Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Thương tiếc cố thiếu úy pháo binh Phan Huỳnh Vân.


Là người bên thua cuộc, ở phía một triệu người buồn, nên cứ mỗi lần tháng tư đen về là lòng tôi tràn ngập kỷ niệm đau thương, nhớ đồng đội, nhớ những người đã nằm xuống trong cuộc chiến khốc liệt năm xưa.

Tôi, Phan Huỳnh Vân (cùng sinh năm 1951) và Đoàn Văn Lập (sinh 1952) là 3 thằng bạn thân cùng xóm, học cùng lớp tiểu học. Năm 1970, ba đứa cùng đậu tú tài hai. Lập học giỏi hơn nên đậu vào khoa điện tử của trường Kỹ sư Phú Thọ. Vân và tôi ghi danh vào đại học Khoa học Sài Gòn, Vân giỏi toán chọn khoa toán, tôi giỏi hóa nên theo khoa hóa.

Khi ba cuộc tấn công mùa hè đỏ lửa mở màn, tháng tư năm 1972, lệnh tổng động viên được ban hành, theo đó, các HS SV học đúng tuổi (tức 18 tuổi đậu tú tài hai) mới được hoãn dịch học vấn. Tôi và Vân học trễ một năm phải lên đường tòng quân, còn Lập được hoãn dịch và thành kỹ sư điện tử năm 1974. Cả nhà tôi và Vân đều buồn lo, mà hai đứa tôi chẳng lo buồn vì sống chết do trời định. Ngày nào hai đứa cũng uống cà phê và đàn hát. Đến hạn chót trình diện là ngày 7/5/1972, hai đứa còn vô rạp Rex coi phim mót, tới chiều mới vào trại Lê Văn Duyệt. Trại Lê Văn Duyệt lấy xe GMC chở chúng tôi lên Trung tâm 3 tuyển mộ & nhập ngũ. Đêm đó, chúng tôi được khám sức khỏe và phát quân trang, khi xếp hàng Vân luôn đứng sau tôi, để hai đứa có số quân liền kề, hầu được ở cùng tiểu đội, ngủ gần giường.

Khuya đêm đó, bên thắng cuộc pháo kích vào Trung tâm 3 như chào đón hai tân binh tôi và Vân, còi hụ báo động, chúng tôi nhào xuống giao thông hào. Một barrack trúng pháo, nhiều tân binh thương vong. Chúng tôi ở Trung tâm 3 một tuần lễ thì được gọi ra xếp hàng, sĩ quan tuyển mộ đọc danh sách nhập ngũ khóa 3/72 Thủ Đức, gần 800 người, theo thứ tự của số quân. Ai dè, khi đọc đến tên tôi là chấm dứt khóa 3/72. Vân có số quân sau tôi một nút, trở thành khóa sinh đầu tiên của khóa kế tiếp, Vân được phép về nhà. Tôi bịn rịn chia tay Vân, vác bao quân trang lên GMC đi Thủ Đức. Vân thay thường phục vẫy tay chào tôi đến khi khuất bóng. Trong 8 tuần lễ huấn nhục, tôi không được về phép, chủ nhật, Vân mặc thường phục theo ba má tôi lên Thủ Đức thăm tôi. Vân đẹp trai, da trắng, còn tôi má hóp, da đen vì khổ luyện, má tôi khóc, ước chi tôi được ở lại khóa sau như Vân. Sau 8 tuần huấn nhục, khóa tôi được gắn alpha, cùng lúc khóa 4/72 vào, nhưng khóa này toàn là sinh viên năm thứ nhất. Sinh viên năm thứ hai như Vân lại được xếp vào Khóa 5/72.

Vân lại được ở nhà chơi thêm 8 tuần nữa, rồi cũng tới ngày tôi đón Vân vào Thủ Đức, nhưng phải đợi hết 8 tuần Vân huấn nhục, thì mỗi tối hai đứa mới hiên ngang xuống câu lạc bộ uống cà phê. Tháng 10/1972, Bộ Tư lệnh Không quân sang Thủ Đức tuyển sinh viên phi hành từ khóa 3 và 9/72, không tuyển khóa 5/72 của Vân. Hàng trăm SVSQ sang Tân Sân Nhất khám sức khỏe. Tháng 11/1972, tôi là 1 trong 51 người của khóa 3 cùng 9 người của khóa 9 đạt sức khỏe phi hành, cũng là lúc khóa 3, 4, 5 được nghỉ tập trận, học chính trị, để đi chiến dịch giành dân, trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực vào ngày 28/1/1973. Bọn tôi chờ ngày sang Không quân được miễn đi chiến dịch. Tôi chia tay Vân, Vân nói “Lần trước Kiếm đi, tôi ở lại, lần này tôi đi, Kiếm ở lại”. Ngày 24/12/1972, 60 đứa sang Tân Sơn Nhất ký hợp đồng hiện dịch với Bộ tư lệnh Không quân, rồi được cho về nhà, sáng mai đến làm thủ tục quân số, lương…Tôi về nhà, nhưng không vui hưởng đêm Noel đó vì thiếu Vân. Tôi ra Nha Trang huấn nhục 5 tuần, rồi học Anh ngữ sơ cấp (Elementary Phase). Ngày 10/6/1973, tôi về Sài Gòn học Anh ngữ trung cấp (Intermediate Phase) ở Trường Sinh ngữ quân đội Gò Vấp. Chủ nhật được về phép, tôi ghé nhà Vân mới biết Vân đã ra trường Thủ Đức và đang học pháo binh ở Dục Mỹ.

Ngày 20/9/1973, tôi đậu off shore, nghỉ phép chờ du học Mỹ, gặp Vân cũng về phép sau khi tốt nghiệp khóa sĩ quan pháo binh (6 tháng). Mỗi tối, chúng tôi uống cà phê ở quán Dễ Thương, đối diện nhà Vân. Lúc đó, hai đứa chưa biết hút thuốc, chưa biết uống bia, chỉ biết ôn lại kỷ niệm thời đi học. Cả hai hối tiếc, vì lúc tôi ở Nha Trang thì Vân ở Ninh Hòa (Dục Mỹ), gần nhau mà không biết để thăm nhau. Tôi không ngờ cậu thư sinh Vân lại say mê kể về quân trường Pháo binh. Vân đậu chứng chỉ dự bị MG (mathematic general) khó nhất ở Đại học Khoa học, đang học hai chứng chỉ chuyên khoa toán, nên được Pháo binh tuyển tại lễ mãn khóa Thủ Đức. Vân kể về biểu xích, địa hình, góc độ, phương giác, độ giạt của khẩu pháo, mà tôi chỉ nhớ sơ sơ khi học súng cối ở Thủ Đức. Vân thần tượng đại tá Hồ Sĩ Khải – Cử nhân toán, Chỉ huy trưởng Trường Pháo binh Dục Mỹ, khi ông biểu diễn lần lượt bắn 2 viên đạn đại bác trên cùng một khẩu pháo; trái trước bắn ở khẩu độ cao, trái sau ở khẩu độ thấp, với thuốc nạp khác nhau, cuối cùng hai trái rớt nổ cùng lúc tại cùng tọa độ. Đạn đạo của 2 trái pháo đó là hai đường parabol ngược, có hai điểm giao nhau tại nòng súng và mục tiêu. Tài thật!

Vân còn đọc cho tôi nghe bài thơ Pháo binh:

Say đắm nhìn em qua phương giác
Hai tâm hồn một độ giạt như nhau
Điểm nhắm xa anh có sẵn tự hôm nào
Còn chờ đợi cân bằng biểu xích”.

Rồi Vân hát cho nghe khúc quân hành Đoàn Pháo Binh:

Việt Nam luôn tiến tới
Ta hiên ngang ngày ngày bốn phương trời
Và từ nơi hậu phương đến tiền tuyến
Khắp núi sông vang rền bao lời ca ….”

Hai đứa chia tay nhau đêm hết phép của Vân, sáng mai Vân trình diện Bộ chỉ huy tiểu đoàn pháo binh Sư đoàn 7 ở Mỹ Tho. Tháng sau, ngày 23/10/1973, tôi đi Mỹ, vài ngày trước đó tôi có chia tay với Lập, hai đứa cùng nhắc Vân. Ngày 4/3/1975, tôi tốt nghiệp Á khoa khóa 7506 (phi công A.37) tại Sheppard Air Force Base, Texas. Ngày 13/3/1975 tôi về nước, thì Buôn Mê Thuột đã thất thủ 2 ngày trước đó. Tôi đến nhà Vân hỏi thăm, đinh ninh Vân vẫn đang tác xạ ở Vùng IV nơi chiến trường ít khốc liệt. Không dè, bác Ba (má Vân) và chị Hồng (chị Vân) khóc trong hoảng loạn, vì Vân viết thư đề ngày 4/3/1975 (ngày tôi tốt nghiệp) gửi đến nhà ngày 11/3/1975 (ngày Buôn Mê Thuột thất thủ) cho biết, Vân tăng viện cho Sư đoàn 23, đóng tại ngã ba Đắk Song (cách thị xã Buôn Mê Thuột 92 cây số, cách thị Xã Gia Nghĩa, tỉnh Quảng Đức 40 cây số). Chị Hồng đã xuống Mỹ Tho hỏi Sư đoàn 7, ra Vũng Tàu hỏi trại di tản quân nhân từ miền Trung về… nhưng không ai biết tin của Vân. Phần tôi, được nghỉ 14 ngày phép hồi hương, đến ngày 27/3/1975 phải ra Nha Trang, nhưng cũng ngày này, Phi trường Đà Nẵng di tản, tôi phải ở lại Tân Sơn Nhất, thuộc phiên chế thặng số du học hồi hương – Đơn vị quản trị Không quân, không trốn trại đi tìm Vân được, cho tới ngày 30/4/1975.

Sau ngày 30/4/1975, vẫn không có tin tức gì về Vân. Cứ mỗi lần má Vân gặp tôi là khóc, nói 2 thằng cùng tuổi, cùng trường, cùng đi lính một ngày, mà số mạng Vân không được như tôi. Riết rồi, tôi ngại đến nhà hỏi thăm Vân. Hai chục năm sau, gặp má Vân ngoài đường, thì bác vẫn khóc, bác nói nhiều thầy bói nói Vân đã chết. Chị Hồng kể, Vân rất hiếm khi về phép, không gửi thư về nhà, trừ lá thư đầu về tới nhà đúng ngày thất thủ Buôn Mê Thuột. Trong thư, Vân kể Vân lên ngã ba Đắk Song, tăng cường Sư đoàn 23. Chị Hồng kể, có anh lính sư đoàn 23 thoát về kể lại, anh ta biết một thiếu úy pháo binh Sư đoàn 7, người thấp, da trắng, đẹp trai (giống Vân) bị thương nặng ngày 11/3/1975, nhưng đã ra lệnh cho lính bỏ anh lại để di tản cho nhanh (Vân là pháo đội trưởng có 30 lính). Sau khi lính của thiếu úy đó chạy đi khoảng 300 mét, thì nghe một tiếng nổ long trời, tại nơi viên thiếu uý nằm lại.

Chị Hồng kể, vài tháng trước Tết năm 1975, Vân có về thăm nhà, xin quần áo và vật dụng cần thiết, vì Vân đã tháo chạy trong một trận đánh ở Vĩnh Long mất hết quân trang, quân dụng. Lập kể, trước Tết 1975 Vân về phép gặp Lập, Vân nói Vân bị thương nhẹ, nhưng không thể ở nhà lâu, vì chiến trường căng lắm.

Chị Hồng kể, mãi đến đầu năm 2011, chị mới tìm được một ông thầy ngoại cảm ở Huế, ông xác định hài cốt Vân nằm trong vườn nhà ông Thành, ở xã Phú Xuân, huyện Phrong Năng, TP Ban Mê Thuột. Chị Hồng và cháu Phương – con gái chị, lên tận nơi, cùng với lính của thầy ở Huế đào tìm ra xương người vụn, mất sọ và không tìm thấy thẻ bài của Vân. Đó là ngày 28 tháng 7 âm lịch năm 2011. Chị Hồng quả quyết đây là hài cốt của Vân và di hài về nghĩa trang Nhơn Đức. Cháu Phương nằm mộng thấy cậu Vân về bảo cháu phải cho cậu Kiếm (tôi) biết, nhưng vì tôi dời nhà sang Q.7 từ năm 2008, nên Phương không biết tôi ở đâu mà báo. Cậu Vân lại bảo “Khi nào cậu Kiếm ghé nhà mình thăm, tức là cậu Vân đã báo mộng đúng”.

Ngày 6/12/2011, Lập (định cư ở Mỹ) về nước và rủ tôi xuống nhà Vân, mới hay chị Hồng đã tìm được hài cốt Vân. Nếu đúng như cháu Phương kể trong giấc mộng, có lẽ chính Vân đã tìm chúng tôi chứ không phải ngược lại. Trên bia mộ của Vân chỉ ghi Vân sinh ngày…, chết ngày…, cải táng ngày…, di ảnh Vân mặc đồ civil. Chỉ có tôi và Lập biết, đây là mộ của một thiếu úy pháo binh can trường, yêu binh chủng, cho lính tháo chạy, để mình ở lại. Vân tử trận năm 24 tuổi, đúng năm tuổi của Vân (Tân Mão) mà chưa có người yêu.

Tác giả: FB Mai Bá Kiếm

More Stories From Tội Ác Cộng Sản

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh