Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

XYZ, ÔNG LÀ AI?


Tác giả Trần Tử Thanh.- Nhân kỷ niệm ngày mất của cố luật sư Trần Văn Tuyên, một lảnh tụ VNQDĐ.- 

Thấm thoát miền Nam Việt Nam Tự Do đã mất vào tay chế độ cộng sản được hơn ba mươi chín năm! Ba mươi chín năm quả là một thời gian khá dài so với cuộc đời con người. Nhưng so với chiều dài lịch sử dân tộc thì nó chỉ như một “giấc kê vàng”, một khoảnh khắc khá ngắn ngủi.  Đến nay lại thêm một giai đoạn nữa của giòng lịch sử cận đại Việt Nam đã sang trang và khép kín. Hàng loạt những bí ẩn của chính trường Miền Nam cũng được mang xuống tuyền đài cùng với những nhân vật đã từng giữ những vai trò lãnh đạo then chốt trong cuộc chiến chống Cộng, bảo vệ nền tự do dân chủ son trẻ của nhân dân Miền Nam Việt Nam.

ls_Tran_v_Tuyen1

Hình 1:  Ls. Trần văn Tuyên thăm Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh và dự cuộc duyệt binh của lực lượng quân sự giáo phái Cao Đài.

Từ trái qua phải: Tướng Nguyễn Thành Phương (thứ hai), Tướng Nguyễn Văn Thành, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Ls. Trần Văn  Tuyên & hai ái nữ (đứng sau lưng cha), và hai vị chức sắc Cao Đài.

Tính đến thời điểm này, khá nhiều bí mật lịch sử thuộc thời đệ nhất, đệ nhị Cộng Hòa vẫn còn trong vòng bí ẩn, hiếm được ai mạnh dạn lên tiếng công khai tiết lộ hoặc được bạch hóa vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi đó, một số người viết lại lịch sử, ký sự hay hồi ký đã vô tình hay hữu ý ghi lại không ít những sự kiện thiếu sự chuẩn xác, đôi lúc họ còn bịa đặt hoặc suy diễn nhiều sự việc một cách tùy tiện. Thiếu đạo đức hơn nữa, có kẻ lại còn phóng bút tự nhận mình là những nhân vật a, b, c, đã từng nắm giữ những vai trò chính trị quan yếu trên chính trường cũng như trong hậu trường chính trị Miền Nam. Thậm chí họ còn tự nhận đã từng tham gia vào những công việc ở cấp lãnh đạo quốc gia, mà trên thực tế, chúng nằm ngoài tầm tay cũng như khả năng và vị thế chính trị của họ lúc bấy giờ.

Ai là người đã “ra lệnh” thảm sát Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ ông, Cố Vấn Chính Trị Ngô Đình Nhu?  Phải chăng lệnh đó phát xuất từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, từ chính Đại Sứ Henry Cabot Lodge, từ CIA qua trung tá Lucien Emile Conein, hay Đại Tướng Dương Văn Minh hoặc Trung Tướng Trần Văn Đôn? Tất cả những nhân vật lịch sử này, những người có thể giải mật các câu hỏi của chúng ta nay đều đã khuất.

Ai đã âm mưu hãm hại cố Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn III, kiêm vùng 3 Chiến Thuật, người Tổng Chỉ Huy cuộc hành quân vượt biên giới Việt Nam-Kampuchea để truy kích đầu não Cục R (Rờ) tức Trung Ương Cục Miền Nam) ?  Qua tin tức khai thác tù binh cao cấp VC bị bắt, ban lãnh đạo Trung Ương Cục R lúc bấy giờ đã chạy tán loạn, mạnh ai người ấy chạy thục mạng về hướng vùng Kratie, Kampuchea để ẩn náu.  Lúc bấy giờ, Cố Trung Tướng Đỗ Cao Trí đã có kế hoạch tiếp tục cuộc hành quân truy kích địch để bắt sống hoặc tiêu diệt toàn bộ ban lãnh đạo Trung Ương Cục R.  Nhưng tiếc thay, chiếc trực thăng oan nghiệt chở ông, khi chưa kịp bình phi, đã bị nổ tung chỉ ít phút sau khi vừa cất cánh trên chuyến bay thị sát mặt trận chiến trường Kampuchea.

Rồi Ai là người đã ban mật lệnh giết Đại úy Nguyễn Văn Nhung, sĩ quan tùy viên kiêm cận vệ của Đại Tướng Dương Văn Minh bằng cách siết cổ bằng giây dù cho đến tắt thở rồi loan tin Đại úy Nhung treo cổ tự vẫn?  Đại úy Nhung chính là “tay sát thủ”, là người thi hành lệnh giết hại cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu một cách rất tàn ác.

Chỉ mới đặt ra vài câu hỏi trong hàng vạn bí mật lịch sử cận đại của chính trường Miền Nam mà mãi cho đến nay sử sách vẫn chưa tìm ra được câu giải đáp chính xác và thỏa đáng.

Nghiem_xuan_Thien   Một trong những bí ẩn lịch sử nữa chúng tôi muốn nêu lên và ghi lại ngày hôm nay để chúng ta tìm hiểu và theo thiển ý, ít nhiều chắc cũng có người còn nhớ tới.  Đó là tác gỉa bí mật của những bài tham luận chính trị viết từ Việt Nam, đã một thời vang dội bay sang cả các nước Âu Mỹ, được trích đăng trên các tờ Le Monde, Le Figaro nổi tiếng tại Pháp, France-Asie tại Hồng Kông và New York Times tai Hoa Kỳ. Đặc biệt, đó là những bài nhận định chính trị liên quan đến tình hình Việt Nam được đăng hàng tuần trên tờ tuần báo Thời Luận vào những năm 1957-58 với bút hiệu XYZChính Nghĩa.

Hình 2:  Ông Nghiêm Xuân Thiện (1909-2003), chủ nhiệm tuần báo Thời Luận

Quay ngược dòng thời gian, vào những năm1956-1958, quý vị độc gỉa nào vào thời đó đã từng sống tại Sàigòn hoặc tại các thành phố lớn tại Miền Nam chắc còn nhớ hoặc nghe đến tên ông Nghiêm Xuân Thiện. Ông từng là cựu Quốc Vụ Khanh trong chính phủ quốc gia, cựu Đại Biểu Chính Phủ tại Bắc Phần vào năm 1948. Sau hiệp định Genève năm 1954, ông đưa gia đình di cư vào Miền Nam. Đến năm 1956, ông được Bộ Thông Tin cho phép xuất bản tờ tuần báo Thời Luận, với tư cách Chủ Nhiệm, kiêm Chủ Bút. Những số báo Thời Luận đầu tiên in ra thường chỉ vỏn vẹn có vài ngàn số khiêm tốn, với số độc gỉa trí thức nhất định. Đa phần độc giả của Thời Luận là những người thích quan tâm theo dõi thời cuộc nước nhà và tình hình chính trị thế giới.

Vào những tháng cuối cùng của năm 1957, tuần báo Thời Luận đột nhiên khởi sắc với hàng loạt những bài tham luận chính trị của một tác gỉa rất bí ẩn, lúc lấy bút hiệu XYZ, khi ký tên Chính Nghĩa. Nếu độc giả nào tinh ý khi đọc, qua cách hành văn, bố cục và nội dung bài tham luận, sẽ dễ nhận ra ngay XYZ và Chính Nghĩa chỉ là một người.  Mỗi tuần tác gỉa chỉ viết duy nhất có một bài, được đăng trịnh trọng ở trang đầu, phía trên, bên góc phải của trang báo. Những bài tham luận thường đặt trọng tâm vào những khuyết điểm của chính phủ Ngô Đình Diệm liên quan đến các hành động phản dân chủ như khủng bố, vô cớ bắt giam, có khi còn thủ tiêu cả những đảng viên các đảng phái quốc gia chống cộng , hoặc các vụ xử án trái pháp luật, trái Luật Tố Tụng đối với những nhà đối lập chính trị không cộng sản.  Bài báo cũng nêu bật những tệ nạn độc quyền kinh tế, gian lận bầu cử hoặc những chia rẽ, xáo trộn trong hàng ngũ quân đội và công chức qua sự lạm quyền, bè phái, chèn ép của các đảng viên đảng Cần Lao (được tổ chức rập khuôn theo đảng CSVN) đối với những thành phần ngoài đảng.  Tệ nạn phân biệt này đang từng ngày làm suy yếu tinh thần quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang ngày đêm xả thân chiến đấu chống lại các cuộc tấn công phá hoại của cộng sản, bảo vệ sự sống còn của Miền Nam Việt Nam.  Đặc biệt hơn nữa, tác giả bí mật XYZ hoặc Chính Nghĩa còn viết một loạt bài “Thư Gửi Ông Nghị Của Tôi”, phê bình những việc làm vi hiến của một số dân biểu do chính quyền dựng lên, được gọi một cách châm biếm là  “Nghị Gật”, chỉ biết khoanh tay ngậm miệng, biểu quyết theo sự điều hướng hoặc chỉ thị của chính phủ … Những bài tham luận chính trị được viết với câu văn giản dị, rất dễ đọc, không cầu kỳ, khách quan phân tách và nghiêm khắc phê phán những việc làm thiếu dân chủ , nặng tính gia đình trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và nội các.  Những bài báo của XYZ và Chính Nghĩa đã làm cho Tổng Thống Diệm và ông Nhu, nhất là Bộ Thông Tin cùng Bộ Nội Vụ vô cùng bối rối và tức tối.

Tôi còn nhớ lúc bấy giờ, cứ đến mỗi sáng Thứ Bảy, chúng tôi thấy các em bé bán báo rong ôm từng xấp báo vừa chạy vừa rao to “Thời Luận mới ra lò!  XYZ, Chính Nghĩa viết nóng hổi đây!” Gần cửa trường học chúng tôi, trên đường Hồng Thập Tự, bên hông Dinh Độc Lập có hai sạp báo lúc nào cũng tấp nập những người ghé xe vào mua. Khắp nơi trong thành phố, hàng chồng báo Thời Luận vừa đem từ nhà in ra, chưa kịp bày lên sạp, chỉ trong chốc lát đã bán hết sạch.  Thời gian đó, giới trí thức, sinh viên rất ưa thích tờ Thời Luận, kể cả các bác tài xế taxi hoặc các bác đạp xe xích lô, trong khi nghỉ, chờ đợi khách, hầu như ai cũng có trên tay tờ Thời Luận đọc một cách thích thú.

ls_Tran_v_Tuyen2     Chính chú Ba Khánh (1), người tài xế trung thành của gia đình chúng tôi, tuần nào cũng mua tờ Thời Luận. Một hôm trên đường đưa mấy anh em chúng tôi từ trường về nhà, trên xe có Ba tôi, chú hỏi “Ông có đọc bài “Thư gửi ông Nghị của tôi” của XYZ tuần này chưa?  Vừa nói chú vừa xoay người đưa tờ báo cho Ba tôi, “cha XYZ này là ai mà cả gan thiệt, viết vậy “chúng” bắt được “chúng” dám cho đi Côn Đảo hoặc cho đi mò tôm lắm! Ba tôi cầm tờ báo, vừa cười vừa trả lời bâng quơ “Biết ai mà bắt… ”.

 Hình 3:    Ls. Trần Văn Tuyên trong chức vụ Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng năm 1951 đi thăm lực lượng quân sự Hòa Hào ở Cái Vồn. Người đội mũ Képi đi bên phải cạnh Ls. Tuyên là tướng Năm Lửa Trần Văn Soái.       

Nhiều người bạn thân của gia đình đến thăm cha mẹ chúng tôi cũng thường bàn tán và suy đoán về XYZ và Chính Nghĩa. Người thì nói đó là ông Nghiêm Xuân Thiện. Vì khi làm Tổng Trấn Bắc Phần năm 1948, ông Thiện đã cưu mang hai anh em ông Diệm và ông Nhu lúc hai vị này còn thuở hàn vi.  Bây giờ hai anh em Tổng Thống Diệm đã có chức, có quyền mới đền ơn đáp nghĩa, để yên cho ông làm báo đối lập. Có người còn quả quyết tác giả của những bài báo đó là Bác sỹ Phan Quang Đán, hoặc là Kỹ sư Phan Khắc Sửu, cũng có thể là ông Trần Văn Văn, hay Bác Sỹ Trần Văn Đỗ…Chính nhà báo tiếng tăm quốc tế Bernard Fall trong quyển “The Two Vietnams”, tại trang 270-271 cũng ghi rõ: “…Ngày 15 tháng 3 năm 1958, ông Nghiêm Xuân Thiện, Cựu Tổng Trấn Bắc Phần, trong một lá thư ngỏ “Gửi Dân Biểu của tôi ”(2) đăng trên tuần báo Thời Luận do ông làm Chủ nhiệm, nhận xét rằng:

“…  Dưới thời chính phủ phong kiến thực dân Nguyễn Văn Tâm, “trong những cuộc bầu cử Hội Đồng Tỉnh và Hội Đồng Xã, dân chúng bị dọa nạt và ép buộc phải đi bầu, nhưng còn khá hơn những cuộc bầu cử của quý vị, vì không có ai dùng xe cam nhông chở lính vào Saìgòn để “giúp việc bỏ phiếu”… Quý vị lấy làm hãnh diện đã tạo lập cho Việt Nam một chính thể mà quý vị cho là tương tự như nước Mỹ. Nếu có tương tự thì cũng như một tòa nhà chọc trời và một ngôi nhà mái tôn, giống nhau ở chỗ cùng là những nơi có người ở…Ở đây, dân biểu là những viên chức chính trị làm luật giống như một xướng ngôn viên trên đài phát thanh, lớn giọng đọc những bản văn đã có người soạn sẵn từ trước…”

      Có lần đến thăm cha tôi, thường là vào buổi sáng sớm tinh sương để tránh sự theo dõi của công an, mật vụ, bác Nghiêm Xuân Thiện có cho cha tôi biết, mặc dù tuần nào bác cũng đã cho in đến một trăm hai mươi ngàn (120.000) số mà vẫn không đủ báo để bán!  Bác nói, “Anh có biết chính quyền, nhất là Ngô Đình Nhu đang đau đầu vì ngòi bút của XYZ và Chính Nghĩa không?”

ls_Tran_v_Tuyen3    Vào thời điểm đó, Thời Luận là tờ báo đối lập duy nhất với chính quyền, là báo bán chạy nhất, với số ấn bản cao nhất trong làng báo chí Miền Nam. Trong lịch sử làng báo Miền Nam Tự Do, chưa bao giờ lại có một nhật báo hoặc tuần báo nào có số ấn bản cao kỷ lục như vậy!

Theo nhà văn Hoàng Hải Thủy, một trong những cây bút kỳ cựu nhất của nhật báo “Sàigòn Mới” của bà Bút Trà, một tờ báo (thân chính quyền) bán chạy nhất nước cũng không bao giờ in được trên bốn mươi ngàn số (40.000).

Hình 4:  Ls. Trần Văn Tuyên trước văn phòng luật sư của ông tại số 40 đường Gia Long, Sài Gòn.

ls_Tran_v_Tuyen4.png

Không lâu sau đó, ở khắp mọi nơi từ trong công sở đến ngoài quần chúng, từ hang cùng ngõ hẻm, nơi nơi đều bàn tán xôn xao về những bài tham luận chính trị trên tờ Thời Luận của tác giả XYZ và Chính Nghĩa.

Hình 6Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên diện kiến Tổng Thống nước Cộng Hòa Ivory Coast Houphouet Boigny trong chuyến công du tranh thủ ngoại giao với các quốc gia Phi Châu năm 1965. Người ngồi bên phải Phó Thủ Tướng là LS Nguyễn Duy Quang, ngoài cùng bên trái là BS Đặng Văn Sung.

Quá tức tối vì Công An Mật Vụ điều tra mãi không phát hiện được XYZ và Chính Nghĩa, ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã ra mật lệnh cho mật vụ tổ chức một số côn đồ, giả dạng thường dân đến tòa báo Thời Luận, nằm trên đường Gia Long, đối diện với rạp hát Long Phụng, đập phá máy móc, đồ đạc trong tòa soạn và chiếc xe Citroen 15 ngựa của vị chủ nhiệm.

Bác Nghiêm Xuân Thiện bị bắt giữ. Mặc dù bị đánh đập, tra khảo nhiều ngày, bác vẫn tuyệt đối không khai báo XYZ và Chính Nghĩa là ai? Bác bị chính quyền truy tố về tội “Xử dụng báo chí để phỉ báng chính quyền” và bị phạt 10 tháng tù giam. Tuy tuần báo Thời Luận đã bị rút giấy phép và đóng cửa, vị Chủ nhiệm còn đang trong vòng lao lý, nhưng ở ngoài, những bài báo ký tên XYZ và Chính Nghĩa viết về Việt Nam vẫn thỉnh thoảng còn thấy xuất hiện trên tờ Le Monde, le Figaro tại Paris và trên nguyệt san France-Asie của ông René de Berval, văn phòng đặt tại Hồng Kông.

Theo một người bạn của cha tôi, thuộc giới thân cận với văn phòng Cố Vấn Chính Trị, ông Ngô Đình Nhu đã đặt giải thưởng một triệu đồng  (1,000.000 đồng) cho bất cứ ai tố giác bắt được XYZ hoặc Chính Nghĩa!  Một triệu đồng vào năm 1958 không phải là một số tiền nhỏ!

Kể từ năm 1958 trở đi, chính quyền gia tăng bắt bớ bất cứ ai phê bình đụng chạm đến chính phủ. Nhà chúng tôi bị ném lựu đạn, cửa kính trong nhà vỡ tung tóe.  Rất may mắn hôm đó anh em chúng tôi vừa đi học về, chưa kịp thay quần áo xuống vườn sân cỏ chơi như thường lệ nên không bị tổn thương. Cha tôi bị mật vụ bắt rồi thả ít nhất cũng bốn hoặc năm lần, cũng chỉ để tra hỏi về những hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng hoặc tìm hiểu xem XYZ và Chính Nghĩa là ai?

Vụ đảo chánh thất bại ngày 11-11-1960 của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi đã tạo ra lý do để chính phủ NgôĐình Diệm ra lệnh bắt giữ hầu hết những chính khách tiếng tăm trong nước, trong đó có 18 nhân vật trí thức thuộc nhóm Tự Do Tiến Bộ, còn được gọi là nhóm Caravelle (3). Ngày 13 tháng 11 năm 1960, hai ngày sau vụ đảo chánh thất bại, nhân viên mật vụ đến bắt cha chúng tôi tại nhà, số 198 đường Hồng Thập Tự (4).

Ngày 7 tháng 7 năm 1963, gia đình chúng tôi nhận được tin Bác Nguyễn Tường Tam tức Nhất Linh đã qua đời vì ông quyên sinh bằng rượu pha độc dược để phản đối chính phủ. Theo lệnh của nhà cầm quyền, gia đình phải chôn Bác gấp tại nghĩa trang chùa Giác Minh ở  Gò Vấp, không cho đợi người con cả của Bác là anh Nguyễn Tường Việt ở Pháp về dự lễ tang. Cũng trong tháng 7 năm đó, bốn tháng trước khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, qua áp lực mạnh mẽ của quốc tế, cha tôi và một số nhân sĩ trong nhóm Caravelle bị đưa ra tòa án quân sự xét xử, rồi được trả tự do sau 3 năm bị mật vụ giam giữ.

Tháng 11 năm 1963, sau khi TT Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chính những người đến bắt và thẩm cung cha tôi trước đây đã đến tận nhà xin gặp ông để tạ lỗi và xin ông bỏ qua những việc làm trước đây của họ. Tôi nhớ mãi giọng ôn tồn của cha tôi với những nhân viên mật vụ này:

Các chú chỉ là những người thừa hành, tôi chẳng oán giận gì các chú đâu… “Quan nhất thời, Dân vạn đại”. Chính quyền nào, dù có độc tài cách mấy, trước sau rồi cũng phải ra đi thôi. Riêng nhân dân lúc nào cũng vẫn còn tồn tại.”

Tôi nhớ đại ý Cha tôi còn khuyên họ:

“…Các chú nên tránh việc lạm dụng chức quyền của mình để áp bức dân lành, đừng tra tấn, đánh đập những người tù nhân chính trị, nhất là những người quốc gia chân chính. Họ là những người có lý tưởng, dám hy sinh cả thân xác, máu xương họ để đấu tranh cho quyền lợi của đồng bào, trong đó có cả quyền lợi của chính các chú và gia đình các chú…Thôi quên chuyện cũ đi! Bây giờ các chú cứ yên tâm trở về nhiệm sở làm việc. Tôi nghĩ chẳng ai trong chúng tôi oán trách và trả thù các chú đâu. Nếu các chú và gia đình có gặp việc gì phiền toái, cứ mạnh dạn đến báo cho tôi biết, tôi sẵn sàng can thiệp và giúp đỡ các chú bất cứ lúc nào…”

Sự việc liên quan đến nhân vật bí mật “XYZ và Chính Nghĩa” xẩy ra thấm thoát đã trên nửa thế kỷ qua. Để những bí mật lịch sử được tôn trọng và làm sáng tỏ, tránh bị chôn vùi cùng năm tháng. Để sử sách sau này có đủ những tài liệu chính xác của từng sự việc cụ thể, gắn bó đến đích thực con người cụ thể trong từng giai đoạn lịch sử, tránh cho các sử gia, các nhà học giả, cho thế hệ mai hậu bị dẫn dắt lạc hướng trong các cuộc nghiên cứu;  nhân sắp đến ngày giỗ năm thứ 39 của cố LS Trần Văn Tuyên (26/10/1976-26/10/2015), và cũng “để trả lại sự thật về cho lịch sử”, ngày hôm nay, được sự đồng ý của Hội Đồng Trần Tộc, chúng tôi xin mạn phép được công khai xác nhận:

ls_Tran_v_Tuyen5.png

 

“XYZ hay Chính Nghĩa, nhân vật “với hành tung và ngòi bút bí mật” mà ông Ngô Đình Nhu đã từng treo giải thưởng một triệu đồng cho ai tố giác để chính phủ và nhân viên an ninh truy lùng bắt được, đồng thời cũng là tác giả những bài tham luận chính trị (5) được đăng độc quyền trên tuần báo Thời Luận của ông Nghiêm Xuân Thiện vào những năm 1956-1958, thật sự chỉ là một người duy nhất… Và người đó chính là thân phụ của chúng tôi:

 Hình 5:  Cố LS Trần Văn Tuyên, Sinh ngày 1/9/1913 tại tỉnh Tuyên Quang, Bắc phần.

 

 

– Nguyên Phó Thủ Tướng Việt Nam Công Hòa,

– Nguyên Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn Sàigòn,

– Nguyên Chủ Tịch VNQDĐ Xứ Đảng Bộ Miền Nam,

Bi Cộng Sản Việt Nam ám hại, mất ngày 26/10/1976 trong trại lao tù Hà Tây của CS, tỉnh Hà Sơn Bình, BắcViệt.

Luật Sư Trần Văn Tuyên đã lựa chọn trước con đường của ông, quyết định ở lại Việt Nam để được chia xẻ những nỗi khổ đau, mất mát cùng đồng bào Miền Nam ruột thịt, cùng bằng hữu và các đồng Chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông. Mặc dù theo lời yêu cầu của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, qua công điện của Bộ Ngoại Giao Mỹ, với chính đích thân Đại Sứ Graham Martin gọi điện thoại vào ngày 20 tháng 4, rồi tới Phó Đại Sứ Wolfgang J. Lehman thúc hối vào ngày 23 tháng 4; và cuối cùng gần tới những  giờ phút hấp hối của Miền Nam Tự Do vào trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975, lại một lần nữa, Tham Vụ  Shepard Lowman (6) gọi điện thoại cho gia đình chúng tôi cho biết mặc dù đã quá trễ, Shep vẫn sẵn sàng bằng mọi giá, sắp xếp để LS Trần Văn Tuyên cùng gia đình rời Việt Nam nhưng ông vẫn một mực nhất quyết từ chối. Sau khi đã cảm ơn các viên chức cao cấp Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ờ Việt Nam, ông đã nói : “…Tôi không có lý do để chạy theo những người gọi là đồng minh, nhưng lại nhẫn tâm phản bội, đâm sau lưng dân tộc và quân dân Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi…Sau này lịch sử sẽ phê phán Hoa kỳ và những chính trị gia vô lương tâm tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.”

Vào tháng 4 năm 1975, khi chị tôi ở Hoa Kỳ điện thoại về nài nỉ ông rời Việt Nam, ông đã nói:

“Mọi người bỏ chạy hết thì còn ai ở lại tranh đấu cho người dân thấp cổ bé miệng? Ba không muốn ra đi để rồi sống ung dung và chết ở ngoại quốc trước sự khinh thường của đồng bào, của đồng chí và đồng minh. Con đừng thuyết phục Ba vô ích. Ba đã có sự lựa chọn và quyết định từ lâu rồi. Sinh ra ở đây thì sống, chết cũng ở đây …”

Ông đã toại nguyện được sống, tranh đấu và chết trên đất nước Việt Nam với câu khẳng khái duy nhất viết trong bản tự kiểm (điểm) trong trại giam cộng sản:

 “Tôi không có tội gì với Tổ Quốc và đồng bào tôi cả. Nếu có tội thì đó chỉ là tội chống chủ nghĩa cộng sản, chống thực dân đế quốc, chống phong kiến và độc tài quân phiệt; đồng thời cũng chống lại mọi hình thức áp bức và bất công xã hội.” (7) 

Trên đây được xem như những lời trăn trối, đồng thời cũng là di sản tinh thần cuối cùng ông để lại cho các con, các cháu và gia đình chúng tôi.  Đúng như lòng mong ước, ông đã được toại nguyện, được chết, thân xác được nằm lại trên quê hương sau đúng 47 năm, từ một thiếu niên 16 tuổi, gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng, được sự dẫn dắt của các đồng chí Việt Quốc tiên phong, dấn thân vào con đường đấu tranh cho Tổ Quốc và đồng bào, với hoài bảo cao đẹp là dành lại Độc Lập cho Dân Tộc, để Dân Quyền được Tự Do, và Dân Sinh được Hạnh Phúc.  Đấy cũng là để thể hiện đúng theo những lời di huấn cuối cùng của Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Thái Học, trăn trối lại cùng các đồng chí trước khi bước ra pháp trường “Vị Quốc Vong Thân” cùng 12 đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông vào lúc 5 giờ 35 phút một buổi sáng mờ sương ngày 17 tháng 6 năm 1930 tại Yên Báy:

“Chúng tôi đi trả nợ nước đây! Các anh em còn sống cứ công nào việc ấy nhé! Cờ Độc Lập phải nhuộm bằng máu! Hoa Tự Do phải tưới bằng máu! Tổ Quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa! Nhiều nữa! Rồi thế nào Cách Mạng cũng sẽ thành công!”

Hôm nay, nhân ngày giỗ lần thứ 39 của cố LS Trần Văn Tuyên, thắp nén hương lòng, tôi viết những giòng này, thay mặt gia tộc, các anh chị em, các con, các cháu, chắt và gia đình chúng tôi để tưởng nhớ đến người cha, người ông thân yêu đã trọn vẹn hy sinh cuộc đời cho đại nghĩa dân tộc. Người, cùng người vợ, người “đồng chí hướng”  tên là Trần Thị Phúc, đồng thời cũng là Mẹ anh chị em chúng tôi đã dậy dỗ và thường xuyên nhắc nhở chúng tôi từ tấm bé, “…Dù bất cứ ở hoàn cảnh nào, phải luôn luôn biết yêu thương Tổ Quốc, biết tôn trọng danh dự, biết chia xẻ với kẻ khó, phải sống liêm khiết, lương thiện và trân quý Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.”

* * * * * * * * * * *

Chú thích:

(1)-  Chú Ba Khánh, quê ở Thốt Nốt, Long Xuyên, là em cụ Trần Văn Ân, Chủ nhiệm báo Đời Mới, Cựu Bộ Trưởng Bộ Thông Tin. Cụ Trần Văn Ân qua đời tại Pháp năm 2002, hưởng thọ 99 tuổi. Chú Ba Khánh được cha mẹ tôi xem như người em trong gia đình. Chú lái xe cho gia đình chúng tôi được trên 22 năm, từ lúc cha tôi làm Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng năm 1951 cho đến khi chú về hưu vào năm 1973.

(2)-  “Thư ngỏ gửi Dân Biểu của tôi“. Ông Lê Xuân Khoa, tác giả quyển “VN 1945-1995”, tại trang 437 đã trích nguyên văn một đoạn trong ”The Two Vietnams” của Bernard Fall cũng ghi “Thư gửi Dân Biểu của tôi” là của ông Nghiêm Xuân Thịện viết.  Như vậy,  cả hai vị này (Bernard Fall và Lê Xuân Khoa) đều vô tình có sự nhầm lẫn.  Khi viết tác phẩm của họ, chính hai tác giả nêu trên cũng chỉ suy đoán, không biết đích xác XYZ là ai?

 Bài này nguyên văn có tựa là “Thư ngỏ gửi ông Nghị của tôi “chứ không phải “Thư gửi Dân Biểu của tôi”.  Tác gỉa là XYZ có ghi rõ trên bài báo.

(3)-  Tại sao lại gọi là “nhóm Caravelle” hay “Bản Tuyên cáo Caravelle”?

Một nhóm gồm 18 trí thức danh tiếng tại Miền Nam , tiêu biểu cho mọi xu hướng chính trị họp nhau lại ký  một Bản Tuyên Cáo yêu cầu TT Ngô Đình Diệm “ khẩn cấp thay đổi chính sách, ban hành các quyền tự do dân chủ để cứu vãn tình thế và đưa đất nước ra khỏi cơn nguy biến.”. Bản Tuyên cáo cũng đề cập đến những vụ khủng bố các đảng phái, trí thức quốc gia, nạn bè phái, tham nhũng, chia rẽ trong hàng ngũ quân đội và công chức. Nhóm Caravelle còn yêu cầu Tổng Thống Diệm mở rộng chính quyền để mọi khuynh hướng chính trị có quyền tham gia vào công việc xây dựng đất nước. Vì lúc bấy giờ, chính quyền tổ chức mạng lưới công an mật vụ rất chặt chẽ, luật lệ lại không cho phép tụ tâp quá 3 người tại nhà riêng nên cha tôi đề nghị các bác mở cuộc họp báo tại khách sạn Caravelle vào ngày 26 tháng 4 năm 1960. Khách sạn Caravelle là nơi đặt văn phòng của hầu hết các hãng thông tấn và là nơi thường trú của các ký giả ngoại quốc tại Miền nam, lại ít có công an mật vụ dòm ngó nên cuộc họp báo đã thành công tốt đẹp.  Để đánh lạc hướng nhân viên công an, mật vụ, một cuộc họp báo dành cho giới truyền thông trong nước cùng lúc cũng được tổ chức tại Chợ Lớn. Chính quyền đã trở tay không kịp. Vì lý do đó nên ông Ngô Đình Nhu lúc bấy giờ , rất tức tối mới mỉa mai gọi là “Nhóm Caravelle” và bản “Tuyên cáo Caravelle”.

 Nhóm Caravelle có tất cả 18 người gồm:

ÔÔ. Ls Lê Ngoc Chấn, Khoa bảng Tam Trường Trần Lê Chất, Bs Phạm Hữu Chương, Bs Trần Văn Đỗ (chú ruột bà Ngô Đình Nhu), Gs Trần Văn Hương, Bs Huỳnh Kim Hữu, Bs Nguyễn Tiến Hỷ, Ls Lê Quang Luật, Ông Trần Văn Lý, Bs Nguyễn Tăng Nguyên, Ông Tạ Chương Phùng, cựu Tỉnh Trưởng, Bs Phan Huy Quát, Ks Phan Khắc Sửu, Ks Lương Trọng Tường, Ls Trần Văn Tuyên, Ks Trần Văn Văn, Bs Nguyễn Lưu Viên , LM Hồ Văn Vui.(8)

 (4)-  Ngày 13 tháng 11 năm 1960, Vào lúc 2 giờ trưa, Đại úy Hồ Quang Vọng dẫn khoảng hơn một chục nhân viên công an đến nhà mời cha tôi đi gặp “ Ông Cố Vấn “ (Ngô Đình Nhu). Đại úy Vọng tỏ ra rất lễ phép và lịch sự. Cha tôi nói “ông cố vấn cần gì phải làm như thế, chỗ quen biết nhau cả. Các chú cứ về thưa lại với ông cố vấn, lúc nào cần cứ nhắc điện thoại gọi tôi để anh em nói chuyện với nhau.” Đại úy Vọng nhấn mạnh “Đây là lệnh ở trên, xin Ls đi cùng với chúng tôi.” Lúc bấy giờ, cha tôi mới yêu cầu ông Vọng về lấy giấy mời chính thức của ông cố vấn.  Ông Vọng vừa nói dứt lời thì một nhân viên công an hùng hổ, vừa rút khẩu súng lục ra chĩa vào ngực cha tôi vừa nói “ Đây là giấy mời ông đi theo chúng tôi .” Cha tôi đã quen với những tình huống như thế này rồi.  Ông tỏ ra rất bình tĩnh, tủm tỉm cười, “Được rồi, nếu ông cố vấn muốn như vậy thì tôi sẽ đi, các chú để tôi lên lầu thay quần áo đã…”

     Trước khi chở cha chúng tôi đi, ông Vọng còn quay lại nói với chị tôi “độ chừng vài tiếng đồng hồ nữa Luật sư sẽ về.” Chị tôi (Đạm-Phương) đi theo cha tôi và toán công an ra đến cửa thấy có 4 xe jeeps và có nhớ bảng số ẩn tế của một trong số bốn xe đó. Nhờ vậy mà sau này gia đình chúng tôi tìm hiểu mới biết là họ từ Tổng Nha Cảnh Sát ở đường Võ Tánh.  Cha tôi bị mật vụ giam giữ và bị nhục hình ròng rã suốt ba năm trời cùng lúc với các Bác Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Văn, Lê Ngoc Chấn, Phan Quang Đán, cả hai bác trai và bác gái Đinh Xuân Quảng…

        Sau này Đại úy Hồ Quang Vọng được thăng cấp Trung tá thường đến thăm cha tôi lúc ông ta giữ chức vụ Quận Trưởng Quận Ba, Sàigòn. Trung Tá Hồ Quang Vọng đã chết tai trại tù Tân Lập/ phân trại K1/Tỉnh Vĩnh Phú /Miền Bắc vào khoảng năm 1979, khi tôi bị đưa từ Yên Bái về giam tại đây.

(5)– Hầu hết những bài báo do cha chúng tôi viết và ký dưới bút hiệu XYZ hoặc Chính Nghĩa đều do chính anh Cả tôi hoặc Chị tôi (Đạm Phương) đánh máy bằng loại máy chữ Olivetti của Ý ở nhà, vì ngoài mẹ chúng tôi ra chỉ có Anh tôi và Chị tôi là người đọc được một cách lưu loát chữ viết rất khó đọc của ông. Đánh máy xong, cha tôi xem và sửa chữa lại lần cuối trước khi ông đưa cho anh Cả chúng tôi là LS Trần Tử Huyền, lúc bấy giờ đang là sinh viên đem trao tận tay bác Nghiêm Xuân Thiện.  Một đôi khi, cha tôi cũng gọi tôi vào phòng làm việc của ông, tự tay ông bỏ mấy phong bì trong cặp sách và căn dặn tôi thật kỹ: “Con chỉ trao những phong bì này tận tay Bác trai hoặc bác gái (Nghiêm Xuân Thiện)”. Khi chú Ba Khánh đón anh em chúng tôi từ trường về, ghé qua Tòa Soạn báo Thời Luận, tôi sách cặp chạy thẳng vào tòa báo, trao tận tay Bác Thiện những phong bì có bài báo đã đánh máy.

(6)Shepard Lowman (1926-2013). Năm 1992 ngay sau khi đặt chân đến định cư tại Tiểu Bang Virginia, Hoa Kỳ, trong một bữa tiệc do chị Hiệp Lowman,  phu nhân của ông tổ chức tại nhà, tôi gặp lại “Shep”.  Ông đã buồn bã nhắc lại với tôi về cuộc điện đàm cuối cùng giữa ông và cố LS Trần Văn Tuyên vào trưa ngày 29/4/1975. “…LS Trần văn Tuyên là một nhà Ái Quốc đáng kính .  Khi tôi cố nài nỉ ông thay đổi quyết định để di tản sang Hoa Kỳ, LS Tuyên đã chua chát nói với tôi, cảm ơn người Mỹ các ông, đến giờ phút này còn nghĩ đến gia đình tôi, nhưng tôi không thể trốn chạy theo những người gọi là đồng minh “lại đâm sau lưng quân đội và dân tộc Việt nam chúng tôi. Đời người chỉ chết có một lần…”(nguyên văn).

(7)–  Sau khi những giòng chữ này lọt ra ra khỏi Việt Nam và xuất hiện trên nhiều báo chí quốc tế, ký giả Theodore Jacqueney đã viết một bài, in trên trang nhất của tờ New York Times ra ngày 18/4/1977, gọi LS Trần Văn Tuyên là “Solzhenitsyn của Quần Đảo Ngục Tù Việt Nam” (Solzhenitsyn of Vietnam’s Gulag Archipelago).

(8) – Trong nhóm “Tự Do Tiến Bộ” tức nhóm Caravelle, các vị dưới đây, sau này đã giữ những chức vụ then chốt trong guồng máy lãnh đạo quốc gia VNCH một thời:

-BS Trần Văn Đỗ, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao (1964-1965)

-GS Trần Văn Hương, Tổng Thống (1975), Phó Tổng Thống, Thủ Tướng

-BS Phan Huy Quát, Thủ Tướng (1964-1965)

-KS Phan Khắc Sửu, Quốc Trưởng (1964-1965)

-LS Trần Văn Tuyên, Phó Thủ Tướng (1964-1965)

-BS Nguyễn Lưu Viên, Phó Thủ Tướng (1965)

-LS Lê Ngọc Chấn, Đại Sứ VNCH tại Anh Quốc

 

_____________________________________________________________________________

Tác gỉa Trần Tử Thanh, cựu sinh viên Luật Khoa Saigòn, cựu Đại úy QLVNCH, là thứ nam của cố Ls. Trần Văn
Tuyên (Thủ lãnh Luật Sư Đoàn Sài Gòn cuối cùng). Sau 1975 bị CS bắt cầm tù tại miền bắc vì“Tội danh Sĩ Quan Chế Độ cũ” (1975-1983), Tran_tu_Thanh2bị Tòa Án Nhân Dân Thành Hồ kết tội “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân và Tuyên truyền chống chế độ XHCN”, tù lần hai (1984-1990), với bản án tước đoạt quyền công dân, kèm thêm 5 năm quản thúc tại gia từ 1990-1995. Được chính phủ Thụy Điển và chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Pháp và Tran_tu_Thanh1một số Thượng nghị sĩ, dân biểu Quốc Hội HK can thiệp sang định cư   tại HKnăm 1992. Được Amnesty International, Human Rights Watch/Asia
phong tặng danh hiệu “Tù Nhân Vì Lương Tâm” (Prisoner of Conscience). Chủ tịch, sáng lập viên “Ủy Ban Nhân Quyền Helsinki-Việt Nam (1995). Hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương Các Cơ Sở VNQDĐ tại Hải Ngoại.

 

-Cựu Chuyên Viên Sở Xã Hội (Social Worker, 1992-2001) và Chuyên Viên Sở An Sinh Xã Hội (Social Security Administration, (2001-2013), đã nghỉ hưu.             

Tác giả được mời thuyết trình tại Quốc Hội Hoa Kỳ về vấn đề “Vi Phạm Nhân Quyền tại nước CHXHCN Việt Nam”.        

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh