Chuyên gia Pháp: Vì Biển Đông, Bắc Kinh có thể châm ngòi chiến tranh
Posted by Luu HoanPho, Aug 16, 2016, Comments Off
Tin DR 中文网络照片, RFI.- Trong bài phỏng vấn mang tựa « Ở Biển Đông, một cuộc chiến tranh toàn diện có thể nổ ra », đăng trên trang mạng báo Le Figaro ngày 12/08/2016, giáo sư về chiến lược Renaud Girard (Học Viện Chính Trị Paris) không ngần ngại cho rằng chính chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc, một nước không coi luật lệ quốc tế ra gì, có thể gây nên một cuộc « chiến tranh toàn diện với cường độ cao ». (hình trên: Biểu tình chống Mỹ trước một nhà hàng KFC ở Trung Quốc, sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết Biển Đông bất lợi cho Trung Quốc hôm 7/2016)
Tranh chấp Biển Đông đang biến châu Á thành khu vực dễ bùng nổ nhất trên thế giới hiện nay. Dựa trên nhận định này, nhật báo Pháp Le Figaro đã đặt một số câu hỏi cho Renaud Girard, giáo sư về chiến lược tại Học Viện Khoa Học Chính Trị Sciences Po Paris, đồng thời là bình luận viên quốc tế, phóng viên chiến trường, từng bám sát các cuộc xung đột lớn trên thế giới từ năm 1984 đến nay.
Trong bài phỏng vấn mang tựa « Ở Biển Đông, một chiến tranh toàn diện có thể nổ ra », đăng trên trang mạng báo Le Figaro ngày 12/08/2016, giáo sư Girard cho rằng chính chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc, một nước không coi luật lệ quốc tế ra gì, có thể gây nên một cuộc « chiến tranh toàn diện với cường độ cao ».
RFI xin giới thiệu bài phỏng vấn giáo sư Renaud Giard do nhà báo Alexis Feertchak thực hiện.
AF : Khi nói quá nhiều về mối đe dọa của Nga và tình hình hỗn loạn tại Trung Đông, phải chăng chúng ta đã quên châu Á ? Sau sự kiện Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, tháng Bảy vừa qua, đã ra phán quyết chống lại Trung Quốc, liệu cuộc khủng hoảng ở Biển Đông có nguy cơ trở thành trầm trọng hơn ?
RG : Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với những cuộc chiến tranh cường độ thấp. Thậm chí cuộc chiến mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tiến hành chống chúng ta còn là một cuộc chiến tranh cường độ rất thấp. Mức tử vong bình quân của người Pháp tính tròn cho 4 năm thời Thế chiến II, là 1.000 người chết mỗi ngày. Ở đỉnh cao của trận đánh sông Marne vào năm 1914, có đến 20.000 người chết trong vỏn vẹn một ngày.
Điều đáng sợ nhất ngày nay là sự tái lập một cuộc chiến tranh toàn diện trên quy mô lớn, đại loại như cuộc chiến tranh Thế Giới lần thứ I 1914-1918. Tôi không nghĩ rằng một cuộc chiến tranh như vậy có thể đến từ phía Nga, bởi vì rốt cuộc ông Vladimir Putin đã cho thấy tại Ukraina là ông ta là một người biết lý lẽ. Ông ta hoàn toàn có thể chiếm lấy cảng Mariupol để thiết lập sau đó một sự liên tục lãnh thổ giữa Nga và bán đảo Crimée. Nhưng ông ta đã không làm như vây.
Putin chỉ muốn thăm dò quyết tâm của chúng ta (tức là phương Tây). Điều đó là lý do giải thích vì sao ông ta lại phái oanh tạc cơ và tàu ngầm đi mọi nơi, kể cả đến vùng biển Manche, và đặc biệt là đến vùng Biển Baltic gần các nước Baltic.
Chúng ta chỉ cần cho thấy rằng chúng ta đã sẵn sàng đối phó – trong tư cách là những người bạn hiểu rõ quyền lợi của mình là gì, chứ không phải là kẻ thù – bởi vì đó là những gì mà ông ta chờ đợi, và như vậy, ông ta sẽ tôn trọng chúng ta hơn. Chúng ta phải cho thấy rằng chúng ta cũng có chiến đấu cơ Rafale và tàu ngầm tấn công hạt nhân. Chúng ta phải cho thấy là NATO sẽ không nhượng bộ trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ của các thành viên của mình.
Trung Quốc rõ ràng là khinh thường mọi luật lệ quốc tế
Tuy nhiên, ở châu Á, chính sách bành trướng trên biển của Trung Quốc rất đáng lo ngại. Nó có thể dẫn đến một thứ chiến tranh mà từ lâu rồi chúng ta không còn thấy nữa, tức là một cuộc chiến tranh toàn diện cường độ cao.
Trung Quốc rõ ràng là khinh thường mọi luật lệ quốc tế cũng như mọi hình thức đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông. Việc Trung Quốc coi thường phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye là sư kiện khiến tôi lo ngại nhất trên phương diện địa lý chính trị trong năm 2016 này.
AF : Trung Quốc đã đảo ngược lập luận bằng cách giải thích rằng họ muốn đàm phán, nhưng chính Philippines đã không chịu và đã trực tiếp ra kiện trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye…
RG : Để nói cho hoàn toàn chính xác, Trung Quốc không bao giờ muốn đàm phán đa phương. Họ không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ đàm phán song phương. Ta hoàn toàn có thể tưởng tượng ra rằng trong một cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Brunei chẳng hạn, Bắc Kinh sẽ được lợi thế như thế nào… Điều này là rất nguy hiểm.
Sự thèm khát lãnh thổ và lãnh hải của Bắc Kinh tại Biển Đông khiến ai cũng phải chóng mặt
Tại Biển Đông, Bắc Kinh đã có một chính sách tạo nên sự đã rồi, chiếm cứ những rạn san hô mà luật pháp quốc tế gọi là terra nullius, tức là các bãi đá chưa bao giờ thuộc về ai. Ở đấy, Trung Quốc muốn xây dựng một “trường thành cát” bằng cách biến các đảo nhỏ ở vùng Hoàng Sa và Trường Sa thành vô số căn cứ không quân.
Bằng chiến lược bồi đắp các đảo nhân tạo lớn, Trung Quốc đã thiết lập những căn cứ quân sự, căn cứ không quân và hải quân gần Philippines hay Việt Nam hơn là bờ biển riêng của Trung Quốc. Họ tự cho quyền cấm tàu nước ngoài đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh những rạn san hộ trong tay họ, và quyền hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm áp dụng với một lãnh thổ.
Hiện nay, Trung Quốc có thái độ vô cùng thô bạo đối với các ngư dân Việt Nam đi vào những vùng mà Trung Quốc tự cho không gian kinh tế của họ. Thái độ thèm khát lãnh thổ và lãnh hải của Bắc Kinh tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông quả thực là khiến ai cũng phải chóng mặt.
Ở Biển Hoa Đông, vấn đề quần đảo Senkaku với Nhật Bản cũng không kém phần đáng ngại. Lúc này tình hình căng thẳng vẫn còn trong tầm kiểm soát của hai bên, nhưng không thể loại trừ việc Tập Cận Bình (chủ tịch Trung Quốc) một ngày nào đó có hành động lệch lạc nghiêm trọng.
Tập Cận Bình có thể kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan
Lý do đầu tiên là vì ông Tập Cận Bình hiện có nhiều uy lực hơn trước : ông ít bị sáu thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị kiểm soát hơn. Quyền lãnh đạo tập thể trong ủy ban thường vụ cũng giảm sút hơn trước. Đã có sự trở lại của chế độ sùng bái cá nhân và một nhân vật mạnh ở vị trí lãnh đạo đất nước.
Nền kinh tế Trung Quốc, hiện đang khựng lại, có thể suy yếu nghiêm trọng nay mai, đặc biệt do việc hệ thống ngân hàng hoàn toàn thiếu minh bạch bị sụp đổ. Rủi thay, ta không thể loại trừ khả năng là trước các bất mãn nội bộ tăng cao, Tập Cận Bình sẽ kích động chủ nghĩa dân tộc để đoàn kết dân chúng, kéo theo một cái vòng luẩn quẩn.
Không nên quên rằng Hoa Kỳ đã có nhiều thỏa thuận chiến lược trong khu vực, với Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hoa Kỳ thậm chí còn dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam! Đây quả là một sự kiện đáng nói vì lẽ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đối với Trung Quốc từ sau vụ Thiên An Môn đến nay vẫn tồn tại !
Trong thực tế, cuộc chiến tranh năm 1914 bắt nguồn từ một tình huống ít căng thẳng hơn rất nhiều (so với tình hình Biển Đông hiện nay). Ta không thể loại trừ tác hại dây chuyền sau một số sự cố hải quân, điều hoàn toàn có thể xẩy ra với một nước Trung Quốc trong đó chủ nghĩa dân tộc bị kích động đến mức tối đa.
Đây là điều đã từng xảy ra trong lịch sử gần đây, với các quốc gia dĩ nhiên là nhỏ hơn Trung Quốc, chẳng hạn như vụ các nhà độc tài Achentina đã cố gắng đoàn kết người dân bằng cách dùng võ lực tái chiếm quần đảo Falklands (thuộc Anh Quốc) vào năm 1982.
Nguồn: DR 中文网络照片, RFI/Mai Vân