Biển Đông : Mỹ sẽ dựa nhiều hơn vào quân sự để ngăn Trung Quốc?
Posted by Luu HoanPho, Apr 20, 2016, Comments Off
Tin AFP, RFI,– Ngày 14/04/2016, nhân chuyến ghé thăm Philippines, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tiết lộ việc lực lượng Hoa Kỳ và Philippines đã quyết định cùng tuần tra trên Biển Đông, đã bắt đầu bằng các chiến dịch trên biển, và sẽ tiếp nối ngay với các chiến dịch trên không. Quyết định trên đây nằm trong một loạt thỏa thuận hợp tác quân sự với Philippines và với Ấn Độ mà bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã thúc đẩy trong vòng công du lần này của ông, kết thúc hôm 15/04 với một cử chỉ đầy tính biểu tượng : Cùng đồng nhiệm Philippines đi thị sát hàng không mẫu hạm Mỹ đang hoạt động trên Biển Đông. (hình trên: Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter (T) và đồng nhiệm Philippines Gazmin trên hàng không mẫu hạm Mỹ Stennis đang hoạt động trên Biển Đông ngày 15/04/2016.)
Theo nhật báo Mỹ The New York Times ngày 15/04/2016, tất cả những hành động và tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nhân sáu ngày công du Ấn Độ và Philippines đều là những tín hiệu cho thấy là chính quyền Obama đã quyết định dựa nhiều hơn vào sức mạnh quân sự để ngăn chặn tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông.
Tuy nhiên, The New York Times cho rằng cách tiếp cận mới cứng rắn hơn được phô trương nhân vòng công du lần này của ông Carter không phải là không hàm chứa rủi ro. Một mặt, đó sẽ là thông điệp cho biết là Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các đồng minh để thách thức sự bành trướng của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, nhưng một mặt khác, phản ứng cứng rắn hơn đó sẽ góp phần làm gia tăng mối lo ngại trong giới lãnh đạo Bắc Kinh về những nỗ lực của Mỹ để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Điều đó có thể đưa tới tình trạng là Lầu Năm Góc càng dấn thân sâu hơn vào khu vực, Trung Quốc càng cảm thấy cần phải đẩy mạnh việc tăng cường sự hiện diện quân sự của mình, bao gồm cả việc xây dựng thêm các hòn đảo được trang bị radar và phi đạo ở Biển Đông.
Vừa phô trương uy lực, vừa tung ra sáng kiến cụ thể
Tổng kết về vòng công du của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter, The New York Times trước hết ghi nhận chiến thuật hai vế của Mỹ : Vừa phô trương uy lực, vừa tung ra sáng kiến cụ thể.
Đối với tờ báo Mỹ, cả tại Philippines và trước đó tại Ấn Độ, ông Carter đã cho thấy rõ ràng là Hoa Kỳ đã quyết tâm củng cố các liên minh quân sự, đồng thời đưa thêm vũ khí và quân đội đến khu vực để chống lại tầm kiểm soát quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Trong suốt chuyến đi, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã liên tục nhấn mạnh trên tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự Mỹ trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 15/04 vừa qua, bộ trưởng Carter đã dùng trực thăng bay ra thăm một biểu tượng của sức mạnh Mỹ trên Thái Bình Dương : Tàu sân bay hạt nhân John C. Stennis thuộc lớp Nimitz, hiện đang đi qua Biển Đông, gần vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Trước đó, ông đã đánh dấu sự kết thúc 11 ngày tập trận hỗn hợp Mỹ-Philippines bằng tiết lộ theo đó một số binh lính Mỹ sẽ ở Philippines « để đảm bảo an ninh và ổn định khu vực ». Ông cũng cho biết Hoa Kỳ đã bắt đầu tuần tra chung trên Biển Đông với hải quân Philippines và sẽ sớm cùng tiến hành các chiến dịch tương tự với lực lượng không quân của đồng minh.
Trước đó tại Ấn Độ, ông Ashton Carter cũng đã lên thăm một hàng không mẫu hạm Ấn Độ, trong một động thái cũng đầy tính chất biểu tượng vì đó là lần đầu tiên một bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có hành động như vậy. Ông Carter đã thông báo việc Mỹ sẽ giúp Ấn Độ nâng cấp tàu sân bay, và cho biết là hai bên đã đạt được thỏa thuận chia sẻ hậu cần quân sự và cùng hợp tác trong lãnh vực công nghệ quân sự.
Chính Trung Quốc đã đẩy các láng giềng vào vòng tay Mỹ
Theo New York Times, nhìn trong tổng thể, các biện pháp được loan báo cho thấy hướng gia tăng tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ ở một khu vực mà Trung Quốc cho rằng ảnh hưởng của họ tất yếu sẽ qua mặt Mỹ. Chính quyền Obama dường như đang đánh cược rằng Trung Quốc sẽ lùi bước thay vì tiếp tục những hành động chỉ khiến cho các láng giềng cầu viện quân đội Mỹ.
Nhân vòng công du, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã nhiều lần nhắc lại rằng chính các hành động của Trung Quốc là động lực chủ yếu làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, hàm ý rằng đó là nguyên do thúc đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng hợp tác nhiều hơn với Lầu Năm Góc. Thế nhưng ông Carter luôn cho rằng Trung Quốc không nên coi sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ là một sự khiêu khích.
« Chúng tôi đã có mặt ở đây từ thập kỷ này qua thập kỷ khác. Lý do duy nhất khiến cho vấn đề được đặt ra là những gì đã xảy ra trong năm qua, và đó là một câu hỏi về hành vi của Trung Quốc. Việc tàu sân bay Mỹ hiện diện ở khu vực này không mới. Cái mới là bối cảnh và tình trạng căng thẳng mà chúng tôi muốn làm dịu ».
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể phản ứng trước các động thái của Lầu Năm Góc với những hành động hung hăng hơn, thách thức quyết định dấn thân của Mỹ vào khu vực trong một cuộc đọ sức xem ai lùi bước trước và làm tăng nguy cơ xung đột quân sự.
Bắc Kinh lên gân
Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ vòng công du của ông Carter, vốn bao gồm một chặng dừng tại Bắc Kinh trước khi bị hủy bỏ cách nay vài tuần lễ.
Trong một tuyên bố vào khuya hôm 14/04, bộ Quốc Phòng Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ là đã có lại một « tâm lý Chiến Tranh Lạnh », đồng thời đe dọa rằng quân đội Trung Quốc sẽ « theo dõi chặt chẽ tình hình và kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải của Trung Quốc».
Qua hôm sau, 15/04, Bắc Kinh cũng tiết lộ rằng chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Trung Quốc đã đến thăm quần đảo Trường Sa, một tín hiệu khẳng định quyết tâm của Bắc Kinh tại Biển Đông mà hầu như toàn bộ diện tích được Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ.
Chính quyền Obama không coi cách tiếp cận của mình đối với Trung Quốc là sự hồi sinh của chính sách « kềm tỏa », một chiến lược thời Chiến Tranh Lạnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản. Trái lại, ông Carter xác định rằng các sáng kiến quân sự mới trong khu vực đều phù hợp với chính sách mà Mỹ đã có từ lâu : Đó là hợp tác chặt chẽ với các nước cùng chung ý hướng.
« Chính sách của Mỹ tiếp tục dựa trên các nguyên tắc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, hoặc ở bất cứ nơi nào khác, tôn trọng tự do hàng hải, tự do thương mại ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nói tiếp : « Quốc gia nào mà không chấp nhận những điều đó, thì sẽ tự cô lập mình… Đó sẽ là tự cô lập, chứ không phải là bị Mỹ cô lập ».
Các nước sợ Trung Quốc hơn sợ Mỹ
Trong nhiều thập kỷ trước đây, cả Ấn Độ hay Philippines đều không mấy quan tâm đến việc hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Trong tư cách một lãnh đạo của Phong Trào Phi Liên Kết, Ấn Độ đã có thái độ nghi kỵ đối với việc liên minh với các nước khác, đặc biệt là với các cường quốc thế giới. Còn Philippines thì đã trục xuất các lực lượng Mỹ vào đầu những năm 1990, kết thúc một sự hiện diện quân sự bắt đầu từ năm 1898, khi Mỹ chiếm được quần đảo này từ tay Tây Ban Nha. Thế nhưng cả hai nước này đều đã ngày càng lo ngại trước đà vươn lên về mặt quân sự của Trung Quốc – một mối lo ngại lớn hơn là so với Mỹ.
Theo New York Times, những sáng kiến mà ông Carter thông báo với Ấn Độ phần lớn mang tính tượng trưng, nhưng cũng có thể cho thấy khả năng hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai, như tuần tra chung ở Biển Đông , mua bán vũ khí hạng nặng và các trang thiết bị khác.
Trong một chính sách cứng rắn hơn một cách rõ rệt, Ấn Độ đã đàm phán với Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, để nâng cấp hạ tầng cơ sở dân sự trên vùng đảo Andaman và Nicobar, một quần đảo thuộc Ấn Độ được xem là có tiềm năng chiến lược trong nỗ lực đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Một thỏa thuận bao quát sau 10 năm thương lượng với Philippines, và được Tòa Án Tối Cao nước này chấp thuận vào tháng Giêng năm 2016, sẽ cho phép lực lượng Mỹ xây dựng cơ sở, đưa binh lính, máy bay, tàu thuyền đến những căn cứ hiện có ở Philippines. Ông Carter đã thông báo là hơn 200 phi công Mỹ và cùng phi hành đoàn, cũng như 6 chiếc phi cơ và 3 trực thăng sẽ ở lại Philippines.
Các diễn biến trên đây biểu thị một thất bại đối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã giám sát việc Bắc Kinh tăng tốc xây dựng tiềm năng quân sự ở Biển Đông. Ông Tập Cận Bình có thể bị cáo buộc là đã lôi kéo Mỹ trở lại khu vực môt cách vô ích.
Tuy nhiên những nhà phân tích ở Trung Quốc thì cho là những bước đi của chính quyền Obama sẽ khó đạt được mục tiêu là buộc ông Tập Cận Bình lùi bước. Trái lại, các động thái đó có thể làm tăng lo ngại trong giới lãnh đạo Trung Quốc là Washington lợi dụng việc Bắc Kinh đòi chủ quyền ở Biển Đông như là một cái cớ để bao vây và chặn đứng sự vươn lên của Trung Quốc.
Tô Hạo (Su Hao), một giáo sư Đại Học Ngoại Giao ở Bắc Kinh phân tích : « Trung Quốc xem hành động của mình ở Biển Đông là chính đáng trong việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ… Trung Quốc sẽ không thay đổi thái độ hay kế hoạch chỉ vì Mỹ mà thôi ».
Nguồn: AFP, RFI