Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, November 4, 2024

Nguyễn Thái Học (1902- 1930): Đời học sinh


Nhượng Tống là bút danh của Hoàng Phạm Trân (1904-1949), ông là nhà văn, nhà báo nhưng được biết đến nhiều hơn với vai trò một trong những yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng thời kỳ đầu. Nhượng Tống trước nhất là bạn đồng chí, sau là người đã chứng kiến cuộc đời tráng liệt của Nguyễn Thái Học vị anh hùng hiếm có đã vượt trên được những tranh cãi ý thức hệ. Cuốn sách Nguyễn Thái Học (1902-1930) được viết dưới dạng tiểu sử, bao gồm 43 Chương, xuất bản năm 1945 tại Hà Nội và trước 1975 có ba lần tái bản tại Sài Gòn. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách hiện nay được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Pháp (Bibliothèque nationale de France). Thông qua nội dung cuốn sách, độc giả hẳn sẽ thấy một Nguyễn Thái Học thực gần gũi với mình, ông không phải thiên thần và cũng không giống như thần trụ trời có thể dời núi ngăn sông chớp nhoáng, một thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn và cũng đắm say trong mối tình thơ như bao học trò khác, nhưng cũng qua cuốn sách, chúng ta có thể tìm ra lời đáp cho một câu hỏi: Vì đâu mà Nguyễn Thái Học dám từ bỏ lối sống vô lo thường nhật để dấn thân vào cuộc đời sóng gió ?

nguyenthaihoc_sach

Trang bìa ấn bản đầu tiên, in năm 1945 tại Hà Nội. Thời điểm này, cao trào cách mạng đang dậy sóng khắp nước sau sự kiện Hoàng Đế Bảo Đại đọc tuyên bố Việt Nam Độc Lập (11 tháng 3 năm 1945), gương liệt sĩ thuở trước trở thành niềm khích lệ to lớn đối với mọi tầng lớp xã hội. Hai tổ chức chính trị lớn khi đó là Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) và Việt Quốc (Mặt Trận Quốc Dân Việt Nam) liên tục tổ chức những sinh hoạt hoặc ra văn hóa phẩm khơi dậy nhiệt huyết ái quốc. Cuốn sách Nguyễn Thái Học (1902- 1930) ở trong số đó.

o O o

MỤC LỤC
ĐỀ TỰA
Chương I: ĐỜI HỌC SINH
Chương II: TƯ TƯỞNG CÁCH MẠNG
Chương III: 1926
Chương IV: NAM ĐỒNG THƯ XÃ
Chương V: HÒA BÌNH CÁCH MỆNH
Chương VI: PHẢI SẮT VÀ PHẢI MÁU
Chương VII: VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG
Chương VIII: NGUYỄN QUỐC TÚY
Chương IX: VIỆC HẢI PHÒNG
Chương X: VIỆC BẮC NINH
Chương XI: TỔNG BỘ ĐẦU TIÊN
Chương XII: VIỆC LIÊN LẠC NHÀ BINH VÀ CÁC NƠI TRONG NƯỚC
Chương XIII: VIỆC ĐI XIÊM
Chương XIV: HỒN CÁCH MỆNH VÀ VIỆT NAM KHÁCH SẠN
Chương XV: NHỮNG VIỆC TỐNG TIỀN
Chương XVI: CỤ PHAN BỘI CHÂU
Chương XVII: VIỆC BA-GIANH
Chương XVIII: SAU NGÀY BẠI LỘ
Chương XIX: DÂN KHÍ NĂM 1929
Chương XX: MỘT BỨC THƯ
Chương XXI: THỊ NHU, THỊ UYỂN
Chương XXII: NHỮNG KẺ KHỐN NẠN
Chương XXIII: VIỆC XỬ TỬ THỪA MAI
Chương XXIV: CƠ QUAN THANH GIÁM
Chương XXV: VIỆC GIẾT KINH
Chương XXVI: MỸ ĐIỀN…
Chương XXVII: PHƯƠNG LƯỢC
Chương XXVIII: PHAO TÂN VÀ NỘI VIÊN
Chương XXIX: ĐỘI DƯƠNG PHẢN ĐẢNG
Chương XXX: NGÃ ĐƯỜNG QUYẾT LIỆT
Chương XXXI: VIỆC YÊN BÁY
Chương XXXII: VIỆC HƯNG HÓA VÀ LÂM THAO
Chương XXXIII: VIỆC ĐÁNH MIỀN XUÔI
Chương XXXIV: VIỆC NÉM BOM Ở HÀ NỘI
Chương XXXV: ANH CHÁNH TÔN
Chương XXXVI: PHÓ ĐỨC CHÍNH BỊ BẮT
Chương XXXVII: TẤM LÒNG TRÁCH NHIỆM
Chương XXXVIII: ANH NGÔ HẢI HOÀNG
Chương XXXIX: ẤP CỔ VỊT
Chương XXXX: CƠ QUAN HÀNG BỘT
Chương XXXXI: BẢNG DANH DỰ
Chương XXXXII: CON SỐ 13
Chương XXXXIII: CHỊ GIANG

o O O

ĐỀ TỰA

Các Bạn,

Dù sao thì ba chữ Nguyễn Thái Học tới nay cũng đã là một cái tên trên lịch sử.

Không phải trên lịch sử của dân tộc Việt Nam bị xiềng xích ! Mà là trên lịch sử của cả nhân loại, hiện nay còn quằn quại đau thương ! Đó không phải là ý riêng tôi, một bạn cùng thề với Anh.

Nhưng là ý chung hết thảy những kẻ hữu tâm ở thế gian này, chẳng hạn như những nhà văn Nhật Bản, khi họ viết cuốn ‘’An Nam lê minh ký’’ hay ‘’Nam phương dân tộc vận động sử’’. Trong các cuốn sách ấy, người ta đã vì công lý, vì nhân đạo mà nói nhiều về Nguyễn Thái Học.

Vậy mà Quốc Dân ta, các đồng bào Anh, đối với thân thế Anh, nhiều người mong được biết qua loa mà không thể được !

– Bao nhiêu là đợi trông !

– Bao nhiêu là tủi nhục !

Cho nên trong lúc này, là lúc có thể được, tôi cần phải viết ngay cho Anh một cuốn tiểu sử. Tôi tự nhận đó là một nghĩa vụ.

Nghĩa vụ đối với Quốc Gia, vì thân thế Anh chính là tấm gương phấn đấu, hy sinh, cần phải được nêu ra để khích lệ tất cả mọi người trong nước. Nghĩa vụ đối với văn hóa, vì thân thế Anh chính là một kết tinh phẩm của hai giáo lý Phật và Khổng, nó đã cho phương Đông ta nảy ra một ánh sáng riêng.

Sau hết, nghĩa vụ đối với khoa lịch sử học, vì tôi với Anh chẳng những là người đồng thời, còn là bạn đồng chí. Có lẽ trong các cây bút ở đây khó có ai hiểu biết về Anh hơn tôi nữa. Bởi vậy, tôi đã cố lục lọi sách, báo, cùng trí nhớ, để viết nên cuốn sách nhỏ này.

Tôi rất mừng rỡ đã cho xuất bản kịp trước ngày 17 tháng 6.

Ngày mà Tỉnh Đảng Bộ Yên Báy đã xây xong mộ Anh và lập cho Anh cùng các đồng chí hy sinh vì Đảng một đài kỷ niệm. Ngày mà các đồng bào đã công khai làm lễ truy điệu Anh ở khắp mọi nơi.

Anh Học !

Hãy đem tinh thần bất tử mà lãnh đạo cho Quốc Dân trên con đường tranh đấu lấy một địa vị ở dưới ánh sáng mặt trời !

Các anh em !

Hãy giúp thêm tôi về tài liệu để những lần xuất bản sau, cuốn tiểu sử này có thể thêm đầy đủ.

Ngày 28 tháng 5 năm đầu Độc Lập.

Nhượng Tống

nguyenthaihoc_image002

nguyenthaihoc_image003

Ấn bản năm 1973 tại Sài Gòn. Lần tái bản thứ ba của cuốn sách.

o O O

Chương I: ĐỜI HỌC SINH

Dưới chế độ thực dân, người Pháp chẳng bao giờ muốn mở mang việc học ở xứ này. Họ tìm hết cách giam hãm dân ta trong vòng ngu tối. Trong các cách ấy thì có một cách tàn tệ nhất là hạn tuổi học. Quá hạn ấy thì không được vào các trường công nữa! Muốn trốn thoát cái lưới đê tiện ấy, các người làm cha, mẹ thường rút tuổi con trong giấy chứng nhận ngày sinh.

Cũng vì lẽ đó mà theo giấy tờ của nhà trường thì anh Nguyễn Thái Học sinh ngày mồng 1 tháng 12 năm 1904. Kỳ thực thì anh tuổi Quý Mão (1902). Ngày sinh tháng đẻ hiện còn chưa hỏi được rõ.

Quê anh là làng Thổ Tang, Tổng Lương Điền, Phủ Vĩng Tường, Tỉnh Vĩnh Yên. Ông thân sinh là Nguyễn Văn Hách, một nhà tiểu nông. Bà là Nguyễn Thị Quỳnh, thường làm nghề buôn vải. Tư cơ ông, bà có mấy nếp nhà tranh và ngót ba mẫu ruộng. Hiện nay ông đã mất, nhưng bà còn mạnh. Hôm mới đây, chúng tôi lên thăm thì bà còn đi chợ bán vải chưa về. Nói tóm lại, thì đó là một nhà thanh bần, lúc nào cũng sống trong sự siêng năng và kiệm phát.

Ông, bà sinh hạ được nhiều con. Trong số đó thì có bốn trai và anh Học là trưởng. Trong bốn trai ấy thì Quốc Dân Đảng và Tổ Quốc rẽ mất một nữa, anh Nho, em Anh cũng là một liệt sĩ thực hành sự hy sinh bằng tính mệnh! Hai em nữa là Lâm và Nỷ, hiện nay làm ruộng ở quê nhà.

Anh người tầm thước, cao độ một công xích sáu mươi phân. Trán hói, tóc thưa, đôi mắt thông minh, một nhìn đủ khiến ta đem lòng tin mến. Da ngăm đen, thuộc dòng huyết tính. Môi dày, hàm răng vồ, miệng lúc nào cũng tươi. Cằm nở, tỏ ra người quả quyết thực hành. Đặt lưng nằm là ngủ được ngay, đủ rõ trong tâm lúc nào cũng bình tĩnh. Ngủ bao giờ cũng nằm sấp, và hai bàn chân quặp lai trên mông. Cách ăn vận không hề chú ý đến bao giờ. Một áo ngoài, một đôi giầy, hỏng mới thay bộ khác. Có tiền, chúng bạn tiêu không tiếc. Hết tiền, xin các người thân với vẻ mặt rất tự nhiên. Ăn trầu, hút thuốc lào, nhưng không nghiện món nào cả. Nói thường ngọng vần L. Cái lá, cây lim, không bao giờ nói đúng. Tư đức tốt, học hành chăm chỉ, nhưng ở nhà trường chỉ là một học sinh hạng trung bình.

Ban đầu anh học chữ Hán. Sau ra học chữ Pháp ở Trường Tỉnh Vĩnh Yên. Tốt nghiệp rồi, ra học Trường Sư Phạm ở Hà Thành. Sau lại học Trường Cao Đẳng Thương Mại. Trong đời học sinh, người bạn thân nhất của anh là đồng chí Hồ Văn Mịch. (Anh này cũng là một trong những người sáng lập ra Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1929, bị bắt và bị đày, mất ở Côn Lôn. Ở đấy, anh em có dựng trên mộ một cái bia bằng xi măng, khắc mấy chữ ‘’Hồ Văn Mịch, 1930’’ để làm kỷ niệm).

Cứ lời anh Mịch nói với tôi thì anh Học là người ngoài tuy nóng nảy nhưng trong lòng thường điềm tĩnh, đãi người rất chân thành nhưng liệu việc rất nhiều trí mưu.

nguyenthaihoc_image004

Theo cuốn Việt Nam Quốc dân Đảng trong lịch sử cách mạng Việt Nam (tác giả Nguyễn Văn Khánh. Nhà xuất bản Thế Giới, 2005), Chánh Mật Thám Louis Marty từng nhận xét: ‘’Nguyễn Thái Học là một học sinh bướng bỉnh, hay cãi lại thầy giáo’’.

oOo

More Stories From Lịch Sử VNQDĐ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh