Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Một Quyết Định Lịch Sử


Tác giả Phan Thiệp, Cựu Dân Biểu VNCH.

Chương Trình Cách Mạng Của Đảng.-Theo chương trình cách mạng của Đảng, Tổng Khởi Nghĩa được dự tính vào thời kỳ thứ 3 sau thời kỳ phôi thai và thời kỳ dự bị. Trong thời kỳ phôi thai, Đảng xây dựng và thu nạp đảng viên, hoạt động hoàn toàn bí mật.  Trong thời kỳ dự bị, hoạt động bán công khai, Đảng phát triển tuyên truyền, tổ chức quần chúng: Lập các nông, công đoàn, binh đoàn, học sinh, sinh viên, thanh niên đoàn….Hai thời kỳ này đòi hỏi thời gian hoạt động lâu dài.

Sau khi thành lập năm 1927, trong năm 1928, ngoài các tổ chức ở Bắc Kỳ, Đảng đã có chi bộ đặc biệt Sài gòn và 6 chi bộ ở miền Đông và miền Tây Nam Kỳ. Chỉ trong năm đầu này, theo tài liệu của Giám đốc sở Mật thám Pháp, Louis Marty, Đảng đã tổ chức được 120 chi bộ, kết nạp khoảng 1.500 đảng viên, trong số này có 120 người thuộc thành phần quân sự. Song song với việc kết nạp đảng viên, Đảng mở rộng thanh thế bằng cách mời cụ Phan Bội Châu nhận chức chủ tịch Danh dự Đảng, liên lạc kết hợp với các tổ chức quốc gia chống Pháp khác như nhóm Trần Nguyên Phú, Nguyễn Đình Kiêm ở trong Nam, và lập phái đoàn ngoại giao sang Trung Hoa và Nhật Bản. Về kinh tài, Đảng đã tổ chức khách sạn Việt Nam, một khách sạn lớn vào hàng nhất nhì ở Hà Nội. Tất cả nhân viên đều là đảng viên tín cẩn.

Biến Cố Bất Thường.-Hoạt động của Đảng tiến triển thật tốt đẹp, kín đáo. Đầu năm 1929  xảy ra vụ ám sát tên trùm mộ phu Bazin và từ đó tình hình thay đổi. Bazin là một tên Pháp thầu việc mộ phu cho các đồn điền của thực dân Pháp tại các vùng đất đỏ ở Lào, Cao nguyên Trung Kỳ, Nam Kỳ và các đảo xa như Nouvelles Calédonies, Nouvelles Hebrides. Dưới danh nghĩa mộ phu, tên này đã thực sự bắt nô lệ cho những tên thực dân chủ đồn điền vô nhân đạo. Hầu hết phu mộ có đi, không về. Hết phỉnh phờ, dụ dỗ (1) y đã ngang nhiên thực hiện việc bỏ bùa mê hay bắt cóc. Nạn nhân phần nhiều là giới trẻ. Dân chúng vô cùng sợ hải, thán oán. Căm phẩn trước tình trạng này, một số đảng viên thuộc nghiệp đoàn đã tổ chức ám sát tên Bazin này

Tổ Chức Đảng Bị Phát Giác.- Vụ ám sát thực hiện trót lọt kín đáo. Nhưng Bazin, một tên Pháp có tên tuổi, bị ám sát ngay giữa Hà Nội là một vụ lớn đối với Chính quyền Pháp. Mật thám Pháp tận lực khám phá. Không biết và không tìm ra thủ phạm chính, chúng đã bắt bừa những người tình nghi, và những người có tên trong sổ đen. Phăng lần theo mối dây, chúng biết đến tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng, biết mục đích, thành phần lãnh đạo và một số chi bộ.  Một số trung ương ủy viên bị bắt. Một số chi bộ bị phá vỡ. Mặc dù Tổng bộ đã được bổ sung, các chi bộ đã củng cố, tình trạng tan vỡ của Đảng vẫn khó cứu vãn.

Tình Hình Tiếp Tục Diễn Biến Bất Lợi.- Chương trình cách mạng đề ra ban đầu đã thấy không thể tiếp tục tiến hành như dự tính. Tháng 5, 1929, tại hội nghị Đức Hiệp, Đảng đã phải chuẩn bị Tổng Khởi Nghĩa sớm. Rồi tình hình bất lợi cho Đảng tiếp tục dồn dập xảy ra. Tháng 10, 1929 một cơ sở chế bom thình lình phát nổ. Hai tháng tiếp theo, nhiều nơi chứa bom và vũ khí bị khám phá. Những chum chứa truyền đơn bị tịch thu. Tiếp theo là Phạm Thành Dương, Trưởng ban Binh vụ của Đảng, làm phản, dẫn mật thám Pháp bắt đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng hai phụ tá chính yếu là Phó Đức Chính và Nguyễn Khắc Nhu. Cả ba may mắn thoát hiểm nhờ lanh trí. Tên Dương lại tố cáo phá vỡ hầu hết các chi bộ nhà binh, chủ lực của cuộc Tổng Khởi Nghĩa..(2)

Đảng Chưa Sẵn Sàng Cho Tổng Khởi Nghĩa.- Theo chương trình cách mạng, cuộc Tổng Khởi Nghĩa đáng lẽ sẽ tiến hành đồng loạt nhiều nơi trên cả nước khi đã có tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng ngoại vi khắp các tỉnh. Nay vì nội phản, ngoại thù cấu kết đưa Đảng đến tình trạng gần tan rã, chỉ còn một số ít chi bộ nhà binh và các chi bộ dân sự ở một số tỉnh tại Bắc Kỳ. Vũ khí thô sơ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa đã bị khám phá gần hết. (3)

Trong lúc này thực dân Pháp đã đặt nền đô hộ Việt Nam trên nửa thế kỷ và đang trong thời kỳ cực thịnh. Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp do ngươi Pháp trực tiếp cai trị. Trung Kỳ và Bắc Kỳ do Pháp bảo hộ. Tại hai xứ này, một số lớn người Việt ở cấp lãnh đạo, huyện, phủ, tỉnh vì ham danh lợi đã bị Pháp mua chuộc. Về quân sự, Pháp đã tổ chức được nhiều đơn vị lính khố xanh để canh gác và nhiều đơn vị lính khố đỏ do sĩ quan Pháp chỉ huy để bảo vệ biên giới và dẹp các cuộc nổi dậy. Ngoài ra chúng còn có máy bay và đại bác yểm trợ.

Quyết Định Khó Khăn Của Cố Đảng Trưởng.- Tổng Khởi Nghĩa trong tình trạng lực lượng hai bên quá chênh lệch như vậy chắc chắn không thành công, cán bộ, đảng viên tham gia phải hy sinh tánh mạng. Trong Đảng đã có tư tưởng thoái lui, hoãn Tổng Khởi Nghĩa chờ dịp tái tổ chức, với lập luận: “Lực lượng Đảng còn kém, đánh tất phải bị thua, thua tất bị thực dân khủng bố dữ dội, dân khí sẽ vì thế mà thui chột mất hàng chục năm.” (4)
Quyết định của cố đảng trưởng trong tình hình này thật vô cùng khó khăn. Tổng Khởi Nghĩa, chấp nhận hy sinh tánh mạng của các đồng chí cán bộ, đảng viên hay hoãn Tổng Khởi Nghĩa, tìm đường lánh nạn chờ cơ hội tái tổ chức? Đường nào lợi cho Đảng, ích cho nước?

Một Quyết Định Dũng Cảm và Sáng Suốt.-Cố đảng trưởng nhận định nếu e ngại không Tổng Khởi Nghĩa thì:
Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng, khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi.” (5)

Không chịu khoanh tay đầu hàng để nhận “cái chết lạnh lùng mòn mỏi ” như thế, cố đảng trưởng chọn cái chết oai hùng, oanh liệt trong chiến đấu một mất một còn với thực dân Phápđể lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước.Hơn nữa trong quá trình tranh đấu vừa qua, một số đồng bào và một số đồng chí đã hy sinh hay đang bị cầm tù. Nay không hy sinh chiến đấu là phản bội sự hy sinh của họ. Đã thề “Dùng vũ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến” (6) để cứu dân, cứu nước, nay chưa làm hết sức mình đã thoái lui là không tròn trách nhiệm với Tổ quốc. Đạo làm người không chấp nhận hành động như thế. Cố đảng trưởng nói: “Không thành công thì thành nhân có gì mà ngần ngại“.Thành nhân” là một thành ngữ với chữ “nhân” có nghĩa là “đạo làm người mà ai đạt được mới xứng đáng là người.” (7)

Với lòng dũng cảm sẵn sàng chấp nhận cái chết oanh liệt, với nhân cách và tinh thần trách nhiệm tuyệt vời, “Không thành công thì thành nhân“, với tài lãnh đạo sáng suốt, không nghe lời bàn hoãn lại để chờ thời cơ, cố đảng trưởng đã khẳng khái quyết định Tổng Khởi Nghĩa tại hội nghị lịch sử Võng La (Phú Thọ) ngày 26 tháng Giêng năm 1930.

Thực Hiện Quyết Định Của Cố Đảng Trưởng.- vào những giờ sớm nhất của ngày 10 tháng 2, 1930, tiếng súng Tổng Khởi Nghĩa đầu tiên nổ tại Yên Bái. Cách mạng quân chiếm một đồn binh của Pháp, diệt ngay 6 tên sĩ quan và hạ sĩ quan thực dân. Lá quân kỳ Vàng, Đỏ của Đảng ngạo nghễ bay trên thị xã. Tiếp đến Hưng Hóa, Lâm Thao, Hà Nội, Đáp Cầu Phả Lại, rồi Kiến An, Phụ Dực, Vĩnh Bảo, tiếng lựu đạn và tiếng súng cách mạng tiếp tục nổ. Bọn quan lại Việt gian theo Pháp tiếp tục bị trừng trị.

Chính Trường và Công Luận Pháp Quốc Chấn Động.-Trong 2 ngày 10 và 11 tháng 2, điện tín cấp báo của Toàn quyền Pháp ở Đông dương liên tiếp bay về Paris. Báo chí Paris: Le Petit Parisien, Le Matin, L’Action française  (8) đăng tải. Chính giới cũng như nhân dân Pháp xôn xao. Tình hình sinh viên Việt Nam tại Pháp sôi động. Họ tẩy chay ngôi Nhà Đông Dương do chính phủ Pháp lập cho họ. Ngôi nhà 80 phòng, chỉ có 35 sinh viên đăng ký xin ở, và đến ngày Khánh thành, 29 người rút đơn. Trong lễ Khánh thành do Tổng thống Pháp Gaston Doumergue và vua Bảo Đại chủ tọa, truyền đơn được tung ra với những tiếng hô lớn: “Hãy trả tự do cho các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng“. (9) Ngày 22 tháng 5, cả ngàn sinh viên Việt Nam ở Pháp, đặc biệt ở Paris biểu tình trước điện Élysée chống lại việc Pháp đàn áp cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái. 47 người đã bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam. (10)

Nhà Văn, Ký Giả Pháp Viết Sách Ca Tụng Liệt Sĩ Yên Bái và Cách Mạng Việt Nam.- Xúc động và ngạc nhiên trước việc những sinh viên Việt Nam do chính phủ Pháp giúp đỡ điều kiện để học tập thành tài ở Pháp nay lại nhiệt liệt ủng hộ một cuộc nổi dậy chống Pháp, nhà văn kiêm ký giả báo Le Petit Parisien là Louis Roubaud quyết định lên đường sang Việt Nam để xem rõ tình hình.

Đến Việt Nam ông đã tìm hiểu chính sách cai trị của chính quyền Pháp ở Đông Dương mà ông ta thấy rất tồi tệ đối với dân bản xứ. Ông ta đã tìm gặp và phỏng vấn nhiều người thuộc mọi thành phần liên quan đến lịch sử cách mạng Việt Nam và đã viết một quyển sách nhan đề “Viet Nam”, nhan đề phụ là: “Viet Nam! Viet Nam! Viet Nam! Tôi nghe 13 lần những tiếng hô ấy trước máy chém Yên Bái. Mười ba tử tội, người này đến người khác, đã hô lớn như thế chỉ cách đoạn đầu đài 2 mét”.

Trong sách có 2 đoạn phỏng vấn liệt sĩ Ký Con và mô tả cảnh 13 anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài, nêu rõ chính nghĩa và thái độ anh hùng, tinh thần quật cường bất khuất của chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng nói riêng, của dân Việt Nam nói chung.

Hoạt Động Của Các Tổ Chức Cộng Sản Việt Nam.- Khi Việt Nam Quốc Dân Đảng tổng khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, các tổ chức Cộng sản Việt Nam đang lay hoay lo thống nhất. Nhận lệnh của Staline, Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan đến Hồng Kông vận động thống nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam là An-nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn. Sau Tổng Khởi nghĩa Yên Bái mấy tháng, họ nổi lên hoạt động. Nhưng trong khi Việt Nam Quốc Dân Đảng tổng khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp, các tổ chức Cộng sản Việt Nam tranh đấu chống thành phần giai cấp trong nước. Ở Nam Kỳ, họ nổi lên chống địa chủ, phú nông, đòi chia đất. Ở Nghệ An, Hà Tịnh, họ triệt hạ một số chánh quyền xã, thôn, lập chánh quyền Xô-viết theo kiểu Liên Xô.

Chánh Phủ Pháp Lo Ngại-Các Nhà Cách Mạng Việt Nam Đồng Loạt Đòi Độc Lập.– Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái làm cho tình hình chính trị Đông Dương sôi động. Chánh phủ Pháp lo ngại cho sự an toàn của thuộc địa lớn nhất này của họ ở Viễn Đông. Đầu năm sau, 1931, Phái đoàn Bộ trưởng bộ Thuộc địa của Pháp là Paul Reynaud phải đi kinh lý Đông Dương để tìm hiểu. Bà Andrée Viollis, cũng là một nhà văn kiêm nhà báo, tháp tùng. Sau mấy tháng đi khắp Đông Dương, bà ta tiếp xúc với mọi giới, kể cả các chính trị gia ôn hòa như Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Phạm Quỳnh …, các nhà cách mạng Việt Nam nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Thúc Duyện…. Về Pháp bà cho ấn hành tập ký sự lấy tên “Indochine S.O.S.”. Bà tố cáo thẳng thừng tình trạng tồi tệ về mọi mặt ở Đông Dương: Dân đói thê thảm không được giúp đỡ. Công nhân các đồn điền, các xí nghiệp bị bóc lột tàn tệ. Các nhà tranh đấu chống chế độ thực dân bị tra tấn cực hình. Các nhà tù chật ních tù nhân. Dân bản xứ bị khinh miệt. Các nhà cách mạng Việt Nam có tên tuổi đều đòi hỏi độc lập.

Quyết Định Lịch Sử.- Quyết định Tổng Khởi Nghĩa tại hội nghị lịch sử Võng La (Phú Thọ) ngày 26 tháng Giêng năm 1930 của cố đảng trưởng thật dũng cảm và vô cùng sáng suốt. Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái lúc bấy giờ dù không đánh đuổi được thực dân Pháp, không lật đổ được chế độ phong kiến bù nhìn hại dân, cũng đã thể hiện tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc, đã tạo được ảnh hưởng chính trị rộng lớn trong và ngoài nước.
Đó là một quyết định tạo nên lịch sử không riêng cho Việt Nam Quốc Dân Đảng mà chung cho dân tộc Việt Nam./.

8-2-2014.- Phan Thiệp. Đảng viên lão thành, một lảnh tụ VNQDĐ

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

(1) Bài ca dụ dỗ của Bazin: Bà con ơi ! Bà con ơi ! Cao su sống thật là nhàn    Vào đây có xóm có làng hẳn hoi.
Nhà tô nhà ngói lại nhà lầu.    Tất cả mọi thứ nhu cầu   Chủ nhân bán rẻ ai mà chẳng ham
Tội chi ôm lấy xóm làng.    Mau mau một chuyến vào Nam xem nào !“

(2) Hoàng văn Đào, sách đã dẫn, tr.-tr.89-98.

(3) Louis Roubaud, Việt Nam, Librairie Valois 7, Place du Panthéon Paris, 1931, tr.24. Theo tường thuật của Louis Roubaud lấy tài liệu của Mật thám Pháp thì ngày 7.1 toan ám sát toàn quyền  ngày 3.9 nơi chế bom ở Mỹ Diệm phát nổ; ngày 20.11, 50 bom bị khám phá ở Sept-Pagodes, ngày 23.12 khám phá 50 bom ở Nội Viên, ngày 26.12, tịch thu 290 bom ở Thái Hà, ngày 19.1 tịch thu nhiều chum truyền đơn ở Bắc Ninh. Ngày 20.1 bắt một thợ rèn kiếm. Sau đó bắt hàng trăm quả bom ở nhiề làng khác.

(4) Hoàng Văn Đào sách đã dẫn tr. 90

(5) Hoàng Văn Đào, sách đã dẫn tr. 103, 104.

(6) Hoàng Văn Đào, sách đã dẫn tr.33.

(7) Tuy cùng đọc là “nhân” nhưng chữ Trung quốc có nhiều cách viết khác nhau với ý nghĩa khác nhau. Trong số ấy, có 2 chữ liên quan đến ý nghĩa câu danh ngôn này, giải nghĩa theo Hán Việt Tự Điển Thiều Chửu như sau: 1- Nhân () đạo lý làm người phải thế mới là người. 2-Nhân ()  nguyên nhân, hạt nhân. Hiểu chữ Nhân ở đây là hạt nhân hay nguyên nhân, không đúng vì ý ấy cố đảng trưởng đã nói ở trên: “Để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước.” Hơn nữa hiểu như thế, không nói lên được nhân cách và tinh thần trách nhiệm của cố đảng trưởng.

(8) Le Petit Parisien n° 19342 (12 février 1930), p. 3 [archive], n° 19343 (13 février 1930), p. 1 [archive], n° 19344 (14 février 1930), p. 1 [archive], … – Sur Gallica.
Le Matin n° 16765 (12 février 1930), p.1. [archive], n° 19346 (14 février 1930), p. 1 [archive], … – Sur Gallica.
Notamment dans L’Action française n° 45 (14 février 1930), p. 1 [archive] – sur Gallica –, où l’on peut lire des articles de Léon Daudet et Charles Maurras en rapport avec les incidents.
Nguồn: http://fr.wikipedia.org/wiki/Mutinerie de Yên Bái-Réactions dans la presse française et manifestations en France

(9) Louis Roubaud, Viet Nam, Paris Libraireie Valois, 7 Place du Panthéon, 1931, tr.12

(10)·  Le Petit Parisien, n° 19442 (23 mars 1930) p. 2 [archive] ; n° 19443 (24 mai 1930) p. 3. [archive] ; n° 19488 (8 juillet 1930) p. 1. [archive] – Sur Gallica.
·  Marr (1981), p. 40
Nguồn: http://fr.wikipedia.org/wiki/Mutinerie de Yên Bái-Réactions dans la presse française et manifestations en France

More Stories From Lịch Sử VNQDĐ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh