Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Nhật phát triển một hòn đảo để kiểm soát tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc


Tin RFI.– Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, Làm thế nào để duy trì một hòn đảo chiến lược có nguy cơ bị nhấn chìm do nước biển dâng ? RFI xin giới thiệu bài viết sau đây của Robin Hardin, trên báo Financial Times, ngày 26/12/2015, nói về phương pháp độc đáo của Nhật Bản.

Các đảo nhân tạo của Trung Quốc đang thúc đẩy một cuộc đấu tranh mới để kiểm soát các vùng biển ở Châu Á. Thế nhưng, vào lúc siêu cường khu vực (Trung Quốc) nạo vét bồi đảo để xây dựng căn cứ quân sự ở ngoài khơi, thì Nhật Bản đang nghiên cứu, thí nghiệm trong một cái bồn tắm phương pháp phát triển một hòn đảo.

Hòn đảo có tên là Okinotorishima, hay « đảo chim xa xôi », một đảo san hô hẻo lánh bị vùi dập trong bão tố ở biển Philippines, nơi chỉ có hai mỏm đá nhỏ nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều lên. Nhật Bản coi đảo san hô này là điểm cực nam của mình, nhưng Trung Quốc nói rằng đó không phải là đảo, mà đơn thuần là một tảng đá.

Trải qua hàng nghìn năm, nền đất bên dưới bị lún chìm, các lớp san hô mọc trùm lên phía trên và nhờ vậy, giữ cho phần trên cùng của đảo san hô trồi lên mặt nước. Nhưng giờ đây, đảo Okinotorishima đang chết dần mòn. Biến đổi khí hậu làm tăng mực nước biển và giết chết rạn san hô. Bão táp tàn phá nốt những gì còn lại ở đó.

Do vậy, Nhật Bản đang gắng sức tái tạo các rạn san hô. Kết quả công việc này sẽ quyết định số phận của một tiền đồn nhỏ chiến lược, với những hệ lụy pháp lý tại Biển Đông, và có thể tạo hy vọng cứu các đảo san hô khác bị biến đổi khí hậu đe doạ.

Cái bồn tắm chứa đầy san hô bé nhỏ nẩy nở phát triển trên những tấm sắt, nằm trong một nhà kính thực nghiệm ở Viện Nghiên cứu Nước biển sâu, trên đảo Kumejima. Các công nhân giải thích làm thế nào họ đã mang san hô từ Okinotorishima về và thu gom trứng san hô. Họ sẽ nuôi các san hô nhỏ bé trong phòng thí nghiệm trong một năm, rồi sau đó cấy chúng trở lại trên đảo san hô.

Đối với các nhà khoa học làm việc trong dự án, thì đây là một cuộc chiến đấu với đại dương. Họ đã trồng thành công san hô từ các rạn san hô và cấy chúng trở lại hòn đảo này, nhưng không đủ. « Công nghệ tiếp theo. . . là duy trì được tăng trưởng san hô, tích lũy sỏi và cát san hô, đối phó được với việc nước biển dâng cao », Hajime Kayanne, một giáo sư tại Đại học Tokyo cho biết.

« Các thí nghiệm trồng san hô trên đảo Okinotorishima của chúng tôi đang được tiến hanh », Makoto Omori, giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo Khoa học và Công nghệ biển nói. « Chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong việc mở rộng diện tích trồng san hô, nhưng tỷ lệ san hô cấy bị chết rất cao, vì vậy chúng tôi không thể nào nói số lượng san hô trên đảo ngày càng tăng ».

Không một lượng cấy ghép nào có thể làm sống lại một rạn san hô bởi chính nó, nói ông Omori. Do vậy, mục tiêu của việc cấy trồng là phát triển san hô ra toàn hòn đảo. Làm việc ở một nơi xa xôi như vậy là một thử thách bởi vì rất khó để theo dõi san hô.

Đối với các nhà khoa học, cứu đảo Okinotorishima có nghĩa là tiết kiệm san hô trên thế giới, và nhiều hòn đảo tồn tại là nhờ vào san hô. Trong bốn thập niên qua, 40% các rạn san hô trên thế giới đã chết.

« Công nghệ môi sinh thực hiện trên đảo Okinotorishima có thể áp dụng cho tất cả các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương », ông Kayanne nói. « Chúng ta có gần 500 đảo san hô trên thế giới, và một số quốc đảo như Marshalls, Tuvalu, Kiribati và Maldives hoàn toàn được hình thành với các đảo san hô ».

Tuy nhiên, sự tài trợ hào phóng của Nhật Bản xuất phát từ những động cơ không có gì là cao sang cả – rạn san hô nhỏ có một vị trí quan trọng trong suy tính các nhà hoạch định chính sách quân sự. Các chiến lược gia nói đến hai chuỗi đảo ngăn cách Trung Quốc với Thái Bình Dương: chuỗi đầu tiên chạy qua các hòn đảo chính của Nhật Bản, tới Okinawa và Đài Loan; chuỗi thứ hai chạy qua quần đảo Ogasawara của Nhật Bản tới Marianas và căn cứ tàu ngầm của Mỹ tại Guam.

Trong giả thuyết có một cuộc xung đột trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc, hải quân của hai nước sẽ đụng độ với nhau trên biển trong khu vực giữa hai chuỗi đảo – và đảo Okinotorishima là mỏm đất duy nhất ở những vùng biển này.

Ông Hideaki Kaneda, Phó Đô đốc đã nghỉ hưu, hiện làm việc tại Viện Okazaki, nhấn mạnh đến ba cách thức trong đó, vấn đề vị trí có vai trò quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản. Ông nói, trước tiên, nơi đây có thể là chiến trường quan trọng « đối với quân đội Trung Quốc trong chiến lược ngăn chặn tiếp cận của quân tiếp viện đến từ phía đông ».

Thứ hai, Okinotorishima nằm trên tuyến đường mà tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc đi qua để ra Thái Bình Dương, hướng tới việc kiểm soát các vị trí chống lại Mỹ. Thứ ba, khu vực này nằm gần các tuyến đường biển cung ứng nguyên liệu cho Nhật Bản từ các cảng phía bắc và phía tây nước Úc.

Một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được tạo ra xung quanh Okinotorishima sẽ giúp mở rộng tầm kiểm soát các vùng biển này ; đây là một tài sản chiến lược còn lớn hơn cả những tài nguyên thiên nhiên có thể nằm dưới bề mặt.

Thế nhưng, chỉ có đảo – chứ không phải một hòn đá – mới có thể tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế – đó là lý do giải thích tại sao Nhật Bản đang cố gắng tái tạo san hô, thay vì noi gương Trung Quốc đổ vài ngàn tấn cát và bê tông để bồi đắp thành đảo.

Điều 121 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển xác định một hòn đảo là một « vùng đất được hình thành một cách tự nhiên » và « vùng đất này vẫn ở trên mặt nước khi thủy triều lên ». Công ước gạt bỏ « những hòn đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho đời sống kinh tế riêng ».

Những đảo mới của Trung Quốc ở Biển Đông là đảo nhân tạo. Tuy nhiên, nếu Nhật Bản làm sống lại san hô trên đảo Okinotorishima, thì Tokyo có thể biện luận cho đặc tính đảo « được hình thành một cách tự nhiên ». Đồng thời, các hoạt động nuôi cấy san hô dồn dập là một phần trong các nỗ lực của Nhật Bản để chứng minh rằng đảo san hô này có đời sống kinh tế riêng, và hậu thuẫn mạnh mẽ hơn cho cuộc tranh cãi gây nghi ngờ rằng đảo Okinotorishima không phải là một « tảng đá ».

Ông Kaneda nói : « Không có định nghĩa rõ ràng về các tảng đá trên biển, trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật BiểnUNCLOS – đó là lập trường của chính phủ Nhật Bản ». « Về mặt lịch sử, Nhật Bản đã duy trì các ‘đời sống kinh tế’ của hòn đảo này ».

Với lập trường này, Nhật Bản hy vọng khẳng định rằng Okinotorishima là một hòn đảo có vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời vẫn chống lại đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Một số học giả cho rằng khôn ngoan ra thì nên từ bỏ đòi hỏi này – đó cách tốt nhất để xác quyết rằng việc xây đắp đảo của Trung Quốc là bất hợp pháp – điều này khó có thể xẩy ra do giá trị quân sự của đảo Okinotorishima.

Tuy nhiên, các tranh cãi pháp lý sẽ chẳng quan trọng nếu như đảo san hô này ngày càng bị xói mòn. « Trong quá trình trồng cấy san hô, chúng tôi đã gặp nhiều vấn đề và có những thất bại, nhưng năm tới, chúng tôi hy vọng trồng được 3 hecta », ông Omori nói. « Việc trồng ba hecta sẽ là kỷ lục đầu tiên trên thế giới ».

(http://www.ft.com/cms/s/0/e31054d8-9c88-11e5-b45d-4812f209f861.html#axzz3vWBQQnlc)

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh