Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Châu Á đứng trước cơn ác mộng kinh hoàng “Mach 5”


Chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc ngày càng trở nên nguy hiểm hơn do chương trình vũ khí siêu vượt âm mà Bắc Kinh phát triển ngày càng tinh vi hơn.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Harry J. Kazianis cho biết:

chien-luoc-chong-tiep-can-chong-xam-nhap-cua-TQSơ đồ mô tả chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc.

Chỉ mới 3 năm trước, một quan chức hải quân cấp cao của Mỹ nhận định rằng: Quân đội Trung Quốc (PLA) đang ra sức chuẩn bị để tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ, chớp nhoáng nhằm tiêu diệt các lực lượng Nhật Bản tại Hoa Đông ngay khi nhận được lệnh.

Đại úy James Fanell, khi đó là Phó Tham mưu trưởng phụ trách các hoạt động thông tin và tình báo cho Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đã đưa ra bình luận trên khi đề cập tới các hoạt động huấn luyện do Trung Quốc tiến hành nhằm vào khu vực do Nhật Bản nắm giữ ở Hoa Đông.

Những bình luận như vậy đã xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông, báo hiệu mối nguy hiểm đến từ tốc độ hiện đại hóa quân đội chóng mặt của Bắc Kinh, cũng như động thái đe dọa mà nước này liên tục nhằm vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nhưng cũng giống như tất cả các thách thức chiến lược, các mối đe dọa cũng có thể phát triển và tới nay, chúng đã khiến châu Á- Thái Bình Dương trở thành khu vực nguy hiểm hơn rất nhiều so với tình hình năm 2013.

Trên thực tế, những nơi mà Trung Quốc đang đặt ra thách thức không chỉ bao gồm Biển Hoa Đông mà nước này một lần nữa lại nhằm vào Đài Loan và nhiều khu vực ở Biển Đông.

Đây là dấu hiệu đáng lo ngại, không chỉ cho thấy Bắc Kinh ngày càng coi thường các nước láng giếng, mà còn là bằng chứng khác cho thấy nước này đang theo đuổi chủ trương “không nhượng bộ” để thống trị khu vực, vươn vòi ra cả chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai.

Vậy Trung Quốc sẽ sử dụng công cụ gì để tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ, chớp nhoáng vào bất cứ khu vực nào kể trên nếu xảy ra chiến tranh? (dù điều này là không tưởng).

Vũ khí có khả năng được Trung Quốc lựa chọn cao nhất sẽ nằm trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD).

Chiến lược này, với hàng loạt các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình khác nhau, sẽ dội xuống căn cứ của Mỹ và đồng minh trên khắp chuỗi đảo thứ nhất, cho tới đảo Guam.

Ngoài ra, bất cứ phương tiện hải quân nào của Mỹ đang tiếp cận khu vực hoặc được triển khai tới khu vực tác chiến mà Trung Quốc muốn chiến tranh cũng trở thành mục tiêu.

Nhiều chuyên gia trong Lầu Năm Góc lo ngại rằng Washington vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với những thách thức mà chiến lược phi đối xứng của Bắc Kinh mang lại, nhằm mục đích gây ra thiệt hại nặng nề về nhân mạng và cơ sở vật chất trong thời gian ngắn.

Bắc Kinh cũng hy vọng chiến lược này có thể khiến Mỹ nản chí, đứng trước mối đe dọa A2/AD mà lùi bước, từ bỏ những đồng minh quan trọng. Bắc Kinh hy vọng có thể giành chiến thắng nhanh chóng, thậm chí là không cần “động thủ”.

Vũ khí bí ẩn

Không may cho Washington, chiến lược A2/AD của Trung Quốc ngày càng trở nên nguy hiểm hơn do chương trình vũ khí siêu vượt âm (HGV) mà Bắc Kinh phát triển đang ngày càng tinh vi hơn.

Vũ khí này có thể di chuyển với vận tốc gấp 5 lần tốc độ âm thanh – Mach 5 (một số nguồn cho biết tốc độ của HGV Trung Quốc nằm trong khoảng Mach 5 đến Mach 10).

Đây không hẳn là vũ khí mới và đã được một số quốc gia như Nga, Ấn Độ theo đuổi nhưng cho tới nay, Bắc Kinh đã 7 lần thử nghiệm hệ thống này.

Mỹ cần phải cân nhắc khả năng trong vài năm tới, họ và các nước đồng minh sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể nếu xảy ra bất cứ hình thái xung đột nào với Bắc Kinh.

Một cuộc xung đột có sự tham gia của những tên lửa di chuyển với tốc độ “khó tin” sẽ mang lại nhiều vấn đề lớn cho các nhà hoạch định kế hoạch.

Cho tới gần đây, có rất ít thông tin về chương trình vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc.

Những bài viết trên tờ Washington Free Beacon hoặc Washington Times cho thấy Bắc Kinh đang đầu tư nhiều nỗ lực cho chương trình này – những nỗ lực đó có thể ngang bằng hoặc thậm chí vượt cả Mỹ.

Một số câu hỏi cần được đặt ra là: Trung Quốc có những kế hoạch chiến lược nào cho những vũ khí như vậy? Chúng có khả năng làm gì trên chiến trường? Chúng được sử dụng kết hợp với các loại vũ khí khác của Trung Quốc như thế nào?

“Vén màn” chương trình HGV Trung Quốc

Hai nhà nghiên cứu tại tổ chức Potomac Foundation đã nỗ lực trả lời nhiều câu hỏi hóc búa liên quan tới vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc.

Erika Solem và Karen Montague đã tiến hành một nghiên cứu sâu nhất về chương trình vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc cho tới nay.

Theo đó, Trung Quốc đã tiến hành 6 vụ thử phương tiện bay DF-ZF (hiện nay là 7 lần) trong một năm rưỡi qua.

Mặc dù tần suất tiến hành không phản ánh chất lượng cuộc thử nghiệm nhưng nó cho thấy Trung Quốc đã đầu tư để phát triển thành công công nghệ này.

Viện nghiên cứu số 10 (còn được biết đến là Viện nghiên cứu phương tiện bay rìa không gian), thuộc Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm phát triển HGV.

Việc tập trung toàn bộ chương trình vào Viện nghiên cứu số 10 có vẻ đã tạo điều kiện cho chương trình DF-ZF phát triển nhanh chóng.

Tại sao Trung Quốc tìm cách phát triển và triển khai nhanh chóng thứ vũ khí này? Đó là do lo ngại các hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang và sẽ triển khai trong khu vực.

Theo nghiên cứu, mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc trong chương trình HGV là tạo ra một phương tiện tốc độ cao, đồng thời sử dụng các đặc tính độc đáo của HGV để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Mỹ.

Trung Quốc đã rất tức giận khi Mỹ triển khai BMD tại Tây Thái Bình Dương trong hơn 1 thập kỷ qua, Bắc Kinh cho rằng hệ thống đó sẽ làm suy yếu năng lực răn đe hạt nhân vốn đã hạn chế của Trung Quốc.

Phần lớn trong các cuộc thử nghiệm HGV của Trung Quốc, phương tiện bay đều cố gắng di chuyển quãng đường lên tới 1.750km và được phóng đi từ một trung tâm thử nghiệm ở Sơn Tây.

Khoảng cách di chuyển trong các thử nghiệm này là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy hoặc Trung Quốc kém tiên tiến hơn trong chương trình HGV khi so với Mỹ, hoặc nước này chỉ tập trung tạo ra mối đe dọa trong khu vực.

Nếu thiết kế thành công một HGV tầm ngắn có khả năng hoạt động, Trung Quốc sẽ có cơ hội thành công cao hơn khi tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào những đối thủ trong khu vực.

Xét theo trọng tâm chiến lược của Trung Quốc đối với các vấn đề an ninh trong khu vực, đặc biệt là trong việc phát triển năng lực đánh bại quân đội Đài Loan, thì phương tiện bay siêu vượt âm tầm ngắn có thể giải quyết nhu cầu trước mắt của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia đến từ Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược (CSBA), các tên lửa phòng thủ có thời gian hạn chế và nguồn năng lượng hữu hạn để đánh chặn một tên lửa đang bay đến.

Giống như các vũ khí được dẫn đường, chúng ngay lập tức tính toán các điểm trong không gian cho phép đánh chặn tên lửa đang bay đến, sau đó chúng bay về phía điểm đó.

Nếu tên lửa đang bay đến là tên lửa đạn đạo thông thường, quỹ đạo của nó đã được cố định và tên lửa đánh chặn không cần di chuyển nhiều, bởi điểm đánh chặn được tính toán sẽ khá ổn định.

Tuy nhiên, nếu tên lửa đang bay đến có thể cơ động thì tên lửa đánh chặn cũng phải cơ động theo.

Với tốc độ cao và thời gian di chuyển ngắn, tên lửa siêu vượt âm có khả năng khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa trở nên kém hiệu quả hơn so với khi đánh chặn các mục tiêu không cơ động.

Theo 2 nhà nghiên cứu Solem và Montague, một ứng dụng quan trọng của HGV là nó có thể tấn công vào trung tâm chỉ huy và kiểm soát của đối phương.

Ví dụ chúng có thể tấn công các căn cứ quân sự Mỹ tại châu Á, khiến các lực lượng Mỹ trở nên dễ bị tổn hại và không có khả năng phản ứng đáp trả ngay lập tức.

Nếu tiến hành thành công, phương pháp này có thể khiến đối thủ không thể tấn công trả đũa bằng chính vũ khí của mình.

Một số khía cạnh trong chiến lược của Trung Quốc đã nhấn mạnh chiến thuật này, chẳng hạn kết hợp với các cuộc tấn công mạng làm tê liệt hệ thống liên lạc của đối phương ngay trong giai đoạn đầu xung đột.

Thời khắc nguy hiểm đối với Mỹ và đồng minh

Ngoài các ứng dụng khác, chẳng hạn như dùng làm phương tiện tấn công hạt nhân, khả năng Trung Quốc sử dụng vũ khí siêu vượt âm trong chiến lược A2/AD đã trở nên khá rõ ràng.

Dự đoán có khả năng cao Bắc Kinh sẽ tiến hành các cuộc tấn công dồn dập nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ và đồng minh của Washington.

Nếu kết hợp tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ trên bộ, Trung Quốc sẽ khiến các lực lượng trên không và trên biển của Mỹ và đồng minh vô cùng vất vả chống đỡ.

Tuy nhiên, nếu bổ sung thêm vũ khí siêu vượt âm (với tốc độ khó ngăn chặn như hiện nay), Bắc Kinh sẽ giành được lợi thế rõ rệt trong cuộc xung đột.

Nếu Trung Quốc kết hợp các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở chỉ huy-kiểm soát của đối phương với các cuộc tấn công phi đối xứng khác, khả năng tiến hành các cuộc tấn công đối phó của Mỹ và đồng minh sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Như vậy, Bắc Kinh có thể giành chiến thắng trong thời gian ngắn nhờ lợi thế mà vũ khí siêu vượt âm mang lại.

Phương án đối phó

Rất may, Washington và đồng minh đã thảo luận một số phương án để đối phó với vũ khí siêu vượt âm.

Các chuyên gia tại CSBA cho biết, những phương án củng cố hệ thống phòng thủ, bao gồm sử dụng pháo điện từ và công nghệ năng lượng định hướng, đang được phát triển.

Một số phương án đối phó hữu ích khác bao gồm sử dụng thiết bị gây nhiễu hoặc kỹ thuật tác chiến điện tử khác để ngăn chặn đối phương tiếp cận dữ liệu hoặc gây nhầm lẫn cho các cảm biến trên phương tiện bay siêu vượt âm khi chúng tìm cách tấn công mục tiêu.

Song, điều quan trọng nhất là cần đảm bảo rằng Washington vẫn tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển loại vũ khí này và đảm bảo khiến Bắc Kinh cũng phải đối mặt với tất cả những thách thức tiềm năng như vừa liệt kê ở trên.

Nguồn: SOHA

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh