Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Saturday, November 2, 2024

Nhân 145 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Trường Tộ (1871-2016) – Nguyễn Trường Tộ hiến kế dùng Tây chặn Tàu để bảo vệ biển Đông Việt Nam


Nguyễn Thanh Giang @Danlambao: – Tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á và đặc biệt với Việt Nam ngày càng quyết liệt. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng từ khi họ trình ra Liên Hợp Quốc vào tháng 5 năm 2009 tấm bản đồ hình lưỡi bò “liếm” hầu như toàn bộ Biển Đông. Họ ngang nhiên bắt bớ, giam giữ, tịch thu tầu thuyền ngư phủ Việt Nam ngay tại những vùng biển mà cha ông ta vẫn đánh bắt hải sản từ xưa. Báo chí Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố:“Phải gia tăng sức mạnh chấp pháp hải dương tại vùng Biển Đông, xua đuổi và bắt giữ kịp thời những thuyền cá tác nghiệp phi pháp tại vùng biển của ta, đồng thời căn cứ vào luật pháp có liên quan của Trung Quốc tiến hành xử lý, và cũng phải tiến hành hành động chống bắt giữ, chống xua đuổi, nhằm bảo đảm an ninh cho ngư thuyền tác nghiệp nước ta”. (hình trên: cụ Nguyễn Trường Tộ đăng trên DanLamBao)

Họ không chỉ ngăn trở các tập đoàn đa quốc gia BP, Exxon… hợp tác với Việt Nam mà còn sách nhiễu tàu của hải quân Hoa Kỳ qua lại trên vùng biển này. Cho nên trong một hội nghị quốc tế tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, bà Hillary Clinton, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã phải tỏ thái độ cứng rắn: “Hoa Kỳ, cũng như mọi quốc gia khác, có lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại, tự do đi vào vùng biển chung của châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông”.

Về phía các nước Đông Nam Á, tháng 4 năm ngoái, tàu Ngư Chính của Trung Quốc đã bị tàu Malaysia bám theo sát suốt 17 tiếng đồng hồ, cùng lúc, phi cơ chiến đấu của Malaysia đã xuất hiện và bay lượn liên tục khoảng 15 phút bên trên hai chiếc tàu này. Kết quả: tàu Ngư Chính của Trung Quốc phải bỏ chạy.

Đầu tháng 3 năm nay, tàu chiến Trung Quốc đến gây sự với tàu địa vật lý đang thăm dò địa chấn tại khu vực Reed Bank – Trường Sa liền bị không quân Philippines săn đuổi bạt vía.

Trong khi đó, biết là Trung Quốc tổ chức tập trận trái phép trên lãnh hải Trường Sa của mình nhưng một tuần sau đó, ngày 2 tháng 3 vừa rồi nhà nước CS Việt Nam mới lên tiếng phản đối; biết là tàu kẻ cướp Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân ta nhưng báo chí của Đảng chỉ dám nói chại: “tàu lạ”! Duy chỉ có lần trong một bài bình luận trên đài phát thanh Tp. Hồ Chí Minh, người ta nghe thấy tiếng nói của nhân dân địa phương này dám ví hải quân Trung Quốc như hải tặc Somali:“Năm 2009 đã có 33 tàu và 433 ngư dân, từ đầu năm 2010 đến nay 3 tàu và hơn 40 ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc, thậm chí tịch thu tàu, ngư cụ, sản phẩm đánh bắt được trên tàu. Việc làm của một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali”.

Các nước trong khu vực: Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Thái Lan đã cùng với Mỹ thành lập nhóm “Karat” như một liên minh quân sự bảo vệ cho nhau trước hiểm họa bá quyền Trung Quốc.

Tại Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã có hai quân cảng ở Guam và Changi (Singapore). Dư luận cho biết Hoa Kỳ rất muốn thuê cảng Cam Ranh như Liên Xô trước đây bởi nếu có thêm Cam Ranh thì sẽ hoàn tất được cụm tam giác bao vây Trung Quốc. So với mọi căn cứ hải quân của Trung Quốc việc điều quân từ Vịnh Cam Ranh ra bất kỳ đảo nào ở Biển Đông đều thuận lợi hơn.

Trước thực trạng đó, một số trí thức ưu thời mẫn thế, các đảng viên nhiều tuổi, các chính khách và cơ quan thông tấn nước ngoài hỏi tôi: nên làm gì?

Tôi vừa ngợp trước vấn đề khó và lớn quá, vừa không tiện nói thẳng, nói thật, chỉ xin được viện dẫn ý kiến của nhà chí sỹ đại tài Nguyễn Trường Tộ.

Cách đây 143 năm, trong bản văn “Tiểu trừ giặc biển” đề ngày 15 tháng 10 năm 1868 Nguyễn Trường Tộ đã cho biết “đường biển có ba cái hại lớn: Một là gió bão, hai là giặc biển, ba là người Tây” Trong ba cái hại ấy thì: “Gió bão thì phạm vào thiên thời,… làm hại rất ghê gớm, mãi mãi không thôi, rất khó xử trí”, ”Còn người Tây thì giỏi về thủy lộ, nước ta khó chống đỡ được. Chỉ có cách bình tĩnh mà đối phó, giữ hòa để bao vây, khéo bề xử sự thì họ cũng chưa vội nhiễu hại ta, mà trái lại còn giúp ta nữa”. Duy bọn “Người Thanh (Trung Quốc) ở trên các đảo này tụ nhau làm giặc. Đây là số giặc biển nhiều nhất trên địa cầu. (Trên địa cầu có hai chỗ có giặc biển, một ở Địa Trung Hải nay đã dẹp yên, duy chỉ có hình thế Nam Dương – tức Thái Bình Dương thì khác. Người Thanh quá đông không có cách gì để trừ hết được)”.

Với trí xét đoán mang giác quan thần linh, Cụ nhận định: “Giặc biển là mối hại chung cho cả nước ta, nạn giặc này đã lâu lắm rồi chẳng phải một sớm một chiều nữa mà tương lai cũng không biết đến lúc nào thì hết, nghiễm nhiên là một giặc dai dẳng. Những thứ giặc khác cũng có lúc bại vong, chứ bọn giặc biển này thì cha truyền con nối. Nước ta bị chúng nhiễu hại, nếu chỉ một vài năm còn có thể dần dà mong khỏi, nếu chỉ có một vài lần còn có thể tìm cách bắt. Nhưng đến nay chúng tới lui chẳng phải chỉ một hai năm, cướp bóc giết hại chẳng phải chỉ một hai lần nữa. Sự tổn thất của công và của tư mỗi năm kể có số vạn, đường thương mại không thông, hàng hóa ứ đọng, thật là một cái hại lớn cho sinh dân. Năm này qua năm khác chẳng đã thiệt hại hằng ức triệu đó sao? Dân ven biển, những nhà buôn bán giàu sang là cửa họng của cư dân thượng bạn hạ bạn, thế mà mấy năm nay bị chúng cướp phá giết chóc không biết bao nhiêu nay đã trở thành nghèo cùng.”

Trên cơ sở so sánh tương quan: “Giặc biển so với binh thuyền người Tây thì cũng như chuột so với hổ mà thôi”, Nguyễn Trường Tộ đã khuyên triều đình nên “Nhờ vào thế lực của Tây”: “Nếu ta biết cư xử thỏa đáng với người Tây thì sẽ cùng nhau sống yên ổn vô sự, mà lại có thể tăng cường tiểu trừ giặc biển khiến chúng không dám lui tới”. 

Cụ đưa ra phân tích chi tiết về mối lợi đôi bên để lôi kéo đồng minh: “Nay nếu ta thành thật đi lại với họ, coi như anh em, đem việc đó nói rằng: Bọn giặc biển lấy biển làm vườn, lấy nước làm nhà, ẩn hiện bất thường, nước tôi có lắm việc không thể phòng tiểu được hết, nay Tây Nam đã hòa hiếu mà đường đi lại Nam Bắc không thông như thế cũng chẳng lợi ích gì cho quý quốc, quý soái trước đã có lời như vậy nay nếu thỉnh thoảng tuần hành trên mặt biển bắt hết thuyền phỉ giao cho nước chúng tôi xử trị thì chẳng những thông được đường buôn bán mà còn làm tăng thêm tình giao hảo giữa hai nước”.

Dưới đây là trích đoạn nguyên văn di thảo “Tiễu trừ giặc biển” của Nguyễn Trường Tộ:

“Giặc biển là mối hại chung cho cả nước ta, nạn giặc này đã lâu lắm rồi chẳng phải một sớm một chiều nữa mà tương lai cũng không biết đến lúc nào thì hết, nghiễm nhiên là một giặc dai dẳng. Những thứ giặc khác cũng có lúc bại vong, chứ bọn giặc biển này thì cha truyền con nối. Nước ta bị chúng nhiễu hại, nếu chỉ một vài năm còn có thể dần dà mong khỏi, nếu chỉ có một vài lần còn có thể tìm cách bắt. Nhưng đến nay chúng tới lui chẳng phải chỉ một hai năm, cướp bóc giết hại chẳng phải chỉ một hai lần nữa. Sự tổn thất của công và của tư mỗi năm kể có số vạn, đường thương mại không thông, hàng hóa ứ đọng, thật là một cái hại lớn cho sinh dân. Năm này qua năm khác chẳng đã thiệt hại hằng ức triệu đó sao? Dân ven biển, những nhà buôn bán giàu sang là cửa họng của cư dân thượng bạn hạ bạn, thế mà mấy năm nay bị chúng cướp phá giết chóc không biết bao nhiêu nay đã trở thành nghèo cùng. Thử xem nội tình hình Ba Trang hiện nay đã không nói hết được, thì suy ra cả nước cũng có thể biết như thế nào. Có hằng sản mới có hằng tâm, dân nếu đói khổ thì tuy có bụng thích việc nghĩa việc công cũng chẳng làm được gì. Sở dĩ nước Anh cường thịnh cũng chỉ do trước hết thi hành cái kế sách làm cho của cải dồi dào, và sửa sang binh bị cũng lấy việc nuôi dân làm trước hết. Như thế có thể nói họ biết được cái căn bản. Nước ta một mặt là bờ biển, đất hẹp mà dài, đường bộ khó đi lại, không như hình thế nước khác hoặc tròn hoặc vuông đi lại không xa. Cho nên cái mà ta nhờ vào đó để lấy xa làm gần thì duy chỉ có đường biển mà thôi. 

Nhưng đường biển lại có ba cái hại lớn: Một là gió bão, hai là giặc biển, ba là người Tây. Muốn trừ được ba cái hại đó thì chỉ có kế khai cảng. Ở đoạn cuối trong bài “Tế cấp bát điều” tôi đã nói kỹ. Đó là kế hay nhất. Thứ đến, tuy cũng có những mưu kế khác nhưng đều thiếu sót không được trọn vẹn, trong cái lợi có cái hại, tôi xin phân tích như sau:

Đường duyên hải nước ta từ Quảng Yên trở vào từ Bình Định trở ra là một trong ba đường gió bão trong địa cầu này. (Ba đường gió bão ấy là: Một ở biển ta, một ở vịnh Mạnh Gia Ấn Độ và một ở vịnh Mạch Tây Ca ngoài ra không đâu có gió bão nữa). Biển thì ba mặt Đông Nam Bắc có rất nhiều đảo đếm không hết. Người Thanh ở trên các đảo này tụ nhau làm giặc. Đây là số giặc biển nhiều nhất trên địa cầu. (Trên địa cầu có hai chỗ có giặc biển, một ở Địa Trung Hải nay đã dẹp yên, duy chỉ có hình thế Nam Dương – tức Thái Bình Dương thì khác. Người Thanh quá đông không có cách gì để trừ hết được). Gió bão thì phạm vào thiên thời, giặc biển thì phạm vào địa lợi, cả hai thứ đó làm hại rất ghê gớm, mãi mãi không thôi, rất khó xử trí. Còn người Tây thì giỏi về thủy lộ, nước ta khó chống đỡ được. Chỉ có cách bình tĩnh mà đối phó, giữ hòa để bao vây, khéo bề xử sự thì họ cũng chưa vội nhiễu hại ta, mà trái lại còn giúp ta nữa. Trong các bài từ trước tôi đã bẩm rõ. Nói về việc khai cảng thì rất cần thiết đối với việc trừ hai cái hại gió bão và giặc biển nói trên (Trước đã bẩm rõ sự lý, nay không nói nữa), còn đối với người Tây thì tựa hồ như chưa cần thiết. Nhưng cứ theo như bài tôi đã nói trước đây là sau này khi ta đã đủ sức gây khó khăn cho họ thì cái khoản đó (khai cảng) thật là thượng kế. Cái lợi hại của nó gió bão giặc biển không sao so sánh được. Cho nên khai cảng là một kế lớn có lợi dài lâu cho nước ta, thế mà nhiều người không hiểu rõ cái quan hệ lợi hại đối với quốc dân sau này, chỉ thấy cái cực nhọc tạm thời trước mắt mà bàn chuyện cản trở, đó là điều do chưa suy kỹ mà thôi. Bởi vì thói thường người ta chỉ lo cứu hoạn mà không biết lo làm sao cho mối hoạn không sinh ra. Đợi cho hoạn nạn sinh ra rồi thì ngày nào cũng lo cứu không xong còn nói gì đến lợi được nữa? Nếu khiến cho hoạn không sinh thay vì cứu hoạn thì có thể nói rằng khai cảng là khiến cho hoạn không sinh ra vậy. Cho nên mới bảo đó là kế rất hay. Nếu ta biết cư xử thỏa đáng với người Tây thì sẽ cùng nhau sống yên ổn vô sự, mà lại có thể tăng cường tiễu trừ giặc biển khiến chúng không dám lui tới. Hai việc đó còn có thể làm được, còn đối với gió bão mà không mở cảng thì không thể làm được. Nếu đường cảng làm thành rồi, thì ba cái nạn kia không thể làm hại ta được nữa, như thế mới là kế vạn toàn. Trong bài từ trước tôi đã nói rất rõ nay chỉ nói sơ qua lý lẽ của nó mà thôi. Đấy là kế sách lâu dài không phải là việc có thể làm trong một lúc. Nay trong những việc cấp bách tuần tự có bốn điều kế sách sau đây tưởng cũng có thể làm được: 

1. Nhờ vào thế lực của Tây

Vì bấy lâu ta bị bọn giặc bể cướp phá giết chóc, đến quan lính cũng không thể phòng chế được, huống nữa thường dân trong tay không có một tấc sắt. Việc đó từ lâu mọi người đã tai nghe mắt thấy, thiên hạ không ai không biết, không thể che giấu được. Nước ta sở dĩ bị người ta xem là yếu hèn vì có nhiều lẽ mà đấy là lẽ thứ nhất. Giặc biển so với binh thuyền người Tây thì cũng như chuột so với hổ mà thôi. Đến bọn phỉ hèn mọn như thế mà ta còn không thể tiễu trừ được huống chi là kẻ địch lớn. Cho nên bảo rằng ta yếu là vì thế. Nay nếu không mượn binh lực của họ thì hèn yếu mà vẫn không được lợi gì, vẫn hoàn hèn yếu. Nếu họ thay ta tiễu trừ thì tuy mang tiếng hèn yếu nhưng được lợi lớn, cái tiếng hèn yếu tuy không khác, nhưng lợi hại thì có khác, những cái đó đều do ta cả. Xưa kia Thân Hậu nhờ Nhung binh trừ nội loạn, Đường Thái Tôn nhờ Đột Quyết lấy thiên hạ, cho nên nói chịu nhẫn nhục để được việc lớn thì có gì xấu hổ đâu? Nay nếu ta thành thật đi lại với họ, coi như anh em, đem việc đó nói rằng: Bọn giặc biển lấy biển làm vườn, lấy nước làm nhà, ẩn hiện bất thường, nước tôi có lắm việc không thể phòng tiễu được hết, nay Tây Nam đã hòa hiếu mà đường đi lại Nam Bắc không thông như thế cũng chẳng lợi ích gì cho quý quốc, quý soái trước đã có lời như vậy nay nếu thỉnh thoảng tuần hành trên mặt biển bắt hết thuyền phỉ giao cho nước chúng tôi xử trị thì chẳng những thông được đường buôn bán mà còn làm tăng thêm tình giao hảo giữa hai nước. Như thế họ sẽ vui lòng giúp ta, ta có thể ngồi hưởng lợi. Nếu bảo để họ đi lại đường biển, ra vào cửa cảng như thế, lâu ngày sẽ có bụng này khác, như người xưa nói: Dẫn lang binh để trừ nội khấu, nhưng sự thế bây giờ khác không thể cứ nói mãi một cách như vậy được. Nếu có thời cơ có thể quấy nhiễu ta thì dù không tiễu phỉ họ cũng đột nhập đất ta. Dù không qua lại mà nước ta không có chỗ nào họ không biết, che giấu cũng chẳng được nào! 

Năm trước có một quan Tây tên là Vĩ An (Vial), lên Kinh đến sứ quán ba ngày rồi trở về Gia Định. Tôi giả hỏi ông ta hình thế Phú Xuân, để xem tầm mắt nhận xét của ông ta như thế nào. Ông nói: “Chỗ ấy rất có hình thế, nhưng sự bố trí còn nhiều chỗ thất thế không hợp với địa lý binh pháp. Nếu người Tây mà ở đấy thì dù lực lượng nào cũng không thể xâm nhập được. Tôi nói: “Nếu người Nam mà bố trí đúng phương pháp như người Tây thì thế nào?” Ông ta cười nói: “Tuy có công cụ nhưng không có người biết sử dụng điều khiển thì cũng bị vây hãm mà thôi”. Tầm mắt của ông ta thật là tinh vi, thấy một góc mà có thể biết được bốn mặt, cho nên mới nói như thế. Còn chỗ nào có thể ngăn trở được họ đâu? Nếu ta đối xử khéo với họ thì mối hoạn sau này chưa chắc đã sinh ra ngay mà hiện tại có thể trừ được hại lớn. Thế thì ta nhân lợi ích đó để làm con đường đi đến giàu mạnh không được sao? Họ sở dĩ có bụng giúp ta đánh phỉ cũng là muốn thông đường buôn bán với nhau, cũng là vì lợi cho họ mà cũng nhân đây dò xem ta có thành thật hòa hảo với họ hay không. Nay ta nên nhân đấy mà thuận với họ để có lợi cho ta để phá cái thâm kế đó của họ, để họ không gấp rút mưu tính được ta (Trong các bài trước tôi đã bẩm rõ). Như thế thì ta mới được thung dung để tìm kế khác. Đó là giả cách thuận với họ, trọng vọng họ để được lợi. Cách này trong binh pháp gọi là ty mà kiêu là thế. Nếu bảo rằng chịu ơn của họ thì sau này hoặc có yêu sách gì cũng sẽ khó bề thoái thác. Theo tình thế hiện nay mà nói thì ta tuy không chịu ơn họ, mà vạn nhất họ cứ nhất định đưa yêu sách liệu ta có thể có sức chống lại được không? Ta cũng không thể chống được thì bất kỳ chịu ơn hay không chịu ơn cũng bị sự phiền nhiễu đó. Chi bằng chịu ơn mà được lợi rồi cam chịu sự phiền đó còn hơn. Nhưng yêu sách là việc chưa chắc đã xảy ra mà ta có thể thư giãn được tình thế cấp bách hiện thời, nhân cái việc chưa chắc đã có đó để mà được cái lợi nhất định, chẳng còn hơn là đợi đến lúc không thể chối từ mà chẳng được lợi gì cả hay sao? Vả lại, ta đã từng chịu lụy họ mà chưa được đền bù, nay họ bỗng nhiên muốn thi ân cho ta phải chăng ý trời lấy đó làm sự đền bù cho ta cũng chưa biết chừng, như thế sao lại không chịu? Xưa kia, quan nhà Thanh cũng đã từng nhờ người Anh hợp lực tiễu trừ giặc biển mà cũng chưa hề thấy người Anh nói gì đến ân với huệ. Trung Quốc còn nhún mình để được lợi huống hồ ta? Đem khí khái ra mà nói thì cũng khó nhún mình thực đấy, nhưng cái câu “Tuy bại mà vinh” của người xưa thật đã tạo sai lầm cho không biết bao nhiêu người. Đó là chỉ nghĩ đến cái danh riêng mà không biết vụ cái lợi ích chung. Binh pháp có nói: “Tiến không cầu danh, chỉ làm sao bảo vệ được dân mà thôi”. Nói về cái dũng có ý nghĩa thì những việc làm vì nước vì dân ai có thể bảo đó là sai trái? Cho nên cái kế nhờ vào sức người Tây hiện nay có thể thực hành được ”.

Nhân được tin Philippines vừa mua một khu trục hạm tối tân của Hoa Kỳ, kính nhờ độc giả chuyển thêm ý kiến liên quan của Nguyễn Trường Tộ trong bản điều trần gửi Tự Đúc đề ngày 10 tháng 4 năm 1871 kèm đây đến các vị lãnh đạo đất nước ngày nay:

“Mấy năm trở lại đây, sở dĩ nước ta mỗi ngày một thêm nhiều nạn cướp biển là vì ở Trung Quốc hiện nay ngành mậu dịch mỗi ngày một thịnh. Họ đã tạo được nhiều tàu tuần dương chạy bằng máy và các tàu buôn, tàu nhà binh của phương Tây qua lại đường biển như mắc cửi. Người Pháp cũng tuần hành nghiêm ngặt suốt từ Bình Thuận đến Hà Tiên. Do đó thuyền phỉ khó bề phóng túng hoành hành ở hai mặt biển ấy được mà phải trốn sang tá túc nơi hải phận nước ta. Nay nếu ta mua được năm, sáu chiếc thuyền máy chắc chắn, mỗi thuyền có độ mười khẩu đại pháo lớn nhỏ. Rồi lại thuê người Anh người Pháp mỗi thuyền một người trông nom máy móc và bốn người tập bắn, hợp cùng lính của ta vừa đi tuần vừa tập luyện dàn thành chữ nhất đi từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, gặp thuyền phỉ đều bắt hết đưa về xử trí còn thuyền thì sung công. Nếu giặc biển dồn tụ thành sào huyệt thì thuyền máy của ta hợp lại tiêu diệt, giặc sẽ tan vỡ, mất chỗ tụ tập khó có thể xâm nhập nội địa được ”

Tác giả: Nguyễn Thanh Giang @ DanLamBao

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh