Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Biển Đông, chính sách Mỹ bị hoài nghi


Tin REUTERS, RFI.- Báo mạng Nhật Bản The Diplomat ngày 03/05/2016 đăng bài phân tích của giáo sư Mỹ William G. Frasure trường Connecticut College, nêu lên tình trạng chính sách của Hoa Kỳ đang bị hoài nghi trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông.

Bài phân tích trước hết ghi nhận sự kiện Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông với ý đồ rõ rệt là làm cho yêu sách chủ quyền của họ không thể bị thách thức. Trung Quốc đã cho biết rõ là họ không chấp nhận một phán quyết bất lợi của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, có lẽ sẽ được đưa ra khoảng chừng một tháng tới đây. Hơn nữa Trung Quốc còn từ chối thảo luận về bất kỳ giải pháp đa phương nào đối với các tranh chấp lãnh thổ chồng chéo nhau trong khu vực.

Các quốc gia phản đối yêu sách của Trung Quốc cho là đã vi phạm chủ quyền của họ, đang lâm vào tình trạng phải tự lo liệu cách đối phó với các động thái quân sự ngày đáng ngại của Trung Quốc ở Biển Đông. Liệu Philippines, Việt Nam và những nước khác phải nhượng bộ, chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, hay là phải kháng cự để bảo vệ quyền lợi của mình ?

Việt Nam và Philippines quay sang Mỹ để chống Trung Quốc

Nếu chỉ có hai con đường đó, thì sự chọn lựa có vẻ rất rõ. Không một quốc gia tranh chấp nào có thể vượt qua sức mạnh quân sự của Trung Quốc, và phải nhường Biển Đông cho Trung Quốc với hy vọng không bị thua thiệt quá. Tuy nhiên Việt Nam và Philippines đã đi xa hơn sự chọn lựa đơn giản vừa kể này và có một phương án có ý nghĩa toàn cầu hơn : thắt chặt thêm quan hệ quân sự với Hoa Kỳ.

Bằng cách tiến lại gần hơn với Mỹ, các nước có tranh chấp với Trung Quốc tìm kiếm một sự cân bằng nào đó trong khu vực, ngăn không cho Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để áp đặt yêu sách chủ quyền của họ. Điều đó có nghĩa là các nước đó hy vọng vào một sự hiện diện quân sự rõ nét hơn, tích cực hơn của Mỹ để làm Trung Quốc nản chí.

Theo giáo sư G. Frasure, dĩ nhiên, không ai nghi ngờ về khả năng quân sự của Mỹ, vốn có thể đưa vào Biển Đông bất cứ phương tiện nào để đối trọng với bất cứ thứ gì mà Trung Quốc đưa vào khu vực. Thế nhưng để cho hành động răn đe có hiệu quả, một yếu tố căn bản là phải làm sao cho đối thủ tin chắc rằng mình sẵn sàng sử dụng những phương tiện đó, đồng thời thuyết phục được bạn bè về quyết tâm đó. Bước kế tiếp là làm cho bạn bè tin là đối thủ đã bị mình làm cho e ngại. Và đây có lẽ là điều đang diễn ra ở Biển Đông.

Hoa Kỳ đang tìm cách trấn an Philippines và Việt Nam, và có lẽ các nước khác nữa, rằng Trung Quốc đã bị sự dấn thân ngày càng nhiều hơn của Mỹ làm cho e ngại, và sẽ có chính sách mềm dẻo hơn, hợp lý hơn, chấp nhận giải quyết tranh chấp qua đàm phán đa phương. Tuy nhiên, theo tác giả bài phân tích trên tờ The Diplomat, có rất ít yếu tố cho thấy là cách tiếp cận của Mỹ có hiệu quả.

Chính sách lấn từng bước nhỏ của Trung Quốc gây khó khăn cho Mỹ

Các hành động đều đặn của Trung Quốc ở Biển Đông – bồi đắp đảo, bố trí tên lửa phòng không, xây dựng phi đạo, triển khai chiến đấu cơ, xây đài radar, khiêu khích láng giềng với các đội tàu cá và giàn khoan – cho thấy là Trung Quốc ngày càng tin chắc họ sẽ đạt mục tiêu đòi chủ quyền bên trong đường chín đoạn của họ bằng cách kiên nhẫn đi từng bước rất nhỏ.

Trung Quốc đang cho thấy là họ tin rằng những bước đi nhỏ của họ sẽ không bị Mỹ ngăn chận. Khó có ai có thể nghĩ rằng một bến cảng mới, ngay cả một giàn hỏa tiễn Sam mới, lại có thể dẫn đến một sự đối đầu quân sự với Mỹ. Trung Quốc sẽ không trực diện tấn công vào tầu chiến hay máy bay Mỹ, hoặc là có một hành vi gây chiến tranh rõ rệt nào với Mỹ. Họ chỉ tiếp tục đào cát xây đảo mà thôi. Liên quan đến vấn đề tạo ra sự xác tín, một vấn đề then chốt khác là Mỹ sẽ phản ứng thế nào khi có đối đầu vũ trang giữa Trung Quốc và một quốc gia Đông Nam Á bị chèn ép.

Trung Quốc tin chắc rằng Mỹ sẽ không dám dùng quân sự để cản đường

Trong khuôn khổ Hiệp Định Phòng Thủ Chung ký kết cách nay 65 năm và được long trọng khẳng định trở lại vào năm 2011, Hoa Kỳ có một trách nhiệm nào đó đối với Philippines, đứng bên cạnh nước này trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Phạm vi trách nhiệm đó tuy nhiên cũng không được quy định cụ thể hơn là hành động « cùng đối diện với hiểm nguy chung trên cơ sở phù hợp với hiến pháp » và đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Hơn nữa, vấn đề lại không rõ ràng chút nào – thậm chí là không chắc chắn chút nào – là hiệp định đó buộc Mỹ phải chống lại Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh đánh chiếm các bãi đá tranh chấp. Đối với Việt Nam thì Mỹ hoàn toàn không có trách nhiệm chính thức nào. Nói tóm lại thì Hoa Kỳ hầu như có toàn quyền chọn lựa cách phản ứng trong trường hợp nổ ra tranh chấp quân sự giữa Trung Quốc với một, hay cả hai đối thủ quan trọng nhất của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Vào lúc họ vẫn tiếp tục tăng cường khả năng quân sự trong vùng biển Đông Nam Á, Trung Quốc ngày càng lộ rõ vẻ tin tưởng rằng Mỹ sẽ không đặt ra chướng ngại vật thực tế nào để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc đã thổi phòng chủ đề của cái gọi là « sự yếu đuối của Mỹ », chẳng hạn như mô tả vụ phi cơ Nga áp sát khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Mỹ mới đây trên biển Baltic như là một hành động hạ nhục.

Hoạt động của Mỹ ở Biển Đông không phải là để hậu thuẫn cho Philippines hay Việt Nam trong việc đòi hỏi chủ quyền, mà là để bảo vệ một nguyên tắc chung là quyền tự do hàng hải. Còn hành đông bảo vệ chủ quyền thì phải do chính các nước tranh chấp tự tiến hành. Thế nhưng nếu một nước riêng lẻ mà có hành động như vậy thì chắc chắn sẽ bị Trung Quốc đè bẹp một cách dễ dàng và nhanh chóng. Trong tình hình đó, không nước nào dám hành động nếu không có một sự đảm bảo trước là sẽ được hậu thuẩn quân sự của Mỹ. Vấn đề là không có lý do gì để khẳng định rằng Hoa Kỳ sắp hậu thuẫn cho một nước nào đó.

Trường Sa và Hoàng Sa vẫn là vấn đề xa xôi đối với dư luận Mỹ

Nếu chú ý đến tình hình nội bộ ở Mỹ, thì Trung Quốc và các đối thủ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đống đều thấy là chính quyền Mỹ sẽ phải khó khăn như thế nào để có được hậu thuẩn của dân chúng trong một cuộc đọ sức với Trung Quốc vì những mỏm đá mà không ai biết đến ở một góc nào đó của thế giới mà đối với đa số người Mỹ là nơi hoàn toàn xa xôi.

Hiện tại, các cuộc thăm dò dư luận rải rác về các mối quan tâm của người Mỹ đều không thấy nói đến tranh chấp Biển Đông. Trong một vài cuộc thăm dò rải rác, nếu có đề cập đến Trung Quốc thì chủ yếu là những quan ngại về thương mại, với mức độ từ thấp đến trung bình.

Điều đáng chú ý là chính quyền hiện tại không có nỗ lực gì để chuẩn bị tư tưởng dư luận về những xáo trộn ở Biển Đông và cũng không có dấu hiệu là chính quyền kế tiếp sẽ làm công việc đó. Thậm chí, trong quan diểm của các chuẩn ứng viên tổng thống Mỹ, Trường Sa và Hoàng Sa chỉ là một cái bóng mờ nhạt so với hai hòn đảo của Đài Loan là Kim Môn và Mã Tổ.

Sự hiện diện đáng ngại ngày càng mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông đã có hệ quả- vô tình hay cố ý – là làm dấy lên mối nghi ngờ về hành động của Mỹ tại đây. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ có thể khích lệ các đồng minh của mình, nhưng không làm được gì hoặc chỉ làm qua loa, để ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực. Và tình hình này sẽ kéo dài, nhất là nếu Trung Quốc tỏ ra kiên nhẫn, tự kềm chế, đi từng bước nhỏ, tránh vội vã và nhất là tránh khiêu khích quá đáng và làm Mỹ mất mặt.

Tin REUTERS, RFI

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh