Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) – Tại Hoa Kỳ, để được nhập tịch, một trong những tiêu chí là mọi tác nhân, đối tượng đều phải có kiến thức nhất định về “lịch sử Hiệp Chủng Quốc”. Nhân loại chẳng có ai là vô tổ quốc, không phải ngẫu nhiên mà bảng thành tích Olympic thể thao thế giới thường nêu bậc tên quốc gia nhiều hơn là tên cá nhân. Tự hào và vinh danh cho Lịch Sử quốc gia dân tộc mình là nghĩa vụ trách nhiệm của mọi công dân. Vậy thì tại sao không ít học sinh, sinh viên tuổi trẻ Việt Nam hiện nay tránh né không muốn học nhiều về môn Lịch Sử nước nhà?
Kỳ thi “hai trong một” (tốt nghiệp THPT và xét tuyển luôn vào đại học, cao đẳng) 2015 vừa qua, thêm một lần nữa công luận xã hội Việt Nam phải đặt nhiều dấu chấm hỏi với bài thi Lịch sử có tới 1.163 thí sinh bị điểm “liệt” (1điểm). Trong đó, 442 thí sinh bị điểm 0!
Cũng có nghĩa những “sĩ tử” này trong tri thức gần như mơ hồ hay không hề có khái niệm về lịch sử dân tộc mình. Điều quan trọng là hiện tượng đó không chỉ diễn ra ở kỳ thi này mà nối dài hơn một thập niên qua, kỳ thi THPT (trước cửa Đại Học) năm nào cũng tương tự như vậy.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số các môn thi, thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch Sử thấp nhất, trong tổng số gần 1 triệu “sĩ tử” chỉ có 153.000 thí sinh đăng ký môn thi này, nhưng kết quả đa phần đều đạt điểm cực thấp, dù môn tự chọn, vậy còn hơn 800.000 thí sinh từ chối không chọn thi môn này thì kiến thức về Lịch Sử ra sao? Quả là một hiện tượng bi đát!
Ngày 30/3/2013, học sinh khối lớp 12 xé đề cương môn học lịch sử
ném trắng sân trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Sài Gòn.
Nhìn hình ảnh giấy trắng sân trường ấy, người ta cũng tự hỏi thêm: Sao các em không lặng lẽ bỏ vào sọt rác trong lớp, mà lại ném ra sân trường vốn dĩ không được xả rác bừa bãi?
Thay cho câu trả lời những cánh giấy tung bay tựa confetti vui mừng ấy như để báo cho xã hội (nhà nước đảng CSVN) các em đã chán ngấy lắm rồi món ăn Lịch Sử nêm nếm hương vị “CS – XHCN”.
Cũng vì thế mọi người và truyền thông báo chí không còn ngạc nhiên khi cả nước trong kỳ thi “THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng” vừa rồi có nhiều phòng thi môn Lịch Sử chỉ trơ trọi duy nhất 1 thí sinh và 2 giám thị coi thi.
Rất buồn cười, có lẽ duy nhất ở Việt Nam, tại thủ đô Hà Nội,
nhiều phòng thi đại học chỉ có 1 thí sinh thi môn lịch sử VN.
Trước bối cảnh bi quan, nhân dân đàm tiếu, “nhà nước đảng ta” bế tắc không có giải pháp nào khã dĩ “kích cầu” cho môn học lịch sử hấp dẫn tuổi trẻ nhiều hơn, mà “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Mới đây Bộ Giáo Dục – Đào Tạo sau khi “nghiên kíu” sáng tạo bèn đưa ra một bản Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” công bố ngày 5/11, đề cập môn học mới là “Công dân với Tổ quốc”, trong đó gộp, ghép môn Lịch Sử vào một mớ tạp pí lù 3 phân môn: Đạo đức – Công dân, Lịch sử – Quốc phòng – An ninh.
