Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Giáo hội bảo vệ các nạn nhân ô nhiễm Formosa


Tin REUTERS, RFI.- Nhật báo công giáo La Croix hôm nay 09/01/2017 cho biết, giám mục và hàng giáo phẩm ở giáo phận Vinh từ sáu tháng qua đã sát cánh với các ngư dân và những người kinh doanh nhà hàng khách sạn ở Kỳ Anh. Họ không thể tiếp tục công việc lâu nay từ khi nhà máy thép Formosa Đài Loan gây ra thảm họa sinh thái.

Đặc phái viên của tờ báo tại Vinh mô tả một bức tường dài 10 kilomet, phía trên là hàng rào kẽm gai, điểm xuyết bằng những tháp canh, che khuất mọi tầm nhìn vào Formosa Ha Tinh Steel Corporation. Đó là một phức hợp luyện kim rộng mênh mông, do tập đoàn Đài Loan Formosa xây dựng từ năm 2009 dọc theo bờ biển của huyện Kỳ Anh. Linh mục Phêrô Trần Đình Lai thở dài : « Không ai được phép vào ». Ông là chánh xứ Đông Yên, giáo xứ Kỳ Anh mới, nơi cư ngụ của 5.000 gia đình ngư dân bị Formosa cưỡng chế đất.

Cha Phêrô Lai là một trong những người đầu tiên được các ngư dân trong giáo xứ báo động về tình trạng ô nhiễm biển hôm 06/04/2016, khi các lò luyện thép của Formosa chạy thử lần đầu tiên. Những ngày sau đó, hàng trăm ngàn con cá đã bị chết, không chỉ trên biển hay trên các bãi biển, mà cả tại các hồ nuôi cá vốn rất nhiều ở miền Trung Việt Nam. Cha Lai nói : « Chúng tôi không biết chất hóa học nào đã được đổ ngoài biển, chỉ biết rằng người thợ lặn được điều ra để kiểm tra ống xả thải từ Formosa ra biển đã bị tử vong ngay lập tức ».

Từ ngày 6/4, chính phủ Việt Nam không hề cho phép lấy mẫu hay phân tích hóa học, nên dân chúng chỉ có thể đưa ra những giả thiết nhằm lý giải thảm họa đại quy mô này. Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp của giáo phận Vinh ghi nhận : « Có lẽ là kim loại nặng và phénol, những chất này không thể được xả thẳng ra biển như thế ».

Bản thân đức giám mục Nguyễn Thái Hợp biết được về thảm họa này hôm 20/4, nhờ một bài viết can đảm trên Facebook, nay đã bị xóa. Vị giám mục kể lại : « Tôi đã đến hiện trường ít lâu sau khi các linh mục vùng này xác nhận sự kiện ». Hôm 27/4, lá thư đầu tiên của Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận Vinh đã được công bố, yêu cầu thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia quốc tế và cho tạm ngưng hoạt động nhà máy thép, đồng thời cấm bán các loại hải sản nhiễm độc.

Ngày 13/5, trong lá thư ngỏ thứ hai, đức giám mục Phaolô Hợp, đồng thời là chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhận định có khoảng « hai triệu người » bị mất nguồn thu nhập – đến nay đã chín tháng trôi qua : ngư dân, người bán tôm cá, người sản xuất muối, chủ các hồ nuôi cá, chủ nhà hàng, khách sạn…Ngài ghi nhận : « May thay, một số gia đình có con cái ở Sai Gòn hay ở nước ngoài gởi tiền về giúp ». Bản thân giám mục Nguyễn Thái Hợp đã tài trợ cho các thanh thiếu niên trong giáo phận mà gia đình không còn thu nhập nào.

Hậu quả cũng bi thảm đối với môi trường. Cha Phaolô Hợp nhấn mạnh : « Cần phải mất nhiều thập niên nữa, hệ sinh thái mới có thể phục hồi được ». Nhiễm độc kim loại nặng mang lại những hệ quả độc hại cho sức khỏe con người, vì những chất độc chết người này tập trung vào hệ thực vật và động vật biển.

Theo đức giám mục Phaolô Hợp và linh mục Phêrô Lai, « khoảng hai chục » người dân ở Kỳ Anh đã tử vong, sau khi ăn tôm cá đánh bắt được trong vùng, nhưng không thể cung cấp được con số cụ thể. Ngài cho biết : « Không thể tham khảo được bệnh án của những người đã chết trong năm tỉnh liên quan, đồng thời việc xét nghiệm máu những người này cũng bị cấm ».

Hồi tháng Năm, cha Phêrô Trần Văn Khuê, quản nhiệm giáo họ Phan Thôn và là cha tuyên úy tại các bệnh viện ở Vinh, đã được khẩn cấp mời đến để làm phép xức dầu thánh cho « một người đàn ông bị chứng khó tiêu, người nổi đầy mụn nhọt. Trước đó một hôm, bệnh nhân đã ăn một con tôm hùm lưới được ở gần Kỳ Anh. Người này sau đó đã tử vong ». Cha Phêrô Khuê càng bị sốc vì sự kiện này hơn do « chính quyền và các cơ quan truyền thông nói dối, lặp đi lặp lại là không còn nguy hiểm, người dân lại có thể tiêu thụ hải sản ».

Trước sự thụ động của chính quyền, giáo phận Vinh đã mời một ủy ban của Quốc hội Đài Loan sang Việt Nam. Tháng Tám, họ đã đến được tận Kỳ Anh và gặp gỡ các linh mục. Qua lời mời của đoàn dân biểu này, một linh mục ở Vinh vào đầu tháng 12 đã ra điều trần trước Quốc hội Đài Loan, nói rõ tình hình.

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp giải thích : « Chính quyền Đài Bắc tích cực giúp đỡ chúng tôi, vì tổng thống đương nhiệm rất quan tâm đến hình ảnh Đài Loan trên trường quốc tế, và Formosa đã từng gây ra các vụ ô nhiễm trong quá khứ ».

Kiến nghị buộc Formosa phải giải trình

Giáo phận Vinh còn đấu tranh trên mặt trận pháp lý, để mỗi người thất nghiệp bất đắc dĩ được bồi thường. Chính phủ bắt đầu phát tiền cho các ngư dân đang gặp khó khăn, nhưng không thể làm hài lòng cả hai triệu người. Về phía giáo phận đã thành lập một ủy ban trợ giúp các nạn nhân đối với những trường hợp cấp thiết nhất. Từ ngày 1 tháng Giêng, mỗi linh mục thuộc giáo phận Vinh bắt đầu cho chuyền tay một bản kiến nghị. Một khi thu thập được 150.000 chữ ký của người Việt, Quốc hội Đài Loan có thể triệu tập các lãnh đạo Formosa và buộc họ phải giải trình.

Nguồn: REUTERS, RFI/Thụy My

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh