Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Hoa Kỳ-Việt Nam bắt tay, Trung Quốc ngầm cảnh cáo.


Tin REUTERS, RFI.- Chuyến công du của tổng thống Mỹ Barack Obama từ ngày 23-25/05/2016 được hai nhật báo Pháp Le Figaro và La Croix đề cập trong số ra ngày 23/05 với cùng một nhận định : « Hoa Kỳ-Việt Nam, bắt tay nhau chống Trung Quốc ». (hình trên: Tổng thống Obama trong cuộc hội đàm với chủ tịch CSVN Trần Đại Quang, ngày 23/05/2016, tại Hà Nội.)

Cả hai nhật báo Pháp đều nhấn mạnh rằng chuyến công du đầu tiên của ông Obama tại Việt Nam đánh dấu mong muốn xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ với cựu thù Việt Nam tại vùng Biển Đông nơi Bắc Kinh không ngừng tăng cường ảnh hưởng. La Croix và Le Figaro cùng điểm lại những chuyến công du trước đây của cựu tổng thống Bill Clinton, người đã mở đầu cho thời kỳ bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù, tiếp theo là tổng thống George W. Bush.

Theo La Croix, chưa bao giờ Trung Quốc lại đẩy Việt Nam và Hoa Kỳ gần nhau hơn như bây giờ. Còn Le Figaro thì nhận định, tổng thống Obama có ba ngày để vận động cho chiến dịch tái cân bằng tại châu Á của Washington.

Trước những hành vi ngày càng hung hăng của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông, Nhà Trắng đã liên tục đưa ra những cử chỉ thân hữu với chế độ cộng sản, được đánh giá là nước đi đầu để đối phó với Trung Quốc. Trong chuyến công du lần này, ngoài tinh thần tăng cường mối quan hệ thương mại và chiến lược với Hà Nội, tổng thống Obama còn quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, bất chấp các chỉ trích từ phía các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền.

Nhận định về mối quan hệ giữa hai cựu thù, nhật báo La Croix trích phát biểu của giáo sư Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam tại đại học Hồng Kông, khẳng định : « Cả hai Nhà nước đã trở thành những đối tác cần thiết của nhau ». Còn Le Figaro trích phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc : « Quá trình hòa giải ngày có nhiều tiến triển. Chúng tôi nhìn nhận Hoa Kỳ như một yếu tố tích cực mà chúng tôi có chung lợi ích, đặc biệt là để chống lại Trung Quốc ».

Trong chuyến công du của tổng thống Mỹ, hàng loạt hợp đồng thương mại cũng được ký kết, như hợp đồng mua máy bay Boeing của hãng hàng không Vietjet.

Về lĩnh vực quân sự, cả La Croix và Le Figaro có chung quan điểm rằng Hà Nội đang muốn đa dạng hóa các đồng minh của mình để tránh bị phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Theo Le Figaro, từ tuần trước, rất nhiều tập đoàn quốc phòng Hoa Kỳ đã đến Hà Nội, như Lockheed Martin, để đàm phán các hợp đồng với Việt Nam. Trên bàn đàm phán là các hợp đồng về việc bán máy bay trinh sát P3-Orion mà Hà Nội muốn trang bị để theo dõi tầu ngầm của Trung Quốc ngoài khơi Biển Đông.

Ngoài các tập đoàn Mỹ, nhiều nhà sản xuất vũ khí châu Âu cũng nỗ lực hiện diện tại Việt Nam. Hà Nội đang nghiên cứu một số khả năng mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp hay Griffin của Thụy Điển.

Giải thích về khuynh hướng ngả sang Mỹ để đối phó với những hành vi bồi đắp và quân sự hóa khu vực Biển Đông của Trung Quốc, ông Nguyễn Ngọc Trương, chủ tịch Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế, nhận định với Le Figaro : « Trong nội bộ (đảng Cộng sản Việt Nam) đã có nhiều cuộc tranh luận căng thẳng. Chúng tôi phải tìm ra một điểm cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington. Để thúc đẩy trọng lược chiến lược của mình, chúng tôi phải có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ ».

Sự thay đổi quan điểm cũng được ghi nhận trong giới lãnh đạo Việt Nam, thông qua nhận định của ông Murray Hiebert, thuộc Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies), được nhật báo công giáo La Croix trích dẫn : « Dĩ nhiên giới tinh hoa Việt Nam vẫn nghi ngờ Hoa Kỳ, nhưng quyết tâm bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã làm thay đổi thật sự quan điểm của họ và đẩy họ xích lại gần Hoa Kỳ ngày càng nhanh hơn ».

Sau khi tổng thống Obama chính thức loan báo quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, mở đường cho Hà Nội mua các thiết bị quân sự của Mỹ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố trong cuộc họp báo hôm nay, 23/05/2016, tại Bắc Kinh : « Là một nước láng giềng với Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh việc Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng là những quan hệ như thế sẽ đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực ».

Nhưng trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc thì lại ngầm cảnh cáo Mỹ về quan hệ với Việt Nam. Trong một bài bình luận tối qua, 22/05/2016, tức là vào lúc tổng thống Barack Obama đặt chân đến Việt Nam, Tân Hoa Xã cũng viết rằng Trung Quốc « vẫn hoan nghênh việc Hà Nội cải thiện quan hệ với các nước khác, kể cả với Hoa Kỳ ». Tuy nhiên, hãng tin này cảnh cáo ngay rằng Hoa Kỳ không được sử dụng việc cải thiện quan hệ này như là một công cụ để « đe dọa hoặc gây tổn hại các lợi ích chiến lược của một nước thứ ba ».

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có phản ứng tiêu cực khi thấy Việt Nam được giúp nâng cao khả năng chống lại những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Như lời nhà phân tích Murray Hierbert, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS, được đài CNN trích dẫn hôm nay, Bắc Kinh có thể sẽ xem việc Hoa Kỳ giúp Việt Nam nâng cao khả năng phòng thủ ở vùng Biển Đông như là một nỗ lực nhằm ngăn chận những hành động xác quyết chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo đang tranh chấp.

Về phần chuyên gia về quan hệ Mỹ -Trung Orville Schell thì cho rằng việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam đối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là một biểu tượng cho thấy chính sách xâm lấn Biển Đông của ông đã đẩy xa các nước láng giềng như thế nào.

Việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam được loan báo vào lúc căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng trên vấn đề Biển Đông, đặc biệt là sau khi bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đưa ra báo cáo bày tỏ mối quan ngại về việc Trung Quốc tăng tốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo tranh chấp. Trong cuộc họp báo ngày 16/05, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hồng Lỗi khẳng định rằng những hoạt động nói trên của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ mang tính phòng thủ và nguyên nhân chính gây ra các căng thẳng đó là do Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông, đưa chiến hạm và phi cơ đến vùng này để biểu dương lực lượng với lý do «bảo đảm tự do hàng hải ».

Trong cuộc họp báo hôm nay tại Hà Nội, tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng Mỹ và Việt Nam có mối quan ngại chung về các vấn đề trên biển và cả hai đều thấy tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo lời ông Obama, tuy vẫn chủ trương không đứng về phe nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Washington ủng hộ một giải pháp ngoại giao dựa trên các « chuẩn mực quốc tế », chứ không phải dựa trên việc nước nào mạnh hơn và áp đảo hơn.

 

Lập trường nói trên không có gì mới, nhưng việc tổng thống Obama nhắc lại ngay trong ngày đầu của viếng thăm Việt Nam chắc sẽ khiến Trung Quốc càng quan ngại về sự thắt chặt quan hệ Mỹ-Việt, cho dù quyết định bãi bỏ cấm vận vũ khí trước mắt chỉ mang tính biểu tượng hơn là làm thay đổi cán cân lực lượng giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Nguồn: REUTERS, RFI

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh