Trung Quốc khẳng định: Lập trường Biển Đông được ủng hộ rộng rãi
Posted by Luu HoanPho, May 12, 2016, Comments Off
Tin REUTERS.- Gần đến ngày Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về bản đồ 9 đoạn ở Biển Đông, vụ trưởng Vụ Điều Ước Pháp Luật thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Tô Hoành (Xu Hong) tuyên bố Bắc Kinh “không bị cô lập trên hồ sơ này”. Vụ kiện chẳng qua chỉ là một “màn dàn dựng”. (hình trên: Ông Tô Hoành, Vụ trưởng Vụ Điều Ước Pháp Luật thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tại một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 12/05/2016.)
Ngày 12/05/2016, quan chức cao cấp này trong bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại Bắc Kinh hoàn toàn có quyền không tham gia vụ kiện về Biển Đông trước Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc tại La Haye. Ông Tô Hoành đồng thời lên án Manila lạm dụng cơ quan pháp lý quốc tế này để làm phương hại đến chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.
Ông xem vụ kiện nhắm vào Trung Quốc nói trên là một thủ thuật của những người không rành về luật pháp quốc tế nhưng lại muốn làm rùm beng vụ việc trên các phương tiện truyền thông.
Trực tiếp chỉ trích Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu hồi tháng 02/2016 kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng : Dù Âu, Mỹ có mạnh miệng tới đâu đi chăng nữa, thì “đó cũng chỉ là quan điểm của một số ít các nước phương Tây, không đại diện cho toàn thể cộng đồng quốc tế”. Bởi vì Bắc Kinh đã được nhiều nước ủng hộ, “từ Cam Bốt đến Yemen”.
Không trực tiếp nêu đích danh bên nguyên đơn là Philippines, nhưng ông Tô Hoành nhấn mạnh : “Có một số nước nhập nhằng, muốn thay trắng đổi đen và họ có thể gây nên những hiểu nhầm trong công luận. Nhưng không phải là cứ lập đi lập lại ngàn lần rồi thì những lời dối trá đó sẽ trở thành sự thực”.
Tới nay Bắc Kinh vẫn khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông và đã tuyên bố trước là sẽ không tôn trọng phán quyết của tòa án La Haye.
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ ra phán quyết vào tháng 5 hoặc tháng 06/2016, nhưng cho tới nay các phán quyết của tòa án này thường không được tôn trọng và tòa án cũng không có quyền hạn để bắt buộc các bên phải thi hành.
Nguồn: REUTERS, Thanh Hà @RFI