Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Tìm hiểu phong trào Nhân Văn Giai Phẩm


Chương 1

Tìm hiểu phong trào Nhân Văn Giai Phẩm

Nhân Văn Giai Phẩm là phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ của văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc có tầm vóc lớn lao, khởi xướng đầu năm 1955 và bị chính thức dập tắt tháng 6 năm 1958. Hai tư liệu sớm nhất về Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP) là Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá in ở Sài Gòn năm 1959, và Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận do nhà xuất bản Sự Thật[1] in ở Hà Nội, cùng năm.

Ngoài hai cuốn sách này còn có những tập tư liệu khác, ra đời hơn 30 năm sau.

Trước hết là cuốn Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam – Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam của Georges Boudarel[2]. Thời gian ở Việt Nam, Boudarel đã gặp nhiều nhà văn nhà thơ, trong đó có các thành viên NVGP và ông đã mang về Pháp các sách báo xuất bản ở Hà Nội vào thời điểm NVGP. Cuối 1987 đầu 1988, trong bối cảnh “đổi mới”, Boudarel viết loạt bài Dissidences intellectuelles au Viêt Nam L’affaire Nhan Van Giai Pham – Trí thức phản kháng tại Việt Nam, vụ Nhân Văn Giai Phẩm[3] sau tập hợp và đào sâu thành cuốn “Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam[4]”.

Ngoại trừ việc Boudarel đã sai như Hoàng Văn Chí, khi cho rằng NVGP bắt nguồn từ Trăm hoa đua nở bên Trung Quốc[5], cuốn sách của ông là tập tư liệu có giá trị, nhờ đó, bi kịch NVGP đến được với người đọc tiếng Pháp.

Từ những năm 90, một loạt tài liệu mới về NVGP xuất hiện rải rác trong và ngoài nước, dưới dạng tự thuật, bút ký, sáng tác, của những thành viên đã tham gia phong trào, trong đó có hai tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Mạnh Tường: hồi ký Un Excommunié – Kẻ bị khai trừ[6]; và tiểu thuyết Une voix dans la nuit – Tiếng vọng trong đêm[7].

Sau 9 năm theo kháng chiến, Nguyễn Mạnh Tường từ chiến khu trở về trong số những trí thức được chính quyền ưu đãi. Phong trào NVGP ra đời, ông tham gia và đã chịu sự trừng phạt nặng nề. Nhờ hồi ký Un Excommunié của Nguyễn Mạnh Tường, ta có thể hình dung được các giáo sư đại học như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, đã phải trải qua những kỷ luật như thế nào, và hiểu được cuộc sống cách ly, đói khát, luôn luôn bị theo dõi của họ trong hơn ba mươi năm sa mạc.

Cuốn nhật ký Trần Dần ghi[8] chép những việc hàng ngày đặc biệt trong thời kỳ: Cải Cách Ruộng Đất và cuộc thanh trừng sau NVGP. Nếu Un Excommunié của Nguyễn Mạnh Tường là bản chúc thư[9] gửi cho thế hệ mai sau về sự đối đầu của một trí thức trước áp lực cách mạng, thì nhật ký Trần Dần ghi là những suy nghĩ và sinh hoạt hàng ngày của một nhà thơ đã chịu nhận mọi tội để mong được tha thứ, muốn được trở lại sống bình thường như mọi người, nhưng vô hiệu. Tiểu thuyết Une voix dans la nuit – Tiếng vọng trong đêm mô tả các giai đoạn chính trong thời kỳ xây dựng chế độ toàn trị ở Việt Nam.

Bộ băng Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè, ghi âm trong khoảng thời gian 1998-2008, bộc lộ nhiều sự kiện chưa từng thấy ở những tài liệu khác. Hoàng Cầm nói rất dài, rất nhiều chi tiết, ở những thời điểm khác nhau, đôi khi về cùng một sự kiện nhưng có những chi tiết thay đổi; nên chúng tôi không thể trích đoạn, chỉ tóm tắt những ý chính, viết gọn lại, giữ nguyên giọng Hoàng Cầm. Đây là một tư liệu quan trọng về bi kịch NVGP, về những gì xẩy ra trong hậu trường, về sự bắt bớ, giam giữ, tù đầy, tra khảo, hăm dọa, mà Hoàng Cầm đã trải qua năm 1982-1983 vì tập thơ Về Kinh Bắc, về trách nhiệm của giai cấp lãnh đạo dưới thời Hồ Chí Minh và sau Hồ Chí Minh.

Hoàng Văn Chí và Trăm hoa đua nở trên đất Bắc
Hoàng Văn Chí, tức Mạc Định, tác giả Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, cho biết: “Ở Hà Nội ra đi đầu năm 1955, tôi đã hẹn với các bạn ở lại là hễ có dịp sẽ nói lên tiếng nói của họ”, “Tôi làm việc một mình”, “Tôi liên lạc được với một ủy viên trong Ủy ban kiểm soát đình chiến. Họ đi Hà Nội như đi chợ. Mỗi tuần họ cắp về Sài Gòn cho tôi tất cả báo chí xuất bản ở Hà Nội”, “Tôi làm việc trong hai năm 56-58”. “Bộ Thông Tin và nói chung, chính quyền Sài Gòn không hề giúp. Lý Trung Dung đến chào Bộ Thông Tin, yêu cầu mua cho một số, nhưng chẳng mua một cuốn nào”. “Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá ở Việt Nam là một chi nhánh của một tổ chức quốc tế, tên là Congress for Cultural Freedom, trụ sở trung ương ở 104 Boulevard Haussmann, Paris. Bác sĩ Lý Trung Dung làm chủ tịch. Tội nghiệp, chỉ vì làm chủ tịch Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá mà phải đi cải tạo đến nay [1986] chưa được thả”. “Trước khi đưa in, Lý Trung Dung nghe nói có người gần ông Diệm ngờ rằng tôi soạn cuốn Trăm hoa đua nở là có ý xúi dục trí thức miền Nam bắt chước trí thức miền Bắc nổi lên chống lại chế độ. Vì vậy nên Lý Trung Dung bàn với tôi nên để bút hiệu Mạc Định là soạn giả. Chỉ ký tên Hoàng Văn Chí vào bài Tựa[10]”.

Nhưng tại sao Hoàng Văn Chí lại đặc biệt lưu ý đến NVGP? Ai là những người “ở lại” mà ông đã hứa sẽ nói lên tiếng nói của họ? Tìm sâu hơn về liên hệ gia đình giữa Hoàng Văn Chí và Phan Khôi, chúng ta sẽ thấy câu trả lời:

Sở Cuồng Lê Dư kết hôn với em ruột Phan Khôi, có ba người con gái: cô đầu, Hằng Phương, gả cho nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, cô thứ nhì, Hằng Huân, là vợ Hoàng Văn Chí và cô út, Hằng Phân là vợ Tướng Nguyễn Sơn. Nữ sĩ Hằng Phương, sau này viết bài đả kích mạnh mẽ NVGP, rất có thể vì thế, mà bà Hằng Huân đã là một trong những động cơ thúc đẩy Hoàng Văn Chí thu thập tài liệu và viết về NVGP.

Tác phẩm của Hoàng Văn Chí, cho đến nay vẫn là tác phẩm đầy đủ nhất về phong trào NVGP, nhưng ba người Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu và Lê Đạt bị loại, có thể ông không tin họ vì Nguyễn Hữu Đang đã từng là người tin cẩn của Hồ Chí Minh, Lê Đạt là bí thư của Trường Chinh và Trương Tửu là nhà phê bình lý luận Mác-Xít. Phần lớn những thành viên khác đều có mặt, với một tiểu sử khá đầy đủ, với những chi tiết đáng quý và những bài viết tiêu biểu của họ trong thời kỳ NVGP, đặc biệt tiểu sử Phan Khôi và Văn Cao, với các chi tiết hiếm, mà hiện nay không tìm thấy ở đâu. Sau này, ở trong nước không thiếu sách viết về Văn Cao, Phan Khôi, nhưng thường tô hồng, hoặc cắt xén, vo tròn, ít thấy sự thật.

Nhưng tác phẩm của Hoàng Văn Chí cũng có một số nhược điểm:

– Không phải là người trong cuộc, và đã rời miền Bắc từ đầu 1955, cho nên có một số chi tiết ông viết sai.

– Về mặt biên tập, Hoàng Văn Chí, đã cắt hoặc không chọn những bài, những đoạn có những câu chữ quá khích mà các tác giả trong NVGP lên án “tội ác Mỹ Diệm“, hoặc ca tụng Đảng Cộng sản. Đặc biệt bài Nhất định thắng của Trần Dần, ông đã bỏ những câu, những đoạn sắt máu, có tính cách khẩu hiệu, tuyên truyền, khiến cho tác phẩm hay hơn, nhân bản hơn, được độc giả miền Nam chấp nhận, nhưng đã làm lệch ý Trần Dần ở thời điểm ấy. Bản in lại trong Trần Dần thơ[11] mới đây, là bản Hoàng Văn Chí.

Ngày nay, chúng ta đã có khoảng cách để phân tích tư tưởng của mỗi thành viên, qua các văn bản gốc mà họ để lại trên báo Nhân Văn, sách Giai Phẩm. Một mặt khác, qua nhân chứng của các thành viên, chúng ta có thể tái tạo lại diễn biến của phong trào: ai làm gì, ai giữ trách nhiệm gì.

Đối chiếu những nhân chứng này với lời buộc tội của những ngòi bút chính thống đánh họ, in trên các báo chính thức trong thời kỳ này, mà Lại Nguyên Ân đã có công sưu tầm, chúng ta có thể nhìn ra nhiều khía cạnh của sự thật hơn.

● Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận
Cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận là tài liệu đầu tiên, tập hợp những trích dẫn bài viết hoặc diễn văn tố cáo, buộc tội NVGP. Phần cuối sách, có một chương nhỏ trích “những lời thú tội” của các thành viên NVGP, còn toàn thể dành cho phía công tố “phát hiện tội“, với những lời lẽ vô cùng khiếm nhã, khó thể mường tượng được, từ miệng hoặc từ ngòi bút của giới được gọi là “trí thức văn nghệ sĩ” đối với các đồng nghiệp và bạn hữu của mình đã tham gia NVGP.

Tập tư liệu dày 370 trang này rất hữu ích về mặt lịch sử và văn học sử, mở ra nhiều khía cạnh của vấn đề NVGP: về tầm vóc của phong trào, về không khí đàn áp thời đó, về mức độ khốc liệt của lớp đấu tranh Thái Hà mà Lê Đạt mô tả tường tận trong các bài phỏng vấn trên RFI. Đồng thời, nó cũng gián tiếp trả lời một số lập luận, cố tình hạ thấp hoặc thu gọn tầm vóc NVGP thành một cuộc “đánh đấm nội bộ“, tranh giành thế lực cá nhân, không liên hệ gì đến vấn đề tự do tư tưởng.

Những bài luận tội có tính cách hạ nhục NVGP của 83 văn nghệ sĩ và các đoàn thể, báo chí, nhân dân và các vị cao quyền trong Đảng như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Hồng Cương, Nguyễn Văn Bổng, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Hồ Đắc Di, Vũ Đức Phúc, Quang Đạm, Bàng Sĩ Nguyên, Ngụy Như Kontum, Hằng Phương, Lương Xuân Nhị v.v… phản ảnh rất rõ tư cách của người tố. Có thể nói, qua những “văn bản tố“, các tác giả đã để lại tư cách của mình trong ký ức dân tộc. Sau cùng, nhờ cách sắp xếp thứ tự “những tên đầu sỏ” mà chúng ta biết được thứ tự “tội” nặng, “tội” nhẹ, của mỗi người.

Những buổi phỏng vấn trên RFI
Ngày 13/4/1999, trong dịp nhà thơ Lê Đạt sang Pháp lần thứ nhì, chúng tôi đề nghị ghi âm ông, mong ông soi tỏ những chỗ chưa được các tài liệu trước đề cập đến, hoặc viết sai. Buổi nói chuyện -thu thanh với chủ đích giữ lại làm tài liệu văn học sử– tuy mang tính cách cá nhân nhưng có hệ thống về NVGP. Chúng tôi đề nghị ông nói thẳng, nói thật hết và cam kết là sẽ chỉ công bố sau khi ông qua đời, bởi ông không định viết hồi ký.

Đầu năm 2004, sau khi thực hiện chương trình phát thanh kỷ niệm 50 năm trận Điện Biên Phủ (1954-2004) với Hữu Mai trên đài RFI, chúng tôi dự định làm thêm một chương trình kỷ niệm 50 năm phong trào NVGP (nếu coi 1954 là thời điểm manh nha) nên đã cố gắng liên lạc với Lê Đạt qua điện thoại Paris – Hà Nội, để làm một cuộc phỏng vấn ngắn gọn có tính cách thời sự, phù hợp với đề tài này, nhưng không thể thực hiện được, vì ông chỉ nói được vài câu là đường dây bị nhiễu.

Sau nhiều tháng phân vân, cuối cùng, với sự đồng ý của Lê Đạt, chúng tôi quyết định cho phát trên sóng RFI, toàn bộ buổi nói chuyện với ông đã thu ngày 13/4/1999 tại Paris. Do đó mà tài liệu văn học sử này đã đến với thính giả RFI và độc giả sớm hơn dự tính.

Lần đầu tiên, toàn bộ lời kể của một thành viên cột trụ trong NVGP được công bố.

Bên cạnh Lê Đạt, còn có tiếng nói của hai nhân vật chủ chốt khác trong phong trào, đó là cuộc phỏng vấn Nguyễn Hữu Đang về việc ông tổ chức ngày lễ Độc Lập, nhân dịp kỷ niệm ngày 2/9/1945. Buổi nói chuyện này thu thanh qua điện thoại nhà Lê Đạt ngày 30/8/1995 và được phát thanh trên đài RFI ngày 10/9/1995. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, chúng tôi có thể ghi âm được Nguyễn Hữu Đang. Tất cả những cố gắng về sau đều vô hiệu: ông chỉ nói được vài câu là đường dây bị nhiễu.

Thính giả nghe các chương trình này, đều nhận thấy sự trả lời của Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm qua điện thoại Paris – Hà Nội, không đạt mức độ tự do như các cuộc nói chuyện trực tiếp với Lê Đạt ở Paris. Nhưng cả ba chứng nhân, cũng là ba người đầu tiên đã xây dựng nên phong trào NVGP cùng đồng quy ở điểm nói thẳng, nói thật. Có những câu hỏi cùng đặt cho Hoàng Cầm và Lê Đạt ở những thời điểm khác nhau, nhưng sự trả lời gần như tương tự.

Sau cùng là nhân chứng Trần Duy. Hoạ sĩ Trần Duy đã liên lạc với chúng tôi từ nhiều năm qua, ông cho biết đã nghe những chương trình trên đài RFI về phong trào NVGP, có những điều ông muốn nói, nhưng cơ hội chưa thuận tiện. Tháng 6/2008, Trần Duy quyết định lên tiếng. Chúng tôi đã ghi âm ông qua điện thoại Paris – Hà Nội, không bị trở ngại gì. Như thế, chúng ta có thêm nhân chứng của Trần Duy, cựu thư ký toà soạn báo Nhân Văn.

Nếu trong những bài viết trên báo hoặc các chương trình phát thanh, từ 1988 đến ngày nay, còn có những thiếu sót, sai lầm, thì, những chứng nhân quan trọng của Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, đã đính chính và bổ sung. Các ông thay mặt những người đã khuất, viết lại lịch sử của phong trào và lần này, không ai có thể ngăn ngừa sự thật.

Tất nhiên, mỗi người có một sự thực của riêng mình, về mỗi dữ kiện, mỗi vấn đề. Thời gian trôi qua, ký ức cũng có đôi chỗ sai biệt, nhưng những sai biệt ấy, nếu có, thường là những chi tiết không mấy quan trọng. Độc giả sẽ rút ra từ những sự thực có thể khác nhau ấy, phần tổng kết riêng của mình, về phong trào NVGP[12].

Phần phát biểu của nhà thơ Lê Đạt (ghi âm tại Paris ngày 13/4/1999) cho đến nay, vẫn là chứng từ quan trọng nhất và đầy đủ nhất về lịch sử phong trào NVGP.

Lê Đạt mất ngày 21/4/2008 tại Hà Nội.

Những năm gần đây trang điện tử Talawas do Phạm Thị Hoài chủ biên, đã cho in lại và lưu trữ trên mạng Internet toàn bộ sách báo NVGP. Lại Nguyên Ân sưu tầm những bài viết trên các báo chính thức thập niên 60, liên quan đến phong trào NVGP và đưa dần lên Internet. Những tư liệu này góp phần sáng tỏ thêm, giúp các nhà nghiên cứu sau này có thể xây dựng lại toàn diện bối cảnh phong trào NVGP.

Từ tháng 4/1988, khi chúng tôi viết những dòng đầu về Nhân Văn Giai Phẩm đến nay đã hơn hai mươi năm. Chuyên luận này tưởng như hoàn tất một chương trình tìm kiếm lâu dài, nhưng thực ra nó lại là khởi điểm cho một cuộc tìm kiếm mới về những gì đã thực sự xẩy ra, trong thời kỳ kháng chiến và hoà bình lập lại ở miền Bắc. Bởi càng đi sâu vào vấn đề, càng thấy rõ những khoảng trống chưa thể lấp được, về Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao, Thụy An… và bao nhiêu con người và sự kiện khác nữa, mà chúng tôi không ngờ khi mới bắt tay vào việc.

Những gì chúng ta góp nhặt được về họ, ngoài những văn bản do chính họ đã viết ra, đôi khi lượm lặt được vài ba dòng nhật ký người này, hồi ký người kia, cũng chỉ là một phần rất nhỏ của sự thật. Không kể những loại hồi ký, đã bị cắt xén hoặc được sửa lại cho đúng đường lối, hoặc những di cảo trá hình, viết để tự biện hộ, để đổi lấy bản thông hành đi vào vĩnh cửu. Cho nên người nghiên cứu phải vô cùng thận trọng khi tìm và lựa thông tin, phân biệt thật giả trong tư liệu. Tìm tư liệu không khó trong thời buổi Internet này, nhưng sử dụng tư liệu để dựng lại sự thật là một việc khác hẳn.

Làm sao biết được hoạt động chính trị của Lê Đạt trước khi gia nhập Việt Minh? Lê Đạt đã ở trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng?

Theo Văn Cao, thì Phạm Duy là người đầu tiên dẫn ông liên lạc với Việt Minh, Phạm Duy cũng là người chứng kiến sự ra đời của bài Tiến Quân Ca, là người “cướp” micro trước cửa Nhà Hát Lớn ngày 17/8/1945 để hát Tiến Quân Ca lần đầu trước công chúng. Nhưng khi viết hoặc in lại hồi ký của Văn Cao về Tiến Quân Ca, người ta đã cắt bỏ tất cả những chi tiết nói về Phạm Duy, có chỗ thay bằng Nguyễn Đình Thi.

Một mặt khác, ngay chính Lê Đạt và Phạm Duy, vì an ninh của bản thân và của gia đình, các ông đã không thể nói tất cả sự thật, càng không thể viết ra trên văn bản.

Chúng ta biết gì về hoạt động của Thụy An? Về “mối tình đầu” của Thụy An với Võ Nguyên Giáp? Về những bí mật giữa Thụy An và Đỗ Đình Đạo, một yếu nhân Quốc Dân Đảng? Tại sao Thụy An quay trở lại Bắc, trong khi gia đình bà di cư vào Nam? Những bí mật ấy, tuy chỉ là những chi tiết, có vẻ không quan trọng, nhưng ngày nay, những người muốn biết sự thực, phải có quyền được biết.

Nếu biết được những chi tiết ấy, chúng ta sẽ thấy tất cả những hoạt động đảng phái thời kháng chiến chống Pháp không đơn giản bên này yêu nước, bên kia bán nước. Mà bất cứ một cá nhân nào, dù văn nghệ sĩ trí thức hay không, cũng có thể theo hai ba đường chính trị khác nhau, trong hành trình sống của mình. Chỉ khi đảng Cộng sản quyết định độc quyền lãnh đạo, độc tôn xã hội chủ nghiã, các khuynh hướng chính trị khác mới trở thành phản động.

Vấn đề của người nghiên cứu là phải tìm hiểu những đầu mối đan cài vô cùng phức tạp giữa các khuynh hướng chính trị, văn hoá khác nhau, trong mối tương giao không xé ra được.

Những người kháng chiến ngoài Đảng hoặc chống Đảng, bị chế độ kết án chung thân, phải chối bỏ lẫn nhau và phủ nhận toàn bộ hành trình của mình, trên đường tranh đấu cho độc lập, tự do, dân chủ.

Bi kịch của họ phản ánh bi kịch chung của dân tộc dưới chế độ cộng sản.

______________________________________________

[1] Nay là nxb Chính Trị Quốc Gia.

[2] Georges Boudarel (1926-2003), nhà giáo, đảng viên cộng sản Pháp, sang Việt Nam năm 1947 với mục đích tranh đấu chống chính quyền thực dân. Sau hai năm dạy học tại Sài Gòn, Boudarel theo Việt Minh, đặc trách nhiệm vụ “cải tạo” tù nhân Pháp ở trại 113. Năm 1966, vì không còn đồng ý với chính quyền Hà Nội, ông trở về Pháp.

[3] In trên hai tập san: Sudestasie (số 50 tháng1/1988) và Politique Aujourd’hui en Europe (phụ bản 1/1989).

[4] Do Jacques Bertoin in năm 1991 tại Paris.

[5] Lê Đạt, Hoàng Cầm đã đính chính qua các buổi trả lời phỏng vấn RFI.

[6] Với tiểu tựa: Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel – Hà Nội 1954-1991: Kết án một nhà trí thức, Quê Mẹ, Paris, 1992.

[7] Chưa in, với tiểu tựa: Roman sur le Viet Nam 1950-1990 – Tiểu thuyết về Việt Nam từ 1950 đến 1990.

[8] Văn Nghệ, California, 2001.

[9] Viết năm 1991, ở tuổi 82.

[10] Phỏng vấn cụ Hoàng Văn Chí, Từ Nguyên thực hiện, Tự Do số 50, ngày 16/11/1986, phát hành tại Bỉ.

[11] Nxb Đà Nẵng, 2008.

[12] Những buổi phỏng vấn các thành viên chính của NVGP, phát thanh trên RFI, từ 1995 đến 2008: Nguyễn Hữu Đang (10/9/1995), Hoàng Cầm (21/2/1998 đến 10/1/2004, 4 kỳ), Lê Đạt (từ 24/3/2004 – 5/6/2004, 7 kỳ) và Trần Duy (26/6/2008-26/7/2008, 4 kỳ), đều được lưu trữ trên mạng http://thuykhue.free.fr

© 1984-2012 Thụy Khuê

More Stories From Tội Ác Cộng Sản

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh