Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, November 4, 2024

Tòa quốc tế: Manila phản bác quy chế đảo của nhiều thực thể địa lý, Anh muốn làm quan sát viên


Reuters.- Trong ngày điều trần thứ hai hôm qua, 25/11/2015, trước Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye, đại diện Philippines đã lần lượt bác bỏ quy chế hải đảo mà Trung Quốc áp dụng cho các thực thể địa lý mà họ chiếm đóng và bồi đắp tại Biển Đông.

Trả lời đài truyền hình Mỹ CNN, phó phát ngôn của Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte cho biết là phái đoàn Philippines đã tập trung phản bác các lập luận Trung Quốc dùng để biện minh cho yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông.

Giáo sư luật quốc tế Philippe Sands thuộc trường đại học University College London xác định rằng các thực thể như Vành Khăn (Mischief Reef), Xu Bi (Subi Reef), Ken Nan (Mckennan Reef), Ga Ven (Gaven Reef), và cả Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), hiện do Philippines kiểm soát, đều là bãi cạn lúc chìm lúc nổi (low-tide elevation), căn cứ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Do vậy, các thực thể này không được hưởng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Luật gia quốc tế Lawrence Martin cũng lập luận rằng trong bản tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh của UNCLOS, điều 121 nói rõ là các thực thể thuộc diện đá không thể được hưởng các quyền về lãnh hải, cho dù Trung Quốc đã xây dựng công trình trên các thực thể đó.

Luật gia Martin cũng nhấn mạnh rằng để được công nhận là đảo, một thực thể địa lý phải có khả năng tự thân duy trì đời sống của con người trên đó.

Các hành động cản trở sinh hoạt bình thường của ngư dân trên biển trong khu vực tranh chấp và hủy hoại môi trường tự nhiên do Trung Quốc tiến hành cũng bị phái đoàn Philippines đả kích.

Theo lời bà Valte, Giáo sư Sands đã nêu bật các hành vi can thiệp của Trung Quốc, ngăn không cho Philippines thực hiện các quyền chủ quyền của mình đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông và được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho phép.

Giáo sư Sands dẫn ra ví dụ về các vụ công ty tư nhân bị Trung Quốc ngăn cản không cho thăm dò dầu khí, cũng như các vụ ngư dân Philippines ở vùng bãi cạn Scarborough bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc sách nhiễu.

Phía Philippines cũng cho rằng các hoạt động nạo vét của Trung Quốc tại Biển Đông đang gây tổn hại cho môi trường. Một đoạn video minh họa đã được trình chiếu trước tòa, cho thấy rõ là đáy biển bị hủy hoại ra sao khi bị một tàu cuốc nạo vét để hút cát chuyển đến một nơi khác. Đây là loại công cụ được Trung Quốc sử dụng trong hoạt động xây dựng gần đây tại Trường Sa.

Bên cạnh các yếu tố nêu trên, phái đoàn Philippines vẫn tập trung vạch trần tính chất vô căn cứ của các yêu sách chủ quyền « lịch sử » mà Trung Quốc viện ra. Một bản đồ từ năm 1784 đã được trình bày để chứng minh rằng bãi cạn Scarborough đang bị Trung Quốc chiếm đóng luôn luôn thuộc chủ quyền Philippines.

Theo báo The Guardian, số ra ngày hôm qua, 25/11/2015, Bộ Ngoại giao Anh Quốc, vào ngày 23/11 đã chính thức đề nghị được tham gia vụ Philipines kiện các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, với tư cách « quan sát biên trung lập ».Đề nghị này làm cho Philippines lo ngại và gây nghi ngờ là Luân Đôn chịu sức ép của Bắc Kinh.

Theo giải thích của Luân Đôn, mặc dù Anh không có lợi ích lãnh thổ gì ở vùng biển này, nhưng việc đề nghị được tham gia phiên tòa là một hành động thông thường trong các vụ kiện tụng liên quan đến hàng hải quốc tế.

Thế nhưng, thời điểm mà Anh Quốc đưa ra đề nghị này ngay lập tức đã làm dấy lên những nghi ngờ là có thể Bắc Kinh đã kêu gọi Luân Đôn tham gia nhiều hơn vào hồ sơ tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông giữa Bắc Kinh và một số nước Đông Nam Á.

Trong hồ sơ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đầu năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện vì cho rằng Tòa không có thẩm quyền xét xử. Trong thời gian qua, Tòa đã nhiều lần tổ chức các cuộc điều trần để Manila trình bầy quan điểm và lập luận của mình.

Vào lúc Anh chính thức xin quy chế « quan sát viên trung lập », thì Hoa Kỳ lại từ chối quy chế này vì không có dính líu đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Không rõ là Bộ Ngoại giao Anh có tham dự, theo dõi toàn bộ quá trình xét xử hay không. Cho đến nay, Luân Đôn không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở Biển Đông khu vực này.

Theo bình luận của báo The Guardian, động thái của Bộ Ngoại giao Anh Quốc làm cho Philipines ngạc nhiên và làm xuất hiện giả thuyết là Luân Đôn phối hợp hành động với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông, sau chuyến thăm Anh Quốc vào tháng trước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Việc Anh Quốc nồng nhiệt và trọng thị đón tiếp nguyên thủ Trung Quốc đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ ngoại giao và thắt chặt quan hệ kinh tế song phương.

Trọng Nghĩa, Đức Tâm @ RFI, Reuters

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh