Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam : Đấu đá giành chức lãnh đạo cao nhất
Posted by Luu HoanPho, Jan 20, 2016, Comments Off
Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, hôm nay 20/01/2016, mở ra với phiên họp trù bị, ngày mai khai mạc chính thức và sẽ kết thúc vào 28/01. Đây là kỳ đại hội làm đã làm dấy lên trong giới quan sát chính trị trong và ngoài Việt Nam nhiều phán đoán sôi nổi nhất từ trước tới nay xung quanh việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo.
Hàng tháng trước Đại hội, các luồng thông tin đồn đoán trái ngược nhau, độ xác thực lại càng mù mờ hơn đến mức ít ai có thể mạo hiểm đánh cược với dự đoán của mình về danh tính của dàn lãnh đạo chủ chốt sắp tới của Việt Nam sau Đại hội này.
Tuy nhiên, trong nhiều luồng thông tin hỗn loạn đó, giới quan sát có thể dễ dàng nhận thấy một cuộc đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực đang diễn ra rất quyết liệt trong đảng Cộng sản Việt Nam.
RFI giới thiệu bài viết “Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam : Đấu đá để giành chức lãnh đạo cao nhất”, trên website Asiaone.com hôm nay 20/01/2016, nhận xét về hai nhân vật chính của cuộc đấu đá này.
Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức 5 năm một lần, khai mạc vào ngày mai, 21/01/2016, trong bối cảnh có cuộc ganh đua quyết liệt vào chức vụ cao nhất trong Đảng, giữa một bên là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – ứng viên và lãnh đạo Đảng hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng, năm nay 71 tuổi, một chính trị gia bảo thủ, có tiếng là thâm trầm và mang dáng dấp học giả, hy vọng sẽ được bầu lại làm tổng bí thư, một vị trí quyền lực nhất nước.
Thế nhưng, không có nhiều người sẵn sàng phủ nhận uy tín của ông Dũng, năm nay 66 tuổi. Ông chủ trương tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với phương Tây để cân bằng lại sự thâm hụt thương mại đang ngày càng gia tăng với Trung Quốc.
Theo giáo sư Zachary Abuza, thuộc Trường Chiến tranh Quốc gia, ở Washington, thì « ông Dũng là người đi đầu trong việc tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (hiệp định tự do mậu dịch) và rõ ràng là thân Hoa Kỳ, thân phương Tây hơn ông Trọng ».
Trong thời gian xẩy ra va chạm với Trung Quốc hồi năm 2014, khi giàn khoan dầu của Trung Quốc được kéo vào và đặt tại vùng biển mà Việt Nam khẳng định thuộc chủ quyền của mình, ông Dũng là vị lãnh đạo nói thẳng vấn đề này ra, ông có lập trường cứng rắn phù hợp với những người dân đã xuống đường biểu tình phản đối chống Trung Quốc.
Giáo sư Vuving so sánh một cách ví von rằng: « Ông Trọng là một nhà Nho, còn ông Dũng là một nhà tư bản ; một người trung thành với các nguyên tắc của mình, còn người kia thì nhắm tới các lợi ích. Tính cách trái ngược nhau này là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc đối đầu nghiêm trọng ».
Một trong những lý do ông Dũng muốn giành chức vụ tổng bí thư đảng là nếu không có được chức này thì chắc chắn ông sẽ phải về hưu. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một người được ông Dũng đỡ đầu, có thể lên thay thế, đảm nhiệm chức thủ tướng, còn ông Dũng thì bị gạt ra khỏi bộ máy quyền lực.
Bất chấp những xì xào về chuyện tham nhũng và gia đình trị, ông Dũng vẫn « sống sót » và làm thủ tướng hai nhiệm kỳ, một chức vụ chỉ dưới chức tổng bí thư.
Theo giáo sư Abuza, « ở đây cũng có một chút tự ái và chắc chắn là ông Dũng cố gắng bảo vệ quyền lợi của bạn hữu và gia đình ông ». Hai người con trai ông Dũng hiện là các quan chức của Đảng ở cấp tỉnh và một người con gái làm việc trong khu vực công.
« Nhưng ông Dũng có một tầm nhìn cơ bản để đưa đất nước tiến lên phía trước và ông cho rằng ông Trọng kéo lùi đất nước. Vẫn thường có những cáo buộc về chuyện gia đình trị… nhưng điều này không có nghĩa là ông ta dấn thân thực hiện cải cách kinh tế. Không có một ai thúc đẩy tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước mạnh mẽ như ông Dũng ».
Cuộc đấu đá, bình thường ra thì vẫn được che đậy trong một Nhà nước độc đảng lãnh đạo, đã lan ra phương tiện truyền thông xã hội. Truyền thông xã hội bình luận nhiều đến mức một vị thứ trưởng phụ trách thông tin và truyền thông phải lên tiếng cảnh báo là công chúng cần phải dè chừng với các tin tức thất thiệt.
Nếu ông Trọng tiếp tục giữ chức lãnh đạo Đảng, giới chuyên gia không hy vọng là sẽ có bất kỳ thay đổi triệt để nào trong đường hướng của Việt Nam – hoặc trong chính sách đối với Trung Quốc – chủ yếu là nhằm đối phó với các quyết đoán ngày càng mạnh mẽ của nước láng giềng phương bắc qua việc sưởi ấm quan hệ với Hoa Kỳ.
Tuy vậy, bản thân ông Trọng cũng có thay đổi. Khi ông nhậm chức tổng bí thư vào năm 2011, rất nhiều người coi ông là thân Trung Quốc. Nhưng năm ngoái, ông đã gặp tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Ông Obama dự kiến thăm Việt Nam vào tháng Năm (2016). Hiệp định TPP được thông qua dưới sự giám sát của ông Trọng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Chan Jin Lai, một nhà phân tích rủi ro thuộc Công ty nghiên cứu BMI Research, trụ sở tai Singapore, nhận định: « Chúng tôi không thấy có bất kỳ lý do nào để các tân lãnh đạo Việt Nam đi chệch ra khỏi các chính sách kinh tế hiện nay ».
Cho dù có những lúc thăng trầm, các chính sách kinh tế này đã cho phép Việt Nam kết thúc năm 2015 với tỷ lệ tăng trưởng trong quý bốn cao nhất kể từ 5 năm qua, lên tới 7,01%, so với mức 6,9% của cùng thời kỳ này năm 2014.
Theo nhà phân tích Chan Jin Lai: « Động lực của nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi một tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy nhanh chóng và dường như không thay đổi nào tại Hà Nội có thể làm chao đảo mức tăng trưởng ổn định được thể hiện rõ trong những năm gần đây ».
Giáo sư Abuza bổ sung : « Các chính sách mà chúng ta nhìn thấy trong ít năm gần đây đang được tiếp tục thực hiện. Các chính sách này sẽ không bị đảo ngược. Nhưng dưới sự lãnh đạo của ông Trọng thì các chính sách đó sẽ không được thực hiện nhanh chóng ».
Tin REUTERS, RFI