Thi Sĩ CAO TẦN
Posted by Luu HoanPho, Jan 24, 2016, Comments Off
Lời tựa của Tạp chí Dân Văn: Lê Tất Điều sinh ngày 02 tháng 8 năm 1942 tại Hà Đông, bút hiệu Cao Tần (làm thơ), Kiều Phong (viết báo). Truyện ngắn, truyện dài dùng tên thật. Ông đã đoạt giải Văn Chương toàn quốc của Tổng Thống VNCH.
Lê Tất Điều vào Nam năm 1954. Ông là sĩ quan quân lực Việt Nam cộng hòa. Năm 1975, ông đến Hoa Kỳ và hiện cư ngụ tại San Diego.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Khởi Hành, 1961
– Kẻ Tình Nguyện, 1963
– Quay Trong Gió Lốc, 1965
– Đêm Dài Một Đời, 1966
– Phá Núi, 1968
– Người Đá, 1968
– Những Giọt Mực, 1970
– Anh Em, 1970
– Thơ Cao Tần, nhà xuất bản Bút Lửa, 1977 (tái bản nhiều lần)
– Thư về Bloomington, Illinois, nhà xuất bản Văn Nghệ, 1997
– Letters to Bloomington, Illinois, tác giả tự xuất bản,
Tập thơ Cao Tần được xem là tập thơ ăn ý nhất, vì giá trị nghệ thuật đã đành, và còn vì nội dung diễn tả đúng tâm trạng của người Việt di tản.
Germany, 24/1/2016- LÝ TRUNG TÍN
————————————-
Nhà văn Lê Tất Điều và tập thơ Cao Tần
Từ khoảng 15, 16 tuổi tôi đã bắt đầu viết một số chuyện cho các báo hàng ngày như là viết” Mỗi ngày một chuyện” cho báo Ngôn Luận của ông Hồ Anh. Viết một số truyện cho bà Bút Trà trong phụ trương đặc biệt của báo Sài Gòn Mới.
Viết một cách nghiêm chỉnh là sau khi có một truyện gắn đăng trên tạp chí Bách Khoa, sau đó có dịp các nhà văn như là ông Võ Phiến, ông chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Bách Khoa là ông Lê Châu. Được sự khuyến khích của họ và bắt đầu quen thuộc với không khí văn chương, và lúc này là lúc bắt đầu vào khoảng 17, 18 tuổi gì đó…
Quý vị vừa nghe một vài tự thuật của nhà văn Lê Tất Điều trong buổi đầu gia nhập làng báo. Ông nổi tiếng sau đó với nhiều tác phẩm văn chương qua nhiều thể loại, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết. Truyện ngắn đầu tiên mang tên Cỏ Hoang được độc giả của báo Bách Khoa nồng nhiệt đón nhận đã tạo cơ hội cho ông chính thức bước vào giới văn chương Việt Nam mà lúc đó rất nhiều người mong ước. Tạp chí Bách Khoa có công phát hiện ra nhà văn Lê Tất Điều khi cho in tập truyện ngắn đấu tiên của ông:
Tạp chí Bách Khoa có in cho tôi một tập truyện ngắn nhan đề là Khởi Hành. Lúc đó vào khoảng năm 1962-1963….
Kiều Phong xuất hiện vào năm 1969 tại Sài Gòn là bút hiệu chung của nhiều người viết trong mục “Vui buồn với bạn đọc” nơi một tờ báo do nhà thơ Trần Dạ Từ chủ trương. Kiều Phong, thật ra là tên của một nhân vật tiểu thuyết kiếm hiệp rất nổi tiếng trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung. Tính chất anh hùng, quân tử, ngang tàng của Kiều Phong đã ăn sâu vào hàng triệu tín đồ của tiểu thuyết Kim Dung và khi chọn bút hiệu này thì người viết đã chọn những đề tài nảy lửa, chống lại những bất công xã hội mà thời nào cũng có.
Bút hiệu Kiều Phong thật ra nó xuất hiện trước ông Cao Tần rất nhiều. Tôi nhớ năm đó vào khoảng 1969….
Nhưng có lẽ được nhiều người biết hơn cả là tập thơ mang tên “Cao Tần” xuất hiện vào năm 1978. Tên của tập thơ cũng chính là một bút hiệu khác của Kiều Phong và Lê Tất Điều sau khi ông sang Hoa Kỳ vào thời gian đầu tiên của loạt người tỵ nạn tại Mỹ. Làm thơ có lẽ là một chọn lựa không mấy khó khăn đối với nhà văn Lê Tất Điều, ông kể lại:
Tự nhiên tôi không có cảm hứng viết truyện ngắn nữa. Thế rồi thơ nó lôi cuốn, bởi vì trong bài thơ công việc sáng tác nó ngắn hơn nó không đòi hỏi thời gian nhiều…
Tập thơ Cao Tần nhanh chóng được độc giả hải ngoại nồng nhiệt đón nhận vào những ngày đầu tiên của người Việt tha hương, đặc biệt là những người từng phục vụ trong quân đội. Trong Cao Tần, người đọc thấm thía nỗi buồn của những kẻ chiến bại. Tâm lý thua cuộc là một tâm lý bi thảm nhất sau chiến tranh. Nỗi buồn đeo đuổi như bị ma ám cộng với đời sống mới lạ lẫm đã kéo người ta lại với nhau như một yếu tố khởi đầu của tính bầy đàn. Ngồi lại để chia sẻ mọi thứ, từ kỷ niệm cho đến buồn phiền. Từ đời sống thường nhật bấp bênh cho đến những ước ao hoang tưởng.
Thơ Cao Tần được nhiều người đón nhận bởi ngôn ngữ của nó thể hiện hơn là những gì chứa đựng bên trong. Ngôn ngữ trong thơ Cao Tần mang đậm tính tự trào lại phảng phất nét quyến rũ của chất anh hùng ca từ nhân vật Kiều Phong mà tác giả đã có cơ hội nhiều năm tiếp xúc. Có lẽ sự hòa trộn giữa ngôn ngữ chắt lọc thi ca và tính phán xét lạnh lùng, mạnh mẽ của loại văn chính luận đã khiến thơ Cao Tần có được sự hấp dẫn kín đáo nhưng ngấm ngầm dữ dội đã khiến người đọc khó thể bỏ qua khi đã đọc những dòng chữ đầu tiên:
Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai
Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận
Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng
Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất
Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không
Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
Nay đất khách kéo lê đời rất nản
Ta tính sẽ về vượt suối trèo non…
Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
Và cờ bay trên đất nước xinh tươi
Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao…
Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la…
Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm
Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?
Thanh Quang vừa đọc cho chúng ta nghe bài thơ mang tên “Ta Làm Gì Cho Hết Nửa Đời Sau” được Cao Tần làm vào tháng 3 năm 1977. Nếu nói bài thơ này là đại diện cho thi pháp của toàn tập thơ Cao Tần thì cũng không là quá lời. Ở cái tựa, người đọc cảm thấy hình như chất cay đắng từ tâm hồn của chính mình tan vào bài thơ, và rồi bài thơ trở thành tấm kính vạn hoa luân chuyển, nhảy múa theo âm điệu; khi nhanh khi chậm của một tiệc rượu cuối tuần.
Mà không, dùng chữ “tiệc rượu” trong hoàn cảnh của bài thơ nghe ra sang trọng quá. Phải gọi là “nhậu” thì mới diễn tả chính xác cái sân khấu đời mà Cao Tần đang tả. Tấm kính vạn hoa đã phản chiếu số phận của những người ngồi quanh bàn nhậu phơi ra từng tâm trạng, từng ngữ điệu hay cử động trong mỗi vai diễn. Những nhân vật vừa là tráng sĩ vừa là dân thất nghiệp và cũng có khi vừa lãnh trợ cấp trong những ngày đầu nơi xứ lạ quê người. Nâng chai cũng như nâng tất cả xót xa và gắng gượng dùng những hình ảnh vĩ đại của nước Mỹ như tượng Nữ Thần Tự Do để dè bỉu cho chính thân phận mình.
Từ bàn nhậu bước ra, nhân vật của Cao Tần tìm sự thanh thản ở thiên nhiên. Kết quả là thiên nhiên kéo nạn nhân trở về những hình ảnh mà họ muốn chôn vùi hay ít ra là muốn quên trong giây lát:
Ta đã vượt muôn dặm dài biển cả
Ðường tử sinh lui tới cũng đôi lần
Bỗng bình minh này ngồi thuyền, câu cá
Trôi dật dờ như lá trên hồ xanh
Hỡi chú cá rong chơi miền nước biếc
Ta vượt đường muôn dặm chẳng tìm nhau
Bày đặt buông cần mà quên thương tiếc
Cho đời êm, qua được mấy giờ đau
Cao Tần có thảnh thơi hay không khi tìm thú vui mà người sống ở Mỹ thường có là thú đi câu? Nhà thơ đi câu với tâm trạng không mấy tin rằng mình sẽ hòa vào với thiên nhiên khi nghi ngờ rằng trò đi câu chỉ là bày đặt,
Bày đặt buông cần mà quên thương tiếc
Cho đời êm, qua được mấy giờ đau
ngay cả cây cối cũng bị nhà thơ vực dậy để mà tra vấn:
Nói nghe coi này cổ thụ ven hồ
Kể từ những trăm năm dài đứng đó
Có gặp khi nào một kẻ xác xơ
Lòng sầu hận hơn kiếp người da đỏ
Ðời đang bão khi không chìm lặng ngắt
Như cành khô nằm chết đáy sông sâu
Ðời đang dậy sóng thần lên bát ngát
Bỗng vùi yên đáy biển một thân tàu
Và móc đời lên cần câu vớ vẩn
Ðem dìm chơi trong đáy nước rong rêu
Tuổi chưa nặng hồn đã chừng ngơ ngẩn
Lòng vàng khô hơn chiếc lá đưa vèo?
Thiện Giao vừa đọc bài thơ Câu Cá của Cao Tần được sáng tác vào tháng 11 năm 1977.
Cao Tần còn nhiều bài thơ tự vấn nữa nhưng tiếc rằng khuôn khổ thời gian của tạp chí không cho phép chúng tôi giới thiệu thêm. Có điều là đọc thơ Cao Tần người ta không cảm thấy nhức đầu với những chữ những nghĩa rối rắm. Thơ Cao Tần vừa vui vừa buồn. Vừa tĩnh lặng như thiền sư vui tính lại cũng đậm đặc chất hào sảng của những tâm hồn sương gió. Không nhức đầu nhưng thơ Cao Tần gợi mở rất nhiều kỷ niệm. Mà kỷ niệm của những người xa xứ thì có được mấy niềm vui?