Kế hoạch chính của Trung Quốc để triệt hạ hải quân Mỹ
Posted by Luu HoanPho, Feb 1, 2016, Comments Off
National Interest.– Theo nhà phân tích Harry J. Kazianis, đây là những loại vũ khí TQ khiến các nhà hoạch định chiến lược Mỹ thực sự lo ngại và thậm chí chưa có giải pháp tối ưu để vô hiệu hóa chúng.
Khi các sĩ quan Trung Quốc lên giường vào buổi tối, họ sợ nhất điều gì?
Theo nhà phân tích Harry J. Kazianis thuộc National Interest, bất chấp tất cả nỗ lực cải tổ và hàng tỷ USD rót vào ngân sách, không lính hải quân nào của Trung Quốc muốn đối đầu với Hải quân Mỹ.
Trong cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1995-1996, “cơn ác mộng” của Bắc Kinh đã suýt thành hiện thực.
Khi đối mặt với một cường quốc quân sự có thể điều động hàng loạt tàu chiến và triển khai lực lượng từ nhiều khu vực (khả năng mà chưa quốc gia nào trong lịch sử có được), Trung Quốc chỉ đơn giản là không đấu lại nổi.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra lo ngại về các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ (CBG) và khả năng của chúng trong việc vô hiệu hóa những gì mà đội quân nhỏ bé của Bắc Kinh có thể dùng để “khoe cơ bắp” tại Đài Loan.
Đã từng có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc không thể tìm ra vị trí của các tàu sân bay Mỹ và đây chắc chắn là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, đó là quá khứ. Cuộc khủng hoảng Đài Loan rõ ràng đã định hình tư tưởng của Bắc Kinh trong lĩnh vực phát triển các loại vũ khí có thể mang lại lợi thế phi đối xứng.
Ngày nay, Trung Quốc đã có thể tạo ra mối đe dọa lớn đối với Mỹ. Vậy nước này sẽ dùng những vũ khí nào để đối phó Hải quân Mỹ nếu xảy ra xung đột?
Danh sách dưới đây là những loại vũ khí Trung Quốc khiến các nhà hoạch định chiến lược Mỹ thực sự lo ngại (và thậm chí chưa có giải pháp tối ưu để vô hiệu hóa chúng).
Thủy lôi
Ước tính Trung Quốc có từ 80.000 – 100.000 quả thủy lôi, chiếm số lượng nhiều nhất trên thế giới.
Công bằng mà nói, Trung Quốc không có khả năng triển khai tất cả số thủy lôi này cùng một lúc và sẽ phải tìm cách triển khai chúng tại những vùng biển tranh chấp như quanh Đài Loan hoặc ở Biển Đông.
Nước này có thể sử dụng tàu thuyền dân sự với số lượng nhỏ để hạn chế nguy cơ bị phát hiện.
Tuy nhiên, như lịch sử đã cho chúng ta thấy, thủy lôi không cần phải quá tiên tiến hoặc không cần tới số lượng nhiều mới gây ra được tổn hại lớn cho mục tiêu và Bắc Kinh hiểu rõ điều này.
Như nhà phân tích Lyle Goldstein trên tạp chí National Interest từng đề cập, vài năm trước, một vị giáo sư thuộc Học viện tàu ngầm Qingdao của Trung Quốc đã phát biểu rằng thủy lôi vẫn đóng vai trò quan trọng trong tư tưởng tác chiến hải quân của Trung Quốc.
Nhắc lại vụ việc tàu hộ vệ USS Samuel B Roberts (lớp Oliver Hazard Perry) của Mỹ bị hư hại nặng do thủy lôi của Iraq vào năm 1988, vị giáo sư này cho biết thậm chí một chiếc tàu cá nhỏ với những cải tiến đơn giản cũng có thể tiến hành phong tỏa bằng thủy lôi.
Trước đó, theo bài viết trên tạp chí Popular Science (PopSci – Mỹ) năm 2014, thủy lôi là loại vũ khí đã gây nhiều thiệt hại cho tàu chiến Hải quân Mỹ trong vòng 60 năm qua.
Kể từ thế chiến II, đã có 15 tàu chiến của Hải quân Mỹ bị đánh chìm hoặc phá hoại bởi thủy lôi, nhiều hơn 4 lần mức độ thiệt hại do bất cứ loại vũ khí nào khác gây ra.
Tên lửa
Đừng vội xét đến tầm bắn và khả năng tấn công của tên lửa Trung Quốc, điều quan trọng ở đây là số lượng tên lửa có thể nhắm vào Hải quân Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng Đài Loan.
Hình trên: Tên lửa DF-21 của Trung Quốc
Dù có trong tay những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất trên thế giới nhưng nhiêu đó vẫn là chưa đủ để Mỹ đối phó với mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc. Thách thức này không dễ vượt qua.
Tất cả những gì Trung Quốc cần phải làm là tiến hành một cuộc tấn công dồn dập bằng tên lửa, bất chấp nó thuộc loại gì (tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo) hoặc được phóng từ đâu (trên bộ, trên biển hoặc trên không) để lấn át hàng phòng thủ Mỹ.
Cứ cho là các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể đánh chặn chính xác mỗi tên lửa mà nó ngắm bắn đi nữa thì số lượng hệ thống đánh chặn trên các tàu chiến Mỹ vẫn luôn là một con số cố định, dễ dàng bị đối phương đoán biết và áp đảo.
Vũ khí chống vệ tinh
Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể triển khai các loại vũ khí chống vệ tinh (ASAT) để đối phó Mỹ.
Hãy tưởng tượng, nếu Trung Quốc phóng tên lửa tấn công và phá hủy các vệ tinh của Mỹ trong quỹ đạo, liệu Washington có thể đối phó hiệu quả nếu không có những hệ thống hiện đại như GPS và thông tin liên lạc?
Đó là lý do tại sao nhiều người tỏ ra lo ngại trước vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc.
Tác giả: Harry J. Kazianis @ National Interest