Nếu máy bay Mỹ tấn công từ Guam, TQ không cách nào chống đỡ
Posted by Luu HoanPho, Jan 28, 2016, Comments Off
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát trên không, chưa có nước nào có thể đuổi kịp được Mỹ.
Tờ People của Trung Quốc cho hay, đã có 14 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 hiện đại của Không quân Mỹ triển khai đến căn cứ Yokota của quân đội nước này tại Nhật Bản. Ngoài ra, còn có hơn chục chiến đấu cơ F-16 bay từ Alaska đến Yokota.
Hình trên: căn cứ không quân Kadena của Mỹ ở Nhật Bản
Kế hoạch triển khai này, một mặt giúp Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Tây Thái Bình Dương, mặt khác cho thấy quân đội của họ (Mỹ) đang đối mặt với thách thức từ phía quân đội Trung Quốc tại đây.
Tuy nhiên, trao đổi với đài truyền hình CCTV-4, chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát trên không, chưa có nước nào có thể đuổi kịp được Mỹ.
Máy bay chiến đấu thế hệ mới của nước này có bán kính tác chiến lên tới 5.000km, từ phía Đông của đảo Guam có thể tấn công mục tiêu sâu bên trong đất liền Trung Quốc và Bắc Kinh vẫn chưa có phương thức ứng phó hiệu quả.
Theo đài CCTV-4, trong thời gian 48 tiếng, Không quân Mỹ có gần 30 chiến đấu cơ hiện đại triển khai đến tuyền đầu Tây Thái Bình Dương, phù hợp với mục tiêu “tăng cường hiện diện” tại khu vực Tây Thái Bình Dương gần đây của quân đội Mỹ.
Được biết, cái gọi là “quyền kiểm soát trên không” chính là quân đội Mỹ có thể tấn công đối phương từ trên không, mà không bị đối phương tấn công.
Nhưng theo CCTV-4, hiện nay tại Tây Thái Bình Dương, tầm bắn của hệ thống phòng không Trung Quốc đang không ngừng tăng, trong khi chiến đấu cơ phục vụ trong không quân Mỹ vẫn chủ yếu là máy bay thế hệ 4, tầm bay hạn chế.
Điều quan trọng là chiến đấu cơ của quân đội Mỹ tại Tây Thái Bình Dương thường phải cất cánh từ căn cứ tại Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi hiện tại 5 căn cứ của Không quân Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.
Ngoài ra, các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ có thể thực hiện tấn công từ xa nhưng do Trung Quốc trang bị nhiều chiến đấu cơ thế hệ 4 và hệ thống phòng không hiện đại nên hoạt động của chúng tại Tây Thái Bình Dường gặp nguy hiểm càng cao.
Tuy nhiên, ông Doãn Trác cho rằng, trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát trên không, Mỹ vẫn mạnh nhất, không có nước nào có thể sánh được với họ.
Máy bay chiến đấu thế hệ 5 của quân đội Mỹ đã được sản xuất hàng loạt và trang bị với số lượng lớn. Tuy trong tương lai, chiến đấu cơ thế hệ 5 của Trung Quốc có thể thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, quân đội Mỹ có hơn 180 tiêm kích F-22, có thể phát huy vai trò quan trọng trong bất kỳ hoạt động quân sự quy mô lớn nào.
Ngoài ra, chiến đấu cơ thế hệ 6 và máy bay không người lái thế hệ mới như X-47B mà Mỹ đang nghiên cứu đều có bán kính tác chiến hơn 5.000km.
Điều này có nghĩa, trong tương lai máy bay Mỹ có thể cất cánh từ phía Đông đảo Guam để tấn công mục tiêu sâu trong đất liền Trung Quốc.
Hiện Bắc Kinh vẫn chưa có phương thức hiệu quả nào để đối phó loại vũ khí này.