Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Tưởng nhớ anh Trần Văn Sơn


Nơi đây, xin phép gọi bằng thói quen: anh Trần Văn Sơn. Tuy rằng tuổi của cựu dân biểu Trần Văn Sơn, người viết bình luận nổi tiếng với bút hiệu Trần Bình Nam, cách biệt tuổi của tôi thật xa, cũng là hai thập niên. Nhưng tôi hân hạnh có giao tình với anh Sơn cũng từ thật lâu xa, có lẽ cũng hơn hai thập niên, hay nói kiểu Mỹ là khoảng ¼ thế kỷ.

Lần đầu gặp là năm 1991 hay 1992. Khi đó anh Thân Trọng Mẫn bảo tôi, hai đứa mình lái xe lên quận Los Angeles gặp ông này, bàn chuyện nước xem. Đó là lần đầu tôi nghe tên ông Trần Văn Sơn, cũng không biết là cựu dân biểu, chỉ ngồi nghe, nói về chuyện khắp thế giới. Tôi cũng không nhớ lúc đó nhà anh Trần Văn Sơn ở thành phố nào, và cũng không có cơ hội tới nhà thăm lần thứ nhì. Nhiều năm sau, có lúc biết rằng anh Sơn ở Redondo Beach, cũng nằm trong Quận Los Angeles; rồi có lúc dọn về San Diego.

Anh Mẫn và anh Sơn cùng là người Huế. Tôi không nhớ chính xác là nói chuyện gì, vì hẳn nhiên là nói rất nhiều chuyện: chuyện Thiên An Môn, chuyện Liên Sô sụp đổ, chuyện các phong trào phục quốc, chuyện VN đổi mới kinh tế… Chủ yếu là tôi nghe, vì tính ưa trầm lặng. Thực sự, cũng vì tôi nghe lơ đãng. Lúc đó, tôi chưa viết bình luận chính trị vì biết là ngoài tầm tay của mình, chủ yếu là viết truyện ngắn, làm thơ, viết về Thiền… Lòng tôi kết thân hơn với cụ Nghiêm Xuân Hồng, với các văn nghệ sĩ như quý anh Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Vũ Huy Quang, Khánh Trường…

Cũng không có ấn tượng lớn gì về anh Trần Văn Sơn, chỉ có cảm giác rằng anh là người tốt bụng, thân thiện, yêu nước và kiến thức uyên bác.

Mới tuần này, khi nói điện thoại với anh Mẫn về sự ra đi của anh Trần Văn Sơn, anh Mẫn ngậm ngùi: “Người hiền sao ra đi sớm…”

Anh Trần Văn Sơn đúng là hiền thật. Cũng lạ. Sao lại rơi vào vòng xoáy lịch sử dân tộc.

Tới khi làm việc cho Việt Báo, đọc tin hàng ngày, bấy giờ mới biết anh Trần Văn Sơn là người sáng lập Tổ Chức Phục Hưng. Bút hiệu Trần Bình Nam quen thuộc dần với tôi, khi anh Trần Văn Sơn gửi bài viết tới để phổ biến. Thỉnh thỏang, có những anh ghé Quận Cam tham dự các sự kiện cộng đồng. Lần nào, tôi cũng có cơ duyên hàn huyên với anh Sơn. Nhiều năm cuối đời, anh không nói nhiều về chính trị một cách sôi nổi như ngày mới gặp, anh trầm tư hơn, nhưng các bài viết vẫn luôn luôn quan tâm về quê nhà, về những người trẻ họat động dân chủ, về các vận động công đòan độc lập….

Thực ra, anh Trần Văn Sơn viết đề tài đa dạng, và đều chứng tỏ là sức đọc rất nhiều, rất rộng. Có những lĩnh vực tôi chịu thua, đọc vài dòng là muốn bỏ… như chuyện Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. dù đọc tiếng Anh hay tiếng Việt, đây là đề tài nhức đầu kinh khủng, vậy mà anh Trần Văn Sơn viết rất rõ, trả lời phỏng vấn trên các làn sóng phát thanh tận từơng.

Cũng có đề tài anh Trần Văn Sơn viết gây chú ý tức khắc, thí dụ như cầu thủ Pelé của Ba Tây. Lúc đó, tôi nghĩ, hóa ra cũng có một thời anh Sơn mê đá banh, có lẽ. Cũng như mình, tôi nghĩ, một thời thơ ấu là chạy trong xóm đá banh rồi, tới khi vào trung học là đạp xe đạp tới sân Hoa Lư, sân Phan Đình Phùng chơi đá banh… Còn anh Trần Văn Sơn, hẳn là đá banh thời rất là xa xưa ở Huế, ở trường Khải Định đâu đó…

Ký ức lờ mờ của tôi về anh là những hình ảnh nơi này, nơi kia. Một bình luận gia tuyệt vời, uyên bác. Lại thỉnh thỏang dịch truyện ngắn nữa.

Có một lần anh Trần Văn Sơn tới tòa soạn, mới mấy năm trước, nói rằng lần này Hải phải tham dự một buổi tiệc đặc biệt của Phục Hưng, vì có một người từ Úc tới, nói là có bà con với vợ anh Hải. Tôi hỏi là ai, anh Sơn trả lời là Luật sư Đào Tăng Dực. Đúng là có bà con gì đấy. Nhưng anh Dực tới, bàn chuyện Luật Hiến Pháp là tôi thua rồi. Tôi nghĩ, tội nghiệp anh Dực quá, đọc cả đời mấy cái Luật Hiến Pháp (dù là để thúc đẩy chuyển đổi quê nhà) cũng là hy sinh lớn vậy (có ai hoan hỷ đọc, thì tôi không rõ, xin chắp tay bái phục). Nói như thế, anh Trần Văn Sơn cũng là hy sinh lớn, vì anh đọc rất nhiều, kể cả các đề tài phức tạp, chuyên môn.

Khoảng năm 2008, lúc đó tôi đang luyện nét vẽ để sẽ vẽ Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhân dịp nhà sư Tây Tạng tuyệt vời này sẽ tròn 75 tuổi vào hai năm sau, tôi vẽ một tấm chân dung anh Trần Văn Sơn. Xem như kỷ niệm vậy. Cũng hao hao giống.

Điều có thể nhớ nhất về anh Trần Văn Sơn là, một cách bất ngờ, anh là người đầu tiên viết bài ủng hộ Thư Ngỏ của 36 người Việt ngoài nước.

Phổ biến tháng 8-2011, bản văn ký tên 36 người có tựa đề “Thư ngỏ gửi lãnh đạo Việt Nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc” với nội dung “đòi hỏi chính quyền phải có những thay đổi toàn diện về cơ chế và chính sách mới có thể bảo vệ được chủ quyền và phát triển đất nước».

Thư Ngỏ không có tên anh Trần Văn Sơn, nhưng anh là người đầu tiên viết bài tựa đề “Ý kiến về Thư Ngỏ của 36 nhà trí thức hải ngoại” trong đó bày tỏ ủng hộ:

“… Bàn về Thư Ngỏ, trước hết tôi thấy giáo sư Lê Xuân Khoa (tôi không là đồng nghiệp và chưa có hân hạnh quen biết giáo sư Lê Xuân Khoa) có sáng kiến viết Thư Ngỏ và 35 vị trí thức còn lại đồng ý ký tên là một hành động can đảm…

…Chúng ta hãy mường tượng, nếu một bức Thư Ngỏ 36 người ký không đáng gì, nhưng một Thư Ngỏ có 3600 người hay lạc quan hơn có 36 ngàn người trong và ngoài nước ký thì sức mạnh của nó sẽ như thế nào? Nó có thể làm bật dậy sức phản kháng của nhân dân làm cho người cộng sản không thể ù lì bịt tai che mắt mãi được…”(ngưng trích)

Điểm có thể thấy nổi bật: trong tình hình mưa đá khắp trời như thế, bình luận gia Trần Bình Nam đã lên tiếng ủng hộ Thư Ngỏ với cách rất là can đảm. Đúng phong cách của một người tên Trần Văn Sơn, người từng được dân tin cậy bầu làm dân biểu thời VNCH. Ngắn gọn, anh Trần Văn Sơn là một người yêu nước chân thực, và đã làm mọi cách để xoay chuyển đất nước về hướng dân chủ, phú cường.

Tuy nhiên, anh Trần Văn Sơn rất mực khiêm tốn, thực sự khiêm tốn. Trong bài “Tám Mươi Năm Nhân Chứng,” anh Trần Văn Sơn viết về chính anh:

”Là một trong những thuyền nhân rời bỏ Việt Nam trong màn chót của bi kịch Việt Nam, tám mươi năm qua tôi đã là một nhân chứng bất đắc dĩ cho thảm kịch Việt Nam.

Những gì tôi viết sau đây là lời một nhân chứng của một tấn thảm kịch mà trong đó những người thuộc thế hệ tôi từng chia sẻ. Lời chứng có thể vui hay buồn, có thể hợp nhĩ với lớp người này và không hợp nhĩ với lớp người kia tùy theo chỗ đứng của mỗi người, nhưng tôi bảo đảm một điều là tôi làm chứng cho sự thật ít nhất từ chỗ đứng của tôi.” (ngưng trích)

Nơi đây, xin trân trọng ghi hai câu đối để tiễn biệt bình luận gia Trần Bình Nam:

Ngàn đêm ngồi viết hịch, mời gọi toàn dân đòi dân chủ
Muôn dặm bước Bình Nam, lay động cả nước dậy Phục Hưng

Phan Tấn Hải 

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh