Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Hoa Yên Bái


Lúc bấy giờ trời tờ mờ sáng, một buổi sáng mùa Hạ trên sân cỏ khô cằn, cạnh doanh trại của lính Khố Xanh, thuộc tỉnh Yên Bái, Bắc Phần Việt Nam, NGUYỄN THÁI HỌC cùng với mười hai đồng chí của ông lần lượt bước lên đoạn đầu đài đền nợ Nước. Mỗi người trước khi lìa đời đều cố gắng hô to khẩu hiệu “Việt Nam Muôn Năm !” Tuy nhiên hầu hết khẩu hiệu chưa kịp phát âm trọn vẹn đã bị lưỡi dao của chiếc máy chém dập tắt một cách vội vàng và nghiệt ngã. Hôm ấy là ngày 17 tháng 6 năm 1930, nhằm ngày 21 tháng Năm năm Canh Ngọ…

VNQDD-xu-tuCó người gọi lịch sử là sử ký. Thế nhưng “Ký” chỉ có khả năng ghi chép một cách tỉ mỉ nhưng nông cạn cái áo bên ngoài của các biến động lịch sử. Muốn cảm nhận được tâm tình của lịch sử, muốn nghe được những vang vọng của hồn sử suốt từ quá khứ mịt mờ, trải qua hiện tại mênh mông, tiến vào tương lai xa thẳm, người ta phải lý luận về lịch sử, gọi tắt là sử lý, đã giúp con người nhận chân được những công lao tuyệt vời mà mỗi cá nhân hoặc tập thể đã cống hiến cho lịch sử, làm cho lịch sử nở hoa. Lịch sử dụng nước và giữ nước bao giờ cũng diễn ra trong máu và nước mắt. Vì vậy Hoa Lịch Sử là hoa máu. Biến cố năm 1930 là một đóa hoa máu đã làm xao xuyến hàng triệu con tim trong nhiều thế hệ. Tính đến nay, hoa máu Yên Bái đã tròn 71 tuổi. Bảy mươi mốt năm qua, lòng người một mặt không ngừng tôn kính Hoa Yên Bái, mặt khác âm thầm trông chờ ở Việt Nam Quốc Dân Đảng, những đồng chí đáng tin cậy của Nguyễn Thái Học, sẽ tiếp tục mạnh tiến trên con đường mà Hoa Yên Bái đã chỉ hướng. Tuy nhiên, trong trông chờ, người dân đã nhìn thấy đó đây thấp thoáng bóng dáng của thất vọng. Tâm trạng thất vọng này, xuất phát từ những dư luận có thể do ác ý, nhưng không phải không có những dư luận chân tình. Sự hữu lý của công việc cộng với đạo đức của người làm cách mạng đòi hỏi mỗi cán bộ Việt Quốc phải trầm tĩnh và cẩn trọng lượng giá mọi dư luận có liên hệ đến sinh mệnh chính trị của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Hành vi lượng giá này vừa có tác dụng tạo cảm thông giữa đồng bào và Việt Quốc, vừa là công cụ giúp toàn khối cán bộ Việt Quốc điều chỉnh những sai lầm, nếu có của họ, để từ đó làm cho con đường phục Việt càng hữu lý hơn. Dư luận hướng về Việt Quốc thường nhằm vào các chủ điểm kể sau :

CHỦ ĐIỂM MỘT
Trong khung cảnh của một xã hội đề cao sự tự do cá nhân, vai trò của Chính Đảng nói chung và của Việt Quốc nói riêng vừa không cần thiết, vừa có khuynh hướng đi ngược lại với hướng tiến của văn minh ?

Muốn lượng giá ý kiến này, người ta cần phải tìm đến ý nghĩa cội nguồn của tự do cá nhân và của văn minh. Tự do cá nhân bao giờ cũng được qui định và giới hạn bởi tự do của người chung quanh. Trong chốn cùng cốc thâm sơn, hoặc giữa nơi sa mạc bạt ngàn, vấn đề tự do cá nhân chẳng bao giờ được đặt ra. Tự do cá nhân hiển nhiên là một sản phẩm của xã hội. Điều này không hề có hàm ý rằng xã hội không bao giờ có uy quyền đối với tự do cá nhân. Điều này chỉ muốn nhấn mạnh : khi tự do của toàn bộ dân tộc bị bạo quyền khống chế, thì tự do cá nhân chỉ là một ước mơ viễn vông. Trong trường hợp này, muốn khôi phục tự do cho chính mình, cá nhân phải tự khép mình trong khuôn khổ kỷ luật của một đoàn thể để có thể đấu tranh hữu hiệu cho tự do của dân tộc. Đoàn thể kỷ luật đó chẳng là gì khác hơn là Chính Đảng mà Việt Nam Quốc Dân Đảng là một thí dụ điển hình.

Bây giờ lại bàn đến văn minh, văn minh là đời sống trong lành và tốt đẹp. Tuy nhiên đừng quên rằng không có cơm áo không thể có văn minh. Cơm áo là điều kiện tiên quyết của văn minh. Trước hoàn cảnh đói cơm thiếu áo của nhân dân Việt Nam, ngày nay nếu có người nào đòi hỏi tức thời được hưởng những điều kiện của văn minh hào nhoáng thì người đó hiển nhiên đã mang một tâm lý thiếu bình tĩnh và bất hợp lý.

Vì vậy muốn cho xã hội Việt Nam có được tự do cá nhân và văn minh dân chủ, mọi người Việt hãy nên khởi hành từ cuộc đấu tranh vì tự do của Dân Tộc, vì cơm áo của Nhân Dân. Lịch sử nhân loại đã nhiều lần chứng minh : chưa hề có một dân tộc nào đã từ nghèo đói rối loạn tiến lên phát triển ổn định mà không phải thông qua khắc khổ và kỷ luật. Ý thức về giai đoạn khắc khổ và kỷ luật này tức là ý thức vai trò của Chính Đảng, về sự hiện diện của VNQDĐ trong Việt Sử. Vả lại, ngay cả trường hợp Hoa Kỳ, một xã hội được xem là phát triển bậc nhất Thế giới, chính đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vẫn giữ vai trò làm nên lịch sử của xứ sở này.

Mặt khác, có người lại cho rằng không cần là đảng viên của bất kỳ Chính Đảng nào, một cá nhân vẫn có thể phục vụ dân tộc của đương sự một cách hữu hiệu. Để có thể thẩm định được giá trị của ý kiến vừa nêu, người ta phải đặt câu hỏi : Thế nào là phục vụ Dân tộc ? Phục vụ Dân tộc có thật nhiều lãnh vực, thật nhiều hình thức khác nhau. Thông qua nhiều lãnh vực và nhiều hình thức đó, con người có nhận thức chung rằng : Phục vụ Dân Tộc tức là tự nguyện làm công bộc cho Nhân Dân. Điều kiện trí đức có tính căn bản và tiên quyết của vai trò công bộc là người công bộc phải có tinh thần kỷ luật cao độ trong khung cảnh của kỹ thuật làm việc tập thể. Để có được trình độ trí đức vừa nói, con người không thể không tham dự các lớp huấn luyện thích nghi. Lớp huấn luyện đó là Chính Đảng, là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Vì vậy, lý luận bác khước vai trò của Chính Đảng trên con đường làm công bộc cho Nhân Dân chỉ là lý luận của những người ngại gian khổ, ngại kỷ luật, chứ không là lý luận hữu lý phát xuất từ đời sống. Tâm lý này đã được Nguyễn Bá Học diễn tả trong câu nói thật xúc tích : “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Tóm lại, trên bình diện phát triển xã hội, nhất là những xã hội đang tìm đường thoát vòng đói khổ cũng như trên bình diện đào tạo công bộc cho Nhân Dân, vai trò của Chính Đảng, của Việt Nam Quốc Dân Đảng là vai trò không thể phủ định.

CHỦ ĐIỂM HAI
Sau biến cố Yên Bái, Việt Nam Quốc Dân Đảng có 71 năm hoạt động theo khuynh hướng yếu kém dần không ghi được điểm son quan trọng trên lịch sử Việt. Phải chăng bảy thập niên là thời gian quá dài đủ để lòng kỳ vọng của Nhân Dân đối với đảng cách mạng này trở nên mệt mỏi ?

Lòng tin yêu của quần chúng đối với Đảng cách mạng là một tình cảm tự nhiên từ trong hồn sử. Lòng tin yêu này không thể mất hay còn tùy theo ý muốn riêng tư của một vài cá nhân. Nếu cho rằng chủ động nắm chính quyền là một điểm son, thì quả thật Việt Nam Quốc Dân Đảng chưa có loại điểm son đó. Hơn bảy thập niên qua, Việt Quốc bao giờ cũng đứng trong hàng ngũ Quần Chúng và trên lập trường Dân Tộc. Chính vì tha thiết với lập trường Dân Tộc và sau biến cố Yên Bái, Việt Quốc đã không ngừng xác định lập trường Dân Tộc bằng chính xương máu của họ. Họ là những người trong lao tù cũng như ngoài pháp trường, bao giờ cũng giữ thái độ lạnh lùng bất biến đối với Thực dân, đối với Cộng sản cũng như đối với chính quyền tay sai khác tại Việt Nam. Mãi cho tới ngày nay trong ngục tù bao la của CSVN, cán bộ Việt Quốc vẫn là thành phần tù đông đảo, vẫn bị CSVN xem là những người tù nguy hiểm, những người tù cần phải bị áp dụng một chế độ giam cầm đặc biệt nghiêm khắc… Đảng sử của Việt Quốc là Đảng sử viết bằng nước mắt của tù nhân hòa trong máu của tử tội. Bạn muốn tìm đường tham ô nhũng lạm ư ? Xin bạn hãy tham gia đảng CSVN. Nếu bạn muốn đương đầu với mọi thế lực phản dân tộc ư ? Việt Nam Quốc Dân Đảng bao giờ cũng mở rộng hai tay mừng đón bạn.

Chiến sĩ Việt Quốc là chiến sĩ vô danh. Chiến sĩ Việt Quốc sống nhọc nhằn và âm thầm như những viên đá lót đường : con đường chông gai của Việt sử. Làm thế nào khám phá ra những điểm son trên những viên đá ? Làm thế nào diễn tả được trọn vẹn lòng kính yêu của Nhân dân dành cho những người đã tự nguyện biến thân mình thành những viên đá nằm dưới lòng chân của Dân Tộc ? Đó là lý do giải thích tại sao VNQDĐ, Đảng chưa hề cầm quyền nhưng vẫn có hơn bảy thập niên liên tục và tích cực tham dự vào vận động và phát triển của lịch sử. Trên mặt tầng của lịch sử, ngoài đóa hoa Yên Bái, Việt Quốc hầu như không có điểm son nào, thế nhưng dưới mặt đáy của hồn sử, Việt Quốc không ngừng tô son cho dòng sống của Dân Tộc. Dư luận nói ở chủ điểm hai là dư luận phát xuất từ những người chỉ nhìn vào mặt tầng mà quên đi mặt đáy của lịch sử. Đừng quên rằng quần chúng cùng khổ bao giờ cũng là thành phần trọng yếu của đáy sử.

Mặt khác, trên nhãn quan nghiêm túc của cách mạng luận : một Đảng cách mạng tùy theo chiến lược, chiến thuật, tùy theo không gian và thời gian của lịch sử, có thể quyết định lúc này đảng xuất hiện ở mặt tầng, lúc khác Đảng lắng xuống mặt đáy. Ngay cả nội bộ của Đảng, Đảng cách mạng vẫn có thể quyết định bộ phận này ở tầng, bộ phận kia ở đáy. Quyết định chọn địa bàn hoạt động cho Đảng cách mạng là một quyết định chẳng những tùy thuộc vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà còn tùy thuộc vào khả năng lãnh đạo chỉ huy của giới lãnh đạo Đảng. Thế nên có một lúc nào đó nếu người ta không hài lòng về quyết định xuất xử của một Đảng cách mạng, thì trách nhiệm đối với thái độ “không hài lòng” đó là về phía lãnh đạo Đảng, trách nhiệm này không thể quy chiếu cho linh hồn của Đảng sử. Vả lại, sai lầm trong xuất xử trên trận đồ chính trị chỉ là những sai lầm nhất thời của giới lãnh đạo Đảng. Giá trị của Đảng cách mạng, uy tín của Đảng cách mạng không tập trung ở thái độ xuất xử chính trị mà tập trung ở tấm lòng son sắt của Đảng đối với quyền lợi của Dân Tộc. Chỉ bằng phương cách diễn đạt vùa kể người ta mới hiểu được uy tín của Việt Nam Quốc Dân Đảng trong đời sống của nhân dân.

CHỦ ĐIỂM BA
Việt Nam Quốc Dân Đảng là một Đảng nổi danh trong thời chống Pháp. Chế độ thực dân nay đã cáo chung từ lâu, tình hình quốc tế, quốc nội đã hoàn toàn thay đổi. Thời gian 71 năm qua đã biến VNQDĐ thành một Đảng của “lão Đồng Chí”, một Đảng già nua thiếu hẳn không khí hăng say của cách mạng ?

Ý kiến kể trên hẳn nhiên được nêu ra từ người không am tường lịch sử của VNQDĐ. Đảng cách mạng này không chỉ chống riêng Thực Dân, chống Cộng, chống độc tài áp bức, chống mọi thế lực phản tự do dân chủ. Nói một cách chung nhất, lịch sử đấu tranh của bất kỳ Dân Tộc nào cũng là một cuộc đấu tranh khi gay gắt, khi hòa hoãn, khi ngấm ngầm, khi công khai giữa hai thế lực : kẻ bên này là những người phục vụ Dân Tộc, bên kia là những kẻ buôn Dân bán Nước. Không thể có sự chối cãi rằng VNQDĐ đã và đang tích cực và phục vụ Dân tộc bằng chính xương máu của họ. Con đường phục vụ Dân tộc dài bất tận, lịch sử còn, con đường phục vụ Dân Tộc còn. Con đường này là con đường chẳng bao giờ lỗi thời, chẳng bao giờ mất thời gian tính : con đường được kết nối bởi hàng triệu trái tim đỏ tươi và hực lửa. Chống thực Dân chỉ là một đoạn đường của dòng sử thâm sâu và ngút ngàn. Ý kiến đóng khung của sự nghiệp cách mạng của VNQDĐ bên trong hàng rào kẽm gai của chế độ Thực Dân rõ ràng là một ý kiến lầm lẫn nếu không muốn kết buộc là ý kiến này có chủ ý bó hẹp sinh mệnh chính trị của Việt Quốc.

Song song với tác dụng bó hẹp sinh mệnh chính trị của Việt Quốc như kể trên, chủ điểm ba còn mô tả Việt Quốc ngày nay như là một Đảng của “lão Đồng Chí”. Ý kiến này có tính hài hước hơn là tính lý luận. Việt Quốc không phải là một “hội người già”. Việt Quốc là một Đảng cách mạng rất bình thường trên phương diện tuổi tác. Việt Quốc ngày xưa cũng như Việt Quốc ngày nay, trong tập thể Đảng viên bao giờ cũng có kẻ già, người trẻ, có nam, có nữ, mọi người đều bình đẳng về cơ hội sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên với 71 năm thăng trầm trên đường đấu tranh, Việt Quốc đã có con số “lão đồng chí” nhiều hơn các đảng khác, mặc dầu tỷ lệ già trẻ trong Đảng vẫn là một tỷ lệ quân bình. Hơn thế nữa, nhu cầu hợp lý của công việc, nhất là trong công việc cách mạng, đòi hỏi người ta không đếm tuổi bằng thời gian mà hãy đếm tuổi bằng thành tích cách mạng và bằng nhiệt tình yêu nước.

Trên tiêu chuẩn thành tích : có những Đảng viên rất trẻ tuổi thời gian nhưng rất già tuổi thành tích.

Trên tiêu chuẩn nhiệt tình yêu nước : có những Đảng viên rất già tuổi thời gian nhưng rất trẻ tuổi nhiệt tình. Một cách thông thường : nhiệt tình là dấu hiệu của tuổi trẻ. Người càng nhiều nhiệt tình càng được xem là trẻ.

Hai tiêu chuẩn thành tích và nhiệt tình đã mặc nhiên xóa bỏ hố ngăn cách giữa già và trẻ trên lãnh vực thời gian. Trên freeway, người ta chạy xe 55 miles mỗi giờ, 55 miles là không gian, một giờ là thời gian. Vì vậy thời gian có nội dung là không gian. Không gian không thể là gì khác hơn là sự quấn quyện giữa chất và lượng. Con người là sinh vật duy nhất trong đại vũ trụ có năng lực tư tưởng. Chính năng lực tư tưởng đã giúp con người nhận thức được mối liên hệ giũa chất và lượng. Đồng thời, cũng chính năng lực tư tưởng đã hối thúc con người bao giờ cũng cố gắng giữ cho hoặc làm cho liên hệ giữa chất và lượng thường hằng cân bằng hữu lý. Từ đó tâm lý của con người là tâm lý xóa bỏ mọi mâu thuẫn giữa không gian này và thời gian kia (thời gian có nội dung là không gian). Mâu thuẫn già trẻ là mâu thuẫn thời gian. Theo luận cứ vừa được trình bày, mâu thuẫn già trẻ giữa người với người là mâu thuẫn trái với quy luật sống, mâu thuẫn cần phải bị loại bỏ. Có như vậy quá khứ, hiện tại và tương lai mới thống nhất trong dòng lịch sử. Có như vậy hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược mới bị dòng sử đào thải. Và có như vậy dòng sử mới hanh thông, lịch sử mới đích thực là một dòng sông đủ trong lành và đủ khỏe mạnh để đưa đẩy Dân Tộc đến bến bờ của hạnh phúc và ổn định.

Sau khi giải trừ được mâu thuẫn già, trẻ, chúng ta hãy trở về với vấn đề “Đảng già nua”. Thực ra chỉ có cá nhân già nua và thiếu nhiệt huyết, chứ không thể có Đảng già nua. Thật vậy, Đảng mới thành lập, tạm gọi là “Đảng trẻ” lại thường chỉ trích là Đảng không có thành tích đấu tranh, không có kinh nghiệm cách mạng. Việt Nam Quốc Dân Đảng có nhiều thập niên trôi nổi trong xương máu đấu tranh thì lại bị chê là Đảng già nua. Vậy thì, ở giữa Đảng già nua và Đảng trẻ, những người tạo ra dư luận nói ở chủ điểm ba có thâm ý gì ? Họ có hai thâm ý :

1) Phá hoại bằng cách khôi hài hóa sinh hoạt của mọi loại Đảng cách mạng.
2) Gián tiếp biện minh cho thái độ “trùm chăn” của họ trước cảnh điêu đứng của Đất Nước. Biện minh rằng : Sở dĩ họ trùm chăn không vì họ ích kỷ đến hèn yếu, mà chỉ vì họ đã không tìm ra một Đảng cách mạng thích nghi để dấn thân. Chung quanh họ chỉ toàn là Đảng trẻ và Đảng già nua. Thế nhưng nếu có người nào đó chất vấn họ : “Thế nào là Đảng thích nghi ?”, câu chất vấn này sẽ chỉ được trả lời bằng một cái nhún vai vô nghĩa. Bên trên cái nhún vai đó là một bộ óc trống không.

CHỦ ĐIỂM BỐN
Việt Nam Quốc Dân Đảng là một bộ phận của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, với tính lệ thuộc này, liệu chừng VNQDĐ có khả năng bảo vệ độc lập của Dân Tộc trong quan hệ ngoại giao giữa hai Dân Tộc Việt Hoa hay không ?

Dư luận trên nếu không phải là dư luận vô căn cứ : hai đảng Việt Nam QDĐ và Trung Hoa QDĐ có lối đặt tên Đảng đồng dạng với nhau về thuật ngữ cũng như về văn phạm. Hai Đảng có trao đổi nhau về ngoại giao cũng như về tư tưởng. Hai Đảng đều thường đề cao Tam Dân… Thế nhưng, nếu bằng ngần ấy yếu tố mà người ta vội kết luận Việt Nam Quốc Dân Đảng là một bộ phận của Trung Hoa QDĐ thì e rằng kết luận đó có thể lệch lạc. Muốn thấy rõ mối tương quan chính trị giữa VNQDĐ và THQDĐ, không gì hữu lý hơn là chúng ta hãy tìm về cội nguồn và toàn bộ hệ thống tư tưởng chỉ đạo trong hoạt động của Việt Quốc. Tư tưởng chỉ đạo đó hẳn nhiên là đã bắt nguồn từ nền tảng tư tưởng của hai nhân vật lãnh đạo nồng cốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Nhân vật thứ nhất là ông Nguyễn Thái Học. Nhà cách mạng này là Chủ Tịch và là sáng lập viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1927.

Nhân vật thứ hai là cụ Phan Bội Châu. Nhà chí sĩ này đã có ý thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng từ trước năm 1927, thời bấy giờ cụ Phan còn sống lưu vong ở Trung Quốc. Ngày 2 tháng 10 năm 1928 cụ vừa nhận lời vừa là Chủ Tịch Danh Dự của Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa là Đảng Viên hoạt động của Đảng : Cụ xác nhận với ông Đặng Đình Diêu, đại diện của VNQDĐ khi ông này được cụ tiếp kiến : “Tôi già yếu thật, nhưng nếu còn giúp ích được gì cho Tổ Quốc thì tôi xin hết sức phục tòng mệnh lệnh của anh em”. Sau khi được cụ Phan nhận lời cộng tác, VNQDĐ đã nhờ cụ thực hiện hai việc như sau :
– Một là nhờ cụ đứng ra đem oai quyền đạo đức mà thống nhất các đảng lại.
– Hai là nhờ cụ dùng uy tín ngoại giao của cụ để giúp đỡ cho VNQDĐ. Cụ quen thân với các yếu nhân ngoại quốc như Khuyển Dưỡng Nghị, Cung Kỳ Di Tòng, ở Nhật, Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ, ở Tàu.
(xin xem sách Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống trang 35, 36 và sách Việt Nam Quốc Dân Đảng của Hoàng Văn Đào trang 47, 48).

Bây giờ chúng ta hãy trở lại câu hỏi trọng yếu : Tư tưởng của hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Nguyễn Thái Học là gì ?

Như mọi người đã biết : Cụ Phan đã cống hiến trọn vẹn đời sống của cụ cho độc lập Dân Tộc và cho đoàn kết toàn Dân. Câu nói “Bởi Dân, do Dân và vì Dân” đã bị người đời lạm dụng biến nó thành một sáo ngữ rỗng tuếch. Riêng cụ Phan đã diễn tả ý nghĩa của “Bởi Dân, do Dân và vì Dân” bằng chính đời sống của cụ, bằng mồ hôi trong lao tù và bằng nước mắt trước cảnh lầm than nhưng chia rẽ của đồng bào. Tâm tình cô nhiệt vừa kể của cụ đã biến thành câu nói mà hậu thế sẽ chẳng bao giờ quên : “Dân chẳng Duy Tâm, Dân chẳng Duy Vật, Dân chỉ Duy Dân”. Một cách ngắn gọn, người ta có thể kết luận : Tư tưởng của cụ Phan Bội Châu là tư tưởng Duy Dân. Tư tưởng căn bản của Nguyễn Thái Học là tư tưởng thành nhân. Mặt khác, Nhân là Người mà Dân cũng là Người. Do đó, tư tưởng của VNQDĐ là tư tưởng lấy con Người làm gốc cho đời Người, lấy Người làm chuẩn cho mọi công cuộc xây dựng đời Người, và lấy Người làm đối tượng tối cao mà đời người phải phục vụ. Nói cách khác, Người là điểm giao thoa giữa nhân và dân, Người là tiền đề triết học trong tư tưởng Việt Quốc. Tiền đề triết học của một hệ thống tư tưởng vừa kể là điểm xuất phát trọng yếu, vừa là kim chỉ nam cho toàn bộ hệ thống tư tưởng đó. Một hệ thống triết học toàn vẹn bao giờ cũng gồm ba phần chủ yếu : bản thể luận, nhận thức luận và phương pháp luận. Hẳn nhiên cả ba phần này thường hằng bám sát thực tại, lấy điểm thực tại làm điểm chuẩn duy nhất cho chân lý. Đặc biệt bản thể luận, còn gọi là tiền đề triết học, là tim óc của hệ thống tư tưởng. Bản thể luận là phép lý luận có chủ đích mô tả và xác định bản chất đích thực của một tư duy. Khởi hành từ bản thể luận, người ta sẽ lần lượt khám phá ra mọi mối liên hệ xoay chiều và đa phương giữa bản thể và những khách thể chung quanh, đó là nội dung cốt lõi của nhận thức luận. Nhận thức luận của một hệ tư tưởng mang tính khoa học bao giờ cũng được diễn đạt bằng một số qui luật triết học, những qui luật này vừa chặt chẽ vừa uyển chuyển. Chặt chẽ để tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, làm giảm sức mạnh cách mạng xã hội. Uyển chuyển để tránh xa rời thực tại. Xa rời thực tại là hố đào thải của mọi loại tư tưởng. Có được bản thể luận, có được nhận thức luận, mạch tư tưởng sẽ đẩy người ta đến câu hỏi : Làm thế nào để mang bản thể đó, nhận thức đó vào thực tiễn Xã Hội ? Trả lời câu hỏi này, người ta sẽ có được phương pháp luận. Những điều trình bày cho thấy : bản thể luận, nhận thức luận và phương pháp luận là ba mặt không tách rời của khoa lý luận. Chính tính thống nhất vừa nói của khoa lý luận đã giúp cho chúng ta chỉ cần căn cứ vào tiền đề triết học (bản thể luận) của một hệ thống tư tưởng để có thể phân định sự khác biệt của hệ thống này và hệ thống khác. Dựa vào luận cứ đó, so sánh tư tưởng của Trung Hoa QDĐ và Việt Nam QDĐ người ta thấy : Tôn Dật Tiên chọn DUY SINH làm tiền đề cho triết học của ông ta. Phan Bội Châu và Nguyễn Thái Học lại chọn CON NGƯỜI làm tiền đề : Con người Duy Dân và con người Thành Nhân. Tiền đề khác nhau kéo theo nhận thức luận và phương pháp luận khác nhau. Điều này đã chứng minh một cách cụ thể nhất, chính xác nhất tính độc lập về mặt tư tưởng giữa Việt Nam QDĐ và Trung Hoa QDĐ. Điều này cũng đương nhiên phủ nhận một cách dứt khoát ý kiến cho rằng Việt Nam Quốc Dân Đảng là một bộ phận của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Trên chủ đề bình luận chung về những suy nghĩ đối với 71 năm sinh hoạt của VNQDĐ, bài viết này không thể viết chi tiết tư tưởng Việt Quốc. Đề tài này sẽ được trình bày trong một bài viết khác.

Qua những phần trình bày ở trên, bài viết này đã nêu ra và đã lý giải các dư luận chủ yếu nhìn về Việt Quốc trong 71 năm qua. Mặc dầu đa số phần luận cứ của bài viết có tính biện minh cho Việt Quốc, tuy nhiên đàng sau những lời lẽ biện minh đó hiển nhiên độc giả đã có được những nhận thức đối với hai sự thực :

Sự thực một : Việt Nam Quốc Dân Đảng vốn là một Đảng lấy quyền lợi Dân Tộc làm tư tưởng dẫn đạo, lấy sinh mạng của mỗi Đảng Viên trong đấu tranh cách mạng làm bảo đảm cho tôn chỉ hành động. Vì vậy cho tới ngày nay VNQDĐ vẫn là một đảng cách mạng được đông đảo quần chúng tham dự với tư cách Đảng Viên hoặc Cảm Tình Viên. Điều này đã mạnh mẽ minh chứng lòng nhiệt thành yêu nước là một trong những đức tính căn bản và truyền thống của người Việt.
Sự thực hai : phần vì những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của lịch sử, phần vì thiếu Cán Bộ Lãnh Đạo có tài năng, trong các thập niên qua VNQDĐ đã chưa khắc phục được hai khó khăn :

a. Khó khăn về tư tưởng chỉ đạo : Mặc dầu Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học và Chủ Tịch Phan Bội Châu đã đề ra tư tưởng chỉ đạo lấy CON NGƯỜI làm tiền đề. Tuy nhiên, tiền đề Người cần phải được chi tiết hóa và thích nghi hóa trong các hoàn cảnh đặc thù của lịch sử. Cách mạng chống Thực Dân, cách mạng chống Cộng, cách mạng chống các loại Việt gian và nhất là cách mạng chống chiêu bài Dân Tộc hiện nay của Cộng Sản khác nhau như thế nào về bản thể, về nhận thức và về phương pháp ? Câu hỏi này chưa được giới lãnh đạo VNQDĐ giải đáp thỏa đáng, từ đó tư tưởng chỉ đạo là những lời nói chung chung, rất mơ hồ.

b. Khó khăn về tổ chức : tư duy là kim chỉ nam của hành động và ngược lại hành động giúp cho tư duy phong phú hơn, gắn bó với hiện tại hơn. Thế nên khi tư tưởng chỉ đạo (tư duy) bị ngưng trệ, vận hành của tổ chức Việt Quốc cũng trở nên ngưng trệ và phân tán, hành động cách mạng giảm hẳn hiệu lực, mặc dầu Việt Quốc có đông đủ Đảng Viên và trong lòng mỗi Đảng Viên bao giờ trong lòng cũng hừng hực lửa ái quốc.

Trên bình diện phân công phân nhiệm, giới Lãnh Đạo Đảng là thành phần chịu trách nhiệm chủ yếu đối với mọi công tác khó khăn mà Đảng gặp phải trên diễn trình cách mạng. Thế nhưng khó khăn càng lớn, nhu cầu hiệp lực để giải quyết khó khăn càng cao. Khó khăn về tư tưởng và về tổ chức hiện nay của Việt Quốc chỉ có thể được giải trừ hữu hiệu và nhanh chóng bởi thái độ góp ý, góp việc của toàn khối Đảng Viên : từ cấp Lãnh Đạo đến tân Đảng Viên.

Viết về Hoa Yên Bái, bình luận về những dư luận chung quanh sinh hoạt của VNQDĐ, phân tích và xác định những khó khăn hiện nay của Việt Quốc, bài viết có hàm ý chia sẻ với bạn đọc một số ước mong :
– Ước mong rằng : Chiến sĩ cách mạng Việt Quốc, trong tương lai gần đây, sẽ hoàn tất một cách ngoạn mục công tác tinh vi hóa, thực tại hóa và toàn diện hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng theo đúng chí hướng của Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học và Chủ Tịch Phan Bội Châu. Trên căn bản tư tưởng chỉ đạo vừa nói, toàn bộ Đảng Viên Việt Quốc sẽ trở thành một khối nhân lực bất khả phân hóa, sự nghiệp cách mạng của Việt Quốc sẽ được thăng hoa với rất nhiều thành quả mới.

Ước mong rằng : Trên thế giới của hồn sử, liệt sĩ Yên Bái cũng như quý vị liệt sĩ Việt Quốc trước và sau Yên Bái sẽ sớm có cơ hội chứng giám cuộc cách mạng do quý vị mở đường trước đây nay sẽ được những Đồng Chí thế hệ hiện tại đẩy mạnh bằng những việc làm cụ thể và dũng cảm dưới ánh sáng dẫn đường của tư tưởng chỉ đạo thống nhất.

Ước mong rằng : Đồng bào trong và ngoài nước sẽ càng thấu hiểu con đường cách mạng của Việt Quốc, con đường này là sự kết hợp tuyệt vời giữa lý luận khoa học và lòng yêu nước sắt son. Từ thông cảm, đồng bào sẽ chia lửa với Việt Quốc trong nỗ lực loại bỏ chế độ Cộng Sản độc tài, xây dựng một Việt Nam Tự Do Dân Chủ đích thực. Đích thực có nghĩa là Tự Do Dân Chủ phải được điều hướng bằng một hệ thống lý luận vừa chặt chẽ, vừa uyển chuyển, vừa bám sát thực tại, vừa không bối rối trước tương lai.

Chữ ước mong ở đây là chữ dùng theo quan điểm của bài viết. Tuy nhiên trên vị trí của những Đảng Viên Việt Quốc, các ước mong nói trên hiển nhiên là nghĩa vụ của VNQDĐ. Nghĩa vụ càng gian khổ, hoa thắng lợi càng thắm tươi. Như vậy dòng tư tưởng của chúng ta đã đi từ ước mơ đến nghĩa vụ, và rồi chẳng bao lâu nữa Chiến Sĩ Việt Quốc biến nghĩa vụ thành hiện thực lịch sử.

Sau cùng, ước mơ của bài viết, nghĩa vụ của Việt Quốc, hiện thực của lịch sử là ba nén hương vô cùng nồng ấm mà VNQDĐ xin được cùng Đồng Bào trang trọng cắm lên bàn thờ Yên Bái nhân kỷ niệm ngày tang 17 tháng 6, ngày HOA MÁU nở rộ trên sử Việt. Kính xin quý Đồng Chí Liệt Sĩ chuẩn nhận nơi đây lòng tôn kính tuyệt đối của VNQDĐ thế hệ hiện tại.

Tác giả: ĐỖ THÁI NHIÊN

More Stories From Lịch Sử Cận Đại

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh