Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Việt Nam Quốc Dân Đảng và người lãnh đạo Nguyễn Thái Học (Phần 2)


Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng

Ngay đến những người cộng sản, những kẻ thù gay gắt nhất của Việt Nam Quốc Dân đảng sau này cũng không dám phủ nhận công lao của những anh hùng Yên Báy. Để tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa này, BTV Nguyễn Khanh của ban Việt ngữ đã liên lạc với Tiến sỹ Lê Mạnh Hùng để phỏng vấn ông.

Trong buổi phát thanh sáng nay, quý thính giả đã nghe phần thứ nhất của loạt bài, bàn về nguyên ủy và sự hình thành của Việt Nam Quốc Dân đảng. Tối nay, mời quý vị nghe tiếp phần thứ hai, nói đến những nguyên nhân gần dẫn đến cuộc khởi nghĩa.

Vụ ám sát Bazin

Mặc dầu chống lại chủ nghĩa Cộng sản, không chủ trương đấu tranh giai cấp, nhưng Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng có một phân bộ công nhân khá mạnh bao gồm công nhân làm cho các xí nghiệp và cơ sở thương mại của Pháp chung quanh Hà Nội do Nguyễn Văn Viên làm đại biểu cũng như một phân bộ phụ nữ do vị hôn thê của Nguyễn Thái Học là Nguyễn thị Giang lãnh đạo.

Vào nửa sau của thập niên 1920, phong trào đầu tư mở đồn điền cao su tại miền Nam và miền nam cao nguyên Trung Kỳ nổ ra rầm rộ. Với nhân công tại Nam Kỳ không muốn làm việc cho các đồn điền cao su vì mức sinh hoạt bình thường của họ tương đối dễ dàng so với những điều kiện làm việc tại các đồn điền cao su, các công ty Pháp cho người ra bắc tuyển mộ dân quê nhất là tại các tỉnh nhiều dân và ít đất lại hay bị thiên tai như Thái Bình, Nam Định vv..

Đến năm 1928, số dân phu Bắc Kỳ làm việc tại những đồn điền này đã lên đến trên bốn chục ngàn người, nhưng những chủ đồn điền ước tính rằng mỗi năm họ còn cần đến khoảng hai mươi lăm ngàn dân phu nữa trong vài năm tới.

Nhưng việc mộ phu này không được thực hiện một cách bình thường mà được đặc trưng bởi những hành động khủng bố, ép buộc, tham nhũng hối lộ các tên cường hào ác bá trong làng để chúng giúp những tên cai thầu ép buộc dân chúng. Thành ra việc mộ phu này đã trở thành một hành động kinh hoàng đối với thôn quê miền bắc trong thời gian này. (Chính danh từ “mẹ mìn” đã xuất hiện vào lúc đó để ghi lại hiện tượng bắt cóc người chở vào nam đi phu).

Trong khi đó điều kiện làm việc tại các đồn điền cực kỳ khắc nghiệt và thiếu thốn khiến cho những cuộc bạo động của công nhân xảy ra thường xuyên chống lại những chủ đồn điền. Năm 1927, một cuộc nổi loạn của dân phu đồn điền Phú Riềng để phản đối việc hành hạ nhân công dẫn đến cái chết của một người dân phu đã bị đàn áp một cách dã man. Những vụ này đã tạo ra môi trường thuận lợi cho cả Việt Nam Quốc Dân Đảng lẫn Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Minh Hội trong việc tuyên truyền trong giới nông dân.

Một trong những tên đại diện mộ phu cho các chủ đồn điền Pháp nổi tiếng tàn ác là Hervé Bazin. Cả Quốc Dân Đảng lẫn Thanh Niên đều rải truyền đơn chống lại việc mộ phu của Bazin. Nguyễn văn Viên và những đảng viên trong phân bộ công nhân của ông cho rằng để có thể vượt qua được Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, Quốc Dân Đảng cần phải có một hành động gì cụ thể làm cho giới công nhân tin tưởng. Và họ đề nghị rằng cần phải ám sát Bazin.

Nhưng khi Nguyễn Văn Viên đưa đề nghị này của phân bộ công nhân lên tổng bộ thì Nguyễn Thái Học bác bỏ. Việt Nam Quốc Dân Đảng đang thành công trong việc thu hút các đảng viên từ khắp các thành phần trong xã hội, đặc biệt là trong giới binh lính của quân đội thuộc địa. Thấy rằng thời cơ chưa thuận lợi để có thể nổi dậy và không muốn gây sự chú ý của chính quyền thuộc địa, Nguyễn Thái Học muốn tập trung sức lực để lo việc tuyên truyền thu nhận đảng viên. Theo Hoàng Văn Đào, lúc đó cũng có mặt, thì Nguyễn Thái Học nói:

“Nếu nay vội giết Bazin tất nhiên chính quyền thực dân sẽ khủng bố dữ dội, mà đa số đồng chí trong ban lãnh đạo đảng chúng ta phần đông có tên trong “sổ đen” của sở Mật Thám. Thực dân sẽ bắt hết. Đảng sẽ tan. Lợi ít mà hại nhiều. Vậy khuyên các đồng chí nên bình tâm để ráng sức làm việc lớn đang chờ đợi ở đảng chúng ta. Bazin chẳng qua chỉ là một cái cành cây. Cây mà đổ thì cành phải héo.”

Nhưng lý luận này của Nguyễn Thái Học đã không thuyết phục được Nguyễn Văn Viên và những người trong phân bộ của ông. Biết rằng khi đảng trưởng đã không đồng ý thì không bao giờ đưa vấn đề này ra trước tổng bộ để bàn thảo, Nguyễn Văn Viên đã tự động theo dõi Bazin.

Sau khi biết Bazin ngày nào cũng đến căn nhà số 110 phố Huế của nhân tình y là Germaine Courcelle, một ả đầm lai bán hàng cho nhà hàng Godard ở phố Tràng Tiền, Nguyễn Văn Viên bí mật lấy trộm một khẩu súng lục và một số đạn của hãng Poinsard & Veyret nơi ông đang làm việc đem về huấn luyện cho Nguyễn Văn Lân. Những hành động này của Nguyễn Văn Viên hoàn toàn không được phép của đảng và những lãnh đạo đảng cũng không biết.

Bazin bị Nguyễn Văn Lân bắn chết vào ngày 9 tháng 2 năm 1929. Những e ngại của Nguyễn Thái Học rằng thực dân Pháp sẽ khủng bố đảng được thấy rõ ngay sau đó. Sở Mật Thám Pháp ruồng bắt hàng trăm đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng, tra tấn lấy cung và tìm cách lật những người này trở thành điểm chỉ viên cho Pháp. Ngược lại ban Am sát của Việt Nam Quốc Dân đảng mỗi khi biết ai trở thành điểm chỉ cho Pháp thì lập tức tìm cách giết đi.

Nhưng việc này không những không ngăn chặn được sự tiết lộ những bí mật trong hoạt động của đảng cho Mật Thám Pháp mà còn giúp cho Mật Thám Pháp bắt được thêm những đảng viên khác và tiến gần hơn tới các nhân vật đầu não của đảng như Nguyễn Thái Học. Hành động vô kỷ luật của Nguyễn Văn Viên không những đã làm cho chính đảng của mình bị tan rã mà còn tác hại đến cả các đảng cách mạng khác.

Nếu nay vội giết Bazin tất nhiên chính quyền thực dân sẽ khủng bố dữ dội, mà đa số đồng chí trong ban lãnh đạo đảng chúng ta phần đông có tên trong “sổ đen” của sở Mật Thám. Thực dân sẽ bắt hết. Đảng sẽ tan. Lợi ít mà hại nhiều. Vậy khuyên các đồng chí nên bình tâm để ráng sức làm việc lớn đang chờ đợi ở đảng chúng ta. Bazin chẳng qua chỉ là một cái cành cây. Cây mà đổ thì cành phải héo.

Cũng như vụ án mạng tại đường Barbier mở đầu cho các vụ đàn áp tại Nam Kỳ không những đối với Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng chí hội mà còn với cả Việt Nam Quốc Dân đảng nữa, vụ ám sát Bazin cũng mở đầu cho cuộc khủng bố trắng của Mật Thám Pháp với cả hai đảng tại Bắc Kỳ.

Mặc dầu mật thám Pháp đã nghi ngờ những hoạt động của nhóm Nam Đồng Thư Xã từ lâu, nhưng họ không có bằng cớ về việc thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng cho đến khi được Nguyễn Quốc Túy tiết lộ. Nguyễn Quốc Túy, người Nghệ An vốn quen biết với Nguyễn Thái Học và có tham gia vào một số hoạt động có tính cách ái quốc.

Khi bị Mật Thám Pháp bắt và trục xuất khỏi Bắc Kỳ, Túy đã không ngần ngại khai: “Hôm trước người bạn đồng học với tôi là Nguyễn Thái Học đến rủ tôi tham gia vào hội kín mà mục đích là đánh đổ chế độ thực dân. Trong hội kín này còn có cả Nhượng Tống và Phạm Tuấn Tài”

Và ngay sau vụ ám sát Bazin, ngày 17 tháng 2 năm 1929, Mật Thám Pháp đã tung một cuộc ruồng bắt khám nhà và bắt được một số đảng viên cao cấp của Việt Nam Quốc Dân đảng. Nhưng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, hai yếu nhất quan trọng nhất của đảng trốn thoát.

Chiến dịch khủng bố của Pháp đã buộc các đảng viên hai đảng nhiều khi phải lựa chọn giữa gia đình và cách mạng. Trong số những đảng viên Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng chí hội bị bắt sau vụ Bazin này có Trịnh Đình Chiêm và hai người em gái là Trịnh Thị Nhu, Trịnh Thị Uyển. Ba người này cùng quê với Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc.

Mặc dầu quan hệ giữa Quốc Dân Đảng và Thanh Niên trở nên căng thẳng sau khi các cuộc thương thuyết hợp nhất giữa hai bên tan vỡ, Uyển và Nhu vẫn chơi rất thân với hai cô Giang và Bắc. Biết được điều này, Mật Thám Pháp đề nghị sẽ thả Chiêm nếu hai người này giúp Mật Thám Pháp bắt được Nguyễn Thái Học.

Sau khi được thả, Uyển và Nhu liên lạc với một người anh em họ, đảng viên trong chi bộ của Dương Hạc Đình vốn là xứ ủy Bắc Kỳ của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Người ta không rõ là Uyển và Nhu làm vậy để hỏi xem có nên làm chuyện đó cho Pháp không hay là xin giúp đỡ để thực hiện. Dù sao chăng nữa, Dương Hạc Đình tổ chức một phiên họp mật của xứ ủy tại Hà Nội ngày 28 tháng 5 để thảo luận về trường hợp hai người này. Buổi họp quyết định không thể để cho hai chị em Uyển và Nhu tiếp tục tự do vì họ có quan hệ họ hàng với quá nhiều đảng viên và vì vậy biết quá nhiều bí mật của đảng. Quan hệ họ hàng, một trong những nền tảng xây dựng cơ cấu đảng nay đã trở thành một trở ngại quan trọng.

Theo luật lệ của Thanh Niên, khi một đảng viên có tội bị thanh trừng, người đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho đảng viên này phải có mặt trong tổ hành quyết. Điều lệ này được đưa ra để nhấn mạnh đến sự trung thành với đảng hơn là các quan hệ cá nhân. Thành ra người được trao nhiệm vụ hành quyết Uyển và Nhu, Hồ Ngọc Lân lại chính là vị hôn phu của Trịnh Thị Nhu.

Sáng ngày 31 tháng 5, hai chị em Uyển và Nhu – không biết mình đã bị các đồng chí tuyên án tử hình – lấy xe lửa xuống Hải Phòng, nghĩ rằng mình sẽ được tổ chức đưa sang Hồng Kông để ở dưới sự che chở của Tổng Bộ. Đến tối, theo đúng ước hẹn, họ đến đầu ngõ Nghè trước trường Trí Tri gần đường Cát Cụt để đợi người đón đưa về cơ quan Tỉnh bộ.

Nhưng trong lúc hai chị em còn ngơ ngác thì một tiếng nổ phát ra. Uyển bị đạn trúng ngực ngã xuống chết liền. Sau đó lại một tiếng nổ khác, Nhu bị đạn trúng vào đùi ngã quỵ. Hồ Ngọc Lân không dám vi phạm lệnh của đảng nhưng cũng không thể nào nhẫn tâm bắn chết vị hôn thê của mình. Hồ Ngọc Lân trốn thoát. Nhưng sau vụ ám sát này hầu hết tỉnh bộ Hải Phòng của Thanh Niên bị Pháp bắt.

 

Tình Hình Việt Nam Quốc Dân đảng sau vụ ám sát Bazin

 

Ngay sau khi mới thành lập, Việt Nam Quốc Dân đảng đã có một thế lực lớn tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Nhưng sau đó đã phát triển mạnh sang các tỉnh khác ở miền nam và đông nam vùng đồng bắng sông Hồng như Thái Bình, Hải Dương, Kiến An, Hưng Yên, Nam Định. Nhưng tại Trung Kỳ thế lực của Việt Nam Quốc dân đảng yếu hẳn đi. Ngoài một số chi bộ ở Thanh Hóa, đảng chỉ có một số ít đồng chí lẻ tẻ tại những thành thị như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết vv.

Khó khăn chính của Quốc Dân đảng trong việc phát triển tại Trung Kỳ là sự cạnh tranh của hai đảng Thanh Niên (Việt Nam Thanh Niên Cách mạng đồng chí hội) và Tân Việt vốn đã có sự hiện diện trước tại vùng này. Tại Nam Kỳ, đảng phát triển mạnh tại các tỉnh miền đông như Gia Định, Thủ Đầu Một, Bến Tre, Chợ Lớn, Vũng Tầu và thành phố Sài Gòn.

Cường học thư xã do Trần Huy Liệu đứng đầu là trung tâm điểm của đảng. Vụ án mạng đường Barbier tuy rằng do đảng bộ miền nam của Thanh Niên tạo ra nhưng cũng ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của Việt Nam Quốc Dân đảng. Trong số những người bị bắt liên quan tới vụ này có Trần Huy Liệu và một số nhân vật quan trọng khác của đảng như Võ công Tồng, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình) vv.

Vụ ám sát Bazin và sự truy nã của Pháp sau đó đã làm đảo lộn chiến lược của Việt Nam Quốc Dân đảng, buộc đảng phải hủy bỏ chương trình hoạt động ba thời kỳ trong đó tổng khởi nghĩa chỉ là giai đoạn chót khi thời cơ thuận lợi. Vào khoảng giữa tháng 5 năm 1929, trong một hội nghị đại biểu toàn quốc được bí mật triệu tập tại làng Đức Hiệp, Thuận Thành, Bắc Ninh, Nguyễn Thái Học đưa ra đề nghị cần phải cấp bách tổ chức một cuộc tổng khởi nghĩa.

Trong bài trình bày trước đại hội, Nguyễn Thái Học nhận định rằng tình hình đến lúc buộc phải hành động: “Đứng trước hoàn cảnh hiện tại, Đảng chúng ta phải lãnh đạo nhân dân làm cuộc Tổng Khởi Nghĩa gấp rút mới được. Nếu để chậm lại theo đúng chương trình đảng dự liệu, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị thực dân bắt hết, sẽ chết dần chết mòn trong nhà tù. Đảng chúng ta sẽ tan. Nghĩa là cuộc Tổng Khởi Nghĩa phải xảy ra nội trong năm nay. Vậy ngay từ lúc này, các đồng chí nhà binh phải chú ý đến phương pháp tấn công, các địa điểm chiến lược… các đồng chí dân sự phải chăm lo rèn rũa gươn giáo, chế tạo bom đạn cùng sự tập luyện võ nghệ để đợi ngày..”

Đề nghị này của Nguyễn Thái Học được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Đại hội chia làm hai phái. Một phái tán thành chủ trương của đảng trưởng; một phái chống lại cho rằng chưa nên khởi nghĩa vội vì lực lượng đảng còn kém, đánh tất phải thua. Thua tất sẽ bị thực dân khủng bố dữ dội; dân khí từ đó thui chột mất hàng chục năm. Cuối cùng phe chủ chiến thắng.

Tổng bộ Việt Nam Quốc Dân đảng đưa ra một kế hoạch tổng khởi nghĩa trong đó công tác cấp tốc là tăng nỗ lực tuyên truyền sâu rộng và mạnh mẽ thêm trong giới binh sỹ người Việt trong quân đội Pháp đồng thời lập ra nhiều xưởng chế bom. Công tác quan trọng liên lạc với binh đoàn Yên Báy nơi mà Quốc Dân đảng có rất nhiều đảng viên trong đội quân Pháp trú đóng tại đây được giao cho chị em cô Nguyễn thị Giang, Nguyễn thị Bắc và Đỗ thị Tâm.

Đứng trước hoàn cảnh hiện tại, Đảng chúng ta phải lãnh đạo nhân dân làm cuộc Tổng Khởi Nghĩa gấp rút mới được. Nếu để chậm lại theo đúng chương trình đảng dự liệu, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị thực dân bắt hết, sẽ chết dần chết mòn trong nhà tù. Đảng chúng ta sẽ tan. Nghĩa là cuộc Tổng Khởi Nghĩa phải xảy ra nội trong năm nay. Vậy ngay từ lúc này, các đồng chí nhà binh phải chú ý đến phương pháp tấn công, các địa điểm chiến lược… các đồng chí dân sự phải chăm lo rèn rũa gươn giáo, chế tạo bom đạn cùng sự tập luyện võ nghệ để đợi ngày.

Trong lúc các tổ chức của Việt Nam Quốc Dân đảng bắt đầu việc tích trữ các vũ khí đạn dược chuẩn bị cho cuộc Tổng Khởi Nghĩa thì Mật Thám Pháp tiếp tục các vụ bắt bớ truy lùng. Tháng 7 năm 1929, chính quyền Pháp tổ chức phiên tòa xử công khai 227 đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng bị bắt liên quan đến các vụ ám sát Bazin và Trịnh thị Uyển.

Tháng 10 năm 1929, một vụ nổ tại tỉnh Bắc Giang đã báo động cho chính quyền thực dân Pháp biết về nguy cơ của một cuộc bạo động. Ngày 30 tháng 10 năm 1929, tại nhà Lương văn Trạm thuộc làng Mỹ Điền tình Bắc Giang bỗng phát ra một tiếng nổ từ một căn buồng kín làm sập nguyên một bức tường nhà, mái nhà bị lật tung.

Ba người đàn ông trong nhà bị chấn thương chết ngay tại chỗ. Phút chốc, bọn hương lý và tuần phu đổ đến, bắt trói Lương văn Trạm và đồng thời lục soát nhà, thấy hóa chất, dây đồng và mảnh thủy tinh còn lung tung bừa bãi. Lương văn Trạm bị giải lên sở Mật Thám, nhưng mặc dầu bị tra tấn tàn nhẫn nhưng vẫn không khai tên ba người bị chết trong vụ nổ này là ai. Tuy nhiên, tất cả những người hay lui tới nhà Lương văn Trạm sau đó đều bị bắt cả. Và họ là một phần quan trọng của tỉnh đảng bộ Bắc Giang của Việt Nam Quốc Dân đảng.

Ngày 20 tháng 11, 1929, chính quyền lại khám phá ra 130 trái bom chôn dấu tại làng Phao Tân; ngày 23 tháng 12, tìm ra được 150 trái bom chôn dấu tại làng Nội Viên; ngày 26 tháng 12 khám phá ra 250 trái bom chôn tại Thái Hà ấp; ngày 10 tháng giêng năm 1930 khám phá được nhiều chum xành chứa truyền đơn cách mạng ở Lục Nam kêu gọi binh sỹ và dân chúng đứng lên làm cuộc cách mạng giải phóng.

Với việc khám phá ra những truyền đơn này, chính quyền thực dân Pháp đặt các lực lượng vũ trang và an ninh vào tình trạng báo động. Nhiều biện pháp canh phòng được khẩn cấp đưa ra áp dụng một cách nghiêm ngặt. Trong những tháng sau đó, cuộc truy lùng của Pháp với các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân đảng càng ngày càng gay gắt. Tình hình đảng càng ngày càng nguy ngập. Nguyễn Thái Học và hai lãnh tụ khác của đảng, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính suýt nữa bị rơi vào một cái bẫy do sở Mật Thám tổ chức qua sự phản bội của tên Đội Dương.

Đội Dương, tức Phạm thành Dương tốt nghiệp trường Bưởi, sau đó vào học trường thuốc được 2 năm thì bỏ đi lính. Nhờ có học lực khá, Dương được cử đi học khóa hạ sỷ quan tại chùa Thông (Sơn Tây). Đầu năm 1928, do một đảng viên là giáo Phú giới thiệu, Nguyễn thái Học đích thân lên chùa Thông tuyên truyền và kết nạp Dương vào đảng. Đầu năm 1929, Dương mãn khóa và được đổi về phi trường Bạch Mai. Tại đây Dương được đảng cử làm trưởng ban Binh Vụ của Tổng bộ. Nhưng khi bố của Dương là giáo Du biết được việc Dương gia nhập Quốc Dân đảng thì đã bắt Dương ra thú tội với Tây. Từ đó Dương trở thành chỉ điểm cho Mật Thám Pháp. Việc khám phá ra 250 trái bom chôn dấu tại Thái Hà ấp chính là do Dương chỉ điểm cho Pháp.

Quý thính giả vừa nghe cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn Khanh của ban Việt ngữ và tiến sĩ Lê Mạnh Hùng về Nguyên nhân gần của cuộc khởi nghĩa Yên Báy, khiến cuộc khởi nghĩa phải nổ ra sớm hơn dự liệu, là phần thứ hai của loạt bài tìm hiểu về Việt nam quốc dân đảng, nhân kỷ niệm 76 năm cuộc Khởi nghĩa Yên Báy. Trong buổi phát thanh sáng mai,, mời quý vị lại đón nghe tiếp phần thứ ba và cũng là phần chót của loạt bài, chủ đề là diễn tiến cuộc khởi nghĩa.

More Stories From Lịch Sử VNQDĐ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh