Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Những Tên Giết Người Man Rợ


“…mấy thằng du kích VC. Trong đám đó tôi còn thấy anh Hoàng Văn Giàu nữa. Anh Hoàng Văn Giàu là một sinh viên học ở Huế. Tôi phải sống mà chứng kiến những sự tàn sát theo lệnh của thầy Tôn Thất Dương Tiềm tại thành phố Huế, tại ngã tư Nguyễn Thành và Mai Thúc Loan tại khu thượng thành đó.”

 

Sáng ngày mồng 2 Tết khi VC xuất hiện, nó bắt đầu xách ra… nó bắt ở đâu không biết, nó bắt ra được 5 người, nó trói tay sau lưng, một số còn mặc áo quần ngủ, một số mặc áo quần bình thường, mặc áo pijama, bộ đồ ngủ – đang ngủ ở nhà nó xách ra. Đến trưa trưa 11, 12 giờ ngày mồng 2 Tết, tôi thấy mấy thằng du kích nó dắt ra, dắt ra. Có mấy thằng loong toong VC nằm vùng cỡ như Hoàng Văn Giàu chạy theo đít, chạy theo, chạy theo, ra tới ngay chỗ cửa Đông Ba. Người ta trói cả rồi, bắt đầu đứng sắp hàng, xoay lưng vô thượng thành – thành cao lắm. Tôi thấy ông Tiềm sắp đủ 5 người, sắp lần lần 1, 2 ,3 ,4, bắt đầu 5 người. Tôi thấy đông, chạy tới tôi coi. Tôi cũng núp núp mà tôi coi. Tôi thấy ông Tiềm ra lệnh cho thằng cán bộ VC nói tiếng Bắc. Thằng đó mới ra lệnh cho thằng VC mặc bộ đồ quần đùi đen, bắt đầu giương súng bắn…


Tết Mậu Thân và những kẻ có máu lạnh
Từ tết Mậu Thân, 1968, đến tết Mậu Tý năm nay, 2008, thời gian tròn chẵn 40 năm. Bốn mươi năm, gần nửa thế kỷ, nửa đời người, đã biết bao nhiêu vật đổi sao dời, song người dân miền Nam, vẫn không làm sao quên được một cái Tết hãi hùng, kinh khiếp mà Việt cộng đã tạo nên, đã đang tay tàn sát dân lành vô tội một cách man rợ nhất trong lịch sử cổ kim trên khắp miền Nam Việt Nam. Nhất là ở Huế – Thừa Thiên, đã có khoảng sáu ngàn người bị thảm sát dã man. Họ đã bị Việt cộng giết bằng những cán cuốc đập vào đầu hoặc bị chôn sống. Cứ mỗi lần Tết đến là xứ Huế lại đắm chìm trong bầu không khí u buồn với màu khăn trắng tang tóc của nhiều ngàn gia đình có thân nhân bị Việt cộng sát hại.

Các đám tang tập thể vào các năm 1968-1969 là hình ảnh người ta không thể nào quên. Trong bài viết “Mass Murder, Mass Burial” của nhà báo Tito V.Carballo, đăng trên VietNam Bulletin vào năm 1969 có đoạn mô tả:

Dưới ánh mặt trời chói chang, những dãy quan tài được xếp thành từng hàng ngay ngắn. Bên trong mỗi quan tài đóng vội này là những gì còn sót lại của các thi hài được tìm thấy. Khoảng 15.000 người, trong áo tang trắng, đứng chịu trận dưới trời nắng chang chang. Một ai đó âm thầm khóc, một ai khác khóc to vật vã. Thỉnh thoảng họ lại nhìn nhau như thể đang tìm một lời an ủi, rằng đây không phải là sự thật, đây chỉ là một giấc chiêm bao.”

Suốt hai mươi sáu ngày trong tháng giêng, ngày nào, chỗ nào cũng có đám giỗ. Khắp nơi, người dân Huế đều tổ chức cúng giỗ cho người thân của mình trước bàn thờ khói nhang nghi ngút.

Tiếng khóc than kể lể của người dân Huế nghe vang vọng cả một trời sầu thảm.

Cùng lúc đó, mĩa mai thay, bên cạnh tiếng khóc than đớn đau của người dân thì Việt cộng lại “hồ hởi phấn khởi” rầm rộ tổ chức ăn mừng “chiến thắng Mậu Thân”.

Thật đúng với câu “Chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại để thản nhiên trau chuốt bộ lông của mình”

Họ đã ngoãnh mặt trước nỗi khổ đau của đồng bào mà cùng nhau hả hê ca ngợi “chiến công hiển hách” của mình khi tấn công vào miền Nam và thi nhau kể lể thành tích sát nhân của mình.

Năm nay, năm Mậu Tý, tại Sài Gòn, những con người Việt cộng lại càng tổ chức rầm rộ hơn nữa, rất trọng thể, để mừng ngày mà họ gọi là “lễ lớn kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân”.

Họ khoe rằng, buổi lễ có tới mười ngàn người tham dự rất “hoành tráng” gồm “4000 quần chúng, 1.500 dân quân tự vệ, 2.349 người tham gia diễu binh, 1.700 người tham gia diễu hành nghệ thuật quần chúng…”

Trong buổi lễ, Phạm văn Hải, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM cao giọng khẳng định rằng:

Năm tháng sẽ qua đi nhưng với cả nước, với miền Nam thành đồng, với TP mang tên Bác Hồ kính yêu, chiến công của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 sẽ mãi mãi sống trong lòng các thế hệ người Việt Nam, vì đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng, là khí phách Việt Nam…

Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP. HCM, phát biểu khoa trương:

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 đã tạo “một cú choáng đột ngột” với địch ở miền Nam…, là điểm son chói lọi của lịch sử Việt Nam.”

Cuộc thảm sát xảy ra cho Huế mùa Xuân năm 1968 mà Việt cộng hiện nay vẫn còn hãnh diện khoe khoang là “chiến công sống mãi trong lòng các thế hệ trẻ” là “đỉnh cao của chủ nghĩa” là “điểm son chói lọi” là những thành tích gì?

Đó là nỗi kinh hoàng đối với người dân Huế. Đó là vết thương chưa khô máu. Đó là vết sẹo chưa lành vẫn còn đau thốn tim can mỗi khi có ai nhắc đến.

Chúng ta hãy giở lại trang sử cũ, Tết Mậu Thân, để nhìn lại những “những bộ lông” mà Việt cộng đã “trau chuốt” lập nên xem nó chói lọi đến độ nào và tạo đỉnh cao tới đâu.

Lẫn trong tiếng pháo nổ rền đón mừng năm mới, đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968, Việt cộng đã đồng loạt bất ngờ nổ súng tấn công 4 thành phố lớn, trọng tâm là Sài Gòn, Gia Định và Huế, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn của miền Nam.

Việt cộng tưởng đâu lợi dụng yếu tố bất ngờ giây phút thiêng liêng trong đêm giao thừa, toàn thể quân dân miền Nam đang long trọng đón rước tổ tiên, ông bà về ăn Tết với con cháu, giáng một đòn sinh tử chớp nhoáng xuống miền Nam để có thể “ăn chắc” như ông Hồ muốn “Xuân này chiến thắng ắt về ta”.

Nhưng, thiên địa bất dung gian, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, chỉ hơn một tuần lễ sau, quân lực VNCH đã bẻ gẫy tất cả các nổ lực của Cộng quân và đã đánh bật chúng ra khỏi các thành phố và các thị xã mà chúng chiếm được lúc đầu.

Chỉ trong mấy ngày, quân Việt cộng đã trả một giá quá đắt: 32 ngàn bị thương vong và khoảng 5.800 bị bắt.

Riêng thành phố Huế, Cộng quân cố liều chết, chiếm giữ lâu nhất là 26 ngày.

Ngày 25 tháng 2, những lực lượng cuối cùng của Việt cộng bị đẩy lui ra khỏi thành phố Huế.

Trong 26 ngày bị vây hãm, Việt cộng không còn khả năng chiến đấu, trước khi tháo chạy, đã điên cuồng say máu giết hại người dân lành để trả thù.

Bao nhiêu người dân Huế bị Việt cộng sát hại?

Theo những báo cáo của các cuộc cảnh sát các xã thuộc 13 quận của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, do các xã báo cáo, khoảng 5.300 nạn nhân bị chôn sống tại tỉnh Thừa Thiên.

Tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, 22 địa điểm tìm được là các mồ chôn tập thể. Trong 22 địa điểm này, người ta đếm được 2.326 sọ người. Các gia đình kê khai có người chết và mất tích lên đến 4000 người.

Người ta ước tính khoảng 6000 người.

(Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó Trưởng Ty Cảnh sát Đặc biệt Lực lượng Cảnh sát Quốc gia tỉnh Thừa Thiên và Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu Khu vực Thừa Thiên.)

Nơi đầu tiên tìm thấy các nạn nhân Việt cộng là sân trường Trung Học Gia Hội vào sáng ngày 26 tháng Hai, tổng cộng có 170 xác. Mấy tháng sau, người ta tìm thấy thêm 18 nơi chôn tập thể, lớn nhất là khu ở gần chùa Tăng Quang, 67 thi thể, Bãi Dâu, 77, khu chợ Thông, khoảng 100, khu lăng tẩm, 201, Thiên Hàm khoảng 200, Đồng Gi, khoảng 100. Tổng cộng khoảng 1.200 thi thể tìm thấy trong những hầm hố lấp vội vã.

Dần dần các ngôi mộ tập thể được tìm thấy khắp nơi. Tại quận Phú Thứ, những vùng đồi cát Lệ Xá tây, làng Văn Hoà, Xuân Dương. Quận Vinh Lộc. quận Nam Hòa.

Nhiều nhất là tìm thấy ở những đồi cát của ba làng Vinh Lưu, Lệ Xá đông và Xuân Ô. Hơn 800 người được tìm thấy ở khu nầy.

Ở khe Đá Mài tìm được 428 bộ xương…

Thành phần nào bị giết?

Ông Nguyễn Lý Tưởng kể:

“Cộng sản bắt đi trên 500 người, thanh niên từ 15, 16 tuổi đến ông già 60, 70 bị đưa đi giam ở chùa Từ Đàm. Đến đêm, họ bị dẫn đi lên đường núi và qua sông. Sau đó tàn sát hết mọi người trong tư thế bị trói.”

Ông Liên Thành nhớ lại:

“Riêng tại quận ba, Việt cộng bắt đi hơn 500 người đang trốn trong Dòng Chúc Cứu Thế, dẫn đi hết, rồi chôn sống. Tội nghiệp nhất là một số nạn nhân hoàn hoàn không dính dáng gì đến chính quyền. Ngoài ra trong số này có một người rất tiếng tăm là Thượng Nghị sĩ Trần Điền. Ngoài ra, tại vùng Phủ Cam, bốn ngày sau khi Việt cộng chiếm Huế, nhà thờ lớn Phủ Cam bị ập vào, bắt đi 300 thanh niên sau này được tìm thấy xác ở vùng phía tây Nam Hòa, tức vùng núi dọc khe Đá Mài, lăng Gia Long”

Việt cộng giết người dân vô tội bằng cách nào?

Hãy nghe một nhân chứng còn sống sau 40 năm thuật lại:

Sau chùa Diệu Đế, chúng nó đưa về phiá Gia Hội, sống xung quanh mấy nhà dân. Chúng bắt chúng tôi đi khiêng vác trong vòng mấy ngày sau, thì bắt đầu tôi thấy phía bên chỗ Đông Ba, máy bay bắn xuống dữ lắm. Tụi tôi thấy chắc là phản công rồi, lính VNCH mình phản công chúng nó rồi. Tôi cũng cầu nguyện, cầu nguyện, nhưng không phải là đi dân công đâu quý vị ơi. Đến tối đó, nó phát cho mấy cái cuốc, nó nói bây giờ đi đào mấy cái hào, cái hầm. Tại vì máy bay bắn xuống quá, tôi nghĩ chắc nó sai tụi tôi đi đào mấy cái hầm để cho tụi nó núp, giống như công sự, núp để tránh đạn tránh bom. Tụi tôi mười mấy thằng còn xác vác cuốc đi đào, cũng đào, đào, nghĩa là tối xuống đi đào, đào. Cái hố bề sâu xuống là một thước, bề ngang bằng một sải tay, một sải tay ngang, cứ đi tới, đi tới, một thằng một khúc, cứ đào. Đào cứ nối liền nhau, nối liền nhau. Đào xong cái này rồi bắt đầu đi đào cái khác, như là đào tuyến công sự đó mà.

Nhưng quý vị biết không, sau khi đào xong lúc 3 giờ sáng, lần đầu tiên tôi thấy nó dẫn ra một đám người từ xa trong bóng tối. Những người này khi tiến tới gần, bấy giờ tôi mới thấy là tay trói về phía sau, cột trùm, cột dính vào với nhau bằng sợi dây điện thoại màu đen đen. Nó cột trùm, người ta dắt ra , dắt ra. Mỗi toán nó dắt ra như vậy là khoảng 14, 15 người. Những cái hố chúng tôi đào cũng vừa cái khoảng đó. Nó mới bắt những người đó đứng xoay lưng về cái hố. Còn nhiệm vụ chúng tôi thì chúng tôi đang đứng, đang đào đất, tay chúng tôi đang cầm cuốc. Nó mới sắp hàng những người kia, những người mà nó bắt, bị cột sợi dây điện thoại, dính trùm với nhau.

Số người này, một số mặc đồ ngủ hoặc mặc bộ đồ thường, có người mang dép, có người đi chưn, kể cả những người mặc quần xà loỏn. Nó sắp người ta xoay lưng về cái hố mà chúng tôi đào (ông T thở mạnh như bị ngộp thở, khóc thút thít), rồi cái thằng cán bộ VC mặc áo trắng và quần cán bộ chính quy, đội nón cối, nó đọc, nó đọc bản án tội ác của những người đó. Nó nói những người đó có tội với nhân dân, có tội với cách mạng. Nó vừa đọc xong bản án thì thằng du kích VC, thằng đứng đầu mặc quần xà loỏn, quần đen áo đen, nó lấy súng AK bắn người đầu tiên, nó bắn rào, nó bắn rafale. Ông này bị trúng, ông lật ngược ra, đằng sau đâu có cái gì đâu, là cái hố!”

Ổng té xuống, quý vị biết không, mấy người sau đâu có trúng đạn gì đâu, cũng lăn xuống. Lăn và lộn, lộn vòng xuống, lật ngửa ra. (Ông T khóc rống lên) Nó bắt tôi lấp! Nó kêu lấp, lấp, lấp lẹ! (vẫn khóc) Tôi không lấp, nó đánh tôi. Tôi nhìn mấy người đó, tôi khóc, tôi khóc, khóc, khóc!

Không! Người ta còn sống mà lấp đi! Không! Thôi nó dọng báng súng tôi, súng AK nó dọng, nó dọng đằng sau xương sống tôi (vừa thở như bị ngộp, vừa khóc).

Chưa được, nó quay mũi lưỡi lê nó đâm tôi, nó đâm ba sườn tôi. Trời ơi, máu me nó đâm! Mấy thằng, thằng nào cũng khóc, nó đánh, nó đánh. Tôi phải lấp, phải lấp. Tôi lấp đồng bào tôi (khóc nức nở). Trời ơi, trời ơi, Thượng Đế coi này! Bây giờ tôi nhớ tôi có tội quá. Tôi nhớ mấy con mắt đồng bào, mấy người dưới hố ngó tôi. Trời, trời, trời, trời ơi VC ơi là VC! Không lấp thì nó đánh! Lấp thí bà con tôi chết! Thôi, thôi, lạy Phật, lạy trời, lạy Thượng Đế. Chưa có thằng nào nó tàn ác như vậy…

( Nam Dao thực hiện phỏng vấn. Tamthuc.com)

Hầu hết những hố chôn tập thể tìm thấy được, các xác nạn nhân đều bị trói từng chùm với nhau cả. Và đa số đều bị đập bể đầu vì cán cuốc.

Được hỏi vì sao Việt cộng lại tàn sát đồng bào man rợ đến như vậy, một trung tá Việt cộng bị bắt tên Hoàng Kim Loan, thành ủy viên hoạt động bí mật tại Huế 20 năm trả lời:

Đây là chủ trương bạo lực cách mạng của cấp trên chỉ thị. Thứ hai, trên đường rút lui, do không thể đem theo tù nhân, nên phải giết. Người Cộng sản chúng tôi có chủ trương thà giết lầm hơn bỏ sót

Được hỏi tại sao không bắn họ, cho họ viên đạn còn dễ hơn lấy cuốc đập đầu và đẩy xuống hố, Loan nói:

Đạn chúng tôi để bắn Mỹ Ngụy. Đạn đâu để bắn những đám người như vậy.”

Vì sao Việt cộng lại điên cuồng tàn sát người dân Huế?

Trong bài viết mới đây, 30/01/2008, “ Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 – Nét đặc sắc của Chiến tranh Nhân dân”, Nguyễn mạnh Hưởng (CS trong nước) đã thú nhận:

…Để thắng kẻ địch, chúng ta phải phát huy cao độ ưu thế và sức mạnh của chiến tranh nhân dân, quân và dân ta phải có quyết tâm sắt đá…Quần chúng nhân dân trên các mặt trận nổi dậy có tổ chức, với khí thế quyết tâm cao, đặc biệt là tại thành phố Huế, quần chúng đã hăng hái tham gia vào các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong thành phố. Với 26 ngày đêm chiếm giữ thành phố Huế, thắng lợi của quân dân ta là nguồn vũ to lớn, thúc dục các đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân trên khắp các chiến trường tiến công và nổi dậy, tiêu diệt địch và dành quyền làm chủ…

Cái mà cán bộ Hưởng gọi là “sức mạnh nổi dậy của quần chúng” thực tế đã trả lời cay đắng cho mộng tưởng. Người dân Huế đã không những không nổi dậy, không hưởng ứng mà lại ùn ùn lánh nạn cùng nhau chạy về phía quân đội VNCH để được bảo vệ.

Đó là lý do khiến cho quân Việt cộng tức giận điên cuồng nổi lên thú tánh, giết người trả thù cho hả gan.

Ông Trần Tiễn San, trung úy tiểu đoàn 39 Biệt Động quân đã tham gia tái chiếm Huế, kể lại:

Lúc đánh ở Vỹ Dạ, lực lượng chính của Việt cộng không còn nữa. Nhưng khó đánh vô cùng. Mình tiến từ nhà này sang nhà khác, nhà thì có kẽm gai, bờ tường. Mình thì bên này, dân chúng bên kia, họ thấy là đâm đầu chạy qua…

Đây là chủ trương của Hà Nội, là dùng bạo lực cách mạng trấn áp dân Huế. Hà Nội tin là khi họ chiếm Huế, người dân Huế sẽ nổi dậy theo họ. Đó là một đánh giá sai lầm.

Người Huế sợ Cộng sản vô cùng. Vô cùng sợ. Khi Việt cộng tràn vô Huế, họ đến đâu, dân chúng bỏ chạy đến đó. Mà chạy thì họ bắn. Đó là sự thật. Những ai sống tại Huế thời đó đều biết.”

Hà Nội đã đánh giá sai lầm người dân Huế qua các báo cáo láo, nịnh bợ, tâng công của những tên nằm vùng ở Huế.

Những tên nằm vùng đó là ai?

Ngày nay thì mọi ngưòi đều đã nhẵn mặt những tên: Đóa, Tiềm, Tường, Phan, Xuân… Đó là những hung thần ác sát và năng nổ nhất trong việc chỉ điểm lùng bắt những ai không theo hoặc chống chúng.

Chúng ta nghe tiếp nhân chứng sống kể lại tội ác của một nhân vật điển hình trong số bọn này:

Tôi xin kể với chị Nam Dao nghe là đến ngày mồng 2 Tết, mở mắt ra thì thấy VC đi vòng vòng. Người đầu tiên tôi thấy là ông thầy tôi, ông Tôn Thất Dương Tiềm. Ông dạy môn Việt văn cho lớp đệ tam chúng tôi, mà bây giờ gọi là lớp 10. Tôi đang học lớp đệ tam thì khi đó ông dạy tôi Việt văn. Thầy dạy tôi thế nào là thương đồng bào, yêu tổ quốc, yêu quê hương. Ông Tiềm là người mở cho tôi con đường thấy rõ được bổn phận của thanh niên là phải làm gì cho quê hương. Nhưng quý vị biết không, trời đất ơi, chính ông Tiềm lại là người dạy cho tôi thế nào là tàn ác của VC! Ông Tiềm là người vác súng K54, dưới thì ông mặc quần xanh xanh của cán bộ chính quy, trên thì ông mặc áo màu trắng, áo sơ mi.

Tôi thấy ông Tiềm lúc đó đang chỉ huy những người cũng mặc áo trắng, mặc quần bộ đội, tức là cán bộ, đeo súng K54 làm làm gì đó, nói sầm nói sì gì đó, sau đó mấy người đó mới chỉ trỏ cho mấy người mặc bộ đồ đen, tức là mấy thằng du kích VC. Trong đám đó tôi còn thấy anh Hoàng Văn Giàu nữa. Anh Hoàng Văn Giàu là một sinh viên học ở Huế.

Tôi phải sống mà chứng kiến những sự tàn sát theo lệnh của thầy Tôn Thất Dương Tiềm tại thành phố Huế, tại ngã tư Nguyễn Thành và Mai Thúc Loan tại khu thượng thành đó.

Sáng ngày mồng 2 Tết khi VC xuất hiện, nó bắt đầu xách ra… nó bắt ở đâu không biết, nó bắt ra được 5 người, nó trói tay sau lưng, một số còn mặc áo quần ngủ, một số mặc áo quần bình thường, mặc áo pijama, bộ đồ ngủ – đang ngủ ở nhà nó xách ra. Đến trưa trưa 11, 12 giờ ngày mồng 2 Tết, tôi thấy mấy thằng du kích nó dắt ra, dắt ra. Có mấy thằng loong toong VC nằm vùng cỡ như Hoàng Văn Giàu chạy theo đít, chạy theo, chạy theo, ra tới ngay chỗ cửa Đông Ba. Người ta trói cả rồi, bắt đầu đứng sắp hàng, xoay lưng vô thượng thành – thành cao lắm. Tôi thấy ông Tiềm sắp đủ 5 người, sắp lần lần 1, 2 ,3 ,4, bắt đầu 5 người. Tôi thấy đông, chạy tới tôi coi. Tôi cũng núp núp mà tôi coi. Tôi thấy ông Tiềm ra lệnh cho thằng cán bộ VC nói tiếng Bắc. Thằng đó mới ra lệnh cho thằng VC mặc bộ đồ quần đùi đen, bắt đầu giương súng bắn.

Trong đó tôi thấy có ông Quế ở tại đường Nguyễn Thành. Ông này hồi trước làm cảnh sát gì đó, bây giờ đã già rồi….”

40 năm, sau ngày bàn tay đẫm máu đồng bào Huế, những tên này không biết có hối hận ăn năn về tội ác của mình hay không, nhưng chúng luôn chối bai bải về tội ác của mình. Đứa nào cũng nói với tác giả “Giải khăn sô cho Huế” bà Nhã Ca rằng “chúng tôi chớ hề biết về các vụ thảm sát này và chúng tôi rất đau buồn”.

Hãy nghe tác giả “Giải khăn sô cho Huế” kể lại:

...Về “những nhân vật thật”, nêu đích danh chỉ có anh Lê Văn Hảo, thị trưởng Huế Mậu Thân do phía quân giải phóng cử ra. Anh Hảo nay đã tị nạn cộng sản tại Pháp, đã chính thức lên án việc quân giải phóng tàn sát dân Huế hồi Tết Mậu Thân. Nhân vật thứ hai trong sách mang tên Phủ là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nguyên Tổng Thư Ký Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế thời Tết Mậu Thân. Ðây là chức vụ “phụ trách công việc chính trị” có nghĩa là “xếp” của cả chức thị trưởng. Năm 1997, anh Tường đã đến Paris, lên tiếng trên đài RFI, nói về – xin trích nguyên văn: “nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Ðó là một sai lầm không thể nào biện bác được…” Anh cũng đã công khai “gửi lời cám ơn sự khách quan của chị Nhã Ca dành cho tôi” và nói nguyên văn rằng “Giải Khăn Sô Cho Huế đối với tôi, vẫn là một bút ký hay viết về Huế Mậu Thân; hàng chục năm qua đọc lại, tôi vẫn còn thấy quặn lòng.” Văn bản lời anh Tường trả lời cuộc phỏng vấn của chị Thụy Khuê đài RFI hiện còn lưu trên internet, ai cũng có thể đọc được. Nhân vật thứ ba trong sách có tên là Ðắc, theo lời kể mà tai tôi nghe, liên quan tới cái chết đau thương của người bạn tên là Mậu Tý. Nhà báo Nguyễn Ðắc Xuân, một phụ tá của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, có viết bài phản bác, nói là anh không hề liên quan.

Cả ba nhân vật kể trên, đều đã có lòng đích thân đến gặp tôi trước ngày chúng tôi rời Saigon sang Thụy Ðiển.” .

Thủ phạm của vụ thảm sát là ai? Ai chịu trách nhiệm?

Đã 40 năm qua, đã 40 lần Việt cộng tổ chức ăn mừng, ca hát trên xác chết của hơn 6000 nạn nhân ở ở Huế, nhưng bọn chúng vẫn không hề nhận tội của mình đã ra lệnh tàn sát người dân Huế vô tội. Vậy ai là sẽ là kẻ chịu trách nhiệm về những cái chết oan khuất của nhiều ngàn người Huế trong tết Mậu Thân?

Đa số dư luận ở Huế đều nói rằng chính những thành phần thiên Cộng tại Huế, là đám sinh viên, đã thoát ly lên mật khu năm 1966 trong các phong trào sinh viên tranh đấu phải chịu trách nhiệm. Trong số này có những tên được đồng bào chỉ đích danh nhiều lần gồm có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Lê văn Hảo, Tôn thất Dương Tiềm, Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn văn Đóa…

Cả ông Lê văn Hảo từng là Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Cách Mạng Thừa Thiên vào thời ấy, bây giờ cũng chối tội:“Đó không phải là sự thật lịch sử. Tôi chỉ là một con tin(!) trong thế kẹt, phải nhận một chức vụ để bảo tồn sự sống còn để mong có ngày về với vợ con thôi. Chứ tôi nói thật, trong Tết Mậu Thân, vai trò của tôi hoàn toàn thụ động… Sự việc diễn tiến như vậy thì mình đi theo Cách Mạng thôi.”

Khi lên trên núi, tôi biết ngay Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam chỉ là một trò bịp bợm, một tổ chức hữu danh vô thực của Cộng sản mà thôi, do Hà Nội chỉ đạo. Mà họ có dấu điều đó đâu.”

Thực ra cái bọn trí thức chồn lùi như Hảo, Tường, Phan, Xuân, Tiềm, Đóa… chỉ là bọn cò mồi ăn theo, nói leo, vượt thoát lên mật khu đã trở về thực hiện một số vụ hành quyết, chôn sống bạn bè để trả thù cá nhân còn thì làm công việc chỉ điểm để cho bọn Bắc Việt bắt bớ.

Theo ông Bùi Tín, cựu đại tá CS, đang tị nạn Cộng sản tại Pháp, “giữ một thái độ công bằng, nói có bằng chứng, không biết không nói, không yêu nên tốt, ghét nên xấu” theo cách nói của ông:

Riêng Mậu Thân, tôi biết Tổng Cục Chiến tranh Chính trị có in một chỉ thị – truyền đơn 10 điều kỷ luật chiến trường, đại để là: phục tùng mệnh lệnh, vào vùng giải phóng không quấy nhiễu dân, không lấy cây kim sợi chỉ của dân, làm dân vận, kẻ địch bỏ súng không được tự động giết … Khi Thủy quân lục chiến cùng VNCH phản công, bộ đội được lệnh rút lên núi phía Tây Huế, cũng có lệnh giải theo tù binh lên núi, nhưng không được để tù binh thoát, lộ bí mật quân sự, chính đại tá Lê Minh, tư lệnh thành Huế ra Hà Nội kể cho tôi nghe chuyện này và cho biết các đại đội và tiểu đoàn đều có thủ tiêu tù bình. Tướng Trần văn Quang tư lệnh quân khu Trị Thiên-Huế chỉ bị “phê bình” khi chuyện tàn sát “hàng ngàn” tù binh đã xảy ra.

Hơn nữa, các đơn vị trừ gian của ngành an ninh, công an, bảo vệ quân đội đi theo các mũi tiến quân mới là những đơn vị trực tiếp tàn sát nhiều tù binh, họ dựa vào bọn cơ hội – học sinh, sinh viên nằm vùng làm chỉ điểm, tâng bốc là giác ngộ, yêu nước, cách mạng, bọn này lộng hành để cố chứng minh lòng “hăng hái cách mạng” và có khi trả thù cá nhân. Họ tàn sát, gây không khí khủng bố để hăm dọa toàn dân. Tôi cũng nói rõ đảng cộng sản hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi cuộc tàn sát trong chiến tranh, vì họ đã giáo dục căm thù kiểu nhồi sọ có hệ thống, tự nhận là có cả một nền khoa học giáo dục về căm thù giai cấp, coi quân lực miền Nam là kẻ thù không đội trời chung..

Đã 40 năm qua, mỗi lần Tết đến, người miền Nam dù trong hay ngoài nước, nhất là người dân Huế, không ai là không đau lòng nhớ lại cái Tết Mậu Thân kinh hoàng đẫm máu. Chỉ riêng những con người cộng sản có máu lạnh mới thản nhiên tổ chức ăn mừng, nhảy múa, “hát trên những xác người”.

Thử hỏi một người còn có chút lương tri và nhân tính liệu có thể nào trở lại Bãi Dâu để mà vỗ tay ca hát, ăn mừng chiến thắng như có người đã từng: “Chiều đi lên Bãi Dâu, hát trên những xác người, tôi đã thấy những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em, xác người nằm trôi sông, trôi trên ruộng đồng, xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa, trong giáo đường, trền thềm nhà. Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh. Bên xác người già yếu có xác còn ngây thơ...”

Đó là xác của những tên “phản cách mạng” “thành phần ác ôn có nợ máu với nhân dân” như lời phát biểu của tên đao phủ thủ Hoàng Phủ Ngọc Phan đã chủ trương giết lầm hơn bỏ sót đó ư?

Sau Tết Mậu Thân, với thảm trạng nhiều ngàn người dân vô tội ở Huế bị Cộng sản trói tay từng chùm với nhau đem chôn sống tập thể hoặc dùng đánh cuốc vào đầu nạn nhân vỡ sọ chết hàng loạt rồi vùi lấp trong các hố để trả thù, người ta càng rùng mình ghê rợn nhận rõ chân tướng loài Cộng sản là một loại ác thú có hình dáng giống người, nhưng không có tim, lại có máu lạnh, thích giết hại và ăn thịt đồng loại.

Riêng kiểu giết người bằng cách dùng cuốc đập đầu là phương pháp độc nhất vô nhị dã man của Cộng sản đã được tên Bộ trưởng Công An Trần Quốc Hoàn dùng để giết cô Nông thị Xuân, người vợ hờ của “Bác Hồ muôn vàn kính yêu” để phi tang vụ Bác làm cho cô có con. Phương pháp này truyền cho bọn MTGPMN, một thời, dùng để lùng giết, thủ tiêu viên chức Xã Ấp VNCH ở các vùng nông thôn hẻo lánh, hoặc dùng để khủng bố dân chúng không tiếp tế cho chúng.

Tết Mậu Thân, Việt Cộng lại áp dụng đại trà giết dân lành tại Huế. Và bọn Khờ Me đỏ Pol Pot cũng áp dụng kiểu này ở Cămpuchia để giết hại hàng triệu dân mình. Cộng sản thì ở đâu cũng ác độc giống nhau.

Mỗi độ tết về, dù nhà cầm quyền Cộng sản cố tình tổ chức rình rang, “hoành tráng” cách mấy chăng nữa để gọi là ăn mừng chiến thắng Tết Mậu cũng vẫn không cách gì che đậy được tội ác của mình với toàn thể nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân loại nói chung.

Năm 1975, khi mới tiến vào miền Nam, nghĩa trang trên núi Ba Tầng, còn gọi là núi Bân, nơi an táng khoảng 400 thi hài tìm được nơi khe Đá Mài vùng Đình Môn Kim Ngọc lập tức bị Cộng sản đập phá tan hoang để hòng bôi xóa vết tích tội ác của mình, cũng đủ nói lên cái “đạo đức cách mạng” mà hiện nay nhà nước ta đang phát động học tập. Oan khiên và thảm thay cho người chết hai lần.

Đào Hiếu, một sinh viên miền Nam đã từng một thời với Huỳnh tấn Mẫm, Nguyễn tấn Tài, Cao thị Quế Dương, Võ thị Thắng v.v…… nhẹ dạ, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, đã sớm sáng mắt sáng lòng, nhận ra mặt thật của đảng CS, đã tố cáo sự man rợ tàn ác của Cộng sản trong nhiều tác phẩm của mình.

Trong cuốn tự truyện mới nhất, 2008, nhan đề “Lạc đường”, Đào Hiếu đã vạch rõ:“ Hóa ra thiện hay ác, văn minh hay man rợ không phải do dân tộc mà là do chính quyền. Chính quyền man rợ sẽ đẩy dân tộc mình vào man rợ”.

Đào Hiếu muốn nói cái chính quyền man rợ nào ở đây?

Nguyễn Thanh Ty @

More Stories From Lịch Sử Cận Đại

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh