Phóng sự: Bay vào vùng đảo nhân tạo ở Trường Sa
Posted by Luu HoanPho, Dec 16, 2015, Comments Off
Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes tường thuật.- (Hình trên: phóng viên Rupert đang chuẩn bị bay cạnh chiếc cessna) Năm ngoái, phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes đi qua Biển Đông trên một chiếc thuyền đánh cá và trở thành nhà báo đầu tiên quan sát cận cảnh Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm và rạn san hô ở Trường Sa của Việt Nam như thế nào. Vài ngày trước, ông đi trên một máy bay nhỏ quay trở lại khu vực này, nơi Bắc Kinh ngang nhiên tiến hành bồi đắp và xây dựng phi pháp.
Trước chuyến đi của Wingfield-Hayes, biên tập viên từ London gọi điện cho ông, thông báo đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã biết về kế hoạch và và răn đe về chuyến đi. Nhưng cuối cùng, Wingfield-Hayes vẫn thực hiện chuyến đi và kể lại hành trình của mình.
Khởi đầu trắc trở
Lúc 5h30, 5 người chúng tôi tập hợp trên đường băng tại Puerto Princesa, đảo Palawan của Philippines. Đoàn đi gồm hai phi công, một kỹ sư, Jiro – người quay phim của tôi và tôi. Chúng tôi di chuyển bằng máy bay một động cơ Cessna 206 rất nhỏ, chở đầy thiết bị camera và nhiên liệu. Vài phút sau, chúng tôi đi qua ngọn núi Palawan, và trước mặt chúng tôi là Biển Đông.
Vị trí các đá máy bay của phóng viên BBC bay qua. Đồ họa:BBC
Kế hoạch của chúng tôi khá đơn giản. Từ Palawan chúng tôi sẽ bay trực tiếp đến đảo Thị Tứ, hạ cánh và nạp nhiên liệu. Sau đó, chúng tôi sẽ bay về phía tây nam và bay vòng qua đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc dường như đang xây dựng một căn cứ hải quân và không quân lớn. Chúng tôi trở lại đảo Thị Tứ và tiếp liệu một lần nữa. Cuối cùng, chúng tôi dự kiến bay trở lại Palawan đi qua đá Vành Khăn. Đây cũng là nơi Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo.
Đảo Thị Tứ, đá Chữ Thập và đá Vành Khăn đều thuộc quần đảo Trường Sa và thuộc chủ quyền Việt Nam. Đảo Thị Tứ bị Philippines kiểm soát từ những năm 1970.Kế hoạch của chúng tôi khá đơn giản. Từ Palawan chúng tôi sẽ bay trực tiếp đến đảo Thị Tứ, hạ cánh và nạp nhiên liệu. Sau đó, chúng tôi sẽ bay về phía tây nam và bay vòng qua đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc dường như đang xây dựng một căn cứ hải quân và không quân lớn. Chúng tôi trở lại đảo Thị Tứ và tiếp liệu một lần nữa. Cuối cùng, chúng tôi dự kiến bay trở lại Palawan đi qua đá Vành Khăn. Đây cũng là nơi Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo.
Chúng tôi có hai mục tiêu, một là đến càng gần càng tốt đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng để ghi hình những công trình xây dựng đang diễn ra. Và quan trọng hơn, xem Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), chỉ có các đảo tự nhiên có hoạt động của con người và hoạt động kinh tế mới được hưởng vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, nơi nước có chủ quyền có thể kiểm soát việc sử dụng và sử dụng mọi tài nguyên. Việc mở rộng bồi đắp bất cứ thực thể nào như đá ngầm, rạn san hô, như Trung Quốc đang làm, không mang lại quy chế lãnh hải cho chúng theo luật quốc tế.
Khi chiếc máy bay nhỏ của chúng tôi đáp xuống đường băng đảo Thị Tứ, tim tôi đập nhanh vì vui mừng và hồi hộp. Sau khi bay tiếp nửa giờ về phía nam của đảo này, tôi nhìn thấy một mảnh đất màu vàng, bên trên là một lô cốt lớn màu trắng. Tôi lập tức nhận ra nó.
“Đó là đá Gaven”, tôi hét lên với người quay phim Jiro. “Anh có nhớ năm ngoái chúng ta đã đi thuyền qua nó không. Hồi đó, họ chỉ mới bắt đầu xây dựng”.
Đá Gaven, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: BBC
“Máy bay quân sự không xác định ở phía tây đá Nanxun (cách Trung Quốc gọi đá Gaven), đây là hải quân Trung Quốc. Các anh đang đe dọa sự an toàn trạm của chúng tôi! Để tránh xảy ra tính toán sai lầm, hãy rời khỏi khu vực này ngay lập tức!”, một giọng thông báo từ hải quân Trung Quốc vang lên qua radio của máy bay.
Thực tế thì chiếc máy bay Cessna 206 mà chúng tôi ngồi chả thể được gọi là máy bay quân sự. Máy bay chúng tôi liệng về phía tây, nhưng lời cảnh báo vẫn tiếp tục, lặp đi lặp lại, bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, mỗi lúc một to hơn và gay gắt hơn.
Chúng tôi bay về phía tây nam, hướng tới đá Chữ Thập. Sau một giờ bay, chúng tôi có thể nhìn thấy nó từ xa, một dải đất rộng lớn màu vàng trên bề mặt đại dương.
Khi chúng tôi tới gần phạm ví 20 hải lý quanh đá này, lại có một thông báo phát ra. “Máy bay quân sự nước ngoài tại phía tây bắc của đảo Yongshu (cách Trung Quốc gọi đá Chữ Thập), đây là hải quân Trung Quốc, các anh đang đe dọa sự an toàn trạm của chúng tôi!”
Lần này phi công ngay lập tức phản ứng, liệng nhanh về phía bắc, đi xa ra khỏi bãi đá.
“Chúng ta cần đến gần hơn!”, tôi cầu xin cơ trưởng. “Chúng ta cần phải quay trở lại, chúng tôi không thể quay bất cứ thứ gì từ khoảng cách xa như thế này!”.
Nhưng lời khẩn cầu của tôi không có tác dụng. “Tôi xin lỗi”, ông nói. “Chúng tôi có luật riêng của mình”.
Những cảnh báo của Trung Quốc đã làm các phi công quá lo lắng. “Chúng ta sẽ chẳng thu được gì”, tôi nghĩ.
Tiếp cận
Khi trở lại đảo Thị Tứ, máy bay được tiếp liệu một lần nữa, tôi nói rõ với phi công. “Nghe này, chúng ta không vi phạm bất kỳ luật nào, Trung Quốc sẽ không bắn chúng ta. Anh phải giữ đúng đường đi đã đặt ra, anh phải nói với họ rằng chúng ta là máy bay dân sự bay trong không phận quốc tế”.
“Anh phải hiểu rằng, chúng tôi là phi công dân sự, không phải không quân”, họ trả lời. “Chúng tôi không biết họ có thể làm gì, nên chúng tôi phải đặt an toàn lên đầu tiên”.
Cuối cùng, sau nhiều giờ thuyết phục, họ đã đồng ý làm như chúng tôi yêu cầu.
Chúng tôi cất cánh lần thứ ba, theo hướng quay trở lại Philippines. Tôi vô cùng căng thẳng. Liệu các phi công có làm đúng như thỏa thuận không?
Chúng tôi nhanh chóng nhìn thấy đá Vành Khăn. Phi công hạ độ cao xuống còn khoảng hơn 1.500 m. Khi chúng tôi bắt đầu bay vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, cảnh báo lại vang lên.
“Máy bay quân sự nước ngoài tại phía tây bắc đá Meiji (cách Trung Quốc gọi đá Vành Khăn), đây là hải quân Trung Quốc, các anh đang đe dọa sự an toàn trạm của chúng tôi!”
Cơ trưởng của chúng tôi trả lời: “Hải quân Trung Quốc, đây là máy bay dân sự Philippines trên đường đến Palawan, chở hành khách dân sự. Chúng tôi không phải là máy bay quân sự, chúng tôi là máy bay dân sự một động cơ”.
Nhưng lời giải thích chẳng thay đổi được gì.
“Máy bay quân sự nước ngoài tại phía bắc đá Meiji, đây là hải quân Trung Quốc!”
Và lời cảnh báo vấn tiếp tục.
Nhưng lần này phi công của chúng tôi bạo gan hơn. Khi tiến vào phạm vi 12 hải lý, chúng tôi đi men theo phía bắc của đảo nhân tạo. Bên dưới, chúng tôi có thể thấy các đầm phá đầy ắp tàu, lớn và nhỏ. Trên phần đất mới được bồi đắp là các xưởng xi măng và nền móng của các tòa nhà mới.
Sau đó, chúng tôi nhìn thấy đường băng Trung Quốc đang xây dựng ở đây, chỉ cách bờ biển Philippines 140 hải lý. Theo tôi tính toán, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc cất cánh từ đây có thể đến bờ biển Philippines trong ít nhất 8 hoặc 9 phút.
Khi bay trở về phía Philippines, tất cả chúng tôi đều cảm thấy rất phấn khởi. Chúng tôi đã làm được! Tôi nói đùa với cơ trưởng rằng chúng tôi nên quay lại và bay qua ở khoảng cách thật thấp.
Sau đó, trên radio phát ra một giọng nói rất khác.
“Hải quân Trung Quốc, hải quân Trung Quốc”, giọng nói vang lên. “Chúng tôi là máy bay Australia thực hiện quyền tự do đi lại, bay trong không phận quốc tế, theo công ước hàng không dân dụng quốc tế, và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Hết.”
Mỹ đã thực hiện một số hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông trong vài tháng gần đây, trong đó có một lần bằng máy bay ném bom B-52. Nhưng Australia chưa bao giờ công khai họ đang thực hiện hoạt động giống như vậy.
Chúng tôi nghe thấy thông điệp của Australia được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng không nhận được bất kỳ phản ứng nào từ phía Trung Quốc.
Mục đích của những chuyến bay như vậy là để chứng minh với Trung Quốc rằng các nước như Australia và Mỹ không công nhận đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngang nhiên cố gắng áp đặt yêu sách vùng cấm 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo. Tại đá Chữ Thập, họ đưa ra lời cảnh báo bắt đầu từ khoảng cách 20 hải lý.
Trung Quốc muốn tạo ra “sự đã rồi”. Họ xây dựng đường băng mới, trạm radar công suất lớn và các thiết bị cảng nước sâu. Tại Manila tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Trung Quốc phải “dừng việc xây dựng ” và “không chuyển sang quân sự hóa” những tiền đồn mới này.
“Nhưng với những gì tôi đã thấy và đã nghe, mọi việc gần như chắc chắn đã quá muộn”, Wingfield-Hayes nói.