Việt Nam đòi Trung Quốc rút giàn khoan, TQ nói không
Posted by Luu HoanPho, Apr 8, 2016, Comments Off
Tin REUTERS, RFI, Tin247.- Hôm 07/04/2016 Việt Nam đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, từ bỏ kế hoạch khoan dầu tại vùng biển mà vấn đề quyền tài phán vẫn chưa được làm rõ. Đây là dấu hiệu căng thẳng mới nhất giữa hai nước láng giềng cộng sản ở châu Á.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động ở vùng “không tranh chấp”, sau khi Việt Nam trao công hàm, yêu cầu nước này rút giàn khoan khỏi khu vực chưa phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Giàn khoan trị giá cả tỉ đô la này từng là trung tâm của trận bão ngoại giao dữ dội giữa hai nước, khi Bắc Kinh cho kéo vào vùng biển Hoàng Sa năm 2014. Nay Hải Dương Thạch Du 981 lại được đưa vào một khu vực thuộc Vịnh Bắc Bộ, nhánh tây bắc của Biển Đông, mà theo Hà Nội thì Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến hành đàm phán phân định.
Theo giới chức thẩm quyền của Việt Nam, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc di chuyển từ hôm 3/4 đến vị trí có tọa độ 17º3’12 Bắc – 110º04’18 Đông.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố : « Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng, rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển ở cửa Vịnh Bắc Bộ ; không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình ».
Hãng tin Reuters nhắc lại, cách đây hai năm, việc Trung Quốc cho đặt giàn khoan trên suốt 10 tuần lễ tại vùng biển mà Việt Nam coi là vùng đặc quyền kinh tế của mình, đã gây ra trận xung đột tệ hại nhất từ nhiều thập kỷ qua, đồng thời gây phẫn nộ cực độ cho người dân Việt.
Nhiều chuyên gia cho rằng hành động này là một tính toán sai lầm của Bắc Kinh, đẩy các nước láng giềng nhỏ bé về phía Hoa Kỳ. Từ sau đợt đối đầu trên biển này, Việt Nam đã trở nên gần gũi với Washington hơn bao giờ hết. Hà Nội theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, vốn hoạt động ở phía Vịnh Bengal và nhiều lần đến gần vùng biển tranh chấp kể từ năm 2014.
Ông Lê Hải Bình cũng chỉ trích quyết định của Trung Quốc đưa vào hoạt động hải đăng trên Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa, mà theo ông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, « bất hợp pháp và vô giá trị ». Báo chí trong nước cho biết, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối cho đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội về hai vấn đề trên vào ngày 05 và 07/04/2016.
Tin REUTERS, Thụy My @ RFI, Tin247