Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Nixon tìm cách phá hoại hòa đàm Việt Nam năm 1968?


Tin VOATiengViet.– Cựu Tổng thống Mỹ, Richard Nixon, từng yêu cầu một phụ tá bí mật tìm cách “phá hoại” cuộc đàm phán hòa bình ở Việt Nam trong những ngày cuối của chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1968 vì sợ rằng tiến bộ hướng tới chấm dứt chiến tranh sẽ gây tổn hại cho cơ may trở thành Tổng thống của ông, theo những ghi chú mới được phát hiện.

Trong một cuộc điện đàm với H.R. Haldeman, người mà sau này trở thành Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, ông Nixon đã chỉ đạo để cho một người trung gian thân hữu tiếp tục “thuyết phục” những nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa không đồng ý với một hiệp định hòa bình trước cuộc bầu cử, theo những gì mà ông Haldeman viết xuống.

Tác giả John Farrell phát hiện những ghi chú này tại Thư viện Tổng thống Nixon khi ông tìm tư liệu cho cuốn sách viết về cuộc đời của ông Nixon có nhan đề “Richard Nixon: The Life” sẽ được ấn hành vào tháng 3.

Trong bài bình luận đăng trên mục Sunday Review của báo The New York Times hôm 31 tháng 12 vừa qua, ông Farrell gọi điều mà ông phát hiện trong những ghi chú này là “hành vi phạm tội mà, với những mạng người gặp nguy và cả một thập niên tàn sát ở Đông Nam Á, có thể đồi bại hơn bất kỳ điều gì mà Nixon đã làm trong vụ Watergate.”

Nỗ lực bí mật của ban vận động tranh cử cho ông Nixon nhằm phá hoại sáng kiến hòa bình của Tổng thống Lyndon Johnson lâu nay vẫn gây nên nhiều tranh cãi và là đề tài nghiên cứu của giới sử gia. Trong những năm qua đã có kha khá bằng chứng cho thấy sự dính líu của ban vận động cho ông Nixon, nhưng những ghi chú của ông Haldeman dường như xác nhận những nghi ngờ từ lâu rằng ông Nixon đã can dự trực tiếp, dù sau này ông luôn một mực phủ nhận.

Là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa vào năm 1968, ông Nixon tin chắc rằng Tổng thống Johnson, người theo Đảng Dân chủ và đã quyết định không tái tranh cử, khi đó đang cố tình tìm cách phá hoại chiến dịch của ông bằng một nỗ lực hòa bình có động cơ chính trị chủ yếu là để tiếp sức cho ứng cử viên Dân chủ và cũng chính là Phó Tổng thống của ông, Hubert Humphrey.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, đội ngũ của ông Nixon duy trì một kênh liên lạc bí mật với Việt Nam Cộng hòa thông qua bà Anna Chennault, góa phụ của vị tướng lừng danh Claire Lee Chennault, lãnh đạo biệt đội Phi Hổ ở Trung Quốc thời Thế chiến thứ hai. Bà Chennault là người gây quỹ có tiếng cho Đảng Cộng hòa và là một thành viên của nhóm vận động hành lang Trung Hoa có lập trường ủng hộ Quốc Dân Đảng, với những mối quan hệ khắp Châu Á.

“Cứ để Anna Chennault thuyết phục SVN [Nam Việt Nam],” ông Haldeman ghi xuống theo chỉ đạo của ông Nixon vào ngày 22 tháng 10 năm 1968. “Có cách nào khác phá hoại nó không? Bất cứ điều gì mà RN [Richard Nixon] có thể làm.”

Khi Tổng thống Johnson phát hiện sự can dự của ông Nixon, ông ra lệnh cho FBI theo dõi hành tung của bà Chennault. Bà ấy “liên lạc với Đại sứ Việt Nam Bùi Diễm,” một bản báo cáo từ hoạt động do thám cho biết, “và cho ông ấy biết bà ấy đã nhận được thông điệp từ sếp của bà ấy… để đích thân trao cho ông đại sứ. Bà ấy nói thông điệp là… ‘Hãy chờ đợi. Chúng tôi sẽ thắng. …Xin nói với sếp của ông [Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu] là cứ chờ đợi.’”

VOA liên lạc với cựu Đại sứ Bùi Diễm nhưng ông nói không muốn khơi lại “chuyện cũ” mà ông cho biết đã được trình bày rất rõ ràng và chân thực trong cuốn hồi ký “Gọng Kìm Lịch Sử” xuất bản hồi năm 2000.

Ông viết ông đã “chết sững” khi hay tin báo giới Mỹ khi đó xôn xao về những thông tin trong những bức điện báo ngoại giao của ông gửi về Việt Nam bị rò rỉ mà ông nói bị “hiểu nhầm” là có sự thỏa thuận giữa ông Nixon và Việt Nam Cộng hòa cho một kế hoạch mà trong đó Việt Nam Cộng hòa sẽ trì hoãn các cuộc đàm phán ở Paris nhằm làm giảm uy tín của ông Humphrey và dồn số phiếu bầu cử về phía ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa, đổi lại, khi đắc cử Tổng thống Nixon sẽ ủng hộ Việt Nam Cộng hòa mạnh mẽ hơn.

Theo tường thuật của ông Bùi Diễm trong cuốn hồi ký, Tổng thống Thiệu “có rất nhiều lý do để chống đối những cuộc đàm phán mở rộng mà chẳng cần phải bàn luận với bất kỳ ai,” nhất là sau khi ông nhận được báo cáo từ đại sứ Phạm Đăng Lâm, trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam Cộng hòa tại Hòa đàm Paris, “về những diễn biến không thực sự đi sát với những điều Hoa Kỳ đã đề ra khi trước.”

William Bundy, một cố vấn đối ngoại của Tổng thống Johnson và Kennedy và là người chỉ trích Nixon kịch liệt, từng kết luận rằng cơ may đạt được một hiệp định hòa bình là rất mong manh. Do đó, theo ông Bundy, không thể nào xác định một cách chắc chắn rằng liệu một hiệp định hòa bình có thể đã đạt được hay không nếu không có sự can thiệp của ông Nixon.

Nhưng những ghi chú của ông Haldeman có lẽ phần nào làm sáng tỏ “bí ẩn” khiến vị cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa băn khoăn về vai trò của bà Chennault trong vụ việc này.

“Mặc dù đã biết rằng mình không hề có âm mưu gì mờ ám, tôi vẫn cảm thấy dường như có điều gì bí ẩn, nhất là vai trò của bà Anna Chennault,” ông viết trong cuốn hồi ký. “Tôi có cảm tưởng rằng bà đã tự mình có sáng kiến thúc đẩy phía Việt Nam Cộng hòa và ông Nixon vào con đường cứng rắn đối với cộng sản để thủ lợi cho Đảng Cộng Hòa.”

“[N]hững gì được gọi là mưu toan của bà Anna Chennault sẽ chỉ mãi mãi là bí ẩn của lịch sử,” ông Bùi Diễm viết 17 năm trước.

Sau khi li nhiệm, ông Nixon phủ nhận việc ông có biết về những thông điệp của bà Chennault gửi cho Việt Nam Cộng hòa trong những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 1968, mặc dù có bằng chứng cho thấy bà đã liên lạc với ông John Mitchell, người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Nixon và sau này trở thành Bộ trưởng Tư pháp.

Tác giả John Farrell cho biết những ghi chú của ông Haldeman thực ra đã được Thư viện Tổng thống Nixon công bố vào năm 2007, nhưng ông chỉ nhận thấy nội dung của những ghi chú này khi ông nghiên cứu tư liệu cho cuốn sách sắp ra mắt của ông.

Báo The New York Times dẫn lời ông Timothy Naftali, cựu giám đốc Thư viện Nixon, nói rằng những ghi chú này loại bỏ những nghi ngờ về sự dính líu của vị cựu Tổng thống.

“Hành động mờ ám này của ban vận động tranh cử cho Nixon tạo tiền đề cho những hành vi gian dối trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông ta,” ông Naftali nói.

Ông Richard Nixon là Tổng thống thứ 37 của Mỹ, bắt đầu nhiệm kỳ từ năm 1969 và kết thúc vào năm 1974 sau khi vụ bê bối nghe lén Watergate bị phanh phui. Ông là Tổng thống duy nhất từ chức trong lịch sử Hoa Kỳ.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

More Stories From Lịch Sử Cận Đại

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh