Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, November 4, 2024

Nguyễn Thái Học (1902- 1930): Tư Tưởng Cách Mạng


Tác giả Nhượng Tống.-

Chương II: TƯ TƯỞNG CÁCH MẠNG

Có lần tôi hỏi anh Học:

– Tư tưởng cách mệnh của mày nẩy ra từ hồi nào ?

Anh đáp:

– Từ năm tao lên mười tuổi ! Hồi ấy tao còn học chữ Nho ở nhà quê. Xong buổi học lại đi chăn trâu, và nhiều hôm chăn sang đến đồng làng bên cạnh. Làng ấy (?) là quê ông Đội Cấn. Ông Cấn chết đi, còn để lại mẹ già. Bà cụ thương con quá, hóa như kẻ dở người. Hễ gặp chúng tao là bà cụ lại ôm choàng lấy, vứa khóc vừa nói: ‘’Các cậu ! Các cậu ! Làm thế nào báo được thù cho con tôi !’’. Tao còn bé, mỗi khi gặp bà cụ là lòng lại bồi hồi! Rồi nghĩ, chỉ có đạp đổ chế độ thực dân mới trả hộ được thù cho con bà cụ! Ấy, tư tưởng cách mạng nẩy ra trong óc tao từ đấy!

Thì ra một bà cụ dở người mà đã đúc được hai đứa con anh hùng sắt máu! Một đứa con ruột thịt là nhà chỉ huy việc đánh Thái Nguyên! Một đứa con tinh thần là người tạo nhân cuộc khởi nghĩa Yên Báy. Trước sau hơn mười năm, hai đứa con bà đã làm vẻ vang cho cả một dân tộc! Nghĩ đến bà, lòng ta cảm khái bao nhiêu ?

Tuy vậy, năm mười tuổi, anh mới được bà gieo vào óc cái hạt giống tự do đó mà thôi. Hạt giống ấy, còn phải vun tưới ròng rã trên mười năm nữa, bằng những máu nóng, lệ nóng của đồng bào, bằng những gió dập, mưa dồn chung quanh Tổ Quốc, nó mới đến lúc khai hoa kết quả.

Ấy là năm 1926…

nguyenthaihoc_image005
Ông Đội Cấn (1881-1918) và cuộc binh biến Thái Nguyên.

o O O

Chương  III: 1926

Trong hồi Âu chiến trước, nhà cầm quyền Pháp dụng tâm ru ngủ tinh thần dân tộc của ta bằng câu chuyện ‘’Pháp Việt đề huề!’’. Nhưng…như một câu nói chua của tôi hồi bấy giờ, ‘’tay phải giơ ra nói đề huề, để tay trái luồn xuống lần lưng móc túi’’.

Ở Bắc Việt, họ mở ra báo Nam Phong, lại lập ra Hội Khai Trí Tiến Đức, để làm hai cơ quan cho chính sách ngu dân ấy!

Dân ta trúng kế! Hơn mười năm, bọn thực dân được cao gối ngủ yên trên xương máu của đồng bào ta!

Giấc ngủ ấy, ngon lành mãi đến năm 1925, chúng mới giật mình!…Giật mình vì tiếng của liệt sĩ Phạm Hồng Thái ném bom Toàn Quyền Merlin khi qua Sa Điện.

Các bạn thứ cho tôi, ở đây không phải chỗ kể đầu đuôi câu chuyện ấy. Chỉ biết rằng, vì việc đó mà chúng phải cố lùng bắt cho được nhà chí sĩ Phan Bội Châu ở ngoại quốc về. Rồi chúng phái Toàn Quyền Varenne sang. Varenne là một lãnh tụ của Đảng xã hội đệ nhị quốc tế nước Pháp. Ông tự xưng là tín đồ trung thành của Các-mác với Đô-rét! Rồi cái bài kèn đề huề đã hồ tịt lít kia lại được bọn chiếm nước và bản nước phùng mang thổi lên cực kỳ náo nhiệt!

Tin vào chủ nghĩa xã hội, tin vào các đảng quốc tế, nhà lãnh tụ còn trẻ người non dạ của chúng ta mắc lõm! Năm 1926, anh Học khi ấy còn học Trường Cao Đẳng, xin vào yết kiến và đưa một chương trình yêu cầu cải cách lên Varenne. Khi vào tiếp kiến, Quan Toàn Quyền sồm râu làm ra trò niềm nở ân cần! Nhưng khi ra, Anh được tụi mật thám xúm lại khám mình và dọa nạt! Anh chưa thất vọng, còn gửi cho Varenne một bức thư điều trần nữa! Lần này thì bức thư không được trả lời. Và sau một hồi vơ vét cho nặng túi, sau khi ký thêm cho dân Bảo Hộ mấy đạo nghị định thắt cổ, nào là cấm bán những vị cần dùng cho thuốc Bắc, nào là rút cho thêm hẹp quyền ngôn luận, ông Varenne liền cuốn gói về Tây.

Varenne cút! Pasquier sang! Anh còn chưa nản chí hoàn toàn! Hồi tháng 6 năm sau (1927), Anh còn xin phép Thống Sứ ra một tập tạp chí nửa tháng, lấy tên là Nam Thanh. Mục đích tạp chí là nâng cao trình độ trí, đức, thể dục cho nhân dân, khuyến khích họ bỏ lối thích danh hão, thích làm quan, mà chú trọng về nông, công, thương nghiệp.

Một cơ quan dạy khôn nhau như thế, lại chủ trương do một tay có chí khí, có nhiệt tâm, đời nào họ cho phép!

Thích làm quan, thích ông nọ, bà kia, chính là cái dây xích, dây thừng, để chúng xỏ vào mũi, khoác vào cổ những dân trí thức xứ này, đặng sai họ làm ngựa, làm trâu, nếu không phải làm trành, làm chó! Còn, nếu đồng bào ta lại biết hiệp lực nhau mà mở mang thực nghiệp, thì tụi tư bản Pháp còn hòng gì chiếm lĩnh được kinh tế, lũng đoạn được lợi quyền ? Tuy nhiên, cái thâm ý ấy khi nào chúng chịu nói ra! Chúng không cho Anh mở báo, lấy cớ rằng Anh đã gian trá trong sự để chỗ ở. Trong giấy, Anh đề là 56 Phố Hàng Quạt. Nhưng thực thì anh ở chung với nhóm Nam Đồng Thư Xã, một nhóm có tư tưởng bài xích chế độ thực dân.

Nhưng đâu có phải thế! Hồi ấy Anh ở Hàng Quạt thật! Chẳng qua Anh hay đi lại với tụi tôi, thế thôi!

nguyenthaihoc_image006

Toàn Quyền Alexandre Varenne (đội mũ) được biết đến là một chính khách cấp tiến. Trong thời gian cầm quyền tại Đông Dương, ông đã khởi xướng nhiều chính sách an sinh hướng đến đối tượng nông dân (chiếm 95% xã hội đương thời) và ân xá cho nhiều tù nhân chính trị trong đó có Phan Bội Châu. Vì những chính sách rộng rãi này, Alexandre Varenne bị chính phủ Pháp cách chức và triệu hồi.

o O O

More Stories From Lịch Sử VNQDĐ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh