Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đi châu Á, trấn an Việt Nam?


Tin VOA.– Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lên đường công du châu Á hôm nay, 1/2, để trấn an các quốc gia ở châu lục này, sau khi có nhiều quan ngại rằng Tổng thống Donald Trump sẽ tập trung “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, như khẩu hiệu tranh cử của ông, mà bỏ rơi châu Á. (hình trên: Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tại Lầu Năm Góc ở Thủ đô Washington, 21/1/2017.)

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Mattis trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, và ông cũng là thành viên nội các đầu tiên của ông Trump đi công du ngoài Hoa Kỳ.

Một quan chức trong chính quyền của ông Trump được Reuters dẫn lời nói rằng chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản lần này nhằm mục đích trấn an những ai “quan ngại về chuyện ông Trump sẽ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo mang tính truyền thống ở khu vực”.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump yêu cầu các nước, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc “trả chi phí” bảo vệ an ninh cho Mỹ, và thậm chí trong một cuộc phỏng vấn còn gợi ý rằng Nhật Bản nên có vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ chống mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), nhận định:

“Tôi không tin là Bộ trưởng Mattis sẽ khuyến khích hai nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Chúng ta muốn gởi tín hiệu đến cho cả hai nước rằng an ninh của họ liên quan mật thiết tới an ninh của Hoa Kỳ và đó là nghĩa vụ mà tất cả chúng ta phải hoàn thành.”

Chuyến công du Đông Á của Bộ trưởng Mattis diễn ra sau khi Tòa Bạch Ốc ngỏ ý sẽ tham gia sâu rộng hơn vào Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo và tranh chấp chủ quyền của các quần đảo như Trường Sa, với các nước láng giềng.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói: “Nếu các hòn đảo đó thực sự nằm trong các vùng biển quốc tế và không phải là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, thì chúng tôi chắc chắn sẽ bảo vệ lãnh hải quốc tế, không để cho một nước nào lấn chiếm.”

Bảo vệ theo ông Spicer sẽ như thế nào thì vẫn chưa được xác quyết, nhưng các chuyên gia như bà Bonnie Glaser kêu gọi nên cẩn trọng. Bà Bonnie Glaser: “Vạch ra những lằn ranh đỏ quá sớm trong khi ta chưa thể giữ được cam kết của mình, có thể khiến cho uy tín nước Mỹ bị phương hại.”

Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế, nhưng Hoa Kỳ vẫn tránh tiến vào các vùng nơi có tranh chấp lãnh thổ.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng chuyến đi cho thấy Mỹ “vẫn xem trọng”, “không bỏ rơi các đồng minh ở châu Á”, trong khi châu lục này đối mặt với “các thách thức”.

Theo ông Trường, chuyến công du của ông Mattis cũng “làm cho người ta yên tâm” rằng “ở vùng này không phải ai cũng có thể ‘múa gậy vườn hoang’ được”.

Dù Việt Nam không có trong lịch trình của ông Mattis, theo các nhà quan sát, chuyến đi này cũng sẽ khiến Hà Nội an tâm hơn về vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á.

Tiến sĩ Trường nhận định: “Việt Nam mong muốn các nước lớn có sự hiện diện cân bằng, ổn định, đối trọng lẫn nhau thì mới đảm bảo được hòa bình và ổn định ở khu vực. Việt Nam phải sử dụng các đòn bẩy chiến lược. Việc Mỹ, Nhật Bản có sự hiện diện mạnh ở khu vực này là giúp cho Việt Nam có được một vị thế ổn định và cân bằng để giữ được độc lập, tự chủ, hòa bình và ổn định cho chiến lược phát triển của Việt Nam. Việt Nam không đi với nước này chống nước kia, nhưng Việt Nam mong muốn các nước lớn giữ được sự hiện diện và cân bằng chiến lược giữa họ với nhau và với các nước trong khu vực”.

Chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về các động thái quân sự của Trung Quốc ở biển Đông. Căng thẳng dâng lên tuần trước sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ bảo vệ “lãnh thổ quốc tế” ở vùng biển tranh chấp này, khiến Trung Quốc đáp trả với tuyên bố có chủ quyền “không thể tranh cãi”.

Đích thân Tổng thống Trump từng chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, và ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng tuyên bố phải chặn Trung Quốc “tiếp cận các đảo nhân tạo” ở đó.

Theo cựu quan chức ngoại giao Việt Nam Nguyễn Ngọc Trường, những động thái của chính quyền của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc “rất thận trọng”, nhưng cũng “rất kiên quyết”.

Ông nói tiếp: “Biển Đông là một bộ phận không tách rời của chính sách châu Á của Mỹ được. Biển Đông chưa thể trở thành vấn đề nóng ngay. Biển Đông nóng hay lạnh, sự phát triển của nó như thế nào thì phải xem chính sách của Mỹ đối với biển Đông như thế nào. Chúng ta mới nghe nói những tuyên bố, chứ còn chúng ta chưa thấy hành động của Mỹ. Các nước có liên quan tới biển Đông đang chờ đợi xem bước đi tiếp theo của ông Trump sẽ là như thế nào, và cuộc cọ xát chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ tại biển Đông sẽ diễn ra như thế nào”.

Dẫn chuyện Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo ở tỉnh Hắc Long Giang, sát biên giới với Nga, được cho là nhắm vào Hoa Kỳ, nhà nghiên cứu này cho rằng “bố cục chiến lược của hai bên đã hình thành để đối phó với nhau”.

Sau khi ông Trump đắc cử hồi tháng 11 năm ngoái, giới quan sát cho rằng Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi các động thái của Hoa Kỳ nhằm tìm hiểu chính sách sắp tới của chính quyền Trump đối với Hà Nội.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh