Mỹ-Biển Đông: Tuần tra sát đảo nhân tạo không phải là khiêu khích
Posted by Luu HoanPho, Oct 16, 2015, Comments Off
REUTERS/Yoshikazu Tsuno/Pool (theo RFI)
Một chỉ huy của Hải quân Hoa Kỳ, ngày hôm qua, 15/10/2015, tuyên bố, việc đưa tàu chiến Mỹ tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây là một hoạt động bình thường, theo thông lệ và không nên coi đây là một hành động khiêu khích.
Theo tuần báo Navy Times, trong chặng dừng chân ở Nhật Bản, nhân chuyến công du nhiều nước trên thế giới, Đô đốc John Richarson, Chỉ huy các hoạt động tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ, tuyên bố : Hải quân Mỹ coi tự do lưu thông hàng hải là một hoạt động duy trì tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đô đốc Richarson nói : « Hoa Kỳ là một cuờng quốc và có lực lượng hải quân trên toàn thế giới. Và không ai nên ngạc nhiên về việc chúng tôi sẽ thực hiện quyền tự do lưu thông ở bất kể nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép ». Chỉ huy Hải quân Mỹ nói tiếp : « Chúng tôi vẫn làm việc này như thông lệ trên khắp thế giới. Chúng tôi có mặt tại Biển Đông như thông lệ. Và chúng tôi coi đây là một phần trong việc thực hiện các quyền quốc tế tại các vùng biển quốc tế ».
Tuần báo Navy Times nhận định, trong thời gian qua, Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp, xây đảo nhân tạo trong vùng quần đảo Trường Sa và coi đây là phương cách để thực hiện các đòi hỏi chủ quyền nhằm tiến tới kiểm soát toàn khu vực Biển Đông.
Khi được đề nghị bình luận về việc báo chí Trung Quốc tố cáo Bộ Quốc phòng Mỹ khiêu khích Bắc Kinh và có kế hoạch gia tăng sự hiện diện tại vùng biển được coi là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, đô đốc Richarson nhấn mạnh : « Tôi nghĩ rằng chúng tôi cần tiếp tục các hoạt động phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Đây là một phần trong các hoạt động thông thường, theo thông lệ tại các vùng biển quốc tế, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp, tôi không thấy làm thế nào lại diễn giải đó là một hành động mang tính khiêu khích ».
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho Navy Times biết, việc tiến hành tuần tra sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, còn phải đợi được chính quyền Washington cho phép.
Từ năm 2012, máy bay và tàu chiến của Hải quân Mỹ không xâm nhập vào không phận và lãnh hải 12 hải lý xung quanh các hòn đảo, bãi đá mà sau này Trung Quốc bồi đắp, xây dựng thành các đảo nhân tạo.