Bắc Kinh gia tăng khống chế Biển Đông với hải đăng Xu Bi
Posted by Luu HoanPho, Apr 6, 2016, Comments Off
Tin REUTERS, RFI.– Vào hôm qua, 05/04/2016, Trung Quốc đã chính thức cho vận hành ngọn hải đăng trên Đá Xu Bi, một hòn đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa. Với động thái này, Bắc Kinh đã tiến thêm một bước mới trong việc áp đặt sự đã rồi trong những vùng biển đảo đang tranh chấp với các láng giềng. (hình trên chụp hồi tháng 1/2016 một công trình xây dựng trên Đá Su Bi (Subi Reef), được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. Ảnh của Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS.)
Hãng tin Anh Reuters, trích dẫn Tân Hoa Xã, cho biết là bộ Giao Thông Trung Quốc đã tổ chức một buổi lễ « khánh thành » để đánh dấu việc đưa ngọn hải đăng cao 55 mét này đi vào hoạt động. Bắc Kinh đã tiến hành xây dựng ngọn hải đăng này từ tháng 10/2015.
Theo cổng thông tin Trung Quốc sina.com, hải đăng trên Đá Xu Bi hiện là ngọn hải đăng cao nhất mà Trung Quốc xây dựng tại Trường Sa, có kết cấu bằng bê tông cốt thép, với đèn pha đủ sáng để được thấy trong phạm vi 22 hải lý.
Điều được hãng Reuters ghi nhận là Đá Xu Bi đã thu hút sự chú ý của thế giới vào tháng 10 năm ngoái 2015, khi khu trục hạm Mỹ được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen đã thâm nhập vùng 12 hải lý quanh thực thể địa lý này để khẳng định quyền tự do hàng hải. Vào khi ấy, Bắc Kinh đã phản ứng rất tức tối, coi đấy là một hành động « cực kỳ vô trách nhiệm » từ phía Washington.
Trước khi bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo, Xu Bi là bãi đá nửa chìm nửa nổi, chỉ lộ ra lúc thủy triều thấp. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đảo nhân tạo không sản sinh ra vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh.
Theo Bắc Kinh, các công trình của Trung Quốc đều nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc tế của họ về an toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ và nghiên cứu khoa học, qua đó mặc nhiên khẳng định quyền kiểm soát của Trung Quốc trên các bãi đá hay rạn san hô ở Biển Đông mà họ đã chiếm lấy từ tay nước khác.
Trung Quốc đang có dự án xây hải đăng trên hai hòn đảo nhân tạo khác trong tay họ ở vùng quần đảo Trường Sa : Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và Đá Gạc Ma (Johnson South Reef).
Tin REUTERS, Trọng Nghĩa @ RFI