Việt Nam Quốc Dân Đảng và người lãnh đạo Nguyễn Thái Học (Phần 3)
Posted by Luu HoanPho, Sep 13, 2015, Comments Off
Tác Giả Nguyễn Mạnh Hùng
Hội nghị Võng La quyết định ngày Tổng Khởi Nghĩa
Trước tình thế càng ngày càng nguy kịch, ngày 26 tháng giêng năm 1930, Nguyễn Thái Học cho triệu tập một hội nghị đại biểu đảng mới tại làng Võng La nơi mà trước đó mấy hôm Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đả suýt bị tên phản bội đội Dương bắt. Trong Hội Nghị này, Nguyễn Thái Học công nhận rằng đảng sẽ thất bại khi nổi dậy, nhưng họ không thể chờ đợi tổ chức lại Đảng trước khi mở cuộc Tổng Khởi Nghĩa:
“Thưa các đồng chí, chúng ta làm cách mạng bằng sắt máu thì phải lấy lực lượng quân đội làm chủ lực. Nay Phạm thành Dương đã bội phản, phần chủ lực bị sứt mẻ rồi. Phần khác số khí giới dự trữ cũng bị địch khám phá được rất nhiều. Nếu nay chúng ta không hành động ngay tất số đồng chí và số vũ khí còn lại cũng bị địch làm tan vỡ hết.
Cuộc đời là một canh bạc. Gặp canh bạc đen người ta có thể thua hết cả vốn. Gặp thời thế không chiều mình, Đảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn. Rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần. Vô tình đã đầy anh em vào cái chết lần mòn nơi phòng ngục trại giam. Ấu là chết đi, để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta “Không thành công thì thành nhân“, có gì mà ngần ngại.
Đến khi ấy chỉ còn chút bom xoàng dáo nhụt với những đội Tiện Y ô hợp thì liệu chúng ta có thể chiến đấu với những đạo quân có tổ chức và được huấn luyện kỹ càng cùng khí giới tinh nhuệ được không? Người ta bảo: cần phải đứng trước ở chỗ không thua! Nhưng chúng ta thì đứng trước ở chỗ thua mất rồi. Nhưng liệu chúng ta có thể hoãn để tổ chức lại rối mới đánh có được không? Tôi tin rằng không thể được.
Cuộc đời là một canh bạc. Gặp canh bạc đen người ta có thể thua hết cả vốn. Gặp thời thế không chiều mình, Đảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn.
Rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần. Vô tình đã đầy anh em vào cái chết lần mòn nơi phòng ngục trại giam. Ấu là chết đi, để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta “Không thành công thì thành nhân, có gì mà ngần ngại”
Cuộc Tổng Khởi Nghĩa
Cuộc Tổng Khởi Nghĩa được dự trù tổ chức vào đêm 9 tháng 2 năm 1930. Tại Yên Báy, cuộc nổi dậy đưọc tiến hành đúng như dự tính. Một phái viên được cử đến gặp Nguyễn Thái Học tại Bắc Ninh để thông báo và để thúc đầy Bắc Ninh nổi dậy. Nhưng phái viên này bị bắt tại Hà Nội và cuộc nổi dậy tại Bắc Ninh đã không xảy ra. Trong khi đó, không có được sự hậu thuẫn bởi các cuộc nổi dậy ở nơi khác, cuộc khởi nghĩa Yên Báy đã mau chóng bị thực dân Pháp đàn áp và dẹp tan. Nguyễn Khắc Nhu bị bắt.
Phó Đức Chính phá vòng vây chạy thoát về Sơn Tây định tổ chức một cuộc khởi nghĩa tại đây, nhưng chưa kịp thì bao nhiêu vũ khí dự trữ đều bị thực dân Pháptìm thấy tịch thu hết. Phó Đức Chính cũng bị bắt trong khi đang bàn bạc tại nhà một đồng chí.
Nguyễn Thái Học chạy về Cổ Am ở Hải Dương nhưng chẳng bao lâu cũng bị quân Pháp biết được. Ngày 16 tháng 2, Pháp mang quân tấn công và cho máy bay ném bom làng Cổ Am phá tan làng này và giết hại mấy chục người dân làng. Nguyễn Thái Học trốn thoát nhưng năm ngày sau đó ông đã bị bắt trong lúc tìm đường đi sang Trung Quốc.
Như Nguyễn Thái Học đã nhận định, khi mở cuộc Tổng Khởi Nghĩa, Việt Nam Quốc Dân đảng đã gặp phải những khó khăn quan trọng. Thứ nhất, đảng chưa có được một cơ sở mạnh ở khắp ba kỳ. Như ta đã thấy, tại Trung Kỳ, đảng hầu như không có sự hiện diện trong khi tại Nam Kỳ thì tổ chức đảng đã bị tan vỡ với hầu hết những yếu nhân trong đảng bị bắt.
Với tình trạng này mà mở cuộc khởi nghĩa thì có thể nói là chắc chắn sẽ không thể đi đến đâu được. Thứ hai, mặc dầu kỷ luật đảng rất nghiêm khắc, nhưng chỉ đối với những kẻ phản đảng, còn những việc vi phạm kỷ luật đảng vì tinh thần cách mạng quá hăng say thì hầu như không bị trừng trị. Vụ ám sát Bazin chính là điển hình của tình trạng vô kỷ luật này mà đã dẫn đến sự sụp đổ của toàn đảng.
Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông bị đưa lên đoạn đầu đài tại Yên Báy nơi cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Trước khi lên máy chém từng người một họ hô lớn “Việt Nam vạn tuế”. Và với cử chỉ đó, những liệt sỹ Yên Báy đã gia nhập vào danh sách những vị anh hùng giúp cho người Việt giữ được cái tính chất dân tộc của mình qua nhiều thế kỷ bị ngoại bang đô hộ.
Sự kiện rằng họ bị dồn đến bước đường cùng này là vì một phần tử vô kỷ luật đã tự động hành động bất chấp quyết định của các cấp trên khiến cho họ bị buộc phải đứng lên khởi nghĩa dù rằng biết chắc rằng sẽ thất bại là những điều mà người ta không coi là quan trọng bằng tư cách hào hùng mà những liệt sỹ này đối phó với số mệnh của họ.
Cuộc khởi nghĩa Yên Báy đánh dấu chấm dứt chương đầu của cuộc Cách Mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Ngày 1 tháng 5 năm 1930, sáu tuần lễ trước khi các vị liệt sỹ Yên Báy ra pháp trường, dân quê tại Nghệ An đã đứng lên nổi dậy chống lại sự bóc lột của chính quyền thực dân buộc người ta phải tiếp tục đóng thuế dù rằng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như các thiên tai đã đẩy những vùng quê này tiến dần đến nạn đói.
Cuộc khởi nghĩa của dân quê Nghệ Tĩnh đã mở đầu cho một loạt những cuộc biểu tình bạo động khác đặc trưng của tình trạng cách mạng của những năm 1930
Quý thính giả vừa nghe phần cuối cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn Khanh của ban Việt ngữ và tiến sĩ Lê Mạnh Hùng về cuộc khởi nghĩa Yên Báy của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cuộc trao đổi được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 76 năm cuộc Khởi nghĩa bi hùng này.