Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Biển Đông: Bắc Kinh chọn đối đầu hay tuân thủ phán quyết La Haye?


Tin RFI.– Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, vừa ra phán quyết ngày 12/07/2016, bác bỏ yêu sách đòi hỏi « quyền lịch sử » trên gần như toàn bộ Biển Đông, với bản đồ hình « Lưỡi Bò », cùng nhiều yêu sách khác của Bắc Kinh. Trung Quốc cực lực phản đối các phán quyết của Tòa án. Công luận quốc tế lo ngại xung đột bùng phát tại Biển Đông. Xin giới thiệu một số dự đoán của truyền thông quốc tế, về các diễn biến sắp tới, sau phán quyết La Haye. (hình trên: Tòa án Trọng Tài Thường Trực La Haye (Permanent Court of Arbitration), nơi xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.)

Bài « Cuộc đọ sức cận kề tại Biển Đông/Showdown Now Looming Over the South China Sea » trên tờ Time, ngày 12/07/2016, dự đoán căng thẳng giữa hai cường quốc mạnh nhất thế giới sẽ dâng cao tại Biển Đông, thậm chí bùng phát thành xung đột. Time dẫn lời chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Hải Quân Mỹ, ông Andrew Erickson, ngay sau khi phán quyết được đưa ra, « Trong tương lai, tất cả các bên sẽ phải nỗ lực để ngăn chặn các mưu toan của Trung Quốc, chiếm đoạt những gì mà họ đã – và rõ ràng kể từ giờ trở đi – không thể đạt được bằng con đường hợp pháp ».

Theo Time, trong công luận Mỹ có hai luồng quan điểm, lạc quan và bi quan. Những người lạc quan cho rằng, sau phản ứng dữ dội ban đầu, chính quyền Bắc Kinh sẽ hiểu ra rằng, cộng đồng quốc tế buộc phải có lập trường kiên định, bởi Biển Đông là con đường hàng hải huyết mạch, bởi một phần ba lưu lượng hàng hóa toàn thế giới hàng năm đi qua ngả này. Phán quyết của Tòa án sẽ khiến Trung Quốc phải hãm lại việc bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân đảo tại Biển Đông.

Trong khi đó, bên bi quan thì cho rằng, ngược lại Trung Quốc sẽ gia tăng việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các thực thể tranh chấp tại Biển Đông. Chuyên gia Gregory Poling, viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS, lo ngại Trung Quốc sẽ có các phản ứng quyết liệt hơn. Bắc Kinh thậm chí có thể phong tỏa hoàn toàn bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Philippines kiểm soát, khu vực vốn từng bị phong tỏa vào năm 2014. Theo chuyên gia về châu Á Michael Green, việc Trung Quốc phong tỏa bãi Cỏ Mây lần nữa có thể nói chắc chắn sẽ dẫn đến các phản ứng rất mạnh từ phía « không quân hay hải quân Hoa Kỳ ».

Hoa Kỳ sẵn sàng cho xung đột

Trung Quốc cũng có thể lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ để trả đũa, như đã từng làm tại biển Hoa Đông năm 2013. Bắc Kinh đã cho xây dựng nhiều đường băng cho chiến đấu cơ tại một số thực thể địa lý ở Trường Sa, để chuẩn bị cho phương án này. Các máy bay dân dụng sẽ buộc phải thông báo khi ra vào khu vực này, tuy nhiên quân đội Mỹ không chấp nhận. Hiện tại Hoa Kỳ đã bố trí hai tàu sân bay ở miền tây Thái Bình Dương, sẵn sàng can thiệp tại Biển Đông khi cần. Trong trường hợp xung đột bùng phát tại Biển Đông, Hoa Kỳ phải chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với các máy bay tiêm kích Trung Quốc, trang bị tên lửa DF-21D, mà giới quân sự Hoa Kỳ mệnh danh là « sát thủ chống tàu sân bay ».

Phán quyết La Haye có thể coi là một « bước ngoặt » chưa từng có trong các tranh chấp tại Biển Đông. Trước khả năng Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa án La Haye, Hoa Kỳ chắn chắn sẽ tiếp tục tiến hành và thậm chí tăng cường các cuộc tuần tra hải quân để bảo vệ « quyền tự do hàng hải » trên khắp Biển Đông, vốn được các quốc gia ven bờ khác rất hoan nghênh. Theo một cựu sĩ quan hải quân Mỹ, hiện làm việc tại Center for a New American Security, « Hoa Kỳ, và đặc biệt là lực lượng Hải Quân, chắc chắn sẽ phải xem xét lại các phương án hành động, để hỗ trợ cộng đồng quốc tế tốt hơn, và làm cho luật pháp quốc tế được tôn trọng ».

Trong khi đó, theo Reuters, ngày 13/07, phản ứng trên thực tế của Trung Quốc không hẳn là đã chỉ có một chiều quyết liệt, sau phán quyết của Toà án La Haye. Trả lời báo giới tại Bắc Kinh, một thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố, quyết định thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông phụ thuộc vào « các đe dọa mà Trung Quốc phải đối mặt ». Quan chức nói trên cho biết thêm, « hy vọng các nước khác không sử dụng cơ hội này để đe dọa Trung Quốc, (…), biển Hoa Nam (tức Biển Đông) không bị biến thành nguồn gốc chiến tranh ». Vẫn trong cuộc họp báo này, đại diện ngoại giao Trung Quốc phàn nàn là trong số các thẩm phán của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, « không có ai là người châu Á, vì vậy họ không thể hiểu được vấn đề ».

Khả năng Trung Quốc từ từ thực thi phán quyết

Về triển vọng hậu La Haye, trang mạng của kênh truyền thông CNN đăng tải bài viết của giáo sư luật Hoa Kỳ William Burke-White, nguyên cố vấn của bộ Ngoại Giao Mỹ, với tựa đề «Liệu Trung Quốc phải chấp nhận phán quyết về Biển Đông?/ Will China abide by the South China Sea decision? ». Theo giáo sư luật Hoa Kỳ, phán quyết của Tòa án La Haye đặt Trung Quốc – một cường quốc đang trỗi dậy, có tham vọng bá chủ toàn cầu – vào thế đối đầu với một hệ thống pháp lý quốc tế được định hình sau Thế chiến Hai. Chuyên gia William Burke-White cho rằng, về dài hạn, Trung Quốc sẽ có lợi khi tuân thủ phán quyết của Tòa, bởi như vậy, sẽ tránh được nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự, và điều này phù hợp với mong muốn « trỗi dậy hòa bình » của Trung Quốc. Tác giả bài viết nhấn mạnh là, việc tuân thủ luật pháp quốc tế cũng giúp Trung Quốc « tiếp tục gia tăng ảnh hưởng về kinh tế ngày càng lớn tại khu vực này», không tự biến mình thành mối đe dọa về an ninh với các láng giềng.

Vẫn theo giáo sư luật Hoa Kỳ, Trung Quốc « không cần phải tuyên bố công khai và rõ ràng sẽ thực thi phán quyết, mà có thể chỉ cần thay đổi một cách từ từ trong các hành động trên thực địa, và trong các phát ngôn ». Những điều mà Trung Quốc có thể làm là giảm bớt các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông dựa trên các thực thể đã kiểm soát, và được bồi đắp thành các đảo nhân tạo, hay hành xử một cách ôn hòa hơn với tàu cá các nước hoạt động tại khu vực này, và nhất là hãm tốc độ xây dựng cơ sở quân sự tại Biển Đông. Nếu như vậy, đây sẽ là « một tín hiệu mạnh, cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế ».

Chuyên gia luật quốc tế Mỹ cũng phê phán việc Hoa Kỳ không tham gia Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), « điều đã được chính quyền Obama nỗ lực ngay từ đầu nhiệm kỳ». Thượng Viện Mỹ lo ngại tham gia UNCLOS, quyền lợi của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Theo tác giả, nếu tham gia UNCLOS, uy tín của Washington sẽ được nâng cao gấp bội, và như vậy « can thiệp của Mỹ để phán quyết của Tòa án La Haye được tôn trọng, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều».

Áp lực của luật pháp quốc tế

Về triển vọng hậu La Haye, nhà bình luận Ben Westcott, kênh CNN (bài «Vì sao phán quyết Biển Đông có thể làm thay đổi châu Á? /Philippines vs China: Why the South China Sea ruling may change Asia ?»), nhận xét : Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực mang tính bắt buộc, cho dù không có phương tiện để buộc các bên tuân thủ. Các phán quyết của Tòa cũng sẽ có các hệ quả về ngoại giao, nếu Trung Quốc từ chối tuân thủ. CNN dẫn lời nhà nghiên cứu Ian Storey, Viện nghiên cứu về Đông Nam Á tại Singapour (Institute of South East Asian Studies), theo đó, nếu không tuân thủ phán quyết, Bắc Kinh sẽ hủy hoại uy tín của chính mình, khi chống lại các nền tảng pháp lý mà chính Trung Quốc cam kết ủng hộ. Theo ông, dù sao, cũng không thể nào có một can thiệp quân sự, chống lại quốc gia không tuân thủ phán quyết của Tòa.

Nhà bình luận CNN kết luận, cho dù khả năng Trung Quốc tuân thủ các phán quyết Tòa Án Trọng Tài Thường Trực vừa đưa ra là không cao, và nếu Trung Quốc không tuân thủ thì Philippines cũng « khó thay đổi được trạng thái hiện nay », nhưng nhiều chuyên gia luật cho rằng Manila một lần nữa « có thể đưa vụ việc ra Tòa, và yêu cầu Tòa có các biện pháp nghiêm khắc hơn với Trung Quốc ».

Nguồn: Trọng Thành @ RFI

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh