Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

TRẦN BÌNH NAM: Tám mươi năm làm nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử Việt Nam


Tôi sinh ngày 17 tháng 7 năm 1933. Đến ngày 17 tháng 7 năm 2013 tôi được 80 tuổi chẵn, tôi quyết định thôi không bàn về thế sự nữa và để thì giờ luận bàn về các vấn đề liên quan đến nhân sinh (*). (hình trên: GS Nguyễn Ngọc Bích, Nhà báo Trần Văn Sơn,Trần Tử Thanh Chủ Tịch VNQDĐ và các phu nhân)

Tám mươi năm, một quãng đường dài và tùy theo hoàn cảnh của từng cá nhân và biến chuyển của xã hội có thể chỉ là một phút thoáng qua như một cái chớp mắt, nhưng cũng có thể là một cuộc sóng gió của một đời người .

Ai là người Việt Nam sinh ra và đã sống trong khoảng thời gian 80 năm đó đều phải trải qua những sóng gió lịch sử trên đất nước Việt Nam như tôi. Tôi sinh ra khi người Pháp bắt đầu củng cố chế độ thuộc địa tại Đông Dương. Lớn lên được giáo dục nửa Tây nửa ta, trong khi toàn quốc đang kinh qua cuộc kháng chiến đánh đuổi người Pháp. Người Pháp thua trận rút về. Việt Nam chia đôi. Miền Bắc cho phe Cộng, miền Nam cho người Quốc gia. Người Mỹ đến giúp người quốc gia chận đứng ý đồ xích hóa miền Nam của cộng sản. Chiến tranh dai dẳng kết thúc năm 1975 với phe cộng toàn thắng. Hằng trăm ngàn người từ miền Nam bỏ nước ra đi tìm tự do gây ra một làn sóng tị nạn lớn chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.

Là một trong những thuyền nhân rời bỏ Việt Nam trong màn chót của bi kịch Việt Nam, tám mươi năm qua tôi đã là một nhân chứng bất đắc dĩ cho thảm kịch Việt Nam .

Những gì tôi viết sau đây là lời một nhân chứng của một tấn thảm kịch mà trong đó những người thuộc thế hệ tôi từng chia sẻ. Lời chứng có thể vui hay buồn, có thể hợp nhĩ với lớp người này và không hợp nhĩ với lớp người kia tùy theo chỗ đứng của mỗi người, nhưng tôi bảo đảm một điều là tôi làm chứng cho sự thật ít nhất từ chỗ đứng của tôi.

Thiếu thi:

Dòng dõi họ Trần tôi xuất phát từ tỉnh Sơn Nam, Bắc Việt (nay là Nam Định, hướng đông nam thành phố Hà Nội 74km). Gia phả ghi rằng trong thập niên 1530s cố tổ tôi chống họ Mạc theo ông Nguyễn Kim vào Thanh Hóa, và năm 1558 theo Nguyễn Hoàng (con Nguyễn Kim) đi sâu hơn vào miền Nam.  Cố tổ tôi là sĩ quan cấp nhỏ của Chúa Nguyễn, được Chúa Nguyễn cấp ruộng đất tại làng Thành Trung (cách Huế 30km) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Thành Trung trở thành chánh quán của họ Trần Văn. Vào thế kỷ thứ 19, con cháu họ Trần đa số trở thành nông dân sống với ruộng đất.

Thập niên 1910, người Pháp mở trường Bá Công ở Huế (Bá Công là trăm ngh) để đào tạo cán sự trung cấp cho các ngành điện lực, điện thoại, điện báo, hỏa xa và hành chánh. Ông nội tôi xin cho Ba tôi vào học trường Bá Công. Ở Huế Ba tôi gặp Mẹ tôi và hai người xây tổ ấm trên một khoảnh đất trong vườn nhà của ông ngoại tôi ở Phường Đúc. Ông ngoại tôi thuộc dòng quận công Lê Chất, một trong những viên tướng đã giúp vua Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn thiết lập nên triều đại nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ 19.

Tôi là con út trong gia đình, sinh ngày 17 tháng 7 năm 1933, có hai anh và hai chị. Ba tôi cho con trai đi học. Hai chị tôi ở nhà giúp Mẹ buôn bán và bếp núc theo truyền thống các gia đình Việt Nam thời đó. Hai chị tôi chỉ biết đọc chữ quốc ngữ .

Anh cả tôi, Trần Văn Bách bị lính Pháp bắn chết năm 1946 lúc 18 tuổi tại Bến Cát, Thủ Dầu Một khi Pháp theo chân quân Anh trở lại Việt Nam sau một thời gian bị Nhật đảo chánh.

Thời gian “toàn quốc kháng chiến” bắt đầu từ cuối năm 1946, gia đình tôi tản cư về Thành Trung. Đầu năm 1947 sau khi quân Pháp tái chiếm Huế, ba mẹ tôi hồi cư trở về Phường Đúc. Ba tôi làm nghề xây cất, Mẹ tôi buôn bán với chị áp tôi. Chị đầu đã đi lấy chồng. Tôi được vào học lớp nhất trường tiểu học Trần Quốc Toản.

Năm 1948 tôi thi đậu kỳ thi tuyển vào học trường Trung học Khải Định. Chương trình trung học gồm 7 năm  và muốn tốt nghiệp trung học học sinh phải qua 3 kỳ thi. Kỳ thi trung học sau 4 năm. Hai năm sau thi Tú tài I và năm cuối thi Tú Tài II.

Năm 1950 anh thứ nhì tôi, Trần Thanh Dương đi kháng chiến chống Pháp. Lúc đầu ra Vinh thuộc tỉnh Nghệ An học trung học, sau đó vào khu 5 thuộc tỉnh Bình Định. Sau khi ký hiệp định Genève, anh không ở trong thành phần tập kết ra Bắc, trở về Huế mang theo vợ và 4 con. Chị đầu tôi chết vì bệnh ung thư năm 1980. Hiện nay tôi còn một ông anh và một bà chị đều trên 80 tuổi. Anh tôi sống ở Nha Trang, chị tôi sống ở Huế .

Trong hai năm 1954-55, quân đội Pháp rút dần ra khỏi Việt Nam, người Mỹ đến giúp củng cố chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Diệm đối mặt với nhiều khó khăn. Các giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài với sự tiếp tay của các tướng Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Vỹ thân Pháp hoạt động gây bất ổn tại Sài Gòn. Tuy vậy ông Diệm, với sự giúp đỡ của người Mỹ đã ổn định tình hình và định cư được khoảng một triệu người dân miền Bắc, đa số là tín đồ Thiên chúa giáo trốn chạy cộng sản. Ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại, quốc trưởng bù nhìn do Pháp dựng nên và thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Năm 1954, sau khi đỗ Tú tài I tại Huế, tôi vào Sài gòn theo học trường Cao đẳng Vô Tuyến Điện, đồng thời tự luyện thi Tú Tài II để hoàn tất chương trình trung học.

Thời gian đó, thanh niên đến tuổi đều phải nhập ngũ nên học sinh lớp cuối trung học và đại học ai cũng tìm một đường để đi. Tôi thi đỗ kỳ thi tuyển của Hải quân VNCH tuyển mộ sinh viên sang học tại trường Hải quân Pháp. Chương trình này do người Pháp viện trợ. Cuộc tuyển mộ năm 1955 là cuộc tuyển mộ cuối cùng. Tôi theo học khóa đào tạo kỹ sư Hải quân. Chương trình học 3 năm. Hai năm đầu học tại trường Sĩ Quan Hải quân ở Brest, trong tỉnh Finistère, bên bờ Đại Tây Dương. Năm thứ ba các sinh viên, lúc này đã lên Thiếu úy, sẽ được đi thực tập một năm trên chiến hạm Jeanne d’Arc chạy vòng quanh thế giới để các tân sĩ quan có cơ hội tiếp xúc với các quốc gia khác.

Khóa tôi,  học xong năm thứ hai cuối năm 1957 vào lúc quan hệ giữa chính quyền VNCH và Pháp trở nên căng thẳng, Hải quân Pháp gởi trả chúng tôi về Sài gòn.

Tôi được bổ nhiệm đến Hải Vân Hạm Hát Giang (HQ 400). Vài tháng sau chuyển qua Hộ Tống Hạm Đống Đa (HQ 03). HQ 03 sắp sửa đi Subic Bay, một căn cứ sửa chữa tàu bè của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ để đại tu bổ.

Tháng 6 năm 1958, tàu còn ở Subic Bay, tôi được lệnh thuyên chuyển đến Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân tại Nha Trang (TTHL/HQNT). Trung tâm huấn luyện này do Hải quân Pháp xây cất năm 1952 để đào tạo binh sĩ Hải quân gồm sĩ quan và thủy thủ các ngành chuyên nghiệp để làm việc với Hải quân Pháp, và vừa được chính thức chuyển giao cho Hải quân Việt Nam. Trường SQHQ là một trong những trường thuộc TTHL/HQNT.  Tháng 10 /1958 tôi đến đơn vị mới. Lúc đó trường đang huấn luyện khóa 8 SQHQ. Việt ngữ được dùng làm chuyển ngữ  thay vì dùng chữ Pháp như các khóa trước. Cuốn “Danh t Khoa hc” Pháp ngữ – Việt ngữ của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã giúp chúng tôi nhiều trong việc biên soạn tài liệu huấn luyện. Nhưng các môn học Hải quân cần nhiều danh từ kỹ thuật hơn nên chúng tôi hết sức chật vật đánh đu với chữ nghĩa chuyên môn.

Tôi phục vụ Hải quân 16 năm và làm việc liên tục tại   TTHL/HQNT 13 năm, dưới quyền của 8 trong 9 vị Chỉ huy trưởng của Trung tâm từ ngày thành lập cho đến khi kết thúc chiến tranh (**). Tôi đến Nha Trang với cấp Thiếu úy và giải ngũ ở cấp Trung Tá năm 1971 sau khi đắc cử dân biểu đại diện thành phố Nha Trang tại Quốc hội VNCH khóa  2.

tran-binh-nam-2.jpgTôi kết hôn với Nguyễn Thị Phương Thảo năm 1959 và lúc giải ngũ tôi có 5 người con: 2 trai, 3 gái tất cả đều sinh ra và lớn lên tại Nha Trang.

Ti Quc hi

Bản Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa công bố ngày 18/3/1967 ấn định tổ chức bầu cử Tổng thống và Thượng nghị viện, Hạ nghị viện vào cuối năm. Hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ ra ứng cử trong một liên danh tổng thống – phó tổng thống và đắc cử nhiệm kỳ 1967-1971. Ông Kỳ chịu đứng phó cho ông Thiệu với lời hứa của ông Thiệu giao Quốc hội cho Kỳ kiểm soát. Kỳ định dùng Quốc hội xây dựng thế chính trị cho mình, nhưng sau  đó Thiệu đã khéo léo lấy hết quyền của Kỳ. Vào cuối nhiệm kỳ 1967-1971 Thiệu nắm chắc hành pháp trong tay và đàn em của Thiệu  trong Quốc hội cũng lấn áp ảnh hưởng của Kỳ.

Tại Quốc hội tôi gia nhập khối đối lập Dân Tộc Xã Hội (DTXH). Khối DTXH gồm hai nhóm chính trị: Dân Tộc và Xã Hội. Nhóm Xã Hội thành lập trong pháp nhiệm 1967-1971 gồm các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) do dân biểu Phan Thiệp cầm đầu và một số dân biểu độc lập có khuynh hướng Phật giáo và một vài dân biểu khác trong vùng Sài gòn, Gia Định như bác sĩ Hồ Văn Minh, nhà báo Hồ Ngọc Nhuận … Nhóm Xã Hội chống khuynh hướng độc tài của tổng thống Thiệu.

Nhóm Dân Tộc gồm các dân biểu được giáo hội Phật giáo ủng hộ. Giáo hội Phật giáo tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội năm 1967, nhưng quyết định tham dự cuộc bầu cử năm 1971 và giúp 19 dân biểu đa số  gốc miền Trung vào quốc hội, trong đó có tôi đắc cử tại thị xã Nha Trang. Hai dân biểu uy tín nhất là Lê Đình Duyên và Lý Trường Trân.

Hai nhóm Xã Hội và Dân Tộc là nòng cốt của khối đối lập DTXH gồm 29 dân biểu. Trong khối còn có các dân biểu thuộc nhóm tướng Dương Văn Minh như Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Nguyễn Hữu Chung, Lý Quý Chung và 3 dân biểu độc lập: Trần Văn Tuyên ở Sài gòn, Đinh Xuân Dũng ở Phan thiết và Trần Cao Đễ ở Vũng Tàu.

Lúc đầu, giáo hội Phật Giáo định ủng hộ Lê Đình Duyên làm trưởng khối. Duyên là con trai của bác sĩ Lê Đình Thám, người chấn hưng phong trào Phật giáo tại miền Trung trong thập niên 1930. Các nhà lãnh đạo Phật giáo như Thượng tọa Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh và hấu hết các nhà lãnh đạo Phật giáo đương thời đều do chương trình chấn hưng của bác sĩ Thám đào tạo.

Nhưng sau cùng các vị lãnh đạo Phật giáo ủng hộ luật sư Trần Văn Tuyên làm trưởng khối. Tuyên sinh năm 1913 tại tỉnh Tuyên Quang, Bắc Việt, phía bắc Hà Nội 128 km. Ông gia nhập  VNQDĐ năm 16 tuổi,và sau khi tốt nghiệp cử nhân luật tại Hà Nội ông được bổ nhiệm tri huyện tại tỉnh Tuyên Quang. Nhưng ông từ chức sớm về Hà Nội dạy học tại trường trung học tư thục Thăng Long. Ông Võ Nguyên Giáp đang dạy Sử tại đó và hai người quen biết nhau. Nhưng hai người đi theo hai con đường chính trị khác nhau và trở thành địch thủ nhau cho đến năm1975, Giáp trở thành kẻ chiến thắng, Tuyên chết trong tù. Tuyên là một trong những nhân vật ký tên vào bản Tuyên ngôn Caravelle năm 1960 (2) kêu gọi tổng thống Ngô Đình Diệm cải tổ và bị ông Diệm cầm tù.

Sau khi Diệm bị lật đổ, ông Tuyên trở thành Phó thủ tướng cho Thủ tướng Phan Huy Quát. Nhưng chỉ trong 4 tháng (tháng 2 đến tháng 6- 1965), Quát không chịu nổi áp lực của quân nhân từ chức trao quyền cho các ông tướng. Tuyên trở về hành nghề luật sư, sau đó được bầu làm thủ lãnh Luật sư đoàn. Ông ra ứng cử dân biểu nhiệm kỳ 1971-1975 và đắc cử tại Saigon – Gia Định đại diện hai Quận 1 & 3.

Quyết định ủng hộ ông Tuyên làm trưởng khối DTXH là một quyết định chính trị khôn khéo của giáo hội Phật giáo. Tuyên đã gíúp giữ cho khối đối lập không tan rã trước nhiều lc xâu xé. Trước hết, tổng thống Thiệu không muốn làm việc với đối lập mà ông cho là thân Cộng; thứ hai là nỗ lực của cộng sản đột nhập vào để thao túng; và sau cùng Hoa Kỳ không có một chương trình giúp xây dựng dân chủ vì mục tiêu của Hoa Kỳ vào thời gian đó là chấm dứt chiến tranh và rút quân.

Trong nhiệm kỳ 1967-71 Thiệu gạt bỏ ảnh hưởng chính trị của Kỳ. Trong nhiệm kỳ 2 (1971-75) Thiệu chọn ông Trần Văn Hương đứng phó. Hương là một giáo sư trung học, nguyên hội trưởng Hội Hồng Thập Tự Việt Nam và có thời làm Đô trưởng Sài gòn. Ông Hương có uy tín với nhóm Liên trường, gồm các cựu học sinh các trường Trung học lớn ở  Nam bộ. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1971, liên danh Thiệu – Hương  ra tranh cử một mình vì vào phút chót cả hai ứng cử viên Dương văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ đều rút tên. Tuy nhiên với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, ông Thiệu vẫn theo đường lối cứng rắn.

Lập trường của khối DTXH đối với cuộc thương thuyết tại Paris là đạt được một thỏa ước chính trị dựa trên nguyên tắc dân tộc tự quyết để nhân dân miền Nam tự chọn lấy chế độ chính trị của mình. Nhưng Tuyên biết sự việc không đơn giản như vậy. Ông nghi ngờ chương trình thương thuyết của tổng thổng Nixon và bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger. Năm 1972 ông Ronald Reagan có công việc riêng tạt qua Sài gòn đến thăm Tuyên để đáp lễ chuyến thăm của Tuyên năm 1965 tại Sacramento.

Năm 1965 Tuyên là Phó thủ tướng đi công cán và ông Reagan đang làm thống đốc bang California. Trong một buổi họp Khối Tuyên cho biết ông Reagan hỏi theo ý ông thì nên chấm dứt cuộc chiến Việt Nam bằng cách nào. Qua câu chuyện với ông Reagan Tuyên có cảm tưởng Hoa Kỳ sẽ đi đến một thỏa ước chấm dứt chiến tranh bất lợi cho VNCH. Khối DTXH ủng hộ lập trường của tổng thống Thiệu là không chấp nhận một thỏa ước không có điều khoản buộc quân đội Bắc việt phải rút về miền Bắc cùng một lúc với quân đội Hoa Kỳ và đồng minh.

Tuy nhiên dưới áp lực cắt viện trợ đi đôi với lời hứa của tổng thống Nixon sẽ can thiệp quân sự mạnh mẽ – nếu Hà nội vi phạm thỏa ước tung quân đánh miền Nam – Thiệu  miễn cưỡng đồng ý ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Hiệp định không bắt buộc quân đội Bắc Việt rút quân.

Trước Tết Nguyên Đán Quý Sửu, nhằm ngày 2/2/1973 khối DTXH tuyệt thực trước thềm quốc hội phản đối Hoa Kỳ ký kết hiệp định Paris. Tuyên nói Hiệp định này sẽ làm miền Nam mất vào tay cộng sản. Về mặt thực tế, còn nước còn tát, Tuyên thuyết phục hai bên thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, cho rằng đó là cách duy nhất để cứu miền Nam. Do đó khối DTXH ủng hộ và đứng ra thành lập Lc lượng Th ba tham gia Hi đng Hòa hp Hòa gii Dân tc ba thành phn quy định bởi Hiệp định và có nhiệm vụ tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, hai bên tiếp tục vi phạm hiệp định bằng cách lấn đất giành dân và Hội đồng Hòa Hợp Hòa giải Dân tộc chưa bao giờ được hình thành.

Tuyên từng tham gia cuộc thương thuyết tại Genève chấm dứt chiến tranh Pháp-Việt chia đôi Việt Nam năm 1954. Ông biết cộng sản sẽ không ngừng tay chừng nào họ chưa chiếm được miền Nam, và muốn tồn tại không có phương cách nào khác hơn là xây dựng một miền Nam dân chủ có một nền kinh tế tự lập vững mạnh.

Tuyên nghĩ nếu Nam Hàn có thể đứng vững trước tham vọng thôn tính của cộng sản Bắn Hàn tại sao miền Nam Việt Nam lại không?  Hơn nữa VNCH còn nhận được nhiều viện trợ của Hoa Kỳ hơn Nam Hàn. Nhưng ông cũng biết có một khác biệt quan trọng. Hoa Kỳ muốn rời Nam Việt Nam, trong khi họ muốn ở lại Nam Hàn. Còn nữa, Nam Việt Nam không có người lãnh đạo vững vàng như ông Pak Chung Hee. Tổng thống Thiệu và các tướng lãnh của ông đều xuất thân từ lò đào tạo quân sự của người Pháp mục đích để phục vụ nỗ lực Pháp trở lại Việt Nam chứ không phải để tranh đấu cho nền độc lập của đất nước.

Trong khi đó khối DTXH gồm 3 nhóm đồng sàng dị mộng. Nhóm thân Phật giáo chống Thiệu, nhóm Quốc Dân Đảng lo xây dựng lực lượng và thanh thế cho đảng, nhóm thân tướng Dương Văn Minh có chương trình ủng hộ ông Minh trở lại nắm quyền. Nhờ uy tín của Tuyên Khối DTXH mới không tan rã. Ngoài ra Tuyên còn liên minh với một thành phần Công giáo do linh mục Trần Hữu Thanh cầm đầu để chống tham nhũng và đòi nới lỏng chế độ kiểm duyệt báo chí.

Tuyên biết tình thế rất khó khăn. Ông trăn trở tìm gỉải pháp. Ông nghĩ  đến quan hệ quốc tế; ông nghĩ đến việc ủng hộ tướng Minh thay Thiệu … Thế địa lý chính trị vào thời gian đó cho thấy miền Nam có thể sống còn vì Trung quốc không muốn một Việt Nam thống nhất. Cái lo của Trung quốc là sự hiện diện của quân đội Mỹ ở biên giới phía nam thì sau hiệp định Paris Mỹ đã rút hết.

Nhưng con đường ủng hộ tướng Minh để chấm dứt chiến tranh trong hòa bình là một con đường ảo tưởng. Sau khi ký hiệp định Paris, Hoa Kỳ chỉ muốn yên ổn rút quân không bị quân đội VNCH ngăn cản. Và giải pháp Dương Văn Minh hình như là một “âm mưu” bất thành văn giữa Hà Nội và Hoa Kỳ do tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn đạo diễn .

Đường lối ủng hộ tướng Minh giải thích tại sao vào tháng 2 năm 1975 có một điện

tín từ khối DTXH đánh đi từ Sài gòn gởi cho quốc hội Mỹ yêu cầu đừng chấp thuận $300 triệu mỹ kim viện trợ cho VNCH. Sự thật là đầu năm 1975, tổng thống Ford yêu cầu quốc hội giải tỏa ngân khoản đó, nhưng quốc hội Hoa Kỳ không muốn viện trợ nữa và câu giờ bằng cách cử một phái đoàn dân biểu đi Sài gòn để xem xét tình hình. Nhóm này gồm bà dân biểu Bella Abzug và Paul McClosky, hai dân biểu chống chiến tranh mạnh mẽ nhất tại quốc hội. Đến Saigòn, bà Abzug tiếp xúc với Hồ Ngọc Nhuận, – một dân biểu có cảm tình với Mặt Trận Giải Phóng miền Nam và là người tích cực ủng hộ giải pháp Dương Văn Minh thay Thiệu – và nói với Nhuận rằng trong mọi trường hợp quốc hội Hoa Kỳ cũng sẽ không giải tỏa ngân khoản này. Nhuận xem đây là cơ hội tốt ép Thiệu hợp tác với Minh để tìm một giải pháp chung, nên sau khi thảo luận với một số dân biểu thân tướng Minh họp tại tư thất tướng Minh, Nhuận thảo một điện văn và thuyết phục một số dân biểu khối DTXH ký vào gởi cho quốc hội Hoa Kỳ. Nhìn lại nếu Hoa Kỳ viện trợ thêm 300 triệu mỹ kim vũ khí vào lúc muộn màng đó cũng không cứu được miền Nam nếu không muốn nói chỉ làm cho cuộc chiến kéo dài thêm vài tuần lễ hay vài tháng và thêm tổn thất nhân mạng cho cả hai bên.

Hà nội mở mặt trận đánh qua biên giới phía bắc năm 1972 chiếm tỉnh Quảng Trị và uy hiếp thành phố Huế, đồng thời đánh vào cao nguyên miền Trung và tạo áp lực vào thủ đô bằng mặt trận Bình Dương phía bắc Sài gòn. Quân đội VNCH chận được cuộc tiến quân của Bắc Việt  trên cả ba mặt trận, và tổng thống Thiệu đã nhân tình hình căng thẳng ép Quốc hội thông qua Lut y quyn cho phép Tổng thống cai trị bằng sắc luật trong một thời gian giới hạn. Với Luật Ủy quyền, tổng thống Thiệu được tự do hành động không còn lo ngại tiếng nói của đối lập.

Năm 1974 Thiệu tu chính Hiến pháp để ông có thể ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 3 (1975-79). Lập luận của Thiệu là tình hình đang khẩn trương, “không ai thay nga gia dòng”. Cộng quân chiếm đất gìành dân khắp nơi, trong khi Hoa Kỳ tiếp tục cắt giảm viện trợ, ngay cả căn bản “mt đi mt” theo hiệp định Paris cũng  không được tôn trọng. Khối DTXH chống Luật Ủy quyền và tu chính Hiến Pháp. Nhưng tin Trung quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH ngày 19/1 đã làm cho mọi tiếng nói chống đối trở nên mờ nhạt.

Câu chuyện Trung quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 vào thời điểm đó rất lờ mờ (3). Quần đảo Hoàng Sa nằm ngoài khơi khoảng 380 km cách Đà Nẵng và được một đơn vị địa phương quân VNCH trấn giữ. Tổng thống Thiệu không thông báo gì cho quốc hội biết tình hình căng thẳng ngoài hải đảo. Quốc hội biết khi tin tức quốc tế loan tải Trung quốc đã chiếm Hoàng Sa sau một trận hải chiến với Hải quân VNVH . Tổng thống Thiệu là người đích thân ra lệnh nổ súng bảo vệ Hoàng Sa mà không thông báo cho tòa đại sứ Hoa Kỳ biết như một thông lệ khi ông có những quyết định quan trọng.

Biến cố Hoàng sa diễn ra trong khi hạm đội 7 của Hoa Kỳ có mặt quanh đó, nhưng không can thiệp, ngay cả khi bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam yêu cầu cứu thủy thủ chiến hạm HQ 10 bị đánh chìm đang trôi dạt trên biển, Hoa Kỳ cũng làm ngơ. Hoa Kỳ có thể biết kế hoạch đánh chiếm Hoàng Sa của Trung quốc và đắc ý với kế hoạch này. Hoa Kỳ biết Hà nội sẽ chiếm miền Nam, nên nếu Hoàng Sa nằm trong tay Trung quốc còn hơn nằm trong tay Hà Nội, vì Nga – một đồng minh của miền Bắc- có thể xử dụng để từ Biển Đông dòm ngó eo biển Malacca dẫn vào Thái Bình Dương. Có nhiều chỉ dẫn cho thấy hình như có một thỏa thuận ngầm giữa Hoa Kỳ và Trung quốc để Trung quốc chiếm Hoàng Sa trước khi Sài gòn sụp đổ (4).

Ngày 27/4/1975 đối lập rơi vào một trường hợp khó xử khi lưỡng viện quốc hội thảo luận một văn bản cho phép  tổng thống Trần Văn Hương (vừa được Thiệu từ chức trao quyền)  giao quyền tổng thống cho tướng Dương Văn Minh. Bản văn trên nguyên tắc vi phạm Hiến pháp vì không có điều khoản nào cho phép một sự trao quyền như vậy, nhưng quốc hội không có sự chọn lựa nào khác. Năm Sư đoàn quân cộng sản với xe tăng và trọng pháo đang vây hãm Sài gòn và cho biết họ chỉ nói chuyện với tướng Minh về gỉải pháp thành lập chính phủ liên hiệp để chấm dứt chiến tranh. Trước giờ biểu quyết, dân biểu Trần Cao Đễ nói với Tuyên rằng quốc hội đang vi phạm Hiến pháp. Tuyên trả lời: “Chúng ta hy sinh Hiến pháp để cứu nước”. Nhìn lại, quyết nghị nhường quyền chỉ là một sự “câu giờ” do đại sứ Pháp Mérillon và đại sứ Hoa Kỳ Martin đạo diễn để tòa đại sứ Hoa Kỳ có thì giờ rút đi an toàn.

Trong nhiệm kỳ 1967-71 tại quốc hội xem như không có đối lập, ngoại trừ hai dân biểu Trần Ngọc Châu và Phan Thiệp trong nhóm Xã Hội. Châu là một dân biểu độc lập đại diện tỉnh Kiến Hòa, nơi ông hai lần làm tỉnh trưởng, lần đầu dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, lần thứ hai sau khi Diệm bị lật đổ. Châu bất đồng ý kiến với cố vấn Hoa Kỳ về  cách thức điều hành chương trình “bình định nông thôn” và ra ứng cử dân biểu để có tiếng nói đối với các vấn đề quốc gia. Châu không minh thị chống Thiệu và chống Kỳ và được ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Bá Lương, người của Kỳ, ủng hộ vào chức vụ Tổng Thư Ký quốc hội.

Châu là bạn quân ngũ với Thiệu, nhưng làm việc chặt chẽ với tòa đại sứ Hoa Kỳ, nên Thiệu nghi Châu tạo thanh thế riêng để chống mình. Sai lầm lớn của Châu là tiếp xúc với ông anh ruột Trần Ngọc Hiền, một điệp viên cao cấp của Hà nội mà không báo cáo cho Thiệu biết. Châu chỉ báo cáo cho tòa đại sứ Hoa Kỳ để che lưng. Khi Hiền bị bắt sự việc vỡ lở, Hoa Kỳ không xác nhận Châu có cho tòa đại sứ biết và Thiệu có cớ bắt Châu đưa ra tòa án quân sự xử 20 năm tù. Lúc đó Thiệu đã quét hết tay chân của Kỳ trong quân đội và trong bộ máy hành chánh. Sau khi bỏ tù Châu, ông Thiệu có thế nắm luôn quốc hội.

Cuộc bầu cử dân biểu nhiệm kỳ hai, 1971-75, tổ chức tương đối dân chủ. Ngoài việc nắm hết phiếu của miền cao nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, Thiệu để cho các ứng cử viên các tỉnh miền Trung và vùng Sàigòn – Gia Định tự do tranh cử. Phật giáo và VNQDĐ thắng lớn tại các tỉnh miền Trung; nhóm Liên trường ủng hộ tướng Minh và một số thân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thắng tại vùng thủ đô. Sau bầu cử nhóm các dân biểu này trở thành nòng cốt đối lập.

Nhiệm kỳ 2, tại quốc hội có hai khối Dân Ch và Cng Hòa thân chính, có khối DTXH đối lập, có nhóm Quốc gia trung lập.  Đối lập tự do phát biểu ý kiến trước diễn đàn Quốc hội, nhưng đối lập không có phiếu đa số để thông qua một bộ luật nào. Phiếu đa số nằm trong tay các dân biểu thân chính và được dùng để thông qua các bộ luật ông Thiệu cần. Ông Thiệu không chịu làm việc với đối lập. Ông cho đối lập là vô tích sự bị thao túng bởi các nhóm chống chiến tranh và thân cộng. Ông không hy vọng gì vào sự lãnh đạo của Tuyên.

Tiếng nói của đối lập do đó không có ảnh hưởng gì. Trong khi đó Hoa Kỳ có ảnh hưởng đến toàn bộ sinh hoạt của miền Nam từ xã hội, kinh tế đến quân sự. Nhưng tòa đại sứ Hoa Kỳ cũng xem đối lập như một món hàng trang trí, một thứ bình phong bênh vực Thiệu trước sự tố cáo của báo chí là Hoa Kỳ dung dưỡng ông Thiệu độc tài. Thời Đệ nhị Cộng Hòa là thời gian Hoa Kỳ quá bận tâm vào việc chấm dứt chiến tranh.

Tòa đại sứ Hoa Kỳ quan hệ với đối lập qua việc tiếp xúc với Tuyên. Ông có tên trong danh sách khách mời tham dự các sinh hoạt có tính chính trị và quan hệ xã hội (PR) của tòa đại sứ và cũng là khách của các viên chức quan trọng tại tòa đại sứ Hoa Kỳ. Tuy nhiên trong các buổi họp hằng tuần của Khối, ông ít khi nói đến các cuộc tiếp xúc này. Có lẽ vì chẳng có gì để nói.

Yếu tố chính của sinh hoạt dân chủ què quặt vì người Việt chưa có truyền thống sinh hoạt dân chủ. Cho đến thời điểm đó Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm dân chủ.  Không kể thời phong kiến, thời gian chiến tranh chống Pháp giành độc lập (1946-54), một bên là Cộng sản, một bên là Việt Nam tự do thân Pháp có cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng với một ủy viên toàn quyền người Pháp quyết định mọi việc. Dưới Đệ Nhất Cộng Hòa, Việt Nam có một Hiến pháp dân chủ nhưng chỉ để xem chơi không bao giờ được vận dụng. Ông Diệm không dung túng bất cứ ý kiến đối lập nào trên báo chí hay tại quốc hội. Hiến Pháp 1967 dân chủ hơn nhưng do điều kiện chiến tranh chưa bao giờ được áp dụng một cách nghiêm chỉnh.

Nhìn lại tôi có cảm tưởng ông Tuyên có thông tin nhiều phía để đoán biết tương lai vô vọng của miền Nam. Kinh tế èo ọp. Ngân sách cho quân đội gần một triệu người gồm Bộ binh, Không quân, Hải quân gồm trang bị và lương bổng đều được Hoa Kỳ viện trợ. Bàn tay của cơ quan Trung ương Tình báo Hoa Kỳ (CIA) vươn tới tất cả các cơ cấu quốc gia từ quân đội, hành chánh đến quốc hội.Theo tài liệu “The CIA And the Generals” của cơ quan CIA giải mật ngày 19/2/2009, có ít nhất 20 Dân biểu và Thượng nghị sĩ đối lập lẫn thân chính quyền có quan hệ với CIA. Và chương trình của Hoa Kỳ là đạt được một thỏa ước tại Paris, lấy lại tù binh và rút khỏi miền Nam một cách an toàn.

Trong bối cảnh chính trị đó ông Tuyên đã thành công giữ cho đối lập không bể. Ông biết chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến nhiệm chức giữa Hoa Kỳ và liên minh lỏng lẻo Nga- Tàu. Và như một quy luật, chiến tranh nhiệm chức có thể giải quyết giữa các siêu cường và nếu may mắn nhân dân miền Nam có thể tránh được ách cộng sản.

Kinh nghiệm chính trị cho ông biết muốn chống cộng sản cần có dân chủ nên suốt cuộc đời ông là đấu tranh xây dựng dân chủ. Đó là lý do ông đứng về phía đối lập, chống Diệm, chống Thiệu và sau cùng nghi ngờ chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Ông Tuyên thỉnh thoảng nói đến một “Liên Minh Quốc tế vì Dân chủ”. Ông cho biết lúc làm Phó thủ tướng cho thủ tướng Quát khi du hành qua Phi châu ông đã nêu ý kiến “liên minh” với các nhà lãnh đạo Phi châu như  Đại Tá Houari Boumedienne của Algeria, tổng thống Habib Bourguiba của Tunisia,  tổng thống Gamal Abdel Nasser của Ai Câp. Các vị ấy tỏ ý tán thành và hứa sẽ cùng làm việc với chính phủ Quát để thiết lập một liên minh như vậy. Rất tiếc chính phủ Quát không tồn tại lâu và Tuyên trở về hành nghề luật sư .

Cho đến phút chót ông Tuyên vẫn giữ tư cách một người yêu nước, một nhà chính trị và một người lãnh đạo. Ông không bỏ đất nước ra đi khi cộng sản vào Sài gòn. Một ngày trước đó, ông từ chối đề nghị của Joe Bennett, tham vấn chính trị tòa đại sứ Hoa Kỳ cung cấp phương tiện đưa ông rời khỏi nước.  Con trai của ông Tuyên là Trần Tử Huyền (California, Hoa Kỳ) cho biết sau khi cộng sản chiếm Sài gòn tướng Võ Nguyên Giáp gởi một sĩ quan cấp tá đến thăm và hứa sẽ vận động với Ủy ban Quân quản Sàigòn – Gia Định không buộc ông ra trình diện học tập. Tuy vậy, ông vẫn ra trình diện để – theo lời ông – chia sẻ số phận với đồng bạn và đồng chí của ông.

Ủy ban Quân quản đưa ông Tuyên đến trại tập trung Long Thành, không xa Sài gòn cùng với khoảng 3.000 viên chức cao cấp của chính phủ VNCH. Sau 9 bài gỉảng căn bản, cộng sản phát giấy mực yêu cầu mọi người viết bản tự thú nói “tội lỗi” của mình đối với nhân dân.

Ông Tuyên viết trong bản tự thú : “Tôi không phm ti gì đi vi nhân dân. Các ông có th lit tôi vào thành phn chng chnghĩa cng sn, chng đế quc và chng đc tài”. Mùa Thu năm 1976, cộng sản chuyển ông ra một trại tù tại tỉnh Hà Tây. Ngày 27 tháng 10 ông chết trong một hoàn cảnh rất đáng nghi ngờ. Có lẽ cộng sản đã quyết định số phận của ông sau lời khai ở Long Thành.  Nằm xuống luật sư Trần Văn Tuyên đã hiến cả cuộc đời cho đất nước.

Đêm 29 tháng 4 năm 1975 là một đêm dài chấm dứt sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Đông nam Á. Một thất bại thê thảm! Nếu quyết định của Hoa Kỳ can thiệp giúp miền Nam ngăn chận cuộc xâm lăng của cộng sản và xây dựng một nước dân chủ là đúng về mặt chiến lược, thì Hoa Kỳ đã thất bại vì lãnh đạo chiến tranh yếu kém về cả hai mặt quân sự và chính trị.

Ông bộ trưởng quốc phòng McNamara lãnh đạo cuộc chiến tranh chống du kích bằng điện toán và “đếm xác chết” là hỏng. Hoa Kỳ không có một chiến lược chiến tranh vì không biết Trung quốc sẽ phản ứng thế nào. Hoa Kỳ không muốn chạm trán với Trung quốc trong một cuộc chiến trên đất liền như tại Triều Tiên một lần nữa.

Sau khi Hoa Kỳ giúp các tướng lật đổ ông Ngô Đình Diệm và đổ quân vào Việt Nam, Hoa Kỳ tin rằng sức mạnh quân sự của mình sẽ làm cho Bắc Việt nản chí và Nam Việt Nam sẽ có hòa bình để xây dựng. Rất tiếc lãnh đạo Hoa Kỳ đã bó tay các ông tướng không cho trải quân đóng kín biên giới phía Bắc dọc theo vĩ tuyến 17 từ bờ biển tỉnh Quảng Trị qua Lào đến tận sông Cửu Long để cắt đường của Hà Nội đưa quân và tiếp liệu vào miền Nam. Trong cuộc gặp tổng thổng Johnson tại Guam ngày 20/3/1967, Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đã đưa ra đề nghị này (Vietnam War: Day by Day của John S. Bowman, trang102) nhưng Hoa Kỳ không dám phiêu lưu. Nhìn lại nếu đã chận đường tiếp vận của Bắc việt một cách rốt ráo Nam Việt Nam có thể đã sống còn. Trung lập hóa Lào dưới mắt chính quyền Kennedy tưởng là đắc sách đã đưa đến thất bại.

Một lý do khác không kém phần quan trọng đưa đến thất bại là vì thiếu kinh nghiệm dân chủ, không có Xã hội Dân sự và không có người lãnh đạo có tài. Sách lược chống cộng sản của đối lập đặt tiền đề vào chính sách thay Thiệu là một sai lầm, chỉ làm cho Thiệu yếu đi trong khi chẳng làm cho các thành phần chống Cộng đoàn kết với nhau. Mặt khác cộng sản đã rất thành công trong chính sách xâm nhập vào các cơ cấu của miền Nam: Vũ Ngọc  Nhạ, Huỳnh Văn Trọng vào Phủ tổng thống, Phạm Ngọc Ẩn trong giới truyền thông, Phạm Ngọc Thảo trong quân đội, và Lý Quý Chung, Nguyễn Văn Hàm … trong quốc hội .

Kết thúc chiến tranh

Khi cộng sản đánh Ban Mê Thuột mở màn cuộc tấn công 1975 tôi đang ở Nha Trang. Tôi linh tính đây có thể là cú đấm cuối cùng.

Năm ngày trước khi cộng sản chiếm Nha Trang, tôi vào Sàigòn tham khảo ý kiến về tình hình với tướng Minh. Ông ta rất lạc quan, mặc dù lúc đó cộng sản đã chiếm Vùng I Chiến thuật gồm Huế và Đà nẵng và một bộ phận của Sư đoàn 10 Bắc việt do tướng Vũ Lăng chỉ huy đang đe dọa đèo Phượng Hoàng trên quốc lộ 21, do một lữ đoàn Dù từ Đà Nẵng rút về bảo vệ. Quốc lộ 21 là con đường chính từ Ban Mê Thuột về Nha Trang qua thị trấn Ninh Hòa.

Vào cuối tháng Ba, quân đội cộng sản áp đảo quân Dù, chiếm đèo Phượng Hoàng tiến về Ninh hòa, từ đó theo cải lộ tuyến do quân đội Nam Hàn xây cất tiến về Nam qua ngã Cam Ranh, không vào thành phố Nha Trang. Chính quyền Nha Trang tan rã và một đơn vị quân đội Bắc Việt đã được gởi đến để ổn định tình hình.

Đế tránh tình hình rối loạn ở Nha Trang, gia đình tôi chuẩn bị di tản vào Sàigòn. Nhưng cuối cùng tôi quyết định ở lại. Những ngày cuối dân chúng Nha Trang không ngớt đến văn phòng tôi hỏi về tình hình với sự lo âu và phi trường dân sự Nha Trang không còn an toàn nữa.

Ngày 1 tháng 4 là một ngày hỗn loạn tại Nha Trang. Chính quyền đã bỏ chạy, thành phố bỏ ngỏ. Nhà tù dân sự và quân lao không còn ai canh gác. Tù nhân tràn ngập đường phố. Để tránh điều rủi ro trong hỗn loạn tôi và hai dân biểu Nguyễn Công Hoan và Trần Văn Thung thuê thuyền ra tránh nạn tại đảo Vĩnh Nguyên, không xa ngoài bờ biển Nha Trang

Thung là dân biểu tỉnh Khánh Hòa. Nguyễn Công Hoan là dân biểu tỉnh Phú Yên. Cả hai đều cùng tôi ở trong khối Dân Tộc Xã hội. Hai ngày sau tôi trở về Nha Trang và nằm im trong nhà chờ đợi, mặc cho rủi may của số phận.  Cộng quân đã kiểm soát Nha Trang và thành phố im lặng một cách đáng sợ. Các đơn vị cộng sản đặt súng phòng không nhiều nơi trong thành phố. Có tin Không quân VNCH từ căn cứ Không quân Phan Rang bay ra tấn công đánh sập các cây cầu trên quốc lộ 1 dẫn vào Nam. Thành phố đầy rác rưởi, và tòa lãnh sự Hoa Kỳ bị phá tung.

Qua đài BBC chương trình Việt ngữ tôi theo dõi cuộc tiến quân của cộng sản. Ngày 20/4 các sư đoàn của tướng Văn Tiến Dũng uy hiếp tuyến phòng thủ Sài gòn tại Long Khánh do Sư đoàn 23 của Chuẩn tướng Lê Minh Đảo trấn giữ. Trong khi đó đại sứ Martin ngày đêm làm việc với bộ trưởng ngoại giao Kissinger để tìm một giải pháp chính trị. Về phần tướng Dương Văn Minh, ông và các phụ tá cũng đang vận dụng ảnh hưởng tìm kiếm một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Nhìn lại có lẽ các nỗ lực của đại sứ Martin chỉ nhằm đáng lạc hướng, câu giờ, tránh hỗn loạn để có thể rút toàn bộ nhân sự  còn lại tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam một cách an toàn.

Khi tiếng súng im trên toàn quốc, tôi theo lệnh của chính quyền cộng sản đăng ký tên họ chức vụ tại đồn công an Phường và được lệnh về nhà đợi lệnh. Giữa tháng Năm, khoảng nửa đêm, đại úy công an Nguyễn Văn Linh (TBN: trùng tên với TBT Nguyễn Văn Linh), trưởng ty công an thị xã Nha Trang cùng với hai công an vũ trang và vài du kích địa phương đến nhà vây bắt tôi ở địa chỉ số 2 đường Trần Văn Ơn. Ông Linh mang tôi về Ty Công an lúc đó đóng tại nhà cũ của ông Tuấn, giám đốc chi nhánh Nha Trang của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam nằm trên đường Duy Tân (nay là đường Trần Phú). Sau đó công an đưa tôi về giam tại trung tâm thẩm vấn cũng nằm trên đường Duy Tân. Mấy tuẫn lễ sau tôi được chuyển lên trại Lam Sơn, thuộc quận Ninh Hòa, tại đó đang có lớp “học tập” cho hàng ngàn viên chức chính phủ và sĩ quan quân lực VNCH. Lam Sơn nguyên là một Trung tâm huấn luyện lính. “Học viên” được sắp xếp ở trong những căn nhà trống, mỗi nhà một số. Tôi đến trễ, hầu như đã hết nhà trống, họ nhét tôi vào nhà số10 gồm sĩ quan và binh sĩ Dù bị bắt tại đèo Phượng Hoàng.

Trại Lam sơn do quân đội Bắc việt quản lý. Qua 9 bài căn bản họ giảng giải chiến lược chiến tranh qua từng gia đoạn từ khởi đầu chống Pháp cho đến chiến thắng cuối cùng và “chính sách khoan hồng” của chính phủ cộng sản.

Sau hai tháng ở trại Lam Sơn tôi được chuyển về nhà lao dân sự Nha Trang giam chung với thường phạm. Mục đích của cộng sản là đồng hóa chúng tôi với tội phạm xã hội. Sau đó họ đưa tôi lên giam tại trại Đồng Găng nằm sâu trong vùng rừng núi tỉnh Khánh Hòa. Đồng Găng là chiến khu cộng sản dùng để ẩn náu và tung các cuộc tấn công trong tỉnh. Khi tôi đến tại đó có khoảng 400 tù nhân sống chật chội trong những nhà trống, và tù nhân đang bận rộn đốn tre, đan tranh để làm thêm nhà ở. Giám trại là Thiếu tá Yết, một sĩ quan công an Bắc việt và một sĩ quan thuộc Mặt Trận Giải phóng phụ tá.

Ở đây tù nhân được gọi là phạm nhân chứ không dùng từ ci to nữa, cứ 2 người chia nhau một chiếc giường tre chỉ vừa đủ đặt lưng. Ban đêm sương xuống nhanh và mang theo cái lạnh của núi rừng. Mỗi trại được đốt một bếp củi với những khúc cây lớn để sưởi ấm và rọi sáng để lính canh giờ nào cũng có thể thấy chúng tôi. Bữa ăn hằng ngày chỉ có cơm và một chút thức ăn thường là rau trong nước loãng có tí muối .

Ở trại Đồng Găng tôi nhớ một người tù, Ngô Viết Xiêm, đại úy cảnh sát em ruột của kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ. Ông Thụ là kiến trúc sư vẽ họa đồ xây cất trường võ bị Đà Lạt. Xiêm giỏi về máy móc và làm trưởng xưởng sửa xe của trại.  Đại úy Xiêm được lính canh tù nể vì ông là người bảo trì sửa chữa xe gắn máy cho họ chạy tốt. Ngoài việc đánh đấm lính cộng sản hoàn toàn mù tịt về máy móc. Một hôm Thiếu Tá Yết chỉ định tôi làm Phó trưởng toán kỹ thuật (trưởng toán là một người tù đến trại trước tôi) xem chọn các sĩ quan tù nhân có tay nghề lập các ban chế tạo dụng cụ hữu ích cho trại. Tôi lập xưởng rèn, xưởng may, xưởng thiết, xưởng gò và một lò than sản xuất than đá do sáng kiến của một đại úy công binh. Các sĩ quân quân đội VNCH chứng tỏ rất có khả năng, làm gì cũng được. Chúng tôi thiết lập được một nhà máy điện nhỏ chạy bằng động cơ nổ có thể thắp sáng chừng 50 bóng đèn 100 watts. Phòng làm việc của Thiếu Tá Yết được trang bị một đèn neon và một hệ thống âm thanh để mỗi buổi chiều ông có thể nói chuyện với tù nhân. Thiếu tá Yết rất hài lòng với các phương tiện mới giữa rừng Đồng Găng.

Ngày 2 tháng 9 năm 1975, trại Đồng Găng chuẩn bị mừng lễ Độc lập đánh dấu ngày 2/9/1945. Ông Yết ra lệnh chúng tôi làm sân khấu và biểu diễn văn nghệ. Ông dự tính mời các giới chức cao cấp quân, dân, chính từ Nha Trang đến để chứng kiến ánh sáng đèn điện giữa rừng Đồng Găng. Một trục trặc nhỏ. Trước giờ buổi lễ bắt đầu, cái máy nổ chạy bằng xăng kéo máy phát điện làm reo không chịu nổ. Ông Yết thường ngày ăn nói nhẹ nhàng, gọi tôi đến văn phòng và nghiêm khắc bảo tôi “anh làm sao tôi không cần biết, nhưng đến giờ làm lễ mà không có điện thì tôi cùm anh”. Cùm là một hình phạt dành cho những tù nhân khó trị. Tôi đã có dịp chứng kiến người bị cùm. Khi bị cùm, trong vài ngày cái cùm sắt cắt thịt cườm chân vào tận xương. Và thế cùm không cho người bị cùm cử động dễ dàng nên cơ thể dần dần tê cứng. Khi được tháo cùm, người tù phải ngồi tại chỗ tập cử động hằng giờ may ra mới bước đi được. Tôi biết ông Yết không dọa tôi. Ông nghi tôi muốn phá sự thành công của buổi lễ. Tôi không có ý phá, nhưng tôi không khỏi nghi ngờ ông thượng sĩ an ninh, một chuyên viên điện khí của Không quân, người giúp tôi đắc lực nhất trong việc thiết đặt nhà máy điện. Thỉnh thoảng ông vẫn thắc mắc riêng với tôi, tại sao mình phải tự nguyện làm việc này. Tôi không nói với ông ta được gì nhiều chỉ nhắc ông ta câu chuyên viên đại tá người Anh trong cuốn phim “Cầu sông Kwai”. Người sĩ quan Anh đâu muốn phục vụ cho quân Nhật mà chỉ muốn cho quân Nhật biết người Anh không tầm thường, và bày việc đế qua thì giờ buồn tủi của người thất trận. Phút chót, hú hồn máy chạy và buổi lễ thành công dưới ánh đèn điện và âm thanh giữa rừng thẳm.

Nhờ sự vận động của Hồ Ngọc Nhuận, lúc này là thành phần của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ông Cao Đăng Chiếm, một viên chức cao cấp của Mặt Trận Giải phóng miền Nam ký giấy phóng thích tôi và yêu cầu công an Nha Trang gởi tôi vào Sàigòn theo học một lớp dành cho trí thức “tiến bộ” của miền Nam. Tuy đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền lực trong tay, Hà nội vẫn giữ một bề ngoài miền Nam do Mặt Trận Giải Phóng chiến thắng và quản lý.

Ra khỏi trại cuối tháng 9 tôi vào Sài gòn. Khóa học được tổ chức tại Trung tâm Việt Mỹ cũ trên đường Mạc Đỉnh Chi. Có hơn 100 học viên, tôi nhớ vài tên tuổi quen thuộc như  Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, cựu tổng trưởng bộ Xã Hội Trần Ngọc Liễng, đặc biệt là dân biểu Đinh Văn Đệ (có lẽ được giao phó công tác theo dõi chúng tôi tại lớp học). Giảng viên gồm các thành phần cộng sản gốc miền Nam có chức vụ trong Mặt Trận hay Chính phủ Lâm thời  Cộng hoà miền Nam Việt Nam như ông Nguyễn Hộ. Có một lần ông Phạm Hùng, ủy viên Bộ chính trị đến thăm lớp học. Ban giám đốc không nói ai chỉ cho biết có cán bộ cao cấp đến thăm. Sau này tình cờ thấy hình đâu đó tôi mới biết cán bộ cao cấp hôm nào là ông Phạm Hùng, ủy viên Bộ chính trị.  Ông ta nói nhiều điều về tầm chiến thắng của đảng Cộng sản, nhưng tôi chỉ còn nhớ một điều, “các anh có thắc mắc điều gì đừng ngại cứ mạnh dạn hỏi. Thuyết Mác Xít – Lê ni nít là chìa khóa của mọi sự việc nên cán bộ được trang bị bởi thuyết Mác-lê sẽ giải thích thỏa đáng cho các anh”. Lẽ dĩ nhiên chúng tôi không ai hỏi gì. Chúng tôi biết thắc mắc nhiều sẽ được hiểu là chất vấn kẻ chiến thắng và chỉ mang họa vào thân.

Sau một tháng học tập tôi được cấp giấy trở về Nha Trang với gia đình. Tôi tìm cách hội nhập vào xã hội mới. Tôi xin đi dạy học hay một công việc chuyên môn tại Ty Xây Dựng thành phố. Tôi là một kỹ sư cơ khí của Hải quân, và từng dạy học với tư cách tư nhân tại trường Trung học Võ Tánh Nha Trang và phụ trách vài môn lý thuyết tại trường Khoa Học Đại Học Huế. Nơi nào cũng chỉ hứa suông.

Ri Vit Nam

Năm 1976, sau nhiều nỗ lực tham gia Liên hiệp quốc như hai nước Việt Nam riêng biệt (để có hai phiếu tại Liên hiệp quốc) bất thành, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định thống nhất đất nước. Ngày 25/4/1976 Hà nội tổ chức bầu cử quốc hội toàn quốc. Lúc này hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa nhập một thành tỉnh Phú-Khánh. Chính quyền Phú- Khánh yêu cầu cựu dân biểu Nguyễn Công Hoan đại diện cho Phú-Khánh ra tranh cử (gọi là tranh cử nhưng với hệ thống bầu cử của cộng sản ai được đảng chọn đương nhiên đắc cử). Sau ngày cộng sản chiếm miền Nam, Hoan thấy nhân dân Phú Yên chán chế độ mới nên Hoan không muốn nhận lời mời. Tôi nói với Hoan lời mời của chính quyền Phú Khánh là một cái lệnh, từ chối sẽ được xem là một thái độ chống chế độ và chắc sẽ không yên thân. Suy nghĩ lại Hoan nhận lời và trở thành dân biểu của nước Việt Nam thống nhất .

Quốc hội mới họp ngày 2/7/1976 thông qua Nghị quyết đổi tên nước là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Sau khoá họp thứ nhất Hoan cho tôi biết dường như đảng cộng sản có dự tính thành lập một vùng Đông Á do Hà nội lãnh đạo như mẫu Đại Đông Á của Nhật Bản

trong đại chiến 2. Tại quốc hội Đảng phát cho mỗi đại biểu một bản đồ Đông Á bao gồm nhiều nước không có ranh giới giữa nhau. Nhưng hai ngày sau Đảng cho thu lại mà không giải thích. Hoan ghi nhận các đại biểu gốc Mặt Trận Giải Phóng có vẻ không vui, và bà Nguyễn Thị Bình Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, người từng tham dự cuộc hội đàm Paris có chiều tư lự.

Tháng 9 năm 1976, nhân có vụ Trung úy Viktor Belenko của Liên bang Xô viết lái chiếc máy bay Mig-25 qua Nhật tị nạn tạo thành tin sốt dẻo trên thế giới, tôi bàn với Hoan tổ chức trốn ra nước ngoài. Hoan với tư cách là đại biểu của Quốc hội một nước cộng sản sẽ tạo sự chú ý của dư luận thế giới về sự bất mãn của nhân dân Việt Nam đối với chế độ mới.

Hoan lo việc thuyền bè, tôi lo tính đường đi. Ông già vợ của Hoan là một ngư dân khá giả ở Xóm Cồn, một mõm đất nơi cảng đánh cá Nha Trang doi ra biển, và với tư cách dân biểu sự lui tới của Hoan sẽ không bị nghi ngờ. Tôi nghiên cứu đường đi bằng cách dùng bản đồ Biển Đông trong bộ Bách khoa Từ điển  Americana. Tôi dự phóng hai đường đi. Một về hướng Đông bắc đi Manila, Phi luật Tân; một về hướng Tây nam trực chỉ Singapore. Tôi chọn đường Singapore bởi hai lý do. Thứ nhất là ngắn hơn đường đi Manila. Thứ hai chạy hướng Singapore thuyền

chúng tôi sẽ nằm giữa một thủy đạo quốc tế quan trọng của tàu chở dầu từ Trung đông qua bắc Thái bình Dương cung cấp dầu cho Nhật Bản. Gặp trở ngại chúng tôi có nhiều cơ may được giúp đỡ. Hoan và tôi đồng ý khi đi sẽ gọi Thung, dân biểu Khánh Hòa cùng đi. Tôi hỏi ý Thung và Thung đồng ý sẵn sàng.

Chúng tôi rời Nha Trang đêm 28/3/1977 từ Xóm Cồn trên một thuyền đánh cá nhỏ chở tất cả 34 người, trong đó có chừng 7 phụ nữ và một trẻ em còn bồng trên tay. Ngày đầu biển êm, hôm sau hơi có sóng. Trên đường tàu bè khá nhiều, ban đêm những chấm đèn tàu làm cho chúng tôi không thấy cô đơn giữa trời nước mênh mông. Tôi biết với tốc độ và xăng nhớt mang theo thuyền chúng tôi khó vượt 1.300km để đến Singapore, nên trên đường đi tôi làm mọi cách để các chiếc tàu lớn chú ý và vớt chúng tôi. Nhưng không tàu nào mảy may chú ý đến sự hiện diện của chiếc thuyền mỏng manh của chúng tôi. Qua đài BBC tôi biết rằng, các thuyền trưởng tàu buôn thường gặp phiền phức với chủ tàu khi vớt người vượt biên vì phải thay đổi chương trình di chuyển – chẳng hạn để đổ người tị nạn lên đất liền – nên họ thường làm ngơ dù luật thương thuyền buộc phải cứu nạn nhân trên biển .

Để tạo sự chú ý đôi khi tôi cho thuyền chạy chận đường các tàu buôn. Các tàu này thường tránh rồi tiếp tục đường đi của họ. Nghĩ lại hành động của chúng tôi thật điên rồ.

Qua ngày thứ ba, thuyền chết máy. Mấy người phụ trách máy tàu sửa chữa không được. Gió bắt đầu lên và thuyền chúng tôi sóng đánh lắc dữ dội. Mọi người trên tàu say sóng nằm rẹp hết.Chiều ngày thứ ba, biển động mạnh, bầu trời xám ngắt báo hiệu bão. Thực phẩm chỉ còn gạo sấy để trộn với nước nấu sôi khi ăn. Nước chỉ còn đủ cho mấy người phụ nữ và chú bé 2 tuổi. Tôi không biết chúng tôi đang ở tọa độ nào, chỉ đoán chưa xa bờ biển Nha Trang lắm. Hy vọng đến Singapore trở thành xa vời, chúng tôi bàn nhau – nếu sửa được máy – trở về Nha Trang rồi tính sau. Nhưng vô phương, máy tàu thiếu nhớt bể không phương sửa chữa. Đêm đó chúng tôi dùng bất cứ gì cháy được đốt lửa trên boong thuyền để kêu cứu.

6 giờ chiều hôm sau, 3 tháng Ba, một chiếc tàu chở dầu khổng lồ, nhìn xa như một trái núi mang quốc kỳ Nhật Bản đến sát chúng tôi. Tàu ngừng cách chúng tôi chừng 300 mét sợ đến quá gần sóng tàu lật thuyền chúng tôi. Tôi không biết thuyền trưởng đang tính toán gì, chỉ thấy mấy cặp ống nhòm từ đài chỉ huy đang quan sát chúng tôi. Điều tôi sợ nhất là tàu bỏ đi. Nghĩ vậy tôi lấy một quyết định sinh tử nhảy xuống biển bơi qua tàu.  Tôi muốn nói với họ nếu họ không cứu, chúng tôi gồm một số phụ nữ và trẻ em sẽ bỏ mình trên biển. Chúng tôi không còn nước, không còn thức ăn và máy tàu thì bể.

Bơi đến gần tàu, trước mắt tôi là một thành tàu thẳng đứng, sau này được biết là chiếc Ryuko Maru, một trong những chiếc tàu chở dầu lớn nhất của Nhật. Tàu này có một sân thượng bằng phẳng, chỉ cần thay đổi đôi chút là có thể làm sân bay. Người Nhật sau Thế chiến 2 được Hoa Kỳ bảo vệ, nhưng lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng để tự vệ. Hàng không dân sự và hàng hải thương thuyền Nhật huấn luyện sĩ quan theo chương trình quân sự để khi cần có thể chuyển thành sĩ quan Không quân và Hải quân..

Thủy thủ đoàn thả một chiếc thang dây cho tôi. Leo đến sàn tàu, vừa lạnh vừa mệt tôi ngã lăn trên sàn tàu. Một thủy thủ mang đến phủ lên tôi một cái chăn ấm và để tôi nằm nghỉ tại chỗ.

Thấy tôi hơi khỏe một sĩ quan trẻ y phục trắng đến hỏi chuyện tôi. Sau này tôi biết ông ta là thuyền phó. Sau khi biết chúng tôi là đoàn người tị nạn không chịu được chế độ cộng sản nên đi tìm tự do và hiện đang rơi vào tình cảnh vô vọng. Thuyền phó nói ông sẽ cho người sửa máy, cung cấp thực phẩm và chỉ hướng cho chúng tôi đến một nơi an toàn. Tôi ngồi trên boong tàu chờ kết quả. Sau này tôi biết các người thợ máy Nhật cho biết máy cháy không sửa được, trên tàu Nhật không có máy thay thế và thuyền trưởng đánh điện về hãng tàu xin ý kiến. Và lệnh cứu chúng tôi được chấp thuận đưa chúng tôi về cảng Yokkaichi gần nhất. Từ nơi vớt chúng tôi đến Yokkaichi mất 6 ngày biển.

Lên tàu thủy thủ đoàn cho chúng tôi ở một căn phòng phía bên phải của thương thuyền và cho chúng tôi chăn mền và bữa cơm tối đầu tiên, có mấy lon bia hiệu Sapporo, một thứ bia bình dân của Nhật. Chúng tôi biết chúng tôi đã sống sót và vượt qua được đoạn đầu của hành trình tị nạn. Nhật Bản là một quốc gia dân chủ, giàu có và nổi tiếng về lòng tốt.

Ngày hôm sau, thuyền phó bắt đầu lập danh sách tị nạn để báo cáo cho Cơ quan Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR  – United Nations High Commisonner for Refugeees). Thung, Hoan và tôi trao đổi ý kiến có nên để Hoan khai thật là dân biểu của Hà nội không.  Nhật đã thiết lập bang giao với Việt Nam và Nhật có thể trả Hoan về Việt Nam để tránh rắc rối ngoại giao với Hà Nội. Chiếc Ryuko Maru đang chạy ngoài bờ biển Việt Nam, tạt vào Hải phòng để trả Hoan là việc quá đơn giản. Chúng tôi đồng ý tạm dấu lai lịch của Hoan cho đến khi đến Nhật.

Năm ngày sau tàu đến Yokkaichi. Khi viên chức UNHCR và Bộ Di trú lên tàu làm việc, chúng tôi biết đã đến lúc tiết lộ lai lịch của Hoan. Người phiên dịch đi theo cơ quan Di trú là anh Trần Văn Thắng, sinh viên miền Nam học ở Nhật kẹt lại làm việc cho cơ quan Caritas thuộc Giáo hội Thiên chúa La Mã giúp người tị nạn. Khi Thắng nói cho phái đoàn biết lại lịch Hoan họ có vẻ sửng sốt không tin. Nhưng sau khi chụp hình thẻ dân biểu của Hoan điện về Bộ Ngoại giao Nhật ở Tokyo xác nhận đúng, họ không cho báo chí lên tàu tiếp xúc với chúng tôi.

Đêm hôm đó giới chức cảng Yokkaichi  cho chúng tôi rời tàu bằng một lối riêng đến một đoàn xe buýt chờ sẵn đưa chúng tôi về trại tị nạn ở làng Kominato, thuộc tỉnh Chiba cách Tokyo chừng 110 km. Khoảng nửa đêm chúng tôi đến trại. Trại là một trường tiểu học của Giáo hội Phật giáo Rissho Kosei-Kai nằm bên cạnh một ngôi chùa nhỏ được biến cải thành trại tị nạn. Vào thời gian đó có chừng 300 người Việt tị nạn ở Nhật dưới sự bảo trợ  của UNHCR và Caritas, một hội thiện nguyện thuộc Giáo hội Thiên chúa giáo La mã có cơ sở toàn thế giới. Chúng tôi là nhóm tị nạn đầu tiên do Phật giáo Nhật phụ trách.

Nhật Bản không có quy chế nhận người tị nạn định cư trong nước, chỉ giúp UNHCR nhận tạm chúng tôi chờ làm thủ tục định cư tại một nước khác. Vị trụ trì của chùa có nhiệm vụ giúp đỡ chúng tôi chỗ ăn chỗ ngủ.

Tin có một dân biểu của một nước cộng sản có mặt trong số người tị nạn mới tới không được tiết lộ cho báo chí. Nhưng anh em thông dịch viên thuộc Tổ chức Người Việt Tự do (TC/NVTD) đã tiết lộ cho báo chí biết. Tôi thấy có nhiều phóng viên từ Tokyo đến săn tin. Hai sinh viên thay nhau làm thông dịch viên cho chúng tôi là Trần Văn Thắng và Huỳnh Lương Thiện. Sau này cả hai đều sang định cư ở Hoa Kỳ. Thắng là giám đốc một công ty du lịch, và Thiện hiện là chủ nhiệm báo  ở San Francisco.

Do một sự tình cờ tôi tiếp xúc được với báo chí quốc tế. Một hôm tôi đang đứng gần chiếc điện thoại trong trại và nghe reo. Tôi nhấc lên và đầu giây là một nhà báo của hãng tin CBS. Qua một trao đổi ngắn tôi xác nhận tôi là một trong những người tị nạn vừa mới đến và trong nhóm có ông Nguyễn Công Hoan, dân biểu của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ngay sau khi đến trại, ông Misei, đại điện của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Nhật đến trại làm thủ tục định cư chúng tôi.  Ông Misei là một công dân Nhật. Phần chúng tôi, chúng tôi dự tính, nhân ngày 30 tháng Tư  sắp tới, đánh dấu hai năm ngày cộng sản chiếm miền Nam, tổ chức một cuộc họp báo để nói cho thế giới biết tình trạng nhân quyền thê thảm tại Việt Nam dưới chế độ cộng sản .

TC/NVTD giúp chúng tôi thuê chỗ họp báo tại một khách sạn địa phương và thông báo cho báo chí quốc tế biết. Hoan, Thung và tôi lo viết bản thông cáo báo chí. Hoan chủ tọa buổi họp báo và trả lời các câu hỏi, tôi phiên dịch .

Cân nhắc ảnh hưởng của cuộc họp báo đối với quan hệ Nhật- Việt, chính phủ Nhật quyết định ngăn cản cuộc họp báo và nhông Misei lo việc này. Một tuần lễ trước ngày họp báo ông Misei gặp tôi tại văn phòng chùa Kominato. Ông nói rằng cuộc họp báo sẽ  làm chính phủ Nhật lúng tung đối với Việt Nam và chúng tôi có thể bị gởi về Việt Nam, đó là chưa nói gia đình chúng tôi ở Việt Nam sẽ bị trả thù. Tôi nói khi ra đi một mình chúng tôi chấp nhận mọi tình huống, chính phủ Nhật đối đãi thế nào thì chúng tôi chịu vậy. Tôi biết chính phủ Nhật không thể trả chúng tôi về mà không bị dư luận quốc tế lên án.

Ông Misei xoay qua chuyện người tị nạn và nói rằng cuộc họp báo sẽ làm cho chính phủ Nhật từ nay về sau không nhận người tị nạn nữa, như vậy là thiệt thòi cho đồng bào các anh. Tôi trả lời ông Misei rằng nếu có ai nói cho thế giới biết tình trạng bi đát của đồng bào tôi dưới chế độ cộng sản thì họ có thể chấp nhận bất cứ sự trả thù nào.Tôi nghĩ ông Mesei chỉ da, vì Nhật Bản là một nước dân chủ tiên tiến không thể hành động cấm cửa người tị nạn nếu đã trôi dạt đến cửa nhà mình.

Sau cùng ông Misei đưa một đề nghị, được hiểu là một sự mua chuộc. Ông nói, các anh có điều cần nói với thế giới thì nên nói ở Hoa Kỳ sẽ có tiếng vang hơn là nói ở đây. Chính phủ Nhật sẽ trả chi phí để các anh ghi vào video cassette (lúc đó chưa có dĩa CD) để các anh phổ biến khi đến Hoa Kỳ. Ông dè dặt đưa ra hai con số: mỗi cassette một mỹ kim và thực hiện một triệu cassette. Tôi nói với ông Misei, tình hình đàn áp tại Việt Nam như một nồi nước đang sôi không thể chờ đợi.

Trong lúc ông Misei áp lực chúng tôi, TC/NVTD vẫn tiến hành các chuẩn bị họp báo. Ngày họp báo sẽ là ngày 30/4/1977 tại một khách sạn ở Kominato.

Ngày 29/4. một sĩ quan cảnh sát địa phương gặp tôi yêu cầu làm đơn xin họp báo với lý do cần chính thức xin phép để cảnh sát Nhật bảo vệ an ninh cho buổi họp báo.

Ngày 30 nhiều phóng viên quốc tế từ Tokyo đến dự cuộc họp báo, trong đó có ký giả Henry Kammp, phóng viên tại Nhật Bản của tờ New York Times. Sự xuất hiện công khai của Hoan và lời tố cáo chính sách đàn áp, vi phạm nhân quyền, và cuộc sống đen tối tại Việt Nam đã tạo ra một xúc động lớn. Sau cuộc họp báo, ký giả Kammp thuê riêng một phòng trong khách sạn để phỏng vấn thêm chúng tôi. Ngoài ký giả Henry Kammp có thêm Huỳnh Lương Thiện và một nữ ký giả trẻ tuổi lai gốc Việt thư ký riêng của Kammp nói lưu loát 4 ngôn ngữ, Anh, Pháp, Việt và Nhật ngữ  tham dự .

Báo chí và các đài truyền hình tại Hoa Kỳ đã loan tải rộng rãi nội dung cuộc họp báo của chúng tôi, ngay các tờ báo địa phương. Đây là lần đầu tiên dân chúng Hoa Kỳ biết tình trạng Việt Nam sau khi bức màn đêm 29/4/1975 rũ xuống thành phố Sài gòn.

Bài báo của ký giả Henry Kammp trên tờ New York Times nói về nạn người vượt biển bỏ nước ra đi và nhiều người đã bỏ mình vì bão táp đã thúc đẩy tổng thống Jimmy Carter xin quốc hội ngân khoản giúp người tị nạn. Quốc hội Hoa Kỳ muốn nghe thêm về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, và bà Lê Thị Anh, một người Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn có liên lạc với quốc hội đã sắp xếp mời Hoan qua Hoa Kỳ trước .

Sau cuộc họp báo, giáo hội Rossei Koseikai đưa tôi về một trại tị nạn khác của người Việt ở miền Tây Nhật Bản để giúp Giáo hội tổ chức đời sống cho người tị nạn tại đó. Bốn tháng sau, tôi và Thung về Tokyo ở với anh em NVTD  chờ ngày đi định cư tại Hoa Kỳ. Hằng tuần tôi và Thung đến văn phòng trung ương của Giáo hội để lảnh tiền trợ cấp của Liên hiệp quốc.

Tháng 10, 1977 tôi có giấy tờ đi định cư tại Boston. Người bảo lãnh tôi là ông Raymond Crombie, một công chức quận Quincy, bang Massachusetts từng làm việc trong ngành chiến tranh chính trị của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Ông nói trôi chảy tiếng Việt. Ở Quincy chừng một tháng tôi về Maryland tạm trú nhà Nguyễn Đình Điều một người bạn thời trung học. Điều nguyên là sĩ quan Hải quân VNCH

và khi miền Nam sụp đổ đang theo học tại trường Cao đẳng Hải quân Hoa Kỳ ở Monterey. Ông được cấp quy chế tị nạn I-94.

Ở Maryland tôi kiếm việc làm để có tiền gởi vợ tôi nuôi con, 5 đứa từ 7 đến 15 tuổi. Rất may vào tháng 2/1978, Thái Doãn Ngà một bạn thời trung học đang ở California điện thoại thăm và giới thiệu tôi với ông giám đốc sở Ngà đang làm. Ông ta đang kiếm người cho chương trình CETA (Comprehensive Employment and Training Act), một chương trình của chính phủ Liên bang tạo công ăn việc làm và đào tào chuyên viên. Sau cuộc phỏng vấn ngắn ngủi ông “tuyên bố” nhận tôi vào chương trình CETA, học kế toán. Ngà đang làm việc cho ông trong chương trình này với tư cách trưởng phòng kế toán. Ngà rời Việt Nam mấy ngày trước khi Saigòn sụp đổ và đến Mỹ đi học kế toán ngay. Vốn là một giáo sư Toán đệ nhị cấp ông thăng tiến nhanh chóng trong ngành kế toán. Ngà mua vé máy bay cho tôi. Hôm sau tôi ra phi trường Dulles, Washington D.C. lấy vé bay đi Los Angeles. Đường ra phi trường còn đầy tuyết. Đến Los Angeles Ngà đón, tôi thấy Ngà chỉ mặc một chiếc sơ mi mỏng dài tay. Trời California có nắng và không khí mát rượi báo hiệu mùa Đông sắp tàn, Xuân sắp tới. Hai ngày sau tôi ở tạm nhà Ngà đi làm. Sự việc thay đổi nhanh chóng như một giấc mơ. Bây giờ tôi có việc làm, có chỗ tạm trú, có lương hằng tháng. Ngoài chi phí để sống tôi còn dư một chút tiền gởi về cho vợ tôi.  Và thì giờ nghĩ đến mục đích của việc bỏ nước ra.

Cùng với 10 người bạn tôi tiếp xúc qua thư từ, điện thoại từ ngày còn ở Nhật, chúng tôi đồng ý thành lập một tổ chức chính trị gọi là “Tổ chức Phục hưng Việt Nam” (TC/PHVN) làm khí cụ đấu tranh chống chính sách độc tài độc đảng của đảng Cộng sản tại Việt Nam. Buổi họp – chúng tôi sẽ gọi là đi hi – thông qua Cương lĩnh được tổ chức vào tháng 12 năm 1978 tại thành phố Los Angeles. Đại hội thứ hai tổ chức một năm sau (1979) và sau đó hai năm triệu tập một lần Tại đại hội thông qua Cương lĩnh tôi được bầu làm chủ tịch sáng lập của TC/PHVN. Chín thành viên tham dự đều là thành viên sáng lập.

Tôi giữ chức chủ tịch TC/PHVN trong 9 năm cho đến đại hội thứ 7 năm 1989. Sau đó tôi viết bình luận về các vấn đề chính trị thế giới, đặc biệt chú trọng đến các chuyển biến liên quan đến Việt Nam và công cuộc đấu tranh phục hưng đất nước (5).

Các chương trình Việt ngữ của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America – VOA), đài BBC, đài Á châu Tự do (Radio Free Asia – RFA) thường phỏng vấn tôi trong 20 năm qua. Quan tâm nhất của tôi hiện nay là Trung quốc đang đe dọa sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam, nhất là kế hoạch chiếm Biển Đông và sự gặm nhắm biên giới phía bắc Việt Nam .

Tôi về thăm Việt Nam 2 lần, lần thứ nhất tháng Ba năm 1999, lần thứ hai tháng Tư năm 2001. Sau đó hai lần tôi xin chiếu khán về Việt Nam (2003 & 2015) đều bị chính quyền Việt Nam từ khước không cấp. Lần thứ nhất lấy lý do sự có mặt tôi làm mất an ninh đất nước, lần thứ hai không giải thích. Một nữ thư ký của tòa đại sứ Việt Nam tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn điện thoại báo rt tiếc  không cấp chiếu khác cho tôi được.

Hoa Kỳ tr li tây Thái bình Dương

Người Việt Nam và người Mỹ cần rút kinh nghiệm bài học thất  bại tại miền Nam Việt Nam, nhất là lúc này Hoa Kỳ đang có chính sách trở lại Tây Thái Bình Dương. Biển Đông sẽ là nơi tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung quốc trong nhiều thập niên

tới. Biển Đông tiếp giáp bờ phiá Đông của Việt Nam, qua bao nhiêu thế kỷ là con đường biển quốc tế nối liền Ấn độ dương với tây và bắc Thái Bình Dương. Các nước lớn trên thế giới không quan tâm đến sự quan trọng của Biển Đông, chừng nào tàu thuyền nước nào cũng được tự do qua lại. Nhưng từ thập niên 1950 có dấu hiệu dưới lòng Biển Đông có dầu thô và khí đốt và thế giới chú ý đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm giữa Biển Đông. Ai làm chủ hai quần đảo này sẽ làm chủ một con đường giao thông huyết mạch, và tài nguyên dưới đáy trong vòng 200 hải lý chung quanh.

Sau khi ký hiệp định Paris năm 1973 Hoa Kỳ chuẩn bị rút quân, và do nhu cầu địa lý chính trị, đầu năm 1974 đã khuyến khích Trung quốc (thời gian đó là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong cuộc đối đầu tay ba Hoa Kỳ- Nga xô viết-Trung quốc, trong khi Việt Nam là đồng minh của Liên xô) chiếm quần đảo Hoàng Sa. Năm 1975 sau khi Hà Nội chiếm miền Nam, Biển Đông chưa trở thành cái ao nhà của Liên bang xô viết và Hà Nội nhờ Trung quốc đóng chốt tại quần đảo Hoàng Sa. Đầu thập niên 1990 Liên xô sụp đổ, Việt Nam trở lại níu Trung quốc để duy trì chế độ. Nhưng khi Trung quốc có kế hoạch chiếm toàn bộ Biển Đông để mở cửa ra Thái Bình Dương công khai tranh chấp thế siêu cường với Hoa Kỳ thì đụng chạm đến quyền lợi của Việt Nam, và cuộc tranh chấp âm thầm giữa Trung quốc và Việt Nam nảy mầm.

Trong thế tranh chấp này Hoa Kỳ là lực lượng đối trọng với Trung quốc của Việt Nam. Nhưng Hoa Kỳ vừa bị Việt Nam đánh bại chưa đủ phn khi để đánh bạn với Việt Nam. Dù nói sẽ trở lại tây Thái bình dương Hoa Kỳ còn đứng trước nhiều quyết định chiến lược cũng như chiến thuật khó khăn. Trung quốc mở mặt trận tranh chấp với Hoa Kỳ khắp nơi trên thế giới, ngay cả kinh tế Hoa Kỳ cũng không tránh khỏi áp lực của Trung quốc. Việt Nam luôn luôn dùng lời lẽ ôn hòa thân hữu với Trung quốc hơn với Hoa Kỳ, nhưng không phải đã thần phục Trung quốc như dư luận của người Việt ở hải ngọai nghĩ. Việt Nam ở thế khó khăn và rất ít sự lựa chọn: vừa chơi trò thân hữu với Trung quốc vừa chờ đợi thái độ của Hoa Kỳ ./.

Trn Văn Sơn, Bút hiu Trn Bình Nam

&-&-&-&-&-&-&-&-&-&

(1)       Để viết “Lời nhân chứng” này tôi đã tham khảo với các cựu dân biểu sau: Trần Ngọc Châu (Woodland Hills, California), Hồ Ngọc Nhuận (Sài gòn),  Phan Thiệp (San Jose, California), Lý Trường Trân (Garden Grove, California), Đinh xuân Dũng (San Jose, California), và Trần Cao Đễ (Westminster, California), và luật sư Trần Tử Huyền (San Francisco, California), con trai ông Trần Văn Tuyên .

(2)       Mười tám người  ký vào bản Tuyên Ngôn Caravelle gồm các nhân vật từng làm việc cho chính phủ Bảo Đại thời gian Pháp trở lại Việt Nam, và từng tham gia chính quyền sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm (1955-63) sụp đổ gồm, các ông Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy quát, Trần Văn Lý, Nguyễn Tiến Hỹ, Trần Văn Đỗ, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Tăng Nguyên , Phạm Hữu Chương, Trần Văn Tuyên, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất và Hồ Văn Vui .

(3)       Xem Hồ Văn Kỳ Thoại “Naval Battle of the Paracels” trang 153, tuyển tập “Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975)” – do giáo sư  K.W. Taylor , Cornell Southeast Asia Program Publications  xuất bản ngày 30/4/2015

(4)       Liên quan đến cuộc nói chuyện với Bắc Kinh cuối năm 1973, Henry Kissinger  viết trong cuốn Years of Upheaval trang 684: “Bây gi thì ai cũng biết rng, qua chuyến đi ca tôi, tôi và th tướng Chu Ân lai và các ph tá đã trao đi chi tiết v tình hình thếgii. Chúng tôi không công khai ký kết gì nhưng hoàn toàn đng ý vi nhau v tình hình mi và vì tế nh đi vi s nhy cm ca Liên xô chúng tôi cũng không công b gì c.

(5)       Các bài bình luận của tôi đều được đăng trên mạng www.tranbinhnam.com  Có 478 bài, viết từ tháng 4/1998 đến tháng 7/2013. Các bài bình luận viết trước đó được in trong 4 Tuyển Tập Bình Luận Chính Trị. Tập 1 (1991-1994 – Mõ Làng San Francisco xuất bản 1995). Tập 2 (1995-1996 –Mõ Làng San Francisco xuất bản, 1997), Tập 3 (1997-1999 (Mõ Làng San Francisco xuất bản, 2000), Tập 4 (1999-2002 – TC/PHVN xuất bản 2002).  Sau ngày sinh nhật thứ 80, 17/7/2013 tôi không viết Bình Luận Chính Trị nữa. Thỉnh thoảng tôi viết về các vấn đề nhân sinh hay dịch các bài báo có tính hữu ích công cọng và đăng trên mạng tranbinhnam, Mục: “Chuyn ngn; Chuyn không chính tr; Tài liu dch”.

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh