Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Philippines khai thác lá bài cạnh tranh Mỹ-Trung để hưởng lợi ?


Tin REUTERS, RFI.– Những tuyên bố trái ngược của tổng thống Philippines về Biển Đông, rạn nứt trong quan hệ giữa Manila với đồng minh truyền thống là Mỹ, gần đây nhất là thông báo về khả năng Philippines mua vũ khí của Nga hay Trung Quốc khiến giới phân tích nêu lên câu hỏi : liệu đấy chỉ là những lời tuyên bố rỗng tuếch hay thực sự là chiến lược của tân tổng thống Duterte khai thác lá bài cạnh tranh Mỹ- Trung có lợi cho Philippines.

Cách nay hai ngày, phát biểu trước các quan chức quân sự tại Manila, tổng thống Rodrigo Duterte thông báo có hai quốc gia đồng ý bán vũ khí cho Philippines nhưng không nêu đích danh hai quốc gia đó. Ông Duterte cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana và các chuyên gia sẽ viếng thăm Trung Quốc và Nga trong tương lai gần, để tìm kiếm nguồn cung cấp « tốt nhất » cho Philippines.

Từ hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ luôn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Philippines. Do vậy nhiều nhà quan sát cho rằng, kịch bản Philippines mua vũ khí của Trung Quốc để tăng cường khả năng phòng thủ sẽ không xảy ra. Nhưng tuyên bố vừa qua của tổng thống Duterte phản ánh dư âm phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Sau khi từng tuyên bố là « máu sẽ đổ », nếu như Trung Quốc dùng sức mạnh lấn chiếm biển đảo của Philippines, thì cũng chính tổng thống Rodrigo Duterte đã tỏ thái độ hòa hoãn với Bắc Kinh khi đề nghị cùng Trung Quốc khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng biển có tranh chấp.

Trong buổi nói chuyện với các giới chức quân sự Philippines ngày 13/09/2016, không nêu đích danh một quốc gia nào, hay Hoa Kỳ, nhưng tổng thống Philippines đã nhấn mạnh : ông sẽ không cho phép quân đội tập trận chung ở Biển Đông với bất kỳ một lực lượng nước ngoài nào.

Tuần trước, Manila yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi miền nam Philippines. Đây là nơi từ năm 2002 nhiều cố vấn quân sự Mỹ được điều tới để hỗ trợ Philippines đối phó với quân nổi dậy Hồi giáo.

Quan hệ giữa tân chính quyền Manila với đồng minh Hoa Kỳ cũng đã trở nên đặc biệt tế nhị kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền hồi tháng 6/2016.

Theo như phân tích của nhà nghiên cứu Oh Ei Sun, thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam, tại Singapore, rất có thể trong thời gian tới ông Duterte tiếp tục tỏ thái độ thân Bắc Kinh hoặc sẽ còn có những phát biểu quá trớn và mang tính khiêu khích hơn nữa với Mỹ, bởi vì lãnh đạo Philippines thừa biết Manila là một trong những cột trụ chính trong chính sách xoay trục sang Châu Á của Hoa Kỳ. Tổng thống Duterte do vậy đánh cuộc là trong mọi trường Washington cũng sẽ nhẹ tay với Philippines, trong khi đó Bắc Kinh sẽ không dễ bỏ qua cho Manila, nếu Philippines cứ duy trì chính sách đối đầu trên hồ sơ Biển Đông.

Chỉ riêng trong lĩnh vực mua bán vũ khí thì chuyên gia Singapore này cho rằng, tổng thống Duterte đã nêu lên khả năng mua trang thiết bị quân sự của Trung Quốc chẳng qua là nhằm mặc cả và đòi nhà cung cấp Hoa Kỳ phải tính toán sao cho cả đôi bên cùng có lợi. Đây cũng là quan điểm của chủ tịch Viện nghiên cứu Nam Hải (tức Biển Đông) của Trung Quốc, Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun). Ông viện chứng : Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương giữa Hoa Kỳ với Philippines đã được Tối cao pháp viện Philippines thông qua, thì đâu dễ để một lời nói của ông Duterte xua tan. Cho dù nỗ lực giữ một thế cân bằng giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc, thì tổng thống Philippines cũng không thể nào loại bỏ hay rút lại những thỏa thuận hợp tác quốc phòng từ lâu nay giữa hai nước

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không thể cung cấp vũ khí cho Manila. Sẽ thật là khó xử cho Bắc Kinh, nếu như Philippines sử dụng vũ khí của Trung Quốc để tự vệ ở Biển Đông, chống lại tàu thuyền Trung Quốc.

Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc thì cho rằng, Philippines không đủ can đảm và nghị lực để dứt bỏ mối bang giao chiến lược với Hoa Kỳ. Do vậy theo chuyên gia này, ý định mua vũ khí của Trung Quốc được tổng thống Duterte nhắc tới, chẳng qua chỉ nhằm xoa dịu Bắc Kinh sau phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế bất lợi cho Trung Quốc về Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Singapore Oh Ei Sun cũng gắn liền ý định trang bị vũ khí Trung Quốc của Philippines với hồ sơ Biển Đông. Theo ông, căng thẳng trong khu vực vẫn chưa lắng dịu. Trước mắt cho dù Manila không lợi dụng phán quyết của Tòa án La Haye để khuấy động thêm tình hình, nhưng không có gì bảo đảm là một số các nước trong vùng, có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc sẽ không noi gương Philippines, kiện Bắc Kinh lấn chiếm Biển Đông hay nhờ quốc tế đứng ra làm trọng tài thay vì giải quyết song phương với Trung Quốc, như Bắc Kinh mong muốn.

Nguồn: REUTERS, RFI/Thanh Hà

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh