Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Tài liệu về lịch sử VNQDĐ


Tác giả Vũ Ngự Chiêu.-© 2013 by Chieu N. Vu. All Rights Reserved.

Như một nén hương tưởng niệm
nhà văn Nguyễn Thượng Tiến,
cộng sự viên báo Việt Nam tại Hà Nội năm 1946.

nguyen_thai_hoc-contentĐây là một trong những đảng cách mạng đầu tiên trong nội địa Việt Nam, qui tụ sự nối kết giữa giới học thức, điền chủ trung lưu và quân nhân do Pháp đào tạo, với mục đích giải phóng đất nước bằng võ lực. Chào đời vào dịp Giáng Sinh 1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ] hoạt động được hơn hai năm thì bị Pháp khám phá và hủy diệt sau nỗ lực bi hùng vào đầu năm Canh Ngọ (1930), lưu lại một gương sáng lịch sử “không thành công thì thành nhân.” (1)

1. Ba tác phẩm Việt ngữ nói về VNQDĐ được biết nhiều nhất là Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học (Hà Nội: Tân Việt, 1949); Trần Huy Liệu, Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam (Hà Nội: 1958); và Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng (Sài Gòn: 1971). Xem thêm Lê Tùng Sơn, Nhật ký một chặng đường (Hà Nội: Văn Học, 1978). Về quan điểm thực dân Pháp, xem Louis Marty, Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’Indochine francaise [Đóng góp vào lịch sử các phong trào chính trị tại Đông Dương thuộc Pháp], 7 tập, tập II: “Việt Nam Quốc Dân Đảng” ou “le parti nationaliste annamite” (Hà Nội: 1933-1935), tr 22, 23-4. [Sẽ dẫn: VNQDĐ]. Hầu hết tài liệu văn khố Pháp về giai đoạn này đã mở ra cho các nhà nghiên cứu. Xem CAOM (Aix), Indochine Nouveaux Fonds [INF], Cartons 265, 322, 323, and 324; và lời khai của Nguyễn Thế Nghiệp trong CAOM (Aix), 7F 12.

VNQDĐ khởi xuất từ nhóm Nam Đồng Thư Xã của Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân) v.. v..—một cơ sở bán sách và xuất bản tại Hà Nội. Họ đại diện cho giai đoạn giao thời, chuyển tiếp từ lập trường trung quân qua ái quốc; từ độc tôn chủng tộc Trung Cổ qua đa nguyên chủng tộc và văn hóa hiện đại—theo kiểu mẫu quốc gia [nhà nước, state], quốc dân [citizen] và đa chủng tộc [duominzu, multiethnics].

I. GIAI ĐOạN 1927-1930:

Thành hình từ mùa Hè 1927 tại Hà Nội, qua việc liên kết giữa hai nhóm người yêu nước do Nguyễn Thái Học (1901-1930) và Nguyễn Khắc Như (tức Xứ Nhu, 1884-1930) lãnh đạo. Chính thức khai sinh đêm 24/12/1927 tại ngoại ô Hà Nội, VNQDĐ bành trướng nhanh ở miền Bắc, và thiết lập được một số chi bộ ở Trung (An Nam) và Nam Kỳ (Cochinchine). Sự phát triển khác biệt này phản ánh tình trạng vương quốc Việt Nam hay Đại Nam bị thực dân Pháp chia làm ba “xứ” [pays]: Nam Kỳ là một thuộc địa, Trung Kỳ là xứ bảo hộ, và Bắc Kỳ (Tonkin), một xứ nửa bảo hộ, nửa thuộc địa từ năm 1874-1886. (2)

2. Nghị định ngày 27/1/1886 qui định tổ chức Nhà nước Bảo hộ xứ Annam và Tonkin. Tại Huế, có Tổng trú sứ [Résident général], Trung và Bắc có Résident Supérieur (gọi là Thống sứ ở Bắc và Khâm sứ ở Trung).
Paul Bert được bổ nhậm chức Tổng trú sứ Annam-Tonkin đầu tiên. Tuyên bố ở Hạ Viện Pháp: “Tôi muốn chinh phục dân An Nam bằng bàn tay mở rộng và thanh gươm đeo bên hông.” 31/1/1886: Tướng Charles Warnet: XLTV Tổng trú sứ; Arthur Dillon, Khâm sứ; và Paulin Vial, Thống sứ. 28/3/1886: Bert tới Sài Gòn. 2/4/1886: Bert tới Hà Nội. 8/4/1886: Bert chính thức nhận chức Tổng trú sứ [tới ngày 11/11/1886]. 25/4/1886: Tướng Warnet rời Hà Nội.Gửi Petrus Ký ra Huế để khuyến khích Đồng Khánh đưa cả hai tay cho Pháp.
Gần 12 năm trước, Dupré cùng Lê Tuấn, Thượng thư Bộ Hình, Chánh sứ, và Nguyễn Văn Tường, Phó sứ, ký Hoà ước ngày 15/3/1974 hay 27/1 Tự Đức 27 [Giáp Tuất] nhường cho Pháp Nam Kỳ, và tự do giao thông trên sông Hồng. [Xem Phụ Bản III]

Cách tổ chức mô phỏng theo Việt Nam Kách Mệnh Thanh Niên Hội [VNKMTNH] do Lý Thụy tức Nguyễn Sinh Côn (1892-1969) khai sinh tại Canton [Quảng Châu] vào tháng 6/1925 với nòng cốt là nhóm Tam Tâm Xã của Hồ Bá Cự (Tùng Mậu, 1896-1951), Lê Văn Phan (Hồng Sơn, 1899-1932), Phạm Thành Khôi (Hồng Thái, 1896-1924), qui tụ những thanh niên chủ trương bạo động liên hệ với Phan Bội Châu và Cường Để, lãnh tụ phong trào Đông Du. Hai hành động đáng kể nhất của nhóm này là việc ám sát Phan Bá Ngọc đầu năm 1922, và vụ ám sát hụt Toàn Quyền Đông Dương Martial Merlin (8/1923-4/1925) tại Sa Diện, Quảng Châu, của Phạm Thành Khôi tối 18/6/1924. (3) Sau này, VNTNKMĐCH được coi như tiền thân Đảng Cộng Sản Đông Dương, trong giai đoạn I, tức thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, trước khi chuyển qua cách mạng thế giới của công nhân vô sản [proletariat revolution] dưới sự hướng dẫn của Liên Sô Nga, (đã ngừng hiện hữu từ cuối năm 1991). Vào đầu thế kỷ XXI, ngay đến chế độ Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa và Đảng Trung Hoa Cộng Sản dường đã tạm hài lòng với việc duy trì chế độ cầm quyền độc tài “kinh tế thị trường,” “định hướng xã hội chủ nghĩa,” “tư tưởng Mao Trạch Đông,” “lý luận Đặng Tiểu Bình,” sát nhập và đồng hóa các sắc dân Mãn Châu, Mongol, Tibet, Lolo và sử dụng “luật rừng”—tức sức mạnh quân sự—để độc chiếm vùng trời cùng biển Đông và Đông Nam Á. Trung Nam Hải đã coi thường công pháp quốc tế đến độ in một bức hình hải quân Đài Loan đứng bên một trụ bê-tông được dựng lên ở đảo “Thái Bình” vào cuối tháng 12/1946, nhưng chẳng đề cập gì đến yếu tố khả năng tự tồn cho cư dân. Việc xâm chiếm bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa năm 1974, và Trường Sa năm 1988, trên thực chất, chẳng khác gì việc làm của quân phiệt Nhật từ 1938 tới 1940. Những dấu chấm ranh giới mới trên bản đồ lãnh hải của đế quốc định hướng xã hội năm 2009 này hàm chứa mối đe dọa cho cả Đài Loan, Philippines, Indonesia và Australia, và nhất là con cờ siêu domino Nhật Bản (Japan) của Liên Bang Mỹ—khiến không thể không nghĩ tới một kế hoạch khuyến khích và giúp đỡ Nhật tái vô trang để tự vệ và cầm chân Trung Cộng trong giai đoạn sơ khởi nếu chiến tranh thứ ba xảy ra. (4) Đừng quên những người tự nhận Cộng Sản luôn luôn khai thác đối đa binh lực và bạo lực để giành phần thắng lợi, bất chấp mọi giá trị đạo đức hay nhân đạo. Mao Nhuận Chi, chẳng hạn, từng tính toán rằng chiến tranh nguyên tử có thể giết chết một nửa dân Trung Hoa, số còn lại vẫn sẽ đứng lên làm cách mạng vô sản. Chủ tịch nhà nước Nhân Dân Cộng Hòa Trung Hoa Tập Cận Bình, so với chủ tịch Bắc Triều Tiên, cũng chẳng khác biệt nhau bao lăm trong ước muốn sử dựng bạo lực.

3. Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & Huyền thoại, Tập II:1925-1945; [Houston: Văn Hoá, 1993], tr 77-78, 81-84, 104-116; Nguyễn Vĩnh Châu, “Phỏng vấn sử gia Vũ Ngự Chiêu về Hồ Chí Minh;” [website hopluu.net [2009] (có phụ bản văn khố trường Quốc Học về Nguyễn Sinh Côn) và vietnamvanhien.net]
4. Xem thêm Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu, “Đất đai Việt Nam bị Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Xâm Chiếm;” Hợp Lưu Magazine (Fountain Valley, CA), No. 105 (5-6/2009), tr. 5-32, và, “Chuyến Cầu Viện bí mật năm 1950.” [website hopluu.net và vietnamvanhien.net]; La souveraineté incontestable de la Chine (Beijing: 30 janvier 1980), Annex 2. Chúng tôi mượn ý “siêu domino” từ Giáo sư John Dower, một chuyên viên về Nhật Bản.

Theo lý thuyết, VNQDĐ có một Tổng bộ, ba Kỳ bộ, xuống thấp hơn là Tỉnh bộ, rồi Chi bộ (cơ sở địa phương). Tổng bộ gồm 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch, và 8 ủy viên (tổ chức, tuyên truyền, tài chính, trinh thám, ngoại giao, binh vụ, giám sát và ám sát). Các cấp lãnh đạo từ trung ương xuống địa phương được bầu lại sáu tháng một lần. Mỗi cán bộ muốn được nhập đảng phải có hai người giới thiệu và bảo đảm, rồi qua một giai đoạn tập sự trước khi làm lễ tuyên thệ.
Chương trình hành động chia làm ba [3] giai đoạn. Giai đoạn phôi thai, tuyển mộ cán bộ và xây dựng tổ chức (tuyệt đối bí mật). Giai đoạn thứ hai, giai đoạn dự bị (bán công khai). Và, giai đoạn chót là hành động (nổi dạy đánh Pháp bằng võ lực). Cơ quan ngôn luận là Hồn Cách Mạng, nhưng chỉ ra được một số. Cuối năm 1928, VNQDĐ có hơn 100 chi bộ, với 1,500 đảng viên, kể cả 120 người trong các cơ lính khố đỏ và Không quân của Pháp.
Về chủ thuyết, dựa theo Tam Dân Chủ Nghĩa [San Min You [Zhu] I] của Tôn Dật Tiên (Sun Yatsen, 1866-1925), lãnh tụ Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Tam Dân là Dân tộc [Min zu], Dân quyền [Min ch’uan] và Dân sinh [Min sheng]—được nhà ái quốc Phan Bội Châu cổ vũ qua tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng, thành lập năm 1924 tại Quảng Châu. Không những được bí mật phổ biến vào trong nước, tài liệu và đảng cương còn được đăng tải trên Việt Nam Hồn của Nguyễn Thế Truyền (1898-1969) năm 1926 tại Paris, khiến Albert Sarraut cho lệnh tịch thu và cấm phổ biến. (5)

5. Nguyễn Thế Truyền—cháu nội Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn—du học Pháp từ nhỏ, tốt nghiệp kỹ sư hóa học. (CAOM (Aix), Amiraux, 51519). Từ 1920 tới 1924, hợp tác chặt chẽ với Nguyễn Sinh Côn [Ái Quấc] ở Paris trong việc ấn hành tờ Le Paria (Lao Động Báo). 1924-1925: Thay Nguyễn Sinh Côn làm Thư ký Công Đoàn Liên Thuộc Địa (Union Intercoloniale) của Đảng CS Pháp. Năm 1925, thành lập đảng Việt Nam Độc Lập. Cờ nền vàng, 5 sao đỏ. Tháng 1/1926, xuất bản báo Việt Nam Hồn. Toà soạn đặt tại 127 rue Montparnasse Có đăng, Việt Nam Quốc Dân Đảng Cương của Phan Bội Châu. (AN, F7/13405; CAOM (Aix), SLOTFOM, Series III, Carton 3).
[1924: San Min You [Zhu] I = Three Principles of the People: Min zu: Dân tộc [minzu tongyi= dân tộc thống nhất]; new nationalism: Chinese traditionalism. A territorial rather than ethnic/racial or cultural entity. Liang Qichao, Sun Yatsen, a more inclusive and pluralistic concept of China. e.g., wuzu conghe; assimilation rather than collaboration, a Zhonghua minzu.
Min ch’uan, Dân quyền [democracy]; Western republicanism; Swiss doctrine of initiative, referendum, election; Soviet democratic centralism, Chinese ideas of examination and control.
Min sheng, Dân sinh [people’s livelihood, social economic]]

Từ năm 1928, VNQDĐ muốn kết hợp với các tổ chức khác—nhất là VNKMTNH của Cộng Sản—nhưng không thành công. Những nỗ lực phát triển vào Trung và Nam cũng bị trở ngại vì [Tân Việt] Cách Mạng Đảng ở miền Trung (đổi tên thành Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn từ ngày 1/1/1930), và giáo phái Cao Đài tại miền Nam. Tại miền Bắc, chiếc nôi của Đảng, mọi hoạt động không phát triển hoàn toàn tốt đẹp. Nỗ lực kinh tài theo đường lối hợp pháp (như mở khách sạn Việt Nam ở Hà Nội) bị thất bại. Một số cán bộ đã phải kiếm tiền bằng cách trấn lột dân chúng. Nhưng mối hiểm họa to lớn nhất là sự xâm nhập của nhân viên mật thám Pháp vào sâu các cơ sở—người chỉ huy những cuộc càn quét là trung ủy đặc trách quân sự.
Sau vụ ám sát Horné Bazin, chủ một công ty mộ phu ở Hà Nội ngày 9/2/1929, Mật thám Pháp mở màn một đợt khủng bố trắng, từ bắc chí nam. Sáng 17/2, Pháp lùng bắt hàng trăm đảng viên VNQDĐ. Chỉ có Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Như thoát nạn. Cuối tháng đó, Thống sứ Pháp lập một Hội đồng đề hình dưới quyền Jules Bride để xét xử 217 người. Ngày 2/7/1929, Bride kết án 76 trong số 78 người bị truy tố. Nguyễn Thái Học bị án 20 năm khổ sai khuyết tịch. Nguyễn Thế Nghiệp (1906-1945), Chủ tịch Ban Hành Pháp VNQDĐ từ tháng 12/1928; cũng bị án tù, nhưng được Bride phóng thích để truy tầm Nguyễn Thái Học chuộc tội.
Phần bị săn đuổi ráo riết, phần muốn tránh cảnh bị âm thầm tận diệt trong tay Pháp, tại Hội nghị Võng La, Phú Thọ, ngày Chủ Nhật, 26/1/1930 [27/12 Kỷ Tị] Nguyễn Thái Học cho lệnh tổng khởi nghĩa.
Theo dự trù, Vũ Văn Giảng (sau này đổi thành Vũ Hồng Khanh, 1907-1993) phụ trách việc nổi dạy ở miền Kiến An (nam Hải Phòng), tức khu vực có nhiều mỏ than và công xưởng kỹ nghệ. Nguyễn Khắc Như và Phó Đức Chính chỉ huy ở vùng Trung Du (Yên Báy, Hưng Hoá, Lâm Thao, và Sơn Tây). Đích thân Nguyễn Thái Học phụ trách vùng Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại và Hải Dương. Phần Nguyễn Thế Nghiệp qua—có nhiệm vụ đưa quân Vân Nam về tấn công Lào Kay (biên giới Hoa Việt, đối diện Hà Khẩu, tức Trấn Phòng. cách Hà Nội 298 cây số, bắc Yên Bái, 140 cây số), để yểm trợ cuộc nổi dạy ở Yên Báy. (6)

6. Yên Báy hay Bái là một tỉnh trung du, nằm trên đường xe lửa Hải Phòng-Vân Nam, tây bắc Hà Nội 156 km. Tiếp tục đi hướng tây bắc, cây số 237 là Bảo Hà, cây số 256, biên giới cũ tỉnh Lào Cai, cây số 262 là Phố Lu (huyện lỵ Thủy Vĩ), cây số 298, tỉnh lỵ Lào Kay hay Cai. Từ Yên Bái tới tới Tuyên Quang, hướng đông 61cây số [đường bộ]. Qua sông Hồng, có đường đi Nghĩa Lộ, Sơn La. Hiện nay, cùng với Lào Cai họp thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Ít ngày sau, khi thấy Pháp phong thanh biết được kế hoạch nổi dạy, Nguyễn Thái Học dời ngày khởi nghĩa tới Thứ Bảy 15/2/1930 [27/1 Canh Ngọ]. Vì đã điều lực lượng vào vị trí, và phần vì phương tiện liên lạc bị giới hạn, Nguyễn Khắc Như vẫn tiếp tục kế hoạch cũ.

A. Cuộc Khởi Nghĩa Tết Canh Ngọ:
Khoảng 1 giờ sáng Thứ Hai 10/2/1930—tức đêm 11 rạng 12 Tết Canh Ngọ—cán bộ VNQDĐ trong cơ lính khố đỏ ở Yên Báy (156 cây số tây bắc Hà Nội, 194 cây số nam Lào Kay, từ năm 1975 thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn) nổi lên giết chết 11 sĩ quan và Hạ sĩ quan Pháp, gây thương tích cho 10 người khác. Những cán bộ từ xuôi kéo lên của Phó Đức Chính cũng chiếm được phố chợ trong đêm. Tuy nhiên, quân Pháp cố thủ được Đồn Cao. Nhờ Không quân yểm trợ, nội trong ngày 10/2, quân Pháp phản công, làm chủ được tình hình. Hầu hết cán bộ VNQDĐ đều bị giết hoặc bắt giữ. Phó Đức Chính chạy về Sơn Tây, nhưng cũng bị bắt ngày 15/2 tại nhà một quản binh [adjudant].
Trong đêm Chủ Nhật 9 rạng 10/2, Nguyễn Khắc Như tấn công đồn Hưng Hoá (nay là huyện Tam Nông, đông nam tỉnh Phú Thọ 22 cây số). Thất bại, Xứ Nhu kéo quân qua chiếm huyện lị Lâm Thao. Nhưng chỉ nội sáng ngày 10/2, quân khởi nghĩa đại bại. Xứ Nhu bị bắt rồi tự tử trong ngục tỉnh Phú Thọ (tỉnh lỵ, tây bắc Hà Nội 90 cây số, 62 cây số nam Yên Bái).
Tại Hà Nội, ngày 10/2, ban ám sát của VNQDĐ cắt đứt giây điện tín tại vài nơi, ném 20 trái tạc đạn vào hai ty Cảnh sát, sở Hiến binh, nhà tù Hoả Lò và tư dinh Paul Arnoux, Chánh sở Mật Thám Bắc Kỳ. Một cán bộ trung ương của VNQDĐ là Lương Ngọc Tốn bị một nhóm thợ gốm bắt sống tại Gia Lâm.
Nói chung, cuộc khởi nghĩa thất bại nặng. Một trong những lý do là nhặng báo (mouchards) của Mật Thám đã gài cấy sẵn trong tổ chức, nên chính quyền Pháp biết trước, tăng gia phòng thủ. Ngoài ra, vào phút chót vì thiếu truyền thông, nên lệnh hoãn khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học không được phổ biến rộng rãi. Hơn nữa, thực lực quân sự quá yếu kém. Đảng không tổ chức được một an toàn khu nào để huấn luyện cán bộ, lực lượng quân sự, hay ẩn náu lúc cần.
Những ngày kế tiếp, Pháp hành quân tảo thanh khắp nơi. Tại Hải Dương, hàng chục người bị bắt giữ nội trong ngày 12/2. Bốn ngày sau, khi Trần Quang Diệu tấn công Vĩnh Bảo, giết chết Tri huyện Hoàng Gia Mô, phi cơ Pháp ném xuống làng Cổ Am 57 trái bom 10 ki-lô, xoá tên làng này, giết chết tới 200 người (nay thuộc Hải Phòng). Hàng chục thôn xóm khác ở Phú Thọ, Kiến An, Bắc Giang và Phả Lại cũng bị tàn phá hay thiêu hủy. Cuộc khủng bố trắng chỉ tạm lắng xuống sau khi Nguyễn Thái Học cùng vài thuộc hạ thân tín bị bắt ở ấp Cổ Vịt (Hải Dương) ngày 20/2/1930.
Ngày 27/2/1930 [30/1 Canh Ngọ], Hội Đồng Đề Hình Bắc Kỳ họp phiên đầu tiên xét xử mười lăm [15] chiến sĩ VNQDĐ tham dự cuộc khởi nghĩa Yên Báy. Rồi tuyên bố mười ba [13] án tử hình, một [1] chung thân khổ sai, và một 20 năm khổ sai. Gaston Doumergue chỉ y bốn [4] án tử hình. Ngày 8/3/1930, bốn chiến sĩ Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiệp, Nguyễn Thanh Thuyết và Ngô Hải Hoằng bị xử chém tại Yên Báy.
Gần một tháng sau, ngày 23/3/1930, Poulet Osier ngồi ghế Chánh án phiên tòa tại trại binh Yên Báy xét xử Nguyễn Thái Học cùng 82 chiến sĩ VNQDĐ. Hôm sau, Osier tuyên bố ba mươi chín [39] án tử hình, ba mươi ba [33] án chung thân khổ sai, chin [9] án 20 năm khổ sai, và năm [5] án tù, biệt xứ (kể cả nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Bắc). Ngày 28/3/1930, Hội Đồng Đề Hình Bắc Kỳ lại nhóm xử 1,086 cán bộ VNQDĐ và tình nghi. 412 người được tha bổng, nhưng tám mươi [80] người bị tử hình, một trăm linh sáu [106] chung thân khổ sai, ba trăm tám mươi ba [383] người bị đầy, và một trăm linh năm [105] người tù từ 1 tới 20 năm.
Tại miền Nam, các chiến sĩ VNQDĐ bị xét xử chung với cán bộ VNKMTNH (Cộng Sản) từ ngày 15/7/1930. Ngày 18/7, ba [3] cán bộ VNQDĐ bị kết án 5 năm khổ sai, đầy ra Côn Đảo (Trần Huy Liệu, Cao Hữu Tạo, và Nguyễn Phương Thảo). Sáu [6] người khác bị án từ 2 tới 4 năm, nhốt tại Hà Tiên (Nguyễn Hào [Hòa] Hiệp, v.. v..).

B. DANH SÁCH LIệT SĨ QUốC DÂN ĐảNG Vị QUốC VONG THÂN

1. Xứ Nhu Nguyễn Khắc Như, 47 tuổi, quê Phủ Lạng Thương, Bắc Giang, tự tử trong ngục Phú Thọ.
2. Hạ sĩ [Cai] Nguyên, bị xử bắn ngày 11/2/1930 tại Yên Báy.
3. Hạ sĩ [Cai] Tính, bị xử bắn ngày 11/2/1930 tại Yên Báy.

Tuẫn quốc ngày 8/3/1930 (9/2 Canh Ngọ) tại Yên Báy:
1. Ngô Hải Hoằng, Hạ sĩ [cai].
2. Nguyễn Thanh Thuyết, Hạ sĩ.
3. Đặng Văn Lương, nông dân.
4. Đặng Văn Tiếp, nông dân.

13 Liệt Sĩ Tuẫn quốc ngày 17/6/1930 (21/5 Canh Ngọ) tại Yên Báy:
1. Nguyễn Thái Học, 26 tuổi, làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương. Hôn thê là Nguyễn Thị Giang tự vẫn ngày hôm sau, 18/6/1930. (Marty, VNQDĐ, p. 21)
2. Phó Đức Chính, 23 tuổi, cán sự lục lộ tại Savanakhet, sinh quán làng Đa Ngưu, Bắc Ninh. [Theo PNTV, ngày 20/2/1930, Phó Đức Chính cũng bị bắt ở Sơn Tây, giải về Hà Nội. Ngày 20/3/1930, trong khi chờ ra Hội đồng đề hình [lần thứ hai], Phó Đức Chính tự vận. (7)]
3. Nguyễn An, 31 tuổi, quân nhân, phục vụ tại Yên Báy.
4. Hà Văn Lạo, 25 tuổi, thợ hồ.
5. Đào Văn Nhít, quân nhân, phục vụ tại Yên Báy.
6. Ngô Văn Du, quân nhân, phục vụ tại Yên Báy.
7. Nguyễn Đức Thịnh, quân nhân, phục vụ tại Yên Báy.
8. Nguyễn Văn Tiềm, quân nhân, phục vụ tại Yên Báy.
9. Đỗ Văn Sứ, quân nhân, phục vụ tại Yên Báy.
10. Bùi Văn Cửu, quân nhân, phục vụ tại Yên Báy.
11. Nguyễn Như Liên, 20 tuổi, học sinh, sinh quán làng Cao Mại, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
12. Bùi Văn Chuẩn, 35 tuổi, quân nhân, phục vụ tại Yên Báy.
13. Bùi Tử Toàn, 37 tuổi, nông dân, sinh quán: làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
7. PNTV (Sài Gòn), số 45 (27/3/1930), tr 15; trích in trong Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn (1883-1945), 3 tập (Houston, TX: Văn Hóa, 1999-2000), III, tr 781.

5 Liệt Sĩ Tuẫn quốc ngày 22/11/1930 (3/10 Canh Ngọ) tại Phú Thọ:
1. Nguyễn Văn Toại, tức Đồ Thúy, 33 tuổi, nguyên quán Lâm Thao, Phú Thọ.
2. Trần Văn Hợp, nguyên quán Thanh Ba, Phú Thọ.
3. Phạm Nhận, tức Đồ Điếc
4. Lê Xuân Huy, 31 tuổi, nông dân, nguyên quán Cổ Pháp, Bất Bạt, Sơn Tây.
5. Bùi Xuân Mai, nông dân, nguyên quán Bất Bạt, Sơn Tây.

9 Liệt Sĩ Tuẫn Quốc Tại Hà Nội:
Hy sinh vào cuối năm 1930:
1. Đặng (hay Đoàn) Trần Nghiệp, tự Ký Con (1908-1931), phố Hàng Sơn, Hà Nội.
2. Lương Ngọc Tốn, tự Chánh Tốn.
3. Nguyễn Văn Nho
4. Nguyễn Quang Triều
5. Nguyễn Minh Luân
6. Nguyễn Trọng Bằng
7. Nguyễn Văn Khuê, tự Cai Khuê.

Hy sinh ngày 23/6/1931 (8/5 năm Tân Mùi):
8. Lê Hữu Cảnh (1895-1931), cựu lính thợ (thông ngôn), nhân viên hoả xa, quê Hoàn Long, Hà Đông.
9. Nguyễn Xuân Huân. (Marty, VNQDĐ, p. 21-2)

4 Liệt Sĩ Tuẫn quốc ngày 23/6/1931 (8/5 năm Tân Mùi) Tại Hải Dương:
1. Trần Quang Diệu (1888-1931), gốc làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương.
2. Vũ Văn Giáo
3. Trần Nhật Đồng
4. Nguyễn Văn Phúc

Liệt Sĩ Hy Sinh, Hay Tự Vẫn
1. Hoàng Đình Gị. (Marty, VNQDĐ, p. 22)
2. Hoàng Đình Vĩ
3. Đỗ Thị Tâm

C. Dư Luận về VNQDĐ:
Mặc dù cuộc nổi dậy của VNQDĐ bị dẹp tan nhanh chóng, hành động “không thành công thì thành nhân” của Nguyễn Thái Học và các đồng chí được dư luận trong nước cũng như ở hải ngoại nhiệt liệt ngưỡng mộ.
Sinh viên Hà Nội bí mật lạc quyên giúp đỡ các nạn nhân. Một số báo ở Nam Kỳ như tờ Thần Chung và Phụ Nữ Tân Văn [PNTV] công khai vinh danh dũng khí của những “nhà cách mạng.” Ngày 6/3/1930, chẳng hạn, PNTV đăng một bài giới thiệu sự nghiệp Nguyễn Thái Học. Chẳng hiểu do lầm lẫn vô tình hay cố ý, tác giả cho vị lãnh tụ VNQDĐ xuất dương sang Quảng Châu 5 năm, sống bên Nguyễn Ái Quốc [tức Nguyễn Sinh Côn, 1892-1969]. Sau đó, được Nguyễn Ái Quốc phong làm chỉ huy nội địa—thực ra, Nguyễn Sinh Côn đã trốn khỏi Quảng Châu từ năm 1927, và chỉ sống ở đây hơn hai năm. (8)

8. Phụ nữ tân văn [Women News] (Saigon), số 42 (6/3/1930) (kể cả phóng họa chân dung 13 lãnh tụ VNQDD, tr. 15-20. Xem thêm Ibid., số 40 (20/2/1930), tr. 15-16, 25; 41 (27/2/1930), tr 17-21; 43 (13/3/1930) & 44 (20/3/1930); DAF, Service de Controle et d’Assistance en France des Indigènes des Colonies Francaises [SCAFICF], “Notice sur Nguyễn Ái Quốc (26 June 1931)” [sinh ngày 15/1/1894 tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; cha là tri huyện bị cách chức năm 1910 vì say sưa và tàn ác; chị là Nguyễn Thị Thanh, năm 1918 bị án tù 9 năm; anh là Nguyễn Tất Đạt, bị kết án cùng phiên tòa vì cho một trùm làm loạn trú ẩn]; CAOM (Aix), INF, carton 326, d. 2637;

Nhóm Lập Hiến—qua các báo La Tribune Indochinoise [Diễn Đàn Đông Dương] và Đuốc Nhà Nam [Flambeau d’Annam]—lên án hành động bạo lực. Nhóm này tự nguyện đứng sau lưng Toàn quyền Pierre Pasquier trong việc đánh dẹp “bọn làm loạn.” Tháng 1/1930, Lê Quang Liêm tự Bảy, người từng bênh vực Nguyễn Ái Quấc ở Paris năm 1919-1920, tuyên bố với Pasquier: “Chúng tôi là những người Pháp lương thiện; tất cả chúng tôi đứng sau lưng quan lớn.” (9)

9. Thư ngày 29/1/1930, Gougal gửi Goucoch; CAOM [Aix], Affaires Politiques [AP], Carton 2431.

Tất cả những thành viên của Hội đồng Quản hạt [Conseil Colonial] Nam Kỳ tới thăm Thống Đốc Jean Félix Krautheimer (1929-1934) để bày tỏ sự ủng hộ của họ trong việc dẹp loạn. Trong buổi họp này, Nguyễn Phan Long (1889-1960) đề nghị nên sử dụng hơi ngạt và “vòi rồng” để chống lại các đoàn biểu tình. Thực tâm nhóm Lập Hiến chống lại những cuộc đánh bom khu vực mà Pháp mệnh danh là “ô nhiễm” [contaminé]. Và, mối lo ngại chính của họ là khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn” được trưng lên trong những cuộc đình công, biểu tình của CS—cùng những đợt khủng bố đỏ [la terreur rouge] như dìm chết cả một gia đình ba người, kể cả đứa con gái hai tuổi, của một đảng viên bị cáo buộc “phản Đảng.” (10)

10. Huỳnh Kim Khánh, Vietnamese Communism (Ithaca, NY: Cornell Univ Press, 1982), tr :98, chú 16; Louis Marty, Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’Indochine francaise [Đóng góp vào lịch sử các phong trào chính trị tại Đông Dương thuộc Pháp], 7 tập, tập V: La Terreur Rouge en Annam [Cuộc Khủng Bố Đỏ ở An Nam] (Hà Nội: 1930-1931), tr 7-12 [Nguyên Thanh, Trần Huân, Nguyễn Khiên Ngheo và Trần Ninh thú nhận dìm nước chết vợ chồng Bùi Cương Đinh, Nguyen Thi Sen và con gái, Bùi Thị Tương, mới 2 tuổi ngày 28/1/1931].

Tại Pháp, sinh viên và thợ thuyền tổ chức hội thảo, biểu tình hay rải truyền đơn chống đàn áp và “thảm sát” (massacre) ở Đông Dương. Gây tiếng vang nhất là cuộc mít-tinh trước điện Elysées của hơn 100 Việt Kiều ngày 22/5/1930, đưa đến việc bắt giữ 47 người, và trục xuất 19 học sinh, sinh viên về nước ngay cuối tháng 5/1930. Trong số này có Tạ Thu Thâu, Huỳnh Văn Phương, v.. v.. cùng một số đảng viên Việt Nam Độc Lập, và Đảng Cộng Sản Pháp. (11)

11. Huỳnh Văn Phương (1906-1945) thuộc một gia đình đại điền chủ, chú ruột Huỳnh Tấn Phát. Học Chasseloup-Laubat Sài Gòn, rồi qua Pháp năm 1927. Học luật ở Paris. Tham gia Việt Nam Độc Lập Đảng do Nguyễn Thế Truyền thành lập, với một số cán bộ của Công đoàn thuộc địa Đảng Cộng Sản Pháp. Sau khi Nguyễn Thế Truyền về nước, Tạ Thu Thâu, Huỳnh Văn Phương điều khiển. Phương viết báo La Résurrection (Phục Hưng). Tham gia “Tả phái đối lập” cùng Thâu, Chánh. 30/5/1930, bị trục xuất cùng Thâu. 1933-1936: Nhóm La Lutte. 1935: Ủng hộ Dương Văn Giáo tranh cử Hội đồng quản hạt. 1936: Ra Hà Nội. Tốt nghiệp luật. Cộng tác với báo Le Travail. Về Sài Gòn, làm luật sư. 9/3/1945: Lập nhóm Trí Thức. Tham gia MTQGTN của Hồ Văn Ngà. 19/8/1945: Đựợc Ngà, quyền Khâm sai Nam Bộ, cử coi Mật Thám cùng với Hồ Vĩnh Ký. Nếu tin được Trần Bửu Kiếm, Luật sư Phương đã phóng thích một số cán bộ CS bị Nhật giam giữ, cung cấp vũ khí cho Trần Văn Giàu, và thu nhận một số cán bộ CS vào lực lượng công an. Theo những người chống Đệ Tam QTCS, Luật sư Phương tìm thấy tập hồ sơ về Trần Văn Giàu do Ichikawa để lại. Sao làm 4 bản gửi cho Huỳnh Phú Sổ, Hồ Vĩnh Ký, Dương Văn Giáo nên bị Trần Văn Giàu giết. Theo tài liệu văn khố Pháp, Luật sư Phương cũng hợp tác với Lâm Ủy Hành Chính trong giai đoạn đầu, và chỉ bị thủ tiêu sau ngày liên quân Pháp-Bri-tên và tù binh Nhật đánh chiếm Sài Gòn trong dịp cuối tuần 22-23/9/1945.

Khủng Bố Đỏ [La Terreur Rouge]:
Ngày 6/6/1930, giữa lúc Nguyễn Thái Học chuẩn bị lên máy chém, các cuộc biểu tình của nông dân vùng Nghệ Tĩnh cùng công nhân đồn điền cao su miền Nam do Cộng Sản xúi dục bùng nổ, với khẩu hiệu: “Trí, phú, địa, hào, Đào tận gốc, trốc tận ngọn.” Những người chịu trách nhiệm chính là Trần Phú hay Li Gui, Hà Bá Cang (sau đổi tên thành Hoàng Quốc Việt), v.. v… Phú được Văn Phòng Đông Dương của Quốc Tế Cộng Sản [Comintern] tại Mat-scơ-va chỉ định triệu tập Hội nghị Trung Ương Thứ 1 Đảng CSVN mà Nguyễn Sinh Côn mạo danh QTCS thành lập ngày 6/1/1930 tại Ma Cao, đổi tên thành Đảng Cộng Sản Đông Dương [CSĐD] và tái tổ chức Ban Chấp Ủy Trung Ương. Nguyễn Sinh Côn không được mời tham dự. Có lẽ để nâng cao uy tín và tạo thêm sinh động, sắt thép cho Đảng của nhân công vô sản—đồng thời khai thác khí thế VNQDĐ, và hậu quả cuộc Đại khủng hoảng kinh tế từ năm 1929—Trần Phú hướng mạnh vào giới phu đồn điền cao su, thợ mỏ, cùng những nông dân bạch đinh. Trong khi các đồn điền cao su miền nam giúp khai sinh những Phạm Hùng (“thày gồng” Phạm Văn Thiện, theo Mai Chí Thọ), Trần Tử Bình, rồi sau này, Lê Đức Anh, tại vùng Nghệ-Tĩnh và Quảng Ngãi, nông dân nhiều thôn xã đã nổi lên giết đuổi cơ quan hương chính, đốt sổ sách, tự làm chủ. Pasquier và thuộc hạ xuống tay đàn áp mạnh. Không chỉ sử dụng phi cơ, Lê Dương, cùng lính khố xanh, khố đỏ để thực hiện lời thề tận diệt “Communisme” [dịch sai thành gongchan hay Cộng Sản], Pasquier và Khâm sứ Huế đi xa hơn những bản án tử hình khuyết tịch dành cho Nguyễn Sinh Côn và 5 đồng chí ngày 11/10/1929 tại Nghệ-Tĩnh. Tổng lý Nguyễn Hữu Bài được lệnh cử một đại diện triều đình—hay Khâm lược đại thần—tại bắc An Nam [Trung Kỳ] để theo dõi việc “bình định.” Tôn Thất Quảng, Tổng đốc Thanh Hóa được kiêm nhiệm chức này; tháng 7/1933 thay Thái Văn Toản sau khi Toản được điều lên thay Ngô Đình Diệm làm Thương thư bộ Lại ngày 22/7/1933. Anh em Ngô Đình Khôi-Ngô Đình Diệm nổi danh với những trò tra khảo như dùng nến đốt hậu môn, hay bắt nghi can dùng tay vuốt lạt tre, nứa, hay quì trên vỏ mít ở Quảng Trị rồi Phan Rang. Trong thư gửi Toàn quyền Jean Decoux ngày 21/8/1944, Giám mục Ngô Đình Thục từng kiêu hãnh khoe khoang thành tích phục vụ Bảo hộ của cha con, anh em họ Ngô—từ chiến dịch truy diệt phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng năm 1895-1896 tại phía tây bắc Quảng Bình, tức vùng lãnh thổ Nguyễn Thân giao cho Ngô Đình Khả trách nhiệm. Ngô Đình Nhu cũng từng khai với Giám đốc Mật thám Pháp là cựu Tổng đốc Khôi “xin thề trên thập tự giá” rằng Bảo hộ Pháp là “bát cơm” [bol de riz] cho họ Ngô. (12)

12. Công điện ngày 20/8/1944, Arnoux gửi Decoux, CAOM (Aix), 14 PA (2); trích in trong Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, tập III, tr 856; Chính Đạo, “Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897-1963): Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền;” Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004), tr 11-70, 385-405; revised versions trên Hopluu.net, vietnamvanhien.net.

Năm 1930, báo chí Pháp kiều tại Đông Dương cũng nghiêm khắc chỉ trích cuộc nổi dạy của Việt Nam Quốc Dân Đảng là chịu ảnh hưởng của Cộng Sản Trung Hoa. Tiêu biểu nhất là Henri Chavigny, bút hiệu Henri de la Chevrotière, trên l’Impartial/Trung Lập báo tại Sài Gòn. Là một người lai Pháp, Chatigny từng bị án đào ngũ, làm chỉ điểm cho Mật Thám, sau chuyển sang nghề cạp-rằng [caporal, cai thợ]. Tờ l’Impartial và rồi La Dépêche—vốn được trợ cấp hậu hĩ của chính quyền—khoác cho VNQDĐ tính chất bạo động theo kiểu Cộng Sản, như có những tổ ám sát [section de sicaires] để trừng trị những thành phần phản đảng. Phương cách giải quyết hữu hiệu nhất là dùng quân đội đàn áp, và bảo vệ an ninh cho dân chúng vô tội—một lập luận quen thuộc của Mật Thám Pháp ba năm sau trong tập tài liệu về VNQDĐ. (13)

13. Louis Marty, II, VNQDĐ, tr. 23-4. Sau này, De la Chevrotière được cử vào Đại Hội Đồng Kinh Tế-Lý Tài Đông Dương, và trở thành mạnh thường quân của nhiều chính khách Việt. Ngày Thứ Hai, 15/1/1951, De la Chevrotière bị ám sát bằng lựu đạn ở Sài Gòn; Hiến, 2004, II:479.

Quyết định “thanh Cộng” của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek, hay JiangJieshi (1888-1975) vào tháng 4/1927, cùng chính sách Diệt Cộng của thực dân Pháp, được tăng cường với thánh lệnh năm 1929 của Vatican, bắt đầu phân cách tâm trí người Việt, dù đại đa số—kể cả một số trí thức tốt nghiệp tại Âu Châu hay Mỹ—chẳng hiểu “Cộng Sản” là gì. Thực ra, Cộng Sản [gongshan hay gongchan] chỉ là tiếng Hán dịch sai thuật ngữ “Communism” [công hữu nguyên thủy] của nhóm cán bộ Marxist Leninist người Hoa đầu tiên như Trần Độc Tú [Chen Duxiu], Lý Đại Chiêu [Li Dazhao]. Cán bộ CS phần lớn bị mê hoặc vì những bánh vẽ như “xã hội đại đồng,” “làm tùy theo khả năng, hưởng theo nhu cầu.” Phe chống Cộng thì bị ám ảnh với những khẩu hiệu như đấu tranh giai cấp, bạo lực cách mạng, vô thần, v.. v.. Chua chát nhất là bệnh chụp mũ, vu cáo người khác là Cộng Sản, hay phản động, phản cách mạng, lý lịch thiếu trơn tru. Động lực thường chỉ do ưa ghét cá nhân hay trục lợi cá nhân, phe đảng, hoặc để “bảo vệ trật tự, an ninh công cộng.” Dân biểu Justin Godart (sau khi tham quan Đông Dương năm 1937, và nhận được hàng trăm thư khiếu nại của người Việt), nhận xét rằng giới an ninh và chính quyền thực dân Pháp hay gán ép bừa bãi cho bất cứ ai có khuynh hướng chống lại ách đô hộ Pháp là Cộng Sản để có thể dễ bề buộc tội. (14)

14. CAOM (Aix), PA 28, carton 7. Tháng 7/1967, hai ứng cử viên Tổng thống Hà Thúc Ký và Trần Văn Hương mật báo với Tòa Đại sứ Mỹ là Âu Trường Thanh, ứng cử viên Tổng Thống với khẩu hiệu “Hòa Bình bằng mọi giá,” có “liên hệ với Cộng Sản;” The Bunker Papers, 1990, I:82-83. Ngày 18/7/1967, Phó TT Humphrey chỉ thị Thứ trưởng NG Katzenbachcan can thiệp việc loại ứng cử viên Âu Trường Thanh, nhưng tám ngày sau Katzenbach cho biết quyết định của QHLH không thể đảo ngược; Memorandum Washington, July 18, 1967. From Vice President Humphrey to the Under Secretary of State (Katzenbach)/1/ National Archives and Records Administration, RG 59, Central Files 1967-69, POL 14 VIET S. Secret. [Doc 249].

Ngay đến Tống lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn, Henry I. Waterman, có vẻ chịu ảnh hưởng la Chevrotière cùng mật thám Pháp. Trong báo cáo ngày 16/5/1930, Tống lãnh sự Mỹ cho rằng VNQDĐ đã nhập cảng phương pháp CS Trung Hoa và sự bạo động chỉ nhắm vào hàng ngũ quan lại tham ô người Việt hơn là người Pháp [“the influence of revolutionary ideas imported from communistic China” and believed that “the agitation was primarily directed against the graft and extortion of the Vietnamese mandarin officials rather than the French.”] Waterman còn trích lại đề nghị của Chavigny là ngày nào chính quyền đưa đủ lực lượng quân sự tới các địa phương bị ô nhiễm, dân chúng sẽ giao nộp những phần tử phản loạn vì không còn lo sợ bị trả thù.” [the day we place in these provinces sufficient troops, communism will disappear rapidly because the people, no longer fearing repraisals, will themselves deliver up all the communists to the authorities.”] (15)

15. Am Consul, Saigon, to Dept of State, 16 May 1930; 851G.001B/3, & 30 July 1931; 851G.001B/19, RG 59; Ronald H. Spector, United States Army in Vietnam, Advice and Support: The Early Years, 1941-1960 (Washington, DC: CMH-USArmy, 1983), p 15. [Sẽ dẫn: Spector, Advice and Support]

Sử gia Mỹ Thomas E. Ennis còn sai lầm hơn cả Waterman. Ennis mô tả cuộc nổi dạy Yên Bái như bị gián điệp Nga Mikhail Borodin giật giây, dù Borodin (giống như Linov Côn) đã tháo chạy khỏi Canton từ năm 1927 khi Tưởng Giới Thạch ra tay “thanh Cộng.” Tin Mật Thám Pháp cho biết trụ sở báo Thanh Niên gần tòa lãnh sự Nga, bị lục soát hai lần ngày 6/4/1927 và 11-17/12/1927. Từ năm 1928, Côn hoạt động ở đông bắc Xiêm La (Thái Lan từ 1938), cư trú tại làng Ban Đông, gần Pichit, với Võ Tùng hay Lưu Khải Hồng. Sau đó, chuyển lên Ma Cao, hoạt động cho Dalburo Phương Nam của Quốc Tế Cộng Sản, chia xẻ mái ấm gia đình cách mạng với A Duy Nguyễn Thị Vịnh, cùng vợ chồng Hồ Tùng Mậu (đảng viên CSTH từ tháng 3/1926). (16)

16. Thomas E. Ennis, French Policy and Development in Indochina (Chicago: Univ of Chicago Press, 1936), pp. 185, 190, 187; Spector, Advice and Support, 15. Louis Marty, Le “Đông Dương Cộng Sản Đảng” ou Parti Communiste Indochinois (1925-1933) (Hà Nội: 1933), pp. 17-18;

Chỉ có rất ít người như Marc T. Greene, Louis Roubaud, hay Andrée Viollis mới nhìn thấy ước muốn giải phóng dân Việt khỏi họa ngoại xâm của giới thanh niên có học, thiên về hành động, nhưng không liên hệ gì đến Cộng Sản. (17)

17. Marc T. Greene, “Shadows Over Indochina,” Asia, December 1930, p. 678; Louis Roubaud, Vietnam: La tragédie indochinoise (Paris: Valois, 1931); Andrée Viollis, Indochine S.O.S. (Paris: Gallimard, 1935). Roubaud mô tả khá nhiều chi tiết về cuộc khởi nghĩa Yên Báy và cá nhân “Le Grand Professeur” Nguyễn Thái Học.

Từ giữa thập niên 1930, người thay Waterman ở Sài Gòn là Quincy Roberts mới bắt đầu đặt vấn đề về luận cứ và thói quen vu oan, giá họa của chính quyền thực dân Pháp, đưa ra sự thực bị che dấu bấy lâu: Thuật ngữ Cộng Sản thường bị giới cai trị lợi dụng để che đậy hay đánh lạc hướng tinh thần quốc gia tại những xứ bị trị, cùng biện minh cho chính sách đàn áp, hà khắc như bắt giữ phòng ngừa, tra tấn và bắt gia đình cùng thôn xã chịu trách nhiệm chung. (18)

18. Roberts to Marc T. Greene, 18/2/1935, State Dept Central file, RG 59; Am Consul, Saigon, to Dept of State, 25 May 1937; 851G.00, RG 59; Spector, Advice and Support, p 15.

Dẫu vậy, cho tới thập niên 1940, đa số giới ngoại giao Mỹ vẫn chưa gột rửa được loại thành kiến tiên thiên là dân “Annamites” vốn lười biếng, không đủ khả năng hay ước muốn tự chủ. Hơn ngàn năm lịch sử chống lại chính sách thôn tính và đồng hóa của phương bắc của dân tộc Việt bị tảng lờ. (19)

19. Leland L. Smith, US Consul in Sai Gon, 1924: “the Annamites as a race are very lazy and not ambitious.” Am Consul, Saigon, to Dept of State, 28/8/1924, 851G.001, RG 59; và Ibid., (Harris M. Cookingham), to Dept of State, 27/10/1927; và 5/6/1928, RG 84; Advice and Support, pp 9, 11.
American observers generally saw no evidence that the annamites had either the desire or capacity for self-government; the “natives were so backward to be entrusted with western-style political rights and civil liberties. Am Consul, Saigon (Leland L. Smith) to Dept of State, 28/8/1924, RG 59; and Ibid., (Harris M. Cookingham), to Dept of State, 27/10/1927; and 5/6/1928, both in RG 84; Advice and Support, p 11.
Harris M. Cookingham (1927) suggested that the Dept of State excuse him from the requirement to submit monthly political reports because “there were almost no political developments to report.”
Under Secretary of State (Nelt T Johnson) to Am Consul, Saigon (Harris M. Cookingham), 29/11/1927; 851G.0016, RG 59; Advice and Support, p 9.

Dĩ nhiên, cổ Việt không thiếu những nhân vật như ông cháu Mạc Đăng Dung chủ trương “sự đại chi lễ,” hăng say cởi bỏ những bộ y phục hay khố vải thô cứng để đổi lấy lụa là, gấm vóc, cắt xén đất đai tiền nhân truyền lại để đổi lấy chiếc ấn bạc An Nam đô chỉ huy sứ ti với hai trượng dây thao đeo cổ—nhưng ở những thời khoảng nguy khốn nhất vẫn xuất hiện những cấp lãnh đạo đủ khả năng phất cờ chính nghĩa dân tộc, mòn trán lỏng gót mưu việc đánh đuổi ngoại xâm. Bình Ngô đại cáo của Lê Lợi-Nguyễn Trãi năm 1428, hay Chiếu phân phối tù hàng binh Thanh của Quang Trung năm 1789 là những chứng từ hùng hồn nhất. Những liệt sĩ VNQDĐ là đại diện tiền phong cho tinh thần quốc gia mới, biến thái từ trung quân qua ái quốc, gợi hứng từ những gương tuẫn quốc của Đội Trịnh Văn Cấn năm 1917-1918, và đun sôi nhiệt tình qua những cuộc tranh đấu trả tự do cho Phan Bội Châu, hay làm lễ quốc tang cho Phan Chu Trinh, Lương Văn Can trong hai năm 1925-1926. Thật đáng tiếc là năm 1945 thực dân Pháp—chưa kịp qua khỏi tình trạng ốc không tha nổi mình ốc sau hơn bốn năm bị Nazi chiếm đóng—vội kiêu căng, háu đói mang phi cơ, xe tăng, đại pháo vượt biển sang Đông Dương, những tưởng sẽ thêm một lần tự do chém giết và vơ vét tài nguyên về làm giàu cho mẫu quốc. Ai ngờ hơn 150,000 tinh binh—kể cả những đơn vị huyền thoại Nhảy Dù và Lê-dương—không thể đả bại Việt Minh “trong bốn tháng,” hay “vài ba năm,” mà cuối cùng đành chịu thảm bại, đưa đến sự sụp đổ của cả đế quốc Liên Hiệp Pháp. Bi thảm hơn, cả thực dân Pháp lẫn Cộng Sản Việt Nam đều thua cuộc. Chuyến cầu viện bí mật năm 1950 của Nguyễn Sinh Côn mở ra cho Việt Nam một giai đoạn chư hầu mới của Trung Nam Hải—với thứ bảng hiệu như “kinh tế thị trường,” “định hướng xã hội chủ nghĩa,” và “tư tưởng Hồ Chí Minh;” cùng quyết tâm chống lại “diễn tiến hòa bình,” sử dụng tối đa sự hung bạo của cảnh sát, công an, cùng hệ thống công lý mà các bản án được quyết định trước trong các buổi họp đảng từ cấp quận, cấp tỉnh. Những phiên tòa với chính án, bồi thẩm, ủy viên Kiểm sát chỉ là một thứ kịch bản trên sân khấu.

II. GIAI ĐOạN 1931-1940:

Cuộc khởi nghĩa Yên Báy khiến thực lực VNQDĐ trong nội địa suy kiệt. Giữa lúc Pháp và cộng sự viên bản xứ như Cung Đình Vận, Vi Văn Định v.. v.. tắm máu những người con yêu quí của tổ quốc, Lê Hữu Cảnh cùng một số đồng chí muốn tái tổ chức Đảng, nhưng thất bại. Hầu hết cán bộ lãnh đạo đều hy sinh, hoặc bị bắt giữ. Mãi tới hậu bán thập niên 1930, mới lại có những nỗ lực phục sinh Đảng lần thứ hai.

A. VNQDĐ HảI NGOạI:
Trong hai năm 1929-1930 đã có nỗ lực thành lập một Ban chấp hành Hải ngoại của VNQDĐ tại Côn Minh, thủ phủ Vân Nam. Nguyễn Thế Nghiệp (bí danh Trương Nguyên Minh), một cán bộ trung ủy, là người chủ xướng, với sự trợ lực của Đào Chu Khải, Dương Tự Thành và Nguyễn Kim Ngữ. Tháng 9/1930, nhóm hải ngoại được tăng cường thêm Vũ Văn Giảng (tức Vũ Hồng Khanh, 1907-1993), Trần Quốc Kính (Giáo Tuân), Bùi Đức Minh (Giáo Hạch), Đội Tháp v.. v…
Tháng 5/1931, Nguyễn Kim Ngữ đột ngột bị ám sát. Vụ này có nhiều giả thuyết khác nhau. Theo Nguyễn Thế Nghiệp, thủ phạm chính là Dương Tự Thành (tên thực Nguyễn Ngọc Cừ). Theo Lê Tùng Sơn, Thành không giết Ngữ mà chỉ do Vũ Văn Giảng (Vũ Hồng Khanh) xúi đứng ra nhận tội để bảo vệ cơ sở. (20)

20. DPSG, “Déclarations de Nguyen The Nghiep dit Truong Nguyen Minh receuillies par la DSG;” CAOM [Aix], Gougal, 7F 12; Lê Tùng Sơn, Nhật ký một chặng đường (Hà Nội: Văn học, 1978), tr. 25-7).

Ai là thủ phạm đi nữa, Nguyễn Thế Nghiệp, Đào Chu Khải, Dương Tự Thành, Vũ Văn Giảng cùng ba người khác bị nhà chức trách Vân Nam tống giam để điều tra. Cuối cùng, Dương Tự Thành bị tử hình, những người khác tù từ 37 tháng (Nghiệp và Khải) tới 13 tháng (Giảng, Hiếu, Đức và Hoa). Tuy nhiên, tháng 4/1933, Nghiệp đã được phóng thích. (21)

21. DPSG, “Déclarations de Nguyen The Nghiep dit Truong Nguyen Minh receuillies par la DSG;” CAOM [Aix], Gougal, 7F 12.
Sau vụ ám sát trên, từ tháng 10/1931, Giáo Tuân tách ra, lập nên nhóm Thiết Huyết. Năm 1932, Vũ Tiến Lữ (Vũ Bằng Rực) họp với nhóm Thiết Huyết tái tổ chức chi bộ Côn Minh. Lê Tùng Anh (sau này đổi thành Lê Tùng Sơn) làm Chi bộ trưởng; Vũ Tiến Lữ giữ Ngoại vụ, Trần Quốc Kính (Đông A), Nội vụ. Lê Tùng Anh, Bùi Đức Minh và Nguyễn Văn Đồi (Vương Thừa Vũ) sau đó được nhận vào trường lục quân Vân Nam. Khi Vũ Văn Giảng (Vũ Hồng Khanh) được tự do, Giảng cùng Kính bị trục xuất khỏi Vân Nam, tới Quí Châu tạm trú. (22)
22. Sơn, 1978:37, 43-4

Trong khi đó, tại Nam Kinh, thủ đô chế độ Quốc Dân Đảng Trung Hoa, từ năm 1932 nhóm Lệnh Trạch Dân, Hoàng Nam Hùng, Nghiêm Xuân Chí (Nghiêm Kế Tổ), Ngô Đình Ninh, Hoàng Văn Nội, Vy Đăng Tường (Vi Chính Nam), Hoàng Quả Định và Hoàng Quốc Thọ thành lập một chi nhánh VNQDĐ hải ngoại khác. Ngày 15/8/1933, hai chi nhánh Vân Nam và Nam Kinh hợp nhất. Vy Đăng Tường được bầu làm Chủ tịch, Đào Chu Khải làm phó, và Nghiêm Xuân Chí, Thủ quĩ. Các Ủy viên trung ương gồm có Vũ Tiến Lữ (Bằng Rực), Trần Ngọc Tuấn, Vũ Văn Giảng và Vũ Bá Biên. Dẫu vậy, hoạt động không có gì đáng kể. Mọi nỗ lực của QDĐTH thời gian này đều dồn vào việc kháng Nhật và “thanh Cộng.”
Ít lâu sau, Đào Chu Khải bí mật đầu thú Pháp tại Thượng Hải. Lệnh Trạch Dân chết ở Nam Kinh, và Vy Đăng Tường qua đời ở gần Trùng Khánh. Ngày 22/6/1935, đến lượt Nguyễn Thế Nghiệp móc nối với tòa Tổng lãnh sự Pháp ở Thượng Hải, xin đầu thú. Ngày 1/7, Nghiệp được một nhân viên người Hoa của Lãnh sự Pháp tiếp xúc, và rồi được bí mật đưa về Việt Nam. Ngày 29/9/1936, Nghiệp được chính thức ân xá. (23)

23. Báo cáo ngày 8/10/1937; CAOM (Aix), INF, Carton 370, d. 2967.

Ngày 4/10/1936, đến lượt Vũ Văn Giảng (Vũ Hồng Khanh) bị chính quyền Vân Nam bắt giữ, rồi trục xuất qua Quảng Đông ngày 29/10 cùng năm. Gần một năm sau, ngày 28/6/1937, Giảng mới được phép trở lại Côn Minh. Từ ngày này, nhóm VNQDĐ cũ ở Vân Nam—được tăng cường thêm một số khuôn mặt mới như Chu Bá Phượng, Lê Khang (Ninh), Vũ Quang Phẩm—do Giảng lãnh đạo. Trụ sở chính đặt tại Côn Minh.
Trong khi đó, từ năm 1935, Trần Quốc Kính được Hà Huy Tập (Năm Nhỏ), Thư ký Ban Chỉ Huy Ở Ngoài của Đảng CSĐD, gửi về Vân Nam hoạt động cùng Vũ Anh. Giáo Kính cải biến toàn nhóm Thiết Huyết cũ thành chi bộ Cộng Sản đầu tiên ở Côn Minh, và được cử làm Bí thư. Tuy nhiên, họ vẫn hoạt động dưới danh nghĩa VNQDĐ.
Từ năm 1937, nhóm Giáo Kính và Lê Tùng Sơn lập ra Việt Nam Dân Chúng Hưởng Ứng Trung Quốc Kháng Nhật Hội, tức Hội Chống Nhật, ở Vân Nam, được chính phủ địa phương công nhận và ủng hộ. (24)

24. Sơn, 1978:42-4.

B. PHONG TRÀO PHụC HƯNG VNQDĐ TRONG NƯớC (1936-1940):
Tại nội địa Việt Nam, ba cuộc phóng thích chính trị phạm trong năm 1936 khiến VNQDĐ có dịp hồi sinh. Một số lãnh tụ cũ tái lập lại các cơ sở. (25) Năm 1937, VNQDĐ xuất bản tờ Le Message, nhưng chỉ ra được 3 số. (26) Năm 1939, Nguyễn Đình Đa, Nguyễn Văn Chấn, và Nguyễn Ngọc Sơn cũng xuất bản báo Zân. (chúng tôi chưa được tham khảo số báo này).

25. DGAP, “Notes mensuelles … décembre 1936;” CAOM [Aix], SLOTFOM, III, Carton 59).
26. Số 1, ngày 2/10/1937; số 2, ngày 9/10; và số 3, ngày 16/10; CAOM [Aix], INF, Carton 370, d. 2967).

Tưởng nên ghi nhận là sau một thời gian lao tù tại Côn Đảo, một số cán bộ lãnh đạo VNQDĐ đã thay đổi lập trường. Trong số những người ngả theo Cộng Sản có Phạm Tuấn Tài, Nam Kiều Trần Huy Liệu, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình), v.. v… Theo Trần Huy Liệu, trước khi chết vì lao phổi tại nhà thương René Robin (Hà Nội), Phạm Tuấn Tài đã trao cho Liệu một “tuyên cáo chính trị,” nói về lịch sử VNQDĐ, và khuyên mọi người theo Đảng CSĐD. (27) Bản tuyên cáo chính trị này, dù đáng tin hay chăng, thêm một lần phân chia nội bộ Đảng thành hai phe Quốc-Cộng.
27. Notes, Déc 1936; SLOTFOM, Séries III, carton 59.

Giống như bất cứ kẻ tân tòng (hay mạo nhận) nào, Trần Huy Liệu ra mặt hoạt động tích cực cho Đảng CSĐD, dưới chiêu bài Mặt Trận Dân Chủ. Phần nhóm Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống, Đào Chu Khải, v.. v… cố gắng tổ chức cơ sở và cán bộ mới trong giới báo chí và công chức, nhưng mức thành đạt rất khiêm nhượng.

III. GIAI ĐOạN 1940-1945:

Thế chiến thứ hai (1939-1945) và đặc biệt là việc Nhật chiếm đóng Đông Dương (1940-1945) mở ra một cơ hội hãn hữu cho các đảng phái Việt Nam gia tăng hoạt động. Là một đảng cách mạng chủ trương lật đổ Pháp giành độc lập, VNQDĐ kiên cường theo đuổi mục tiêu tối hậu của mình.

A. NộI ĐịA:
Ngoài các nhân vật quen thuộc như Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Đào Chu Khải, Nhượng Tống v.. v.. xuất hiện vài khuôn mặt mới trong nội địa. Đáng kể nhất là Ngô Thúc Địch (1900-?) và Phan Châm Nguyễn Tiến Hỷ.
Ngô Thúc Địch sinh năm 1900 tại Hoài Đức, Hà Đông. Năm 1915 đậu Cử Nhân (thi Hương). Hai người anh cùng đỗ khoá này. Vì còn quá trẻ, Ngô Thúc Địch không được vào học trường Sĩ hoạn. Từ năm 1918, Địch bắt đầu học tiếng Pháp, rồi vào trường Cao Đẳng Pháp Chính từ 1920 tới 1924, tốt nghiệp hạng nhì, cùng với Nguyễn Đệ. Từ 1924 tới 1927, làm Tham tá tại Thanh Hoá. Sau đó, tham gia VNQDĐ, và đổi đi làm Lục sự Tuyên Quang (1927). Tháng 4/1929, bị bắt, kết án 2 năm tù treo, 5 năm biệt xứ vì hoạt động cho VNQDĐ. Năm 1930, bắt đầu vào làng báo; chủ bút Phụ Nữ Thời Đàm, và cộng tác với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu trong An Nam Tạp Chí. Qua năm 1931, trở thành Giám đốc An Nam Tạp Chí. Sau một thời gian dạy tại trường Thăng Long, năm 1941, Ngô Thúc Địch tham gia ban biên tập Văn Hoá Tạp Chí. Từ năm 1944, hợp tác với Nhật.
Mùa Thu 1944, các cơ quan tình báo Nhật bắt đầu chuẩn bị lật đổ Pháp, và nối kết các đảng phái Việt thành một khối. Nhóm Nguyễn Thế Nghiệp, Nhượng Tống v.. v… bèn lập ra Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng để hợp tác với các đảng bạn là Đại Việt Quốc Xã (ĐVQX) của Nguyễn Xuân Tiếu, Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQDĐ) của Trương Tử Anh-Nguyễn Tiến Hỷ, Đại Việt Dân Chính của Nguyễn Tường Long v.. v… Ngày 22/2/1945, Đại Việt Quốc Gia Liên Minh (ĐVQGLM) bí mật thành hình ở Hà Nội, với sự tham dự của Nguyễn Xuân Tiếu (ĐVQX), Nguyễn Tường Long (ĐVDC), Trương Tử Anh (ĐVQDĐ), Bùi Như Uyên, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống (VNQDĐ), Nguyễn Đăng Đệ, Nguyễn Xuân Dương tức Lạc Long.
Sau chiến dịch Meigo (9-12/3/1945), VNQDĐ hải ngoại cũng gửi một số cán bộ như Lê Ninh (tức Lê Khang) về nước để liên lạc các cơ sở, cũng như thu thập tin tức tình báo cho Đồng Minh. Bởi thế, ĐVQGLM quyết định cử một phái đoàn đại diện qua Hoa Nam để móc nối. Người được chỉ định cầm đầu phái đoàn này là Phan Châm Nguyễn Tiến Hỷ, một bạn học của Trương Tử Anh, thuộc nhóm sáng lập viên ĐVQDĐ. Phan Châm có khuynh hướng thân Hoa, bài Pháp, và chống Cộng.

B. HảI NGOạI:
Tại Hoa Nam, các cơ sở VNQDĐ cũng có cơ hội hoạt động mạnh. Sau khi Thế Chiến thứ II bùng nổ, năm 1941, Lư Hán giao cho Vũ Hồng Khanh tổ chức một lực lượng võ trang trực thuộc cơ quan tình báo của Lư Hán, tức Biên Chinh Đội, gồm khoảng 70 người tại Mông Tự; với các “trại” ở Văn Sơn, Mã Quan, Hà Khẩu và Đông Hưng. (Sơn, 1978:55)
Tại Quảng Tây, cuộc tranh chấp sự yểm trợ của TH giữa VNQDĐ và phe CS cũng rất cam go. Nguyên từ năm 1940, để đáp ứng tình hình, chính quyền Quảng Đông đã giao cho một cựu Đại tá là Trương Bội Công (tên thực Nguyễn Văn Chiêu) thành lập Việt Nam Dân Tộc Giải Phóng Ủy Viên Hội [VNDTGPUVH] để qui tụ các Việt kiều. Hội này ra mắt tại Liễu Châu vào tháng 8/1940. Nòng cốt gồm Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần và 2 Hoa kiều khác là Dương Thanh Dân và Mai Công Nghị (28)

28. Hoàng Văn Hoan, “Một bước ngoặt lịch sử;” trong Nguyễn Lương Bằng, et al, Đầu Nguồn (Hà Nội: 1977), tr: 126, 130.

Do mưu kế của Linov Nguyễn Sinh Côn, Trương Bội Công mời một số đảng viên CS gia nhập. Lúc đó, có Dương Hoài Nam (Võ Giáp), Vũ Anh (Phạm Đông Hải) và Cao Hồng Lĩnh từ Quế Lâm tới Tĩnh Tây. Hai bên đồng ý triệu tập Đại hội, đổi thành Việt Nam Dân Tộc Giải Phóng Đồng Minh [VNDTGPĐM]. (29)
29. Hoan, 1977:126-28.

Ít lâu sau, HCM cho lệnh thuộc hạ bỏ rơi Trương Bội Công, đưa Hồ Học Lãm về Quí Lâm lập lại tổ chức Việt Minh (đã vào sổ bộ ở Nam Kinh từ năm 1936). Hồ Học Lãm làm Chủ nhiệm, Phạm Văn Đồng (Lâm Bá Kiệt) làm Phó chi nhánh hải ngoại Việt Minh này. Tại Côn Minh, do áp lực của nhóm Lê Tùng Sơn, khoảng tháng 4/1941, tổ chức VNDTGPUVH cũng cải danh thành VNDTGPĐM, tức Hội Giải Phóng (30)

30. Hoan, 1977:128-30; Idem., Giọt nước trong biển cả (Bắc Kinh: 1986), tr 149-50.

Từ đầu năm 1942, nhà chức trách Trung Hoa đã khám phá ra gốc gác Giáp và Đồng, và định bắt giữ hai người, nhưng Giáp và Đồng trốn thoát kịp thời. Hoàng Văn Hoan bị câu lưu một thời gian ngắn, rồi được phóng thích. Trương Bội Công cũng vì vụ này mà liên can, chịu cảnh tù đầy một thời gian. Tổ chức VNDTGPĐM (Hội Giải Phóng) bị mai một dần.
Tháng 6/1942, nhằm tái hợp nhất các đảng phái chính trị Việt kiều ở Liễu Châu, chính quyền Trung Hoa đưa nhóm Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh cùng 8 cán bộ VNQDĐ khác từ Côn Minh qua. Sau mấy ngày bàn thảo, ngày 10/8/1942, tất cả đồng ý thành lập một tổ chức mới, lấy tên Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội [VNCMĐMH]. Để phòng ngừa lầm lỗi của Hội Giải Phóng, họ loại bỏ Cộng Sản, và đặt tổ chức dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Trương Phát Khuê, Tư lệnh QK IV (Quảng Tây). Vì sự chống đối của Hoàng Lương, một trong những người cầm đầu nhóm cựu Phục Quốc, mãi tới ngày 1/10/1942 VNCMĐMH mới có thể tổ chức Đại Hội ra mắt tại Liễu Châu (31)

31. Theo Trần Trọng Kim, Khuê trao cho Lương trù liệu việc này; Một Cơn Gió Bụi (Sài Gòn: 1969), tr 69-70.

VNQDĐ Hải ngoại chiếm đa số trong Ban Chấp Hành Trung ương (Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trần Báo, Trương Trung Phụng), các Ban (Tổ chức: Vũ Hồng Khanh; Liên lạc (Public Relations): Nghiêm Kế Tổ; Huấn luyện: Trần Báo), và ngay cả Ban Thường vụ.
Mỗi tháng, Trương Phát Khuê trợ cấp 100,000 quan kim. Trung tướng Liang Hua-sheng [Lương Hoa Thịnh], Giám đốc Chính Trị QK IV, được cử làm Giám đốc Đồng Minh Hội. Ngay sau khi thành lập, Việt Cách lo việc tuyển mộ nhân viên, xuất bản báo chí, tài liệu tuyên truyền, và thiết lập trụ sở tại Đông Hưng (Nghiêm Kế Tổ), Tĩnh Tây (Trần Báo), Long Châu (Hồ Đức Thành?), và một phân bộ tại Côn Minh (Vũ Hồng Khanh). (32)
32. Báo cáo ngày 24/10/1942 của Phòng Chính Trị Đệ Tứ Lộ Quân; King C. Chen, Vietnam and China, 1938-1954 (Princeton: Princeton Univ Press, 1969), pp. 62-3n87, 63. Hầu hết những dữ kiện của Chen đã trở thành cổ điển.

Tuy nhiên, Việt Cách chỉ có bề ngoài mà thiếu thực lực. Các cán bộ lãnh đạo yếu kém. Trong khi đó, nạn bè phái vẫn sâu đậm, nhóm này chống nhóm kia, chỉ trích qua lại; nhiều người chỉ nói hão mà chẳng có hành động gì. Nguy hiểm hơn nữa, các đảng viên CS—dưới danh nghĩa Việt Minh, Hội Chống Nhật và Hội Giải Phóng (VNDTGPĐM)—liên tiếp phá hoại.
Khi Vũ Hồng Khanh trở lại Côn Minh vào tháng 1/1943 để thành lập một phân bộ Việt Cách tại đây, Lê Tùng Sơn—mới được tăng cường thêm nhóm Lê Thạch Sơn, Từ Chí Kiên, Phạm Toàn [hay Tuân, sau đổi tên thành Phạm Việt Tử], từ Liễu Châu qua vì bị loại khỏi tổ chức Việt Cách—chống đối kịch liệt. Thoạt tiên, họ cố thuyết phục Khanh phải cải tổ Việt Cách, cho phép Hội Giải Phóng gia nhập. Tảng lờ những đòi hỏi này, ngày 14/2/1943, Khanh triệu tập đại hội thành lập phân bộ Việt Cách Côn Minh. Lê Tùng Sơn và Dương Bảo Sơn bèn dẫn khoảng 30 người tới định phá hội, nhưng không thành công. Hai tuần sau, ngày 28/2, Dương Bảo Sơn dẫn 3 người vào văn phòng VNQDĐ, cãi nhau với Vũ Quang Phẩm về một bài “nhục mạ” trên báo Tiếng Gọi của VNQDĐ, rồi hành hung Phẩm. (33)

33. Chen, 1969: 63-4, 64n93; Sơn, 1978:93-5.

Những vụ tai tiếng kể trên khiến Vũ Hồng Khanh phần nào mất uy tín với tỉnh bộ QDĐTH tại Vân Nam. Thêm vào đó, chủ trương của Trùng Khánh bắt đầu thay đổi từ mùa Xuân 1943—sau khi Josef Stalin tuyên bố giải tán Quốc Tế Cộng Sản (15/5/1943), Trùng Khánh gián đoạn bang giao với chế độ Pétain ở Vichy (9/1943), và phe Đồng Minh ngày một thắng thế trên khắp các mặt trận. Mùa Hè 1943, Trương Phát Khuê chuẩn bị cải tổ Việt Cách để bao gồm đủ các màu sắc chính trị của Việt Nam, đặc biệt là Hội Giải Phóng của nhóm Lê Tùng Sơn ở Côn Minh, và Phân Hội Việt Nam Quốc Tế Chống Xâm Lược [QTCXL] trong nội địa mà HCM là lãnh tụ.
Phe VNQDĐ cực lực phản đối chính sách “Đại Đoàn Kết” này. Vũ Hồng Khanh chỉ gửi một đại diện là Trần Gia Nghĩa đến dự. Dẫu vậy, Tiêu Văn vẫn cho đại hội tiến hành từ 25 tới 28/3/1944. Các đại diện tranh luận gay gắt, đặc biệt giữa hai phe không CS và CS. Ngày 28/3, Đại Hội thông qua các quyết nghị và bầu xong Ban Chấp Hành mới, gồm có 7 ủy viên chính thức (Trương Bội Công, Trương Trung Phụng, Trần Báo, Bồ Xuân Luật, Nghiêm Kế Tổ, Lê Tùng Sơn và Trần Đình Xuyên; Hồ Chí Minh được bầu làm Ủy viên dự khuyết). Ban Giám Sát gồm 3 ủy viên Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, và Nông Kính Giu. Đáng lưu ý là cả Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam (đã trốn qua Quảng Tây từ mùa Xuân 1943 sau khi sai Hà Tôn Lý ám sát Trần Hy Thánh) không có tên trong ban Chấp Hành. Mặc dù VNQDĐ vẫn nhiều đại diện, nhưng chỉ có Khanh và Tổ là đáng kể. Trương Trung Phụng có thiện cảm với nhóm Hồ Chí Minh, và Trần Báo là một nhân vật tông tích bất minh. Với Lê Tùng Sơn nằm trong Ban Thường Vụ, Việt Cách trên thực tế bị phe CS thống trị.
Việc Tiêu Văn ép đưa HCM và Lê Tùng Sơn vào Ban Chấp Hành Việt Cách “thống nhất” hay “đoàn kết” gây công phẫn trong các phe nhóm không Cộng Sản. Tại Côn Minh, Vũ Hồng Khanh công khai chống hợp tác với Cộng Sản. Mặc dù ngày 19/6, Việt Minh và VNQDĐ cùng đứng ra tổ chức lễ truy điệu lần thứ 14 ngày tang Yên Báy—với sự tham dự của Dương Tử Giang, Lê Tùng Sơn, Vũ Văn Được và Cô Nhung của Phụ Nữ Cứu Quốc Đoàn (34) —Khanh khẳng định hoặc có Khanh, hoặc có Sơn.

34. CAOM (Aix), HCFI, CP 192

Để giải quyết khó khăn, ngày 23/6/1944, Tiêu Văn bay qua Côn Minh tái tổ chức phân bộ Việt Cách địa phương. Giống như trường hợp ở Liễu Châu, Ban Chấp Hành Côn Minh cũng bị Cộng Sản thống trị.
Sau Đại Hội Côn Minh, Lê Tùng Sơn lại theo Tiêu Văn trở qua Liễu Châu. Sơn trợ thủ Văn đắc lực đến độ ngày 4/8/1944, Tiêu Văn cho lệnh bắt giữ cả Nghiêm Kế Tổ và Vũ Văn Phẩm ở Đông Hưng để cảnh cáo phe VNQDĐ. Lý do nêu lên là các lãnh đạo VNQDĐ, qua Dương Tử Giang, đã bí mật liên hệ với một sĩ quan liên lạc Bri-tên là Whitehead tại Côn Minh, và đạt thoả thuận hợp tác (Mùa Hè 1944, Dương Tử Giang công bố tin này; Kế Tổ [Chí] nổi giận, khai trừ Giang. Giang bèn gia nhập Đảng CS, và nạp cho Tiêu Văn tài liệu về hiệp ước bí mật với Bri-tên).
Sau ngày đụng chạm với Tiêu Văn ở Quảng Tây, và ngay tại Côn Minh, Vũ Hồng Khanh nỗ lực củng cố các cơ sở tại Vân Nam. Lực lượng hải ngoại của VNQDĐ tại Vân Nam khá mạnh, đặc biệt là trong các cộng đồng Việt kiều ở rải rác theo các đường hỏa xa Hải Phòng-Vân Nam. Khoảng 100 cán bộ vũ trang của VNQDĐ phục vụ trong các đội Biên Chinh Đội của Lư Hán. Trụ sở VNQDĐ vẫn đặt tại khách sạn Việt Hồng, số 74 đường Kim In Lou. Ngày 1/1/1945, VNQDĐ tổ chức Đại hội các Việt kiều làm cách mạng chống Pháp ở Côn Minh. Trong số những đại biểu có Dương Tử Giang (Côn Minh), Hoàng Minh [Quốc?] Chính (Khai Viễn), và Trương Đình An (Mông Tự). Đại hội quyết định gọi Chính về Vân Nam trông coi vùng Mông Tự-Hà Khẩu. Cũng nhân dịp này phát hành đặc san Xuân Tiếng Gọi (CP 192).
Hoạt động của VNQDĐ khiến ngày 22/2/1945, Achille M. Clarac, Tham vấn toà đại sứ Pháp tại Trùng Khánh, than phiền với George Atcheson, Xử lý Đại sứ Mỹ, là sĩ quan Mỹ đang dính líu đến việc thành lập tại Vân Nam một lực lượng viễn chinh Trung Hoa để tiến vào Đông Dương.

C. LIÊN KếT VNQDĐ & ĐạI VIệT:
Mùa Hè 1945, sau khi Nhật đã lật đổ Pháp tại nội địa, nhóm Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam liên kết với một số cán bộ Đại Việt từ trong nước ra, do Y sĩ Nguyễn Tiến Hỷ (bí danh Phan Châm) cầm đầu, lập nên Đại Việt Quốc Dân Đảng [ĐVQDĐ] (Cùng qua Trùng Khánh với Hỷ có con gái của y sĩ Trần Văn Lai, người được Kim cử làm Đốc lý Hà Nội ít tháng sau). ĐVQDĐ tự xưng VNQDĐ ở Trung Hoa để xin viện trợ của chính phủ Trùng Khánh cùng Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Tại Việt Nam, thì tự xưng Đại Việt Quốc Dân Đảng hoặc Việt Quốc. Trong dịp này, các giới lãnh đạo QDĐTH đã mở cuộc tiếp tân khoản đãi Khanh, Tam, Thần và Hỷ. Nguyễn Hải Thần, theo một số tài liệu Việt, còn được bổ nhậm làm “cố vấn” cho Trùng Khánh về tình hình Việt Nam (Chúng tôi chưa tìm được một tài liệu nào về vấn đề này).
Cách nào đi nữa, giới lãnh đạo Trung Hoa chỉ muốn sử dụng lực lượng VNQDĐ để chuẩn bị cho việc Hoa quân nhập Việt, cùng thu lượm tin tức tình báo. Cơ sở quân sự quan trọng nhất của VNQDĐ là Hà Khẩu, đối diện tỉnh lỵ Lào Kay. Nhiều toán VNQDĐ cũng được chia cho các đơn vị tiền quân của Lư Hán đóng dài theo biên giới tỉnh Vân Nam và Bắc Bộ.

IV. LIÊN HIệP QUốC-CộNG:

Như đã lược nhắc, từ sau chiến dịch Meigo, các đảng phái không CS được quân phiệt Nhật và chính phủ Trần Trọng Kim hết sức giúp đỡ. Tuy nhiên, cuộc tranh chấp Quốc-Cộng ngày một sắt máu. Phe chống Cộng trong nước rơi dần vào thế yếu—họ đã yểm trợ con ngựa thua cuộc. Cuộc đầu hàng không điều kiện của Nhật đánh dấu một giai đoạn đẫm máu nhất của các cuộc đảng tranh. Sau khi cướp được chính quyền ngày 19/8/1945 tại Hà Nội, HCM cho lệnh thủ tiêu hàng ngàn cán bộ Đại Việt và VNQDĐ với hai tội danh “Việt gian” và “phản cách mạng.”
Chẳng hạn như ngày Thứ tư, 12/9/1945—đúng ngày lễ đầu hàng của Nhật ở Singapore, tiền quân của Lữ đoàn 80 Gurkha Bri-tên tới Sài Gòn chuẩn bị giải giới quân Nhật, và Cao Ủy Pháp, Linh mục/Đô Đốc Georges Thierry d’Argenlieu rời Kandy lên Chanderganor—báo Cứu Quốc, cơ quan ngôn luận của Việt Minh, loan tin “ba tên phản quốc nữa đã bị bắt.” Trong số này có Phạm Ngọc Hàm, “mật thám cho Pháp mới từ Cao Bằng về liên lạc” và Đào Chu Khải, làm “xếp tanh” trên đường Lào Kai-Vân Nam, VNQDĐ ở Vân Nam; sau 9/3/1945, làm “tay sai cho Nhật” (CQ, 12/9/45). Những thủ thuật quen thuộc như “mò tôm” (buộc đá ném xuống sông), hay cắt cổ, mổ bụng, khoét mắt, cắt lưỡi, với những bản án “Việt gian” đính ghim trước ngực được khuyến khích và bảo vệ bằng thứ lý luận “bạo lực cách mạng cần thiết.” Những tay đao thủ phủ nổi danh là Lê Duẩn, Võ Chí Công, Trần Văn Trà [Thắng, Nguyễn Chấn], Hạ Bá Cang, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trấn, Dương Bạch Mai, Phan Đình Đổng [Mai Chí Thọ], v.. v… Lê Duẩn từng đích thân chỉ huy cuộc thảm sát gia đình Kỹ sư Bùi Quang Chiêu—trên danh nghĩa vì tội “Việt Gian,” nhưng nguyên cớ sâu xa là việc Chiêu, năm 1911, đã xúi dại cậu “Nguyễn Tất Thành” [bí danh đầu tiên của Linov Côn] xin nhập học Trường Thuộc Địa trên chuyến tàu rời bến Sài Gòn. Võ Chí Công, Trần Văn Trà và Lê Văn Hiến, trách nhiệm cuộc thảm sát Tạ Thu Thâu, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, v.. v… Đó là chưa kể hàng chục ngàn người bị bắt giữ vì những tội danh tưởng tượng, hoặc chỉ có một tội là yêu nước, nhưng không chấp nhận chủ thuyết “Cộng Sản”—bị đơn giản hoá tối đa để lôi kéo giai tầng nông dân, lao động ít học vấn, tham lam.
Tháng 9/1945, khoảng 200 cán bộ VNQDĐ theo Đệ nhất phương diện quân của Lư Hán vào Bắc Việt theo ngả Khai Viễn vào Lào Kay, và Văn Sơn vào Hà Giang. VNQDĐ liên tục chiếm cứ Lào Kai, Cốc Lếu, Yên Báy, Phú Thọ, Việt Trì, Bạch Hạc, Vĩnh Yên và Vĩnh Phú. Dẫu vậy, ngày 6/11/1945, Vũ Hồng Khanh mới về tới Hà Nội. Vũ Hồng Khanh cùng Nguyễn Tường Tam v.. v.. lập trụ sở ở đường Quan Thánh. Khanh và Tam còn liên kết với Nguyễn Hải Thần và các nhóm Đại Việt—đặc biệt là Trương Tử Anh và Phan Châm—trong một liên minh chống Cộng. Hai tờ Việt Nam Thời Báo của VNQDĐ và Đồng Minh của Việt Cách không ngừng chỉ trích Hồ và Việt Minh. Nhiều cơ sở bí mật cũng được xây dựng để đánh nhau với Việt Minh nếu cần.
Tuy nhiên, dưới áp lực của Pháp và Trung Hoa, đặc biệt là Tiêu Văn, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hải Thần phải chấp nhận tham gia một chính phủ liên hiệp với HCM. Sau nhiều nỗ lực thất bại, ngày 24/12/1945 HCM, Thần và Khanh đạt được thoả hiệp căn bản. Ngày 26/12/1945, báo chí Hà Nội đăng thông cáo “Đoàn Kết” của Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh.
Nguyên văn:
Ngày 24-12-1945, chúng tôi là Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh thay mặt cho Việt Minh, Quốc Dân Đảng và Cách Mệnh Đồng Minh Hội, cùng ký tên công nhận những điều ước sau đây:
1. Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết. Căn cứ vào thái độ thân ái, tinh thành cùng nhau thảo luận để giải quyết hết thẩy những vấn đề khó khăn trước mắt. Ai dùng ngang vũ lực gây nên những cuộc nội loạn sẽ bị quốc dân ruồng bỏ.
2. Kể từ ngày 25-12-1945, đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc tổng tuyển cử, quốc hội và kháng chiến.
3. Bắt đầu từ ngày 25-12-1945, đôi bên đều đình chỉ hết thẩy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động.
Ký tên: Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh (Cứu Quốc (Hà Nội), 26/12/1945).

Nguyễn Sinh Côn [HCM] cũng chính thức tuyên bố là từ ngày 1/1/1946, chính phủ lâm thời sẽ mở rộng, gồm 10 bộ. Quốc Dân Đảng sẽ nắm hai bộ Kinh tế Quốc Gia và Vệ Sinh. Đương kim Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà đã nhận lời làm Thứ trưởng. (CQ, 28/12/1945). Ngoài ra, số nghị sĩ trong Quốc Hội, bầu vào ngày 6/1/1946 sắp tới sẽ dành 70 ghế cho phe Quốc Dân Đảng và Việt Cách.
Tuy nhiên, những cuộc chạm súng lẻ tẻ giữa Việt Minh và các phe không Cộng Sản liên tục xảy ra. Đẫm máu nhất là cuộc tàn sát căn cứ của Đại Việt Duy Dân tại Nga My, khiến lãnh tụ Lý Đông A (Nguyễn Hữu Thanh) bị thiệt mạng trong tháng 1/1946. Dẫu vậy, ngày 6/1/1946, cuộc “bầu cử” Quốc Hội vẫn được tiến hành.
Từ trung tuần tháng 2/1946, sau khi Trùng Khánh và Paris đã đạt được những thỏa thuận căn bản cho phép quân Pháp thay quân Trung Hoa ở phía Bắc vĩ tuyến 16, quan tướng Tưởng ra sức áp lực các phe phái chống Cộng phải liên hiệp với Hồ Chí Minh. Nguyễn Hải Thần đồng ý làm Phó Chủ tịch, nhưng vắng mặt trong ngày ra mắt tân chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến 2/3/1946, rồi rút lên ẩn náu ở vùng Móng Cáy-Lạng Sơn. Vũ Hồng Khanh, dù không có chân trong cả hai chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến ngày 1/1/1946 và 2/3/1946, được bầu làm lãnh tụ của các đảng phái không Cộng Sản và giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Kháng Chiến, dưới quyền Võ Giáp.
5 giờ chiều ngày 6/3/1946, do sự dàn xếp của Trung Hoa và Pháp, Nguyễn Sinh Côn cùng Vũ Hồng Khanh ký Hiệp ước sơ bộ với Jean Sainteny, chấp nhận cho Pháp thay thế Trung Hoa ở phía Bắc vĩ tuyến 16 (SHAT, 10H xxx). Cũng dưới áp lực của quan Tướng TH, ngày 12/3, Nguyễn Tường Tam, phải tham gia chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến như một đại biểu của VNQDĐ, với chức Bộ trưởng Ngoại Giao; trong khi Chu Bá Phượng nắm bộ Kinh Tế.
Cuộc hôn nhân miễn cưỡng này khiến VNQDĐ và những tổ chức không CS trở thành nạn nhân tội nghiệp của CSVN. Sau khi Nguyễn Sinh Côn lên đường qua Pháp tiếp tục thương thuyết vào cuối tháng 5/1946, tại nội địa, Võ Giáp cùng các đồng chí bắt đầu tiêu diệt dần các lực lượng chống đối—dưới chiêu bài thống nhất các đơn vị quân sự. Mùa Hè 1946, Vũ Hồng Khanh và rồi Nguyễn Tường Tam v.. v.. đành theo quân Trung Hoa về nước. Nhờ sự tiếp tay của Bộ trưởng Nội Vụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc ấy đang kiêm chức Quyền Chủ tịch Nhà Nước, Giáp và thuộc hạ mặc sức tiêu diệt các đảng phái yêu nước không Cộng Sản. Hàng ngàn cán bộ VNQDĐ bị chôn sống, mò tôm, bắn giết hay bắt giữ. Vụ án sôi nổi nhất là vụ Ôn Như Hầu tại Hà Nội.
Những cuộc thanh trừng còn khốc liệt hơn nữa sau khi Việt Minh đột ngột tấn công các trại binh Pháp tối ngày 19/12/1946, mở rộng cuộc chiến tranh kháng Pháp trên toàn quốc.

V. VNQDĐ SAU BIếN Cố 19/12/1946:


A. Việt Nam Quốc Dân Đảng Hải Ngoại:

Tại Hoa Nam, từ mùa Hè 1946, nhóm Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ v.. v… đã phối hợp cùng Nguyễn Hải Thần, Trần Trọng Kim để lập chính phủ lưu vong với Bảo Đại làm minh chủ.
Nhóm Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh còn lập nên Việt Nam Quốc Dân Đảng Hải Ngoại tại Nam Kinh. Số đảng viên gồm khoảng 1,300 người mà hai phần ba là cựu binh sĩ của Vũ Hồng Khanh, đã bị tan rã vào tháng 11/1946, khi quân Pháp bắt đầu hành quân vào vùng Lạng Sơn. Trong số những khuôn mặt nổi có Nguyễn Tường Bách, tức Bảo Tường.
Dù đã lưu vong, VNQDĐ Hải ngoại vẫn không sửa đổi được đặc tính chia rẽ và đố kỵ lẫn nhau. Thực lực chẳng có gì.
Mùa Xuân 1947, qua môi giới của Lưu Đức Trung (tức Bá Đạt, từng cư ngụ ở Đà Nẵng, bị tù vì thụt két), Nguyễn Tường Tam cùng Nguyễn Hải Thần tiếp xúc Bảo Đại với hy vọng thành lập một Đồng minh chống Cộng. Tuy nhiên, cuối cùng các viên chức tình báo Pháp loại bỏ họ khỏi vòng ảnh hưởng của Bảo Đại. Nguyễn Tường Tam phải tuyên bố rằng VNQDĐ và Việt Cách của Nguyễn Hải Thần tiếp tục liên kết chặt chẽ để giành độc lập cho tổ quốc. VNQDĐ tiếp tục chiến đấu, chống cả Việt Minh và Pháp, vì những lời Pháp hứa hẹn cho Việt Nam độc lập chỉ là những lời hứa hão huyền.
Trước tình hình suy thoái của chế độ Tưởng Giới Thạch, nhóm Nguyễn Tường Tam tìm cách thuyết phục người Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Ngày 4/1/1948, Tống Tử Văn giao cho nhóm Đỗ Đình Đạo tổ chức VNQDĐ. (35) Tháng 5/1948, VNQDĐ ra mắt ở Nam Kinh, nhưng không có chút ảnh hưởng nào với những diễn biến chính trị ở Việt Nam. Tháng 11/1948, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Bách tới Thượng Hải xin tiếp kiến William C. Bullitt, cựu Đại sứ Mỹ tại Pháp—người ủng hộ việc thiết lập một chế độ quốc gia chống Cộng tại Việt Nam, qua bài “The Saddest War”—lúc ấy đang chu du Á châu. Bullitt kêu gọi Paris nên bắt chước kinh nghiệm của Mỹ với Philippines (1913) tại Đông Dương, từ bỏ chính sách thuộc địa, chân thành hợp tác với những phần tử quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ “độc lập trong Liên Hiệp Pháp;” đoạn tuyệt với Hồ Chí Minh vì “không thể trao một nước Việt Nam [độc lập] cho những cán bộ của Liên Sô;” cho phép những người Việt quốc gia chuẩn bị việc thực hiện các cơ sở chính trị và quân sự để cai trị đất nước; giao cho phe người Việt quốc gia trách nhiệm việc lôi kéo những phần tử không Cộng Sản khỏi hàng ngũ Việt Minh. Mặc dù trong toàn bài, Bullitt không nhắc gì đến Bảo Đại; nhưng lúc đó Pháp mới ký tạm ước Hạ Long với Bảo Đại, nên có thể coi như bài viết này ủng hộ Bảo Đại. (36)

35. CAOM (Aix), Gougal, 7F 29.
36. Life (Chicago), 29/12/1947, tr 64-69; FRUS, 1947, VI: The Far East, (1972), p. 110.

Ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông chính thức ra mắt chế độ Cộng Sản ở Bắc Kinh. Ba ngày sau, Lưu Đức Trung cùng Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh lập nên Việt Nam Quốc Dân Cách Mệnh Liên Minh. Tổ chức này qui tụ 210 thành viên mà 117 người gốc Hoa. Ban Chấp hành Trung ương gồm Lưu Đức Trung, Chủ tịch; Nguyễn Hải Thần, Chủ tịch danh dự; Vũ Hồng Khanh, Quân vụ. Bản doanh đặt tại Quảng Châu; và có hai [2] chi nhánh ở Côn Minh (Vân Nam) và Nam Ninh.
Sau khi CS chiếm Quảng Châu, Lưu Đức Trung—cựu “cố vấn” của Quốc trưởng Bảo Đại—đặt bản doanh ở Hoi Hao, trên đảo Hải Nam. Trong khi đó, các lãnh tụ VNQDĐ hải ngoại lục tục kéo nhau hồi hương.

B. Quốc Dân Đảng Việt Nam:
Tại nội địa, sau khi quân Pháp làm chủ Hà Nội, các cán bộ VNQDĐ kéo về vùng Tề. Trong số những lãnh tụ có Nhượng Tống, Ngô Thúc Địch, Cung Đình Quỳ, v.. v.. Tháng 8/1947, Cung Đình Quỳ—mới hồi cư về Hà Nội ngày 17/5/1947—được cử làm Tổng Thư ký Phong Trào Quốc Gia Bình Dân, thành lập để đưa Bảo Đại về nước.
Cung Đình Quỳ (1909-?), xuất thân cán sự Canh Nông, lên tới chức Chủ sự Văn Phòng Thủy Lâm Phủ Toàn Quyền, rồi Tổng Nha Thanh Tra Thủy Lâm và Săn Bắn cho tới tháng 3/1945. Quỳ chỉ bắt đầu hoạt động chính trị sau ngày về hưu vào tháng 6/1945. Dẫu vậy, tháng 3/1946 đã được cử làm Dân biểu VNQDĐ; và ngồi ghế Phó Chủ tịch Quốc Hội.
Trần Văn Tuyên, bí danh Trần Vĩnh Phúc, một cựu quan lại, cũng đứng ra tổ chức Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn để tham gia phong trào đưa Bảo Đại về cầm quyền.
Cuối năm 1947, do sự khuyến khích của Nghiêm Xuân Thiện, một số cán bộ VNQDĐ tham gia tổ chức Việt Nam Quốc Gia Liên Hiệp (Rassemblement National Vietnamien, VNQGLH) do Lê Văn Hoạch, cựu Thủ tướng Cộng Hoà Nam Kỳ, đề xướng để yểm trợ Bảo Đại về nước cầm đầu một chính phủ chống Cộng. Sau khi Bảo Đại tới vịnh Hạ Long yết kiến Cao Ủy Emille Bollaert trong dịp cuối tuần 6-7/12/1947, Hoạch triệu tập một buổi họp tất cả những nhân sĩ và đại biểu đảng phái tại Đại học Hà Nội ngày 23/12/1947. Tại Hội nghị này, Nghiêm Xuân Thiện cùng bốn nhóm VNQDĐ, Việt Cách, Việt Nam Xã Nông Công Đại Chúng, và Việt Nam Phật Giáo Hội lập nên chi nhánh miền Bắc của VNQGLH. Phạm Văn Bính, Bí thư của Bảo Đại sau này, là Tổng Thư Ký miền Bắc.
Mặc dù Bảo Đại chưa muốn về nước, cựu hoàng gửi nhiều cán bộ trở lại nội địa để xúc tiến một phong trào mời cựu hoàng hồi hương. Trong khi những nhân vật như Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Hải Thần hay Nguyễn Tường Tam bị gạt bỏ khỏi vòng thân cận của Bảo Đại, các sứ giả của Bảo Đại như Phan Văn Giáo, Phan Huy [Quang] Đán, v.. v… nỗ lực hoạt động.
Nhiều cán bộ VNQDĐ Hải ngoại cũng tìm đường về nước. Đáng kể nhất có Nghiêm Kế Tổ và Đỗ Đình Đạo. Nghiêm Kế Tổ, tức Nghiêm Xuân Chí, là cựu Thứ trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp 1946. Cuối tháng 12/1946, Tổ bị bắt ở Hải Phòng với một thông hành Trung Hoa, và sau đó được phóng thích, qua Hoa Nam hoạt động. Đỗ Đình Đạo (1911-1954) là một điền chủ giàu có, theo Ki-tô giáo. Vì cha bị CS giết nên chống Cộng kịch liệt. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, cầm đầu lực lượng thanh niên ở Vĩnh Yên. Trong giai đoạn 8/1945-3/1946, lãnh tụ VNQDĐ ở Vĩnh Yên, rồi theo Trần Trọng Kim qua Trung Hoa. Sau đó, gia nhập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt Toàn Quốc, ủng hộ thí nghiệm Bảo Đại. Ngày 4/1/1948, Đạo được Tống Tử Văn giao trách nhiệm tổ chức Quốc Dân Đảng Việt Nam tại Hoa Nam. Ngày 18/7/1948—sau khi Bảo Đại gặp Bollaert lần thứ hai tại vịnh Hạ Long, mở đường cho việc công nhận chính phủ lâm thời trung ương của Nguyễn Văn Xuân tại Hà Nội vào tháng 6/1948—Phan Huy [Quang] Đán và Nghiêm Văn Trí mời Đỗ Đình Đạo về Sài Gòn. Ít tuần sau, ngày 8/8, Đạo ra Hà Nội. (CAOM [Aix], 7F 29)
Tháng 9/1948, Cung Đình Quỳ đứng ra tổ chức một đảng bí mật với tên Quốc Dân Đảng Việt Nam. Tham gia tổ chức này có Phan Châm Nguyễn Tiến Hỷ, Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Xuân Hãn, Đỗ Đình Đạo, Nghiêm Kế Tổ, Phạm Nguyên Cảnh tự Khải Hoàn. Mục đích chính nhằm qui tụ các thành phần chống Cộng, chống Bảo Đại và chống Pháp. Nhiều cựu đảng viện VNQDĐ và Việt Cách tham gia tổ chức này. Nguyễn Tiến Hỷ, lúc đó đang tị nạn chính trị trong Tòa Lãnh Sự Trung Hoa, được cử giữ chức Tổng Thư Ký. Cung Đình Quỳ đặc trách về tài chính.
Trong khi đó, nhờ sự khuyến khích của Liên Bang Mỹ và trước hiểm họa Cộng Sản đang thôn tính lục địa Trung Hoa, Pháp đồng ý cho Bảo Đại hồi hương với điều kiện Việt Nam được thống nhất lãnh thổ. Tháng 4/1949, Bảo Đại về nước. Ngày 1/7/1949, Bảo Đại trở thành Quốc trưởng của Quốc Gia Việt Nam, cầm đầu một chính phủ bản xứ chống Cộng chịu trách nhiệm cai quản những vùng đất Pháp chiếm đóng, tức “vùng Tề.”
Để khủng bố các trí thức và các nhà tranh đấu, Đảng CSĐD phát động một chiến dịch thủ tiêu các lãnh tụ chống Cộng. Tại Hà Nội, Giám đốc báo Thời Sự là Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân (1904-1949)—người nghiêng về tiến hóa hơn cách mạng—bị Việt Minh ám sát ngày 8/9/1949. (37)

37. Nhượng Tống là một trong những sáng lập viên Nam Đồng Thư Xã, và rồi Việt Nam Quốc Dân Đảng. 1929: Bị kết án tù; đầy ra Côn đảo. 1936: Được ân xá. Tháng 2/1945, cùng nhóm Nguyễn Tường Long, Trương Tử Anh, Ngô Thúc Địch, Bùi Như Uyên, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Đăng Đệ, Nguyễn Xuân Dương tức Lạc Long, Nguyễn Xuân Tiếu thành lập Đại Việt Quốc Gia Liên Minh giúp Nhật cai trị miền Bắc. Theo Hoàng Văn Đào, Nhượng Tống, nguyên cố vấn chính trị của Tổng trấn Nghiêm Xuân Thiện, bị ám sát ngày 20/8/1949; Hoàng Văn Đào, 1971:466).

Tiếp đến Y sĩ Trương Đình Tri, chủ tịch Hội Đồng An Dân miền bắc chết vì lựu đạn ngày 10/10/1949 tại Hà Nội, và Nguyễn Văn Sâm bị ám sát cùng ngày trên xe buýt tại Chợ Lớn. Tại vùng nông thôn, nhất là Mặt Trận đường số 5, hàng ngàn người chống Cộng bị thảm sát như trong thời tiền sử. Kỷ niệm khó quên nhất thời niên thiếu của tôi là một vị bác họ ở Cẩm Giàng bị xử tử, khoét mắt, cắt lưỡi rồi ném ra ruộng. Cha tôi thì năm 1945 bị buộc đá ném xuống sông Kẻ Sặt, may mắn thoát chết, chạy lên Hà Nội, nhưng cũng bị bắt trở lại, an trí ở những vùng nước độc ma thiêng như Bắc Kạn, Lang Hít, Thái Nguyên, v.. v..

Nguyễn Bình (1910-1951)
Trong thập niên 1940, một nhân vật liên hệ với VNQDĐ—Tư lệnh chiến khu 4 Đông Triều—tạo nhiều huyền thoại. Nhiều hơn một cựu đảng viên QDĐ từng ở tù Côn Đảo cho rằng Trung tướng Nguyễn Bình hay Nguyễn Phương Thảo (1910-1951) thuần túy là người yêu nước, không phải Cộng Sản. Sinh năm 1910 tại Hải Phòng, Thảo học trường làng tới năm 16 tuổi thì đăng ký đi tàu, khi Hải Phòng, lúc Pháp. Năm 1927, làm thợ giặt ở Sài Gòn. Sau gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng, và lại đăng ký đi tàu d’Artagnan của hãng Messageries Maritimes, cũng với nghề giặt ủi. Năm 1929, Thảo bị kết án tù 5 năm, đày ra Côn Đảo, vì hoạt động cho VNQDĐ. Hết hạn, về hoạt động ở Bắc và Nam kỳ. Trong hai năm 1940-1941, tham dự vào những cuộc nổi dạy chống Pháp ở Bắc và Bắc Trung kỳ. Năm 1945 trở thành Tư lệnh Đệ tứ chiến khu, bao trùm vùng Móng Cáy, Cẩm Phả, Hòn Gai. Do sự tiếp tay của Vũ Trọng Khánh, Đốc lý Hải Phòng của chính phủ Trần Trọng Kim, quân đội dưới quyền Thảo bí mật làm chủ Hải Phòng từ ngày 23-24/8/1945. Tháng 8/1945, Thảo đánh nhau với quân TH ở vùng Quảng Yên và Hải Phòng. Theo yêu cầu của Lư Hán, HCM hạ ngục Thảo, rồi đưa vào Nam chỉ huy quân sự. Ngày 12/6/1946, sau khi chính phủ Cộng Hoà Nam Kỳ tự trị của Nguyễn Văn Thinh ra đời, dưới danh nghĩa Khu trưởng Khu 7 Vệ Quốc Đoàn Việt Nam, Thảo [bí danh Nguyễn Bình], cho lệnh tiêu diệt Thinh và đồng đảng bằng mọi giá (10H xxx). Bình cũng chứng tỏ biệt tài quân sự, khiến đối thủ chính là Raoul Salan phải nể phục, đánh giá Bình cao hơn Võ Nguyên Giáp. Năm 1949, Trung tướng Salan nhận định:
“Tôi đặt Bình cao hơn [Võ] Giáp một bậc. Tôi cũng hiểu rằng Giáp không yên tâm, và coi Bình như một kẻ thù mà ông ta bắt buộc phải giải quyết [Je place [Nguyen] Binh sur un plan supérieur à celui de Giap. Je sais d’ailleurs que celui-ci s’inquiète et voit en Binh un rival dont il s’efforcera par la suite de se débarasser].” (Raoul Salan, Mémoires, 1971, II:134).
Từ 1946 tới 1951, Nguyễn Bình gây cho Pháp nhiều cơn nhức đầu, qua những cuộc phục kích hay biệt kích tại Sài Gòn-Chợ Lớn. Tuy nhiên, Bình cũng tạo nên nhiều kẻ thù gốc miền nam như Lê Văn “Bảy” Viễn, thủ lãnh đảng trộm cướp Bình Xuyên, nhiều lần vào khám ra tù, kể cả một lần bị đày ra Côn Đảo, nhưng trốn được về đất liền, hợp tác với Kempeitai (Hiến Binh Nhật), cùng Năm Lửa Trần Văn Soái qua Lào truy tầm biệt động Bri-tên và Pháp, đồng thời buôn lậu ma túy. Tháng 8/1945, Bảy Viễn ngả theo Việt Minh, phe Trần Văn Giàu, được giao chỉ huy Sài Gòn-Chợ Lớn. Tình báo Pháp cho rằng lực lượng Bình Xuyên đã tấn công Khu cư xá Herault Tân Định đêm 25 rạng 26 tháng 9/1945, tàn sát hàng chục Pháp kiều và bắt đi làm con tin hơn 50 người, rồi thủ tiêu ít lâu sau.Từ năm 1947, Bảy Viễn không ngừng chỉ trích “tên chột Bắc Kỳ” Nguyễn Bình, và có ý hàng Pháp. Gaston Phạm Ngọc Thuần, Phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến cũng không ưa Bình. Bởi vậy, tháng 7/1951 Quân Ủy Trung Ương cho lệnh Bình về Bắc. Hơn hai tháng sau, ngày 29/9/1951, Nguyễn Bình bị phục kích chết tại khu vực biên giới Nam Kỳ-Căm Bốt, và tử thương trong tay một đơn vị tuần tiễu Khmer. Sau khi đã giảo nghiệm dấu tay Bình, ngày 30/10/1951, Pháp còn thu được nhật ký của Thảo, từ ngày 26/7 tới 29/9/1951, cùng với nhật ký của Vũ Bắc Nhạc, người chỉ huy toán hộ tống Thảo. Qua hồi ký của Bình, Bộ Tổng Chỉ huy đã cho lệnh Bình nghiên cứu địa thế hầu thiết lập căn cứ bí mật cho Trung Ương Cục Miền Nam đề phòng trường hợp chiến tranh lan rộng. Mặc dù bị sốt rét và lực lượng hộ tống ngày một hao hụt ở khu vực không một dấu chân người, Bình quyết định không trở lại Đồng Tháp Mười để tránh tiếng tham quyền cố vị. Nhân viên tình báo Pháp kết luận rằng Bộ Tổng Tư lệnh Việt Minh đã trên thực tế lến án tử hình Nguyễn Bình [Ainsi le Haut Commandement Viet Minh avait pratiquement condamné Bình]. (38)

38. Raoul Salan, Mémoires, II:136; SHAT, 10H xxx. Chúng tôi chỉ được tham khảo bản dịch Pháp ngữ Nhật ký của Nguyễn Bình, từ ngày 26/7/1951 tới 29/9/1951. [Xem thêm chi tiết trong Tập III: Nhân Vật Chí].

13/8/1951: Bộ Tư lệnh Pháp loan tin đã phá hủy được tổng hành dinh của Nguyễn Phương Thảo [Bình] và Nguyễn Chấn [Trần Văn Trà] tại Chiến khu D. Tháng 4/1951, Thảo bị mất chức Ủy viên quân sự Nam bộ, gọi ra Bắc nhận lệnh. Lên đường ngày 26/7/1951 với 200 quân hộ vệ, ngày 28/7, Thảo bị bệnh phải nghỉ ở Bến Re. Thảo quyết định không trở lại Chiến khu D vì sợ bị mang tiếng là tham quyền cố vị. Ngày 10/8/1951, vượt biên qua đất Căm Bốt. Viết báo cáo cho “anh D” [có lẽ là Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ], đề nghị chọn Stung Treng và Kratié—nằm giữa hai đường chiến lược 13 và 14—làm căn cứ bí mật cho Trung ương Cục miền Nam trong trường hợp chiến tranh mở rộng, và bài bác việc chọn Liên Khu V như Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị. Bởi vậy, Thảo được lệnh điều nghiên thêm vùng đất chỉ có dấu chân thú vật và người thiểu số này. Hầu hết binh sĩ đều bị suy yếu, bệnh tật vì khí hậu độc địa, thực phẩm thiếu thốn. Ngày 29/9/1951, Thảo vô tình chạm súng với một tiểu đội tuần thám của Tiểu đoàn 4 Căm Bốt, và bị tử thương (10H xxx [643]).

Nhận xét này có vẻ cường điệu, nhưng không thể không nghĩ đến chiến dịch “Mao hóa” Đảng Lao Động Việt Nam cùng các đơn vị Quân Đội Nhân Dân trong thời gian này, để tổng phản công Pháp. Nhiều nhân vật lý lịch không trơn tru—như Khuất Duy Tiến, nguyên chỉ huy trưởng phòng dân quân, bị hạ tầng công tác xuống trung đoàn trưởng. Hay, Đặng Vũ Hiệp cũng bị hạ tầng công tác vì gia đình bị xếp thành phần địa chủ.

C. Giai đoạn 1950-1954:
Ngày 19/12/1949, khi đại quân của Lâm Bưu [Lian Biao] tiến xuống phía nam, Vũ Hồng Khanh trở lại Việt Nam, mang theo gần 10,000 lính TH. Ngày 6/1/1950, Thủ hiến Đặng Hữu Chí thuyết phục được Khanh về hàng. Nguyễn Tường Tam và các lãnh tụ khác cũng lục tục về nước, nhưng Nhất Linh không tích cực hoạt động nữa. Theo Tướng Carpentier, Tổng Tư lệnh Lực Lượng Viễn Đông Pháp, trong chuyến tham quan các đơn vị đầu năm 1950, Carpentier từng ghé thăm một trại gồm 2,500 binh sĩ của Vũ Hồng Khanh tại Lục Nam, gần Phả Lại [Sept Pagodes]. (39) Trong đoàn hồi hương này, không thiếu những người trai trẻ đã phải chạy qua Hoa Nam trong mùa Thu 1946 như Phạm Văn Liễu, cựu sinh viên sĩ quan trường Trần Quốc Tuấn của VNQDĐ. Trong khi đó một số người như Nguyễn Hải Thần quyết định ở lại đất Trung Hoa.

39. Chủ Nhật, 15/1/1950, Carpentier đi đường bộ đến thăm 2,500 quân của Vũ Hồng Khanh; SHAT [Vincennes[, 10H xxx [172]). Theo Carpentier, như thế ở vùng biên giới chỉ còn lo ngại về hai Quân đoàn 26 và 8 của Vân Nam, đang trú đóng giữa Vân Nam và biên giới. Dăm ba ngàn lính Vân Nam kéo xuống Lào Cai sẽ tạo nên nhiều vấn đề, từ tiếp tế tới chỗ ở.

Trong năm 1950, Vũ Hồng Khanh dự Hội nghị quân sự Pháp-Việt tại Đà Lạt, và tham gia Việt Nam Nhân Dân Phản Cộng Trận Tuyến, tức Việt Tuyến. Tháng 6/1950, Khanh vào Nam, tiếp xúc nhóm MTQGLH (Vũ Tam Anh), Việt Đoàn (Trần Văn Ân, Đặng Văn Ký, Phan Khắc Sửu, v.. v…) và Tinh Thần (Trần Văn Đỗ). Ngày 10/6/1950, khi được Thủ tướng Trần Văn Hữu tiếp kiến, Vũ Hồng Khanh tuyên bố sẽ cải tổ VNQDĐ. Tuy nhiên, Khanh gặp sức chống đối mãnh liệt từ nhóm Ngô Thúc Địch. Bởi thế, tại Đại hội thống nhất VNQDĐ ở Hà Nội, Khanh chỉ được 10 phiếu. Ngày 19/7/1950, Vũ Hồng Khanh qua Pháp gặp Bảo Đại. Về nước, cùng Nguyễn Phan Long và Trần Văn Ân lập lực lượng thứ ba, thân Mỹ.
Trong khi đó, ngày 19/4/1951, đối thủ của Vũ Hồng Khanh là Ngô Thúc Địch được bổ nhiệm vào Ủy ban Nghiên cứu việc thành lập Quốc Hội. Ngày 4/2/1952, Ngô Thúc Địch còn được mời dạy tại Đại Học Văn Khoa Hà Nội.
Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tiến Hỷ cũng không muốn hợp tác. Nhất Linh chỉ chống lại một cách âm thầm, qua chủ thuyết. Nhưng phe Nguyễn Tiến Hỷ công khai và mạnh bạo hơn. Trong số những cộng sự viên đắc lực của Nguyễn Tiến Hỷ có Cung Đình Quỳ. Ngày 3/3/1951, Thủ tướng Trần Văn Hữu tiếp kiến và mời Quỳ làm Thủ Hiến Bắc Việt, nhưng Quỳ từ chối vì Hữu không chịu bổ nhiệm Đỗ Đình Đạo làm Giám đốc Cảnh Sát Bắc Việt. Khi Hữu cải tổ chính phủ, Quỳ vận động chức Bộ trưởng Canh Nông, nhưng không thành công.
Đầu năm 1952, các phe nhóm VNQDĐ đồng ý hợp nhất. Sau đó, ngày 17/2/1952, tham dự Đại Hội Liên Minh VNQDĐ và Đại Việt. Giữa năm 1952, VNQDĐ thuận hợp tác với chính phủ Nguyễn Văn Tâm. Ngô Thúc Địch trở thành Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Cựu Chiến Binh, trong khi Vũ Hồng Khanh chỉ được chức Bộ trưởng Thanh Niên và Thể Thao (SHAT [Vincennes[, 10H xxx), và Cung Đình Quì, Bộ trưởng Canh Nông (SHAT [Vincennes[,10H xxx] Đỗ Đình Đạo, một lãnh tụ thanh niên, làm Giám đốc chương trình quân chính lưu động [GAMO, tức Groupes Administratifs Mobiles Opérationnels] tại Bắc Việt. Nghiêm Kế Tổ được cử làm đại diện Bắc Việt trong Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời.
Trong giai đoạn 1950-1954, phe VNQDĐ miền Trung khá đông, nhưng không có hoạt động công khai đáng kể. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lễ cầm đầu VNQDĐ từ ngày 31/10/1950. (40) Tại miền Nam, VNQDĐ hầu như không hiện hữu. Cựu chiến binh của Đệ Tam Sư Đoàn phân tán thành nhiều mảng. Nguyễn Hòa Hiệp gia nhập Mặt Trận Nam Kỳ của Nguyễn Tấn Cường. Một số đảng viên ngả theo Vũ Hồng Khanh, hoặc “một mình một ngựa.”
Trần Văn Tuyên thì tách khỏi VNQDĐ, ngả theo Cao Đài.

40. CAOM (Aix), HCFI, CP 208; SHAT [Vincennes],10H xxx]

Trong khi đó, từ cuối 1949 đầu 1950, thế cờ quốc tế Đông Dương ngày một biến động. Biến cố “mất Trung Hoa” năm 1949, và Liên Sô Nga thành công trong kế hoạch chế tạo bom nguyên tử khiến chính phủ Harry S. Truman (1945-1953) bị chỉ trích mãnh liệt. Một phong trào “Sợ Đỏ” [Red Scare] thứ hai chấn động toàn nước Mỹ. Tháng 6/1949, Ngoại trưởng Dean Acheson khẳng định mục đích lớn của chính sách ngoại giao Mỹ là nhắm phong tỏa Cộng Sản để giảm thiểu sự đe dọa cho nền an ninh Mỹ. Ngày 6/10/1949, 5 ngày sau khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập chế độ Trung Hoa Cộng Hòa Nhân Dân, Lưỡng viện QH Mỹ thông qua dự luật Viện Trợ Hỗ tương Phòng Vệ [Mutual Defense Assistance Program (MDAP); MDA Act; Public Law 81-329, section 406(b)]. Hạ Viện với số phiếu 224/109; Thượng viện biểu quyết bằng miệng. [Oct 6, 1949: Congress passed the Mutual Defense Assistance Program (MDAP) through which US arms, military equipment and training assistance might be provided world-wide for collective defense. In the first appropriations under MDAP, NATO received 76 percent of the total, and Greece and Turkey (not yet NATO members), 16%]. (41)

41. United States-Vietnam Relations, 1945-1967, (1971) Bk 1, I. A-53.

Ngày 30/12/1949, Truman ban hành nghị quyết của Hội đồng An Ninh Quốc Gia NSC 48/2 (30/12/1949), tức Vị thế Liên bang Mỹ với Á Châu (“Position of the United States with Respect to Asia”), Đây là tài liệu chính thức đầu tiên đặt nền móng cho chiến lược chống Cộng, với sự trợ giúp của Liên bang Mỹ. Lập lại lý thuyết căn bản của chính sách với Á Châu, và khẳng định sẽ can thiệp tích cực hơn, trong khuôn khổ Học thuyết Truman [the Truman Doctrine] và chiến lược Phong tỏa [“Containment” ], kể cả đặc tính đồng nhất thể của phe Cộng Sản, mối đe dọa của CS qua việc tấn công từ bên ngoài và nội loạn, và sự cần thiết tạo dựng một tuyến an toàn chung để phản công lại sự bành trướng của Cộng Sản [reiterated the philosophy underlying the Asian policy and decided to follow a course of more positive intervention; the Truman Doctrine and the “Containment” policy, including the monolithic characteristics of the Communist camp, the Communist threats through external aggression and internal subversion, and the necessity of establishing a collective security line as a counterweight against Communism]. Với Đông Dương, sử dụng tiếp tục cả quân lực viễn chinh Pháp và chế độ Bảo Đại. Mỹ sẽ viện trợ chính trị, quân sự và kinh tế cho các chính phủ Đông Dương để ngăn chặn làn sóng đỏ. Sẽ giúp Bảo Đại hay một lãnh tụ không Cộng sản vượt qua những trở ngại thu phục nhân tâm. (42)

42. FRUS, 1949, VII: The Far East and Australia (1975), pp. 2:1220).

Sau khi Hồ nhìn nhận TC ngày 15/1/1950, và tự nhận là chính phủ hợp pháp duy nhất—ba ngày sau BK thừa nhận VNDCCH, rồi Nga theo chân ngày 30/1/1950. Ngày 2/1/1950, Ngoại trưởng Acheson tuyên bố:

“Việc điện Krem-li công nhận phong trào Cộng Sản của Hồ Chí Minh xảy ra thật bất ngờ. Việc Liên Sô nhìn nhận phong trào này lấy đi tất cả những ảo tưởng về tính chất “quốc gia” của các mục tiêu của Hồ Chí Minh và khiến Hồ để lộ mặt thực như một kẻ tử thù của nền độc lập bản xứ của Đông Dương. Đại sứ rộng quyền Mỹ, [Philip C.] Jessup, đã chuyển đến Hoàng đế Bảo Đại những lời chúc tốt đẹp nhất về sự phong phú và ổn định của Việt Nam, cùng hy vọng sẽ thiết lập quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Liên Bang Mỹ.” [The recognition by the Kremlin of Ho Chi Minh’s Communist movement in Indochina comes as a surprise. The Soviet acknowledgement of this movement would remove any illusions as to the ‘nationalist’ nature of HCM’s aims and reveals Ho in his true colors as the mortal enemy of native independence in Indochina. Ambassador [Philip C.] Jessup has already expressed to Emperor Bao Dai our best wishes for prosperity and stability in Vietnam, and the hope that closer relationship will be established between Vietnam and the United States.]. (43)

43. Theo lịch Mỹ, Bắc Kinh thừa nhận VNCH ngày 17/1/1950, và Nga ngày 29/1/1950; Department of Defense, United States-Vietnam Relations, 1945-1967, (Washington: GPO, 1971), Bk 1, I. A-59; The Pentagon Papers (Gravel), I:41.
[24/1/1950: mới từ Pháp về, Bảo Đại ra Hà Nội gặp Philip C. Jessup. Ngày 29/1/1950, Jessup rời Hà Nội].

Như để đáp ứng việc Quốc Hội Pháp phê chuẩn Hiệp ước Elysées ngày 2/2/1950, ngày 3/2 Truman đồng ý thừa nhận Quốc Gia Việt Nam. Thực ra từ ngày 20/1/1950, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã bắt đầu cứu xét việc công nhận chính phủ Bảo Đại. Đây là phản ứng với bản tin của Tân Hoa Xã ngày 18 [17]/1/1950 về việc Hồ đã kêu gọi các nước trên thế giới ủng hộ và nhìn nhận VNDCCH như chính phủ hợp pháp duy nhất của Việt Nam. Ba ngày sau, 23/1/1950, Acheson tuyên bố quân viện Mỹ có lẽ là ẩn số của con toán đáng lẽ được giải đáp từ lâu [the US military assistance might be the missing component in a problem which might be otherwise unresolved]. (DOS Bulletin, 23/1/1950)
Ngày 4/2/1950, Tổng Lãnh Sự Sài Gòn—George M. Abbott, người đã từng gặp riêng Hồ ngày 11/9/1946 tại Paris để tìm hiểu ý muốn thực sự của Hồ và lý do chưa thể ký Tuyên cáo chung ngày 10/9, và ít nhiều giúp Thủ tướng Georges Bidault cùng Marius Moutet ký modus vivendi 14/9/1946 với Hồ một cách dễ dàng—được lệnh trao cho Bảo Đại một thông điệp chờ đợi bấy lâu: Đã nhận được thư Bảo Đại báo tin ký Hiệp định Elysées; cùng tin chính phủ Pháp thừa nhận Hiệp ước 8/3/1949 ngày 2/2/1950. Chúc mừng Bảo Đại và dân tộc VN. Chính phủ Mỹ hân hoan chào mừng CHVN [đúng ra State of Viet Nam, QGVN] gia nhập cộng đồng yêu chuộng hòa bình, và công nhận ngoại giao CHVN [to extend diplomatic recognition to the Govt of Republic of Vietnam]. Sẽ trao đổi sứ đoàn trong tương lai. (44)

44. United States-Vietnam Relations, 1945-1967, (1971) Bk 1, I. A-60. Xem thêm Memo of Sept 12, 1946, to the Ambassador; Ibid; Bk 1, I. C 103-4. [With respect to the draft treaty of Sept 10, 1946, Ho didn’t accept the Indochinese Federation, and the French refused to accept “democratic liberties” to be restored in Cochinchina. Ho also wanted to send a delegation to Cochinchina; but Ho still hoped to reach an agreement before his departure from France. Ho was vague in his request for US aid. Referred to the Cam Ranh Bay];

Tuy nhiên, ngay đến phụ tá của Acheson ở Bộ Ngoại Giao cũng không đồng ý. Ngày 17/2/1950, tân Vụ trưởng Viễn Đông Vụ, W. Walton Butterworth, cảnh cáo rằng quân viện khó là ẩn số của bài toán Á Châu [sent a blunt warning that military and economic assistance did not constitute the missing components in solving the problems posed by Asia—a dangerous dillusion]. (45)

45. United States-Vietnam Relations, 1945-1967, (1971) Bk 8, tr. 280.

Một nhóm chuyên viên Bộ Ngoại Giao đang phân vân về cách sử dụng ngân khoản viện trợ cho Trung Hoa mới được biểu quyết, sốt sắng đề nghị sử dụng một phần [Fund 303] ở Đông Dương. Theo họ, thật khó tránh là Mỹ, cùng với Pháp, sẽ dính líu vào Đông Dương…. Sự lựa chọn mà Mỹ phải đối diện là sẽ giúp Pháp hay đương đầu sự bành trướng của CS trên khắp vùng Đông Nam Á trên lục địa và có thể về hướng Tây…. Từ chối viện trợ cho Pháp đúng là trường hợp “Một xu khôn, một vạn khờ” (Penny wise, Pound foolish). Tuy nhiên, nhóm chuyên viên yêu cầu tuyệt đối không sử dụng quân nhân Mỹ. (46)

46. Foreign Relations of the United States [FRUS], 1950, VI: East Asia and the Pacific (1976), pp. 711-15.

Ngày 24/3/1950, Nha Thiết Kế và Hành Quân của Bộ Tổng Tham Mưu Mỹ [JAS] cũng đặt vấn đề với bản thảo Nghị Quyết Hội Đồng An Ninh Quốc Gia [NSC] 64—tức “Vị Thế Liên Bang Mỹ Đối Với Đông Dương” [Position of the United States with Respect to Indochina]—là Mỹ có quyền lợi quan trọng tại những khu vực lân cận Trung Hoa và yêu cầu quân viện trên cơ bản tạm thời từ quĩ 303. (47)

47. Ngày 24/4/1950 Truman phê chuẩn NSC 64, tức “Vị thế Liên Bang Mỹ với Đông Dương;” FRUS, 1950, VI: East Asia and the Pacific (1976), pp. 745-47. Dựa trên NSC 48, kế hoạch này khẳng định “tất cả các phương tiện thực tế phải được sử dụng để ngăn chặn sự bành trướng của CS tại Đông Nam Á.” Căn bản lý luận là một hình thái sơ khai của thuyết “domino”: Những quốc gia lân cận như Thái Lan và Burma có thể bị của CS thống trị nếu Đông Dương rơi vào tay một chính phủ mà Cộng Sản khống chế. Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng Tham Mưu Liên Quân, và Bộ Ngoại Giao đều đồng ý là trên phương diện chiến lược, Đông Dương là vùng chìa khoá của Đông Nam Á, và Mỹ cần gửi gấp viện trợ quân sự cũng như kinh tế; The Pentagon Papers (Gravel) I:363-66).

Trong khi đó, Bảo Đại vội vã bay từ Pháp về Việt Nam để gặp Đặc sứ rộng quyền Mỹ Philip C. Jessup ngày 24/1/1950 tại Hà Nội, rồi kinh lý một số tỉnh như Lạng Sơn và Lai Châu. Phùng Thế Tài cho lệnh phá hoại 15 trong số 42 trạm biến thế ở Hà Nội, và còn cho một con chó mặc áo có tên Bảo Đại. (48) Hơn nửa thế kỷ sau nhìn lại—không thể không tự hỏi Nguyễn Sinh Côn đã chịu bao phần trách nhiệm trong việc cắt phá xiềng xích cho bản chất thô tục, dã thú của thuộc hạ—những người sẽ có trách nhiệm lèo lái đất nước trong tương lai. Thực ra Bảo Đại ít nhất cũng tự trọng hơn Nguyễn Sinh Côn trên đường đuổi hươu hay cầu xin viện trợ và thừa nhận từ Paris qua London, rồi Mat-scơ-va và Bắc Kinh. Những lời cung văn Tổng thống Truman tới các viên chức ngoại giao Mỹ trong hai năm 1945-1946, rồi Mao Trạch Đông hay “ông Xít-Ta-Lin” từ năm 1948-1950 của Nguyễn Sinh Côn và guồng máy tuyên truyền cách mạng vô sản thật khó để bình luận.

48. Phùng Thế Tài, Bác Hồ những kỷ niệm không quên, 2002, tr. 153-154; Giap, CDTVV, 2001:344) [Xem 11/5/1950]

Ngày 7/2/1950, chính phủ Hoàng Gia Bri-tên cũng công nhận ngoại giao Quốc Gia Việt Nam. Tòa Tổng Lãnh Sự được nâng lên hang phái bộ. Nhưng dư luận báo chí và Quốc Hội Bri-tên không hoàn toàn tán thành. Một dân biểu đã tóm lược dư luận chống đối, nhưng chẳng thay đổi được điều gì—ngoại trừ điều kiện tiên thiên không gửi quân tác chiến vào Đông Dương, và ý muốn khuyến khích Pháp trả độc lập toàn vẹn cho Việt Nam càng sớm càng tốt. (49)

49. No.8: Note delivered by H.M. Ambassador at Paris to the Ministry of Foreign Affairs, 7 February, 1950; và No.11: Extract from the Proceediugs of the House of Commons, 14 April, 1950, tr 56, 57-67.
Mr. Younger : I do not quarrel with the remark of my hon. Friend the Member for Aston (Mr. Wyatt) that we should press the French to develop the present state of considerable independence into a state of full independence. We believe that the French fully recognise this, and as far as our recognition can be taken to endorse one form of policy against another — and I am not suggesting that it should, since it is a question of rccognition of fact — it is an endorsement of rccent French action in granting this very great advance in constitutional independence. We should like to see that process developed as rapidly as possible. No.11: Extract from the Proceediugs of the House of Commons, 14 April, 1950

Trong năm 1950, để tạo căn bản pháp luật hiến định cho việc viện trợ cho Đông Dương, Tổng thống Truman và Ngoại trưởng Dean Acheson gửi qua Đông Dương hai phái đoàn kinh tế và hỗn hợp ngoại giao-quân sự điều nghiên, và chấp thuận Nghị quyết HĐANAG NSC 68, tức “Vị thế Liên Bang Mỹ đối với Đông Dương,” trên bối cảnh cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953).

Phái đoàn R. Allen Griffin (6-16/3/1950)
Ngày 6/3/1950, Phái đoàn kinh tế Mỹ, do R. Allen Griffin cầm đầu, sang Việt Nam tới ngày 16/3/1950. Griffin là cựu Giám đốc phái bộ viện trợ kinh tế Mỹ tại TH. Ngày 18/3, Griffin yêu cầu chính phủ Mỹ viện trợ kinh tế cho Bảo Đại. Trong tường trình kết quả chuyến tham quan Đông Dương ngày 2/5, Griffin cho rằng Bảo Đại khó thể duy trì hiện trạng (status quo), và phải hoặc mau chóng thu gặt được thêm sự ủng hộ và bắt đầu chứng tỏ uy danh, hay sẽ bị mất dần người ủng hộ. Thời gian là yếu tố quan trọng. Bảo Đại cần được gia tăng thể diện. Nếu Bảo Đại bắt đầu trượt chân, thật khó để khôi phục ông ta. Chế độ Bảo Đại chỉ có thể tồn tại được nhờ sự yểm trợ rộng rãi của Pháp. Chín ngày sau, 11/5, XLTV Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố phái đoàn Griffin yêu cầu viện trợ cho các nước Đông Nam Á vào khoảng 60 triệu Mỹ kim. Số tiền này trích ra từ 75 triệu trong Quĩ Cứu Cấp của Tổng Thống dành cho Trung Hoa. (50)
50. FRUS, 1950, VI: East Asia and the Pacific (1976), pp. 796, 762-63.

Phái đoàn hỗn hợp Melby- Erskine:
Mùa Hè 1950, chính phủ Mỹ còn gửi một phái đoàn hỗn hợp Ngoại Giao và quân sự [Joint MDAP Survey Mission] sang Đông Dương, do John F. Melby và Đại Tướng TQLC Graves B. Erskine, cầm đầu. Nhiệm vụ chính của phái đoàn là nghiên cứu tại chỗ những nhu cầu của Pháp và Quốc Gia Việt Nam hầu có thể viện trợ hữu hiệu. Sau hơn ba tuần lễ, từ 15/7 tới 7/8/1950, ngày 24/8, Phái đoàn hỗn hợp đề nghị thành lập phái đoàn Cố Vấn Quân Viện Mỹ [(Military Assistance Advisory Group) MAAG] do một cấp tướng cầm đầu, dự trù tổng cộng 38 người. Về phía Bộ Binh, có 1 đại tá, 3 sĩ quan, 6 binh [enlisted men] và 4 dân sự. Erskine cử Đại tá Lee V. Harris tạm thời chỉ huy. Hai nhóm Không Quân và Hải Quân bổ nhiệm sau.

51. Report of 20 August 1950; CCS 092Asia, BP [Bulky Package], 1 JCS Records; Spector, Advice and Support, tr. 112-15); John F. Melby, “Vietnam: 1950;” Diplomatic History 6 (Winter 1982), p. 99-101. Báo cáo của Heath gửi Lacy ngày 2 Aug 1950 và 16/1/1951; Spector, Advice and Support, tr. 110n32, 113n41).

Theo Erskine, khi Erskine đưa ra ý kiến tăng cường quân đội QGVN, Carpenter cho rằng người Việt không thể trở thành những binh sĩ tốt. “They are absolutely unreliable, you can’t trust them, they’d never make a good soldier.” Erskine chua chát vặn hỏi: “General Carpentier, who in hell are you fighting but Vietnamese!” Spector, Advice and Support, tr. 131).
Ba tên khủng bố đặt bom chỗ tạm trú, nhưng phái đoàn Mỹ không có mặt. Erskine nghi rằng an ninh Pháp đã dàn dựng để ngăn cản phái đoàn Mỹ tìm hiểu về Việt Nam. (Spector, Advice and Support, tr. 109-11); Thứ Bảy, 30/9/1950, Carpentier xin Mỹ tăng thêm 18 tiểu đoàn VN. Đề nghị qua Melby, Tướng Erskine, và Heath, nhân dịp Melby và Erskine ghé Sài Gòn trước khi sang Paris.

Trong khi đó, ngày Thứ Bảy, 30/9/1950, Truman chính thức phê chuẩn NSC 68: Điểm quan trọng của NSC 68 là Mỹ quyết định chống Cộng ở Đông Dương (như đã qui định trong NSC 64, được phê chuẩn ngày 24/4/1950), và sự can thiệp của Mỹ tại Đông Dương là do sự đe dọa của hiểm họa Liên Sô. Bản thảo đầu tiên của NSC hoàn tất từ ngày 7/4/1950. (52)

52. FRUS, 1950, VI: East Asia and the Pacific (1976), pp. 235-92.

Ngày 4/10/1950, Tướng Francis G. Brink được cử làm Trưởng phái đoàn Cố vấn Quân Viện Mỹ tại Đông Dương (10H xxx ). Năm ngày sau, 9/10/1950, Brink tới Sài Gòn. Sinh năm 1893, Brink từng phục vụ ở Philippines 3 năm trước Thế Chiến II, rồi quan sát viên ở Singapore, Dutch East Indies và Burma. Rồi trưởng phòng Hành quân SEAC, T/TMT THDQ năm 1948-1949. (Brink chết vào tháng 6/1952 tại Washington, DC).
MAAG lúc này có 65 SQ và quân nhân, cùng 1 nữ thư ký của Tòa Đại sứ Mỹ [Legation]. Chia làm 5 ban: Cung cấp viện trợ, Vận tải, Kỹ thuật, Tiếp vận và Hành quân. Mỗi ban có khoảng 6 người. (Spector, Advice and Support, tr. 116)
Tuy nhiên, sự hiện diện của phái đoàn MAAG tạo nên sự bất bình, ganh tị và nghi ngờ của viên chức và quan tướng Pháp [French resentment, jealousy, and suspicion]. Chỗ cư trú và dịch vụ nghèo nàn. Bộ Chỉ Huy được trí trên một cao ốc năm tầng cũ kỹ trên đường Cây Mai, Chợ Lớn, gần Đại Thế Giới của Bình Xuyên. [Poor housing and services. Headquarters at an old, five-storied building on Cay Mai Street, Cho Lon, near Đại Thế Giới]. (Spector, Advice and Support, tr. 118-19) Sau khi de Lattre lên chức Tổng Tư lệnh Quân đội Pháp, kiêm Cao Ủy, thái độ Pháp mới thay đổi, vì Pháp nhận hiểu tầm quan trọng của viện trợ. Nhưng một thời gian sau, de Lattre cũng thay đổi. De Lattre từng than phiền với Heath là có quá nhiều Mỹ ở Đông Dương—700 người, theo de Lattre—dù thực tế số nhân viên ít hơn. (Spector, Advice and Support, tr. 120-21)
Theo báo cáo ngày 10/8/1951 của Georges Gautier, cho tới ngày 1/8/1951, tổng số nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ là 251 người, gồm 115 nhân viên ngoại giao và gia đình tại Sài Gòn, Hà Nội, Phnom Penh và Vientiane, 51 người thuộc phái bộ kinh tế và 85 quân sự. Ngoài ra, còn 166 Mỹ kiều hoạt động truyền giáo, 13 tư nhân thuộc hai hãng dầu hỏa, công ty xuất nhập cảng, 2 phi công dân sự CAT, và 3 phóng viên. (HCI, CP 208) Các mục sư thuộc Evangelique và Adventiste du 7è jour có những lời nói bất lợi cho Pháp, đặc biệt là trong giới sắc dân thiểu số. Họ đã mở một hệ thống trường học. Tháng 3/1951, tập họp khoảng 150 dân Thượng ở Đà Lạt. Tuy nhiên, trên đại thể, ảnh hưởng không đáng kể.
Các nhân viên phái bộ quân sự và kinh tế có những liên hệ và tiếp xúc với dân bản xứ. Tháng 6/1951, Giám mục Lê Hữu Từ đã chuyển cho Bullitt một thỉnh nguyện xin Mỹ giúp đỡ.
Nhân viên Mỹ cũng liên lạc với Đại Việt ở Hà Nội.
Phần cơ quan thông tin USIS tăng gia hoạt động: mở phòng triển lãm, phát hành bản tin nhiều thứ tiếng, chiếu phim “Một Năm Chiến Tranh Triều Tiên.” Ngày 1/3/1951, bắt đầu có chương trình Việt ngữ của đài VOA.
Gautier nhận định: “Người Mỹ đang phải chơi một trò khó khăn. Hình như ngày họ càng hiểu rõ hơn là phải giúp chúng ta, nhưng họ cũng không muốn bỏ qua những lời chỉ trích của người Việt hay những dân Á châu khác” [il leur est bien tenant aussi de travailler sans nous et selon leurs idées pour une meilleure action possible]. (HCI, CP 208)
Ngày thứ Sáu, 31/8/1951, R. Janot trình lên de Lattre phân tích về vấn đề viện trợ kinh tế của Liên bang Mỹ cho các nước Đông Dương như sau:
A. Chính trị (Bilan diplomatique):
1. Với ba nước Đông Dương, có tiến bộ về hướng độc lập (un progrès certain vers l’indépendance): viện trợ Mỹ là cơ hội ký kết những hiệp ước tay đôi đầu tiên mà các quốc gia liên kết được ký. Nước Pháp bị giới hạn trong việc can thiệp, và đứng ngoài những thỏa thuận về viện trợ trực tiếp hay thương mại.
2. Với Mỹ, viện trợ kinh tế cho phép Mỹ nối liên lạc trực tiếp với các nước Đông Dương.
3. Với Pháp, bất trắc (incertain): Pháp phải đặt lại vấn đề liên hệ với các nước Đông Dương, và căn bản của Khối Liên Hiệp Pháp.
B. Kinh tế (Bilan économique):
1. Các nước Đông Dương: Hưởng lợi nhuận nhất.
a. Nhận được 12 triệu MK viện trợ trực tiếp, và 11 triệu viện trợ thương mại.
b. Viện trợ chia ra như sau:
– viện trợ trực tiếp cho lãnh vực y tế 35%, kỹ nghệ 31%, nông nghiệp 11%, cứu trợ 9%, và các lãnh vực khác, 14%.
– viện trợ thương mại, giúp nhập cảng: bông (coton brut), 27%; sản xuất dầu hỏa, 17%; máy móc kỹ nghệ, 20%; vật liệu mỏ, 5%; hóa chất, 4%; dụng cụ xe hơi, 8%; và còn lại 19%.
– Viện trợ giao trực tiếp cho các nước Đông Dương.
2. Với Mỹ, đầy hứa hẹn:
a. Viện trợ kinh tế giúp Mỹ đặt một phái bộ kinh tế ở Đông Dương.
b. Sẽ đưa đến vấn đề viện trợ kỹ thuật, và rồi sự hiện diện của các chuyên viên kỹ thuật.
c. viện trợ kinh tế—nhất là dưới dạng viện trợ trực tiếp—mang đến những liên hệ thương mại mới với Nhật [l’amorce de courants commerciaux nouveaux (l’importation de cotonnades à titre de l’aide directe s’inscrit dans la conception d’un complexe économique Indochine-Japon)].
3. Với Pháp, tốt (positive):
a. viện trợ kinh tế có lợi cho các hãng Pháp
b. trợ giúp (soulage) chương trình nhập cảng máy móc (devises).
c. Pháp có thể can thiệp vào việc nhập cảng (lựa chọn các món hàng, v.. v…) có thể bất lợi cho các hãng Pháp
C. Về phương diện chính trị:
1. Các nước Đông Dương: Thuận lợi. Có cơ hội tự do để xoay xở.
2. Mỹ cũng có lợi:
– chống lại Cộng Sản, và ít nhất trên lý thuyết, nâng cao đời sống dân chúng.
– duy trì một vùng ảnh hưởng ở Á châu.
3. Với Pháp, bị thách thức (très contestable):
Hoạt động Văn Hóa của Mỹ:
1. Gửi sinh viên qua Mỹ:
Khoảng 20 người mỗi năm: 6 hay 7 sinh viên; 6 hay 7 giáo chức; 6 hay 7 thuộc giới doanh thương. Năm 1951 có khoảng 200 người Việt tại Mỹ. Họ là sinh viên hay công nhân.
2. Thư viện: Mỹ mở 3 thư viện tại Sài Gòn, Hà Nội và Nam Vang. Đang định mở thêm ở Vientiane và Chợ Lớn.
3. Phim ảnh: Có 3 phòng chiếu phim ở Nam Vang, Sài Gòn, và Hà Nội.
4. Lớp dạy tiếng Anh: Tại Nam Vang, Sài Gòn, và Hà Nội. Khoảng 1,000 dân bản xứ học tiếng Anh, gồm 600 người ở Sài Gòn. Trở ngại duy nhất của Mỹ là vấn đề giáo viên.
5. Những hành động khác:
– Cho đài phát thanh Việt Nam mượn những đĩa hát
– Kế hoạch dịch qua tiếng Việt các tài liệu giới thiệu về nước Mỹ.
Về Bri-tên:
Hầu như không có gì. Lãnh sự Jefferson của Bri-tên cấp 6 hay 7 học bổng qua du học ở Bri-tên. Hai thư viện Bri-tên mở tại Sài Gòn, và Hà Nội.
Về phương diện tuyên truyền, cơ quan USIS đã: Nhờ cơ quan quân sự Pháp phổ biến 16 triệu truyền đơn in tại Manille, cùng nhiều tài liệu, áp-phích, phim ảnh với chủ đề chống Cộng.
52. Note à l’attention de M. le Général d’Armée HCFI et Cmdt-en-Chef, No. 0779 CAE/SP, Saigon, 31/8/1951; CAOM (Aix), HCI, CP 208).

VI. VNQDĐ SAU HộI NGHị GENEVA 20-21/7/1954:

Dưới thời Đệ nhất Cộng Hoà (1955-1963), VNQDĐ bị bạc đãi nếu không phải bị coi như thù nghịch. Từ năm 1954, Mật vụ và An Ninh Quân Đội bắt đầu thanh lọc các đảng viên Đại Việt và VNQDĐ khỏi hàng ngũ quân đội và công chức. Cuộc nổi dạy của Đại Việt tại chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) càng khiến chính phủ Diệm nặng tay hơn với các đảng chính trị có căn cứ chính tại miền Bắc.
Từ tháng 6/1954, Vũ Hồng Khanh lo tuyển mộ biệt kích cho Đại tá Edward Lansdale, nên chi nhánh này được tương đối bình an. Nhưng các chi bộ VNQDĐ ở miền Trung (Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kontum và nhiều tỉnh khác) bị đàn áp khắc nghiệt từ tháng 3/1955. Tại Quảng Nam, trên 20 người bị bắt giữ, kể cả Trịnh Thể, Nguyễn Tiến Long, Trần Bích Kiện, Hồ Văn Anh, Phan Thiệp (Quận trưởng Tam Kỳ) cùng nhiều giáo viên trường Khải Định Huế. Ngày 6/4/1955, VNQDĐ tổ chức biểu tình chống chính quyền ở Tam Kỳ. Hôm sau, 7/4/1955, VNQDĐ ra tuyên cáo “nghiêm khắc lên án bọn Việt gian, phong kiến, thối nát [Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn, Nguyễn Đôn Duyến] đang dùng thế lực ngụy quyền lăm le tiêu diệt chiến sĩ của một đảng cách mạng.” (53)

53. Tuyên cáo ngày 7/4/1955 của VNQDĐ; SHAT (Vincennes), 10H xxx].

Cuộc đảo chính hụt ngày 11/11/1960 của nhóm Vương Văn Đông-Nguyễn Chánh Thi khiến chế độ Diệm có lý do bắt giữ rất nhiều cán bộ VNQDĐ. Cuộc tự sát của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chiều ngày 7/7/1963 để tránh ra tòa Mặt Trận xét xử vụ đảo chính hụt ngày 11/11/1960—nhóm họp từ ngày Thứ Sáu, 5/7 đến ngày 12/7/1963—tiếp nối cho ngọn lửa sinh đăng của Hoà thượng Quảng Đức, thiêu hủy niềm tin cuối cùng của dân chúng vào chế độ họ Ngô. (54) Nhất Linh, 54 tuổi, nhập viện lúc 17G45. Từ trần lúc 10G10 ngày hôm sau, 8/7/1963. Theo Ban Giảo nghiệm của Tổng Nha CSQG, trong máu của Nhất Linh có chất độc “Véronal.” Theo bản tin Đài VOA ngày 9/7, ngày 7/7/1963, Nhất Linh để lại di ngôn:

“Đời tôi có lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập Quốc Gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng Sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người trà đạp mọi thứ tự do.” (55)
54. Trong số can phạm có 19 quân nhân (Thiếu tá Phan Trọng Chinh, v..v..) và 34 thường dân (như Phan Khắc Sửu, Nguyễn Tường Tam, Phan Quang Đán v.. v. …). Chánh thẩm là Huỳnh Hiệp Thành; Ủy viên chính phủ là Trung tá Lê Nguyên Phu, Giám đốc Nha Hiến Binh (thuộc Bộ Quân Pháp của Đại tá Nguyễn Văn Mầu). Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông, Thiếu tá Phạm Văn Liễu, Phan Phụng Tiên v.. v.. đã lưu vong ở Phnom Penh. Theo Vương Văn Đông và Phan Trọng Chinh, Đại tá Thi chỉ tham gia đảo chính sau khi bị bắt mang tới cổng Dinh Độc Lập. Người “cứu giá” họ Ngô là Raymond Nguyễn Khánh.

55. Điện văn số 1252 ngày 8/7/1963, BNV gửi Đổng lý VP/BT tại Phủ Tổng Thống; TTLTQG II (TP/HCM), PTT/ĐICH, HS 8500.

Ngày 13/7/1963, đám tang Nhất Linh cử hành trọng thể. Linh cữu đưa từ nhà thương Grall tới chùa Xá Lợi, làm lễ cầu hồn, rồi tiến về nghĩa trang Giác Minh (Gò Vấp) của Thượng Tọa Trí Dũng. Hàng ngàn học sinh, sinh viên tham dự. Kể từ ngày này, học sinh, sinh viên bắt đầu tham gia cuộc tranh đấu chống Diệm. Hơn ba tháng sau, ngày 1/11/1963, đảo chính bùng nổ. 4 giờ chiều đó, Tổng thống Diệm điện thoại cho Đại sứ Lodge, dò hỏi ý định chính phủ Mỹ—vì Diệm đã có một cuộc nói chuyện khá dài trưa hôm đó với Lodge—rồi tuyên bố đang làm tròn bổn phận, nhưng trốn đến nhà Mã Tuyên. Sáng hôm sau, khi chiếc Thiết Vận Xa đưa hai anh em Diệm-Nhu về tới sân Bộ Tổng Tham Mưu, chỉ còn là hai tử thi đẫm máu. Cả hai đều bị bắn vào gáy. Ngày 9/5/1964, đến lượt Ngô Đình Cẩn bị xử bắn tại Khám Chí Hòa, mặc dù Đại sứ Lodge âm thầm vận động hai Tướng Nguyễn Khánh và Dương Văn Minh ân xá cho Cẩn. Và đúng như di ngôn của Nhất Linh, ngày 30/4/1975, Cộng Sản Bắc Việt chiếm Sài Gòn.

Trong thập niên 1960 và 1970, VNQDĐ tiếp tục sinh tồn, nhưng thế lực của VNQDĐ ngày một suy tàn. Một vài lãnh tụ VNQDĐ tham chính, nhưng gây nhiều tai tiếng, nhất là việc nhóm Trần Văn Tuyên, Nguyễn Hoà Hiệp v.. v.. tham gia chính phủ Phan Huy Quát đầu năm 1965. Cán bộ và đảng viên VNQDĐ phần nào được Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh QĐ I, bảo trợ, nhưng số đảng viên chân chính chẳng còn bao lăm; nhiều người đã ngụy tạo đảng tịch. Trong cuộc Lương-Giáo tương tàn năm 1965-1966, vài ba cán bộ VNQDĐ miền Trung bị tiêu diệt. Một sự việc khác đáng ghi nhận là Vũ Hồng Khanh ra tranh cử Tổng thống ngày 3/9/1967, nhưng thảm bại. (56)
12G00 ngày 19/4/1966, Tướng Lãm tổ chức một cuộc họp giữa đại diện VNQDĐ Quảng Ngãi và Ủy ban Tranh thủ Tự Do tại BTL/SĐ 2 BB. Khoảng 16G00, một xe phóng thanh của UBTTTD thông báo hai phe đã đạt một thỏa ước an ninh. (CĐ ngày 20/4/1966; CIA gửi Bạch Cung; LBJ, NSF, Vietnam Country File, Box 30)
19/4/1966: Cán bộ VNQDĐ phải vào tị nạn trong phi trường Đà-Nẵng. Có cả Chu Tử Kỳ, tới họp với các cán bộ địa phương. (CĐ ngày 20/4/1966; CIA gửi Bạch Cung; LBJ, NSF, Vietnam Country File, Box 30)
Thứ Năm, 1/5/1969: VNQDĐ hợp nhất hai nhóm. Trung ương thuộc Vũ Hồng Khanh và Xứ ủy miền Nam thuộc Nguyễn Hòa Hiệp.

Một trong những lý do của sự suy tàn là VNQDĐ không có được những lãnh tụ xuất chúng, mà hầu hết chỉ muốn bán buôn hào quang cũ của Đảng. Thêm vào đó, chiến tranh kéo dài quá lâu, ngày một khốc liệt. Chủ trương chống Cộng quá khích của VNQDĐ—do nhu cầu chính trị giai đoạn hơn vì lý thuyết và mục tiêu của Đảng, và do thiếu cán bộ có khả năng cùng sự phân hoá giữa các phe nhóm—khiến cấp lãnh đạo không ai có thể nghĩ đến việc trở lại với nguồn gốc Quốc Dân mà tự danh hiệu của Đảng đã hàm chứa. Một cán bộ ly khai đã nhận định: – “Chỉ còn lại lũ sâu của hoa máu cách mạng.”
Chiến thắng 30/4/1975 của CSVN lại gây thêm một đại nạn cho Đảng suốt gần 40 năm qua. Vũ Hồng Khanh bị mang ra bắc, cô lập hóa tại quê cũ cho tới ngày qua đời. Nhiều người kh1c gục ngã trong lao tù. Vài nỗ lực tái tổ chức Đảng ở hải ngoại không mang lại thành tựu nào đáng kể. Nguyên cớ chính vẫn là thiếu cán bộ giỏi, và sự lệ thuộc vào các tư tưởng, phương thức lỗi thời của những người tự xưng lãnh đạo. Nguy hại hơn nữa, có những lời cáo buộc đảng tịch “thật” hay “giả” của vài người muốn hoạt động. Bởi thế, nhiều cán bộ Đảng chân chính ngưng hoạt động công khai.
Trong nước, mới đây có khuynh hướng “phục hồi” cho uy danh VNQDĐ. Tuy nhiên, vì chủ trương độc quyền cai trị, chế độ Cộng Sản Việt Nam vẫn âm thầm truy diệt VNQDĐ.

Houston, 1/1/2014
Vũ Ngự Chiêu

Tài liệu căn bản nên đọc về VNQDĐ:

Phụ Bản I:
Tài liệu văn khố Pháp CAOM (Aix), RST F743 (14):
Trong 62 hồ sơ “đen,” 13 là VNQDĐ.

VNQDĐ :
Nguyễn Văn Bộc, tự Nguyễn Đình Nhiên, sinh năm 1888, tại làng Phong Câu, huyện Kiến Thụy, Kiến An. Năm 1930 bị kết án chung thân khổ sai ; tháng 11/1936 được ân xá.
Trịnh Khắc Giản, tự Rản, sinh năm 1914 tại Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương.15/11/1930 bị tòa Hải Phòng kết án 20 năm khổ sai vì vụ giết tri huyện Vĩnh Bảo Hoàng Gia Mô. 1936, được ân xá khỏi Côn Đảo. Nghiêng về CS.9/1/1940, bị án 18 tháng tù.
Nguyễn Văn Luận, tự Nhật, sinh 1913, làng Kha Lâm, huyện An Lão, Kiến An. Con Nguyễn Văn Thơm và Nguyễn Thị Hiếu. 29/1/1931 Tòa hình sự Kiến An kết tội đầy, ngày 9/11/1936 được ân xá,
Nguyễn Văn Hội, tự Tổng Hội. Sinh năm 1900 tại làng Kha Lâm, huyện An Lão, Kiến An. Con Nguyễn Văn Đạt và Nguyễn Thị Ngài. 29/1/1931 Tòa hình sự Kiến An kết tội đầy, ngày 9/11/1936 được ân xá. Liên lạc với binh lính.
Nguyễn Văn Phồn, sinh 1908, tại làng Đồng Tu, huyện An Lão, Kiến An. Con Nguyễn Văn Tô và Nguyễn Thị Ái. 15/11/1930 Tòa hình sự Hải Phòng kết án đầy, ngày 9/11/1936 được ân xá. Giao du thân thiết với Nguyễn Văn Hội.
Trần Phương Tuyên, sinh 1911, tại làng Đôn Khê, huyện Hải An, Kiến An. Con Trần Phương Ngữ và Trần Thị Bảo. 15/11/1932 bị án 20 năm khổ sai.
Phạm Văn Thóc, sinh năm1900, làng Kha Lâm, huyện An Lão, Kiến An. Con Phạm Văn Miên và Nguyễn Thị Oanh. 29/1/1931 bị tòa Hà Nội kết án 5 năm,phóng thích ngày 12/7/1935.Nghiêng về CS.
Phạm Nhật Tiên tự Đông, thương gia, sinh 1911, tại làng Gian Khâu,tổng Tri Hội, Gia Viễn, Ninh Bình. Con Phạm Hữu Thắng và Nguyễn Thị Gái. 16/10/1931, bị tòa Ninh Bình kết án 2 năm tù, 10 năm quản thúc. Ngày 30/11/1931, tòa kháng án y án. Ngả theo CS.
Đỗ Văn Cư, sinh 1900 tại Đại Đinh, tổng Mô Chu. Phủ Vĩnh Tường, Vĩnh Yên. Con Đỗ Văn Trai và Nguyễn Thị Sa. 5/1930, bị kết án chung thân khổ sai ; tháng 9/1936 được ân xá. Năm 1937, bị chỉ định cư trú 20 năm. CAOM (Aix), RST F743 (14):

Đào Duy Kỳ, sinh 23/1/1915, làng Khuê Nghi, Thanh Oai, Hà Đông. Con Đào Đình Dy và Nguyễn Thị Hoa. Không rõ địa chỉ. Từ 1937, thủ diễn vai trò quan trọng trong tổ chức Thanh Niên Cộng Sản [Jeunnesse Communiste]. Biến dạng từ 9/1939, có tin trở thành nhân vật nòng cốt của CS.
Nguyễn Thượng Khánh, sinh ngày 28/7/1917, tại làng Thượng Thạch, Hương Khê, Hà Tĩnh, con Nguyễn Xuân Tuyên và Phạm Thị Nhi, trú quán Đông Gia, Thanh Oai, Hà Đông. Thân cận của ĐDKỳ. Biên tập viên Thế Giới, cơ quan ngôn luận Thanh Niên Dân Chủ BK, bị đóng cửa từ tháng 9/1939.
Vũ Văn Địch, sinh ngày 30/12/1914, tại Phúc Lâm, tổng Hoàng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Đông. Con Vũ Văn Nhã và Cao Thị Tư. 1938 : tập sự thợ máy. 17/7/1938, bị bắt ở Hà Nội, nhưng được miễn tố. Phát hành ở Hải Phòng báo Thế Giới và Đời Nay. Liên hệ với nhiều tay xừng xỏ ở Bắc Kỳ. Ngày 3/9/1939, họp ở nhà Lương Sĩ Nho để cải tổ Thanh Niên Dân Chủ Hải Phòng. Ngày 29/9/1939, khám phá ra một số tài liệu quan trọng tại nhà đương sự. Bị hai án 4 tháng và 6 tháng. Ngày 20/9/1940 được phóng thích. Bị an trí trong một trại tập trung.
Vũ Trọng Khánh, khi còn học Luật, tham dự nhóm nghiên cứu Marxism với Phan Tử Nghĩa; làm tổ trưởng thanh niên dân chủ của Đào Duy Kỳ. Đã từng quen biết Nguyễn Thế Dục, huấn luyện ở Nga về. Lễ nhiệm chức do Vũ Văn Hiền chủ tọa. [463] Được Vũ Văn Hiền đề nghị, lên Hà Nội, xin chỉ thị Vũ Đình Huỳnh. Muốn theo gương Trịnh Đình Thảo, vào các trại tù phóng thích cán bộ CS;
Vũ Trọng Khánh, “Tôi làm thị trưởng Hải Phòng (1994);” Phụ lục 9; Hoè, 2004:460-467)

Nguyễn Thế Rục hay Dục (1902- ID 2722 Sinh năm 1902 tại BV. Đã tốt nghiệp Cao Đẳng thương mại. KUTV: 11/12/1925-1928. 1929: Rời Nga. (Sokolov, 1999:283)

Lê Giản: 1942, một trong 7 tù nhân chính trị Việt Nam tại Karianga (Madagascar) được cơ quan tình báo Bri-tên tuyển mộ (trong số 27 tù) để đưa về Đông Dương hoạt động. [Hoàng Đình Rong, Lê Giản, Dương Công Hoạt, Hoàng Hữu Nam [Phan Bôi], Pallat Nguyễn Văn Phong tự Minh, Nguyễn Văn Ngọc và Vũ Văn Địch]
Hoàng Đình Rong, Dương Công Hoạt là hai người đầu tiên được đưa qua Madagascar. Rồi đi thủy phi cơ qua Mumbasa (Kenya), đáp tàu đi Bombay. Năm người khác cũng liên tục tới Bombay. Rồi chuyển qua Calcutta. Qua lớp huấn luyện tình báo tại đây.
Cuối 1942, mãn khóa huấn luyện, Hoàng Đình Rong được đưa về Côn Minh mở đường giây với nội địa. Liên lạc được tỉnh ủy Cao Bằng. Trở lại Calcutta.
Giữ vai trò quan trọng trong việc đàn áp và thủ tiêu đối lập.

Phụ Bản II:
Đường đến Nghĩa Trang Của Họ Ngô (1963)

Thứ Bảy, 6/7/1963: Sài-Gòn: Bản tin buổi sáng của Việt Tấn Xã đăng lại Thông cáo số 3 và số 4 của Phong Trào Thanh Niên Cộng Hòa.
Việc này do Tổng đoàn TNCH yêu cầu để trả lời thư ngày 1/7/1963 của Thượng tọa Thích Thiện Minh mà VTX cùng tất cả các báo chí và đài phát thanh đều phổ biến. Báo Ngôn Luận của Nguyễn Thanh Hoàng, một cán bộ Cần Lao lâu đời, cho đăng lại nguyên văn ở phần Phụ bản.
1. Phan Thư Đường viết cho PTT Thơ: “Hình như bên Phật Giáo vẫn đánh điện văn để tiếp tục đầu độc dư luận quốc tế.” (HS 8501)
2. [Ngày 8/7/1963] cơ quan CIA ghi nhận về tình hình Việt Nam [cho tới ngày 6/7/1963]. Trong ít ngày qua, tình hình vẫn chưa ổn định. Chính phủ và Phật Giáo trao đổi những lời buộc tội thiếu thành tín [bad faith]. Các nhóm mưu đảo chính bắt đầu thành lập. Không rõ họ chờ đợi thêm ít cuộc tự thiêu để xúc động lên cao hơn hay đi đường riêng của họ.
a. Thích Trí Quang cho biết sẽ tiếp tục tranh đấu cho tới ngày chế độ Diệm bị lật đổ. Trí Quang dự định kêu gọi những người tình nguyện tự thiêu. Diệu Huệ (vợ Ưng Úy, mẹ Bửu Hội, Đại sứ Ivory Coast, Morocco, Niger và Senegal), và em gái, Tu Diêu (vợ Cao Xuân San, mẹ Cao Xuân Vỹ, Tổng Giám đốc Nha Thanh Niên) xin tự thiêu, nhưng cuối cùng đổi ý. (FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), III:474)
b. Ngày 6/7, đã có ba [3] nhóm muốn làm đảo chính: Nhóm Trung tá Phạm Ngọc Thảo, nhóm Trần Kim Tuyến, và một nhóm đang hình thành. (III:474)
c. Hiện còn ít tin tức về nhóm Thảo và các Tướng. Nhóm Tuyến thì có một số tin: Trần Kim Tuyến là người tổ chức, nhưng không phải lãnh tụ. Trong nhóm này có TGM Nguyễn Văn Bình, một số Phật tử, Trung tướng Dương Văn Minh, Thiếu tướng Tôn Thất Đính. Tuyến còn tiếp xúc với hai người quen biết từ lâu là Thích Tâm Châu, và Thích Thiện Minh. (III:474)
d. Ngày 8/7, Trung tướng Trần Văn Đôn, Tư lệnh Lục quân, cũng tự nhận đang tham gia một nhóm âm mưu đảo chính. [Hầu hết các Tướng, ngoại trừ 2 người, theo Đôn]. Đôn không nắm quân, nhưng có liên lạc với Đính, qua vai trò trong Bộ TTM. (CIA Information Report TDCS-3/552,822, 8 July 1963; FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), pp.474n2, 491;
Tuyến đã cho soạn thảo Tuyên cáo của chính phủ mới. Kế hoạch của Tuyến là chiếm Bộ Công Dân Vụ trước, cùng các cơ sở truyền thông của chính phủ. Đây không phải là cuộc binh biến [military putsch] mà là một cuộc cách mạng trong dinh thự [a Palace revolution], nhằm ám sát vợ chồng Nhu và loại bỏ [elemination] Diệm, bằng phương tiện ít bạo lực hơn, nhưng ám sát nếu cần.
e. Có dấu hiệu Phó Tổng thống Thơ sẽ được chọn cầm đầu nhóm Tuyến. Thơ là người kế vị hợp hiến trong trường hợp Diệm chết hay từ chức. Có nhiều tin đồn Thơ đã từ chức; nhưng ngày 4/7, Thuần phủ nhận; hôm sau, 5/7, Thơ cũng xác nhận không hề từ chức. Thơ bất mãn về việc bị lôi kéo vào cuộc thương thuyết với Phật Giáo. Có tin vợ chồng Nhu chỉ trích Thơ đã nhân nhượng quá nhiều với Phật Giáo. (III:474-475)
e. Nếu ba nhóm liên kết với nhau, có cơ hội thành công, nhưng sau đó, sẽ có tranh chấp. Tuyến được giới dân sự ủng hộ, nhưng phe quân đội không ưa. Nếu một tướng lên cầm quyền cũng sẽ có tranh chấp quyền lực. Có tin hai nhóm Thảo và Tuyến tạm thời liên kết.

3. Không rõ đảo chính sẽ xảy ra vào thời điểm nào. Có tin nhóm quân sự của Tuyến đề nghị ngày 10/7/1963. Một số khác muốn chọn ngày 7/7. Lại có người cho rằng đảo chính sẽ xảy ra trước ngày bầu cử QH vào cuối tháng 8/1963. (III:475)
4. Khó biết trong giới quân sự ai trung thành với chính phủ. Giới chỉ huy cao cấp và trung cấp Không Quân không ưa chính phủ. Lữ đoàn Dù và HQ cũng bất mãn, dù Đại tá Hồ Tấn Quyền đã trung thành với Diệm trong 2 cuộc binh biến trước. (III:475) Lực lượng Thiết kỵ chia rẽ. (III:475) Mới đây Trung tướng Minh tuyên bố vấn đề Phật Giáo chia rẽ quân đội. (III:476)
5. Phe Phật Giáo, mà giới lãnh đạo đang tập trung tại chùa Xá Lợi, không tin rằng Diệm muốn thành thực giải quyết vấn đề Phật Giáo. Chính phủ vẫn chưa phóng thích những người bị bắt giữ, phản đối việc chính phủ ủng hộ phái Cổ Sơn Môn, và chính phủ có thể đứng sau việc Thanh Niên Cộng Hòa đặt vấn đề là phải chăng chính phủ quá độ lượng [tử tế] với Phật Giáo. Chính phủ đã gửi chỉ thị cho các tỉnh tuân hành thông cáo chung 16/6/1963, nhưng đang chuẩn bị những biện pháp đàn áp. Hiện nay, tại các tỉnh, sư và ni vẫn chịu những hạn chế. (III:476)
Có những phần sự thực trong lời tố cáo của Phật Giáo. Tuy nhiên, qua lời tuyên bố của các tăng ni, chùa Xá Lợi tỏ ý nếu Diệm giải quyết các đòi hỏi của họ, chính phủ Diệm vẫn phải bị lật đổ. Nhóm Trí Quang nghiêng về chính trị. Thật khó xác định Phật Giáo đòi Diệm ra đi là do niềm tin chỉ như vậy mới có nhiều tự do tín ngưỡng hơn, hay do ảnh hưởng các nhóm ngoài tôn giáo. Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào về việc Phật Giáo chịu ảnh hưởng bên ngoài. Tuy nhiên, ranh giới giữa tôn giáo và thế tục rất linh động. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo có thể chuyển biến qua chính trị. (III:476-477)
Hạn kỳ 2 tuần lễ của Phật Giáo đã trôi qua, nhưng vẫn chưa có biểu tình. Sẽ là một lầm lỗi khi nghĩ rằng không còn tự thiêu nữa. Vài lãnh tụ Phật Giáo đã quyết định phải lật đổ Diệm.
6. Chính phủ Diệm hiểu rõ mối hiểm nguy Phật Giáo, nhưng có nhiều lời cố vấn dị biệt. Chưa ai rõ kết quả cuộc gặp mặt gia đình họ Ngô ở Huế trong hai ngày 29-30/6/1963. Nhưng qua giọng điệu tờ Times of Vietnam và những lời tuyên bố, Nhu chống việc chính phủ nhân nhượng quá nhiều với Phật giáo như Thông cáo chung 16/6/1963. Thơ, Thuần và Bùi Văn Lương muốn thông cáo chung được tôn trọng. Thái độ của Cẩn và Diệm không rõ ràng. Có lẽ Diệm chưa có quyết định. (III:477)
7. Trong khi quyết định, Diệm đang bị bối rối [dilemma]. Khủng bố thì tạo cơ hội cho kẻ thù của Diệm. Nếu không làm gì khiến dư luận quốc tế nhìn nhận những lời tố cáo là sự thực, và tình trạng nội bộ biến đổi nguy hiểm cho chế độ. (III:477-478) Trong khi đó nếu tiếp tục nhân nhượng thêm chẳng có gì bảo đảm phe đối kháng thỏa mãn và không đòi hỏi thêm, và có thể bị coi như đang ở thế yếu. Có lẽ Diệm sẽ không chọn đường hòa giải như bị áp lực. (CIA Information Report TDCS-3/552,770, 8 July 1963; FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), p. 474n2 [473-478] [TL 212]) [Ngày 9/7/1963, Kennedy gặp McCone về vấn đề này].
Chủ Nhật, 7/7/1963: Diệm đọc diễn văn ngày Song Thất. Hy vọng giải quyết vấn đề Phật Giáo trong tinh thần trách nhiệm chung [settled in spirit of community responsibility]. (CĐ 49, ngày 8/7/63, Sài Gòn gửi BNG, (FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), p. 480n4)
* Phú Nhuận: Công an hành hung ký giả ngoại quốc. Trong số này có Peter Arnett, gốc New Zealand, Browne (AP), Sheehan (UPI), Halberstam (NYT), v.. v…
7G45, Malcolm Browne, trưởng ban UPI, cùng Peter Arnett của AP và 10 ký giả săn tin ở chùa Miên. 9G00: Các sư sãi định diễn hành biểu tình. Tới đầu hẻm bỉ Cảnh sát chặn lại. “Brơne” chụp hình. Bị nhân viên CS mặc thường phục ngăn cản. Hai Phó Thẩm sát viên công nhựt Nguyễn Văn Lăng và Lâm Văn Lỳ bị thương nhẹ. (Báo cáo ngày 8/7/1963 của Ty Cảnh sát Quận 3; HS 8536).
Đích thân Trueheart đã nói chuyện với các ký giả Mỹ. 16G00: Mecklin đi gặp TGĐ Thông Tin Tạo. Browne cho biết Browne và Arnett phải trình diện Cảnh sát lúc 7G30 sáng ngày 8/7. Trueheart nói sẽ cho nhân viên Tòa Đại sứ tháp tùng.
(Tel 46, 7 July 1963, Truheart gửi BNG; FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), pp. 470-471 [TL 210])
Malcom Browne (AP), David Halbrstam (NYT), Peter Kallscher (CBS News), Neil Sheehan (UPI) viết thư than phiền với Kennedy.
Theo họ, sáng nay, 9 phóng viên Mỹ bị công an vô cớ tấn công khi đang săn tin trước chùa Chantareansay. Một phóng viên bị đánh ngã và đá. Các ký giả bị xô đẩy, ném đá trước sự chứng kiến của 40 tới 60 cảnh sát sắc phục, và 1 đội Cảnh sát chiến đấu. Cảnh sát sắc phục không can thiệp, mà trên thực tế còn ngăn chặn việc bắt giữ những người tấn công họ. Kết luận khó tránh là chính phủ VN bắt đầu dùng bạo lực uy hiếp các phóng viên. Trước đây, các ký giả đã bị trục xuất. Đây là lần đầu tiên họ bị hành hung.
Yêu cầu Kennedy chính thức phản đối với VN. (FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), pp. 472-473 [TL211])
Ngày 10/7, Trueheart báo cáo rằng gần đây các ký giả đã tuyên bố chính phủ phải bị lật đổ. Chính phủ VN hẳn đã có đầy đủ dữ kiện làm tài liệu. Các phóng viên bị nghi ngờ khuyến khích Phật Giáo hoạt động. Diệm có thể nghĩ rằng các ký giả không thuần giữ nhiệm vụ truyền thông. (Tel 65, 10 July 1963, Trueheart gửi BNG; FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), p. 472n2)

– Thượng tọa Tâm Châu, nhân danh Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, yêu cầu Mỹ bảo vệ chùa Xá Lợi.
Theo Tâm Châu tình thế đang chuyển biến sang một giai đoạn khác. Cuộc hành hung ký giả quốc tế sáng ngày 7/7/1963 là dấu hiệu cho thấy “we have every reason to expect the worst in the days to come.” [III:478]
Không yêu cầu Mỹ lật đổ Diệm. Chỉ yêu cầu Mỹ—in the name of justice and humanity—to protect our Xa Loi pagoda and the lives of Buddhist leaders from detruction and assassination.” “a Saint Barthelemy Night [“St Bartholomew’s Day Masscre” of Protestants in France, 23-24 Aug 1572] “is not to be excluded from our assumption.” (III:479) (Tel 57, 9 July 1963, Trueheart gửi BNG; (FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), pp.478-479 [TL 213]) Trueheart không đồng ý, chỉ thông báo cho Tâm Châu bằng lời rằng thư này có thể sử dụng như một bằng chứng kết tội Châu phản quốc, và nếu công bố, Mỹ phải trả lời là không có quyền can thiệp vào nội bộ VN. Trong CĐ số 92 ngày 9/7, Trueheart báo cáo Tâm Châu trả lời là hiểu vị thế của Mỹ, và sẽ không công bố thư này]. (FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), p. 479n4)
Trên đường đi nhận nhiệm sở ở India Đại sứ Chester Bowles ghé thăm Việt Nam trong hai ngày 7-8/7/1963. Theo Bowles, tình hình nghiêm trọng. Yêu cầu gửi ngay người tới lượng giá lại tình hình. Cần đánh giá một cách khách quan và không do cảm xúc. Có thể gửi Tom Hughes hoặc Mike Forrestal. (Tel 46, 10 July 1963, Stevenson gửi BNG; FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), pp.482-483 [TL 216])
Thứ Hai, 8/7/1963: Trần Văn Đôn tuyên bố đang dự định đảo chính.
Ngày 8/7, Trung tướng Đôncũng tự nhận với Trung tá Lucien Conein là đang tham gia một nhóm âm mưu đảo chính. [Hầu hết các Tướng, ngoại trừ 2 người, theo Đôn]. Đôn không nắm quân, nhưng có liên lạc với Đính, qua vai trò trong Bộ TTM. Nói sẽ không rời Sài Gòn trong 10 ngày tới. (FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), p.474n2)
Từ tháng 6/1963, André Đôn đã tìm cách móc nối với chiến hữu, chờ ngày làm chuyện lớn. Dương Văn Minh “lớn” cũng phái Lê Văn Kim gặp Đôn và Mai Hữu Xuân. Trung Tướng Minh, một thời được ca tụng như “Anh hùng Rừng Sác,” đang là một Tướng không binh lính, không quyền lực với chức vụ Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thống từ ngày 8/12/1962. Đã có lần Minh “lớn” định ám sát Nhu, nhưng phải bỏ dở.
Nhận hiểu cuộc tranh đấu của Phật giáo là cơ hội bằng vàng tiến thân, Đôn và Kim từng nói riêng với Nolting về ý định đảo chính của mình. Nhưng Nolting gạt đi, nghiêm khắc trách mắng: Đừng cho tôi mấy thứ làm loạn và yểm trợ nổi loạn. Tại sao mấy ông không lo làm trọn nhiệm vụ của các quân nhân? Nước Mỹ không dính líu vào vấn đề đảo chính. (Nolting, 1988:126)
– Browne và Arnett bị truy tố về tội hành hung. BNG Mỹ chỉ thị Trueheart can thiệp để bỏ lệnh truy tố. Thoạt tiên, Diệm không đồng ý. Mãi tới ngày 17/7 mới thuận. (FRUS, 1961-1963, III: Jan-Aug 1963, (1991), pp.470-471)

Phụ Bản III
Hoà ước ngày 15/3/1974 hay 27/1 Tự Đức 27 [Giáp Tuất]

Gồm hai mươi hai [22] điều khoản, tái xác nhận những điều kiện trong Tạm ước 6/2/1874. Trong số những điều quan trọng nhất có:
– Điều thứ 1: Từ nay về sau, nước Đại Nam cùng với nước Đại Pháp đời đời kết giao hòa hiếu, tình bạn thực thà. [“Il y aura paix, amitié et alliance perpétuelles entre la France et le Royaume d’Annam.”] ĐNTLCB, IV, 33: 1874-1876, 1975:14 [12-22]).
– Điều thứ 2: Pháp nhìn nhận “Đại Nam là một nước tự chủ, không phải theo phục nước nào.” [phủ nhận chủ quyền thượng quốc củaTH]
– Điều thứ 5: cắt sáu [6] tỉnh miền Nam cho Pháp. Tuy nhiên, không được đụng chạm đến 3 ngôi mộ nhà họ Hồ ở Biên Hoà và 11 ngôi mộ của họ Phạm ở Gia Định. Mẹ Thiệu Trị, Hồ Thị Hoa (1791-28/6/1807), gốc Bình An, trấn Biên Hòa, con Hồ Văn Bôi, túc trực đội trưởng của Gia Long. Hai lần theo Chủng qua Xiêm. Sau lên tới chức Khâm sai thuộc nội chưởng cơ. Hoa chết sớm, sau khi sinh được 12 ngày (23/5 Đinh Mão, tức 28/6/1807); được truy phong Tá Thiên Nhân hoàng hậu. (ĐNCBLT, II, q. I, (1993), 3:15-24). Thân mẫu Tự Đức là Phạm Thị Hằng (Từ Dụ, 10/6/1810 [9/5 Gia Long IX]-22/5/1901 [5/4 Tân Sửu, Thành Thái XIII); con Phạm Đăng Hưng, quê ở Tân Hòa [Gò Công], Gia Định , sinh hai công chúa và Hường Nhiệm, tức Tự Đức; ĐNLTCB, II, q, 2 & 3 (1993), 3:25-64), và ĐNTLCB, IV, 33: 1874-1876, 1975:14 [12-22]).
– Điều thứ 9: tự do giảng đạo. (DD I, 1883:1-10; 10H xxx; ĐNTLCB, IV, 33: 1874-1876, 1975:15-17 [12-22]).
Tự Đức phải nhìn nhận rằng “đạo Thiên chúa nguyên để khuyên người làm điều lành,” và từ nay hủy bỏ tất cả các lệnh cấm đạo. Những người có đạo Ki-tô sẽ được đối xử ngang hàng với người Lương trên mọi lãnh vực, kể cả thi ra làm quan. Các giáo sĩ được đặc biệt trọng đãi; phạm tội có quyền dùng tiền chuộc. Giống như điều thứ 2 Hiệp ước 5/6/1862, rồi điều thứ 9 Hiệp ước 6/6/1884. Tuy nhiên, hai giáo phận tại Đường Ngoài của Espania sẽ do Hội truyền giáo Pháp đại diện trong liên hệ với “An Nam.”
– Ân xá tất cả những người Việt đã theo Pháp (điều 8).
– Tự do thông thuơng trên sông Hồng, và mở hai cửa biển Thị Nại ở Bình Định, cùng Ninh Hải ở Hải Dương và thành phố Hà Nội cho việc thông thuơng (điều 11).
– Pháp được quyền đặt lãnh sự ở các cửa biển đã khai thương, mỗi sở được quyền trú đóng không quá 100 binh sĩ (điều 13).
Ngoài ra, Pháp hứa tặng cho Đại Nam 5 tàu chiến, 100 đại bác, 1,000 súng điểu thương (sang), 500,000 viên đạn (điều 4), xóa món nợ chiến phí 1 triệu Mỹ kim (điều 6). Về món nợ 1 triệu Mỹ kim với Espania sẽ trả dần dần qua chính phủ Pháp (điều 7). (67)
67. Xem thêm chi tiết trong ĐNTLCB, IV, 33: 1874-1876, 1975:12-22; SHAT (Vincennes), Indochine, 10H xxx [1 & 41]; DD [Documents politiques tức Livre jaune] I, 1883:1-10; 10H xxx [41]. Ngày 4/8/1874, Quốc Hội Pháp phê chuẩn; DD, I:29-34; 10H xxx [41]. Lễ trao đổi văn kiện phê chuẩn hiệp ước diễn ra ngày 26/8/1875, và ngày mở các hải cảng cho việc giao thương định vào ngày 15/9/1875).
Hiệp ước vừa ký kết xong, Chánh sứ Lê Tuấn chết vào lúc 3 giờ sáng ngày 17/3; có tin đồn ông tự vẫn. Phó sứ Nguyễn văn Tường được phong làm Kỳ vĩ bá, vì đã có công “lấy lại” được thành Hà Nội. Nhóm Giám mục Bình, Linh mục Đăng, và Linh mục Nguyễn Văn Thơ (Cư), đều được trọng thưởng.
(ĐNTLCB, IV, 33: 1874-1876, 1975:35). [Xem 4/8/1874]
Nhưng hầu hết giới văn thân đều bất mãn. Trong hai tháng 3-4/1874, phong trào chống Ki-tô giáo lại bùng nổ khắp nơi. Mạnh mẽ và khốc liệt nhất là vùng Nghệ An. Được sự dung túng của Tổng đốc Tôn Thất Triệt, nhóm văn thân Trần Tấn và Đặng Như Mai hoành hành mạnh. Với khẩu hiệu “Bình Tây, Sát Tả,” trong vòng 10 ngày, họ đốt phá 300 làng, giết chết 2,000 giáo dân, khiến 70,000 người không nhà cửa. (68)
68. Chúng tôi dựa theo báo cáo của Rheinart (1882); DD I, 1883:225. Tài liệu triều Nguyễn ghi “hơn 1,000 người” chết; ĐNTLCB, IV, 33: 1874-1876, 1975:28-29. Theo một nguồn tin khác, trong vòng 10 ngày, “20,000 giáo dân Gia-tô bị giết, 3,000 làng bị đốt phá, 70,000 người không nhà cửa;” Jules Gros, Origine de la conquête du Tonkin (Paris: Picard, 1887), tr. 171; dẫn trong Phong, 1971:275. Con số này phóng đại quá mức. Xem phụ bản “Văn thân hịch” ngày 19/3/1874 trong CAOM (Aix), Amiraux, 11649; in lại trong Tsuboi 1990:315-317.
Bạo lực mau chóng lan qua Hà Tĩnh. Nhóm Trần Quang Hoán, Trương Quang Thủ và Nguyễn Huy Điển đánh chiếm được tỉnh thành, vây phủ Diễn châu.
Tự Đức phải cho quan binh đàn áp các phong trào Văn thân, và tận tình bảo vệ giáo dân. Tháng 5/1874, vua phái Nguyễn Văn Tường làm Khâm sai, Lê Bá Thận làm Tổng thống ra Nghệ An đánh dẹp. Tuy nhiên, ngày 14/6, Tổng đốc Tôn Thất Tịnh vẫn còn tìm đủ biện pháp để ngừa bọn “phỉ” Trần Tấn và Đặng Như Mai tràn qua Thanh Hoá, vì họ đã chiếm thêm các phủ huyện Quỳnh lưu, Thanh chương, Hương khê, Hương sơn.
Hạ tuần tháng 7/1874, phong trào chống đạo Ki-tô lan tràn ra tới Hải Dương và Nam Định. Ngày 24/7, Tổng đốc Phạm Ý báo cáo văn thân đã liên kết với hải tặc đánh phá các làng đạo Ki-tô ven biển, nhưng Pháp không chịu giúp thương thuyền dẹp loạn văn thân, và xin cho Nguyễn Văn Tường can thiệp với Thống soái Sài Gòn.(69) CBTĐ, 11/6 TĐ XXVII, 5-7, CB 391:197-203 [2003:205].
Vua phải sai Tôn Thất Thuyết mang quân từ Sơn Tây vào chiếm lại Hà Tĩnh. Tường cũng nhờ tàu chiến Pháp giúp sức. Để tự vệ, Giám mục Gauthier xin Tự Đức cho giáo dân Ki-tô được võ trang, nhưng Tự Đức không thuận, chỉ cho mượn tiền cứu trợ dân tị nạn đang tạm trú quanh thành Nghệ An. Nhưng giáo dân Ki-tô vẫn tự động nổi lên chống văn thân. Họ đốt phá nhà cửa của dân Lương, và tung tin Tôn Thất Thuyết sẽ tới, giết chết hết các giáo dân để khích động tinh thần đám đông.(70) CBTĐ, XXVII:5:15-6. ĐNTLCB, IV, 33: 1874-1876, 1975:27.
Rheinart báo cáo thỏa ước bị vi phạm hàng ngày.
Kinh lược không trả lời thư Rheinart.
Lãnh tụ văn thân Hoàng Tam Đăng [Phạm Văn Nghị] được cử làm thương biện Nam Định; Tú tài Thiện làm bang biện huyện Bình Lục. Puiginier đã than phiền 2 lần, nhưng Rheinart không giúp được gì.
16/3/1874: * Sài-Gòn: Phó Đô đốc Charles Duperré [Đô bi ê hay Du-bi-le] được chỉ định thay Dupré làm Thống đốc. Đề đốc Jules Krantz tạm xử lý thường vụ. (3-12/1874) [Xem 1/12/1874]
Hà Nội: Rheinart viết thư than phiền với Kinh lược về 2 người bị bắt. (Sogny, 1943:17)

One should distinguish between Phan Boi Chau’s VNQDD, created in Canton in 1924 and ceased to exist after Chau’s arrest by the French in 1925, and Nguyen Thai Hoc’s organization, which was formed in Hanoi in December 1927. My information is drawn mainly from CAOM (Aix), INF, Cartons 265, 322, 323, and 324; and GOUGAL, 7F 12.
B. NON COMMUNIST ORGANIZATIONS:
A majority of anti-French organizations and activists before 1940 were non- Communist, if not anti-Communist. One of the main reasons was that not until the Russian Bolshevik Revolution of November 7, 1917 that the terms “Communism” or “proletariat revolution” were known to the a few Vietnamese immigrants abroad. Even so, the concepts of proletariat dictatorship and world revolution were unfamiliar and unreceptive to Viet patriots.(305)
305. According to Phan Boi Chau, as early as in 1920 he translated a Japanese work on Communism into Chinese and opened contacts with several Russian diplomats; Nien bieu, (1971), pp. 196-198; Sokolov, QTCS, pp. 38-48. In Paris, Phan Chu Trinh and Phan Van Truong might have acquired a better knowledge of the 1917 Bolshevik revolution. According to French police reports, Trinh and Truong attended several meetings of the FCP Union intercoloniale prior to their homecomings. Meanwhile, Nguyen The Truyen once served as Secretary of the FCP Union intercoloniale.
During their long struggle for independence, Viet activists’ ideological flavors varied from Pan-Asianism, Japanese-typed Constitutional monarchy, Chinese People’s Three Principles, to French-inspired Parliamentary Republicanism and Socialism. Moreover, the Stalinists’ vowed goals of liquidating all intellectuals, capitalists, landowners, and notables frightened, enraged, and alienated their potential victims.
In 1940, there existed three main tendencies: Vietnamese nationalism, Pan-Asianism, and Legal Collaborationism.

1. The Vietnamese Nationalist Party:
One of the best-known non-Communist groups was the Vietnamese Nationalist Party [VNQDD], founded in Hanoi in 1927.(306) The VNQDD drew its ideological strength from Sun Yat-sen’s People’s Three Principles [San Min You I] and, to some extent, popularized version of Marxism. In 1930, to avoid extinction at French hands, the VNQDD rose up against the French with abortive attacks on French military posts in Phu Tho/Viet Tri area, sabotage acts in Hanoi, and especially the Yen Bay mutiny. This general insurrection resulted in the death of many VNQDD leaders—including Nguyen Thai Hoc (1904-1930), the party founder—and imprisonment for hundreds of others. Although an Overseas Branch was created soon afterwards in South China, particularly in Yunnan province, the VNQDD all but ceased to exist inside Viet Nam.
306. There are abundant studies of the Vietnamese Nationalist Party [Viet Nam Quoc Dan Dang or VNQDD]. One should distinguish between Phan Boi Chau’s VNQDD, created in Canton in 1924 and ceased to exist after Chau’s arrest by the French in 1925, and Nguyen Thai Hoc’s organization, which was formed in Hanoi in December 1927. My information is drawn mainly from CAOM (Aix), INF, Cartons 265, 322, 323, and 324; and GOUGAL, 7F 12. For a Vietnamese contemporary account in Vietnamese, see Phu nu tan van [Women News] (Saigon), Nos. 40 (20 Feb 1930), pp. 15-16, 25; 41 (27 Feb1930), pp. 17-21; 42 (6 March 1930) (including sketches [caricatures] of the thirteen VNQDD leaders), pp. 15-20, 43 (13 March 1930), & 44 (20 March 1930).
Worse, the leadership of the Overseas Branch was plagued by personal envy and foreign maneuvers—one of its prominent leaders was in fact a French secret agent. In 1936, some founding members of the VNQDD, recently released from French prisons, tried to revitalize the party in Tonkin. However, the party was merely a faint shadow of its old self. Some important members, including Pham Tuan Tai, one of the party’s founders, and Tran Huy Lieu (1901-1969), had been reportedly converted to Communism while serving prison sentences.(307)
307. “Notes, Decembre 1936;” CAOM (Aix), SLOTFOM, Series III, carton 59.
Meanwhile, Japan’s “Pan-Asianism” and the Comintern’s new strategy of “united front” were on the rise.

[56]
No.8: Note delivered by H.M. Ambassador at Paris to the Ministry of Foreign Affairs, 7 February, 1950
1. In their note of the 25th November, 1949, to His Majesty’s Embassy, the Ministry of Foreign Affairs stated that the French Government would appreciate recognition as early as possible of the Government of His Majesty Bao Dai in Viet-Nam by His Majesty’s Government in the United Kingdom.
2. The Ministry of Foreign Affairs stated moreover that the status of the Kingdoms of Laos and Cambodia under the Franco-Laotian and Franco-Cambodian treaties of the 19th July. 1949, and the 8th November, 1949, respectively was very similar to that of Viet-Nam, in particular in so far as concerned their relations with foreign States.
3. His Majesty’s Government in the United Kingdom have noted with pleasure the transfer of certain powers to the Government of Viet-Nam which took place at Saigon on 30th December, 1949, and the ratification of 2nd February, 1950, by the French Government of the agreement between President Auriol and His Majesty Bao Dai of the 8th March, 1949, and of the Franco-Laotian and Franco-Cambodian treaties referred to above. They also note that it is the intention of the French Government to transfer further powers to the Governments of Viet-Nam, Laos and Cambodia after an inter-State conference to be held in the near future.
4. His Majesty’s Government in the United Kingdom have accordingly decided to recognise the status of Viet-Nam, Laos and Cambodia as Associate States within the French Union and to recognise the Governments of His Majesty Bao Dai, His Majesty Sisavang Vong and His Majesty Norodom Sihanouk as the Governments of these states. His Majesty’s Consul-General at Saigon has been granted the personal rank of Minister.

No.11: Extract from the Proceediugs of the House of Commons, 14 April, 1950
Mr. Driberg (Maldon) : There is, I gather, a prospect that we shall, shortly after the Easter Recess, have a further foreign affairs Debate devoted to the subject of Asia and the Far East, and South-East Asia in particular. I hope it is the case; certainly it ought to be, because it may well be argued that that part of the world at the present time is more important than Europe. Since that is probably to be so, I shall try during this brief period tonight to devote myself to what is in some ways the most tragic and is now potentially the most dangerous of the secondary conflicts that arose after the end of the war in the Far East in 1945, with particular reference to the recent recognition by His Majesty’s Government of the regime of Bao Dai in Indo-China.
We were involved in this, as in Indonesia and in some other parts of South-East Asia, partly because it was our troops who, under the direction of [58] the Supreme Allied Commander, went in to liberate prisoners of war. From the moment of our arrival there this problem — a problem, as in Burma and Indonesia, of emergent nationalism — was handled, I am afraid, with less than wisdom by the French, especially by the French locally in Saigon. I regret to have to say this about our allies and neighbours, for whom we have so warm a regard, but it is none the less true that it was the French who, at a moment of great tension in Saigon, double-crossed the British Commander on the spot and started the shooting war.
It is the French who have obstinately refused to realise that, of all the imperialist regimes in Asia, theirs in Indo-China is the most hated and the most deservedly hated-corrupt and backward as it was, and admmistered by men 90 per cent of whom sided with Vichy during the war and the [Japanese] occupation. It is the French who not long ago restored the Emperor Bao Dai, apparently at the instigation of the Americans, a man of whom one may say, in pity rather than with opprobrium, that he is “a reed shaken by the wind “, a man who as late as 7th March, 1945, was speaking in terms of moving affection of the French and saying of France that her destiny was ” intimately tied to that of our country “; but who, just four days later, when the Japanese forces had brushed aside the Vichy administration, proclaimed that the Empire of Annam had denounced the Franco-Annamite protectorate and would “collaborate with all its strength with Japan “.
This is, then, the puppet Emperor whom we have just recognised. On 13th March my hon. Friend the Minister of State said that the Foreign Secretary was “satisfied that the status of this regime justifies the action taken “.- [OFFICIAL REPORT, 13th March, 1950; Vol. 472, c.747.]
That is, of course, the main point at issue. If the Foreign Secretary is really so satisfied, he must be one of the very few people in this country or in Asia who are. I will just quote one opinion from among many that could be cited from responsible commentators, the editorial in the Manchester Guardian which said :
“It can hardly be denied that Viet-Nam at least does not satisfy the legal conditions on the fulfilment of which thc recognition of a new regime is normally made to rest.”
The Manchester Guardian further added that “the recognition of Bao Dai may have done lasting harm to East- West understanding “.
I believe and fear that that may be true, although I hope that it is not.
No doubt this decision was regarded as a conventional move in the cold war against Communism. If so, it was a singularly inept move. It was obviously calculated, as we now see, first, to drive Ho Chi Minh, the Nationalist leader, more closely into alliance with the victorious Chinese Communists, whose help he would not have welcomed so eagerly if there had been a wise and progressive policy during the last five years.
Secondly, it was calculated to strengthen still further Ho Chi Minh’s influence with the mass of the Annamese people; for, let me emphasise, the overwhelming majority of the [59] people, although they are not pro-Communist, are bitterly and intransigently anti-French.
The testimony of every impartial observer on the spot — of Indian diplomatic representatives, of every responsible correspondent from the West, from The Time and the Observer and the New York Hermd-Tribune and from French Conservative newspapers themselves — is that Bao Dai would not last for a single day if the French forces were withdrawn. It is the opinion of these people on the spot that we have recognised a Government which controls less than one-third of its nominal territory, and is supported by far fewer than one-third of the people who live there.
In fact, Bao Dai can hardly get anyone to join his Government, or to stay in it. He cannot even persuade his pre-war Prime Minister, Ngo Dinh Diem,[sic] to join it- Ngo Dinh Diem who is the outstanding leader of the 2 million Catholics in Viet-Nam. That is an interesting point: hon. Members should not, if I may say so, run away with the idea that this is a simple conflict of the Communists versus the rest. The Viet-Nam Catholics, too, like the rest of the people, are overwhelmingly in support of the movement and the administration led by Ho Chi Minh; or, at the very least — and this applies to the three bishops there, since the Vatican recognition — they are “neutral against” Bao Dai. As I have said, Ngo Dinh Diem, the former Prime Minister,[sic] refused a year ago to enter the Cabinet, and is still steadily refusing to do so, Less than two weeks ago three Ministers in Bao Dai’s Government resigned, and as recently as 30th March — last Thursday — the Prime Minister, unable to fill these vacancies issued a most extraordinary decree, taking power to “requisition” potential Ministers or civil servants for the public service. So unpopular in the country and in Saigon itself is this regime, which can indeed be said to be regarded by the overwhelming majority of the people as a kind of Quisling regime.
I would like to refer my hon. Friend to an extremely interesting and, I think, fair and objective article last Saturday in the European edition of the New York Herald Tribune, which, I have no doubt, he studies as devoutly as the rest of us, by their Saigon correspondent. He says :
…. During the past month I have spent here I have often had occasion to compare this regime to the ill-fated Chiang Kai-shek Government in China. The conclusion is nearly inescapable that, in all but one respect, the Bao Dai Government is probably weaker than Chiang’s was, say, at the close of 1947 when the latter had perhaps already lost the Chinese civil war. It has less popular support, less tradition of authority, a lower percentage of the nation’s good men working for it, and less heart for the struggle. The only respect in which Bao Dai’s Government is clearly stronger is that it is protected by French troops and guided by French administrators. But this strength is probably also a fatal weakness — it seems most unlikely that Bao Dai can never be popular while French troops are on Viet-Namese soil.”
That is the situation and that, by all reputable and impartial testimony, is the regime which we have now recognised in a manner strangely incongruous with our very sensible recognition of the Chinese Communist regime. At least that was a recognition of an existing fact, which this is not.[60]
Meanwhile, the economic reconstruction and welfare of this unhappy country are neglected — except, indeed, in that very large section of it controlled by Ho Chi Minh, who has set up what appears to be quite an advanced and flourishing Socialist welfare state. The Emperor is tiger-hunting at his mountain reserve 300 miles away from Saigon. The French demand more practical assistance from ourselves and the Americans, since it is estimated that it would take them half a million men and $165 million to secure victory, and the French have already, unfortunately, lost 30,000 men killed in this colonial war and are spending £150 million a year upon it. The State Department wonders how many dollars it can send. Our friends in the Commonwealth in Asia are aghast and dismayed by our folly in recognising Bao Dai. Ho Chi Minh has arms factories on the outskirts of Saigon; he can shell American warships in Saigon harbour; and thousands of his supporters ; can demonstrate in the very streets of Saigon itself. Not that this is any token of freedom of speech, for they get shot down and killed when they do so; but , it shows how far Bao Dai is from having any kind of popular support even in the cities, where his regime is said to be strongest.
This, in fact, is the hottest sector of the cold war. This is not primarily a war between the French and the Nationalists or the Communists. It is a war between the Americans and the Russians, and we ought not to get drawn into it any further, I hope my hon. Friend can, at least, assure us that no British troops will in any circumstances be sent to Indo-China. I suppose I cannot ask him to unrecognise a regime that we have so recently recognised; but I hope, at least, that the Foreign Office may be beginning to learn from this perilous and bloody fiasco in Saigon that the whole of our policy in Asia needs re-thinking out integrally, anew, afresh, and that it was the most lamentable of errors to allow ourselves to be deceived by our just admiration and affection for our French allies into recognising this gimcrack, bogus, cellophane-wrapped gang of their financiers’ feeblest stooges.
Mr. Wyatt (Birmingham, Aston) : I do not want to detain the House for more than two or three minutes because I know the Minister will want to make a full reply to the remarkable case unfolded by my hon. Friend the Member for Maldon (Mr. Driberg), a case which was at any rate wholly convincing on the recognition of Bao Dai being a mistake as far as ordinary international practice is concerned. I think it was also a very bad mistake from our point of view, because our record in that part of the world has been so very excellent since the end of the war. It is because we have clearly stood by nationalist movemcnts in South-East Asia that Britain’s prestige in South-East Asia today is higher than ever before, and it is because of that reason that we, more than any other Western Power, are able to exercise a democratic influence in South-East Asia.
Everyone in South-East Asia knows that the Bao Dai regime is not a regime which has any sort of control over the country it purports to rule. Everybody knows that it is the tail-end of a very long, sordid French imperialist adventure which should never have been started but which has been running since the end of the war. It was a pity to endorse that kind of adventure in Indo-China when we did not endorse the Dutch adventure in Indonesia. In fact, our record in Indonesia was quite the opposite of this sort of thing and it makes many millions of people in South-East Asia [61] wonder if we have really been sincere about our treatment of them since the end of the war.
Nor is it the best way of stopping Communism. I do not share my hon. Friend’s view that Ho Chi Minh may not be quite as bad as the French paint him. I believe he is a Communist and he is probably in close contact with the Chinese Communists. I think it is going to be extremely difficult from now on in Indo-China because of his connection with the Chinese Communists. But to set up a puppet regime in the country to oppose him is really to play the Russian game. This is the sort of thing the Russians have done behind what we call the Iron Curtain — the anti-democratic practice of setting up a regime against the wish of the people there.
Now we have made this mistake, the only thing we can do is to make the best of a bad job. I think our best course now, having done this, would be to press the French to make it a genuine independence because we have undertaken the recognition of a country which is not independent. Of course, it is not independent; it does not even begin to be independent. It does not control either its Army or a great part of its own domestic legislation; nor does it control its foreign affairs. If we have been gulled by the French into recognising this country, we had better see it becomes independent. I hope the Foreign Office will use our considerable influence in that part of the world to see that it really does become independent.
They might begin by suggesting to the French that the head of the new State should be allowed to live in the Governor’s House, at present occupied, I believe, by the French Governor. If, in this process of increasing independence the Bao Dai Government were to fall, that would be just too bad. If the Bao Dai regime is so weak and so lacks popular support that it cannot stand up without French support, then some time it must fall, because the French cannot keep their troops there indefinitely: they cannot afford to. We will not stop Communism in that part of the world by propping up this backward-looking regime, when everyone else in that area is going in a different direction.
This miserable story of French Indo-China is the great illustration of the correctness of our attitude towards Burma. These people who say that the situation in Burnma is not satisfactory forget that if we had done the same as the French in Indo-China the situation in Burma today would be one hundred times worse. We are now being called upon to endorse a French mistake in Indo-China. If we are to be pilloried for our decision in South-East Asia, we have the right to insist that the French conform to our sort of policy in South-East Asia.
The Minister of State (Mr. Younger) : My hon. Friend the Member for Maldon (Mr. Driberg) has indeed painted an exceedingly black picture of what is going on in Indo-China. I expected he would, and of course all of us are worried about the situation there. Indeed, we are worried about the situation not only there, but in many parts of South-East Asia. I would not dissent from my hon. Friend when he says — I cannot remember his exact words — that this is perhaps of all the areas in South-East Asia, the most critical. [62]
Therefore, I make no complaint about his having shown what we all feel — a serious sense of anxiety about what is happening. Nevertheless, I think that, particularly at the end of his remarks he used rather intemperate language. He was only painting one side of the picture. After all, in any area where there are civil disorders involving violence, by picking out suitable examples, one can always make it appear that what is in fact going on only in limited areas and to a limited extent is quite general. My hon. Friend omitted the other side of the picture.
As regards the future development, that is to say, the possibility of rapid establishment of the regime which is now in force there, and of which the head is the Emperor Bao Dai, there are, of course, varied opinions. Only one side of those opinions was referred to by my hon. Friend, but I can assure him that there have been many responsible and well-informed persons visiting Indo-China and inquiring into the situation there who do not by any means share the entirely uniformly gloomy point of view he takes. Representatives of ours, representatives of the United States and other persons with no other interest but that of discovering what is the truth, have come back painting, if not an optimistic picture, a very much less pessimistic picture than that painted by my hon. Friend.
Mr. Wyatt: Recently ?
Mr. Younger: Yes, very recently indeed.
Mr. Driberg: If my hon. Friend is referring to Dr. Jessup, does he recall that when Dr. Jessup talked the Siamese into recognition the Siamese Foreign Minister resigned ?
Mr. Younger : I am not going to speak of Dr. Jessup’s relations with Siam. He is only one of the persons who took a very much more balanced view of the situation than is apparently taken by my hon. Friend. My hon. Friend said in one part of his speech that we appeared to have recognised this regime —again, I am not quoting his exact words—on grounds quite contrary to normal international practice. I maintain exactly the reverse, and the first point I want to make is that on the grounds of the status which we are satisfied that this regime does in fact enjoy and of the extent of the control which it in fact exercises, it was normal international practice —I put it no higher than that—to grant recognition.
The fact is that Viet-Nam was recognised as an associate State of the French Union by us early this year. That was as a result primarily of an agreement between President Auriol and Bao Dai in March, 1949, and of subsequent agreements in December, 1949. I would point out that similar agreements granting similar status were entered into in respect not only of Viet-Nam but of the other States, Laos and Cambodia. In neither of those cases, so far as I am aware, has there been any criticism. Of course, one can distinguish between those States and the State of Viet-Nam on the ground that there is civil trouble going on in Viet-Nam; but from the point of view of their status and of the degree of independence which they enjoy, there can, I think, be no substantial distinction made. Therefore, so far as their status is concerned, I think we are quite justified in having accorded recogni tion.
[63] There were very long negotiations preceding the grant of recognition, and the States are now independent members of the French Union. If I have time, I will say a word on what that implies. It does not imply Dominion status in our sense of the word, but it implies a very great advance upon their previous position as French Protectorates which were internationally rccogniscd as such. We have rccognised their new status, and I think that we are doing no more than is implied by the term. We are not by any means alone in this. I think that there are now 19 States, including ourselves, who havc granted recognition and among them are many members of the British Commonwealth.
Mr. A. Fe/lIler Brockway (Eton and Slough) : What about India ?
Mr, Younger: It was said that our Asian friends were aghast. That is intemperate language. They have not themselves recognised the State, but is the hon. Gentleman aware that when the admission of the Indo-Chinese regime to the Economic Commission for Asia and the Far East came up at Singapore the line taken by our Indian friends was extremely moderate? It is true that they wished to have both parties —the Viet Minh and the Bao Dai regimes—acceptcd, but they did not suggest on that occasion that the regime of Viet-Nam was not worthy of being admitted to the Economic Commission. That hardly suggests the extreme view attributed to them in that matter by my hon. Friend.
As regards the factual position, I do not know where my hon. Friend gets the figure that only one-third of the country is undcr the Bao Dai regime. My information is that it controls a great deal more than that. It is quite clear that this is the only settled form of regime at all. Although there may be considerable areas, largely in the less inhabited parts of the country, which are within the control of Viet Minh, we are quite unable to say it is a largely developed welfare state. We do not know of any State in existence. We know that there are areas where a guerilla organisation exists with presumably some kind of civil organisation which enables life to go on.
But Supposing we wished to consider the rceognition of Viet Minh, we have no knowledge of where we should find it, of what sort of administration it possesses, and it has, as far as we know, no capital city. For that reason, if for no other, I am on safe ground in saying that although there may be an area not controlled by Bao Dai, he has no other rival who has any claim whatever to recognition.
Mr. Wyatt: Would the regime stand up if the French withdrew ?
Mr. Younger : I do not quarrel with the remark of my hon. Friend the Member for Aston (Mr. Wyatt) that we should press the French to develop the present state of considerable independence into a state of full independence. We believe that the French fully recognise this, and as far as our recognition can be taken to endorse one form of policy against another — and I am not suggesting that it should, since it is a question of rccognition of fact — it is an endorsement of rccent French action in granting this very great advance in constitutional independence. We should like to see that process developed as rapidly as possible.

No.9: Extract from the Proceedings of the House of Commons, 20 June, 1951
STAFF TALKS, SINGAPORE

48. Air Commodore Harvey asked the Minister of Defence if he will make a statement on the recent staff talks which took place in Singapore.
Mr. Shinwell : The talks took place in Singapore from 15th to 19th May and enabled the British Commanders-in-Chief in the Far East to have an exchange of views on defence problems in South-East Asia with military representatives of the United States of America and France. General de Lattre de Tassigny was the head of the French Delegation and Vice-Admiral Struble, United States Navy, was the head of the United States Delegation. Military observers from Australia and New Zealand attended the discussions.
Governments were in no sense committed by these talks. They were, however, most useful and a report, which has been prepared as a result of them, is being studied.
[57]
Air Commodore Harvey: Is the right hon. Gentleman satisfied that the representatives from Australia and New Zealand were given full facilities to state their point of view at this conference?
Mr. Shinwell : They were not formally brought into the consultations, but they are being informed of what transpired.
Commander Noble: Can the right hon. Gentleman say whether any such meeting has ever taken place before?
Mr. Shinwell : I could not say.

No.10: Resolution of the North Atlantic Council, 17 December, 1952
The North Atlantic Council recognises that resistance to direct or indirect aggression in any part of the world is an essential contribution to the common security of the free world. Having been informed at its meeting in Paris on the 16th December of the latest developments in the military and political situation in Indo-China.
Expresses its wholehearted admiration for the valiant and long continued struggle by the French forces and the armies of the Associated States against Communist aggression.
Acknowledges that the resistance of the free nations in South-East Asia, as in Korea, is in fullest harmony with the aims and ideals of the Atlantic community.
And therefore agrees that the campaign waged by the French Union forces in Indo-China deserves continuing support from the N.A.T .0. Governments.

More Stories From Lịch Sử VNQDĐ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh