Miến Điện : Phe dân chủ chính thức nắm đa số ở Quốc hội
Posted by Luu HoanPho, Feb 1, 2016, Comments Off
Tin REUTERS/RFI.- Miến Điện bước vào một thời kỳ mới, với việc các dân biểu Quốc hội mà đảng của bà Aung San Suu Kyi chiếm đa số nhậm chức. Quốc hội mới sẽ thành lập chính phủ đầu tiên từ cuộc bầu cử tự do tháng 11/2015, sau nhiều thập niên Miến Điện sống dưới chế độ quân phiệt.
Theo hãng tin AFP, ngày 01/02/2016, 390 các dân biểu thuộc đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã đến rất sớm để dự phiên họp khai mạc Quốc hội khóa mới.
Từ thủ đô Naypidaw, thông tín viên RFI Rémi Fave gởi về bài tường trình :
«Cả một đợt sóng màu cam. 390 dân biểu Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, với trang phục truyền thống áo veste màu cam bước vào Quốc hội Miến Điện. Với bà Aung San Suu Kyi ở hàng ghế đầu, các dân biểu Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ ngồi chung với 166 nghị sĩ thuộc phe quân sự trong tòa nhà Quốc hội gần như mới tinh, được xây dựng ở thủ đô hành chính Naypidaw. Đây là một thành phố gần như vắng vẻ, chẳng có gì hấp dẫn, cho dù tại đây có nhiều đại lộ rất rộng, có chỗ mỗi bên có đến 11 làn.
Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ chiếm đa số tuyệt đối ở Quốc hội. Do vậy, đảng của bà Aung San Suu Kyi sẽ bầu chọn bốn người làm chủ tịch và phó chủ tịch Quốc hội. Ba ứng cử viên cho những chức vụ này là những nhân vật thuộc các sắc tộc thiểu số. Một trong số các ứng cử viên là thuộc đảng của các cựu quân nhân đã lãnh đạo Miến Điện trong 5 năm qua, đảng đã thất cử nặng nề trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.
Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã chọn lựa những chính khách có gốc gác và lập trường chính trị rất khác nhau. Bà Aung San Suu Kyi muốn thành lập một chính phủ hòa giải dân tộc để tiếp tục tiến trình chuyển tiếp chính trị một cách êm thắm».
Sau khi được bầu làm chủ tịch Hạ viện, ông Win Nyint tuyên bố : « Hôm nay là một ngày trọng đại trong lịch sử chính trị Miến Điện mà chúng ta có thể tự hào ». Về phần tân nghị sĩ của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ Nyeint Thit thì cam kết « chúng tôi sẽ nỗ lực để nhân quyền được tôn trọng và hòa bình được vãn hồi».
Nhưng tất cả các dân biểu phe đối lập cũ thừa hiểu rằng trách nhiệm của họ rất nặng nề trong việc phát triển một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Hơn nữa, các dân biểu mới, chủ yếu gồm các bác sĩ, giáo viên và nhà thơ, chẳng có kinh nghiệm gì về nghị trường, ngoại trừ khoảng 20 người trong số họ, trong đó có bà Aung San Suu Kyi. Bà đã được bầu làm nghị sĩ trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung vào năm 2012.
Nhiệm vụ đầu tiên của tân Quốc hội sẽ là bầu một tổng thống mới. Hiến pháp hiện hành không cho phép bà Aung San Suu Kyi tranh chức này và hiện giờ Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ cũng chưa công bố danh tính ứng cử viên của họ cho chức tổng thống.
Tin REUTERS, Thanh Phương @ RFI