Vấn đề này ngay lập tức gây ra sự tranh luận, phản ứng nhiều chiều từ các nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như nhiều nhà giáo với lo ngại môn học Lịch Sử vốn là môn học chính khoa quan trọng trong hệ thống Giáo Dục Quốc Gia có thể bị “xé nát” gán ghép vụn vặt chìm lỉm vào một mớ hỗn độn.
Giáo sư Phan Huy Lê (chuyên gia hàng đầu về Lịch Sử Việt Nam)
được website VTC dẫn lời cho rằng việc tích hợp gán ghép như trong
Dự Thảo của Bộ Giáo dục sẽ “khai tử” môn học lịch sử trên thực tế. (BBC)
Buộc lòng Bộ GD&ĐT phải mở cuộc hội thảo diễn ra ngày 15/11 để “cải chính cải tà” (2). Tuy nhiên, nếu theo dõi khắp trang mạng của “nhà nước đảng ta” về vấn đề này trong mấy ngày gần đây người đọc cũng ngán ngẩm với tranh cãi, tranh luận như mổ bò đầy mâu thuẫn, lòng vòng như con chuột quanh quẩn chạy trong lồng không thể thoát ra, dù cánh cửa ở trước mắt, như lời ông thứ trưởng Bộ Giáo Dục – Đào Tạo biện minh:
“Nếu tích hợp, điều chỉnh lại hệ thống các môn học (tất nhiên việc này đòi hỏi năng lực của người viết chương trình và viết SGK phải được đổi mới, nâng cao) thì hiệu quả giáo dục của mỗi môn học và của cả hệ thống sẽ tăng lên, đáp ứng yêu cầu chuyển trọng tâm dạy học từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, mà đích cuối cùng ta muốn hướng tới là nhân cách công dân Việt Nam thời kỳ Công Nghiệp Hóa , Hiện Đại Hóa và hội nhập quốc tế”. (Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển)
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Nghe qua thì “thơm” phức, nhưng không biết khi nói như thế ông thứ trưởng này có biết muốn đi đến đích cuối cùng để được là công dân Việt Nam thời kỳ Công Nghiệp Hóa, Hiện Đại Hóa (Tư Bản chủ nghĩa) như ông đề cập, thì vô hình trung XHCN Việt Nam tự đào thải và chẳng lẽ đảng CSVN phủi bỏ núi xương, sông máu dân tộc và nhất là tư tưởng “Bác Hồ” mà “đảng ta” đang ra sức học tập:
“Để cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới, tôi sẵn sàng mua chiến thắng đó dẫu phải đốt sạch cả dãy Trường Sơn hay phải đánh Mỹ đến người VN cuối cùng” (Hồ Chí Minh) (!?)
Và lại càng vô lý, khi làm thế nào lấy kiên định độc tài CS – XHCN để hòa trộn với thế giới đa nguyên dân chủ mà ông này nói hướng tới “hội nhập quốc tế” (!?)
Nói tuổi trẻ VN không yêu lịch sử là không đúng, vị thứ trưởng Giáo Dục này dẫn chứng cho lòng yêu nước yêu lịch sử của tuổi trẻ VN rằng:
“Trong khi đó trên thực tế nhiều bạn trẻ yêu lịch sử và khi chủ quyền lãnh thổ “có vấn đề” thì tuổi trẻ VN đã đồng lòng biểu thị ý chí, trách nhiệm công dân với Tổ quốc”. (Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển)
Nhưng ông thứ trưởng này quên béng đi rằng khi tuổi trẻ biểu thị “ý chí, trách nhiệm công dân với Tổ quốc” ấy thì đã bị một cái “bánh xe lịch sử” mang sắc màu vong bản cản đường một cách trơ tráo thô bạo mà trong và ngoài nước đều nhìn thấy, ngạc nhiên :
Anh là CA, trả lời đi: Tại sao chúng tôi không được quyền yêu nước?
Cái cách nói mông lung, thậm thò thậm thụt của ông thứ trưởng y hệt như phần đông tư duy của các quan chức lãnh đạo có thẩm quyền trong Bộ GD-ĐT, như con bệnh nặng nhìn thấy thuốc chữa nhưng không ai dám uống. Thiếu sĩ khí, vô trách nhiệm không dám nhìn thẳng vào bản chất vấn đề của giáo khoa Lịch sử mà ngay cả tuổi thơ cắp sách đến trường vẫn còn nhìn thấy và bức xúc rất rõ như em học sinh này:
Đinh Tuấn Huy, học sinh 12 chuyên “sử” trường THPT Amsterdam – Hà Nội.
Chúng ta nghe tâm sự của một em học sinh (Đinh Tuấn Huy) thuộc một trường chuyên tại Hà Nội: “Lịch sử sẽ không khô khan nếu thầy cô có phương pháp truyền đạt hiện đại, học sinh THPT mong sách giáo khoa đổi mới theo hướng cung cấp kiến thức “đa chiều” thay vì lúc nào cũng hân hoan với chiến thắng. Chúng em không muốn lúc nào cũng hân hoan với chiến thắng”.
“Nếu được góp ý, em mong SGK bớt đi những số liệu không cần thiết, phản ánh sự kiện lịch sử một cách chính xác, nhiều chiều khác nhau, chiến thắng cho bên này ý kiến thế nào cho cả bên thắng và bên thua…” (3)
Rõ ràng “cái sổ hưu” và “ghế ngồi thứ trưởng” nó đã đè nhân cách ông thứ trưởng này thấp xuống rất nhiều so với một em đáng là con cháu khi ông không dám nói thật lòng trung thực khách quan như em học sinh này.
Một vị giáo sư bạc trắng mái đầu khác, không muốn nêu tên, cho rằng: Sách giáo khoa môn lịch sử hiện nay có nhiều “vấn đề” cần thay đổi, cập nhật, sửa chữa nhưng không ai muốn, hay có can đảm đề nghị hoặc kiến nghị và chắc chắn cũng không ai nhận có trách nhiệm về vấn đề này mà sẽ vẫn đổ thừa cho “khách quan”, giáo viên và học sinh.
“Lịch sử là quá khứ, luôn tồn tại vĩnh cửu một cách khách quan, cứ diễn tả trung thực như vốn dĩ nó đã có thì dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuyết phục tạo ra niềm đam mê nghiên cứu, học tập. Còn cố tình làm cho nó khác đi theo chủ ý nào đó thì dẫn đến sự hồ nghi, mất niềm tin,rẻ rúng chán chường là đương nhiên”, vị giáo sư này khẳng định.
Cùng thời điểm, nhà báo Mạnh Kim (Hà Nội) cho biết: Lấy vài chục năm (cách mạng) đại diện cho dòng sử dân tộc là điều dị hợm và nếu sự lố bịch này còn tiếp tục thì việc bỏ sử hay sáp nhập môn sử cũng chẳng cần đặt ra vì “Bản thân lịch sử chưa bao giờ được tôn trọng, dù người ta nhiều lần đánh đồng chuyện học lịch sử là yêu nước”, dù người ta có sáp nhập sử vào môn gì hay không thì chỗ đứng lịch sử và môn lịch sử vốn đã bị làm mờ một cách có chủ ý từ lâu rồi. Vấn đề là dạy sử trung thực như thế nào chứ không phải học như thế nào. Nên hiểu rằng, dạy gì và nhìn sử bằng nhãn quan sự kiện lịch sử gì thì nó cũng nằm gọn trong cái khung “lịch sử cách mạng” vốn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong chiều dài lịch sử dân tộc hàng ngàn năm”. (BBC -18/11/2015) .
Còn hơn thế, khi mà công khai đục bỏ được bia công trạng của một vị Hoàng đế Quang Trung lừng lẫy trong lịch sử dân tộc người ta còn thản nhiên lạnh lùng làm được cho vui lòng ngoại bang thì việc bóp méo hay cắt khúc Lịch Sử để bảo đảm cho sự sống còn của một thế lực, đâu còn là việc khó vì vậy cháu con không tha thiết với lịch sử là lẽ tất nhiên.
Một quan điểm khiêm tốn khác: Kiến thức liên quan kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp, Sách Giáo Khoa chỉ dạy nhiều về thiệt hại của địch. Những sai lầm gây mất mát, hy sinh, bị bỏ qua. Lịch sử không chỉ có một chiều – PGS Nguyễn Quốc Hùng, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội nói.
Bên cạnh những tiếng nói thẳng mực tàu thì vẫn còn đó những tiếng rên rỉ cong quẹo, thô thiển ngộ nhận hay cố ý ngộ nhận rất thảm hại dù mang hàm là nhà mô phạm “phó GS” nhưng tưởng chừng như họ không biết “sử” hay không dám xác định giá trị đích thật của “lịch sử” là như thế nào. Như ông PGS Vũ Quang Hiển sau đây:
PGS Vũ Quang Hiển, khoa Lịch sử,
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: HT
PGS – Vũ Quang Hiển, nhấn mạnh trong phát biểu: “Cắt ghép và xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại. Ngày càng có nhiều công bố trên phương tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách lắp ghép và xuyên tạc lịch sử theo một logic chủ quan đã định trước, nhưng lại núp bóng “cách nhìn mới” về lịch sử. Vì vậy, việc giáo dục lịch sử thiếu tính hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước hiểm họa thấy rõ”.
“Nguy cơ lịch sử bị xuyên tạc và lợi dụng là không thể xem thường. Đây là bài toán mà Đảng, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam đều phải quan tâm”, PGS Hiển nói và băn khoăn, liệu thế hệ trẻ Việt Nam mai sau có biết và tin rằng “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng ?”, có còn phân biệt được đúng – sai, chính nghĩa – gian tà, xâm lược và chống xâm lược? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào thái độ ứng xử của ngành giáo dục với môn Lịch sử” .
Rất lạ lùng, người ta phải giật mình với lối nói “ngậm máu phun người” xem trời bằng vung của vị PGS này, tại thời điểm hiện nay: “Cắt ghép và xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại”!
Đài tưởng niệm nạn nhân CS- Victims of Communism Memorial
Hình như vị PSG này mắt mũi lèm nhèm không còn nhìn thấy (dù qua hình ảnh, tư liệu google) Đài Tưởng niệm quốc tế (Victims of Communism Memorial) với hàng trăm triệu nạn nhân (vượt xa nạn nhân thế chiến 2) của Chủ nghĩa Cộng sản tại Washington DC mà thủ phạm được xác định là: Stalin, Lenin, Mao, Polpot và Hồ Chí Minh.
Bôi nhọ lịch sử ư ? Dưới đây là thủ bút Hồ Chí Minh gửi Stalin để báo cáo về ‘Cải cách Ruộng đất’:
Bản dịch nguyên văn:
Thưa đồng chí Stalin kính mến,
Tôi xin gửi tới đồng chí bản dự thảo Cương lĩnh Cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam. Bản dự thảo Cương lĩnh này do tôi soạn với sự giúp đỡ của các đồng chí Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường. Xin đồng chí xem xét và cho chỉ thị về vấn đề này.
Gửi đồng chí lời chào cộng sản.
Ngày 31 tháng 10 năm 1952
Hồ Chí Minh
Ghi chú chữ nhỏ bên dưới:
Bản sao đã gửi tới các đ/c Malenkốp, Môlôtốp, Grêgôrian.
– Bôi nhọ lịch sử ư ? :- Thống kê chính thức của nhà nước Cộng sản Việt Nam được đăng trong cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000 tập 2, do Viện Kinh Tế Việt Nam xuất bản cho biết là đã có 172.008 người dân bị đấu tố giết chết trong CCRĐ .
– Bôi nhọ lịch sử ư ? : Chữ ký và con dấu CP/VNDCCH
Công Hàm công nhận Biển Đảo VN là chủ quyền Trung Quốc
Cắt ghép và xuyên tạc ư? Hội nghị Thành Đô 1990: Đảng CSVN hãy trình ra trước quốc dân đồng bào, văn bản gốc đã ký với đảng CSTQ? (để chống lại xuyên tạc!)
“Liệu thế hệ trẻ Việt Nam mai sau có biết và tin rằng: Kẻ thù buộc ta ôm cây súng?” (PGS Vũ Quang Hiển) Kẻ thù nào? Ai buộc người CS ôm súng khi CS Bắc Việt trong 2 lần ký HĐ Gever 1954 và HĐ Paris 1973 sau đó cả 2 lần tiến hành cầm súng vào Nam gây chiến mà miền Nam tại những thời điểm ấy không có hay không còn bóng quân lính nước ngoài nào? Kẻ thù nào buộc CS Bắc Việt cầm súng, ngoài HCM và quốc tế CS Nga – Tàu?
Geneve 1954 và Paris 1973 – 2 lần CSVN ký HĐ hòa bình –
cả 2 lần đều tiến hành gây chiến với đồng bào trong nước
Cụ thể hơn – PGS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội) nếu không tham gia biên soạn đề thi Đại Học 2015 thì ít nhất ông này cũng phải biết có một câu hỏi trong đề thi “lịch sử” cho các thí sinh kỳ thi vừa rồi (Trích):
Câu 1 (3,0 điểm): Tóm tắt sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ 1952 đến 1973 và nêu nguyên nhân của sự phát triển đó?
Có học và có thế giới quan thì ai cũng biết (1952 -1973) đây chính là quãng thời gian cao trào “bùng nổ” của nền kinh tế Nhật Bản sau thế chiến, từ trong điêu tàn đổ nát, thân phận là quốc gia “tù binh” của Mỹ (bị chiếm đóng 1945 -1952) Nhật Bản đã vươn lên là quốc gia thịnh vượng hàng đầu Á Châu và thế giới, vì vậy PGS Vũ Quang Hiển hãy thử thay mặt thí sinh giải đáp nguyên nhân nào và vì sao? : Nhật Bản đầu hàng, nhưng Mỹ chiếm đóng vỏn vẹn 7 năm là trả lại Độc Lập cho Nhật, và dù vẫn bị Mỹ ràng buộc giám sát chặt chẻ bởi văn kiện đầu hàng ký năm 1945 nhưng Nhật Bản vẫn phát triển kinh tế rực rỡ trong gọng kềm kiềm kẹp của “Đế quốc xâm lược Mỹ” thực dân kiểu mới (Theo cách gọi của “đảng ta”) đến nổi ngày nay dân tộc Nhật Bản tôn vinh Tướng Douglas McArthur (tư lệnh quân Mỹ chiếm đóng) là 1 trong 12 vị anh hùng có công làm nên Nhật Bản hùng mạnh ngày nay (4)
Và có điều gì mâu thuẩn không? Khi “đế quốc xâm lược Mỹ” từ bỏ mảnh đất Nhật Bản đang “màu mỡ” gấp ngàn lần Việt Nam để “mù lòa” hy sinh tiền của máu xương xâm lược Việt Nam (theo tư duy “đảng ta”)?
Kháng chiến chống Mỹ cho… TQ xâm lược biển đảo là “cứu nước”!?
Trong khi người Mỹ đến miền Nam Việt Nam với tinh thần chí nguyện chung tay góp sức ngăn chặn CNXH/CS miền Bắc để xây dựng miền Nam thịnh vượng giống theo nền kinh tế chủ nghĩa “Tư Bản” khỏe mạnh của nước Nhật thì CSVN hùng hổ phá hoại xâm chiếm xóa bỏ để cuối cùng là ngày hôm nay đảng CSVN hồ hởi đổi mới lấy lại đúng cái chủ nghĩa “Tư Bản” của miền Nam trước kia để xây dựng XHCN/CS ngày nay mà ai củng nhìn thấy thì nên gọi ai là: Cắt ghép và xuyên tạc lịch sử, là những người muốn bôi nhọ lịch sử (theo PGS Vũ Quang Hiển)!? .
Để trả lời cho cái tư duy: Ngày càng có nhiều công bố trên phương tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách lắp ghép và xuyên tạc lịch sử theo một logic chủ quan đã định trước” (PGS Vũ Quang Hiển) – một chút thời sự còn nóng hổi gửi đến cho ngài PGS này. Tại cảng Manila chiều ngày 17.11.2015 TT/ Obama đã đến thăm một tàu khu trục lớn của hải quân Philippines. Tại đây TT/Obama đứng giữa 2 hàng quân Mỹ và Philppines trịnh trọng tuyên bố trước toàn dân Philippines và báo chí thế giới: “Nước Mỹ có nghĩa vụ giữ vững cam kết bảo vệ đồng minh Philippines của chúng ta” .
Còn trước đó tại Việt Nam Tập Cận Bình đồng minh “cật ruột’ với đảng CSVN cũng đến Quốc Hội VN phát biểu “ru ngủ” rồi sang Singapore trịnh trọng tuyên bố: “Hoàng Sa – Trường Sa và biển Đông thuộc Trung Quốc từ thời cổ đại”? Không “lắp ghép và xuyên tạc lịch sử” tí nào, ngài PGS Vũ Quang Hiển thấy và nghe rõ chưa ?
Trích: “…những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại”. (lời PGS Vũ Quang Hiển) chắc chắn tư cách những người này là không thể :
Từ trái qua: Russia President Vladimir Putin,
Russia President Boris Yeltsin, Soviet Secretary General Mikhail Gorbachev
Tổng thống Nga Putin nói: “Kẻ nào tin những gì CS nói là không có cái đầu.Kẻ nào làm theo lời của CS, là không có trái tim”. Tổng thống Nga Boris Yeltsin nói: “CS không thể nào sửa chửa, mà cần phải đào thải nó”. Tổng Bí Thư đảng CS/Liên xô Mikhail Gorbachev: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng Sản,ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.
“Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá, không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải nó”… Quả thật, đúng là như vậy, bởi Lịch sử Việt Nam không phải là quá trình cổ vũ cả dân tộc lao vào đánh nhau như quân thù để phục vụ chủ nghĩa CS ngoại lai – Lịch sử lại càng không phải là công cụ dối trá để có được nhiều người ủng hộ chế độ độc tài.
Tóm lại: “Thay đổi vị trí không làm nên Lịch Sử” việc tích hợp gán gép hay riêng tư độc lập của môn học Lịch Sử như trong Dự Thảo của Bộ Giáo Dục là không quan trọng mà quan trọng chính là đổi mới bản chất nội dung của giáo khoa lịch sử cho đầy, đủ và đúng với những gì nó đã thực sự diễn ra (really happening) mà suy cho cùng cặn thì chỉ khi nào chế độ chủ nghĩa độc tài CS biến mất trên quê hương xứ sở Rồng Tiên Âu Lạc này thì mới có thể loại bỏ sự áp đặt dối trá vô hình hay hữu hình…
Mà khách quan trên đường tàu lịch sử, song hành hai đường ray “Dối trá và Trung thực” không bao giờ có điểm gặp nhau, đoàn tàu lạc hậu Cộng Sản-Việt Nam đang lết đến sân ga cuối cùng trước tấm bảng: Ga Cộng Sản-XHCN-“Stop” .