Thủ tướng Đức nói về tranh chấp biển Đông: «…Tôi ngạc nhiên là tại sao các tòa án quốc tế lại không được coi là một giải pháp»
Posted by Luu HoanPho, Oct 29, 2015, Comments Off
Reuters.– Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay 29/10/2015 bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng sau việc Hoa Kỳ cho chiến hạm đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp tại Biển Đông. Bà Merkel đề nghị Bắc Kinh nên nhờ các tòa án quốc tế giúp giải quyết tranh chấp.
Nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc hai ngày, bà Angela Merkel tuyên bố điều quan trọng là các tuyến đường hàng hải thương mại cần tiếp tục rộng mở, dù có những tranh cãi – đã nổi lên sau khi chiến hạm Mỹ thách thức thái độ quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông vào đầu tuần.
Trong bài phát biểu tại Bắc Kinh, Thủ tướng Đức nhấn mạnh: « Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là một cuộc xung đột nghiêm trọng. Tôi luôn có chút ngạc nhiên là tại sao trong trường hợp này, các tòa án quốc tế lại không được coi là một giải pháp ».
Bà Merkel nói thêm : « Tuy vậy, chúng tôi hy vọng tuyến đường thương mại hàng hải này tiếp tục được tự do và an toàn, vì điều này quan trọng cho tất cả mọi người ».
Trước đó bà Angela Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói về tình hình Syria, đồng ý rằng cần phải có giải pháp chính trị cho cuộc chiến này. Tháng trước Nga bắt đầu không kích các mục tiêu ở Syria, và bị phương Tây chỉ trích là nhằm hỗ trợ cho chế độ Assad thay vì tấn công vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Trọng tâm lớn trong chuyến công du của Thủ tướng Đức là thương mại. Bà Merkel muốn xúc tiến các lợi ích kinh tế của Đức, sau vụ xì-căng-đan Volkswagen và loạt hợp đồng được ông Tập Cận Bình ký kết trong chuyến thăm Anh tuần trước.
Thủ tướng Đức cũng cho biết sẵn sàng ký kết thỏa thuận về việc hai bên không sử dụng tình báo công nghiệp, lưu ý rằng Hoa Kỳ và Anh quốc đã ký thỏa ước tương tự với Trung Quốc.
Ông Lý Khắc Cường bày tỏ mong muốn học hỏi từ ngành kỹ nghệ Đức, cho biết « chính quyền Trung Quốc tiếp tục giữ lời hứa bảo vệ sở hữu trí tuệ, kiên quyết phản đối việc trộm cắp bí mật thương mại ». Bên cạnh đó ông còn hy vọng « khởi đầu càng sớm càng tốt một nghiên cứu khả thi về thương lượng khu vực tự do mậu dịch giữa Trung Quốc với Liên hiệp Châu Âu ».