Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Biển Đông: Việt Nam bắt đầu có chiến lược mới chống Trung Quốc


Theo các chuyên gia quân sự, đối sách chủ yếu chống Trung Quốc trên Biển Đông của Việt Nam gần đây là chiến lược gọi là sea denial – chống tiếp cận từ ngoài biển -nghĩa là dùng các phương tiện thông thường ngăn không cho lực lượng đối phương thâm nhập.

Tuy nhiên, trong bài phân tích đăng trên trang mạng tờ báo Mỹ The National Interest ngày 16/02/2017, chuyên gia về Hải Quân Đông Nam Á Koh Swee Lean Collin thuộc trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore cho rằng Hải Quân Việt Nam đã thay đổi đối sách để chuyển sang sử dụng chiến lược counter-intervention – chống can thiệp – mà chủ lực sẽ là 6 tàu ngầm lớp Kilo có trang bị tên lửa hành trình Klub-S đã được Nga bàn giao đầy đủ.

Với tầm bắn 300 km, loại tên lửa này – gọi là SLCM (sea launched land-attack cruise missile), phóng đi từ ngoài biển nhắm vào các mục tiêu trên bờ – có thể đánh vào các căn cứ và sân bay Trung Quốc, chẳng hạn như căn cứ hải quân gần Tam Á (Sanya) ở phía nam đảo Hải Nam, nơi tập trung chủ lực các lực lượng Trung Quốc phụ trách Biển Đông.

Bài báo mở đầu bằng nhận xét ca ngợi hai chiến thắng Bạch Đằng của người xưa trước quân Trung Quốc xâm lược.

Năm 1287, tướng Ô Mã Nhi của nhà Nguyên dẫn đầu một đạo quân hùng hậu cùng vô số chiến thuyền đến xâm lược nước Đại Việt (tức Việt Nam ngày nay). Với đội quân tiên phong thiện chiến người Mông Cổ, có vẻ như đây sẽ là một trận thắng dễ dàng của quân Nguyên. Nhưng thực tế lại ngược lại với trận hải chiến một năm sau đó. Ở cửa sông Bạch Đằng gần Vịnh Hạ Long, tướng Trần Hưng Đạo đã tái hiện lại trận đánh năm xưa của Ngô Quyền chống quân xâm lược Nam Hán năm 938.

Theo cách đánh của Ngô Quyền, tướng Trần Hưng Đạo đã cho cắm các cây cọc đầu bọc sắt ở dưới lòng ba phụ lưu con sông, và chờ lúc thủy triều lên cao thì dụ chiến thuyền Mông Cổ tiến vào vùng nước nông. Khi thủy triều rút xuống, chiến thuyền Mông Cổ đã bị cọc sắt đâm vào làm mắc cạn. Những chiến thuyền nhỏ của quân Đại Việt khi đó bắt đầu tiến ra vây quanh đội chiến thuyền của Mông Cổ và ồ ạt phóng hỏa đốt cháy các chiến thuyền của quân địch bị bất động. Trận Bạch Đằng là một thất bại nặng nề của hạm đội xâm lược của nhà Nguyên.

Theo tác giả bài nghiên cứu, nếu chiến thắng năm 938 góp phần kết thúc thời kỳ Trung Hoa đô hộ Đại Việt lần thứ nhất, thì chiến thắng hải quân năm 1288 không làm thay đổi quan hệ song phương, với việc nhà Trần chấp nhận bá quyền của nhà Nguyên cho đến khi đế chế này bị lật đổ.

Theo The National Interest, trận Bạch Đằng là một ví dụ hiếm hoi về cách Việt Nam vận dụng các chiến thuật chủ yếu trên bộ để dùng vào một trận hải chiến. Cũng đáng ghi nhận là trận Bạch Đằng diễn ra ở vùng nước gần bờ của Việt Nam, thay vì là vùng biển khơi trên Biển Đông, nơi mà chiến thuyền Mông Cổ chắc chắn có thể chiến đấu hiệu quả hơn.

Chiến lược chống tiếp cận trên biển

Đối với tờ báo Mỹ, cũng dễ hiểu là vì sao mà vào năm 1988, Việt Nam đã bị Trung Quốc đánh bại trong một trận hải chiến trên biển khơi ở khu vực quần đảo Trường Sa. Vào lúc đó, Hải Quân Trung Quốc đã cho thấy là họ hơn hẳn Hải Quân Việt Nam, chưa quen với các trận đánh ngoài biển khơi, đồng thời cũng bị lấn át về quân số và vũ khí.

Trận chiến năm đó là một nỗ lực nhằm ngăn không cho Trung Quốc xâm phạm quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên vì chiến đấu quá xa bờ, lại không được tiếp viện kịp thời và đầy đủ, kết quả của trận đánh đã được an bài một cách nhanh chóng và dứt khoát.

Việt Nam đã bị Trung Quốc cướp lấy một số đảo đá sau trận hải chiến đó, và đối với giới lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam, việc giành lại các thực thể đó là điều không cần phải bàn cãi.

Theo tờ báo Mỹ, Việt Nam đã nhận thức được những hạn chế về mặt hải quân của mình và thừa biết là không thể nào tái lập chiến công hiển hách của người xưa. Do đó, căn cứ vào tình trạng bất đối xứng về lực lượng ngày càng sâu đậm với Trung Quốc, Việt Nam đã phải thực thi chiến lược chống tiếp cận trên biển – sea denial.

Về cơ bản, chiến lược chống tiếp cận trên biển nhằm việc ngăn chận hay phá vỡ đường tiến của đối phương vào các vùng biển có liên quan, đồng thời không để cho đối thủ được tự do hành động trong cùng một khu vực.

Chuyên gia Đài Loan Ngô Thượng Tô (Wu Shang-su) chẳng hạn, đã cho rằng vì ít có khả năng chiến thắng trước đối thủ Trung Quốc (mạnh hơn gấp bội nếu đối đầu trực diện), nên Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng chiến lược chống tiếp cận trên biển.

Đồng thời yếu tố tài chính cũng buộc Việt Nam phải hành động như vậy vì Việt Nam tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội theo chủ trương Đổi Mới thực hiện từ đầu những năm 1990 (cũng là thời điểm quân đội Việt Nam tinh giản biên chế). (…)

Việt Nam cải tiến chiến lược

Tuy nhiên, chuyên gia trên tờ The National Interest nhận định, sẽ hết sức sai lầm khi cho rằng Việt Nam dễ cam chịu. Việt Nam từ lâu đã nhận thức được những giới hạn trong chiến lược chống tiếp cận trên biển kiểu truyền thống, và do đó đã tìm cách cải tiến chiến lược để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc dùng quân sự xâm lược trên Biển Đông.

Theo National Interest, vào lúc Hải Quân Việt Nam vừa nhận được đầy đủ 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga và sắp sửa vận hành được một đội tàu ngầm hoàn chỉnh trong năm 2017, mọi người vẫn nghĩ rằng chiến lược hải quân đặt trọng tâm vào việc chống tiếp cận trên biển của Việt Nam vẫn đang được áp dụng.

Xây dựng lực lượng phản công

Đối với nhà nghiên cứu Koh Swee Lean Collin, quả đúng là tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm quy ước, thường được gắn với một chiến lược chống tiếp cận, tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam, cần phải nhìn xa hơn bình thường. Cả 6 chiếc tàu không chỉ được trang bị bằng các loại vũ khí chống tiếp cận truyền thống như ngư lôi và thủy lôi chẳng hạn, mà còn có tên lửa hành trình hải đối địa Klub-S – tên tắt tiếng Anh là SLCM (sea launched land-attack cruise missile), có thể bắn trúng mục tiêu cách xa đến ba trăm cây số…

Nhà quan sát kỳ cựu về quân đội Việt Nam Carlyle Thayer đã cho rằng loại tên lửa này của Việt Nam sẽ được dùng để tấn công các cảng và các sân bay Trung Quốc, chẳng hạn như căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam, hơn là nhắm vào các thành phố trải dọc theo bờ biển phía nam lục địaTrung Quốc.

Vai trò lực lượng phản công này vẫn phù hợp với chiến lược phòng thủ răn đe của Hà Nội, nhưng việc có thêm một khả năng tấn công như vậy rõ ràng là một bước chuyển ra khỏi chiến lược chống tiếp cận trên biển.

Người Việt Nam không thể hy vọng ngăn chặn sự xâm lăng của Trung Quốc nếu không có phương tiện bắt Bắc Kinh trả giá đắt, như nguy cơ lực lượng Hải Quân tiền phương của Trung Quốc ở Tam Á bị tiêu diệt chẳng hạn. (…)
Vào lúc này, Việt Nam chưa có năng lực tấn công Trung Quốc sâu trong đất liền. Tuy nhiên, sự thiếu hụt đó không cản trở khả năng phản công của Việt Nam chống lại các mục tiêu ven biển.

Căn cứ Hải Quân Tam Á của Trung Quốc chẳng hạn, có thể bị tấn công một cách dễ dàng bằng các loại tên lửa bay trên mặt nước không cần đến hệ thống định vị vệ tinh tinh vi mà Việt Nam chưa có. Và Hà Nội đã chú ý đến việc tăng cường khả năng trừng phạt Bắc Kinh và bắt Trung Quốc trả giá nặng nề nếu xâm lăng Việt Nam. Vào tháng 9 năm 2014, một quan chức quân sự ở Hà Nội nhận xét rằng tầu ngầm Kilo không phải là vũ khí duy nhất của Việt Nam, mà chỉ là một phần trong số vũ khí mà Việt Nam đang phát triển để bảo vệ tốt hơn chủ quyền của mình.

Vì vậy, để đạt mục tiêu đó, Việt Nam đã có thêm những động thái nhằm định hình một chiến lược chống can thiệp mạnh mẽ hơn, phản ánh sự rời xa cách chống tiếp cận trên biển truyền thống. Ví dụ, thủy quân lục chiến Việt Nam đã tập trận « tái chiếm đảo », tại khu vực quần đảo Trường Sa, điều không thể tưởng tượng được từ năm 1988.

Trong tháng 5 năm 2016, có tin là Việt Nam đã đàm phán với Nga để mua thêm một cặp chiến hạm Gepard 3.9 được trang bị tên lửa dẫn đường. Điều đặc biệt của thương vụ này các các chiến hạm mới đó sẽ được trang bị tên lửa hành trình Klub. Việt Nam có lẽ lấy cảm hứng từ sự kiện các hộ tống hạm cùng cỡ với loại Gepard 3.9 trong Tiểu Hạm Đội Caspi của Nga, đã phối hợp tốt với tàu ngầm Rostov-on-Don thuộc lớp Kilo để phát động thành công những cuộc tấn công bằng tên lửa hải đối địa.

Tóm lại, theo nhà nghiên cứu Koh Swee Lean Collin, để đối phó với tiềm lực quân sự to lớn của Trung Quốc, Việt Nam đang từng bước chuyển hướng chiến lược, từ chống tiếp cận trên biển qua một chiến lược mới sẽ làm tăng chi phí mà Trung Quốc phải trả cho hành động xâm lăng của họ. Việc hoàn chỉnh hạm đội tàu ngầm của Việt Nam vào năm 2017 này chỉ là bước quan trọng đầu tiên theo hướng đó.

Nguồn: The National Interest, RFI

Tags: ,

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh