nghĩa Yên Báy đã nổ ra, đánh dấu một bước ngoặc lớn trong lịch sử Việt Nam. Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại và những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này, Nguyễn Thái Học và những đồng chí của ông trong Việt Nam Quốc Dân đảng đã bị thực dân Pháp giết, nhưng tên tuổi của họ đã đi sâu vào linh hồn dân tộc.

220px-Nguyenthaihoc

Ngay đến những người cộng sản, những kẻ thù gay gắt nhất của Việt Nam Quốc Dân đảng sau này cũng không dám phủ nhận công lao của những anh hùng Yên Báy. Để tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa này, BTV Nguyễn Khanh của ban Việt ngữ đã liên lạc với Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng để phỏng vấn ông.

Loạt bài này sẽ gồm có ba phần, phần thứ nhất về nguyên ủy và sự hình thành của Việt Nam Quốc Dân đảng. Phần thứ hai nói đến những nguyên nhân gần dẫn đến cuộc khởi nghĩa và phần thứ ba nói về diễn biến cuộc khởi nghĩa và kết quả của nó. Sáng nay, mời quý vị theo dõi phần thứ nhất, bối cảnh và nguyên nhân thành lập Việt Nam Quốc Dân đảng.

Từ Nam Đồng Thư Xã đến Việt Nam Quốc Dân đảng

Trong những năm giữa của thập niên 1920, tại Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội, có rất nhiều nhóm nhỏ, phần lớn là thanh niên Tây học muốn làm “một cái gì cho đất nước”. Một trong những nhóm này là Nam Đồng Thư Xã.

Nam Đồng thư xã được thành lập vào cuối năm 1925 bởi một nhóm trí thức phần lớn là giáo viên trong đó ba người quan trọng nhất là Phạm Tuấn Lâm, bào huynh của ông là Phạm Tuấn Tài và Hoàng Phạm Trân (tức Nhượng Tống).

Nam Đồng thư xã được thành lập với một mục tiêu kép, vừa chính trị vừa thương mại. Việc thành lập nhà xuất bản này, cùng với việc tổ chức những chi nhánh tại khắp nơi (chi nhánh tại Sài Gòn là Cường Học thư xã do Trần Huy Liệu quản lý) đã cho những người tổ chức những phương tiện tài chánh cần thiết để tài trợ cho các hoạt động chính trị, cụ thể là việc viết và phổ biến những tài liệu chính trị nhằm giúp đại đa số người Việt quen thuộc với những tư tưỏng ái quốc mới.

Phạm Tuấn Tài, biệt hiệu Mộng Tiên là giáo viên trường tiểu học Yên Thành, Hà Nội chuyên viết những bài về cuộc cách mạng Tân Hợi tại Trung Quốc. Bào đệ của ông, Phạm Tuấn Lâm, bút hiệu Dật Công, là một nhà báo viết cho tờ Thực Nghiệp Dân Báo và dịch nhiều cuốn sách của Trung Quốc viết về Tôn Dật Tiên.

Nhượng Tống cũng là một nhà báo viết cho tờ Thực Nghiệp là đồng dịch giả với Lâm trong cuốn Tiểu Sử và Học Thuyết Tôn Dật Tiên cũng như là tác giả cuốn Chủ nghĩa Quốc gia trong khi Trần Huy Liệu dịch cuốn Tiểu sử và Ý thức hệ Tưởng Giới Thạch. Ngoài những sách và tài liệu dịch từ tiếng Hoa, các người lãnh đạo nhóm Nam Đồng còn dịch thêm những tác giả Pháp như Contrat Social của Rousseau và L’Esprit des Lois của Montesquieu.

Những cuốn sách này được bán với giá bình dân nên đã gây được một tiếng vang không nhỏ trong giới thanh niên trí thức khiến họ thường lui tới. Trong số những thanh niên trí thức này, có Nguyễn Thái Học, học sinh trường Cao Đẳng Thương Mại; Phó Đức Chính, học sinh trường Cao Đẳng Công Chánh, Hồ văn Mịch, học sinh trường Cao Đẳng Sư Phạm. Họ thường gặp nhau để thảo luận những vấn đề chính trị trong cũng như ngoài nước.

Nguyễn Thái Học lúc đó đã được sở Mật Thám Pháp biết đến tên. Năm 1925, ông đã gởi cho toàn quyền Đông Dương Varenne hai bức thư đề nghị cải cách nền công thương Việt Nam và yêu cầu thành lập một trường Cao Đẳng Công Nghệ tại Hà Nội. Ông cũng yêu cầu chính quyền thuộc địa cho phép được tự do thành lập những thư viện bình dân tại tất cả các làng xã và các tỉnh thành.

Trong một dịp khác ông đưa ra một dự án giúp đỡ dân nghèo có một đời sống dễ chịu hơn. Tất cả những đề nghị này không được trả lời. Tháng 6 năm 1927, Nguyễn Thái Học lại gởi đơn đến thống sứ Bắc Kỳ xin phép xuất bản một nguyệt san lấy tên là Nam Thanh với mục đích phổ biến nâng cao trình độ trí thức cho đồng bào, khuyến khích họ bỏ lối học hư danh mà chú trọng về nông, công, thương nghiệp. Đơn xin này cũng bị từ chối.

Qua những điều đề nghị của Nguyễn Thái Học, ta có thể thấy ông chủ trương một con đường tiến tới độc lập qua những biện pháp ôn hòa dựa trên sự phát triển kinh tế với việc thành lập những cơ sở công thương nghiệp và sự xuất hiện của một giai cấp trung lưu. Nhưng chán nản trước những ngăn chặn của chính quyền Pháp và chịu ảnh hưởng bởi phong trào cách mạng bạo động gia tăng vào những năm cuối của thập niên 1920, Nguyễn Thái Học và những đồng chí của ông càng ngày càng ngả theo khuynh hướng bạo động.

Nhưng không phải tất cả những người trong nhóm đều ngả theo con đường đó. Trong số những người chống lại việc chuyển sang bạo động có Nhượng Tống. Ong chủ trương cần phải làm một cuộc cách mạng ôn hòa như Gandhi tại Ấn Độ. Nhưng Nguyễn Thái Học đã bác bỏ luận điệu này, nói rằng kinh nghiệm của Đông Kinh Nghĩa thục cho thấy rằng một đảng mà không dùng đến võ lực thì sẽ bị bọn Pháp võ trang đến tận răng đè bẹp.

Cuối tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học đưa ra ý định thành lập một đảng cách mạng bí mật dùng vũ lực lật đổ chế độ thực dân phong kiến thành lập chính thể Cộng hòa mang lại độc lập, tư do cho tổ quốc. Đề nghị này được mọi người trong nhóm Nam Đồng thư xã tán thành. Và họ thành lập chi bộ đầu tiên gọi là “chi bộ Nam Đồng thư xã” với Nguyễn Thái Học làm chi bộ trưởng.

Mọi người sau đó phân chia nhau đi các nơi liên lạc với những nhóm cách mạng lẻ tẻ tại các tỉnh như nhóm Nguyễn Thế Nghiệp ở Bắc Ninh, Hoàng văn Đào ở Thanh Hóa, Nguyễn Khắc Nhu ở Phủ Lạng Thương vv.. Những nhóm này tự động họp thành những chi bộ tại các tỉnh. Trong vòng một tháng, thành lập được tất cả 18 chi bộ tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ.

Ngày 25 tháng 12 năm 1927, Nguyễn Thái Học triệu tập một buổi họp trong đó Nam Đồng thư xã sáp nhập với một số những nhóm cách mạng địa phương và thành lập Việt Nam Quốc Dân đảng. Nguyễn Thái Học được bầu làm đảng trưởng với một nhiệm kỳ 6 tháng. Dựa trên tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên, đại hội thành lập của Việt Nam Quốc Dân đảng cũng đưa ra một chương trình hành động cách mạng tổng quát phân làm hai giai đoạn, “phá hoại” và “kiến thiết” và lập kế hoạch thành lập một “quân đội cách mạng Việt Nam”.

Giai đoạn “phá hoại” được chia làm ba thời kỳ, thời kỳ phôi thai (xây dựng đảng và thu nạp đảng viên) hoạt động hoàn toàn bí mật; thời kỳ dự bị (phát triển tuyên truyền, tổ chức quần chúng) hoạt động bán công khai và thời kỳ hành động (dùng võ lực nổi dậy). Giai đoạn “kiến thiết” cũng bao gồm ba thời kỳ: thời kỳ quân chính (chính quyền quân sự cách mạng); thời kỳ huấn chính (đảng cai trị và dạy cho dân chúng trách nhiệm và quyền hạn của chính thể dân chủ) và giai đoạn hiến chính (phổ thông đầu phiếu, xây dựng hiến pháp và trả chính quyền lại cho toàn dân)

Chương trình hành động của Việt Nam Quốc Dân đảng cũng giống như chương trình của những nhóm tương tự khác cùng thời như Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh đồng chí hội ở việc phối hợp một chương trình thay đổi xã hội mơ hồ với việc tranh đấu giải phóng dân tộc. Trên phương diện tổ chức, Việt Nam Quốc Dân đảng rất giống với cơ cấu của Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh đồng chí hội . Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì vào lúc này, cơ cấu tổ chức của Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh đồng chí hội đã có ảnh hưởng sâu đậm đến các tổ chức cách mạng trong nước.

Đảng cũng tổ chức kinh tài bằng cách mở một khách sạn vừa để gây quỹ vừa để làm nơi hội họp. Nhờ sự giúp đỡ của một số nhà giầu có, Việt Nam Quốc Dân đảng đã có thể tổ chức tuyên truyền trong số những công chức trẻ và nhất là trong giới học sinh và giáo viên. Theo gương Quốc Dân đảng Trung Hoa, Việt Nam quốc dân đảng cũng có một chi hội phụ nữ, trong đó vợ hoặc người yêu của những đảng viên có thể tham gia.

 

Cơ cấu Tổ chức VNQDĐ và thành phần đảng viên

 

Điều làm cho Việt Nam Quốc Dân đảng đặc biệt quan trọng và khiến cho đảng này không bị tan rã trước sự thu hút của chủ nghĩa Cộng sản như là Tân Việt Cách mạng đảng hoặc là Việt Nam Thanh niên cách mệnh đồng chí hội là việc, mặc dầu phần lớn đảng viên là những phấn tử trí thức tân học, đảng đã nối lại được với truyền thống ái quốc ở bên trong các làng xã Việt Nam. Ngay từ lúc đầu những lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân đảng đã thấy sự cần thiết phải mở ra tới những nhóm khác ngoài trí thức trong xã hội Việt Nam.

Sức mạnh thực sự của Việt Nam Quốc Dân đảng và điều khiến đảng này trở thành đảng có uy tín nhất trong những năm 1920 được biểu hiện qua sự liên minh giữa những người tân học trẻ Hà Nội mà đại biểu là Nguyễn Thái Học và một nhà nho lớn tuổi, Nguyễn Khắc Nhu (xứ Nhu vì ông đỗ đầu xứ trong cuộc thi sát hạch thi Hương) Sinh năm 1882, giống như hai cụ Phan, Nguyễn Khắc Nhu hãy còn có nhiều quan hệ với xã hội Đại Việt cũ và được hưởng một nền giáo dục thuần túy Nho học.

Năm 1903, chính ông đã được lựa chọn để hướng dẫn Phan Bội Châu khi ông này bí mật ra Bắc Kỳ và gặp Hoàng Hoa Thám. Năm 1907, Nhu sang Trung Quốc theo phong trào Đông du, nhưng sau đó lại trở về Việt Nam và tiếp tục hoạt động bằng cách viết những truyền đơn và văn thơ ái quốc.

Năm 1925, trong cao trào ái quốc tác động bởi đám ma Phan Chu Trinh và vụ án Phan Bội Châu, Nguyễn Khắc Nhu bắt đầu viết nhiều bài đăng trong các báo chí như An Nam tạp chí, Hữu Thanh và Thực Nghiệp Dân báo nói đến nhu cầu cần phải cái cách xã hội Việt Nam. Đặc biệt ông muốn giải phóng dân chúng khỏi những hủ tục và mê tín dị đoan qua một hệ thống giáo dục mới hiện đại cũng như là việc sữ dụng Tây y trong trị liệu và thiết lập những hoạt động công nghiệp và tiểu công nghiệp.

Sống ở trong làng, Nguyễn Khắc Nhu đã có một ảnh hưởng cực kỳ quan trọng trong giới nông dân và thanh niên các tỉnh trong vùng từ Bắc Giang lên đến Phú Thọ. Điều khác biệt giữa Nguyễn Khắc Nhu và những người khác như Nguyễn văn Vĩnh hoặc Phạm Quỳnh cũng muốn thay đổi xã hội nông thôn Việt Nam là ngoài ước muốn cải cách xã hội nông thôn cho tiến bộ hơn, ông muốn tái lập lại cái tinh thần cộng đồng của dân làng, cái quan hệ giữa khối nông dân và những kẻ sỹ như ngày xưa.

Làm sao định nghĩa lại những từ ngữ như “đồng bào”, “đồng chủng”, “tổ quốc”để cho chúng có cùng một ý nghĩa đối với tất cả mọi người đó là quan điểm của Nguyễn Khắc Nhu. Nhưng chính sách của Pháp, bác bỏ tất cả những sự cải tổ xã hội Việt Nam đã khiến Nguyễn Khắc Nhu, cũng như Nguyễn Thái Học đi vào con đường bạo động.

Bắt đầu cuối năm 1926, Nhu và một số đồng chí thời Đông Du xây dựng những công binh xưởng thô sơ những hữu hiệu để sản xuất những vũ khí chống lại Pháp. Họ cũng tích cực tuyên truyền trong hàng ngũ những người Việt đi lính cho Pháp. Cũng trong thời gian này, nhóm Nguyễn Khắc Nhu liên lạc được với nhóm Nam Đồng thư xã với hậu quả là hai bên sáp nhập với nhau để thành lập Việt Nam Quốc Dân đảng.

Sự hội nhập của nhóm Nguyễn Khắc Nhu này có một hậu quả quan trọng là thành phần xã hội của các đảng viên VNQĐD không còn giới hạn trong giới học sinh ,sinh viên và tiểu công chức thành thị nữa mà chuyển dần về thôn quê, mở rộng ra cho những nông dân đặc biệt là những thầy giáo làng (Vũ Hồng Khanh chẳng hạn) và những người lính. Tuy nhiên cũng như nhiều tổ chức Việt Nam khác, những quan hệ gia đình và thầy trò rất quan trọng trong việc tuyển mộ đảng viên. Một trong những đặc điểm là phụ nữ đóng một vai trò quan trọng chưa từng có trong VNQĐD.

Cô Giang (Nguyễn thị Giang) không phải chỉ là người yêu của Nguyễn Thái Học mà còn là một lãnh tụ quan trọng của đảng và là một cựu học sinh của Nguyễn Khắc Nhu. Năm 1929, VNQDĐ có trên 1.500 đảng viên trong đó 120 người là ở trong quân đội Pháp. Dựa trên danh sách 227 tù nhân đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng bị Mật Thám Pháp bắt vào năm 1929, ta có thể thấy qua thành phần xã hội của đảng như sau:

1. Thư ký tòa sứ: 36 (16%) 2. Nhân viên hành chánh nam triều: 13 (6%) 3. Giáo viên chính ngạch: 36 (16%) 4. Giáo viên tư thục: 4 (2%) 5. Ông đồ: 2 (1%) 6. Học sinh, sinh viên: 6 (3%) 7. Nhà báo: 4 (2%) 8. Công nhân thương mại hay kỹ nghệ: 10 (4%) 9. Thương gia, tiểu thủ công nghiệp: 39 (18%) 10. Địa chủ, nông dân: 37 (17%) 11. Quân đội: 40 (18%)

Ngoại trừ con số những công chức và binh lính tham gia vào Việt Nam Quốc Dân đảng, điều làm người ta chú ý tại đây là con số đông đảo những người nông công thương tham gia vào Việt Nam Quốc Dân đảng. Gộp tất cả lại nhóm này chiếm đến trên một phần ba tổng sô đảng viên Quốc Dân đảng trước năm 1930, một hiện tượng chưa từng có cho thấy Việt Nam Quốc Dân đảng thời Nguyễn Thái Học đã cắt đứt được với truyền thống thượng lưu của các đảng cách mạng Viêt Nam, một điều mà sau này chỉ có đảng Cộng Sản làm được.

Mặc dầu trên phương diện tổ chức và tuyên truyền, Việt Nam Quốc Dân Đảng không được hoàn thiện bằng Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội và chương trình hoạt động của đảng cũng không được rõ ràng bằng, nhưng trong những năm cuối của thập niên 1920, Việt Nam Quốc Dân đảng có thể nói là đảng có được uy thế nhất trong các đảng cách mạng Việt Nam thời đó.

Nói chung cơ cấu tổ chức của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Thanh niên Cách Mạng Đồng Chí Hội giống nhau. Quan trọng hơn nữa, cả hai đều dựa vào một số những đặc điểm của xã hội Việt Nam để thu hút đảng viên: quan hệ họ hàng, tình đồng hương, đồng trường là những yếu tố chính mà cả hai đảng dùng để lấy người vào đảng.

Cũng giống như Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng đặt việc cải tổ xã hội cũng nặng như việc giải phóng tổ quốc. Nhưng Nguyễn Thái Học chống lại việc đấu tranh giai cấp tuy rằng ông không đưa được một giải pháp nào khác để đạt được sự công bằng xã hội mà chỉ dùng quan điểm Tam Dân chủ nghĩa của Tôn Văn để làm chuẩn cho cuộc cách mạng xã hội của mình. Năm 1928, Nguyễn Thái Học đã tính đến chuyện liên kết với Nguyễn An Ninh nhưng cuối cùng đã rút lại vì cho rằng những tư tưởng xã hội của Nguyễn An Ninh quá cực đoan.

Cũng trong năm 1928, trước khi chủ nghĩa Cộng Sản với lập trường đấu tranh giai cấp trở thành ý thức hệ chính của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, lãnh tụ VNQĐĐ và VNTNCMĐCH gặp nhau để thương thuyết một việc hợp nhất giữa hai đảng. Các cuộc thương thuyết này thất bại một cách thê thảm.

Hai bên xung đột ý kiến một cách gay gắt. Bất đồng quan trọng nhất giữa hai đảng là vấn đề đặt Tổng Bộ ở đâu. Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đòi để Tổng Bộ ở hải ngoại vì như vậy Tổng bộ sẽ không bao giờ bị thực dân Pháp đụng tới và lúc nào cũng có một tổ chức để chỉ huy công tác.

Trong khi đó Việt Nam Quốc Dân Đảng thì chủ trương Tổng bộ phải ở trong nước vì ở ngoài sẽ sống cách biệt dân chúng ở quê hương, lãnh tụ không biết phải chỉ huy thế nào cho đúng hoàn cảnh. Đại biểu hai bên tranh cãi đến cả xem ai là người cách mạng hơn: Nguyễn Thái Học hay Nguyễn Ái Quốc.

Cuộc thương thuyết vì thế bị thất bại. Một cuộc thương thuyết khác giữa hai bên, lần này tổ chức ở Thái Lan cũng không thành công. Chính vì vậy mà sau thất bại này, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đã cạnh tranh ráo riết tại Bắc Kỳ trong việc thu hút đảng viên.

Quý thính giả vừa nghe cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn Khanh của ban Việt ngữ và tiến sĩ Lê Mạnh Hùng về bối cảnh và nguyên nhân thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, là phần thứ nhất của loạt bài tìm hiểu về Việt nam quốc dân đảng, nhân kỷ niệm 76 năm cuộc Khởi nghĩa Yên Báy. Trong buổi phát thanh tối nay, mời quý vị lại đón nghe tiếp phần thứ hai của loạt bài, chủ đề là, Nguyên nhân gần của cuộc khởi nghĩa Yên Báy.

 

More Stories From Lịch Sử VNQDĐ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh