Mỹ, Nhật và an ninh Đông Nam Á
Posted by Luu HoanPho, Mar 12, 2016, Comments Off
Các nhà nghiên cứu chính sách Mỹ và Nhật Bản vừa công bố khuyến nghị liên minh hai cường quốc đẩy mạnh quan hệ quân sự với Đông Nam Á. (hình trên: hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Stennnis, từng đi vào biển Đông từ ngày 1/3/2016)
Các khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo nghiên cứu do Trung tâm Đông – Tây (EWCW – Mỹ) phối hợp với Học viện Quan hệ quốc tế Nhật Bản (JIIA) và Quỹ hòa bình Sasakawa tại Tokyo thực hiện suốt 3 năm, và được công bố tại Singapore hôm 11-3-2016.
EWCW do quốc hội Mỹ thành lập năm 1960, hiện tập trung nghiên cứu các đối sách nhằm duy trì vị thế nước này ở châu Á – Thái Bình Dương. Dự án được thực hiện dưới hình thức thu nhận và phân tích, tổng hợp ý kiến giới chuyên gia, học giả nhiều lĩnh vực, giới ngoại giao, quân sự, nhà hoạch định chính sách… thông qua các hội thảo quốc tế tổ chức ở nhiều quốc gia.
Đông Nam Á và nhu cầu an ninh
Giới thiệu về dự án nghiên cứu được đánh giá là “rất đúng lúc” của mình, Giám đốc EWCW Satu Limaye nói thẳng: “Đông Nam Á không phải là khu vực trọng tâm trong quan hệ Mỹ – Nhật mãi cho tới gần đây”. “Gần đây”, theo đánh giá của nghiên cứu, có thể hiểu là kể từ khi Mỹ được lãnh đạo bởi Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Shinzo Abe trở thành người lèo lái Nhật Bản trong bối cảnh “quan hệ quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương trở nên ngày càng đa cực”.
Ông Limaye đã chỉ ra 5 yếu tố khiến quan hệ giữa liên minh Mỹ – Nhật với Đông Nam Á chuyển sang một “kỷ nguyên mới”. Thứ nhất là lợi ích thương mại hai cường quốc này có ở khu vực là rất lớn, mà để đảm bảo thì cần phải có môi trường an ninh ổn định. Trong khi đó, tầm quan trọng của Đông Nam Á ở châu Á – Thái Bình Dương ngày càng gia tăng, đặc biệt là sự vươn lên của Indonesia, Myanmar và Việt Nam, trở thành yếu tố thứ hai. Hơn nữa, ASEAN đang giữ vai trò trung tâm trong nhiều cấu trúc an ninh quan trọng như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) với sự tham gia của hầu hết các cường quốc hai bờ Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, giao thương và hội nhập giữa các quốc gia trong khu vực Bắc Mỹ, Đông Bắc Á và Đông Nam Á ngày càng tăng cũng là một yếu tố.
Nhưng nóng bỏng và trực tiếp hơn chính là các yếu tố an ninh, xuất phát từ thực trạng vùng Biển Đông huyết mạch giao thương quốc tế đang đứng trước nguy cơ bị quân sự hóa, khiến “cả Washington lẫn Tokyo đều nhận thấy Đông Nam Á chính là khu vực then chốt cho việc tăng cường hợp tác song phương”, mà biểu hiện cụ thể là việc điều chỉnh bản phương hướng hợp tác quốc phòng Mỹ – Nhật năm 2015.
Tác giả dự án nghiên cứu “Quan hệ Mỹ – Nhật và Đông Nam Á: Đáp ứng các nhu cầu khu vực” cũng chỉ ra rằng chính những hành động “khiêu khích” của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông đã khiến các quốc gia Đông Nam Á tiến gần Mỹ và Nhật Bản hơn.
Những khoảng trống
Báo cáo cũng nhìn nhận Washington và Tokyo trong vài năm qua đã “đều đặn xoay trục” vào Đông Nam Á trên nhiều bình diện, từ ngoại giao, an ninh, thương mại, đầu tư cho đến các sáng kiến hỗ trợ và tham gia các khuôn khổ đa phương. Từ năm 2009 – 2013, Mỹ và Nhật Bản đã cấp cho ASEAN khoản hỗ trợ trực tiếp 16,03 tỉ USD, với 11,72 tỉ USD từ Tokyo. Trong đó, VN nhận 6,45 tỉ USD với 93% là từ Nhật Bản. Philippines nhận tổng cộng 2,18 tỉ USD, xếp sau Myanmar và Indonesia.
Trên mặt trận an ninh biển, Mỹ không ngừng tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á bằng việc triển khai luân phiên các phương tiện quân sự tối tân, thăm cảng thường xuyên và nâng nguồn quỹ hỗ trợ tăng cường năng lực cho các quốc gia trong khu vực, như một phần chiến lược tái cân bằng. Trong khi đó, Nhật Bản đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng năng lực thông qua việc cung cấp tàu tuần tra và tập trận chung với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, các nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản – vốn là đồng minh quân sự lâu đời của nhau – đang mang tính riêng lẻ, có khi trùng lặp và thiếu sự phối hợp. Mặt khác, cả hai quốc gia đều đang đối mặt với khó khăn về ngân sách và các rào cản chính trị trong việc can dự vào các vấn đề an ninh ở nước ngoài.
Đối tác Việt Nam và Philippines
Thừa nhận nghiên cứu tập trung mạnh vào vấn đề an ninh, báo cáo đề xuất một loạt giải pháp nhằm lấp “những khoảng trống” trong vấn đề hỗ trợ trang bị năng lực quốc phòng, giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển và tạo dựng hòa bình trong khu vực.
Đề xuất đầu tiên là Mỹ – Nhật nên tiến hành thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á hình thành cơ chế họp Bộ trưởng Quốc phòng theo thể thức ADMM+2 (tức ASEAN và Mỹ, Nhật) bên lề ADMM+ (ASEAN và tất cả các nước đối tác đối thoại). Bên cạnh đó, “Mỹ và Nhật Bản nên tìm cách thiết lập cơ chế đối thoại 3 bên với VN và với Philippines”. Báo cáo cho rằng điều kiện “đã chín muồi” cho một cơ chế như vậy. Và xa hơn, “Mỹ và Nhật Bản, cùng với Việt Nam và Philippines, nên để mở khả năng chuyển cấu trúc đối thoại 3 bên thành 4 bên Mỹ – Nhật – Việt Nam – Philippines”.
Về tính khả thi của các đề xuất nói trên trong bối cảnh ASEAN có chủ trương không thiết lập cơ chế họp bộ trưởng quốc phòng với từng đối tác đối thoại riêng rẽ, ông Limaye nói như đinh đóng cột: “Chắc chắn được”. “Chủ trương là như thế. Nhưng thực tế thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã họp với các đồng nghiệp ASEAN tại Hawaii (Mỹ) hồi tháng 4/2014, trong khi hồi tháng 11/2014 Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khi đó Akinori Eto cũng họp với những người đồng cấp ASEAN ở Myanmar. Nên tôi tin việc họp chung các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – Mỹ – Nhật Bản là hoàn toàn khả thi”, ông phân tích.
Bản báo cáo của cơ quan nghiên cứu đối sách thuộc quốc hội Mỹ cũng đề xuất “Mỹ và Nhật Bản nên nghiên cứu khả năng phối hợp bán vũ khí và thiết bị cho các nước Đông Nam Á như một phần trong nỗ lực xây dựng năng lực quốc phòng cho khu vực”. Trong tương lai, Tokyo và Washington có thể gom chung việc chuyển giao vũ khí, thiết bị với hoạt động bảo trì, sửa chữa, trong đó vai trò 2 nước được phối hợp chặt chẽ. Và với các thiết bị này, 2 nước có thể đồng tổ chức huấn luyện cho các đồng minh, đối tác Đông Nam Á.
Bản báo cáo cũng cho hay các quan chức quốc phòng Mỹ từng nói họ nhìn thấy khả năng và hoan nghênh vai trò của Nhật Bản trong lĩnh vực phòng không và tuần tra hải phận quốc tế ở Biển Đông. “Nếu điều kiện cho phép, Mỹ và Nhật Bản nên đẩy mạnh vai trò tuần tra biển của Tokyo”, báo cáo khuyến nghị.
Theo TNOL@