Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, December 24, 2024

Biển Đông & GS Nguyễn Ngọc Bích


Biển Đông nhìn từ xa… cũng có hình ảnh Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, người miệt mài đêm ngày vì ước mơ dân chủ hóa đất nước, đã hiện thân khắp các hội thảo quốc tế về nhân quyền nhiều thập niên qua để bênh vực quyền sống của dân VN, và rồi hiện thân khắp các hội thảo quốc tế về chủ quyền Biển Đông để góp sức gìn giữ một mảnh sơn hà cho con cháu Rồng Tiên.

Ngư dân Việt có thể không nghe tên nhà học giả họ Nguyễn ở Virginia, nhưng các học giả Hoa Kỳ về công pháp quốc tế đang và sẽ tiếp tục sử dụng 5 luận điểm do GS Nguyễn Ngọc Bích đưa ra về chủ quyền VN trên Biển Đông đã nhiều lần trình bày trước các diễn đàn Hoa Kỳ, và đã đúc kết thành một bản văn 5 điểm chủ quyền dự kiến sẽ đọc ở một hội thảo quốc tế ở Manila về Biển Đông – trên chuyến bay tới Manila, trên bầu trời vùng Biển Đông, ngày 3-3-2016, GS Nguyễn Ngọc Bích đã vỡ tim, chết để thế giới thấy rằng Biển Đông là của VN.

Trong khi đó, lịch sử vẫn đang diễn biến…

Trong khi Nhật Bản công khai hỗ trợ quân sự cho Việt Nam và Philippines trên Biển Đông, chính phủ Ấn Độ công khai nói rằng chỉ quan tâm về Ấn Độ Dương và từ chối lời mời của Hoa Kỳ đi tuần chung nơi Biển Đông. Và cũng đồng thời, Nga hợp tác với Việt Nam về khai thác dầu Biển Đông, một hành động không làm hài lòng Bắc Kinh, nhưng nhẹ nhàng hơn là hiện diện quân sự nơi Biển Đông. Trong khi đó, ngư dân Việt vẫn hàng ngày miệt mài giữ biển vì không có đường nào lùi… và vì Biển Đông là nguồn nuôi sống nhiều thế hệ gia tộc ngư dân Việt ở Miền Trung.

Phóng viên Seth Robson viết trên báo quân đội Hoa Kỳ Stars and Stripes hôm 10-3-2016 rằng một chuyên gia quân sự Nhật Bản nói rằng Nhật Bản và các nước khác nên tham gia với Mỹ và các nước khác đi tuần ở Biển Đông.

Hiện thời Nhật Bản vẫn giúp các nước đồng minh trong khu vực tăng cường quân sự, theo lời Tetsuo Kotani, chuyên gia cao cấp ở viện The Japan Institute of International Affairs, nói với các phóng viên trong Câu Lạc Bộ Nhật Bản Phóng Viên Quốc Tế. Thí dụ, ông dẫn ra rằng Nhật Bản giúp VN 6 tàu tuần duyên, gửi thêm 10 chiếc khác sang Philippines. Mới tuần này, Nhật Bản đồng ý cho thuê 5 phi cơ cho Philippines để giúp tuần tra Biển Đông.

Báo quân đội Mỹ S&S ghi lời chuyêng ia này rằng chiến lược Nhật Bản là giúp các nước (VN, Phi) thiết lập một “Lực Lượng Tuần Duyên Nhật thu nhỏ” (“mini Japan Coast Guard”) và một “Lực Lượng Tự Vệ Biển Nhật Bản Thu Nhỏ” (“mini Japan Maritime Self Defense Force”) để tuần tra Biển Đông.

Thế nghĩa là gì? Chỉ có nghĩa rằng, Nhật Bản nhìn thấy phòng vệ Biển Đông của VN và Philippines cũng là hàng rào phòng thủ của Nhật Bản.

Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ đã từ chối lời mời của Mỹ về việc đi tuần chung ở Biển Đông, và nói chỉ quan tâm về Ấn Độ Dương.

Cũng nên nhắc rằng Mỹ đưa ra lời mời Hải quân Nhật Bản, Úc Châu và Ấn Độ cùng tham dự với Hải Quân Mỹ bảo vệ đường hàng hải ở Biển Đông là từ trực tiếp lời mời của Đô Đốc Tư Lệnh Quân Lực Mỹ ở Thái Bình Dương Harry B. Harris.

Chỉ vài ngày sau, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar nói rằng hiện nay Hải quân Ấn Độ chỉ muốn tập trận chung, chưa muốn đi tuần chung.

Phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ D.K. Sharma diễn giải rằng lập trường Ấn Độ muốn họat động quân sự dưới lá cờ Liên Hiệp Quốc.

Nói thế cũng như không, vì anh Tàu ngồi thường trực trong Hội Đồng Bảo An LHQ từ khuya rồi, có dễ đâu làm cái gì bất lợi cho Tàu dưới lá cờ LHQ nổi.

Do vậy, tiếng than dậy trời chủ yếu là ngư d6an Việt.

Bản tin VTC kể rằng Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam tuyên bố phản đối tàu Hải cảnh Trung Quốc tấn công, cướp phá tàu cá, tài sản, ngư lưới cụ và uy hiếp ngư dân, Đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam.

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam, dẫn thông tin từ Nghiệp đoàn Nghề cá tỉnh Quảng Nam cho biết: Sáng 6/3, tàu cá QNa-91939-TS do ông Võ Quang Thái trú tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam làm thuyền trưởng cùng 9 ngư dân đang khai thác thủy hải sản tại vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công.

Tàu Hải cảnh trên mang số hiệu 46101, cùng 2 tàu không rõ số hiệu cập mạn, khống chế, cướp phá tài sản, lương thực, nước uống và ngư lưới cụ. Tổng số thiệt hại của tàu ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng.

VTC viết:

“Đây là một trong những hành động nguy hiểm, có dụng ý của phía Trung Quốc nhằm đe dọa tinh thần, an toàn tính mạng và gây thiệt hại về kinh tế đối với ngư dân Việt Nam.

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cũng cho rằng, hành động trên tiếp tục thể hiện tinh thần thiếu thiện chí, lời nói không đi đôi với việc làm của phía Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình trên biển Đông, ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân và đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam.

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam kiên quyết phản đối hành động tấn công tàu cá Việt Nam nêu trên của phía Trung Quốc và đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam trong các hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân Việt Nam yên tâm vươn khơi bám biển lao động sản xuất.

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị các đoàn viên, ngư dân cần tăng cường tình đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động trên biển; chấp hành đúng các quy định pháp luật trên biển của Việt Nam và các nước láng giềng, nhằm tránh những thiệt hại về tài sản, nguy hiểm cho tính mạng và quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước.”(ngưng trích)

Xin chú ý ngôn ngữ của Nghiệp đoàn này, vừa “kiên quyết phản đối” phía TQ, vừa kêu gọi ngư dân Việt tránh gây thiệt hại “quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước.” Nghĩa là làm sao? Ngư dân ta gây thiệt hại gì nổi cho ai? Nói kiểu gì bí hiểm lạ?

Dù vậy, cũng có chút tia sáng an ủi, khi Nga tới biển VN kiếm ăn: Nga khởi sự thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam.

Bản tin VOA ghi rằng Tập đoàn dầu khí khổng lồ của nhà nước Nga Rosneft vừa bắt đầu khoan một giếng thăm dò ngoài khơi bờ biển phía Nam của Việt Nam.

Chi nhánh của công ty là Rosneft Vietnam BV loan báo: “Đây là lần đầu tiên công ty điều hành một dự án khoan thăm dò dầu khí trong vùng biển quốc tế.”

Công ty cho biết độ sâu của giếng thăm dò tại lô 6.1 là khoảng 1.380 mét trong khi độ sâu của vùng biển tại khu vực chừng 162 mét.

Công tác khoan tìm được thực hiện với giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật Bản.

Tiếp đó, Rosneft Vietnam sẽ khoan thêm một giếng thăm dò khác tại lô 5.3 cũng trong khu vực Nam Côn Sơn.

Hiện công ty đang tham gia 2 dự án thăm dò sản xuất dầu khí ở 2 lô ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Tại lô 6.1, Rosneft sở hữu 35% dự án trong khi ở lô 5.3 Rosneft sở hữu 100% dự án. Tại cả hai lô này, Rosneft đều giữ vai trò điều hành dự án.

Bản tin VOA cũng nhắc rằng hồi năm ngoái, sản lượng từ lô 6.1 cung cấp khoảng 12% nhu cầu năng lượng tại Việt Nam. Trữ lượng tại lô 5.3 ước tính khoảng 40 tỷ mét khối khí đốt và 9 triệu tấn khí ngưng tụ.

Rosneft cũng sở hữu trên 32% đường ống Nam Côn Sơn vốn cung cấp khí đốt và khí ngưng tụ từ các lô ngoài khơi khu vực Nam Côn Sơn tới các nhà máy phát điện trên bờ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Rosneft, Igor Sechin, cho biết dự án khoan thăm dò vừa khởi sự tại lô 6.1 là một điển hình của sự hợp tác với các đối tác bao gồm công ty quốc doanh PetroVietnam của Việt Nam và tập đoàn dầu khí ONGC của nhà nước Ấn Độ.

VOA ghi nhận:

“Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động thăm dò dầu khí và cho phép các công ty đầu tư nước ngoài tham gia và hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực này.

Trung Quốc nhiều lần phản đối việc Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí tại các khu vực Bắc Kinh nhận chủ quyền ở Biển Đông và yêu cầu Nga, Ấn rút khỏi các dự án hợp tác với Hà Nội, viện dẫn lý do xâm phạm chủ quyền Trung Quốc.

Hà Nội tuyên bố các dự án này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ấn và Nga lâu nay cũng phớt lờ các phản ứng của Bắc Kinh.”

Dù vậy, Bắc Kinh vẫn ngang ngược, bản tn khác của VOA ghi rằng: Trung Quốc sắp mở các chuyến bay dân sự ra Hoàng Sa.

Trung Quốc trong vòng một năm sẽ khởi sự các chuyến bay dân sự ra-vào một hòn đảo có tranh chấp với Việt Nam trong khi Bắc Kinh không ngừng mở rộng cơ sở hạ tầng trên các hòn đảo và bãi đá ở Biển Đông để xác quyết chủ quyền.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin các chuyến bay Bắc Kinh sắp mở sẽ đáp xuống thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Tam Sa là thành phố Trung Quốc thành lập năm 2012 để quản lý hành chính các đảo Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông.

Giới hữu trách Trung Quốc nói đường băng ở Phú Lâm và phi đạo mới xây trên Đá Chữ Thập ở Trường Sa sẽ đẩy mạnh dịch vụ lưu thông hàng không trong khu vực, hỗ trợ công tác giám sát, đồng thời cung cấp thông tin về hàng không lẫn thời tiết.

Đảo Phú Lâm là nơi Trung Quốc gần đây cho triển khai các tên lửa đất-đối-không, máy bay chiến đấu cùng hệ thống radar hiện đại, khiến Việt Nam và Hoa Kỳ đồng lên tiếng chỉ trích kế hoạch “quân sự hóa” nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tiền đồn này cũng vừa được một quan chức cấp cao của Trung Quốc đề nghị biến thành một trung tâm tài chính cho các doanh nghiệp mở cửa hoạt động giống như quần đảo Virgin thuộc Anh quốc hay quần đảo Cayman và Bermuda. Cố vấn chính trị Hàn Phương Minh thuộc Hội đồng Tham vấn Chính trị Trung Quốc kiêm Chủ tịch Viện nghiên cứu Charhar nói thúc đẩy dịch vụ ngoài khơi sẽ giúp phát triển kinh tế địa phương và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Việt Nam nói Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc dùng võ lực chiếm đóng từ năm 1974.

Mặt khác, bản tin từ RFI ghi rằng Mỹ nhận xét: Trung Quốc “đủ tiềm năng tấn công lớn” từ Trường Sa…

RFI viết:

“Chỉ trong vài tháng tới đây, với các căn cứ tại Trường Sa, quân đội Trung Quốc đủ khả năng mở những cuộc tấn công đáng kể trên toàn Biển Đông. Trên đây là nhận định của Giám đốc Tình báo Mỹ James Claper với lập pháp Hoa Kỳ mới được tiết lộ.

Trong một bản báo cáo gửi thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Thượng viện Hoa Kỳ, đề ngày 23/02/2016, giám đốc Tình báo Quốc gia James Claper cho biết những hải đảo ở Biển Đông bị Trung Quốc tranh đoạt chủ quyền và bồi đắp làm căn cứ quân sự đã giúp cho Bắc Kinh có “tiềm năng tấn công đáng kể” trong vài tháng tới đây.

Theo Reuters trích dẫn trong bản tin hôm nay 11/03/2016, khả năng “tấn công quân sự ” của Trung Quốc vượt xa những gì được xem là “tiền đồn phòng thủ.”

Cụ thể, giám đốc Tình báo Mỹ James Claper thẩm định ngay trong năm nay, với nhịp độ xây dựng “các tiền đồn” này, Trung Quốc sẽ đủ sức bố trí, triển khai một loạt phương tiện tấn công và phòng thủ, cũng như tăng cường yểm trợ cho hải quân và lực lượng tuần duyên. Một khi các cơ sở tiền phương này hoàn tất vào cuối năm nay hay đầu năm 2017 thì lúc đó Trung Quốc thừa khả năng phát huy nhanh chóng sức mạnh tấn công quan trọng trong vùng.” (ngưng trích)

Thế là xong, ý đồ TQ đã lộ ra, không cần che giấu nữa.

Biết bao người con Việt từ khắp thế giới nhìn về Biển Đông mà quan ngại. Không chỉ thuần túy thương cảm cho ngư dân Việt, không chỉ để thấy phẫn nộ với các nhượng bộ của Ba Đình nhiều thập niên cho đàn anh phương Bắc, mà cũng là để góp lời bênh vực chủ quyền VN trên Biển Đông trong những cuộc hội thảo quốc tế…

Biển Đông nhìn từ xa… cũng có hình ảnh Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, người miệt mài đêm ngày vì ước mơ dân chủ hóa đất nước, đã hiện thân khắp các hội thảo quốc tế về nhân quyền nhiều thập niên qua để bênh dân VN, và rồi hiện thân khắp các hội thảo quốc tế về chủ quyền Biển Đông để gìn giữ một mảnh sơn hà con cháu Rồng Tiên.

Hình ảnh GS Nguyễn Ngọc Bích và bản văn 5 luận điểm chủ quyền Biển Đông là của VN do giáo sư đưa ra trước các hội thảo quốc tế đã trở thành, và sẽ vẫn là thành trì gìn giữ quê nhà.

Tác giả: Trần Khải

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh